3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran
     
     
     
     


     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

     

    04.08.22  THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 18 TN

    Thánh Gio-an Ma-ri-a Vi-a-nê, linh mục

    TIN MỪNG Mt 16,13-23

    CHÚA CHỌN ĐÁ

     “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18)

     

    Suy niệm/SỐNG: Vẫn biết đá là một vật rắn, nhưng khi xây một công trình, kiến trúc sư phải chọn đá tuỳ theo tuổi thọ của công trình. Muốn cho công trình càng bền vững, càng phải chọn những loại đá rắn chắc tương xứng.

       Đây là yếu tố mà dường như khi xây toà nhà Hội thánh Đức Giê-su không chú ý đến. Ngài muốn tuổi thọ của Hội Thánh phải cho đến tận thế, ấy thế mà Chúa lựa chọn “đá” Phê-rô làm nền!

       Phê-rô nhiều khuyết điểm, thiếu trung thành, làm sao bảo đảm cho Hội Thánh bền vững và quyền lực của tử thần sẽ không thắng được? Biết thế, nhưng chắc một điều, đó là Chúa không bao giờ sai lầm khi chọn Phê-rô. Không phải vì ông xứng đáng, cho bằng Phê-rô xứng đáng vì nhờ Chúa cho xứng đáng.

       “Tảng đá” Phê-rô càng trở nên vững chắc, làm nền tảng cho Hội Thánh, bao lâu Phê-rô càng biết tựa vào “đá góc tường” của Hội Thánh là Đức Giê-su Ki-tô.

    Mời Bạn CHIA SẺ: Lắm khi ta đóng vai người đứng ngoài Hội Thánh, chỉ biết trách móc, chê bai cộng đoàn mình đang sống mà không một lời cầu nguyện hay đóng góp xây dựng cộng đoàn, hoặc chỉ chờ đợi cộng đoàn lên tiếng trước xin bạn thi ân.

       Bạn vẫn nhớ Chúa chọn bạn làm một trong những viên đá để xây dựng toà nhà Hội Thánh Chúa đó chứ?

    Sống Lời Chúa: Bạn dâng một Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, Đức giám mục và Cha quản xứ của bạn. Xin Chúa ban cho các ngài những ơn mà bạn thấy khó chịu vì các ngài đang thiếu.

    Cầu nguyện: Hát “Này con là Đá”. VỚI CẢ TÂM HỒN.

     gpmytho



     

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THÁNH GIOAN VIANNEY - LM ĐINH TẤT QUÝ

  •  
    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA

    Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở

    Tin mừng: Mt 9, 35-10,1

    Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.

    Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.

    Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.

     

    Suy niệm: (Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

    Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Gioan Maria Vianney. Đây là một vị đại thánh của Giáo Hội.

    Thánh Gioan Maria Vianney, sinh ngày 8 tháng 5 năm 1786 tại Lyon nước Pháp và sau bao nhiêu khó khăn gian khổ, Gioan Maria Vianney được chịu chức linh mục và được giao phó nhiệm vụ làm cha sở họ Ars, một giáo xứ vừa nghèo vừa khô khan nguội lạnh. Cha Gioan Maria Vianney đã lãnh nhận giáo xứ này với tinh thần vâng phục cao độ. Ngài quả là vị mục tử gương mẫu. Cuộc đời của ngài là cuộc đời chỉ biết lo cho việc loan báo Lời Thiên Chúa, giải tội, cầu nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn mặt ngài rạng rỡ khác thường, nhờ tình yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà ngài đem hết lòng sốt sắng để vừa cử hành, vừa thờ phượng.

    Khi mới 8 tuổi ngài mới học đọc và biết viết. Vì nhà nghèo nên được cha sở nuôi dạy, và sau đó đã đưa ngài vào chủng viện. Vào trong chủng viện ngài không học được gì cả.

    Ngày kia, một giáo sư thần học, thừa lệnh Đức Giám mục đến khảo sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức Linh mục không. Nhưng Vianney không thể trả lời câu nào.

    Nổi nóng, vị giáo sư đập bàn, nói: “Vianney, anh dốt đặc như con lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội hy vọng làm nên trò trống gì!”

    Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời: “Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại 3000 quân Philitinh. Vậy với cả một con lừa này, chẳng lẽ Thiên Chúa không làm được việc gì sao ?”

    Cuộc cách mạng 1789 bùng nổ khiến thầy Vianney phải bỏ dở việc học. Nhưng sau đó thầy tìm hết cách để tự học dưới sự dìu dắt của cha xứ. Nhưng khổ thay, học mấy cũng chẳng nhớ. May lúc ấy địa phận gặp phải cảnh khan hiếm linh mục nên Vianney được bề trên gọi về để khảo hạch. Và lẽ dĩ nhiên là lần nào Vianney cũng trượt.

    Vianney không nản lòng, cứ tiếp tục học. Cuối cùng, bề trên thấy thầy bền chí quá bèn gọi cha xứ đến để hỏi về thầy:

    - Thầy có lòng đạo đức không ?

    - Thưa có.

    - Thầy có kính mến phép Thánh Thể ?

    - Thưa có.

    - Thầy có siêng năng lần hạt không ?

    - Thưa có.

    Cha chính quyết định: “Thôi, cho thầy chịu chức vì thầy bền chí, chứ nếu cứ khảo hạch mãi thì không bao giờ đỗ được”.

    Như vậy thầy Gioan Maria Vianney được làm Linh mục là nhờ “phép chuẩn”. Vì tuy học hành kém cỏi, đầu óc mù tịt, nhưng nhờ có lòng đạo đức và sự bền chí mà ngài đã được thụ phong Linh mục. Nhưng khi ngài làm Linh mục rồi, Chúa đã ban cho ngài rất nhiều ơn đặc biệt đề cứu các linh hồn, đến nỗi một lần kia, quỷ Satan đã phải nói với ngài: “Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao đành phải thất nghiệp mất”.

    Nhìn vào “cuốn tự điển cuộc sống” của thánh Vianney, người ta đọc thấy toàn là những chữ: ăn chay, hãm mình, đền tội, khổ hạnh... Nhìn vào gương mặt của ngài, người ta cũng gặp thấy toàn là những nét: gian truân, khắc khổ, lao nhọc, đau thương... Thế nhưng, trong con người ấy lại chói ngời một quả tim luôn tươi vui, từ ái và yêu thương đối với hết mọi người.

    Hằng ngày, vào khoảng 12 giờ, cha Vianney rời nhà thờ và trở về nhà xứ để ăn trưa. Đến một giờ, ngài lại vào toà giải tội và ngồi ở đó mãi cho đến tối. Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi vắn vòi ấy, cha Vianney phải tranh thủ để làm nhiều bao công việc. Thường khi ăn cơm bao giờ ngài cũng đứng, vì ngồi thì sợ sẽ kéo dài giờ ra. Vừa ăn xong, ngài vội đi thăm các trẻ mồ côi, các em mẫu giáo... Ai cũng thấy ngài vui tươi âu yếm và sung sướng giữa những tâm hồn đơn sơ ấy. Từ giã các em, ngài rảo bước đến nhà các kẻ ốm liệt; gặp ai dọc đàng, ngài cũng ủi an thăm hỏi. Các gia đình đều mong cha sở đến thăm, vì đối với họ, dường như nơi ngài tàng ẩn một niềm vui không bao giờ cạn. Lúc trở lại nhà thờ ngài thường trao đổi một vài lời vắn tắt, có lúc rất dí dỏm, hài hước với các khách hành hương đang đứng trước sân nhà thờ chờ đến lượt vào toà xưng tội.

    Lần nọ, cha Vianney gặp một bà trong xứ đến chào ngài. Biết rõ bà là người thật lắm mồm lắm mép, ăn nói huyên thuyên suốt ngày, ngài liền hỏi:

    - Trong suốt năm, có tháng nào con nói ít hơn mọi tháng không ?

    Bà ta bỡ ngỡ, ấp úng thưa:

    - Thưa cha, con thì quen thói rồi, tháng nào cũng nói như nhau cả.

    - Không, có một tháng con nói ít hơn, con biết tháng nào không ?

    Bà ấy ngẩn ngơ:

    - Tháng nào thưa cha ?

    - Tháng Hai dương lịch, vì tháng đó chỉ có 28, 29 ngày thôi.

    Ai nấy cười phá lên. Ngài vội vã bước vào toà giải tội.

    Lần khác, cha Vianney thấy ở trước sân nhà thờ có một quầy hàng bán chuỗi, tượng ảnh và có cả hình của ngài nữa. Ngài bèn dừng lại, cầm lấy tấm hình của mình đưa lên cao cho mọi ngài xung quanh coi và nói:

    - Thiên hạ dại dột thật. Cái hình nhăn nheo như con khỉ khô thế này mà cũng phải mua mất một đồng quan!

    Các người chung quanh được dịp cười bể bụng vui vẻ. Cha Vianney cũng cười theo, trả tấm ảnh lại rồi bước vào nhà thờ.

    Về sau, Vianney đã trở thành một vị thánh thời danh, thu hút nhiều tâm hồn trở về với Chúa.

    Đời sống thánh Gioan Maria Vianney quả là một tấm gương hy sinh vì Chúa và các linh hồn, đúng như lời thánh nhân thường nói: “Hạnh phúc cho một vị linh mục được chết kiệt sức vì phục vụ Chúa và các linh hồn.” Hạnh phúc ấy đã đến với thánh Gioan Maria Vianney vào ngày 2 tháng 8 năm 1859. Thánh nhân lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân và Bí tích Thánh Thể, ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa quảng đại quá khi con không đến với Chúa được, thì Chúa đến với con”. Ngày 4 tháng 8 năm 1859, khi vị linh mục đọc kinh cầu nguyện cho người hấp hối đến câu: “Xin các thiên thần Chúa đến rước linh hồn Gioan vào thành thánh Giêrusalem”, thánh nhân trút hơi thở cuối cùng một cách êm ái. Ngài hưởng thọ 73 tuổi; làm cha sở họ Arc được 41 năm.

    Tin thánh Gioan Maria Vianney qua đời đã lôi kéo cả một biển người đổ xô về giáo xứ Arc. Đoàn người đông đảo đã đi qua trước xác thánh nhân suốt 48 tiếng đồng hồ.

    Đức Giám mục giáo phận đã đến chủ sự Thánh lễ an táng và giảng thuyết: ngài nhấn mạnh rằng bao thế kỷ mới được thấy một cuộc đời linh mục như Thánh Gioan Maria Vianney. Thánh nhân được an táng trong nhà nguyện thánh Gioan Tẩy Giả, bên cạnh toà giải tội mà người ta đã gọi là “phép lạ lớn nhất ở Arc”.

    Từ ngày ấy, biết bao nhiêu Hồng Y, Giám mục, linh mục đã đến quỳ cầu nguyện và đặt những cái hôn thành kính lên viên đá mộ thánh nhân. Ngày 31 tháng 5 năm 1925, thánh Gioan Maria Vianney được tuyên Hiển Thánh; và năm 1929, thánh nhân được đặt làm thánh bổn mạng các linh mục chính xứ trên toàn thế giới.

    Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, Chúa đã làm cho thánh linh mục Gioan Maria nên một tấm gương tuyệt vời về lòng tận tụy hy sinh của một người mục tử. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho chúng con hằng noi theo lòng bác ái của ngài mà cố gắng đem nhiều anh em về với Đức Kitô để muôn đời cùng nhau hưởng nguồn vinh phúc.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

ỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA - THỨ TƯ

  • Chi Tran
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    03.08.22  THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 18 TN

    TIN MỪNG Mt 15 ,21-28

    SỰ LIÊN HỆ CỦA CÁC NHÂN ĐỨC

     “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy.” (Mt 15,28)

    Suy niệm/SỐNG: Người đàn bà xứ Ca-na-an, là người dân ngoại, nhưng bà có một đức tin mạnh mẽ đặc biệt. Bà tin Đức Giê-su là con vua Đa-vít, là Đấng hay thương xót.

       Bà cũng tin Đức Giê-su có quyền năng trừ quỷ. Điều khác biệt là bà thể hiện niềm tin một cách khiêm nhường. Là một người dân ngoại, bà đã hạ mình xin Đức Giê-su – một người Do Thái – trừ quỷ cho con bà.

       Bà khiêm nhường ngay cả khi bà bị xúc phạm, bị sánh ví thua cả một con chó con! Bà đến với Đức Giê-su bằng đức tin và bằng cả đức khiêm nhường. Nhờ đó lời cầu xin của bà được Chúa chấp nhận và điều kỳ diệu nhất đã xảy ra: Chúa trừ quỷ cho con gái của bà. Bà được toại nguyện. Quả là đức tin và đức khiêm nhường đã song hành với nhau.

    Mời Bạn CHIA SẺ:  1/ Các kinh sư và người Pha-ri-sêu đúng là có tin vào Thiên Chúa, thế nhưng họ kiêu căng và thiếu “công lý, lòng nhân và thành tín” (Mt 23,23).-Đức Giê-su gọi thế là giả hình. 2/ Không thể chỉ tin mà thiếu khiêm nhường hay những nhân đức khác. Các nhân đức có liên quan và hỗ trợ cho nhau. Nhân đức này mạnh mẽ, sẽ kéo theo nhân đức khác vững mạnh thêm, và ngược lại.  3/ Vì thế, khi tập nhân đức này, chúng ta cũng cần để ý tới những nhân đức khác.

    Sống Lời Chúa: Mỗi khi làm một việc với tinh thần đức tin, như khi làm dấu thánh giá, hãy thể hiện với tâm tình của người khiêm nhường.

    Cầu nguyện VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN: 

    Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con đức tin và Chúa cũng muốn cho chúng con được vững mạnh thêm về các nhân đức khác. NHỜ THÁNH THẦN THÚC ĐẨY, CON QUYẾT TÂM phát huy đức tin thì đồng thời cũng chú ý phát triển các nhân đức khác.

     gpmytho

     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN - CN19TN-C

  •  
    Song Loi Chua
     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM C (7/8/2022)

    SỰ TRUNG TÍN CỦA NGƯỜI QUẢN GIA

    [Kn 18,6-9; Dt 11,1-2.8-19; Lc 12,32-48]

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Xã hội loài người ngày nay nói chung và xã hội Việt Nam hiện nay nói riêng, đầy dẫy những kẻ không chu toàn trách nhiệm của mình, dù trách nhiệm ấy được hiểu là do Thiên Chúa hay do Tổ Quốc hay nhân dân giao phó. Trong nhãn quan Ki-tô giáo thì mỗi người -Ki-tô hữu hay không Ki-tô hữu- sống trên cõi đời này chỉ là những người QUẢN GIA chứ không phải là CHỦ NHÂN ÔNG đối với của cải, sức khỏe, tài năng, cơ hội, điều kiện, chức vụ của người ấy. Chính THIÊN CHÚA và chỉ một mình THIÊN CHÚA mới là ông chủ đích thực của tất cả, kể cả sự hiện hữu, của tạo vật và con người.

    Và điều hiển nhiên là Thiên Chúa mong đợi nơi mỗi người QUẢN GIA là LÒNG hay SỰ TRUNG TÍN như Chúa Giê-su nhắn nhủ trong Tin Mừng Lc 12,32-48.

    Người quản gia trung tin sẽ sống khôn ngoan và tỉnh thức: biết đầu tư vốn liếng được giao vào đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm và luôn sẵn sàng ngóng chờ ông chủ trở về để hoàn lại những gì ông chủ đã giao cho mình.

    II. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Kn 18,6-9): "Như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng đã làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy" Chính đêm ấy, cha ông chúng ta đã biết trước, để biết chắc mình đã tin tưởng vào lời thề nào mà được can đảm. Dân Chúa đã mong đợi sự giải thoát những người công chính và sự tiêu diệt kẻ thù. Vì như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng kêu gọi để làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy.

    Vì những con cái thánh thiện của các tổ phụ tốt lành đã lén lút tế lễ, và đồng tâm thiết lập luật thánh thiện, ấn định rằng những người công chính sẽ đồng hưởng vinh nhục, may rủi đều nhau; như vậy là họ đã xướng lên trước bài ca tụng của các tổ phụ.

    2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Dt 11,1-2.8-19):  "Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập" Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt.

    Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập.

    Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Đấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

    Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận rằng mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chứng tỏ rằng mình đang đi tìm quê hương. Giá như họ còn nhớ đến quê hương dưới đất mà họ đã lìa bỏ, chắc họ có đủ thời giờ trở về. Nhưng hiện giờ họ ước mong một quê hương hoàn hảo hơn, tức là quê trời. Vì thế, Thiên Chúa không ngại để họ gọi mình là Thiên Chúa của họ, vì Người đã dọn sẵn cho họ một thành trì.

    Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Abraham đã dâng Isaac. Ông hiến dâng con một mình, ông là người nhận lãnh lời hứa, là người đã được phán bảo lời này: "Chính nơi Isaac mà có một dòng dõi mang tên ngươi". Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã đón nhận con ông như một hình ảnh.

    Hoặc bài vắn này: Dt 11, 1-2, 8-12

    Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt.

    Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập.

    Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Đấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

     

    2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 12,32-48): "Các con hãy sẵn sàng" Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.

    "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

    Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".

    Hoặc bài vắn này: Lc 12, 35-40

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh     

    3.1.1 Bài đọc 1 (Kn 18,6-9) là trích đoạn của Sách Khôn Ngoan nhắc đến đêm cứu thoát, đêm mà toàn dân Israel được Thiên Chúa cứu thoát khỏi cảnh nô lệ Ai-cập. Nhận thức được ơn trọng đại của Thiên Chúa, con cái Israel chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa và sống với nhau như những người anh em ruột thịt “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia”.

    Trong đoạn Sách Kn 18,6-9 trên chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng trung tín trong lời hứa và quyền năng trong hành động. Vậy thì tại sao chúng ta không tin tưởng, cậy trông và phó thác tất cả cho Ngài? Tại sao chúng ta không tán tụng, ngợi khen Thiên Chúa?    

    3.1.2 Bài đọc 2 (Dt 11,1-2.8-19) là những lời trình bày của Thánh Phaolô với những  người Do-thái là đồng chủng và đồng hương của ngài về bài học lòng Tin của Tổ Phụ Abraham và của Sara, vợ ông. Nhờ lòng tin mạnh mẽ ấy của hai người mà Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu cho hai ông bà và cho dòng dõi của hai ông bà.

    Trong đoạn thư gửi tín hữu Dt 1-2.8-19 trên chúng ta thấy Thiên Chúa không bao giờ nói xuông hay nói để đấy. Trái lại Thiên Chúa thực hiện lời Người nói và thực hiện trên mức mà con người có thể nghĩ ra. Điều ấy đúng trong trường hợp của Abraham thì cũng đúng trong mọi trường hợp tương tự. 

    3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 12,32-48) là những lời căn dặn của Chúa Giêsu về sự tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa và về sự thức tỉnh trong cuộc sống. Tin tưởng phó thác để không bám víu vào những thứ chóng qua và hư nát, không tự cột chặt mình vào những ấy. Động lực để tin tưởng là Thiên Chúa đã ban Nước của Người cho chúng ta. Thức tỉnh để lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng với Thiên Chúa, sẵn sàng trong giờ phút gặp gỡ “lịch sử” giữa Thiên Chúa và mỗi người. Động lực thúc đẩy chúng ta thức tỉnh là chắc chắn Chúa Ki-tô sẽ xuất hiện và Người xuất hiện vào lúc bất ngờ nhất!

    Trong Bài Phúc Âm Lc 12,32-48 chúng ta khám phá ra Chúa Giêsu là Đấng Công Minh Chính Đại. Nói cách bình dân là Chúa Giêsu đối xử rất đẹp (fair-play) với chúng ta. Chúa Giêsu nói rõ với chúng ta về “sự xuất hiện” của Người. Chúa Giêsu còn cảnh báo là Người sẽ đến bất thình lình để chúng ta không bị bất ngờ. Chúa Giêsu còn fair-play hơn nữa trong việc ban thưởng cho những người tỉnh thức: “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”.

    3.2 Sứ điệp của Lời Chúa      

    Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được gói gọn trong hai lời này: “Anh em hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời" và "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”.

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng giầu có tột cùng nhưng đã chia sẻ với tạo vật và loài người sự giầu có của mình bằng cách ban Con Một cho loài người để dậy chúng ta biết con đường hạnh phúc thật.    

     

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

    “Những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời”

    - là những thứ có giá trị thật sự và lâu bền như tấm lòng và hành động hiếu thảo đối với Thiên Chúa;

    - là tấm lòng và hành động yêu thương bác ái đối với tha nhân;

    - là nếp sống trong sạch, thanh bần, hy sinh từ bỏ và dấn thân vì Nước Trời.

    “Thắt lưng cho gọn”

    - là sống siêu thoát (không vướng bận, không dính bén) đối với của cải, chức quyền, danh vọng, lạc thú trần gian.

    “Thắp đèn cho sáng”

    - là sống tỉnh thức, nhiệt thành, sốt sáng và sẵn sàng nghênh đón Chúa Ki-tô vào bất cứ thời điểm nào.  

    Lời Chúa hôm nay mời tôi nhìn vào tâm hồn và cách sống của mình xem hằng ngày: 

     “Tôi có sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời không? và tôi có luôn sống siêu thoát, khó nghèo và tỉnh thức để nghênh đón Chúa Ki-tô không?

     

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Anh em hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Anh em hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời.» Trong thế giới ngày nay có không biết bao người say sưa chạy theo của cải vật chất và quyền lực mà không ý thức được rằng đó chỉ là những thứ chóng qua và có thể nguy hiểm cho phần rỗi của họ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người ấy biết tỉnh thức và giác ngộ kịp thời để không bị khốn khổ đời đời.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.2 «Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu để mọi thành phần Dân Chúa tự nguyện sống siêu thoát và khó nghèo để được vào Nước Thiên Chúa.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.3 «Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn!» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi giáo dân nam nữ, già trẻ lớn bé biết tỉnh thức và sẵn sàng chờ đón Thiên Chúa xuất hiện.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.4 «Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người có chức  quyền, có tiền của và tài năng, trong đạo cũng như ngoài đời, để họ biết đáp trả và đền ơn Đấng đã giao phó cho họ tất cả những gì họ đang có, bằng cách đem chức quyền, tiền của và tài năng ấy ra phục vụ Thiên Chúa và đồng loại.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    Sàigòn ngày 3 tháng 8 năm 2022

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.              

     

     

     

    --

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BA

  • LM MINH ANH-
    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA
     
     
    Thứ Ba, Tuần XVIII Thường Niên, Năm Chẵn  
    -  Gr 30, 1-2. 12-15. 18-22  -  Mt 14, 22-36
     

    HỌC CÁCH TẬN HƯỞNG SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA

    Giải tán họ xong, Ngài lên núi cầu nguyện một mình”.

    Theo Mark Twain, “‘Nửa đầu’ cuộc đời bao gồm khả năng tận hưởng mà không có cơ hội; ‘nửa cuối’ cuộc đời bao gồm cơ hội mà không có khả năng tận hưởng!”. Nhưng theo một nhà tu đức, “Tốt nhất, dù là ‘nửa đầu’ hay ‘nửa cuối’, bạn hãy ‘học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa!’”. 

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời Chúa hôm nay nói đến việc ‘học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa’; nói cách khác, *TÔI CẦN học cách cầu nguyện CỦA CHÚA,- RIÊNG MỘT MÌNH -- TỐI ĐẾN CHÚA VẪN CẦU NGUYỆN MỘT MÌNH (CÂU 23) “dù là ‘nửa đầu’ hay ‘nửa cuối’ cuộc đời!”. Nhưng thật thú vị, bên cạnh đó, Lời Chúa còn nói đến cô đơn! Cô đơn và cầu nguyện thường đi liền nhau. Ai biết ở lại trong Thiên Chúa, phó mình cho Ngài, người ấy không bao giờ cô đơn, bởi luôn có Chúa đồng hành.-

    * CÙNG HÁT : XIN BAN THÊM NIỀM TIN, ĐỂ CON THẤY CHÚA LUÔN ĐỒNG HÀNH, XIN BAN THÊM SỨC MẠNH, ĐỂ CON THẮNG VƯỢT NGÀN GIAN NAN..."

    *Tin Mừng tiết lộ, sau khi giải tán đám đông,(CÂU 22) Chúa Giêsu một mình lên núi để cầu nguyện. Ngài sẵn sàng rời bỏ sự phấn khích, thán phục của dân chúng dành cho ‘người đãi bánh’ thần kỳ; Ngài tìm nơi cô tịch hầu có thể một mình tâm sự với CHÚA Cha. Ở trong im lặng mà không có người khác, có thể nhanh chóng dẫn đến một sự cô đơn nhất định và nội tâm thì trống rỗng; và người ta có thể cảm thấy bị thôi thúc muốn tìm bất cứ một ai đó, bất cứ một thứ gì đó để gây mê cho bản thân khỏi cảm giác đau đớn khi phải ở một mình! Nếu đó là điều xảy ra cho bạn và tôi, thì chúng ta cần kiên trì cầu nguyện nhiều hơn; và biết rằng, nỗi đau từ sự im lặng này vẫn có thể ‘hoá lành’ khi bạn và tôi tập ở lại trong Chúa học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa’.

    *Tin Mừng CÂU 23 ĐẾN CÂU 28 cho biết, Chúa Giêsu VẪN đi cầu nguyện MỘT MÌNH từ chiều đến suốt đêm; và rạng sáng, các môn đệ gặp sóng gió trên biển hồ. Ngài hiện đến trấn an họ, họ tưởng là ma; Ngài lên tiếng, “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”. Phêrô đáp,Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Đôi khi, nỗi sợ về việc phải im lặng khi cầu nguyện của BẠN VÀ TÔI lại còn lớn hơn nỗi sợ của Phêrô khi thấy Thầy đi trên nước.

    Tại sao? Chúng ta đã quá quen với việc bầu bạn với người khác, gặp gỡ, trò chuyện, ăn uống… chúng ta không có ‘khả năng’ ở một mình, chúng ta sợ phải rời xa những tiện nghi này dù chỉ trong thời gian rất ngắn để đi cầu nguyện. Vậy hãy tập từ bỏ những tiện nghi vốn có thể đã ‘thành nếp’; hay buồn hơn, phát xuất từ một lối sống ‘văn hoá nhàn rỗi!’. Hãy bắt đầu từ hôm nay, học lại cầu nguyện, học làm rỗng tâm hồn, để Chúa Kitô có thể đổ đầy vào đó tình yêu và sức mạnh của Ngài!

    *Tin Mừng còn cho biết, “Khi cả hai đã lên thuyền thì gió yên biển lặng”. Một khi cùng Chúa Giêsu “lên thuyền”, tức là một khi quyết tâm ôm lấy việc cầu nguyện im lặng, tập trung, thì nỗi sợ hãi của chúng ta cũng sẽ lặng yên như gió biển. Bài đọc Giêrêmia hôm nay cũng nói lên điều tương tự: Israel trở về với Chúa, và Ngài làm lại tất cả; Ngài tha thứ, trấn an; Ngài ở cùng, “Bấy giờ các ngươi sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi”. Thánh Vịnh đáp ca cũng nói lên niềm vui có Chúa hiện diện đó, “Chúa sẽ xây dựng lại Sion, sẽ xuất hiện quang vinh rực rỡ!”.

    Anh Chị em,

    “Giải tán họ xong, Ngài lên núi cầu nguyện một mình”. Chúa Giêsu nêu gương cho chúng ta, hãy biết tìm đến Chúa Cha sau một ngày sống. Và ngay những giây phút chăm chú trò chuyện với Cha trong tĩnh mịch của canh khuya, ánh mắt và con tim của Chúa Giêsu vẫn không rời các môn đệ. Thấu cảm nỗi khổ chống chọi với biển giả của họ, Ngài đến cứu giúp. Cũng thế, Chúa Giêsu không bao giờ ‘thôi nhìn’ chúng ta, Ngài hiện diện với chúng ta qua người thân, qua gia đình, bạn bè, qua những người nghèo và cả những người chúng ta không thích.

    QUYẾT TÂM ‘học cách tận hưởng sự hiện diện của Chúa’ trong thinh lặng và ngay cả trong sự ồn ào phải là một điều gì đó thường xuyên nơi chúng ta. Thi thoảng, bạn và tôi cần trầm mình, ngỏ lời mời Chúa Giêsu bước lên ‘thuyền lòng’ mình, bình an và niềm vui sẽ ùa vào. Và như thế, chúng ta sẽ hưởng nếm hạnh phúc thiên đàng ngay tại chốn này; vì lẽ, ở đâu có Giêsu, ở đó có thiên đàng!

    *BẠN VÀ TÔI có thể cầu nguyện VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN,

    Lạy Chúa, con sẽ bước đi vững vàng trên con đường Chúa chỉ cho, dù là ‘đi trên nước’; con không lệch sang phải, không quẹo sang trái, vì con tin, có Chúa đồng hành bên con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

    Kính chuyển:

    Hồng

     

Subcategories