3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA - THỨ SÁU

  •  
    Chi Tran

     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    11/03/22 THỨ SÁU TUẦN 1 MC
    Kiêng Thịt  (14 tuổi trở lên)  

     
    TIN MỪNG Mt 5, 20-26

    HÃY ĐI LÀM HOÀ

    Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em đó đã, rồi trở lại đây dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,23-24)

    Suy niệm/SỐNG: Theo luật cũ, nếu trước khi dâng lễ, người Do Thái cảm thấy mình nhơ uế (Lv 15,27) thì họ phải thanh tẩy trước đã.

      Cũng thế, Chúa cũng đòi hỏi Kitô hữu một phản ứng như vậy, nếu trước khi dâng lễ họ nhớ mình đang ở trong tình trạng bất hòa với tha nhân. Thái độ đối với tha nhân quyết định giá trị của việc bổn phận thờ phượng Thiên Chúa.

      Người ta dễ quan tâm đến việc thờ phượng Thiên Chúa, mà lơ là bổn phận tha thứ và yêu thương đối với tha nhân.

      Đạo Chúa là đạo Bác ái, yêu thương, tha thứ, làm hòa là mở ra con đường cho người anh em hoán cải.

    Mời Bạn CHIA SẺ: Nét đặc trưng của môn đệ Chúa, và của Kitô hữu là yêu thương, tha thứ, cảm thông, đối thoại… điều này xem ra khó đối với bạn, nhưng lại rất cần thiết cho đời sống đạo.

      Nên Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…”

    ** Nhớ lại một lần bạn gặp chuyện xích mích mà bạn cảm thấy khó làm hoà. Thử phân tích lý do –về phía bạn thôi– tại sao như thế.

    Sống Lời Chúa: Bạn hãy cố gắng làm hòa với một người nào đó có sự bất bình với bạn. Sống chan hòa yêu thương trong gia đình.

    Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống theo lời Chúa dạy, đừng bao giờ để lòng ghen ghét và hận thù ảnh hưởng đến mọi suy nghĩ lời nói và việc làm của chúng con nhưng xin cho chúng con luôn biết tha thứ và sống chan hòa tình yêu Chúa.

     gpcantho

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran
     
     
     
     
     


     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    10/03/22  THỨ NĂM TUẦN 1 MC


    TIN MỪNG Mt 7,7-12

    LÀ QUÀ TẶNG CHO NHAU

    Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó.” (Mt 7,12)

    Suy niệm/SỐNG: Nếu có ai làm cho bạn những điều bạn đang mong ước thì hẳn bạn thấy hạnh phúc, bạn sẽ cảm ơn…

    Nhưng cũng rất thường tình là ta thích nhận lãnh hơn là làm cho người khác những điều mà ta vẫn ước mong người khác làm cho mình.

      Đức mến chân chính là hãy đi bước trước làm điều thiện cho người, chứ không ngồi đợi người khác làm điều thiện cho ta, bởi lẽ “khi hiến thân là lúc được nhận lãnh.

      Đành rằng có xin ta mới mở hầu bao, nhưng cũng có khi không cần xin, ta vẫn cứ phải làm điều tốt cho người: cha mẹ thương con đâu cần con phải xin, vợ chồng yêu nhau tự thân họ biết phải làm gì cho nhau… Tình yêu là thế đó!

    Mời Bạn CHIA SẺ: Chúa yêu ta cũng tương tự như thế. Ngài cho ta sự sống trước khi ta biết xin Ngài. Ngài cho ta người anh chị em để ta giao lưu, gặp gỡ, sống cùng, bởi không ai là một hòn đảo.

      Sự hiện diện của tha nhân là một món quà. Đáp lại, bạn hãy cống hiến chính bản thân mình làm món quà cho tha nhân.

     Bạn có cảm thấy hài lòng khi sống với những người đang sống với bạn không? Bạn không hài lòng, phải chăng tại bạn chưa nhận ra món quà người khác trao cho bạn hoặc bạn chưa trở thành món quà cho người khác?

    Sống Lời Chúa: Hãy xét mình mỗi ngày để thấy là tại ai mà ta chưa sống hạnh phúc; và cảm ơn người đã mang lại hạnh phúc cho ta.

    Cầu nguyệnLạy Chúa, làm điều tốt cho người là hình thai ăn chay tích cực, dù con giàu hay nghèo. NHỜ ƠN CHÚA con QUYẾT tâm thực thi điều ấy trong suốt mùa Chay này. Amen.

    GPCANTHO
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN - CN2MC-C

  •  
    Song Loi Chua
     

    SỐNG/CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM C (13/3/2022)

    CHÚA CHA GIỚI THIỆU CON CỦA NGÀI

     [St 15,5-12.17-18; Pl 3, 17-4,1; Lc 9, 28-36]

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Nếu trong đời thường sự nghe lời (người khác) càng ngày càng khó và càng ngày càng bị phản đối (vì cho rằng việc ấy hạ thấp giá trị bản thân) thì trong đời sống tâm linh, sự nghe lời, nhất nghe Lời Thiên Chúa hay vị đại diện Thiên Chúa, càng ngày càng cần thiết và cấp bách, vì loài người càng ít nghe lời Thiên Chúa bao nhiều thì càng tệ hại bấy nhiêu. Lịch sử nhân loại nói chung, lịch sử Israel nói riêng cho thấy rõ điều ấy.

    Chính vì thế mà ba bài Thánh Kinh của Chúa Nhật II Mùa Chay Năm C này cần được chúng ta đọc và suy niệm thật kỹ, nhất là những lời của Thiên Chúa Cha giới thiệu Con của Ngài với ba môn đệ thân tín của Chúa Giêsu trên núi Tabo: “ĐÂY LÀ CON TA YÊU DẤU, CÁC NGƯỜI HÃY NGHE LỜI NGƯỜI.”

     

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Trong bài đọc 1 (St 15, 5-12.17-18): “Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với ông Abraham” Trong những ngày ấy, Thiên Chúa dẫn Abram ra ngoài và nói với ông: "Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao". Rồi Chúa nói tiếp: "Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế". Abram tin vào Thiên Chúa, và vì đó ông được công chính.

    Và Chúa lại nói: "Ta là Chúa, Đấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ này làm gia nghiệp". Abram thưa rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao con có thể biết con sẽ được xứ đó làm gia nghiệp?" Chúa đáp: "Ngươi hãy bắt một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một con chim gáy mái và một con bồ câu non". Abram bắt tất cả những con vật ấy, chặt ra làm đôi, đặt phân nửa này đối diện với phân nửa kia; nhưng ông không chặt đôi các con chim. Các mãnh cầm lao xuống trên những con vật vừa bị giết, song ông Abram đuổi chúng đi. Lúc mặt trời lặn, Abram ngủ mê; một cơn sợ hãi khủng khiếp và u tối bao trùm lấy ông.

    Khi mặt trời đã lặn rồi, bóng tối mịt mù phủ xuống, có một chiếc lò bốc khói và một khối lửa băng qua giữa những phần con vật bị chia đôi. Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với Abram mà nói rằng: "Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai-cập cho đến sông Euphrát".

    2.2 Trong bài đọc 2: Pl 3,17-4,1: "Chúa Kitô sẽ biến đổi thân xác chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của NgườiAnh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Đức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này.

    Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người.

    Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.

     

    Hoặc đọc bài vắn sau đây: Pl 3, 20 - 4, 1

    Anh em thân mến, quê hương chúng ta ở trên trời nơi đó chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người. Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.

     

    2.3 Trong bài Tin Mừng: Lc 9,28-36: “Đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường” Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI KINH THÁNH

    3.1 Chân dung của Thiên Chúa

    3.1.1 Bài đọc 1 (St 15, 5-12.17-18) là tường thuật rất cảm động của Sách Sáng Thế về cách cư xử gần gũi, thân tình của Thiên Chúa đối với ông Abram (sau được đổi tên thành Abraham) là người được Thiên Chúa chọn làm “khởi đầu” của một “trang sử mới” gọi là Lịch Sử Cứu Chuộc! Lễ ký kết Giao Ước giữa Thiên Chúa và ông Apram được thực hiện một cách hữu hình, bằng máu và thịt của những con vật, sau khi ông Abraham đã thể hiện lòng tin tuyệt đối vào lời hứa của Thiên Chúa.

    Trong đoạn St 15, 5-12.17-18 trên, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa của Cựu Ước là Đấng rất quan tâm đến thân phận của loài người. Sau khi Tổ Tông Ađam và Evà phản nghịch, Thiên Chúa có cả một chương trình, một kế hoạch tuyệt vời để khôi phục lại Công Trình Tạo Dựng ban đầu. Thiên Chúa đã chọn một người trong hàng triệu con người tên là Áp-ram thuộc một bộ tộc miền Trung Đông. Thiên Chúa cần có sự hợp tác của ông để khởi đầu một giai đoạn mới. Ông Apram đã đáp lại sự chọn lựa và tin tưởng của Thiên Chúa. Nhờ đó Giao Ước đã được thiết lập trên cơ sở tình yêu và lòng tin của hai phía. Giao Ước ấy vẫn tồn tại và chúng ta trở thành đối tác của Thiên Chúa, vì các Kitô hữu kế thừa vai trò và địa vị của những người Israel xưa.

     

    3.1.2 Bài đọc 2 (Pl 3,17-4, 1) là những lời tha thiết của Thánh Phaolô Tông đồ nhằm thức tỉnh các tín hữu Philípphê sai lạc và hủ hóa. Thay vì sống thánh thiện cho tương xứng với địa vị cao sang của những người đã được chuộc bằng giá máu và thập giá của Chúa Kitô thì họ lại chạy theo những thứ giả trá và hèn hạ của thế gian.   

    Trong đoạn Pl 3,17 – 4,1 trên, chúng ta đón nhận ơn huệ mà Chúa Giêsu Kitô đã ban cho các Kitô hữu chúng ta. Bằng quyền năng của Thiên Chúa, và công nghiệp của Thập Giá, Chúa Giêsu biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người. Người giúp chúng ta sống thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa và tương xứng với ơn huệ mà Người đã ban tặng cho các tín hữu.     

     

    3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 9,28-36) là tường thuật của Thánh Luca về Biến Cố Chúa Giêsu Hiển Dung tỏ lộ quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa cho ba môn đệ thân tín nhất cua Người. Trong khung cảnh như thần tiên ấy, chúng ta đọc thấy những “ẩn dụ” đầy ý nghĩa của Giao Ước. Môsê tượng trưng cho Lề Luật của Giao Ước Môsê, vì ông là người đã được Thiên Chúa chọn để đem dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ Ai-cập; người đã nhận từ tay Thiên Chúa Bia Đá Mười Giới Răn là Giao-Ước-được-cụ-thể-hóa, người đã hướng dẫn dân tiến về Miền Đất mà Thiên Chúa đã hứa với Áp-ra-ham….. Còn Êlia là một ngôn sứ vĩ đại được giao sứ mạng củng cố lòng tin của dân vào lời hứa của Giao Ước mà Thiên Chúa đã cam kết với cha ông tổ tiên của Ít-ra-en là Abraham, Ixaác và Giacóp. Cả Môsê và Êlia đều có mặt bên cạnh Chúa Giêsu là Môsê Mới và là Êlia của Thời Cứu Độ. Có nghĩa là Lịch Sử hay Giao Ước Cứu Độ cô đọng, hội tụ ở đây, trên núi Ta-bo này, trong con người có tên là Giêsu Nagiaret!

    Trong đoạn Phúc Âm Lc 9,28-36 này, Chúa Giêsu đã tự mạc khải cho ba môn đệ thân tín và mọi người chúng ta biết Người là Thiên Chúa làm người, Người là Trung Tâm của Lịch Sử Cứu Độ, Người là Đấng thực hiện Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với Abraham, với Israel, với nhân loại. Chúa Giêsu - bằng Thập Giá và Phục Sinh - đã phục hồi con người thành đối tác mới của Giao Ước Mới và đem tất cả lợi ích của Giao Ước ấy đến cho loài người. Mạc khải ấy của Chúa Giêsu được chính Thiên Chúa Cha phê chuẩn một cách long trọng và công khai: "Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” Từ nay trở đi, vâng nghe lời Chúa Giêsu là sống Giao Ước Mới, là chu toàn trách nhiệm của đối tác trong Giao Ước của Thiên Chúa.

     

    3.2 Sứ điệp của Lời Chúa    

    VÂNG NGHE LỜI CHÚA GIÊ-SU như chính Chúa Cha đã nhắn nhủ và mời gọi: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người!”

     

    IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa

    Là Đấng vừa gần gũi, thân mật, vừa cao sang, siêu việt. Chúng ta có thể gặp gỡ trò chuyện tâm tình với Người nhưng đồng thời không bao giờ chúng ta có thể nắm bắt được Người.  

     

    4.2 Thực thi Sứ điệp của Lời Chúa  

    để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, tôi kiểm điểm xem mình vâng nghe Lời Chúa Giêsu như thế nào? Vâng nghe Lời Chúa Giêsu

    * trước hết là nghe, đọc và suy niệm Lời Chúa trong bộ Thánh Kinh Cựu và Tân Ước, nhất là trong 4 Phúc Âm. Tốt nhất là theo học một hay nhiều khóa Thánh Kinh (vd Thánh Kinh 100 tuần) để tạo cho mình kỹ năng và thói quen tiếp cận Lời Chúa hằng ngày.

    * kế đến là thi hành những giới răn và lời mời gọi của Chúa trong Thánh Kinh,  

    * và sau cùng là giúp người khác biết vâng nghe Lời Chúa Giêsu như chính mình đã vâng nghe.

     

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho càng ngày càng có nhiều người biết về Chúa Giêsu Kitô, Con Một của Thiên Chúa!

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

     

    5.2 «Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để các vị ấy xác tín về Chúa Giêsu Kitô là Cứu Chúa của toàn nhân loại mà dốc sức phụng sự Người!

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

     

    5.3 «Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, được ơn nghe thấy Lời Chúa Cha giới thiệu Con của Ngài là Chúa Giêsu mà tin theo  Người trong Mùa Chay 2022 này và trong suốt cuộc đời của mỗi người.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

     

    Sàigòn ngày 9 tháng 3 năm 2022

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.              

     

         

     

     

     

     

    --

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran
     
     
     
     
     


     
    PHÚT LỜI CHÚA

    09/03/22 THỨ TƯ TUẦN 1 MC

    Thánh Phanxica Rô-ma, nữ tu.


    TIN MỪNG Lc 11, 29-32

    SÁM HỐI

    Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.” (Lc 9,32)

    Suy niệm/SỐNG: Chúa Giêsu thường dùng hình ảnh so sánh thật đậm nét khiến cho không ai có thể hiểu sai sứ điệp của Ngài.

    Vị trí của dân thành Ninivê ở rất xa trong chương trình cứu chuộc so với dân Ítraen, dân riêng của Chúa.

    Còn ngôn sứ Giôna dẫu sao cũng chỉ là sứ giả, hoàn toàn không thể so sánh với Đức Kitô: “Ở đây còn hơn ông Giona nữa.” Nếu như dân Ninivê đã sám hối ngay khi vừa nghe Giona rao giảng, thì dân riêng của Chúa còn phải sám hối cách mau mắn và triệt để hơn biết bao!

    Mời Bạn CHIA SẺ: Công Đồng Trentô định nghĩa: “Sám hối là cảm thấy đau buồn gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải” (DZ. 1676).

      Đau buồn và gớm ghét quá khứ tội lỗi để từ bỏ, còn quyết tâm chừa cải là nhắm tới tương lai tốt đẹp, và thánh thiện.

      Vì thế, sám hối không chỉ dừng lại ở tâm tình mà còn phải biến thành hành động cụ thể là nhìn nhận việc làm sai trái để hoà giải với Chúa và anh em đồng thời đền bù những thiệt hại mình đã gây ra.

      Trong Mùa Chay, chúng ta được kêu gọi sám hối một cách khẩn thiết hơn. Chỉ nhờ nghe lời Giona mà dân Nivivê đã được Chúa nguôi cơn giận mà tha thứ; phần chúng ta nghe lời của Đức Giêsu,

      Con của Ngài, chúng ta còn được tha thứ và yêu thương biết mấy! Bạn còn chần chờ gì mà không sám hối trở về làm hoà với Chúa trong bí tích Hoà Giải?

    Chia sẻ cảm nghiệm của bạn sau khi lãnh nhận bí tích Hòa Giải.

    Sống Lời Chúa: Quyết tâm sám hối thật lòng và lãnh nhận bí tích hoà giải.

    Cầu nguyện: Đọc Kinh Ăn Năn Tội VỚI VẢ TẤM LÒNG.
    GPCANTHO
     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
     


     
    5 phút Lời Chúa

    08/03/22 THỨ BA TUẦN 1 MC

    Thánh Gioan Thiên Chúa, tu sĩ.


    TIN MỪNG Mt 6, 7-15

    MỐI THÂN TÌNH CHA CON

    Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời.” (Mt 6,9)

    Suy niệm SỐNG: Nhận định sau đây về việc cầu nguyện có thể chính xác với nhiều người chúng ta: “Hầu hết các hiểu biết người ta có về cầu nguyện là những gì còn sót lại từ thời thơ ấu” (Sách giáo lý Kết Hôn với Người Công Giáo).

      Ta thường cầu nguyện: Xin cho con học giỏi;  xin cho con có sức khỏe… Ai đó đã dạy ta cầu nguyện đại loại như thế khi ta còn thơ ấu và nay ta tiếp tục.

      Tuy nhiên, qua kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta theo một trật tự khác: trước hết cầu xin cho những gì liên hệ đến Thiên Chúa (danh Chúa, Nước Chúa, ý Chúa), rồi mới đến nhu cầu của ta (lương thực, tha tội, cám dỗ, sự dữ).

      Chỉ khi ta nhìn nhận Chúa đúng vị thế tối cao của Ngài, thì mọi sự mới xứng hợp. Chỉ khi nào có tâm tình người con thảo hiếu với Thiên Chúa và người môn đệ Đức Kitô, ta mới hiểu tại sao phải ưu tiên Thiên Chúa trước, rồi mới đến điều ta mong ước.

    Mời Bạn CHIA SẺ: Bao lâu tôi chưa nhận ra mối tương quan Cha-con giữa tôi với Thiên Chúa, bấy lâu tôi vẫn còn xa lạ với Ngài, “chất tôn giáo” trong tâm hồn tôi còn mờ nhạt.

      Vì thế, khi cầu nguyện, bạn hãy “mở mắt” để thấy tấm lòng của Chúa là Cha; “mở miệng” để thưa với Chúa là Cha; “mở tai” để nghe Chúa nói: “Hỡi con yêu dấu của Cha.”

    Sống Lời Chúa: Ngẫm từng câu trong Kinh Lạy Cha để cảm được niềm vui có Chúa là Cha chúng ta.

    Cầu nguyện VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN

    Lạy Chúa Giêsu, các tương quan hằng ngày như gia đình, bạn bè… đem lại cho chúng con niềm vui lẫn nỗi buồn. Nhưng trên hết, Chúa đã chỉ cho chúng con mối tương quan sống còn, là được biết Thiên Chúa là Cha yêu thương. NHỜ ƠN CHÚA con QUYẾT TÂM sống mối thân tình này thật đậm đà.  Amen.

    gpcantho
     
     

Subcategories