SỐNG/CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM C (27/3/2022)
HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC LÀM HÒA CÙNG
THIÊN CHÚA LÀ CHA GIẦU LÒNG TỪ BI THƯƠNG XÓT
[Gs 5, 9a.10-12; 2 Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Mùa Chay là Mùa Ăn Năn Sám Hối để được làm hòa cùng Thiên Chúa. Làm hòa cùng Thiên Chúa thì chúng ta vừa tránh được đại họa là đánh mất sự sống vĩnh cửu của mình, vừa được Thiên Chúa thứ tha mọi tội lỗi và phục hồi phẩm giá và tước vị làm con.
Ba bài Thánh Kinh Chúa Nhật IV Mùa Chay cho chúng ta biết rõ điều ấy. Nhờ ăn năn sám hối mà những người Do-thái được vào Đất Hứa, cử hành Lễ Vượt Qua để cảm tạ Thiên Chúa về ơn được cứu khỏi cảnh nô lệ Ai-cập. Nhờ ăn năn sám hối mà những người Do-thái và chúng ta sẽ được làm hòa với Thiên Chúa là Đấng không muốn một ai phải chết khi Người đã sai Con Một Người đến trần gian để cứu chuộc nhân loại. Nhờ ăn năn sám hối mà những người Do-thái và chúng ta sẽ được Thiên Chúa là CHA tha thứ và đón nhận lại trong nhà của Người, như người cha nhân hậu đón nhận đứa con hư trở về sau chuỗi ngày đi hoang, phung phá của cải thừa kế là ơn huệ của Chúa và làm mất cả phẩm giá cao quý của mình khi phạm tội. Không những Thiên Chúa đón nhận lại mà còn bù đắp một cách rộng rãi ngoài sức tưởng tượng cho kẻ quay về.
Chúng ta hãy dành thời gian tìm hiểu, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện để biết cách phải sống thế nào với Thiên Chúa là Cha từ bi nhân hậu luôn rộng lòng thứ tha cho kẻ ăn năn sám hối.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Gs 5, 9a.10-12): “Dân Chúa tiến vào đất Chúa hứa và mừng Lễ Vượt Qua” Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: "Hôm nay, Ta đã cất sự dơ nhớp của Ai-cập khỏi các ngươi!" Con cái Israel tạm trú tại Galgali và mừng Lễ Vượt Qua vào ban chiều ngày mười bốn trong tháng, trên cách đồng Giêricô. Ngày hôm sau Lễ Vượt Qua, họ ăn các thức ăn địa phương, bánh không men và lúa mạch gặt năm ấy. Từ khi họ ăn các thức ăn địa phương, thì không có manna nữa. Và con cái Israel không còn ăn manna nữa, nhưng họ ăn thổ sản năm đó của xứ Canaan.
2.2 Trong bài đọc 2 (2 Cr 5,17-21): “Thiên Chúa đã nhờ Đức Kitô giao hòa chúng ta với mình” Anh em thân mến, nếu ai ở trong Đức Kitô, thì người đó sẽ là một thụ tạo mới, những gì là cũ đã qua đi: này đây tất cả mọi sự đã trở thành mới. Vì mọi sự bởi Thiên Chúa, Đấng đã nhờ Đức Kitô giao hoà chúng ta với mình, và trao phó cho chúng tôi chức vụ giao hoà. Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng giao hoà thế gian với chính mình Người trong Đức Kitô, nên không kể chi đến tội lỗi của loài người, và đặt lên môi miệng chúng tôi lời giao hoà. Nên chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như chính Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo. Vì Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hoà với Thiên Chúa. Đấng không hề biết tội, thì Thiên Chúa làm nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên sự công chính của Thiên Chúa.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 15,1-3.11-32): “Em con đã chết nay sống lại” Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Người kia có hai con trai. Đứa em thưa với cha rằng: 'Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con'. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: 'Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha" '. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa rằng: 'Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa'. Nhưng người cha bảo đầy tớ: 'Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy'. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
"Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: 'Đó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ'. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: 'Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó'. Nhưng người cha bảo: 'Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy' "
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI KINH THÁNH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa
3.1.1 Bài đọc 1 (Gs 5, 9a.10-12) là một đoạn văn tuy ngắn nhưng rất quan trọng đối với lịch sử Ít-ra-en và lịch sử Cứu Độ. Cuộc giải thoát và xuất hành của Ít-ra-en chỉ trọn vẹn ý nghĩa khi họ đặt chân vào Đất Hứa. Quảng thời gian 40 năm đi loanh quanh trong sa mạc là thời gian thanh luyện và thử thách lòng tin. Lịch sử đã cho thấy không một người Ít-ra-en nào đã ra khỏi đất Ai-cập mà vào được Đất Ca-na-an. Tất cả những người ấy đã chết trong hoang địa, kể cả ông Mô-sê. Chỉ những người sinh ra trong hoang địa và vững lòng tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa mới được cùng ông Giô-suê bước vào vùng Đất Hứa mà thôi.
à Trong đoạn sách Giô-suê trên, chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng có kế hoạch đàng hoàng, có chương trình hẳn hoi, có dự phòng tất cả. Hành động nào, lời nói nào của Thiên Chúa cũng mang một ý nghĩa. Mỗi hành động, mỗi lời nói ấy có thời điểm của nó. Ví dụ trong sa mạc dân sống nhờ man-na, trong Đất Hứa dân sống bằng bánh là sản phẩm làm từ lúa là sản phẩm của đất và dân sẽ cử hành lễ Vượt Qua mà tưởng nhớ công ơn giải thoát của Thiên Chúa.
3.1.2 Bài đọc 2 (2 Cr 5,17-21) là những lời giãi bày chí lý của Thánh Phao-lô Tông đồ nhằm khuyên nhủ các tín hữu Cô-rin-tô hãy biết làm hòa với Thiên Chúa là Đấng luôn mở rộng tấm lòng và bàn tay để thứ tha tội lỗi. Bằng chứng hùng hồn là Chúa Giê-su Ki-tô là Con Một Thiên Chúa, đã mang lấy tội lỗi nhân loại trên hai vai của Người, để loài người được hòa giải, được thứ tha
àTrong đoạn 2 Cr 5,17-21 trên, chúng ta thấy Thiên Chúa đã yêu thương, rộng lượng và sáng tạo như thế nào để loài người chúng ta không phải chết vì tội lỗi do chúng ta đã phạm; mà trái lại, chúng ta còn được thứ tha và hòa giải với chính Đấng mà chúng ta xúc phạm. Thiên Chúa thực hiện công trình kỳ diệu này nhờ Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô Đấng đã hy sinh mạng sống mình trên Thập Giá, để chuộc lại cho Thiên Chúa những tội nhân là tất cả chúng ta.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 15,1-3.11-32) là một trong ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa trong Tin Mừng Lu-ca và là dụ ngôn nhiều ý nghĩa nhất. Nhân vật người con hoang đàng làm nổi bật tấm lòng của người cha nhân hậu.
à Qua dụ ngôn người cha nhân hậu trong Phúc Âm Lc 15,1-3.11-32, Chúa Giê-su muốn cho chúng ta thấy tấm lòng của Thiên Chúa là như thế nào khi một người con dại dột sống theo ý mình là: (a) bỏ nhà cha đi hoang, (b) phung phí tài sản là ơn huệ của Thiên Chúa, (c) tìm thú vui trần tục, chóng qua trong đời sống tội lỗi. Những hành động ấy là tội tày trời phạm đến Thiên Chúa và làm mất tư cách và quyền làm con. Nhưng đối với Thiên Chúa thì chỉ có một điều đáng kể là việc người con sám hối trở về. Nên Thiên Chúa đã thể hiện tấm lòng của mình một cách tuyệt vời là: (a) quên hết quá khứ mà chỉ nghĩ tới hiện tại và tương lai nên vui sướng đón nhận con, (b) bù đắp một cách ngoài sức tưởng tượng cho đứa con dại dột mà đi hoang, đứa con “đã chết nay sống lại, đã mất nay tìm thấy”, (c) bênh vực đứa con hư trở về khi người anh có thái độ phản đối và so sánh.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là dù yếu đuối, tội lỗi đến mức nào đi nữa, chúng ta cũng có thể trông cậy vào lòng Chúa là Cha yêu thương và tha thứ nếu chúng ta biết ăn năn sám hối và quay trở về với Thiên Chúa để được Người thứ tha, đón nhận và hồi phục chức danh làm nghĩa tử mà chúng ta đã dại dột đánh mất khi xúc phạm đến Người.
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa
Là Đấng không muốn cho bất cứ tội nhân nào phải hư mất mà trái lại muốn mọi tội nhân ăn năn sám hối và trở về với Người. Thiên Chúa, vì lòng từ bi nhân hậu không bờ bến, sẽ bù đắp cho những kẻ lỡ lầm và phục hồi phẩm giá và tước vị làm con cho những kẻ ấy. Tâm tình thích hợp là cảm tạ, ngợi khen và ngưỡng mộ đối vời Thiên Chúa của chúng ta.
4.2 Thực thi Sứ điệp của Người
Tôi xét mình xem:
* Tôi ý thức như thế nào về tình trạng yếu đuối và tội lỗi của mình?
* Tôi có thật sự muốn từ bỏ tội lỗi và cải thiện tình trạng yếu đuối về mặt tâm linh của mình không?
* Tôi có đặt hết lòng cậy trông, tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa là Cha mà ăn năn sám hối và quay trở về với Thiên Chúa không?
* Tôi có thực sự trân trọng và khát khao tư cách làm con của Cha trên trời không? Tôi đã làm những gì để thể hiện lòng trân trọng và khát khao ấy?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập!» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho loài người ở khắp năm châu bốn bể, nhất là cho những người đang phải sống trong cảnh ngục tù nô lệ, để mọi người được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh ô nhục của kiếp người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
5.2 «Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải!» Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho Hội Thánh Công giáo Rô-ma những vị lãnh đạo tài đức vẹn toàn đễ lãnh đạo cộng đoàn tín hữu một cách thích hợp và hữu hiệu nhất.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
5.3 «Nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa!» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người đang sống trong tội lỗi để họ được ơn hoán cải mà quay về làm hòa cùng Thiên Chúa chí thánh.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
5.4 «Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy ý thức và trân trọng tước vị và gia sản của mình là những kẻ được làm con Thiên Chúa, mà sống tốt lành thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
Sàigòn ngày 23 tháng 3 năm 2
4/ Subject:NGHIỆM ĐƯỢC ƠN THA THỨ ĐỂ THỨ THA
From: Kim Bang Nguyen
MẾN YÊU HẰNG NGÀY – NGHIỆM ĐƯỢC ƠN THA THỨ ĐỂ THỨ THA
Thứ 3, 22-03-2022 (Mt 18, 21-35)
Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!” Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em n hư thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
SUY NIỆM
Hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để dạy các môn đệ về lòng thương xót qua việc tha thứ cho người xúc phạm đến mình. Chúa Giêsu nói với Phêrô “Tha thứ đến bảy mươi lần bảy,” nghĩa là không giới hạn. Vì tha thứ là đỉnh cao của tình yêu, mà bản chất của tình yêu là không biên giới. Câu chuyện về tên đầy tớ không biết thương xót làm nổi bật sự tương phản giữa lòng thương xót vô biên của Chúa và sự cố chấp nhỏ mọn của con người.
“Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.” (Mt 18,26-27)
Câu chuyện trên nhấn mạnh về việc cho đi và nhận lại sự tha thứ. Đáng chú ý là con người ta thường dễ tha thứ hơn là cầu xin sự tha thứ. Thành khẩn cầu xin sự tha thứ đòi hỏi phải thật lòng thừa nhận tội lỗi của mình, và điều đó thực sự khó, cũng như rất khó để chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm mà chúng ta đã phạm.
Trong đoạn Tin Mừng này, người đầy tớ đã cầu xin được hoãn lại món nợ với sự chân thành. Anh ta “sấp mình xuống” trước mặt chủ nợ, cầu xin lòng khoan dung và sự nhẫn nại. Và ông chủ đã đáp lại với lòng khoan dung bằng cách tha toàn bộ số nợ cho anh ta, hơn cả những gì anh ta cầu xin.
Nhưng người đầy tớ thật sự chân thành hay đơn giản chỉ là một diễn viên xuất sắc? Dường như anh ta là một diễn viên xuất sắc bởi ngay khi anh được tha món nợ khổng lồ, anh gặp một người nợ tiền mình và thay vì thể hiện lòng khoan dung mà anh ta đã được nhận, “Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’”.
Sự tha thứ nếu là chân thật, nó sẽ có ảnh hưởng đến mọi thứ của chúng ta. Đó là điều mà chúng ta phải cầu xin, cho, nhận, và lại cho đi. Đây là một số điểm để chúng ta cân nhắc suy ngẫm.
Bạn có thể thật lòng nhìn nhận tội lỗi của mình, trải nghiệm nỗi buồn rầu vì tội lỗi đó và nói “Tôi xin lỗi” với người khác? Khi bạn được tha thứ, điều đó tác động lên bạn như thế nào? Điều đó có khiến bạn khoan dung với người khác hơn không?
Bạn có thể lần lượt cho đi cùng mức sự tha thứ và khoan dung mà bạn hy vọng sẽ nhận được từ Thiên Chúa và những người khác không?
Nếu câu trả lời là “Có” cho mọi câu hỏi trên thì câu chuyện này đã được viết cho bạn. Nó được viết cho bạn để giúp bạn lớn lên trong những món quà của sự khoan dung và tha thứ. Đây là những câu hỏi rất khó để đối mặt nhưng là những câu hỏi thiết yếu cần phải đối mặt nếu bạn muốn được giải thoát khỏi gánh nặng của sự tức giận và oán hận. Gánh nặng của sự tức giận và oán hận đè nặng lên chúng ta và Thiên Chúa muốn chúng ta được giải thoát khỏi điều đó.
Hôm nay, hãy suy ngẫm về những câu hỏi trên và xét mình cầu nguyện về những việc chúng ta đã làm. Nếu bạn cảm thấy bất cứ sự vướng mắc nào về những câu hỏi đó, hãy tập trung xem điều gì đang đánh động bạn, hãy cầu nguyện về điều đó, và để ơn Chúa dẫn chúng ta đến một cuộc đối thoại sâu hơn về vấn đề đó trong cuộc sống của mình.
Lạy Chúa, con xin thừa nhận mọi tội lỗi của con. Nhưng con xin thừa nhận tội lỗi đó dưới ánh sáng của ơn thiêng và lòng khoan dung tràn đầy của Ngài. Khi con nhận được sự khoan dung trong cuộc đời con, xin giúp con biết khoan dung với người khác nữa. Xin giúp con biết tha thứ một cách hào phóng và hoàn toàn, không giữ lại điều gì. Lạy Chúa Giê-su, con xin tín thác vào Ngài. Amen!