3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran
     
     
     
     


     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    10/04/22 CHÚA NHẬT LỄ LÁ – C
    Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa        
    TIN MỪNG Lc 22,14-23,56

    HIỂN LINH TRÊN THẬP GIÁ

    Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: “Người này quả thật là công chính!” Và khi thấy những sự việc xảy ra như thế, tất cả những người đã tụ tập đông đảo để xem cảnh tượng ấy, đều đấm ngực trở về nhà. (Lc 23,47)

    Suy niệm/SỐNG: Cuộc khải hoàn trọng thể của Chúa Giê-su vào Giê-ru-sa-lem (thể hiện qua nghi thức kiệu lá) chỉ là khởi điểm của tột đỉnh vinh quang của Ngài là cuộc khải hoàn trên thập giá (qua việc tường thuật lại cuộc thương khó).

    Chính trên thập giá, Chúa Giê-su tỏ mình đích thực là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế. Lời rao giảng của Chúa Giê-su “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” đã trổ sinh hoa trái ngay dưới chân thập giá: – dân chúng sám hối đấm ngực trở về; – và viên đại đội trưởng thì tin tưởng tuyên xưng:

    “Người này quả thật là công chính”.

    Mời Bạn CHIA SẺ: Có khi nào thập giá của Đức Ki-tô biến đổi tâm hồn bạn sâu xa như thế chưa?

    Bạn hãy nhìn lên thập giá, chiêm ngắm thập giá cho đến khi tâm hồn bạn thực sự rung động trước tình yêu tự hiến của Đức Ki-tô.

    Sống Lời Chúa: – 1/ Suy gẫm 14 Chặng Đàng Thánh Giá VỚI CẢ TRÁI TIM;

    – 2/ Chọn một hành động thích hợp với bạn để biểu lộ lòng yêu mến, tôn kính Thánh Giá (hôn kính Thánh Giá, làm dấu thánh giá cách sốt sắng…)

    Cầu nguyện VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN: 

    Lạy Chúa, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi. NHỜ THÁNH THẦN THÚC ĐẨY, con QUYẾT TÂM cùng chết với Ngài để cùng sống với Ngài vinh quang MỖI NGÀY” – hoặc đọc kinh “A Rất Thánh Giá”.

     gpcantho

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ BẢY CN5MC-C

  •  
    Chi Tran
     
     


    Người công chính.

    09/04 – Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay.

    "Ðể quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối".

     

    Lời Chúa: Ga 11, 45-56

    Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: "Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta". Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: "Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt". Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối.

    Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: "Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?" Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.

     

    Suy Niệm 1: Chết thay cho dân

    (Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

    Đức Giêsu đã từng nhiều lần bị tìm bắt, bị ném đá, bị đe dọa.

    Nhưng đây là lần đầu tiên các thượng tế, các người Pharisêu

    và Thượng Hội Đồng của Do thái giáo quyết định giết Ngài (c. 53).

    Theo Tin Mừng Gioan, lý do gần nhất đưa đến quyết định đó

    là việc Đức Giêsu làm cho anh Lazarô chết bốn ngày sống lại (Ga 11).

    Sự sống lại của anh đã khiến cho nhiều kẻ tin vào Đức Giêsu.

    Các nhà lãnh đạo tôn giáo sợ rằng phong trào theo Giêsu sẽ tiếp tục bành trướng,

    mọi người sẽ tin, và quân Rôma sẽ đến phá hủy đất nước và nơi thờ tự (c. 48).

    Caipha là vị thượng tế đương nhiệm năm ấy.

    Đứng trước sự lúng túng và lo âu của các thành viên trong Thượng Hội Đồng,

    đột nhiên ông phát biểu như không cần suy nghĩ thêm gì nữa:

    “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (c. 50).

    Lời phát biểu bộc phát như thế,

    nào ngờ lại là một lời tiên tri thốt ra từ miệng một vị thượng tế.

    Caipha chỉ muốn loại trừ Đức Giêsu để bảo đảm an ninh cho đất nước và Đền Thờ,

    nhưng ông lại vô tình nói tiên tri về tính cứu độ của cái chết Đức Giêsu.

    Cái chết ấy sẽ cứu cả dân tộc Do thái khỏi bị tiêu diệt,

    Đức Giêsu chết thay cho dân của Ngài.

    Nhưng Caipha không ngờ ảnh hưởng của cái chết ấy còn vượt xa hơn nhiều.

    Ngài chết “không chỉ thay cho dân (Do thái) mà thôi,

    nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.”

    Cái chết ấy có khả năng quy tụ mọi kẻ tin vào Đức Giêsu

    về một đoàn chiên duy nhất, kể cả dân ngoại (Ga 10, 16).

    Cái chết ấy có khả năng kéo mọi người lên chẳng trừ ai (Ga 12, 32).

    Đức Giêsu đã bị kết án ngay khi chưa có phiên tòa chính thức.

    Ngài bị kết án tử vì đã trao ban sự sống cho một con người.

    Cái chết của Ngài không ngăn cản được sự sụp đổ của thành Giêrusalem

    và sự tan hoang của cả đất nước Do thái vào năm 70.

    Nhưng cái chết ấy đã đem lại ơn cứu độ cho mọi người tin.

    Hiệu quả của cái chết ấy vẫn còn mãi đến tận thế.

    Đức Giêsu đã hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người (Mc 10, 45).

    Năm 2008 người ta xác định được 20 nhà truyền giáo bị giết trên thế giới.

    Họ đã can đảm sống trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm,

    và đón nhận cái chết như cái giá phải trả cho tình yêu muốn phục vụ.

    Có bao tín hữu vô danh khác vẫn âm thầm nếm cái chết hàng ngày,

    chỉ vì muốn theo gương Thầy Giêsu đem sự sống cho anh em.

     ầu nguyện:

    Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,

    Chúa đã làm người như chúng con,

    nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.

    Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc

    mà con người lại yếu đuối mong manh.

    Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,

    và giữa ánh sáng,

    cũng có những bóng mờ đe dọa.

    Lạy Chúa Giêsu,

    nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,

    xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu

    Chúa đã buồn muốn chết được.

    Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,

    xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá

    Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?

    Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.

    Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.

    Xin cho con yêu đời luôn

    dù đời chẳng luôn đáng yêu.

    Xin cho con can đảm

    đối diện với những thách đố

    vì biết rằng cuối cùng

    chiến thắng thuộc về người

    có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.

     Suy Niệm 2: Qui về một mối

    (TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

    Ngày cuối cùng của mùa Chay, Cai-pha đã tuyên án: Chúa Giê-su phải chết thay cho toàn dân. Nhưng đó là: Để qui tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối. Như Ê-dê-ki-en tiên báo từ thời xa xưa: “Ta sẽ qui tụ chúng lại từ bốn phương và đưa chúng về đất của chúng. Ta sẽ làm cho chúng thành một dân tộc duy nhất trong xứ..; tất cả chúng chỉ có một vua duy nhất”.

    Lịch sử con người là lịch sử chia rẽ. Chia rẽ với Thiên Chúa. Nghe lời ma quỉ chống lại lệnh Chúa truyền. Chia rẽ với nhau. Ca-in đã giết A-ben. Và câu chuyện tháp Ba-ben còn đó. Bất hòa cả với thiên nhiên, cỏ cây, súc vật. Nên phải lao động vất vả đổ mồ hôi mới có thể đủ ăn. Chia rẽ với chính mình. Như thánh Phao-lô nói: Điều tốt tôi muốn tôi lại không làm. Điều xấu tôi không muốn thì tôi lại làm.

    Chúa Giê-su chết để hòa giải con người với Thiên Chúa. Thánh giá là chiếc cầu nối. Chúa Giê-su là trưởng tử chí hiếu dắt đoàn em bất hiếu đông đảo trở về nhà Cha. Thánh giá là bàn hội nghị cho con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Thánh giá là giao ước mới, nơi Thiên Chúa một lần nữa ký kết yêu thương con người.

    Chúa Giê-su chết để hòa giải con người với nhau. Con người muốn áp bức người khác, giết chết người khác để độc chiếm, bá chủ. Chúa Giê-su tự nguyện chịu chết trong tay loài người. Tự nguyện hạ mình phục vụ loài người. Tự nhận là tôi tớ rửa chân cho loài người. Để chuộc lại tội lỗi loài người. Để hòa giải con người với nhau.

    Chúa Giê-su chết để hòa giải nội tâm con người. Để thống nhất con người. Chúa chiến thắng tính xác thịt, thế gian. Để trong con người từ nay được thống nhất. Không còn phân tán hai lòng hai ý. Nhưng chỉ có một con người vâng phục linh hồn. Và linh hồn vâng phục Thiên Chúa.

    Thế giới hôm nay là một thế giới phân rẽ đầy mâu thuẫn. Con người muốn gạt bỏ Thiên Chúa nhưng lại qui phục những mê tín dị đoan. Con người cần lẫn nhau nhưng lại khai thác bóc lột nhau. Con người mơ ước gia đình hạnh phúc, nhưng lại cổ võ li dị. Thế giới e ngại tương lai chỉ toàn người già, nhưng không ai chịu sinh con. Con người muốn hưởng thụ khí lành, cây xanh, nhưng không ngừng tàn phá thiên nhiên và khí quyển.

    Ai cũng muốn được xưng tụng là người tốt, là ân nhân của nhân loại, nhưng lại làm những việc xấu xa, tàn phá con người. Trong tình hình đó, cần có những con người noi gương Chúa Giê-su để hàn gắn lại những chia rẽ, phân tán trong thế giới.

    ------------------------------------------------------


SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran
     
     
     
     
     


     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    08/04/22 THỨ SÁU TUẦN 5 MC


    TIN MỪNG Ga 10,31-42

    CHAY LÒNG THÙ HẬN

    “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi.” (Ga 10, 31)

    Suy niệm/SỐNG: Sự thường khi thương nhau thì chín bỏ làm mười, không thương nhau nữa nói lời chát chua. Do lòng đố kỵ, hận thù, người Do Thái đã tìm mọi cách để gài bẫy, hãm hại Đức Giê-su, mà cao điểm là ném đá Người trong bài Tin mừng hôm nay.

    Họ cho rằng Đức Giê-su phạm thượng khi tự xưng mình là Con Thiên Chúa, một điều luật Do Thái cấm ngặt. Tuy nhiên, Đức Giê-su cho thấy các việc làm tốt đẹp của Ngài như chữa lành mọi kẻ yếu đau, tàn tật và cho cả người chết sống lại… chứng tỏ căn tính của Ngài là Đấng Cứu Thế.

    Muốn hay không, cũng phải công nhận những việc tốt và Đức Giê-su hẳn phải từ Thiên Chúa mà đến. Thế nhưng, do sự ngoan cố, thù nghịch, người Do Thái từ chối Đức Giê-su, khép lòng trước ơn cứu độ do Ngài đem đến.

    Mời Bạn CHIA SẺ: Đố kỵ, thù ghét có thể như những “trái bom nổ chậm,” tạo nên những vết thương trong tâm hồn bạn và cả với người bên cạnh.

    Mùa Chay sẽ là mùa của hòa bình nếu bạn biết tháo “ngòi nổ” trong trái bom ấy ra khỏi lòng mình, để tha thứ và đón nhận người khác như họ “là,” chứ không phải như bạn muốn.

    Đó chắc chắn là tâm tình tuyệt vời trong suốt Mùa Chay thánh này. Bạn ước ao sống cách thế ấy chứ?

    Sống Lời ChúaHôm nay hãy xin ơn đón nhận người khác như chính họ.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con đón nhận Lời Chúa, để không bao giờ khép lòng với Ngài; đồng thời biết “chay tịnh” lòng hận thù, tranh chấp, quảng đại đón nhận tha nhân, hầu Mùa Chay thánh này trở nên hữu ích cho bản thân con. Amen.

    gpcantho 

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA

  • CHI TRẦN
     
     
     
     
     
     


     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    09/04/22 THỨ BẢY TUẦN 5 MC


    TIN MỪNG Ga 11, 45-57

    CHẾT THAY CHO TOÀN DÂN

    Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, là thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. (Ga 11,49-50)

    Suy niệm/SỐNG: Cai-pha, với tư cách “là thượng tế năm ấy”, đã vô tình nói tiên tri về Đức Giê-su: Ngài không chỉ chết thay cho dân, mà chính cái chết ấy lại trở nên phương thế để “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. 

    Cai-pha và những người Pha-ri-sêu chỉ bận tâm đến việc nhổ bỏ cái gai là Đức Giê-su: “Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy” và họ quyết định giết Ngài. Nhưng với Thiên Chúa, Ngài có thể vẽ nên đường thẳng từ những nét cong: từ mưu toan độc địa của giới lãnh đạo Do-thái,

    Chúa đã làm cho cái chết của Đức Giê-su trở nên phương thế cứu độ khi cho Con Một Ngài phục sinh vinh quang.

    Mời Bạn CHIA SẺ: Đức Ki-tô vẫn tiếp tục cuộc khổ nạn của Ngài nơi những con người bị loại trừ, bị áp bức bất công, bị lạm dụng, bị giết chết trong thế giới hôm nay.

    Hy tế đó của ngài vẫn tiếp tục thể hiện nơi mầu nhiệm Thánh lễ mà Giáo hội cử hành.

    Bạn cũng tham dự vào hy tế “chết thay cho toàn dân” đó khi tham dự Thánh lễ và khi bạn dám hy sinh thân mình, thậm chí cả mạng sống, để phục vụ anh chị em mình.

    Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa những hy sinh phục vụ hằng ngày kết hợp với hy tế của Chúa Ki-tô khi bạn tham dự Thánh lễ, để xin ơn hoán cải cho mình và cho mọi người.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã chấp nhận cách hành xử bất công để làm nên phương thế cứu độ. NHỜ ƠN CHÚA con LUON CÓ hy vọng dù gặp những gian nan thử thách.

     gpcantho

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA


  •  
    Chi Tran
     
     
     
     
     



    5 PHÚT LỜI CHÚA 

    07/04/22 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 5 MC


    TIN MỪNG Ga 8, 51-59

     GIỮ LỜI MUÔN ĐỜI KHÔNG CHẾT

    “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8,51)

    Suy niệm/SỐNG: Giữa lúc cuộc tranh luận giữa người Do Thái với Đức Giê-su ngày càng trở nên gay gắt, Ngài tuyên bố chắc nịch như đinh đóng cột rằng “Ai tuân giữ lời Ngài, thì sẽ không bao giờ phải chết.” 

    Người Do Thái chẳng những không tin mà còn qui chụp: “Bây giờ chúng ta biết chắc là ông bị quỷ ám.” Họ cho rằng Áp-ra-ham đã chết, nhưng Đức Giê-su nói họ “lầm to” vì Thiên Chúa của Áp-ra-ham, tổ phụ họ, là “Thiên Chúa của kẻ sống” chứ không phải của kẻ chết (x. Mc 12,27; Mt 22,32).

    Như thế, Áp-ra-ham, người luôn tin và vâng lời Thiên Chúa vẫn sống; và lời Đức Giê-su đoan chắc “ai giữ lời muôn đời không chết” càng được chứng thực hơn nữa trong cuộc tử nạn và phục sinh vinh quang của Ngài.

    Mời Bạn CHIA SẺ: Phải “tuân giữ lời Thiên Chúa” như thế nào để “không bao giờ phải chết”? Nếu chỉ đọc vanh vách những câu lời Chúa, nói rõ số chương số đoạn mà không đem ra thực hành trong đời sống mình thì chưa phải là “tuân giữ Lời”. Phải để Lời Chúa thấm vào trong tim, ăn sâu trong trí não và đi tới bàn tay thực hành.

    Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi dành thời gian suy niệm đoạn Tin Mừng trong phụng vụ thánh lễ ngày hôm đó, và luôn đưa ra một điều quyết tâm cụ thể để thực hành trong ngày.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, con hay hời hợt nghe Lời Chúa trong thánh lễ, nghe xong rồi quên. Xin cho từ hôm nay, Lời Chúa ở lại trong con và dạy con sống Lời Chúa, noi gương Con Chí Ái Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, để con xứng đáng là con cái Chúa, Đấng luôn yêu thương và mong điều tốt cho con. Amen.

    GPCANTHO

     

Subcategories