3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran

     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    15/12/21 THỨ TƯ TUẦN 3 MV


    TIN MỪNG LUCA 7, 18-23

    MỘT THIÊN CHÚA ĐẦY BẤT NGỜ  (Daobinh.com)

    “Thầy có thật là Đấng phải đến hay không?” (Lc 7,19)

                Suy niệm/SỐNG: Ai trong chúng ta dám nói rằng mình đã biết tường tận về Chúa? Từ kinh nghiệm này, chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên về câu hỏi của Gio-an Tẩy Giả:

    chính ông là người đã dọn đường cho Chúa đến, và đã làm phép rửa cho Chúa kia mà! (x. Lc 3,1-22).

    Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là một vị Thiên Chúa đầy bất ngờ. Bất ngờ trong giờ của Ngài; bất ngờ trong cách thức của Ngài…

    Thiên Chúa là Cha, qua Con Một Ngài là Đức Giê-su Ki-tô, tỏ mình ra là Đấng huyền nhiệm luôn luôn mới. Chúng ta đến với Đức Ki-tô, chiêm ngắm để khám phá ra Ngài hiện diện trong đời sống đạo của mình.

                Mời Bạn CHIA SẺ: Mùa Vọng, mùa mong chờ. Mong chi đây? Chờ ai đây? Câu hỏi có vẻ ngây ngô khi mà Chúa đã đến cách đây hơn 2.000 năm.

    Hay là mong No-en như mong một lễ hội? Bạn ạ, Chúa vẫn đang đến trong mỗi phút giây hiện tại. Và Chúa sẽ đến trong ngày cánh chung. Thời gian này là dịp để bạn đón nhận một điều gì đó thật mới mẻ từ biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

    Nhưng làm sao nhận biết? Chiêm ngắm và thuật lại cho người khác là một cách thế: Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe.

            -Theo bạn, có phải chúng ta vẫn hay “áp đặt” cho Thiên Chúa từ những lý luận của chúng ta?

                Sống Lời Chúa: Giới thiệu Chúa cho anh chị em bằng chính kinh nghiệm đức tin của bạn, chứ không chỉ qua “kiến thức” bạn có về Ngài.

                Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn có một con tim luôn rộng mở, để luôn học biết và đón nhận những điều mới mẻ mà Chúa muốn dạy cho con.

    GPCANTHO

     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN -

  •  
    Song Loi Chua
     
     

     SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT THỨ IV MÙA VỌNG NĂM C (19/12/2021)

    NHẬN RA CHÚA GIÊ-SU LÀ CỨU CHÚA

    [Mk 5,1-4; Dt 10,5-10; Lc 1,39-45]

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Trong cuộc sống đời thường cũng như đời sống đạo, có nhiều cơ hội mà chúng ta không nắm bắt được, vì không biết đó là cơ hội của mình. Có nhiều người đi qua cuộc đời chúng ta mà chúng ta không nhận ra và không gặp được họ vì chúng ta không biết họ là ai và họ đến với chúng ta để làm gì?  

    Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa đã đến trần gian mà nhiều người không nhận ra Người. Có một số người còn tìm mọi cách loại trừ Người, nhưng phần đông là họ không biết Người là ai và Người đến thế gian để làm gì?

    Các Bài Sách Thánh hôm nay giúp chúng ta biết Người là Ai và Người đến trần gian để làm gì. Vậy chúng ta hãy đọc và tìm hiểu kỹ 3 bài Thánh Kinh ấy để không để mất cơ hội gặp Chúa.

          

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Bài đọc 1 (Mk 5,1-4): “Nơi ngươi, sẽ xuất hiện Đấng thống trị Israel”

    Đây lời Chúa phán: "Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an".

     

    2.2 Bài đọc 2 (Dt 10,5-10): “Này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa.”

    Anh em thân mến, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: "Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: 'Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách'".

    Sách ấy bắt đầu như thế này: "Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật. Đoạn Người nói tiếp: Lạy Chúa, này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa". Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau. Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

     

    2.3 Bài Tin Mừng (Lc 1,39-45): “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”

    Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: "Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)    

    3.1.1 Bài đọc 1 (Mk 5,1-4) là những lời loan báo của ngôn sứ Mikha (rao giảng vào khoảng năm 721 trước Công Nguyên) về sứ mạng trọng đại của Bêlem và của nhân vật sẽ xuất thân từ xứ sở nhỏ bé và vô danh này.

    Trong đoạn Sách Mikha 5,1-4 trên, chúng ta khám phá ra dung mạo, uy quyền (có từ thời trước, từ thuở xa xưa; quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất; Người sẽ chiến thắng vua ngoại và sẽ đem lại hòa bình cho dân Chúa) và sứ mạng (thống lãnh và chăn dắt Israel) của Vị Thiên Sai là Chúa Giêsu Kitô.

     

    3.1.2 Bài đọc 2 (Dt 10,5-10) là những lời khẳng định của Thánh Phaolô Tông đồ về lý do thâm sâu tại sao Chúa Giêsu đến trong trần gian. Lý do đó là Người đến để thực thi thánh ý của Thiên Chúa Cha và dâng hiến mình làm của lễ đẹp lòng Chúa Cha, thay thế các lễ  tế  và lễ vật của Cựu Ước.    

    Qua đoạn thư Do-thái 10,5-10 trên, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng vô hình, siêu việt, chẳng ưa thích gì những lễ tế vật chất như máu thịt chiên bò xúc vật. Lễ dâng đẹp lòng Người là tấm lòng của con người, là việc thực hiện thánh ý của Người là cứu độ muôn dân, muôn họ.

     

    3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 1,39-45) là tường thuật về cuộc viếng thăm người chị họ (là bà Isave của Đức Maria. Nói bằng ngôn ngữ bình dân Việt Nam thì là đây đúng là cảnh “bà bầu đi thăm bà bầu.” Bà bầu Maria đang mang trong lòng cả một BÍ MẬT của Trời Đất (là Giêsu Cứu Chúa) đến thăm bà bầu Isave đang mang trong lòng một ngôn sứ vĩ đại của lịch sử Cứu Độ (là Gioan Tiền Hô). Hai bà bầu gặp nhau cũng là hai con trẻ gặp nhau. Thật diệu kỳ! Bà Isave vừa ca ngợi người em họ Maria của mình, vừa chúc tụng Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ của muôn dân.

    Qua đoạn Phúc Âm Lu-ca 1,39-45 trên, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng và Mạc Khải tuyệt diệu. Chúa quan phòng để hai người mẹ và hai người con gặp nhau chẳng bao lâu trước ngày Gioan và Giê-su chào đời. Chúa tự mạc khải qua cảm nghiệm tâm linh và lời công bố đầy Thần Khí và bất ngờ của Bà Isave.

     

    3.2 Sứ điệp Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)    

    Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay có 2 phần:

    * Một là Chúa Giêsu là Đấng

    * sinh ra ở Bêlem (là một địa danh khiêm tốn và vô danh),

    * sinh ra bởi Đức Maria, một thiếu nữ đơn sơ, giản dị, nhưng thánh thiện  tuyệt vời (vô nhiễm nguyên tội) của Israel và của cả nhân loại,

    * được Gioan Tiền Hô, con ông bà Giacaria và Isave, dọn dường bằng lời rao giảng và bằng phép rửa kêu gọi sám hối.

     

    * Hai là Chúa Giêsu đến để thực thi thánh ý của Thiên Chúa Cha là cứu chuộc, hướng dẫn và chăn dắt (hay chăm lo) hết mọi người, mọi dân. Chúa Giêsu có sứ mạng hòa giải con người với Thiên Chúa bằng của lễ toàn thiêu mà Ngài dâng lên Thiên Chúa là chính mình Ngài trên thập giá. Một khi con người được hòa giải với Thiên Chúa rồi thì con người sẽ được hưởng hòa bình và thịnh vượng. Vì thế Chúa Giêsu là Vua Hòa Bình!

     

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng thực hiện kế hoạch cứu độ nhân loại nơi Ngôi Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu con Đức Maria. Sống với Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã xuống thế làm người để thực thi Ý Cha. Sống với Chúa Thánh Thần là Đấng đồng hành và cộng tác với Chúa Giêsu Kitô trong Mầu Nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc!

     

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa  

    Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là chúng ta nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến trần gian để thực hiện Thánh Ý của Cha. Người là Chúa Cứu Thế, là Vua Hòa Bình, là Lãnh Đạo của toàn Dân Chúa.

    Chúng ta cần nhận ra Người ở những nơi Người hiện diện:

    * Trước hết là trong Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa, là lịch sử Cứu Độ của Thiên Chúa: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Giêsu Kitô” (Thánh Giêrônimô, linh mục tiến sĩ Hội Thánh).

    * Và trong Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu, là Lễ Dâng đẹp lòng Thiên Chúa hơn mọi lễ dâng khác của Cựu Ước và của loài người.

    * Kế tiếp là trong Cộng Đoàn, là Gia Đình của Chúa: “Hễ ở đâu có hai, ba người tụ họp vì Danh Thày thì Thày có mặt ở đó.”

    * Và trong những con người chúng ta gặp hằng ngày, nhất là những người bé mọn, nghèo hèn vì mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, đều là anh chị em của Chúa Ki-tô: “Ai làm việc ấy (hay không làm việc ấy) cho một trong những người bé mọn đây là làm (hay không làm) cho chính Ta” (xem Mt 25).

    * Sau cùng là trong các biến cố cuộc đời, vì mỗi sự việc xẩy ra đều do Chúa cho phép và đều mang  theo một lời nhắn, một sứ điệp cho chúng ta.

     

    V. CẦU NGUYỆN CHO LOÀI NGƯỜI VÀ HỘI THÁNH

    [Cách cấu nguyện với Lời Chúa]

    5.1 Lạy Thiên Chúa là Đấng đã dùng sấm ngôn của Mikha mà phán rằng: «Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel», chúng con tha thiết cầu xin Chúa ban cho dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng con, ơn nhận ra Chúa Giêsu Kitô là Đấng Thiên Chúa đã ban cho nhân loại để Người đưa nhân loại về với Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của muôn loài muôn vật.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.2 Lạy Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su và là Cha của chúng con, Thánh Phaolô Tông đồ đã viết trong thư gửi giáo đoàn Do-thái rằng: Chúa Giêsu đã thưa với Cha: «Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài», chúng con tha thiết cầu xin Cha ban ơn cho mọi thành phần Dân Chúa ở Việt Nam, nhất là cho các giám mục, linh mục, tu sĩ và tông đồ giáo dân, để ai nấy biết lấy việc thực thi Thánh Ý Thiên Chúa làm Lẽ Sống cuộc đời mình.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.3 Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, trong Phúc Âm thánh Luca ghi lại rằng: «Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa» chúng con tha thiết cầu xin Chúa ban cho mọi giáo dân trong giáo xứ chúng con có được một tấm lòng yêu thương quý mến nhau mà ân cần thăm viếng và chia sẻ với nhau như Mẹ Maria.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.4 Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, trong Phúc Âm thánh Luca còn ghi lại rằng: «Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện» chúng con tha thiết cầu xin Chúa ban cho tất cả các phụ nữ Việt Nam một tấm lòng yêu thương quý mến con cái của mình mà bảo vệ và chăm sóc chúng.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    Sàigon ngày 15 tháng 12 năm 2021

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.                                                                                                                    

     

     

     

    --

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran

     
    5 PHÚT LỜI CHÚA
    13/12/21 THỨ HAI TUẦN 3 MV

    Thánh Licia, đồng trinh, tử đạo


    TIN MỪNG Mt 21, 23-27

     QUYỀN VÀ BỔN PHẬN LOAN BÁO

                Khi ấy, Đức Giêsu vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?” (Mt 21,23)

                 Suy niệm/SỐNG: Các thượng tế và kỳ mục như đang rơi vào tình trạng hôn mê khi đối diện với Chúa Giêsu. Họ không còn nhớ gì về những điều Thánh Kinh đã nói về uy quyền Thiên Chúa, dù họ gần gũi sách Thánh.

    Thánh Kinh đã thuật lại Thiên Chúa chỉ dùng lời Ngài phán để tạo dựng vũ trụ. Ngài cũng đã mạc khải danh Đức Chúa của Ngài cho Môsê trước khi giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập và khi trao Lề Luật, Ngài cũng đã bày tỏ quyền năng của Ngài.

    Mọi sự Ngài nói và làm đều do quyền năng của Ngài. Thế mà những thượng tế và kỳ mục dám đến hạch hỏi Chúa Giêsu “lấy quyền nào” để giảng dạy. Dường như họ cho rằng chỉ có họ độc quyền nói về Thiên Chúa, nên những ai muốn tham dự vào quyền này nhất thiết phải có phép của họ.

    Nhưng đối với Chúa Giêsu, việc loan báo về Thiên Chúa là do bởi thánh ý của Chúa Cha, vì thế loan báo về Thiên Chúa không chỉ là quyền mà còn là bổn phận của Ngài đối với Chúa Cha.

                 Mời Bạn CHIA SẺ: Giáo Hội quả quyết, truyền giáo là một bổn phận của Kitô hữu và là quyền bất khả xâm phạm do đòi hỏi của ơn gọi Kitô hữu. Bạn lăn xả vào sứ mạng này hay còn chờ đợi một “giấy phép” cho sứ mạng này?

                 * Kitô hữu lãnh nhận bổn phận truyền giáo từ khi nào?

                 Sống Lời Chúa: Mạnh dạn nói về Chúa cho một vài người.

                Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho con mạnh mẽ nói về Chúa và xác tín những điều con loan báo trong mọi cảnh huống cuộc đời. Amen.
    GPCANTHO

     


SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA - THỨ BA

  •  
    Chi Tran
     


    5 PHÚT LỜI CHÚA

    14/12/21 THỨ BA TUẦN 3 MV

    Thánh Gioan Thánh Giá, LM tiến sĩ

    TIN MỪNG Mt 21,28-32

     ĐỨC TIN KHÔNG TỰ MÃN

                “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” (Mt 21,31)

                 Suy niệm/SỐNG: Hoán cải, thay đổi đời sống là bằng chứng cụ thể của người tin.

    Những người thu thuế và các cô gái điếm, bị xem là những người tội lỗi, nhưng lại xứng đáng với Nước Thiên Chúa vì đã biết hoán cải nhờ tin vào lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả.

    Nhờ lòng tin này, họ được vào Nước Thiên Chúa trước các thượng tế và kỳ mục, những người tự mãn cho mình là thanh sạch và xứng đáng hơn.

    Chúa Giêsu đã tuyên bố điều này để cảnh cáo thái độ tự mãn của các thính giả của Ngài dẫn đến chỗ cứng lòng không tin và không chịu hoán cải.

                 Mời Bạn CHIA SẺ: Muốn được cứu độ nhất thiết có đức tin. Tuy nhiên, tự mãn trong đức tin là điều rất nguy hiểm.

    Nó làm cho con người ù lì, cứng lòng, không chịu hoán cải và tệ hại hơn cả là lấy mình làm tiêu chuẩn đánh giá người khác. Trước mặt Chúa, chẳng ai trong chúng ta là người hoàn hảo, nắm trọn chân lý đức tin.

    Vì vậy, mỗi một người đều cần phải biết hoán cải, làm mới bản thân mỗi ngày để biết ngày càng sống phù hợp với tinh thần Tin Mừng hơn.

               * Bạn tin vào Chúa, tất nhiên, nhưng bạn có những cách thế nào để làm chứng cho niềm tin đó?

                 Sống Lời Chúa: Nhắc lại Lời Chúa “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26) để cố gắng thăng tiến đức tin mỗi ngày bằng hành động cụ thể.

                 Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhờ đức tin chúng con được hưởng ơn Cứu độ. Nhưng xin Chúa giúp cho chúng con biết sống niềm tin vào Chúa bằng việc hoán cải và canh tân đời sống mỗi ngày theo những đòi hỏi cấp thiết của Lời Ngài. Amen.

     GPCANTHO

     
     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran

     
    5  PHÚT LỜI CHÚA

    12/12/21 CHÚA NHẬT TUẦN 2 MV

    TIN MỪNG Lc 3, 10-18

     CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ĐÂY?

                Dân chúng lũ lượt đến xin ông Gioan làm phép rửa; họ hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có…” (Lc 3,10-11)

                 Suy niệm/SỐNG: Ngạn ngữ Anh nói với chúng ta: “Con đường xuống hoả ngục được lát bằng những ý hướng tốt”.

    Vì thế, điều quan trọng không phải là dốc lòng chừa khi xưng tội, nhưng là thực hiện điều dốc lòng ấy, bởi vì đã bao lần mình dốc lòng chừa, nhưng rồi khi xét mình, thấy các tội cũ lại “nguyễn y vân” (vẫn y nguyên!).

    Để bày tỏ lòng sám hối, sau khi chịu phép rửa ở sông Giođan, các hối nhân đều lên tiếng hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?”

    Họ hiểu rằng lòng sám hối thật sự không phải chỉ là những cảm xúc chân thành, hay những suy tư hoa mỹ, mà phải được diễn tả bằng việc làm: phải làm gì đây?

    Sám hối không phải chỉ là đổi mới trong nếp nghĩ, nhưng còn đổi mới cung cách hành xử của bàn tay, đôi mắt, môi miệng… cho hợp với Lời Chúa.

                 Mời Bạn CHIA SẺ: Bạn cũng hãy tự hỏi: tôi phải làm gì đây trong mùa Vọng này?

    Ông Gioan cũng cho bạn câu trả lời: tiếp tục làm công việc nghề nghiệp, bổn phận nhưng với tinh thần bác ái, công bằng, tận tâm và vui tươi…

           * Tôi sẽ làm gì để việc sám hối thật sự đổi mới cuộc đời tôi?

                Sống Lời Chúa: Tôi sẽ lãnh nhận bí tích Hoà giải trong mùa Vọng với một quyết tâm thực hiện điều dốc lòng chừa cách mạnh mẽ hơn.

               Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, con được no nê mà vẫn thiếu ăn, vì bên con còn có người đói lả. Con uống nước mát mà họng vẫn khô rang, vì bên con còn có người đang khát. Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi, vì bên con còn có người phiền muộn. Amen. (Rabbouni)

     GPCANTHO

     

Subcategories