3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran

     
     


     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    10/01/22 THỨ HAI TUẦN 1 TN


    TIN MỪNG Mc 1,14-20

     
    NỘI DUNG CHÍNH CỦA TIN MỪNG
     
    Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15)
     

    Suy niệm/SỐNG: Năm 47 trước CN, sau khi chinh phục được thành Pontô vùng Tiểu Á, Giuliô Xêda, hoàng đế Rôma sau này, đã mô tả cuộc chiến thắng thần tốc của mình trong vỏn vẹn có mấy từ: “Veni, vidi, vici” (nghĩa là: ‘Tôi đã đến, tôi đã thấy, tôi đã thắng’).

    Những nhà hùng biện tài ba đều biết tóm tắt sứ điệp của mình bằng những lời ngắn gọn, rõ ràng, nhưng thật hàm súc, dứt khoát. Chúa Giê-su cũng tóm tắt nội dung của sứ điệp Ngài rao giảng bằng những lời thật đanh thép và súc tích:

    Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Như vậy điều cốt yếu để vào Nước Trời không phải là lời giảng thuyết hùng hồn hay những phép lạ vĩ đại mà là sám hối và tin vào lời rao giảng của Đức Giê-su.

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Có những thứ “râu ria” nào thường làm bạn quên mất nội dung chính của Lời Chúa?

    Phải chăng là việc quá bận tâm đến những nghi thức bên ngoài: sau những kỳ đại lễ bạn cảm thấy thoả mãn vì đã tổ chức lễ hoành tráng những nghi thức trang trọng?

    Hay bạn yên tâm vì mình vẫn đi lễ, rước lễ thường xuyên, vẫn làm phúc bố thí, đóng góp vào việc chung?

    Tất cả những điều đó đều cần nhưng chưa đủ, còn phải có lòng sám hối và lòng tin nữa!

     Khi loan báo Tin Mừng cho anh em, bạn có nhớ “chốt” vào nội dung chính này không?

     

    Sống Lời Chúa: Trước khi làm các việc đạo đức bạn hãy dọn mình bằng cách sám hối tội lỗi của mình và giục lòng tin vào Chúa.

     

    Cầu nguyện VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN:

    Lạy Chúa, Chúa muốn con đến với Chúa với cả tấm lòng hơn là của lễ. NHỜ ƠN CHÚA TÁC ĐỘNG, con QUYẾT TÂM sám hối thật lòng và tăng thêm lòng MẾN CHÚA VÀ THA NHÂN VỚI CẢ  CUỘC ĐỜI CON.

     GPLONGXUYEN


SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ BẢY

  •  
    Chi Tran

     
     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    08/01/22 THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH


    TIN MỪNG Ga 3,22-30

     
    QUI HƯỚNG VỀ CHÚA KITÔ
     
    Ông Gio-an trả lời (cho các môn đệ): “Chính anh em đã làm chứng cho thầy là thầy đã nói: Tôi đây không phải là Đức Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người… Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,28.30)
     

    Suy niệm/SỐNG: Người sứ giả không nói về mình mà là nói lời của người sai mình. Gioan đã thể hiện xuất sắc vai trò sứ giả đó cho đến giây phút cuối cùng.

    Trước nguy cơ tranh dành ảnh hưởng giữa các môn đệ mình và môn đệ Đức Giêsu–mà sau này điều đó đã thực sự xảy ra–Gioan, từ trong ngục, nhắc nhở cho các môn đệ của mình nhớ lại vai trò ngôn sứ-chứng nhân của họ: giới thiệu Đức Ki-tô, chứ không phải giới thiệu mình;

    Hướng dẫn người khác đến với Đức Ki-tô, chứ không phải giữ chặt họ ở lại với mình. Không cần lý luận cao siêu, Gioan đã làm điều mà các nhà thần học ngày nay gọi là một nền thần học kitô hướng tâm: lấy Chúa Kitô là trung tâm (christocentric).

    Mời Bạn CHIA SẺ: Từ thời của Gioan đến giờ, việc loan báo Tin Mừng đã bao lần phải đình trệ vì các môn đệ Đức Kitô lại trở nên đối thủ tranh dành ảnh hưởng lẫn nhau mà vẫn ảo tưởng rằng mình đang phục vụ Ngài.

    Xét cho cùng, mọi hình thức bè phái đều là do cái tôi ích kỷ, muốn lấy mình làm trung tâm thay vì quy hướng mọi sự về Đức Kitô. Giữa các đồng nghiệp,

    Giữa các đoàn thể trong giáo xứ bạn đang có những mâu thuẫn nào? Bạn thử tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp.

     

    Sống Lời ChúaBắt chước tinh thần khiêm tốn quên mình của Gio-an trong mọi hoạt động, đặc biệt khi làm việc tông đồ.

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hy sinh quên mình, để con loan báo về Chúa mà không làm Chúa bị lu mờ đi vì cái tôi ích kỷ của con.

    GPLONGXUYEN
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ - 5 PHUT LC

  •  
    Chi Tran

     
     
     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    06/01/22 THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH


    TIN MỪNG Lc 4,14-22

     
    CÁCH CHÚA TỎ MÌNH
     
    Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi… để tôi loan Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.” (Lc 4,18-19)
     

    Suy niệm/SỐNG: Chúa Nhật vừa rồi Giáo Hội mừng lễ Chúa Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình cho muôn dân.

    Trong Tin Mừng hôm nay, ngày trong tuần Hiển Linh, Chúa tỏ mình qua sứ vụ của Ngài là Đấng Thiên Sai. Đoạn sách ngôn sứ Isaia mà Ngài đọc trong hội đường ngày hôm ấy, được viết trước đó mười thế kỷ, được ứng nghiệm cho Ngài

    . Ngài là Vị Thiên Sai đảm nhận sứ vụ, nên Ngài clà Đấng đem lại niềm vui. Người nghèo được nghe Tin Mừng, sao lại không vui?

    Tù nhân được trả tự do, chắc chắn là mừng lắm! Người mù được sáng mắt, còn niềm vui nào sánh bằng?

    Sứ vụ của Chúa Giêsu nói lên rằng Ngài là Đấng tha tội, Đấng chữa lành thiêng liêng.

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Phần đông chúng ta không bị tù đày và mắt chúng ta không bị mù. Chúng ta cũng không bị áp bức phải làm nô lệ cho ai.

    Nhưng trên phương diện thiêng liêng, rất có thể chúng ta đang bị tù đày, bì kìm kẹp bởi tội lỗi. Con mắt đức tin của chúng ta có thể bị mù.

    Nay Đấng Thiên Sai đến, Ngài mời gọi chúng ta đến với Ngài qua Lời của Ngài và bí tích hoà giải, hầu cho chúng ta trở thành những con người tự do.

     

    Sống Lời Chúa: Sắp xếp thời gian để gia đình đọc kinh mỗi ngày, trong đó cùng đọc và suy niệm Lời Chúa.

     

    Cầu nguyệnLạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con Lời Chúa và bí tích hoà giải như phương thế giải phóng và tha tội cho chúng con. Xin cho chúng con luôn yêu mến Lời Chúa và năng lãnh nhận bí tích hoà giải.

    GPLONGXUYEN
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN

  •  
    Song Loi Chua
     

    SUY NIỆM/SỐNG VÀ CHIA SẺ PHÚC ÂM

    CHÚA NHẬT

    CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C (09/01/2022)

    ---ooOoo---

    KHỞI ĐÂU KHÔNG THỂ HOÀNH TRÁNG HƠN

    "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha"

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

     Phụng vụ Mùa Giáng Sinh kết thúc với Lễ mừng biến cố hay sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay Gioan trong dòng sông Giócđan. Chúa Giêsu là Đấng Mêsia mà dân Israel mong đợi. Chúa Giêsu là Đấng thánh, là  Đấng chẳng những vô tội mà còn là Đấng xóa tội trần gian. Tại sao Người lại chịu phép rửa của Gioan để tỏ lòng thống hối? Hành động ấy có ý nghĩa gì? Hơn nữa sau khi Chúa Giêsu bước lên khỏi nước và dang cầu nguyện thì một sự kiện vô tiền khoáng hậu lại xẩy ra:  ”Trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha". Sự kiện này có ý nghĩa gì? Chúng ta hãy dành thời gian và tâm trí để suy gẫm về ý nghĩa của hai sư kiện trên.

    II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 3,15-16.21-22:  Khi ấy,trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: "Gioan có phải là Đấng Kitô không?", Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: "Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!"

    Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".

     

    III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mt 2,1-12:  

    3.1 Sự kiện hay biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa từ tay Gioan khởi đâu một giai đoạn mới trong cuộc đời Đấng Mêsia: đó là giai đoạn cuộc sống công khai của Chúa Giêsu mà trọng tâm là Chúa Giêsu rao giảng về Nước Trời và mặc khải về Thiên Chúa là Cha, là Tình Yêu cho Israel và toàn nhân loại. Sự kiện khởi đầu sứ mạng gồm hai việc trái ngược nhau: Chúa Giêsu hạ mình xuống và được Chúa Cha và Chúa Thánh Thần nâng lên.

    3.2 Hai  ý nghĩa của sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa từ tay Gioan:

    a) Ý nghĩa thứ nhất: Chúa Giêsu hòa mình vào dòng người Do-thái ý thức mình có tội với Thiên Chúa và mong đợi Đấng Cứu Độ mà Thiên Chúa đã hứa sẽ gửi đến. Chúa Giêsu thể hiện tình liên đới của một Đấng Thiên Chúa nhập thể làm người với dân Israel nói chung và với các tội nhân nói riêng. Nhiều người nhấn mạnh đến sự hạ mình của Chúa Giêsu trong biên cố Người chịu phép rửa từ tay Gioan. Nhưng điều đáng chúng ta quan tâm hơn là hành động hòa mình vào dòng tội nhân để thể hiện tình liên đới của D(ấng Mêsia với Israel nói riêng và với nhân loại  nói chung.

    b) Ý nghĩa thứ hai: Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay Gioan thì Thiên Chúa Cha và Thánh Thần đã long trọng xác nhận và công bố Chúa Giêsu Nagiaret:  "là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha" Sự kiện “Trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán” có nghĩa đây là khung cảnh của một cuộc thần hiện, giống như nhiều cuộc thần hiện khác trong lịch sử Thánh Kinh Kitô giáo.

    IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mt 2,1-12:   

    4.1 Chúng ta hãy học cùng Chúa Giêsu sống tình liên đới với mọi người nhất là với người nghèo: Là Con Thiên Chúa nhưng Chúa Giêsu đã thành người và đã đảm nhận tất cả mọi hệ lụy của thân phận con người. Chúa Giêsu là người Do-thái nên đã sống niềm tin và khát vọng của dân Israel về Thiên Chúa, về ơn cứu độ. Chính từ hành động liên đới này của Chúa Giêsu mà Công Đồng Vatican II đã long trọng công bố: ”Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thực vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được qui tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗi đem tới cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại1*.

    Chúng ta hãy thể hiện tình liên đới của mình với con người, với dân tộc, với người nghèo, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn thử thách như dịch bệnh hiện nay.

    4.2 Chúng ta hãy học cùng Chúa Giêsu mà sống đẹp lòng Cha: Chót điểm của đời sống Kitô hữu là sống tình con thảo với Thiên Chúa là Cha, sống tình huynh đệ với mọi người. Chúa Giêsu đã đến trần gian để thực thi thánh ý Cha vá cứu độ nhân loại.

    Chúng ta hãy học với Người để trở nên con cái yêu dấu của Cha, đẹp lòng Cha trong mọi sự.

    V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mt 2,1-12:      

    Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban cho chúng con Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã tỏ tình liên đới với các hối nhân khi chịu phép rửa bởi tay Gioan và đã được Cha công nhận là Con Yêu Dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin.

    Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN

    1.- «Trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: "Gioan có phải là Đấng Kitô không?»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người ơn khát khao tìm kiếm Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa gửi đến cho loài người.  

    Xướng: Chúng ta cùn g cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    2.- «Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: "Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy nhiệt thành giúp người khác tìm ra Chúa Giêsu Kitô là Đấng xóa tội trần gian.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    3.- «Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô nhận mình là người có tội cần được Thiên Chúa đoái thương.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    4.- «Và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tất cả các Kitô hữu biết trân quý mạc khải mà Thiên Chúa đã ban cho họ trong/qua Hội Thánh mà sống hiều thảo với Thiên Chúa là Cha theo gương Chúa Giêsu Kitô.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    LỜI KẾT:

    Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho nhân loại chúng con. Người đã tỏ tình liên đới với dân Israel nói chung với các hối nhân nói riêng khi chịu phép rửa bởi tay Gioan.  

    Chúng con xin Cha ban sức mạnh cho chúng con để chúng con luôn sống đẹp lòng Cha, trở nên con cái yêu dấu của Cha. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu Kitô, Con Cha và Chúa chúng con  Amen.

    Sàigòn ngày 07 tháng 01 năm 2022

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội  

     

     

     

    --

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN

  •  
    Song Loi Chua
     

    SỐNG&CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT

    CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C (09/01/2022)]

    MỘT TRANG SỬ MỚI

    [Is 40,1-5.9-11; Cv 10,34- 38; Lc 3,15-16.21-22]

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Sau Mùa Giáng Sinh, Phụng Vụ của Hội Thánh mừng kính biến cố đầu tiên của giai đoạn công khai của Đấng Mêsia: Chúa Giêsu thành Nagiarét nhận phép rửa từ tay Gioan Tầy Giả trong dòng sông Giócđan như nhiều người Israel khác. Gioan kêu gọi dân chúng chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối về tội lỗi của mình. Chúa Giêsu là Đấng thánh của Thiên Chúa, là Đấng vô tội, là Đấng xóa tội. Nhưng Chúa Giêsu đã tự tìm đến với Gioan và xin vị ngôn sứ rửa cho mình. Việc làm này của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì? Sự việc Chúa Cha và Chúa Thánh Thần xuất hiện (gọi là thần hiện) có ý nghĩa gì? Đó là hai câu hỏi mà các Kitô hữu chúng ta không thể không tìm hiểu để có lời giải đáp thỏa đáng và ích lợi cho đời sống đức tin của mình.

    Chúng ta hãy chăm chú đọc các Bài Sách Thánh, nhất là Bài Tin Mừng của Thánh Luca, để tìm ra ý nghĩa của hai sự việc quan trọng trên.

       

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Trong bài đọc 1 (Is 40, 1-5. 9-11): "Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người" Đây là lời Chúa phán: "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.

    Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm".

     

    2.2 Trong  bài đọc 2 (Tt 2,11-14; 3,4-7): "Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người" Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: "Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người".

     

    2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 3,15-16. 21-22): "Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra" Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: "Gioan có phải là Đấng Kitô không?", Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: "Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!"

    Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".

     

    III. TÌM HIỂU Ý NGHĨA VÀ SỨ ĐIỆP CỦA SỰ KIỆN CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA BỞI TAY GIOAN TRONG DÒNG SỐNG GIOCĐAN

    3.1 Hai ý nghĩa quan trọng của việc Chúa Giêsu chịu phép rửa trong dòng sông Giócđan bởi tay Gioan:  

    3.1.2 Ý nghĩa thứ nhất:  Chúa Giêsu thể hiện tình liên đới với những người ăn năn sám hối chờ mong Đấng Cứu Thế: Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa trong dòng sông Giócđan là một việc ‘thật” (không đóng kịch), có ý nghĩa “thật”. Chúa Giêsu hiều rất rõ là phép rửa của Gioan chỉ là một nghi thức tỏ lòng sám hối chứ không có khả năng tha tội. Đấng có quyền tha tội là Thiên Chúa và chỉ có một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Chúa Giêsu cũng biết rõ mình là Đấng vô tội (vì Người là Thiên Chúa cực thánh) nên không cần phải sám hối cũng như không cần phải tỏ lòng sám hối. Thế tại sao Chúa Giêsu lại hành động như thế? Chỉ có một cách giải thích thỏa đáng  là : Chúa Giêsu muốn sống hòa nhịp với dân tộc mình và muốn thể hiện tình liên đới chặt chẽ với họ cũng như với loài người tội lỗi chúng ta. Vì là một người Do-thái đích thực, Chúa Giêsu sống niềm trông đợi, chờ mong, hy vọng của toàn dân đang hướng về Đấng Mêsia mà các ngôn sứ đã loan báo từ nhiều thế kỷ trước. Mà muốn cho ngày Đấng Cứu Tinh ấy mau tới và muốn cho mình không bị Thiên Chúa loại bỏ trong ngày quan trọng ấy thì chỉ có một cách là sám hối ăn năn về những tội lỗi thiếu sót của bản thân và của dân tộc mình. Vì thế những người Do-thái đạo đức đã hưởng ứng lời "kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội" của Gioan. Và Chúa Giêsu đã làm y như họ: Người đã tự nguyện đứng vào hàng những người sám hối để chờ được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho.

    3.1.1 Ý nghĩa thứ hai: Chúa Giêsu bộc lộ chân dung đích thực của mình và mối tương quan của mình với Thiên Chúa: Cao điểm của biến cố phép rửa không phải là lúc Gioan dìm Chúa Giêsu xuống dòng sông mà là những việc xảy ra khi Chúa Giêsu bước ra khỏi nước. Phúc âm theo Thánh Máccô viết về biến cố này một cách sống động hơn Thánh Luca: "Vừa lên khỏi nước, Người (Chúa Giêsu) liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con" (Mc 1,10-11).

    "Tầng trời xé ra" có nghĩa là Thiên Chúa từ cõi siêu hình, cao xa đã xé trời ra để đi vào thế giới con người. “Có tiếng từ trời phán” " có nghĩa là Thiên Chúa mạc khải Mầu Nhiệm Thiên Cha Con và Thánh Thần bằng ngôn ngữ loài người và bằng hình tượng chim bồ câu  Trong ngôn ngữ thần học người ta gọi đó là cuộc thần hiện, tức cuộc xuất hiện của thần linh, của Thiên Chúa.

    Như thế việc Chúa Giêsu chịu phép rửa trong dòng sông Giócđan cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Đấng xuất phát từ thế giới thần linh, từ Thiên Chúa và có mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Người là Con yêu dấu của Thiên Chúa (Con là Con yêu dấu của Cha), đang thi hành kế hoạch của Thiên Chúa, được Thiên Chúa ở cùng (bồ câu ngự xuống trên Người) và rất đẹp lòng Thiên Chúa (Cha hài lòng về Con).

    Sau này thần học khai triển sâu rộng và giải thích rằng: tiếng nói từ trời phán là tiếng nói của Chúa Cha; Thần Khí dưới hình bồ câu ngự xuống trên Người là Chúa Thánh Thần, Còn Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, là Ngôi Hai hay Ngôi Lời Thiên Chúa. Vậy trong biến cố Chúa Giêsu Nagiarét chịu phép rửa, chúng ta thấy xuất hiện Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần, thông hiệp mật thiết với nhau trong thế giới siêu việt của Thiên Chúa và trong Công Trình Cứu Chuộc loài người của Chúa Giêsu.

    Ghi chú: Phép rửa của Gioan khác xa phép rửa của Chúa Giêsu ở chỗ phép rửa của Gioan chỉ là một nghi thức thể hiện lòng sám hối, không có năng lực tha tội và cứu độ trong khi phép rửa của Chúa Giêsu có năng lực tha tội và ban ơn đức tin và ơn cứu độ, vì được thực hiện nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha Con và Thánh Thần.

     

    3.2 Sứ điệp Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?) của việc Chúa Giêsu chịu phép rửa trong dòng sông Gióc-đan: gồm 2 phần.

    * Phần thứ nhất là Chúa Giêsu xuất thân từ Nagiarét, chịu phép rửa bởi tay Gioan trong dòng sông Giócđan là sứ giả của Thiên Chúa và là Con của Thiên Chúa hằng sống. Người đến trần gian để gánh tội dương thế và đem ơn cứu độ cho muôn người! Vậy chúng ta hãy đón nhận Người!

    * Phần thứ hai của sứ điệp là Thiên Chúa muốn chúng ta đón nhận Chúa Giêsu với tư cách là sứ giả, là Con của Thiên Chúa bằng việc vâng theo lời Ngài mà từ bỏ tội lỗi và đam mê trần tục để sống từ bi, nhân hậu và thánh thiện theo gương của Ngài!

    Vậy chúng ta hãy làm theo Người!

     

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa Cha là Đấng lên tiếng xác nhận Đức Giêsu chịu phép rửa là Con Yêu Dấu của Ngài. Sống với Chúa Thánh Thần là Đấng chứng nhận phép rửa của Chúa Giêsu trong dòng sông Giócđan. Sống với Đức Giêsu là Đấng đã hòa mình vào dòng người mong đợi Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.!

     

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

    Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, tôi có hai việc để làm:

    * Thứ nhất là tôi nhìn nhận Chúa Giêsu là Cứu Chúa và đón nhận Ngài vào tâm hồn và cuộc sống của tôi.

    * Thứ hai là tôi cố gắng tránh xa tội lỗi, từ bỏ các đam mê trần tục và sống yêu thương bác ái và lành thánh.

     

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho hết mọi người trong thế giới này biết đi vào con đường dẩn đến  Thiên Chúa.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!   Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.2 «Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục và linh mục, cho cac Tu Sĩ nam nữ để các ngài luôn chăm lo cho đoàn chiên Thiên Chúa giao cho

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.3 «Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tất cả các Ki-tô hữu là những người đã được rửa trong Thánh Thần và Lửa, để mọi tín hữu từ bỏ tội lỗi và đam mê trần gian mà sống từ bi, nhân hậu và thánh thiện.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.4 «Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho chính chúng ta, để chúng ta càng ngày càng xác tín hơn về Chúa Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa và là Cứu Chúa của chúng ta mà đón nhận và sống theo giáo huấn của Ngài.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

                                                                                                         

    Sàigon ngày 05 tháng 01 năm 2022

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.                                                                                                                    

     

     

     

     

     

    --

Subcategories