5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

THỨ NĂM 28/09/23 – TUẦN 25 TN 

Lc 9,7-9

Thánh Lô-ren-xô Ru-y và các bạn tử đạo

LÀ CHÚA CỦA ÂN SỦNG

“Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm.” (Lc 9,7)

Suy niệm: “Có 256 tên trong Kinh  dành cho Chúa Giê-su Ki-tô, và tôi giả sử như vậy vì Ngài hoàn toàn vượt quá mọi điều mà bất cứ một cái tên nào có thể diễn tả” (B. Sunday). Người đương thời gán cho Đức Giê-su những cái tên khác nhau: Gio-an Tẩy giả, Ê-li-a, hay một ngôn sứ nào đó. Với Hê-rô-đê, Ngài không thể là ông Gio-an Tẩy giả, người đã bị vua chém đầu. Vậy Ngài là ai mà có thể làm được những điều lạ thường như vậy? Hê-rô-đê háo hức muốn gặp mặt Đức Giê-su để được xem vài phép lạ cho thỏa trí tò mò. Cuối cùng, điều mong ước của vua cũng đạt được một nửa: gặp Đức Giê-su trong cuộc Khổ nạn, thế nhưng, Ngài không làm phép lạ nào. Bực tức, ông xem Ngài như một người điên dại, không đáng quan tâm.

Mời Bạn: “Thiên Chúa không chỉ ban cho ta ân sủng; Ngài ban cho ta Đức Giê-su, Chúa của ân sủng” (J. Tada). Có thể bạn theo Chúa vì những lợi ích trần thế hôm nay: của cải vật chất, học hành, thành công… Đừng theo Chúa theo kiểu Hê-rô-đê: đòi Chúa làm phép lạ. Cũng đừng theo Chúa như dân Do Thái ngày xưa: để được ăn no nê. Bạn hãy bước theo Chúa Giê-su vì Ngài là Chúa của ân sủng, thế mà ân sủng lớn nhất là có Chúa hiện diện, và ơn ấy giúp ta trở nên đẹp lòng Thiên Chúa, tựa như Đức Ma-ri-a.

Sống Lời Chúa: Tôi tập thờ phượng Chúa vì lòng yêu mến, biết ơn với Ngài, chứ không phải vì bất cứ lợi lộc nào của trần gian này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã là Đấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa-ở với-con người, để là Ân sủng của Thiên Chúa giữa con người chúng con. Xin cho con nhận ra ân sủng lớn nhất trong đời mình là có Chúa ở cùng. Amen.

 

THỨ TƯ 27/09/23 – TUẦN 25 TN 

 Lc 9,1-6

Thánh Vinh-sơn Phao-lô, linh mục

RAO GIẢNG TAY KHÔNG

“Anh em đừng mang gì đi đường.” (Lc 9,3)

Suy niệm: Các môn đệ được mời gọi bước theo Thầy, ở với Thầy, làm việc và chứng kiến Thầy thi hành sứ vụ  rao giảng, chữa bệnh. Hôm nay Đức Giê-su lại sai nhóm Mười Hai đi loan báo Tin Mừng, ban cho họ quyền năng kèm theo việc loan báo, cùng với yêu cầu: không mang gì khi đi đường. Tại sao vậy? Thưa, Ngài muốn người môn đệ ra đi tay không, không ỷ lại vào phương tiện mình có, nhưng chỉ lệ thuộc vào quyền năng, lòng yêu thương của Thiên Chúa. Nói cách khác, trong công cuộc loan báo Tin Mừng, Ngài cần con người các môn đệ hơn là các phương tiện bên ngoài. Tác nhân chính trong việc loan báo Tin Mừng là chính con người, đời sống chứng tá của người môn đệ. Vì loan báo Tin Mừng là chia sẻ cảm nghiệm mình gặp gỡ Thiên Chúa như thế nào, trải nghiệm tình yêu Ngài trong đời mình, và muốn cho người khác cũng cảm nhận được điều đó. Điều đánh động, thuyết phục người khác hơn cả là đời sống được biến đổi tận căn của người Ki-tô hữu chứng tá, như lời Đức Phao-lô VI: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân.”

Mời Bạn: Mỗi hành động, cử chỉ, lời nói, cách cư xử hàng ngày của bạn, dù nhỏ bé, cũng phải được thực hiện với ý thức rằng bạn đang thực hiện sứ mạng loan báo Tin mừng Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Hãy nói một lời chúc tốt đẹp với người mà bạn không thích với ý hướng loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin mừng với niềm vui… .

(Rabbouni)

 

THỨ HAI 25/09/23 – TUẦN 25 TN

Lc 8,16-18

SỨ MẠNG PHẢI TỎA SÁNG

“Chẳng ai đốt đèn rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. (Lc 8,16)

Suy niệm: Đèn được thắp lên để chiếu sáng. Bao lâu không còn chiếu sáng, hoặc chỉ được thắp lên rồi để dưới gầm giường hay lấy hũ che đi (Lc 8,16), thì đèn mất tác dụng chiếu sáng, nó không còn lý do hiện hữu. Người môn đệ được Chúa Giê-su trao cho sứ mạng loan báo Tin Mừng cũng giống như những ngọn đèn ở giữa thế gian, phải sáng và có sức tỏa sáng. Sứ mạng ấy không phải là đặc ân cho cá nhân, nhóm hay tổ chức đặc quyền nào, mà là cho tất cả những ai đã lãnh Bí tích  tẩy. Ý thức điều đó, các môn đệ không giữ Tin Mừng cho riêng mình, nhưng chia sẻ cho người khác, bao ngọn đèn khác cũng được thắp sáng từ ngọn đèn của người môn đệ.

Mời BạnNgọn nến được thắp sáng trong ngày lãnh nhận Bí tích  tẩy tượng trưng cho sứ mạng của bạn. Ngọn nến ấy phải được thắp sáng, càng ngày càng sáng hơn suốt đời bạn, nhờ nỗ lực sống chứng tá cho Tin Mừng. Bao lâu không trở nên và không muốn trở nên chứng tá là bấy lâu bạn đang dập tắt ngọn đèn đang cháy sáng trong mình.

Chia sẻKhiêm tốn, bác ái, dấn thân, phục vụ quên mình… là những “ngôn ngữ” sống động và có giá trị của Tin Mừng. Bạn muốn thứ ngôn ngữ nào vang lên trong mình để tỏa sáng ngọn đèn đức tin cho người khác?

Sống Lời ChúaThực thi một việc bác ái cụ thể trong ngày sống.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giê-su, xin cho con ý thức sứ mạng loan báo Tin Mừng cao quí như là lẽ sống của cuộc đời, hầu con thắp lên, làm lan tỏa ngọn đèn sứ mạng ấy cho những người mà chúng con gặp gỡ. Amen.

 

THỨ BA 26/09/23 – TUẦN 25 TN 

Lc 8,19-21

Thánh Cốt-ma và Đa-mi-a-nô, tử đạo

MANG HỌ GIÊ-SU

Đức Giê.su đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,21)

Suy niệm: Đọc thoáng qua, ta cảm tưởng như Đức Giê-su hơi “lơ là,” chưa quan tâm đến mẹ mình đủ. Thực ra, đây là cách Ngài đề cao Đức Mẹ, một người luôn lắng nghe và làm theo Lời Chúa dạy (x. Lc 1,38.45; 2,19.52). Đức Ma-ri-a hai lần là mẹ Đức Giê-su: một lần sinh con về phương diện thể lý; lần khác là người mẹ luôn lắng nghe, ghi nhớ và thi hành Lời Chúa. Đức Giê-su cho thấy trong đại gia đình thiêng liêng mới, tình thân nghĩa họ hàng không còn giới hạn trong tương quan máu mủ ruột thịt hay chủng tộc, nhưng mở rộng đến tất cả những ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Họ trở thành người thân của Ngài, cùng mang họ “Giê-su,” sống theo châm ngôn của Ngài: ‘lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy’ (Ga 4,34). Họ xứng đáng được gọi là Giê-su hữu, nghĩa là người thuộc về Chúa Giê-su.

Mời Bạn: Chúng ta hẳn phải tự hào, hạnh phúc khi được làm con cái Chúa, người nghĩa thiết của Đức Ki-tô. Tuy nhiên, mang họ Giê-su đồng nghĩa với bổn phận làm sáng danh Thiên Chúa bằng việc sống hiếu thảo với Người. Sự hiếu thảo ấy được cụ thể hóa bằng chính lối sống mang đậm chất Tin Mừng. Hãy tập Tin Mừng hóa lối nghĩ, lối sống của mình, bạn nhé!

Sống Lời Chúa: Tâm niệm Lời Chúa luôn là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa mơ ước  nhân loại trở thành anh chị em một nhà, con một cha. Xin cho chúng con luôn ghi nhớ Lời Chúa, sống theo  ý Chúa. Nhờ đó, mỗi người chúng con làm rạng danh dòng họ “Giê-su,” theo mẫu gương Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa. Amen.

 

CHÚA NHẬT 24/09/23 – TUẦN 25 TN – A 

Mt 20,1-16a

VÌ MỘT NỀN KINH TẾ CHIA SẺ

Khoảng giờ thứ mười một ông chủ trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” (Mt 20,6-7)

Suy niệm: Trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay, các sản phẩm càng ngày càng đòi hỏi chất lượng cao với kỹ thuật tinh vi hiện đại. Vì thế, muốn có việc làm lương cao, phải có trình độ chuyên môn cao. Muốn thế thì phải học hành cao mới đáp ứng nổi yêu cầu. Thế nhưng chi phí đầu tư cho việc học hành lại vượt quá khả năng của những người nghèo cơm ăn bữa no bữa đói. Thế nên, người nghèo bị bó chặt trong cái vòng luẩn quẩn của kiếp nghèo, bị loại ra bên lề cuộc chơi ‘chất lượng cao’, giống như những người thợ vườn nho đành đứng ngoài ngáp ruồi “vì không ai mướn chúng tôi.” Lời Chúa hôm nay thúc bách chúng ta nghĩ đến một toàn cầu hoá không-loại-trừ thay vì một toàn cầu hoá ‘hoang dã’, một nền kinh tế chia sẻ thay vì một nền kinh tế tiêu thụ ích kỷ.

Mời Bạn: Bác ái trong thời đại toàn cầu hoá đòi hỏi bạn bước ra khỏi ‘căn nhà’ tiện nghi, và an toàn của mình để tìm gặp những người đang bị gạt ra bên lề đó, không chỉ để bố thí cho họ một chút cơm thừa, mà là tìm cách tốt nhất chia sẻ với họ cả những điều kiện, những cơ hội để họ có thể thăng tiến cuộc sống.

Chia sẻ: Có nhiều trường hợp đòi hỏi sự chia sẻ ‘tổng lực’ của cả cộng đoàn. Nhóm của bạn điểm ra những trường hợp như thế và lên kế hoạch chia sẻ.

Sống Lời Chúa: Luôn luôn sẵn sàng và quảng đại hợp tác với những chương trình chia sẻ trong cộng đoàn của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì Chúa đã mặc lấy thân phận người nghèo ở giữa chúng con, chúng con không được phép làm ngơ trước những anh em nghèo đói chung quanh chúng con.