5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

Thứ Năm 12/10/23 – tuần 27 tn   

 Lc 11,5-13

cứ xin thì sẽ được

Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11,10)

Suy niệm: Ngày kia, thánh Clément Hofbauer (+1820) đi xin đồ viện trợ cho các cô nhi. Ngài vào một quán ăn, có ba người đang đánh bạc, xin họ góp phần vào công việc từ thiện. Một người chửi bới, rồi nhổ vào mặt ngài. Thánh nhân lặng lẽ rút khăn tay lau mặt và nhẹ nhàng nói: “Đó là phần ông cho tôi. Còn phần cho các cô nhi của tôi đâu?” Tay cờ bạc kinh ngạc đến thẹn thùng, rồi dốc túi đưa hết cho ngài. Vâng, nhiều lần chúng ta thất vọng về Thiên Chúa “lặng thinh làm ngơ” trước những lời cầu nguyện của chúng ta. Nhưng Thiên Chúa không như chúng ta tưởng, Ngài mang trong mình bản chất nhân hậu và giầu ân sủng, Ngài rất vui thích ban mọi ơn dồi dào và nhưng không cho con người. Vì Chúa là Cha thương yêu con cái mình: “Có người cha nào trong các con lại cho con cái con rắn trong khi nó xin con cá chăng…? (Lc 11,11). Để xác tín hơn vào Thiên Chúa tốt lành, Chúa Giê-su đã khuyến khích và thúc dục chúng ta kiên trì cầu nguyện: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Lc 11,10).

Mời Bạn: Có hai lý do để bạn cầu xin với Chúa: trước hết để nói lên niềm tin của bạn vào Thiên Chúa. Thứ đến, để bạn thú nhận sự giới hạn và bất toàn của mình, rất cần được trợ giúp của Chúa để vượt qua. Phần Chúa, Ngài sẵn sàng ban ơn cho những ai kêu cầu Người. Vậy tại sao bạn lại chần chừ cầu nguyện? Chẳng những bạn cầu xin cho những chính bạn, và cho chính bạn, bạn đừng “quên” cầu nguyện người khác, nhất là những người đau khổ, bị bỏ rơi.

Sống Lời Chúa: Tin tưởng, phó thác và kiên trì cầu nguyện.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Trông Cậy.

 

THỨ TƯ 11/10/23 – TUẦN 27 TN 

   Lc 11,1-4

Thánh Gio-An Xxiii, Giáo Hoàng

ĐƯỢC GỌI THIÊN CHÚA LÀ CHA

Khi cầu nguyện, anh em hãy nói : “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến.” (Lc 11,2)

Suy niệm: Trong dân gian phổ biến một cách chữa trị mắt tai hại, là hễ ai có bệnh gì về mắt hay muốn cho mắt tốt hơn, cứ nhìn vào mặt trời trưa ngày mồng 5 tháng Năm (â.l.), Tết Đoan Ngọ, sẽ được lành. Thực ra, chưa nói đến ánh sáng chói chang tác hại đến mắt, mặt trời làm nước mắt ràn rụa gây đau nhức. Có người đã ví sự thánh thiện của Thiên Chúa tựa ánh sáng mặt trời khiến chúng ta, những tội nhân không dám đến gần. Phê-rô đã từng xin Chúa tránh xa ông vì ông là kẻ tội lỗi. Hay như người thu thuế chỉ dám đứng xa xa, cúi đầu thống hối, không dám ngước nhìn Thiên Chúa. Đã thế, làm sao họ dám gọi Thiên Chúa là Cha? Trong Cựu Ước, không có chỗ nào người ta dám gọi Thiên Chúa là Cha, mặc dù trong thâm tâm vẫn nhận biết sự thân thiện cha-con Thiên Chúa dành cho con người. Nay nhờ ơn cứu độ của Đức Giê-su, khi nên một với Ngài trong tư cách là Con Một Chúa Cha, nhờ lời Ngài dạy và nhờ Thánh Thần gợi hứng, nhân lọai mới có thể kêu lên Thiên Chúa “Áp-ba”, Cha ơi!

Mời Bạn: Mỗi khi cầu nguyện, mời bạn mặc lấy tâm tình của Đức Giê-su dâng lên Cha, Đấng mà Ngài yêu thương, và luôn tin tưởng, phó thác.

Chia sẻ: Gọi Thiên Chúa là Cha, điều đó đòi hỏi bạn liên lạc thường xuyên với Chúa. Bạn sẽ làm gì để nối kết mối liên hệ này?

Sống Lời Chúa: Bạn đọc kinh Lạy Cha cách chậm rãi, với tâm tình tin yêu.

Cầu nguyện: Lạy Cha, con xin hiệp ý với Chúa Giê-su để thưa: Lạy Cha, con xin phó thác đời con trong tay Cha. Cảm tạ Cha đã mạc khải đức tin cho những kẻ bé mọn. Cảm tạ Cha đã nhận lời con.

 

THỨ HAI 09/10/23 – TUẦN 27 TN

 Lc 10,25-37

Thánh Đi-Ô-Ni-Xi-Ô, Giám Mục Và Các Bạn Tử Đạo

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI LÀ…

“…Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc…” (Lc 15,33-34)

Suy niệm: Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã! Người Việt Nam, vốn đề cao tinh thần nghĩa hiệp, chắc chắn cảm thấy rất gần gũi và rất dễ cảm nhận câu chuyện ‘Người Sa-ma-ri tốt lành’ hôm nay. Mà đây chính là một tóm kết giáo huấn Tin Mừng của Chúa Giê-su! Thật vậy, bối cảnh dẫn vào câu chuyện cho thấy rõ: con đường dẫn tới ‘sự sống đời đời’ là như thế; ‘mến Chúa yêu người’ là như thế. Chung qui có 2 loại người: loại người tránh qua bên kia mà đi” và loại người dừng lại” ra tay cứu vớt người đồng loại đang lâm nạn. Chàng thanh niên là thánh Phan-xi-cô Át-xi-di đã “dừng lại” như thế. Ngày nọ, đang cưỡi ngựa băng qua cánh đồng Um-bri-a, chàng trông thấy một người cùi rách nát nằm thoi thóp. Tự nhiên chàng cảm thấy kinh tởm, nhưng Phan-xi-cô biết mình phải làm gì. Chàng xuống ngựa, ôm hôn kẻ bất hạnh, và dốc hết tất cả số tiền của mình trao cho người ấy.

Mời Bạn: Tự vấn xem mình có ‘mến Chúa yêu người’ theo cách này không.

Chia sẻ: Thầy tư tế và thầy Lêvi “tránh qua bên kia mà đi”, còn người dừng lại cứu nạn là một người Sa-ma-ri! Sự kiện này có thể có những hàm ý gì cho hôm nay?

Sống Lời Chúa: Hôm nay, Chúa Giê-su cũng nói với bạn: “Bạn hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Cầu nguyện: Đọc hoặc hát “Kinh Hoà Bình”: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…

 

THỨ BA 10/10/23 – TUẦN 27 TN 

 Lc 10,38-42

CHỌN PHẦN TỐT NHẤT

“Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 18,42)

Suy niệm: Thời nay người ta chuộng lối sống thực dụng: “Có thực mới vực được đạo”. Câu nói của thánh Gia-cô-bê tông đồ cũng thường được viện dẫn: “Đức tin không việc làm là đức tin chết.” (Gc 2,17). Nhưng xem ra có vẻ Chúa Giê-su ủng hộ Ma-ri-a người không làm gì chỉ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài. Xem ra Ngài không quan tâm mấy đến việc Mác-ta lo phục vụ Ngài, cho dù công việc của Mác-ta cũng cần thiết không kém. Chúa Giê-su cho rằng Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất không phải là vì Ngài coi thường việc làm của Mác-ta, nhưng là nhắc nhở Mác-ta, làm gì thì làm nhưng đừng quên rằng sự hiện diện của Ngài mới là quan trọng nhất. Nếu Mác-ta ý thức được sự hiện diện của Chúa Giê-su là thiết yếu, thì cô đã không còn bắt Thầy để ý đến mình, cũng không còn ganh tỵ với em. Ma-ri-a đã không chọn điều gì khác mà chọn chính con người Giê-su. Đó là phần tốt nhất nên không ai lấy mất được.

Mời Bạn: Con người ngày nay có xu hướng đánh giá một người theo giá trị kinh tế chứ không theo phẩm giá nhân linh, chọn cuộc sống chạy theo lợi nhuận hơn là sống vì tình vì nghĩa. Còn bạn là Ki-tô hữu, bạn có dám chịu thiệt thòi để chọn lựa cách sống như một người có Chúa Giê-su không?

Chia sẻ: Khi làm việc bạn sẽ gặp những trường hợp sống trái ngược với sự thật, với Tin Mừng, bạn sẽ phản ứng như thế nào ?

Sống Lời Chúa: Lặp lại nhiều lần với sự xác quyết: “Không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến Chúa Ki-tô” (x. Rm 8,39)

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

 

CHÚA NHẬT 08/10/23 – TUẦN 27 TN – A   

Mt 21,33-43

DỤ NGÔN THỜI KHỦNG BỐ

“Có một gia chủ kia trồng được một vườn nho;… Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông cho đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi…” (Mt 21,33-34)

Suy niệm: Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì phải gọi những người thợ làm vườn nho trên đây là những người khủng bố. Dùng bạo lực để chiếm đoạt hoa lợi, đã thế họ còn tính toán cả việc giết người và qua mặt pháp luật để cướp luôn cả vườn nho: “Bọn tá điền thấy người con (của chủ vườn nho), thì bảo nhau: Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” Chúa Giê-su không chỉ tố giác một xã hội nhiễu nhương đầy bất công áp bức, Ngài muốn vạch rõ gốc rễ của sâu xa của chúng chính là lòng tham vọng muốn chiếm đoạt chủ quyền của Thiên Chúa. Những hệ thống kinh tế, những cung cách làm ăn tạo ưu thế cho người giàu có, thế lực, làm cho người nghèo càng nghèo hơn và tạo hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng cách biệt, đó chính là chiếm đoạt chủ quyền của Thiên Chúa trên những tài nguyên mà Chúa trao cho con người quản lý. Những hình thức xâm phạm đến sự sống con người là chiếm đoạt chủ quyền của Ngài là Đấng tạo dựng nên sự sống. Chiếm đoạt chủ quyền của Thiên Chúa, người ta trở thành những kẻ khủng bố đối với anh em mình.

Mời Bạn kiểm điểm đời sống xem mình có đang trở thành kẻ khủng bố cho anh em mình hay không.

Chia sẻ: Thảo luận đề tài: “Yêu thương và kính trọng nhau là vũ khí tốt nhất để chống khủng bố”.

Sống Lời Chúa: Tìm dịp để thăm viếng hoặc giúp đỡ một người, một gia đình đang gặp khó khăn và vày tỏ lòng yêu thương kính trọng đối với họ.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.