- Details
-
Category: 5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh
Mt 25,1-13
AI DẠI? AI KHÔN?
“Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó thì có năm cô dại và năm cô khôn.” (Mt 25,1-2)
Suy niệm: Nhà thơ Trần Tế Xương suy gẫm về lẽ dại khôn giữa một xã hội xô bồ:
Thiên hạ đua nhau nói dại khôn
Biết là ai dại biết ai khôn
Ông nghiệm ra rằng người giỏi mưu mẹo cờ bạc mà tự cho thế là khôn thì thực ra lại là người dại; còn người mải học hỏi văn chương chữ nghĩa bị coi là dại thì mới thực sự là khôn. Người khôn đích thực là người dám chịu thua thiệt về những cái lợi ngắn hạn trước mắt để đạt được điều tốt đẹp bền vững lâu dài. Trong dụ ngôn mười trinh nữ, năm cô khôn tượng trưng cho người biết nhắm đến mục đích tối hậu của đời mình là được kết hợp với chàng rể là Đức Ki-tô trong bữa tiệc hoan lạc trên thiên quốc; và vì thế, họ sẵn sàng chấp nhận sự bất tiện nhất thời vì phải mang thêm nhiều dầu, để ngọn đèn của họ có thể luôn cháy sáng dù chàng rể đến bất kỳ lúc nào.
Mời Bạn: Phao-lô nói: “Quê hương chúng ta ở trên trời,” nơi Đức Ki-tô đang ngự trị bên hữu Chúa Cha (Pl 3,20; Ep 1,20). Với tầm nhìn đó, chúng ta coi tất cả mọi sự đều là thiệt thòi, là rơm rác so với mối lợi tuyệt vời là được biết, được ở với Đức Ki-tô (x. Pl 3,8). Vì thế, mọi sự đời này chỉ tốt đẹp khi chúng được sử dụng để giúp chúng ta đạt tới mục đích tối hậu là cuộc sống vĩnh cửu mai ngày.
Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn dừng lại một giây để xét xem việc bạn sắp làm có giúp bạn đạt tới hạnh phúc đời đời không.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết ái mộ những sự trên trời, để “dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật”. Amen.
- Details
-
Category: 5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh
Mt 23,27-32
CAN ĐẢM KHIỂN TRÁCH
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình.” (Mt 23,27)
Suy niệm: Ta dễ xúc động, thiện cảm với hình ảnh một Chúa Giê-su hiền lành và khiêm hạ, một vị Chúa cúi xuống tựa nô lệ rửa chân cho môn đệ, Chúa Giê-su yêu kẻ thù, cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình. Thế nhưng, ta hơi bị “sốc” trước cảnh tượng Chúa Giê-su lấy dây thừng làm roi đánh đuổi kẻ buôn bán ra khỏi Đền thờ, hay dùng lời nặng nề “mồ mả tô vôi” để khiển trách những người Pha-ri-sêu giả hình. Thật ra, ai sống hiền lành và khiêm hạ, cũng cần có lòng can đảm để sống hai nhân đức ấy. Cũng vậy, khiển trách-sửa lỗi vì yêu thương trong sự thật cần sự can đảm như thế. Việc sửa lỗi, khiển trách của Chúa Giê-su không nhằm kết án, chúc dữ, nhưng nhằm chữa lành. Vì thế, trên cây thánh giá, Ngài không trách móc một ai, chỉ cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ giết hại mình, vì họ không biết việc họ làm.
Mời Bạn: Khiển trách phải là một nghệ thuật của trái tim. Khiển trách như Chúa Giê-su là gởi gắm cả tấm lòng vào đó, mong muốn người được khiển trách được chữa lành. Đôi khi chúng ta chỉ trích, lên án chứ không phải là yêu thương, chữa lành. Làm như vậy chỉ là “đổ dầu vào lửa,” làm sự việc thêm trầm trọng phức tạp, hơn là làm cho giảm nhẹ chữa lành.
Sống Lời Chúa: Gia đình tôi, nếu có khiển trách nhau, từ nay sẽ tập nói lời chữa lành, thay vì nói lời thô lỗ, cọc cằn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến trần gian để chữa lành, kể cả những lúc phải dùng đến việc khiển trách. Trong năm Hiệp Hành, hướng đến một lòng một ý, xin giúp chúng con học cách sửa lỗi nhau giống như Chúa: khiển trách trong yêu thương, khiển trách nhưng đồng thời mong vết thương tha nhân được chữa lành. Amen.