5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

THỨ SÁU 22/09/23 – TUẦN 24 TN

 Lc 8,1-3

TIỀN CỦA VÀ TRUYỀN GIÁO

Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ. (Lc 8,3)

Suy niệm: Từ thời Chúa Giê-su, việc dâng cúng của cải vật chất giúp Ngài và các môn đệ trong khi thi hành việc truyền giáo đã được đề cập đến. Ta nhận ra giá trị của lòng hảo tâm, việc quảng đại hiến tặng, đóng vai trò tích cực trong việc loan báo Tin Mừng cho mọi thời và mọi nơi. Tuy nhiên, phải hết sức khôn ngoan cẩn trọng kẻo tiền của làm cho những việc  thiêng mất đi ý nghĩa đích thực của nó. Tiền của chỉ hỗ trợ chứ không thay thế cốt lõi của việc loan báo Tin Mừng. Chúa đã từng cảnh báo người giàu khó vào Nước Trời, khó hơn lạc chui qua lỗ kim đó sao! Ta cảm kích, ghi nhận sự quảng đại của quí bà được Tin mừng ghi lại; mong ước luôn có được những người thiện chí như thế giúp cho công cuộc truyền giáo hiện nay.

Mời Bạn: Tiền bạc là phương tiện cần thiết cho các sinh hoạt hằng ngày của cuộc sống. Ta không thể sống mà không có tiền. Thế nhưng, đừng để việc kiếm tiền, tiêu xài, mua sắm, xao lãng sứ mạng loan báo Tin Mừng của người Ki-tô hữu. Trái lại, bạn hãy dùng tiền của đầu tư cho ngân hàng Nước Trời, mua lấy Nước Trời, chứ đừng bán Nước Trời để chạy theo tiền của.

Sống Lời Chúa: Tập sống Điều răn Thứ năm của Hội : “Góp công, góp của xây dựng Hội  tùy theo khả năng mình.” Tiết kiệm một số tiền cố định hằng tháng cho việc đóng góp này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, các bà đạo đức ngày ấy đã cụ thể hóa tấm lòng yêu mến Chúa bằng việc đi theo, trợ giúp tài chánh cho Chúa và các môn đệ. Xin Chúa cũng mở rộng tấm lòng những người tín hữu hôm nay, ngõ hầu họ quảng đại, tích cực đóng góp cho công cuộc truyền giáo được tiến triển tốt đẹp. Amen.

 

THỨ NĂM 21/09/23 – TUẦN 24 TN

Mt 9,9-13

Thánh Mát-thêu, tác giả sách Tin Mừng

LÒNG NHÂN TRỌNG HƠN CỦA LỄ

“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế… Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,13)

Suy niệm: Chúa Giê-su nói cho ta biết Ngài trọng lòng nhân từ hơn của lễ; và nếu Ngài có trọng của lễ, thì của lễ ấy phải được phát xuất từ lòng nhân từ. Từ tâm là thái độ, cách hành xử của một vị Thiên Chúa tự định nghĩa mình là Thiên Chúa của tình yêu. Mát-thêu, người thu thuế trong bài Tin Mừng hôm nay, là đối tượng của lòng từ tâm ấy. Nghĩa cử ưu ái này của Ngài không chỉ khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng còn làm cho giới kinh sư bực tức hậm hực: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” Quả thật, Chúa Giê-su cho thấy ưu tiên trong sứ vụ của Ngài là dành cho những người bị gán cho cái mác tội lỗi, những kẻ bị bỏ rơi bên lề xã hội, chứ không phải dành cho những người tự hào mình là người công chính.

Mời Bạn: Việc Chúa Giê-su ưu ái chọn gọi Mát-thêu giúp ta thay đổi não trạng hẹp hòi vốn có, mở rộng cái nhìn về người khác, mở toang cánh cửa cộng đoàn ta đang sống, để rộng tay đón nhận mọi thành phần xã hội, đưa Nước Trời đến với họ, giúp họ đổi đời. Không được biến đạo thành một loại pháo đài, vỏ bọc những gì ta gọi là tinh hoa, mà trái lại đạo chính là con đường, ‘con đường hiệp hành’ mà trên đó, mỗi người chúng ta cùng bước đi bên nhau. Bạn đang có thiên kiến về trong cộng đoàn của mình? Làm cách nào vượt qua rào cản ấy?

Sống Lời Chúa: Rủ một người trong cộng đoàn cùng bạn đi thăm viếng một gia đình lương dân hoặc một người neo đơn trong giáo xứ của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn tỏ lòng từ tâm với chúng con. Xin biến đổi con, để con luôn cư xử với mọi người bằng lòng từ tâm, kể cả những người hiểu lầm hoặc ác tâm với con. Amen.

 

THỨ BA 19/09/23 – TUẦN 24 TN

Lc 7,11-17

Thánh Gia-nu-a-ri-ô, giám mục, tử đạo

THƯƠNG NGƯỜI, THƯƠNG THÂN

Đức Giê-su đến gần cửa thành (Na-in), đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà góa. (Lc 7,12)

Suy niệm: Chúa Giê-su chạnh lòng thương tình cảnh của bà góa thành Na-in. Ngài đã làm cho người con sống lại và đem trao lại cho người mẹ. Hoàn cảnh mẹ con bà góa Na-in báo trước hình ảnh của chính gia đình Ngài mai này. Đức Ma-ri-a sẽ phải đau đớn nhìn người con độc nhất bị giết chết và được đem đi chôn cất thế nào. Việc phục sinh người thanh niên con của bà goá Na-in như dấu chỉ, như điềm báo về chính sự Phục Sinh của Chúa Giê-su. Ngài sẽ bị người đời giết chết nhưng Thiên Chúa sẽ cho Ngài sống lại và trao vào tận tay Mẹ của Ngài.

Mời Bạn: Chúa Giê-su đã chạnh lòng thương và cứu giúp bà góa Na-in giữa cảnh đau thương. Ngài mời gọi mọi người cũng hãy biết chạnh lòng thương và cứu giúp những người đau khổ, cơ bần xung quanh. Ngài không chia sẻ nỗi đau của con người chỉ bằng một vài phép lạ. Chính Ngài chia sẻ thân phận con người chúng ta kể cả cái chết, để đền bù tội lỗi và đem lại sự sống cho muôn người. Mời bạn tự vấn: bạn có dám chấp nhận phiền toái, thiệt tḥi và vô vị lợi khi giúp đỡ người đau khổ, hay bạn chỉ làm việc từ thiện kiểu “mượn đầu heo nấu cháo,” hay vì những mục đích vụ lợi, ích kỷ?

Chia sẻ: Người đau khổ đáng thương đang ở cạnh bạn là ai vậy? Bạn tính giúp người đó thế nào?

Sống Lời Chúa: Một ngày không có một hành vi bác ái là một ngày vô vị.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con từ bỏ chính mình để trở nên như khí cụ tình thương của Chúa, để con biết cảm thông và chia sẻ với những ai đang gặp đau khổ khốn khó trên đường đời.

 

THỨ TƯ 20/09/23 – TUẦN 24 TN   

Lc 7,31-35

Thánh An-rê Kim và Phao-lô Chung và các bạn tử đạo

ĐÂU CHỈ LÀ CHUYỆN TRẺ CON

“Tôi phải ví thế hệ với ai? Họ giống ai? Họ giống lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: Tụi tôi thổi sáo cho các anh mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám mà các anh không khóc than.” (Lc 7,31-32)

Suy niệm: Trò chơi của đám trẻ nơi phố chợ ‘trẻ con’ thật đó, nhưng nó lại phản ảnh được thói tật đã trở thành thâm căn cố đế nơi tâm thức con người ta. Đó là bệnh “đạo diễn”: muốn biến mọi người khác thành con rối dưới sự điều khiển của mình. Và còn tệ hại hơn, con người còn muốn đạo diễn cả Thiên Chúa nữa. Và khi sự việc không diễn ra như lòng họ mong muốn, những “nhà đạo diễn” tự xưng ấy qui kết rằng tại người khác, tại Thiên Chúa đã không ‘diễn’ theo đúng ‘kịch bản’ của họ. Và đó cũng là lý do tại sao họ chưa ăn năn sám hối, tại sao họ chưa lãnh nhận được sứ điệp của Chúa.

Mời Bạn: Có hai thái độ sống đối nghịch nhau: – thái độ của lũ trẻ con: muốn bắt ép cả Thiên Chúa phải làm theo ý muốn của chúng; – và thái độ của người con: sẵn sàng tìm kiếm và vâng phục ý muốn của Chúa Cha như Chúa Giê-su đã thực hiện. Bạn chọn thái độ nào?

Chia sẻ: Xem lại cách sống của bạn, hay nhóm của bạn. Xét xem bạn hay nhóm của bạn đang sống trong thái độ nào. Bạn hay nhóm của bạn hãy chọn  một thái độ sống và thể hiện thái độ đó bằng một việc làm cụ thể.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi bắt đầu một ngày mới, bạn hãy nói lên với Chúa quyết chọn cơ bản của mình: vâng phục ý Chúa Cha như một người con thảo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Người Con đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng, xin ở với con luôn mãi và giúp con trong mọi giây phút của cuộc sống đều biết thưa với Chúa Cha: “Xin cho ý Cha thể hiện, dưới đất cũng như trên trời”. Amen.

 

THỨ HAI 18/09/23 – TUẦN 24 TN 

 Lc 7,1-10

HOÁ TRẦN THẾ

Viên đại đội trưởng nói : “Xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Lc 7,7)

Suy niệm: Quân đội đế quốc Rô-ma một thời bá chủ thế giới nhờ kỷ luật chặt chẽ theo đúng ‘hệ thống quân giai’. Viên đại đội trưởng này  là mẫu mực cho hệ thống đó: “Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền người khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này : ‘Đi !’ là nó đi; bảo người kia : ‘Tới !’ là nó tới.” Khi ông áp dụng trật tự đó vào việc nài xin Chúa chữa lành cho người thuộc hạ của ông: “Xin Ngài cứ nói một lời thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh”, ông đã tự đặt mình dưới quyền chỉ huy trưởng của chủ tướng Giê-su, và mặt khác, ông đã đem niềm tin Ki-tô vào trong nếp sống Rô-ma của ông, nếu nói theo ngôn ngữ ngày nay, ông đã ‘rửa tội’ cho trật tự xã hội mà ông đang sống, ông đã mở cửa để Đức Ki-tô vào  hoá những giá trị của trần thế mà ông đang theo đuổi.

Mời Bạn: Chúng ta đang quan tâm đến việc hội nhập văn hoá trong cung cách sống đạo, truyền giáo. Chúng ta chắp thêm những mái cong vào ngôi nhà thờ theo kiến trúc Tây phương, mặc những y phục cổ truyền trong nghi thức phụng vụ… Phải chăng khi làm thế chúng ta đang đi theo chiều “tự ngọn đến gốc” và đang dừng lại ở những yếu tố hình thức?

Chia sẻ: Cách viên sĩ quan Rô-ma đến với Đức Ki-tô có giúp bạn thấy được một nét lớn của việc truyền giáo theo tinh thần hội nhập văn hoá? Áp dụng bài học kinh nghiệm ấy cho việc truyền giáo như thế nào?

Sống Lời Chúa: Khi bắt đầu việc gì, bạn nài xin Chúa “Xin Ngài cứ nói một lời”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa hãy phán một lời để chữa lành linh hồn con và biến đổi con thành khí cụ đem bình an của Chúa đến cho tha nhân. Amen.