1. Hôn Nhân & Gia Đình

SỐNG TỈNH THỨC - LM MINH ANH

  •  


    LM MINH ANH

     

    NÂNG CAO NHỮNG MONG ĐỢI

    “Lạy Chúa, xin ban cho con lòng tin tưởng!”.

    William Tyndale, người đầu tiên dịch Thánh Kinh từ tiếng Do Thái và Hy Lạp sang tiếng Anh. Năm 1535, bị giam ở lâu đài Vilvoorde, ông vẫn tiếp tục công việc, nhưng không thể hoàn thành vì bị thắt cổ và đốt trên cọc như một kẻ dị giáo. Ngày 06/10/1536, ông kêu lên những lời cuối cùng, “Lạy Chúa, nguyện ý Chúa được thành sự; xin mở mắt cho vua nước Anh!”. Sau đó, ông chết. Lời cầu nguyện ‘nâng cao những mong đợi’ của ông đã được đáp lại trong vòng một năm!

    Kính thưa Anh Chị em,

    Với William Tyndale, “Nguyện ý Chúa được thành sự!”; với Esther hôm nay, “Xin ban cho con lòng tin tưởng!”; và với Chúa Giêsu trong Tin Mừng, “Đấng ngự trên trời lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Ngài sao?”, Lời Chúa hôm nay nói đến cầu nguyện; nhưng còn hơn thế nữa, nói đến việc ‘nâng cao những mong đợi’ nơi con người cầu nguyện!

    Những gì chúng ta cầu xin có thể tiết lộ rất nhiều về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác. Thiên Chúa luôn chờ đợi một lời cầu xin và một ước muốn cao thượng nơi một con người; rất khác với những nhu cầu như xin điều này, điều kia. Lời cầu nguyện sâu sắc nhất sẽ là lời cầu cho thánh ý Thiên Chúa được thành sự, mà thánh ý Ngài là điều tốt nhất cho hạnh phúc đời đời của một con người, vốn sẽ đưa chúng ta đến gần Ngài hơn, tin tưởng Ngài sâu sắc hơn; đồng thời, giúp chúng ta tương tác trong sự thật và tình yêu chân thành hơn đối với tha nhân. Đó là một lời cầu để trở thành người mà chúng ta phải trở thành; một đứa con luôn ‘nâng cao những mong đợi’ của mình lên Cha mà Thiên Chúa sẽ không bao giờ từ chối!

    Esther là kiểu mẫu của một người con cầu nguyện như thế! Bà không xin cho mình, gia đình mình được điều này, điều kia; nhưng xin cho được xác tín, “Chúa là Vua”, cũng là “Đấng thực hiện mọi điều đã hứa”. Esther biết, vận mạng bà, dân tộc bà hoàn toàn nằm trong tay Ngài. Bà không thách thức, thao túng, cũng không mặc cả; trái lại, chỉ xin Ngài “ban thêm lòng tin tưởng”, hầu có thể kiên định tựa nương vào một mình Ngài, một Thiên Chúa tốt lành; để rồi bà giao lại tất cả cho Chúa, tuỳ Ngài định đoạt. Và Thiên Chúa đã không thể từ chối một lời cầu thuộc loại ‘nâng cao những mong đợi’ đến thế! Ngài đã cứu Esther và cứu cả dân tộc bà. Thật ý nghĩa, tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại!”.

    Cũng thế, với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra một lời đầy thách thức và thuyết phục, “Hãy xin!”, “Hãy tìm!” và “Hãy gõ!” để khuyến khích các môn đệ cầu nguyện. Ngài muốn ‘nâng cao những mong đợi’ nơi họ qua dụ ngôn người cha cho đứa con mình của ăn. Làm sao một người cha lại từ chối cho con mình những gì tốt đẹp; tệ hơn, trao cho nó những gì là có hại? Để cuối cùng, Ngài đưa ra một tuyên bố đáng kinh ngạc, “Huống chi Cha các con, Đấng ở trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Ngài sao?”. “Của tốt lành” là chìa khoá của một lời cầu nguyện ‘nâng cao những mong đợi’; “Của tốt lành” chính là thánh ý Thiên Chúa!

    Về một lời cầu nguyện ở cấp độ được ‘nâng cao’ như thế, thánh Gioan Kim Khẩu nói, “Một lời cầu như thế là một bộ giáp lộng lẫy, hiệu quả; đó là một kho báu không mòn hao, một hầm mỏ không bao giờ cạn kiệt, một bầu trời không bị che khuất, một thiên đường không bão tố. Nó là gốc rễ, là đài phun nước, và là mẹ của ngàn phước lành. Nó vượt quá quyền lực của một vị vua... Tôi không nói đến những lời cầu nguyện lạnh lùng, yếu ớt và không có lửa!”.

    Anh Chị em,

    “Lạy Chúa, xin ban cho con lòng tin tưởng!”. Đó là lời cầu của Esther, “một thiên đường không bão tố” giữa cuộc đời phong ba! Ước gì đó cũng là lời cầu của chúng ta lúc gặp nguy nan. Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha, là suối nguồn ân phúc sẽ luôn ban những gì tốt lành nhất cho con cái Ngài. Tuy nhiên, đừng quên, lắm lúc lòng trí chúng ta quá hạn hẹp, không hiểu hết sự tốt lành của Thiên Chúa; vì thế, cầu xin cho được lòng tin tưởng sẽ mãi mãi là bệ đỡ ‘nâng cao những mong đợi’ của chúng ta. Đó cũng là điều Thiên Chúa muốn có nơi con cái Ngài!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, khi con cầu nguyện, là con đang gõ cửa nhà “Bạn con”, chớ gì lời cầu của con là một lời cầu nguyện ‘nâng cao những mong đợi’ mà con sẽ không hổ thẹn thưa lên!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     



     

 

SỐNG TỈNH THỨC - CẦU NGUYỆN ĐỂ IM LẶNG


  • Chi Tran

     
     
     
     
     


    CẦU NGUYỆN ĐỂ DUY TRÌ TINH THẦN

    IM LẶNG TRONG MÙA CHAY

     

    Mùa chay là thời điểm lý tưởng để thực hành sự im lặng, đặc biệt là hạn chế các cuộc trò chuyện hàng ngày của chúng ta trên mạng xã hội.

     

    Trong Mùa Chay, chúng ta nhìn vào cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Chúa Giêsu để có được cảm nhận về cung cách sống cuộc đời của chính chúng ta.

     

    Một điều mà chúng ta có thể không phải lúc nào cũng nhớ là cách Chúa Giêsu im lặng khi đối mặt với sự bách hại.

     

    Mặc dù chắc chắn là chính đáng khi cố gắng tranh luận với mọi người về nhiều thứ khác nhau, nhưng đôi khi im lặng sẽ có kết quả hơn. Điều này đặc biệt có thể xảy ra trên phương tiện truyền thông xã hội, nơi chúng ta bị cám dỗ trả lời nhiều người bằng những bình luận khó nghe hoặc những lời quở trách gay gắt.

     

    Hãy xem xét, trong cầu nguyện, cách bạn tiếp nhận Mùa Chay, và tìm cách tự ý im lặng, suy nghĩ trước khi nói.

     

    Đây là một suy tư và là một lời cầu nguyện có thể giúp ích cho bạn, được Thánh Claude de la Colombiere soạn ra.

     

    Một ngàn nhân chứng xuất hiện và kêu la chống lại Chúa Giêsu; họ buộc tội Ngài mà không có bằng chứng, không có lý do, thậm chí không có chút gì đáng gọi là lý do; trong lời khai của họ, họ mâu thuẫn với nhau. Nhưng Chúa Giêsu vẫn im lặng… “Ta không trả lời.” Hỡi sự im lặng đáng yêu, bạn là người hùng biện biết bao và bạn cho tôi những bài học đáng thán phục dường nào! Lạy Chúa, Chúa đã im lặng, giữa những hiểm nguy to lớn như vậy, với một cơ hội quá tuyệt vời để lên tiếng trong một dịp quá quan trọng. Lý do nào khiến con vẫn còn lẩm bẩm và phàn nàn? Con sẽ đến với Chúa để tìm kiếm sức mạnh và sự khích lệ giúp con giữ im lặng, và gánh chịu như Chúa đã gánh chịu. [1]

     

    Vẻ đẹp và lợi ích của việc tìm kiếm sự tĩnh lặng trong mùa chay

    Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể nghe những âm thanh xung quanh mình theo một cách mới mẻ.

     

    Cách đây không lâu, tôi đã xem một video do The New York Times sản xuất.
     

    Đoạn phim ngắn nói về một người đi tìm trong nơi rừng thẳm chỗ nào không có tiếng ồn ào của con người. Hempton không tìm kiếm sự im lặng như một phương tiện trốn thoát. Đúng hơn, ông  ấy đang cố gắng tạo ra sự kết nối. Ông nói: “Im lặng không phải là sự vắng mặt của một thứ gì đó mà là sự hiện diện của mọi thứ”.

     

    Nếu chúng ta im lặng và lắng nghe, nếu chúng ta thực sự lắng nghe, một cách đích thực, những âm thanh tinh tế của thế giới tự nhiên hoặc lời nói của một người khác, chúng ta sẽ bị thu hút vào một cảm nghiệm tròn đầy hơn về thực tại, mà nếu làm khác đi, thì có lẽ chúng ta đã để chúng trôi qua mất. Đó là cơ hội để thoát ra khỏi cái đầu của chính chúng ta, thoát khỏi những suy nghĩ quẩn quanh trong cuộc độc thoại nội tâm không ngừng mà chúng ta thực hiện hàng ngày. Đó cũng là cơ hội để loại bỏ bản thân khỏi những tiếng động gây mất tập trung xung quanh chúng ta hàng ngày. Chúng ta đang chìm trong tiếng ồn và vì điều này, chúng ta mất khả năng lắng nghe.

     

    Khi nói đến việc lắng nghe, chúng ta khó có thể thoát ra khỏi con đường của riêng mình. Hempton, ở cuối phim, nói, “Điều tôi thích thú nhất là khi tôi lắng nghe, tôi biến mất. Tôi biến mất." Để lắng nghe, cái tôi phải được gạt sang một bên. Hãy nghĩ về điều đó, có biết bao nhiêu người trong chúng ta không thực sự lắng nghe nhau? Có biết bao nhiêu người trong chúng ta chỉ chờ người kia ngừng nói để đến lượt mình? Chúng ta rất háo hức muốn nghe chính mình nói mà chúng ta không còn lắng nghe nữa; đơn giản là chúng ta chỉ đợi đến lượt mình để được nói.

     

    Hãy nghĩ về việc chúng ta đang mất đi bao nhiêu - cơ hội để tĩnh lặng và tìm lại sự tĩnh lặng nội tâm, cơ hội để học hỏi điều gì đó mới, cơ hội tạo ra một kết nối thực sự giữa con người với nhau. Điều này là quan trọng. Trên hết, dường như đối với tôi, chúng ta nên dành thời gian để lắng nghe vì yêu thương. Tôi lắng nghe vợ tôi kể về một ngày của cô ấy vì tôi muốn chia sẻ cuộc sống của cô ấy. Tôi lắng nghe một người bạn khi cùng nhau uống cà phê vì đó là món quà của tôi dành cho người ấy. Tôi dừng lại và lắng nghe đôi cánh của bầy ngỗng thiên di trên trời cao bởi vì tôi yêu từng ngày sống mà tôi được đặc quyền cảm nghiệm trên trái đất xinh đẹp này.

     

    Một trong những món quà thực sự của Mùa Chay là nó buộc chúng ta phải lắng nghe. Đó là một mùa của sự chiêm niệm yên tĩnh, được đánh dấu bằng sự cầu nguyện nhiều hơn và những hy sinh giúp đưa chúng ta ra khỏi thói quen bình thường. Mỗi Mùa Chay, khi tôi nghĩ về cung cách tôi muốn tiến thêm một bước trong kỷ cương  thiêng liêng của mình, tôi thấy rằng điều sống còn là dành thời gian sống trong im lặng để tôi có thể lắng nghe thực sự.

     

    Tôi làm mục vụ cho một giáo xứ và thường, khi khóa cửa nhà thờ vào buổi tối, tôi tắt đèn cho đến khi tất cả những gì có thể nhìn thấy trong bóng tối là ánh sáng đỏ của ngọn nến nhà tạm. Sau đó tôi ngồi xuống. Tôi im lặng. Tôi lắng nghe chất thơ của không gian. Mỗi nơi đều có âm thanh của riêng mình. Âm thanh của một nhà thờ vào ban đêm là gì? Đó là âm thanh của cánh tay của một người mẹ đang ôm lấy một đứa trẻ.

     

    Một âm thanh có thể biến đổi một cuộc sống. Khi tôi ngồi trong nhà thờ của mình và lắng nghe, tôi cảm thấy một cảm giác bình an mà tôi hiếm khi cảm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Nhưng thực ra nó có thể là bất kỳ âm thanh nào. Đó có thể là tiếng sấm sét dội xuống đồi, những giọt mưa đập vào mái nhà, tiếng cành cây kẽo kẹt khi chúng vươn lên bầu trời. Đó cũng có thể là hơi thở của trẻ sơ sinh khi đang ngủ trưa, hoặc tiếng chân bước đi trên tuyết, hoặc tiếng trẻ em cười khúc khích ngoài sân. Bởi vì nó giống như đọc một bài thơ, có một nghệ thuật thực sự để lắng nghe.

     

    Nhà triết học Erich Fromm tin vào điều này, và trong cuốn sách Nghệ thuật lắng nghe của mình, ông nói về cách mọi nghệ thuật đều có những nguyên tắc và kỹ thuật hợp lý. Dưới đây là các quy tắc của ông ấy để trở thành một người lắng nghe tốt hơn:

     

    - Hoàn toàn tập trung.

    - Không nghĩ gì khác ngoài việc lắng nghe.

    - Tập trung trí tưởng tượng của bạn vào những gì bạn đang nghe.

    - Hòa mình vào những gì bạn đang nghe.

    - Khám phá ra một số biểu hiện tình yêu đối với người hoặc vật mà bạn đang lắng nghe.

     

    Thực hiện theo những hướng dẫn này, mỗi chúng ta có thể thực hành nghệ thuật lắng nghe tinh tế này, Đó là một thói quen, nó sẽ tưởng thưởng cho bất kỳ ai thực hành việc lắng nghe. Đây không chỉ là một hành động yêu thương mà những người khác sẽ nhận thấy và đánh giá cao, không chỉ cải thiện mối tương quan của chúng ta, mà còn giúp đỡ chúng ta có được những cuộc nói chuyện tốt lành hơn, sinh được nhiều hoa trái hơn, nhưng bất cứ khi nào chúng ta lắng nghe kỹ càng, chúng ta sẽ nghe thấy sự hiện diện của một mầu nhiệm lớn lao, một sự hiện diện lâu đời dưỡng nuôi muôn loài, được ghi dấu trong mọi thụ tạo. Đó là giọng nói nhỏ nhẹ yên tĩnh của Thiên Chúa đang thì thầm. Mùa Chay này là lúc chúng ta bắt đầu lắng nghe. [2]

     

    Phêrô Phạm Văn Trung

     

     
     

HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH - LM MINH ANH

 

  • LM MINH ANH
    HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH


     


     
    MỘT KẾ HOẠCH CHO THÂN XÁC

    “Cả hai, chúng sẽ nên một thân xác”.

    Trong một tác phẩm của mình, A.W. Tozer, viết, “Thập giá cũ giết chết con người, thập giá mới cứu sống nó; thập giá cũ kết án con người, thập giá mới làm vui nó; thập giá xưa huỷ diệt niềm tin vào thân xác, thập giá mới khích lệ nó, tiết lộ ‘một kế hoạch cho thân xác’ từ Thiên Chúa!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Tư tưởng của A.W. Tozer, một lần nữa, toát lên trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa là đấng từ bi nhân hậu”; lời thánh Giacôbê, “Chúa đầy lòng thương xót và lân mẫn” cho thấy tình yêu ngàn đời của Ngài đối với con người! Thiên Chúa tạo dựng loài người có nam, có nữ; và Ngài có ‘một kế hoạch cho thân xác’ của nó, “Chúng sẽ nên một thân xác”.

    Các biệt phái trong Tin Mừng hôm nay đến đặt vấn đề với Chúa Giêsu, ‘Rẫy vợ hay không rẫy vợ?’. Câu hỏi này không đúng! Câu hỏi đúng là, “Thiên Chúa muốn chúng ta yêu như thế nào?”. Sự khác biệt nằm ở trạng thái của trái tim! Người cởi mở và yêu mến Thiên Chúa sẽ tìm biết ý muốn của Ngài; người khép kín, thường là nô lệ của tội lỗi, thiếu tự do để tìm kiếm hoặc tìm biết sự thật. Mục tiêu duy nhất của họ là biện minh cho những gì họ muốn. ‘Rẫy vợ’ có thể được biện minh, đó là bởi Môisen. Tại sao? Bởi vì trái tim họ chai cứng, họ không sẵn sàng để sống trọn vẹn tình yêu thực sự mà Thiên Chúa nhắm đến; điều Thiên Chúa nhắm đến trong hôn nhân là hai người nam nữ “sẽ nên một thân xác”. Bởi lẽ, Thiên Chúa đã có ‘một kế hoạch cho thân xác’ của họ! Chúa Giêsu nói lên sự thật này và ban ân điển để chúng ta sống điều đó. Ngài thách thức chúng ta vượt quá những điều tối thiểu, vượt quá biên giới của điều “Ngươi không được” để tiến xa hơn, đó là khao khát những gì Thiên Chúa muốn.

    “Thân xác”, “Xác thịt” mà Thiên Chúa tạo ra là thánh, đó là một quà tặng; đúng hơn, một đền thờ của Thiên Chúa vốn được định cho sự sống vĩnh cửu. Chính Chúa Giêsu cũng đã trở nên “xác thịt” và sau đó, hiến tặng chúng ta xác thịt Ngài, bởi chúng ta đã đánh mất sự hiểu biết giá trị đích thực của nó, cũng như sự thánh thiêng của nó. Có thể chỉ trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta mới có thể tìm lại được chân lý của xác thịt cũng như ý nghĩa ơn gọi yêu thương của mình, đó là hiến thân. Chúa Kitô bị đóng đinh phá tan khuynh hướng tự mãn nơi chúng ta; thay vào đó, “một xác thịt”, một thân xác, được hiến trao vì sự sống người khác. Từ đó, sự nên một và bất khả phân ly của hôn nhân công bố chìa khoá của tình yêu, “Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt”, một cuộc sống, một sở thích, một ơn gọi. Như Chúa Giêsu không còn có thể nói về “sự sống riêng của Ngài” sau khi ban Bí tích Thánh Thể; cũng thế, một đôi vợ chồng không còn có thể nói về “bản thân tôi”, mà chỉ có thể nói về quà tặng “những gì Thiên Chúa đã kết hợp hai chúng tôi”. Đó là ‘một kế hoạch cho thân xác’ mà Thiên Chúa nhắm đến!

    Anh Chị em,

    Một khi đã đến trước bàn thờ Chúa, thì “Cả hai, chúng sẽ nên một thân xác”; và Thiên Chúa chúc phúc cho sự kết hợp này, nhờ đó, hai người được nên thánh. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải tự hỏi, “Thiên Chúa muốn chúng ta yêu như thế nào?”. Nhìn vào thập giá của Chúa Kitô, nơi mang thân xác tả tơi và khô đét của Ngài, chúng ta sẽ nghe được tiếng thì thầm, “Yêu nhau như Thầy đã yêu”, và “Ngài đã yêu đến cùng”. Đúng thế, thập giá và Thánh Thể Chúa Kitô “khích lệ và tiết lộ ‘một kế hoạch cho thân xác’ từ Thiên Chúa!”. Quả vậy, trung thành với ơn gọi của mình, dẫu sống đời hôn nhân hay đời thánh hiến, ai cũng phải trải qua một cuộc chiến triền miên. Tự sức con người, chúng ta không thể làm được; thế nhưng, đừng quên, “Chúa là đấng từ bi nhân hậu”. Hiểu thấu sự khốn cùng và yếu đuối của chúng ta, Ngài đã chuẩn bị thần dược cho chúng ta là Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta hãy thường xuyên đến với Ngài mà kín múc nguồn sức thiêng hầu có thể yêu đến cùng như Ngài đã yêu; và nhờ đó, hoàn tất ‘một kế hoạch cho thân xác’ của mình mà Thiên Chúa hằng mong mỏi.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, trong Thánh Thể, Chúa cho con hiểu được ‘một kế hoạch cho thân xác’; xin thanh tẩy lòng kính trọng của con trước sự thánh thiêng của “Thân Xác” Chúa, thân xác con và của người khác”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

     



     

 

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM MINH ANH

  •  
    LM MINH ANH
    Thu, Mar 3 at 2:59 PM
     
     


     

     

    YÊU CUỘC CHIẾN, ĐỪNG YÊU CHIẾN BẠI!

    “Ai muốn theo Tôi, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Tôi!”.

    Gilbert K. Chesterton nói, “Thập giá không thể bị đánh bại, vì tự thân, nó là thất bại!”; Samuel Rutherford thì nói, “Thập giá Chúa Kitô tựa hồ một gánh nặng không thể thiếu như cánh buồm của một con tàu, hoặc như đôi cánh của một con chim. Ngài yêu mến nó, Ngài ôm lấy nó!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Tin Mừng hôm nay tổng hợp toàn bộ sứ điệp của Chúa Kitô, một sứ điệp được diễn đạt rất hiệu quả trong nghịch lý của mầu nhiệm thập giá mà, như Samuel Rutherford nói, “Ngài yêu mến nó, Ngài ôm lấy nó!”; nhờ đó, Ngài đã chiến thắng và cứu độ cả một nhân loại! Để rồi, Ngài tuyên bố, “Ai muốn theo Tôi, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Tôi!”; nghĩa là, ‘Ai muốn chiến thắng như Tôi, hãy làm như Tôi. Hãy ‘yêu cuộc chiến, đừng yêu chiến bại!’’.

    Thập giá và đau khổ có mặt ở mọi ngã rẽ, của mọi cuộc đời; ai cũng muốn chạy trốn nó! Chúa Giêsu thì không, dẫu thấy trước sự khước từ, đau khổ và cái chết của mình, Ngài không chạy trốn chúng; trái lại, Ngài ôm choàng chúng như một cách thức thể hiện tình yêu sâu sắc nhất. Với chúng ta, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy choáng ngợp, mệt mỏi vì những khiếm khuyết của mình và ảnh hưởng của chúng; cuộc chiến liên tục, dai dẳng để theo Chúa có thể dần dần khiến chúng ta bải hoải. Con đường dẫn đến hoàn thiện hẳn có nhiều hứa hẹn về phần thưởng, nhưng cũng có phần xói mòn. Thế nhưng, dù gục ngã ngàn lần cũng không thành vấn đề, miễn là chúng ta ‘yêu cuộc chiến, đừng yêu chiến bại’. Do đó, tuyệt vọng sẽ là một điều xa lạ, đặc biệt, khi chúng ta chiến đấu mà biết rằng, có Chúa Kitô đứng về phe mình. Nỗ lực của trận chiến kéo dài có thể khiến Chúa Kitô hài lòng, hơn là một chiến thắng dễ dàng và thoải mái.

    Với sự xuất hiện của Chúa Kitô trên thế gian, đau khổ và thập giá mang một ý nghĩa mới! Ngài cho chúng ta khả năng mặc cho đau khổ, bệnh tật và gian truân, vốn là hậu quả của tội lỗi, một ý nghĩa cứu chuộc và cứu độ của tình yêu. Vì thế, bất hạnh và yếu đuối không khiến người môn đệ Chúa Giêsu chùn bước; Phaolô đã can đảm thốt lên, “Tôi vui lòng với những yếu đuối, sỉ nhục, gian khổ, bắt bớ và giam cầm vì Chúa Kitô; vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”. Chính việc chọn Chúa, từ chối bản thân, và nhận ra sự yếu đuối của mình; cũng như sẵn sàng đón nhận đau khổ, chúng ta có khả năng chứng tỏ cho thế gian sức mạnh của Thiên Chúa và điều kỳ diệu Ngài làm trong con cái Ngài, những người ‘yêu cuộc chiến, chứ không yêu chiến bại’.

    Sách Đệ Nhị Luật hôm nay cũng nói đến chiến đấu để chọn lựa. Môisen cho dân tự do chọn; chọn Chúa hay chọn thần ngoại, “Tôi đã đề nghị với anh em về sự sống và sự chết, chúc lành và chúc dữ. Hãy chọn sự sống để anh em và dòng dõi anh em được sống”. Chọn Chúa là chọn sự sống, Thánh Vịnh đáp ca cũng đồng tình, “Phúc thay người đặt niềm tin tưởng nơi Chúa!”.

    Anh Chị em,

    “Ngài yêu mến nó, Ngài ôm lấy nó!”. Để có thể đón nhận thập giá, Chúa Giêsu cũng đã chiến đấu, Ngài cầu nguyện đến đổ cả mồ hôi máu; và rồi, đón nhận nó trong bình an, biến nó thành giá chuộc. Đi theo Chúa Giêsu, chúng ta tin tưởng nhìn mọi sự như Ngài; cách riêng, ôm lấy thập giá đời mình như Ngài. Nhờ Ngài, đau khổ của chúng ta cũng sẽ là một cơ hội để yêu thương, để lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa và các linh hồn. Đây là một cuộc chiến trường kỳ, mỗi ngày và dai dẳng; nó chỉ kết thúc khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay. Ý nghĩa và giá trị của nó không phải là thắng thua, nhưng là sự kiên trì bền đỗ đến cùng vì ước mong nên giống Thầy mình và thuộc trọn về Ngài. Bởi lẽ, đạt được ơn cứu độ không là công nghiệp của chúng ta, nhưng hoàn toàn nhờ vào Chúa Kitô mà chúng ta trung thành sáp nhập vào Ngài mỗi ngày. Như vậy, đau khổ là xa lộ dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa; tuy nhiên, đó phải là một đau khổ vì Chúa Kitô; thập giá chúng ta vác lấy là một thập giá có Chúa Kitô trên đó! Kiên cường như Ngài, chúng ta ghi khắc ý lực của Ngài, hãy ‘yêu cuộc chiến, đừng yêu chiến bại!’.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa Giêsu, bước vào Mùa Chay, xin giúp con nhận ra sự cấp thiết của việc GẶP Chúa mỗi ngày; nhờ đó, như Ngài, con có thể chọn yêu mến và ôm trọn thập giá đời con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

    --

     

HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH - KHI VẮNG BÓNG THIÊN CHÚA

  •  
    Chi Tran CHUYỂN

     
     
     
     

     

     
    “GIA ĐÌNH TRƯỚC THÁCH ĐỐ
    CỦA MỘT XÃ HỘI VẮNG BÓNG THIÊN CHÚA”

     

     


    Bạn cũng như chúng tôi, là người Việt Nam, tất cả đều cảm nhân giá trị linh thiêng của hai tiếng gia đình. Tính linh thiêng đó thấy rất rõ ở khoảnh khắc gia đình đoàn tụ đón Giao thừa. Cho dù ở đâu, làm gì, và cho dù có buồn lòng ai đó trong gia đình, ai cũng mong về nhà. Nhà - hay gia đình - là tổ ấm, mái ấm, chiếc nôi của ‘sự sống và tình yêu’. Ai cũng mong gia đình luôn có nhiều yêu thương, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau và nhà nhà ‘đầy ắp nụ cười’ yêu thương… nhưng ước mong để có một gia đình hạnh phúc nơi xã hội Việt Nam ngày hôm nay không hề dễ dàng. Gia đình Việt Nam đang đứng trước nhiều thách đố, nhiều cạm bẫy nguy hiểm, chịu nhiều tổn thương trong tiến trình biến đổi của xã hội và văn hóa, đặc biệt hơn khi xã hội hiện nay đang tìm cách xóa bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa.

     

    Những thách đố nói trên cần tìm hiểu nguyên nhân để trả lại cho gia đình ý nghĩa linh thiêng được nhìn nhận như một định chế tự nhiên, vì đó là cấu trúc căn bản của xã hội “Trong đó con người tiếp nhận những ý tưởng đầu tiên mang tính giáo dục về sự thật và sự tốt lành, học được thế nào là yêu và được yêu, biết được làm người thực ra là gì”[1], như vậy,  trách nhiệm ‘xây dựng gia đình hạnh phúc’ là của cộng đồng và của mỗi người. Phát triển xã hội tốt đẹp tùy thuộc vào gia đình bởi “Tương lai nhân loại sẽ đến ngang qua gia đình!”[2]

     

    I. THÁCH ĐỐ VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH Ở NGƯỜI CÔNG GIÁO VÀ Ở XÃ HỘI VIỆT NAM NGÀY NAY

     

    1. Hôn nhân và gia đình Công giáo

    Chưa có một thống kê chính thức của Giáo hội Việt Nam, nhưng tình trạng ly dị, ly thân, ngoại tình và nhiều nguyên nhân khác gây ra đổ vỡ trong các gia đình Công giáo không phải không có. Thực trạng nói trên có thể thấy rõ ở mỗi xứ đạo.

     

    Bạn đọc có thể tham khảo thực trạng gia đình Công giáo ở GP Xuân Lộc. “Theo ghi nhận của Tòa Giám mục, hôn nhân Công giáo trong giáo phận năm 2013 là 9207 cặp, trong đó có 269 đôi chuẩn khác đạo và 642 đôi được hợp thức hóa, ngoài ra có 793 đôi ly dị (nếu năm 2012 tăng 119 đôi thì năm 2013 tăng thêm 195 đôi); 28 đôi ly thân; 1274 đôi bỏ nhau (nếu năm 2012 tăng 197 đôi thì năm 2013 tăng thêm 172 đôi); 2.102 đôi chung sống bất hợp pháp (nếu năm 2012 tăng 365 đôi thì năm 2013 lại tăng thêm 228 đôi). Tổng số các gia đình trong toàn giáo phận là 239.861, tăng 29.396 gia đình, trong đó, có 212.401 gia đình hợp pháp, 1.666 gia đình không hợp pháp (mắc ngăn trở). Dù các gia đình mắc ngăn trở chỉ chiếm tỷ lệ 0,078% nhưng trong cuộc sống, đây là những hình ảnh tác động âm thầm và gây lung lạc đối với các gia đình Công giáo, nhất là với các gia đình trẻ.”[3]

     

    2. Hôn nhân và gia đình của xã hội Việt Nam hiện nay

    Nhìn vào thực trạng gia đình hiện nay nhiều vấn đề đáng lo, quan niệm về tình yêu hôn nhân và giá trị gia đình đang bị phá vỡ do ảnh hưởng của môi trường sống đáng được báo động “Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt. Lừa lọc, lươn lẹo lại lên lương”.

     

    Gia đình đang bị đe dọa bởi nhiều lực hủy diệt của văn hóa sự chết. Mối đe dọa từ bên trong là lối  sống hưởng thụ ích kỷ, là sự hời hợt trong lời cam kết dấn thân. Mối đe dọa từ bên ngoài là nỗi vất vả của đời sống lao động, kinh tế, là sự cuốn hút của những phương tiện truyền thông, là lối sống buông thả đang nhen nhúm trong xã hội[4]. Thật không ngạc nhiên khi giới trẻ quan niệm về tình yêu hôn nhân một cách hời hợt, dễ đồng hóa với tình dục; tình trạng ngoại tình, lấy nhau không cần giá thú, bạo lực gia đình, ly dị, ly thân, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân… rồi các tệ nạn xã hội, mại dâm, ma túy và sự nhiễu loạn trong các chuẩn mực văn hóa đang từng bước thâm nhập vào các gia đình, tạo nên những mâu thuẫn và xung đột gay gắt. Sự xung đột giữa các thế hệ đang diễn ra trong nhiều gia đình và đặt ra những thách thức mới cho xã hội. Tiền bạc như ‘chuẩn mực’ của hạnh phúc, và nếp sống truyền thống gia đình, tôn ti trật tự bị đảo ngược: do chủ trương bình đẳng giới, do sự thiếu quan tâm của cha mẹ dành cho con cái, do quá trình mở cửa, hội nhập, mặt trái của cơ chế thị trường và các sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài tràn vào hằng ngày, hằng giờ tiến công vào mỗi gia đình, hủy hoại lối sống đạo đức của mỗi người; do coi tự do cá nhân là tối thượng dẫn đến mối quan hệ gia đình không còn giữ được sự bền vững chặt chẽ.

     

    Thực trạng gia đình VN thấy rõ hơn qua Cuộc điều tra gia đình năm 2006 của chính phủ[5] “Gia đình VN đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn: vấn đề thiếu việc làm, thu nhập chưa ổn định và những rủi ro từ nền kinh tế thị trường; gia tăng tỷ lệ các cặp ly hôn, ly thân, những người chung sống không đăng ký kết hôn; bạo lực gia đình; các vấn đề liên quan đến chức năng giáo dục – chăm sóc trẻ em; người già cô đơn / không nơi nương tựa; mâu thuẫn giữa các thế hệ (…) thiết chế gia đình lỏng lẻo, các tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.v.v.

     

    Điều tra cho thấy, số vụ ly hôn đang tăng nhanh. Nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ. Người vợ đứng đơn ly hôn hiện gấp 2 lần so với người chồng đứng đơn. Người tốt nghiệp đại học, cao đẳng có tỷ lệ ly hôn từ 1,7 - 2%, thấp hơn tỷ lệ 4 - 6% của người không có bằng cấp. Số năm sống trung bình trước khi ly hôn của các cặp vợ chồng 18 - 60 tuổi là 9,4 năm; còn riêng ở các khu vực nội thành, các thành phố lớn, chỉ 8 năm. Có 4 nguyên nhân thường xảy ra nhiều là: Mâu thuẫn về lối sống: (chiếm 27,7%); ngoại tình (25,9%); kinh tế (13%); bạo lực gia đình (6,7%).

     

    Đặc điểm của ly hôn, ly thân theo Điều tra nói đây: tăng dần do quan niệm xã hội không khắt khe như trước – Chiếm số nhiều ở nhóm: có học vấn thấp, nhóm người tự quyết định hôn nhân không hỏi ý kiến cha mẹ, rõ ràng cha mẹ có vai trò lớn trong việc duy trì, củng cố bền vững cho gia đình trẻ; Người vợ chủ động đứng đơn ly dị cao hơn người chồng (47% trên 28,1%)chứng tỏ người phụ nữ ý thức quyền của mình, sự chủ động của họ trong cuộc hôn nhân tăng lên.

     

    Những vấn đề gây bất hòa trong đời sống hôn nhân: bất hòa về ứng xử và khó khăn về kinh tế  nam giới nhấn mạnh về ứng xử (nam 76,6% / nữ 40,5%) khó khăn kinh tế đối với nữ giới quan trọng hơn (nữ 46,1% / nam 29,4%). Có khoảng trên dưới 10% nói đến sự không hòa hợp sinh lý và sự không chung thủy. Người chồng nhấn mạnh nhiều về việc không hòa hợp sinh lý (17,7% so với 6,7% của vợ) Vợ nhấn mạnh đến vấn đề không chung thủy (12,4% so với 0% của chồng) Bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống gia đình như chăm sóc dạy dỗ con cái, công việc làm ăn, quan hệ ứng xử nội ngoại hai bên, hay giữa vợ và chồng, đều có thể nảy sinh sự bất đồng ý kiến dẫn đến mâu thuẫn bất hòa – các lĩnh vực khác như việc quản lí chi tiêu, cách thức làm ăn kinh tế.v.v.

     

    Điều tra dẫn 4 lý do mâu thuẫn, xung đột, bạo lực ở gia đình: say rượu, ý kiến khác nhau trong làm ăn, trong sinh hoạt tính dục, khó khăn kinh tếThường xảy ra ở thành phố hơn nông thôn. Tình trạng dẫn đến bạo lực thường xảy ra ở cả chồng lẫn vợ nhưng thường người chồng là nguyên nhân chính: đánh, mắng, chửi, ép quan hệ tình dục. Điều nhận định ở điều tra về thực trạng gia đình Việt Nam đáng phải nói ở đây “Nguyên nhân gốc rễ của bạo lực gia đình là nếp sống gia trưởng…”

     

    Quan niệm về tình dục trước và ngoài hôn nhân: nhìn chung từ cuộc điều tra, “Đại bộ phận không chấp nhận sống chung với nhau mà không có kết hôn. Họ xem đây là lối sống buông thả, đi ngược lại với giá trị văn hóa truyền thống, và có thể gây ra hậu quả nặng nề về nhiều mặt cho người phụ nữ.” Nếu có tình trạng thanh thiếu niên hiện nay có quan hệ tình dục trước hôn nhân là do sự thiếu quan tâm của gia đình, sự thiếu hụt trong giáo dục sức khỏe sinh sản, mức độ tiếp xúc với văn hóa phẩm không lành mạnh… lý do khác mà phần đông không chấp nhận hiện tượng này “là bởi những hậu quả có thể xẩy ra: tan vỡ hạnh phúc gia đình, những tác động tiêu cực truyền thống văn hóa”

     

    Rất nhiều vấn đề khác về gia đình VN được đưa ra như: ai làm chủ của gia đình; kinh tế gia đình như thế nào mới đem lại hạnh phúc; các thế hệ gia đình; trình độ học vấn và giáo dục con cái; người cao tuổi .v.v. Cuộc điều tra gia đình đầu tiên được thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong tổng số 24.079 người từ 18-60 tuổi của 9300 hộ có 8573 người (trong đó có 4025 nam và 2548 nữ) được phỏng vấn các thông tin về hôn nhân hiện tại, các nhận định cũng như các quan niệm xung quanh vấn đề gia đình, tuy chưa hoàn thiện nhưng đủ cơ sở cho những nhà quản lý tìm hướng giải quyết. Cuộc điều tra, rất tiếc, không nêu những vấn đề tín ngưỡng có liên quan đến giá trị gia đình! Số Gia đình Việt Nam, nhìn tổng thể đều có tôn giáo và còn thực hành tôn giáo. Vấn đề tâm linh, tín ngưỡng cũng chi phối cuộc sống gia đình VN, góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình!

     

    II. GIA ĐÌNH TRƯỚC THÁCH ĐỐ CỦA MỘT XÃ HỘI VẮNG BÓNG THIÊN CHÚA

    Để gia đình có được hạnh phúc, trở thành điểm tựa cho mọi người, gia đình thực sự là “chiếc nôi cuộc sống và tình yêu, nơi mà con người được sinh ra và lớn lên[6] cần phải khẳng định sự hiện hữu của tôn giáo là cần thiết, không chỉ cho gia đình mà chung cho toàn xã hội con người. Tại sao nhiều người ‘tu tâm dưỡng tánh’, ‘ăn chay niệm phật’, thích làm lành lánh dữ, sợ lương tâm cắn rứt khi làm điều ác...? Tất cả chỉ vì con người tin có Trời Phật, có thần linh, có ‘một sự sống khác sau cuộc đời này’, và đó là khởi điểm của tôn giáo. Các tôn giáo chân chính[7] chỉ muốn đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Các tôn giáo, cách riêng Thiên Chúa giáo luôn nhấn mạnh, đề cao sự thật vì chính “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,32)

     

    Khi chủ trương duy vật vô thần, quan niệm tự do và chủ nghĩa cá nhân len lỏi vào cuộc sống gia đình làm thay đổi diện mạo: thay vì là mái ấm, điểm tựa, chiếc nôi…gia đình trở thành ‘nhà tù chung’ ở đó mỗi người sống ích kỷ, tự thu mình lại. Khi không còn tin vào những giá trị siêu nhiên, con người sẽ bị chệch hướng cuộc đời. Chối bỏ Thượng Đế là nguyên nhân của bạo lực. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI[8] đã nhiều lần quả quyết như thế. “Sự chối bỏ Thiên Chúa làm băng hoại con người, khiến con người không còn mẫu mực nữa, và dẫn họ đến bạo lực”. Đề cập đến sự cần thiết của tôn giáo Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng[9], thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã viết: “Sự khủng hoảng đạo đức Việt Nam hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc truyền bá chủ nghĩa duy vật và vô thần, hạ thấp vai trò của tôn giáo, nhất là thời kỳ trước Đổi mới. Việc phủ nhận các giá trị tôn giáo, đề cao chủ nghĩa duy vật vô thần tới mức cực đoan vô hình trung cổ vũ cho cái ‘văn hóa’ tiêu dùng phàm tục”. Rồi tác giả kết luận: “Khủng hoảng đạo đức xã hội ở Việt Nam đã tới mức báo động và có thể còn kéo dài, đòi hỏi nỗ lực của các cấp chính quyền, các tổ chức tôn giáo và từng người dân để khắc phục”.  Hy vọng ước mong của một trí thức ngoài công giáo được nhiều người để ý quan tâm.

     

    1. Giá trị của tình yêu hôn nhân dưới góc nhìn Thiên Chúa giáo.

    Nhiều, rất nhiều người không tin có Thiên Chúa và luôn cả người tin, hiểu giáo lý hôn nhân qua ‘những luật cấm’. Bạn cầm trên tay tấm Thiệp Hồng của người Công giáo luôn đọc thấy “Điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly” Câu này nói lên điều gì? Luật cấm ư? Quá khắt khe, mất tự do… và thực tế thì bạn đã rõ, lấy nhau của Công giáo ‘phải qua nhiều khê!

     

    Khi hai người nam nữ yêu nhau rồi quyết định tiến đến hôn nhân, ai cũng mong hôn nhân bền vững, nhiều yêu thương và điều mong ước nhất là có được người bạn đời tâm đầu ý hợp. Nhưng thật đáng buồn, rất nhiều người thất vọng vì cuộc sống hôn nhân, họ than thân trách phận: có người dễ dàng ly hôn và có người âm thầm chịu đựng vì áp lực tôn giáo và dư luận xã hội. Sai lầm trong tình huống này phát xuất từ thứ tình yêu sớm nở tối tàn, thứ tình yêu ích kỷ được xây dựng từ một phía, tôi lấy anh, lấy chị “vì…”, đủ thứ “vì…”. Có không ít chuyện hôn nhân, sau ngày đám cưới linh đình, đôi bạn sống với nhau chưa bao lâu, thì hôn nhân của họ biến thành ‘đám ma’. Quan niệm ‘tình yêu’ ở đây đã bị biến dạng, hiểu sai.

     

    Tình yêu không phải là ý niệm quá trừu tượng đến nỗi không thể diễn tả được. Nó hiện diện trong cuộc sống và người ta không thể sống hạnh phúc nếu vắng bóng tình yêu. Tình yêu không phải là món quà đổi chác; là rung cảm lần đầu từ ánh mắt, nụ cười và cả đam mê về thể xác khi mới gặp nhau; là những lời hứa ngọt ngào… tất cả đều phảng phất nét lãng mạn.

     

    Tình yêu phải là quà tặng linh thiêng, vô giá mà hai người sẵn sàng dâng hiến quên mình. Đó là tình yêu chân chính, nền tảng để hôn nhân sung mãn - bền vững - hạnh phúc “Yêu có nghĩa là cho và nhận một điều gì đó không thể mua cũng không thể bán, mà chỉ có thể cho một cách tự nguyện và hỗ tương[10]

     

    Điều kỳ diệu của tình yêu chân thật là nó phát triển cùng với quá trình tiến đến hôn nhân. Nó làm cho hôn nhân ‘thăng hoa’ cả trong thuật ân ái vợ chồng và quan trọng hơn cả là tình cảm, là cung cách đối xử ‘sống cho người mình yêu’ để đem lại niềm vui cho người bạn đời. Chỉ có như vậy bạn mới nhận thấy giá trị, nét đặc thù của đời sống hôn nhân: Hợp nhất thể lý cũng như tinh thần, trở nên “một xương một thịt” (St 2,24), bất khả phân ly và trung tín  và hướng mà chính hôn nhân tiến tới là việc sinh con cái”[11]Nhưng việc không có con cái, không phải là lý do của ly thân, ly hôn, trái lại, tính bất khả phân ly và giá trị của hiệp nhất vẫn còn nguyên vẹn, trong trường hợp này, vợ chồng “có thể diễn tả lòng quảng đại của mình bằng cách nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi hay bằng cách thực hiện những công tác phục vụ theo nhu cầu cần thiết của người khác[12]

     

    Tình yêu chân thật dẫn đến hôn nhân và gia đình rõ ràng có giá trị linh thiêng không thể phủ nhận. Tình yêu đó không do xã hội con người làm ra, người Công giáo tin rằng chính Thiên Chúa là tác nhân của tình yêu hôn nhân. Ngay từ tạo dựng, Chúa đã lập nên một gia đình, Chúa chúc phúc, Chúa muốn họ hạnh phúc (X. St việc tạo dựng con người 1,26-28; 2,7-24 – Mt 19, 5-6) và rồi, cũng từ khởi nguyên, gia đình Ông Bà Edong & Eva không hạnh phúc vì chối từ sự hiện diện của Thiên Chúa (St 3,1-7) nhưng Thiên Chúa luôn yêu thương và trung tín “Bởi vì Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.” (Tv 99, 5) Niềm xác tín được minh chứng nơi từng trang Kinh Thánh. Dẫu cho loài người có bất tín bất trung, thì tình yêu thương và lòng thành tín của Thiên Chúa vẫn không hề đổi thay. Qua các tổ phụ và các ngôn sứ, Thiên Chúa không ngừng lặp lại lời hứa cứu độ cho đến khi mọi sự được hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô. Đây cũng chẳng phải là “thuốc phiện[13]” nhằm ru ngủ những người đang đau khổ trong hôn nhân, gia đình; trái lại, là lẽ sống và nguồn trợ lực cho những ai luôn gắn bó với Chúa.

     

    Hôn nhân của một người nam và một người nữ là sự phản chiếu giao ước yêu thương của Thiên Chúa với dân riêng của Ngài, và “Cả đến tội lỗi, có thể làm tổn thương khế ước hôn nhân cũng trở thành hình ảnh cho sự bất trung của dân đối với Thiên Chúa. Việc thờ ngẫu tượng là một sự mãi dâm, bất trung là ngoại tình, và không nghe luật Chúa là một sự chối bỏ hôn ước tình yêu của Chúa. Nhưng sự bất trung của dân Israel không hủy diệt lòng trung tín đời đời của Chúa và bởi thế, tình yêu trung thành mãi mãi của Thiên Chúa được giới thiệu như kiểu mẫu cho những tương quan tình yêu trung thành phải có giữa vợ chồng.[14]

     

    Tình yêu dẫn đến hôn nhân và làm nên một gia đình, đó là sự chuyển hóa tự nhiên và hoàn toàn không phải “là kết quả của những thỏa thuận con người đến nhau, cũng không phải là kết quả của những quy định pháp lý, nhưng có được sự ổn định như thế là do quyết định của Thiên Chúa. Đó là một định chế[15] được khai sinh” – kể cả trước mắt xã hội – ‘do một hành vi nhân linh, qua đó hai bên trao phó bản thân mình cho nhau’ và được xây dựng dựa trên chính bản tính của tình yêu vợ chồng, một tình yêu được xem như là một sự trao tặng toàn vẹn và độc quyền mà người này dành cho người kia, khiến hai bên dứt khoát dấn thân cho nhau, và điều này được biểu lộ qua việc hai bên bày tỏ sự ưng thuận với nhau cách công khai và không thể rút lại[16].

     

    2. “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 3-12)

    Các kinh sư luật sĩ Do Thái muốn biết lập trường của Chúa Giêsu về vấn đề ly dị, Ngài đã dứt khoát trả lời như vậy.

     

    Ngày hôm nay tình trạng ly dị xẩy ra quá dễ dàng, luật thừa nhận hiện tượng này, tuy nhiên không phải mọi người đều dễ dàng chấp nhận ly dị (cả tòa án, trước khi đưa ra phán quyết, quan tòa đều muốn giải hòa). Kết quả ly dị luôn đáng thương, gây xáo trộn gia đình, để lại tâm lý khủng hoảng bất an cho con cái, và gánh nặng cho xã hội… Bạn có thể tham khảo đầy đủ hơn hiện tượng này ở internet.

     

    Tình yêu, một cách tự do, hai người nam và nữ chưa từng biết nhau, không nợ gánh nhau, nhưng rồi họ yêu nhau, tự nguyện đến với nhau và dâng hiến cuộc sống riêng của mình cho người mình yêu, trở thành “một xương một thịt”. Người nam và người nữ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Họ bình đẳng nhau về nhân phẩm. Trong hôn nhân họ không còn phải là hai, nhưng là một xác thịt. Vậy, điều mà Thiên Chúa phối hợp thì con người không được phân ly, và đó là đặc tính của tình yêu vợ chồng: hôn nhân bền vững và bất khả phân ly. Chính đặc tính quý báu này Giáo hội lên tiếng “Đưa ly dị vào trong pháp chế dân sự là tiếp sức thêm cho quan niệm tương đối hóa sự ràng buộc của hôn nhân và việc nó được phổ biến khắp nơi trở thành ‘một nạn dịch thực sự cho xã hội[17]

     

    Trách nhiệm gìn giữ đặc tính này không chỉ phía vợ chồng mà còn của xã hội phải “đem đến hôn nhân tính cơ chế, dựa trên một hành vi công khai được xã hội và luật pháp nhìn nhận[18] Bạn không ngạc nhiên khi Lời Chúa Giêsu nói ở đây được lập lại trước cộng đoàn Kitô hữu khi cử hành Bí tích hôn nhân. Hôn nhân Công giáo thành sự khi có sự hiện diện của cộng đoàn, họ cầu nguyện, họ chung vui và họ ôm ấp bảo vệ cho đôi bạn để hôn nhân trở nên bền vững. Hình ảnh sự hiện diện của cộng đoàn cũng thấy rất rõ ở những ngày cưới và đều mang một ý hướng yêu thương như vậy, đó là định chế hôn nhân rất tự nhiên của xã hội. Ly dị, kết quả đáng buồn, bạn có bao giờ tự hỏi: “Khi tôi làm đơn ly dị đưa ra tòa xét xử, tự chính tôi đã làm quan tòa xét đoán người bạn đời? Chúa Giêsu không đến để kết án ai mà để cứu chuộc, yêu thương mọi người. Ngài muốn hai người phối ngẫu trở về với lương tâm. Chính lương tâm làm chúng ta cảm nghiệm chân lý của tình yêu chân chính ở hôn nhân và gia đình.

     

    Tóm lại, còn rất nhiều điều phải đề cập về “Gia đình trước thách đố của xã hội vắng bóng Thiên Chúa”,  khuôn khổ của một bài báo không cho phép chúng tôi đào sâu. Tuy nhiên, cần làm sáng tỏ vấn đề cốt lõi khi đề cập đến gia đình, đó là định chế và cấu trúc gia đình không phát xuất từ xã hội, nhưng do chính Thiên Chúa thiết lập ngay từ khởi nguyên khi tạo dựng. Xác định chân lý này tức là trả lại cho hôn nhân và gia đình sự sống và tình yêu:

     

    Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, cũng như ở  nhiều văn kiện của Đảng và chính sách xã hội có nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình: Gia đình là tế bào của xã hộiHọc thuyết Xã hội Công giáo, chương V : Gia đình là tế bào sống động[19]  của xã hội. Có gì khác biệt ở đây ? Rất rõ, gia đình là tế bào hay là gốc, căn nguyên của sự sống và sự sống đó được hình thành từ tình yêu hôn nhân làm nên gia đình. Chính vì sự sống này, các phần tử trong gia đình liên đới yêu thương, có trách nhiệm làm cho gia đình ‘sống động’ trở nên hạnh phúc.  Lúc Gia đình là tế bào sống động của xã hội, hay ‘chiếc nôi của sự sống và tình yêu’, bạn ý thức : mỗi thành viên trong gia đình là mỗi con người có phẩm giá, là hình ảnh của Thiên Chúa, bạn thấy có bổn phận phải quý trọng, kính trọng, yêu thương và những điểm chính của HTXH chúng tôi đề cập sau đây là cần thiết để gia đình được bền vững:

     

    - Sự thật: gia đình không phải là sân khấu, mỗi thành viên sống thật với vai trò tự nhiên của mình  là cha mẹ, vợ chồng, con cái. Cho dù bạn là ai, là chức sắc tôn giáo hay địa vị ở đời, khi về nhà, vai vế kia sẽ không cần thiết nữa, không có khoảng cách, địa vị bỏ ngoài cửa. Tình yêu chân thực thì tôn trọng sự thật ở cung cách xử sự, ở lời nói và ở cách sống. Tình yêu chân chính trong gia đình yêu cầu bạn không diễn tuồng! Khi sự thật là lẽ sống, mọi người biết trân trọng cái chung từng mong muốn là của nhau: chung nhà, chung giường chiếu, chung bếp… và khi sự thật vắng bóng, ngôi nhà biến thành “nhà tù chung!”

     

    Gia đình một cộng đoàn tình yêu của sự liên đới. Họ liên đới cùng chịu trách nhiệm trước thành công, thất bại, vật chất cũng như tinh thần. Họ liên đới chia sẻ cho nhau buồn vui, hạnh phúc và bất hạnh…Với người Việt Nam, tính liên đới này thấy rõ hơn trong những dịp đám cưới, đặc biệt ở đám ma (dù đám ma ở cuộc ly hôn) với câu nói rất tình nghĩa “Một con ngựa đau cả tàu chê cỏ”. “Liên đới cũng là một đức tính luân lý thực sự, không phải là một cảm giác thông cảm mơ hồ hay đau buồn hời hợt trước những bất hạnh của nhiều người, gần gũi cũng như xa lạ. Ngược lại, liên đới là có một quyết tâm vừa chắc chắn vừa kiên định muốn dấn thân lo cho công ích.” Tức là lo cho ích lợi của mọi người và mỗi người, vì tất cả mọi thành viên trong gia đình thật sự đều phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi người. “Liên đới được nâng lên hàng đức tính xã hội căn bản, vì đó là đức tính nằm trong phạm vi của công bằng. Đó là một đức tính ưu tiên nhắm tới công ích và được tìm thấy nơi những người dấn thân lo cho ích lợi của người thân cận tới mức, theo nghĩa của Tin Mừng, sẵn sàng ‘liều mất bản thân mình’ vì người khác thay vì khai thác người khác, và sẵn sàng ‘phục vụ người khác’ thay vì áp bức người khác vì ích lợi riêng (x. Mt 10,40-42; 20,25; Mc 10,42-45; Lc 22,25-27)”[20].

     

    Hôn nhân và gia đình như vậy mang một giá trị hoàn toàn linh thiêng như những gì chúng tôi chia sẻ ở trên. Tình yêu hôn nhân làm nên gia đình và phát sinh sự sống, nuôi dưỡng sự sống. Sự sống của mỗi thành viên gia đình luôn phải ‘động’ và hạnh phúc chỉ có khi mọi người chung tay, nỗ lực vun trồng làm cho nó ‘sống động’, trở nên tổ ấm yêu thương, mái ấm che chở mọi người. Nhà, không phải chỉ là nơi dừng chân, quê quán để trở về, mà còn là điểm tựa bình yên. Gia đình là môi trường giáo dục nhân bản tốt nhất, góp phần cho xã hội những công dân có ích. Gia đình Công giáo không tự họ nhờ Bí tích hôn nhân đã tốt đẹp hạnh phúc, nhưng vẫn thấy rõ nhiều gia đình Công giáo giữ được bình yên, thủy chung, vượt được sóng gió, vì sức mạnh yêu thương và luôn phó thác vào Chúa. Giáo huấn xã hội của Giáo hội có lý khi coi gia đình là “cộng đồng yêu thương và liên đới, nơi duy nhất thích hợp để dạy dỗ và truyền đạt các giá trị văn hoá, đạo đức, xã hội, tâm linh và tôn giáo, rất cần cho các thành viên của gia đình và xã hội được phát triển và hạnh phúc.”[21]

     

    Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 99 (Tháng 3 & 4 năm 2017)