2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

ĐO BẰNG VIỆC HẠ MÌNH PHỤC VỤ - Thứ Ba Tuần 7 TN A

“Ai muốn làm đầu, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người!”.

“Hãy quan sát một cái cây! Đầu tiên, nó hướng xuống đất; sau đó, nó vươn lên trời. Phải cắm rễ sâu xuống, chồi ngọn mới có thể vươn lên. Chẳng phải vì khiêm nhường mà nó nỗ lực vươn lên sao? Không có khiêm nhường, không đạt được những điều cao cả. Bạn muốn vươn lên mà không có gốc rễ? Đó không phải là phát triển, mà là sụp đổ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của thánh Augustinô được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Qua tuyên bố gây sốc, “Ai muốn làm đầu, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người!”, Chúa Giêsu đảo ngược tất cả các tiêu chuẩn về những gì được coi là quan trọng đối với thế gian. Bởi lẽ, với Ngài, điều thực sự quan trọng, thực sự vĩ đại được ‘đo bằng việc hạ mình phục vụ!’.

Với Chúa Giêsu, giá trị của một người không phụ thuộc vào vai trò họ có, công việc họ làm, tài khoản họ sở hữu. Không! Nó không phụ thuộc vào những điều đó. Dưới cái nhìn của Ngài, sự vĩ đại và thành công được đo lường theo một cách rất khác, ‘đo bằng việc hạ mình phục vụ!’. Chúng không dựa trên những gì ‘ai đó có’, mà dựa trên những gì ‘ai đó cho đi’. Bạn muốn làm đầu? Hãy phục vụ! Không có cách nào khác!

Vậy ai thực sự là người vĩ đại nhất trong xã hội? Không phải là những người đặc biệt tài năng về trí tuệ? Hay theo một cách khác, những người sử dụng tài năng của mình hoàn toàn vì hạnh phúc của người khác đến mức hy sinh mạng sống của họ? Ngoài tấm gương hiển nhiên của Chúa Giêsu, chúng ta còn có một danh sách dài các vị thánh, tất cả họ đều có một điểm chung – hoàn toàn dấn thân phục vụ anh chị em mình. Thành công, thăng tiến, địa vị, của cải vật chất, quyền hành chẳng là gì đối với họ. Họ đã phục vụ, và phục vụ là sức mạnh, một sức mạnh truyền cảm hứng theo cách mà không một chính trị gia hay một nhà độc tài nào có thể làm được. Phục vụ không phải là khuất phục hay yếu đuối, nó không đặt mình ở một cấp độ thấp hơn so với những người được phục vụ; nó chỉ đơn giản là hoàn toàn cam kết vì lợi ích của người khác, và tìm thấy hạnh phúc của chính mình khi cam kết như vậy.

Thật trùng hợp, bài đọc Huấn Ca hôm nay cũng nói đến những tâm hồn khiêm hạ; đó là những con người cậy trông vào Chúa, “Hãy nhẫn nại trong hoàn cảnh thấp hèn: vì vàng bạc được thử trong lửa, còn người được Chúa chọn, thì được thử trong khổ nhục!”. Như một lời khuyên thâm trầm, Thánh Vịnh đáp ca viết, “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay!”.

Anh Chị em,

“Hãy làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người!”. Mọi người ở đây là tất cả những ai dễ bị tổn thương, yếu đuối. Hình ảnh em bé Chúa Giêsu ôm vào lòng chính là biểu tượng của tất cả những kẻ yếu hèn này; họ là những con người cần được phục vụ, bảo vệ và nuôi dưỡng. Khi phục vụ những con người này, chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa. Và tuyệt vời hơn, em bé đó còn là hình ảnh của chính Chúa Giêsu, một người bị tổn thương, bị chống báng. Ngài cũng đang bơ vơ, lẻ loi; và giờ đây, trong Thánh Thể, đang chờ đợi và khao khát mỗi người. Ước gì bạn và tôi, đừng thường xuyên tranh cãi gay gắt với nhau “trên đường” về địa vị, quyền lực và vai trò; nhưng biết rằng, Giêsu trong Thánh Thể, Giêsu trong tha nhân, Giêsu trong những con người yếu thế đó đang dang tay chờ đợi những đầu gối cúi xuống phục vụ của bạn và tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con biết liên lỉ cắm rễ sâu trong khiêm hạ phục vụ, để trái tim con có thể lớn lên và biết cho đi trong yêu thương mỗi ngày!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

TÌNH YÊU, SỰ HOÀN HẢO CỦA CÔNG LÝ

“Hãy yêu kẻ thù!”.

Một lời cầu nguyện được tìm thấy bên thi thể của một bé gái sau đệ nhị thế chiến, “Lạy Chúa, xin đừng chỉ nhớ đến những thiện nam tín nữ của Chúa, nhưng xin nhớ đến cả những người có ý chí xấu. Đừng nhớ tất cả những đau khổ họ đã gây ra cho chúng con, nhưng hãy nhớ những thành quả mà chúng con mang lại nhờ sự đau khổ này. Đó là tình yêu, lòng trung thành, sự khiêm tốn, lòng can đảm, sự rộng lượng, và những trái tim vĩ đại của chúng con, vốn đã lớn lên từ những khổ đau này. Đến ngày phán xét, xin tha thứ cho họ về mọi lỗi lầm mà chúng con gánh chịu; bởi lẽ, cuối cùng, chúng con hiểu được, ‘tình yêu, sự hoàn hảo của công lý!’, Amen”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời cầu nguyện trên diễn đạt mạnh mẽ lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, “Hãy yêu kẻ thù!”. Qua đó, Ngài mời gọi chúng ta sống như con cái Thiên Chúa; đồng thời, khám phá ra rằng, đối với Thiên Chúa và con cái của Ngài, ‘tình yêu, sự hoàn hảo của công lý’.

Bài đọc thứ nhất, sách Lêvi nói, “Đừng giữ lòng thù ghét anh em!”; lý do, “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh!”. Phaolô trong thư Côrintô hôm nay đưa ra một lý do sâu sắc hơn, vì “Anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa”. Đức Kitô đã cứu chuộc chúng ta, để một khi ý thức mình được cứu chuộc, xót thương, chúng ta sẽ dễ dàng thương xót anh chị em mình. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót”.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống chóp đỉnh bác ái Kitô giáo; đó là yêu thương kẻ thù. Trả thù có một sức hấp dẫn trêu ngươi! Ôi, chúng ta thích thú làm sao với những bộ phim mà một anh hùng thất thế đột nhiên chiếm thế thượng phong, trả lại tất cả những điều ác mà những kẻ thủ ác đã gây ra cho người khác, và công lý thắng thế! Nhưng đó có thực sự là công lý? Chúa Giêsu nói rõ, “Thầy bảo các con: đừng chống cự với kẻ hung ác!”. Ngài muốn nói, nhân đức của chúng ta phải vượt lên nhân đức của các kinh sư và biệt phái.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta vượt qua tâm lý “ăn miếng trả miếng”, “Khi ai vả má bên phải của con, hãy đưa cả má bên kia nữa”. Bằng cách ấy, Ngài không dạy chúng ta sống chủ nghĩa thụ động; đúng hơn, Ngài mời chúng ta khám phá ra rằng, ‘tình yêu, sự hoàn hảo của công lý’. Ngài nâng thực hành này lên một tầm cao mới. Ngài lấy ‘công lý’ để biến nó thành lòng thương xót và tha thứ; Ngài đưa ra khái niệm mới về sự tha thứ thay vì công lý. Công lý của Thiên Chúa là xót thương! Khiêm tốn và tha thứ là trụ cột của não trạng hoàn toàn mới mẻ này. Chỉ dưới ánh sáng của những điều này, chúng ta mới có thể hy vọng xây dựng một nền hoà bình thực sự và lâu dài trên thế giới, giữa những người chung quanh và ngay trong chính bản thân mình.

Anh Chị em,

“Hãy yêu kẻ thù!”. Thực hiện lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta không chỉ tránh được hận thù mà còn hình thành một trái tim quảng đại và cao thượng, biết tự hiến mà không bao giờ bỏ cuộc. Thương xót và tha thứ đôi khi có vẻ trái ngược với công lý và lẽ thường; nhưng không phải vậy. Đó là một luật cao hơn kêu gọi chúng ta đến một mức độ công bằng thực sự lớn hơn. Luật này chỉ có thể hiểu được một khi chúng ta nhận ra sự thiêng thánh và phẩm giá của mỗi người, kể cả các tội nhân và tội phạm. Không cho phép họ tiếp tục hành vi phạm tội, nhưng chúng ta thực thi công lý cao nhất khi tha thứ và bày tỏ lòng xót thương. Đó là những gì Chúa Giêsu đã thể hiện đối với anh trộm lành. Không chỉ trao áo ngoài, Ngài trao toàn bộ y phục cho những kẻ sắp đóng đinh mình; Ngài đã đi thêm một dặm, và dặm này đưa Ngài lên đỉnh núi Sọ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, ‘tình yêu, sự hoàn hảo của công lý’; cho biết tha thứ và hiến thân cho người khác để có thể giúp cuộc sống họ hạnh phúc hơn, dù chỉ một chút!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

TÌNH YÊU CHIẾN THẮNG MỌI SỰ ÁC

Trong bài Tin mừng tuần trước, Chúa Giêsu sửa chữa những kiểu dạy dỗ sai lạc liên quan đến Lề luật Môsê. Những gì các thầy luật sĩ và người Pharisêu đã làm vào thời của họ là điều mà chúng ta cũng muốn làm ngày nay. Chúng ta lấy mệnh lệnh của Chúa và giải thích chúng theo cách sao cho chúng ta có vẻ như đang làm đúng những gì Chúa đã dạy bảo. Chúng ta tập trung vào việc không giết người trong khi Chúa Giêsu dạy không được tức giận. Chúng ta tập trung vào việc không ngoại tình trong khi Chúa Giêsu dạy ham muốn trong lòng đã là ngoại tình. Chúng ta nói rằng có thể ly dị vì bất kỳ lý do gì trong khi Chúa Giêsu dạy: “ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình” (Mt 5: 32). Chúng ta chỉ tập trung vào việc giữ lời hứa nếu chúng ta đã thề hứa nhưng Chúa Giêsu nói rằng phải làm theo mọi lời chúng ta đã nói. Những điều này đưa chúng ta hôm nay đến Mátthêu 5:38-48 nơi Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta thấy chúng ta hạ thấp tiêu chuẩn của Thiên Chúa.

  1. Mắt đền mắt (5:38-42)

Chúa Giêsu nói rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng” (Mt 5: 38). Qua những gì Chúa Giêsu nói hôm nay, chúng ta thấy rõ rằng những gì các nhà lãnh đạo tôn giáo khi xưa đã dạy cũng giống như những gì người ta sống ngày nay. Nếu bạn móc mắt tôi ra, tôi sẽ móc mắt bạn ra. Bây giờ người ta phải biết rằng đây không phải là ý nghĩa đích thực của Lề luật. Thiên Chúa đã dạy rõ ràng, trong bài đọc thứ nhất trích sách Lêvi: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lêvi 19:18). Đơn thuốc mắt đền mắt là luật của hệ thống tòa án: đưa ra là hình phạt tương xứng với tội ác, nhưng không hề là giới luật mới mà Chúa Giêsu công bố. Hôm nay, Chúa Giêsu đặt tiêu chuẩn của Thiên Chúa trở lại đúng vị trí của nó. Lề luật của Thiên Chúa là không ăn miếng trả miếng những gì người khác đã gây ra cho chúng ta. Hãy lắng nghe những lời Chúa Giêsu đưa ra: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5: 39-42). Thay vì chỉ lo cho chính mình, hãy cho đi chính mình. Không trả thù kẻ ác. Đừng đáp trả ăn miếng trả miếng. Đừng chữa cháy bằng lửa. Chúa Giêsu đưa ra những hình ảnh nhằm nói rằng không chỉ đừng trả đũa, mà còn cho đi nhiều hơn những gì người ta mong đợi. Điều này thực sự cho thấy chúng ta còn cách xa tiêu chuẩn của Chúa Giêsu như thế nào và chúng ta cố chống lại những gì Chúa Giêsu nói như thế nào. Chúng ta được kêu gọi vượt lên trên tất cả những gì người khác thường làm.

Vào thời La Mã, một chỉ huy La Mã có thể buộc dân thường mang hành lý của họ trong khoảng cách quy định là một dặm La Mã. Chúng ta có thể nhớ điều này đã xảy ra với ông Simon, bị người La Mã bắt phải vác thập giá đỡ Chúa Giêsu đến nơi hành hình. Chính quyền La Mã có thể bắt một người làm điều này trong một dặm. Chúa Giêsu nói hãy đi hai dặm khi bạn đang ở đó. Vậy Chúa Giêsu muốn nói gì? Đời sống Kitô hữu không phải là khăng khăng khẳng định quyền lợi của mình. Đời sống Kitô hữu không phải là chỉ làm điều tối thiểu cho người khác hoặc thậm chí còn ít hơn thế nữa. Chúa Giêsu nói với chúng ta đừng chỉ nghĩ về bản thân và bảo vệ chính mình. Đúng hơn, Chúa Giêsu dạy bảo chúng ta hãy hiến thân và nghĩ đến người khác trước bản thân mình. Chúng ta không nói, “Tôi có quyền.” Chúng ta nhường quyền của mình cho người khác. Chúng ta cần phải vượt lên trên tất cả vì lợi ích của những người khác trước.

  1. Tình yêu đích thực (5:43-48)

Ngay sau đó, Chúa Giêsu đề cập đến một việc dạy bảo khác có bản chất tương tự như vậy: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5: 43). Rõ ràng đó không phải là điều luật Chúa đã dạy. Nhưng chúng ta lại có thể thấy rằng lời dạy đó chấp nhận cho ghét những người không yêu chúng ta. Đây là một việc dễ làm. Chúng ta chỉ muốn yêu những người yêu chúng ta. Nhưng đây không phải là tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đặt tiêu chuẩn trở lại đúng chỗ của nó: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5: 44). Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng chỉ yêu những người yêu chúng ta, mà yêu tất cả mọi người, ngay cả kẻ thù của mình. Yêu kẻ thù đến mức thậm chí cầu nguyện cho họ.

Lý do đầu tiên khiến chúng ta làm điều tốt lành cho mọi người và yêu thương mọi người là vì đó là điều Chúa làm. Thiên Chúa khiến mặt trời mọc lên trên kẻ ác và kẻ thiện. Thiên Chúa ban mưa cho người công chính và kẻ bất công: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Ngài cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5: 45). Người ta ít nhận ra điều này. Nhưng Thiên Chúa đang bày tỏ tình yêu và ân sủng của Ngài cho mọi người, bất kể họ như thế nào. Đó là lý do căn bản chúng ta phải làm điều tốt lành và thể hiện tình yêu đối với tất cả mọi người.

Thứ hai, chúng ta được kêu gọi để trở nên con người yêu thương, khác với thói đời ganh ghét đố kỵ, loại trừ nhau. Nếu mình chỉ yêu kẻ yêu mình, thì có khác gì người đời? Mọi người đều làm điều đó: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế saoNếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5: 46- 47). Thế giới ghét kẻ thù của họ. Nhưng đó không phải là tính cách của Thiên Chúa. Điều này thực sự quan trọng trong thế giới của chúng ta ngày nay, nơi người ta ghét bỏ nhau rất nhiều. Có quá nhiều sự căm ghét trong xã hội của chúng ta. Đây không thể là con người mà Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành.

  1. Tiêu Chuẩn Chân Chính (5:48)

Rồi Chúa Giêsu kết thúc với tiêu chuẩn đích thực cho cuộc sống. “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5: 48). Đừng nghĩ như cách thế gian nghĩ. Đừng làm như thế gian làm. Hãy nghĩ về cách Thiên Chúa đang làm mọi việc. Hãy làm như chúng ta đã thấy Chúa Giêsu làm. Tiêu chuẩn không phải là làm giống như những gì người khác nói và làm, “những người khác đều làm như vậy mà.” Thiên Chúa không coi những gì người khác đang làm là chuẩn mực. Ngài là Đấng Toàn Ái, người Cha đầy tình yêu thương. Yêu thương mới là chuẩn mực Ngài dạy bảo con người chúng ta. Chúng ta phải sống khác con người trần gian. Chúng ta phải sống “như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Chúng ta cần phải thấy sự cao cả của lề luật Thiên Chúa. Chỉ khi nhìn thấy sự cao cả này, chúng ta mới “có tâm hồn nghèo khó”, “khóc lóc tội lỗi mình”, “hiền lành và khiêm nhường”, “khát khao nên người công chính”, “xót thương người”, “có tâm hồn trong sạch”, “xây dựng hoà bình” và được biến đổi như Chúa muốn để chúng ta được hưởng phần thưởng lớn lao Nước Trời (Mt 5: 3-12). Chỉ có cách nhìn này mới giúp chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa một cách đúng đắn và nhìn ra chính mình thực sự như thế nào. Đừng nới lỏng luật pháp hoặc hạ thấp tiêu chuẩn của Thiên Chúa.

Hiểu được những mệnh lệnh lớn lao nhất sẽ làm cho cõi lòng kiêu hãnh của chúng ta vỡ ra dần dần. “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12: 30). Chúng ta đã làm như thế nào? Ngoài ra, “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12: 31). Chúng ta đã làm như thế nào? “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Chúng ta đã làm như thế nào? Nếu có nơi nào chúng ta có thể nhìn thấy những thất bại của mình một cách rõ ràng nhất, thì đó chính là ở lời mà Chúa Giêsu đã đưa ra: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5: 44).

Tại sao những điều này lại khó thế? Vì họ không xứng đáng! Tôi không thể đi thêm một dặm, không thể đưa má bên kia, không thể cầu nguyện cho họ. Tất cả vì họ không xứng đáng! Nhưng Chúa Giêsu có ban cho tôi nhiều hơn những gì tôi xứng đáng không? Chúa Giêsu chỉ yêu những người làm điều tốt lành cho Ngài thôi sao? Tôi phải ngưng lối sống chỉ dựa trên điều tốt người khác đã làm cho tôi rồi mới làm điều tốt lành cho họ. Tôi phải ngưng biện minh cho bản thân khi chỉ yêu những người yêu lại tôi. Tôi phải yêu thương người khác, ngay cả khi không họ xứng đáng, nhưng vì Chúa yêu tôi, dù tôi không xứng đáng.

Thánh Phaolô căn dặn chúng ta: “Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài. Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào” (1 Cr 18-21).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Không còn ai là kẻ thù

Zenkai là một thanh niên, con của một hiệp sĩ Samourai. Anh được tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp trong triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình. Anh lập mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ. Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một con người ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất khác, ở đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.

Trong cảnh bần cùng khốn khổ, Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết định làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của mình.

Anh đi về một vùng núi hiểm trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con đường xuyên qua vùng núi ấy. Ban ngày đi khất thực, ban đêm đào đường xuyên qua núi. Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30 năm trời. Hai năm trước khi Zenkai hoàn thành công trình của mình, thì người con của viên chức triều đình mà anh đã sát hại trước kia, bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh niên thề sẽ giết Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi án phạt vì tội ác mình đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân người thanh niên và van xin:

“Tôi xin sẵn sàng chịu chết. Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi.” Người thanh niên ở lại để chờ cho đến ngày trả được mối thù cho cha. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm gì, người thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn nuôi chí báo thù cha. Nhưng chỉ một năm sau cùng làm việc với kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai. Con đường đã được hoàn thành trước dự định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng.

Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc:

“Làm sao tôi có thể chém đầu được thầy của tôi?” (Lẽ Sống)

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, qua ngòi bút của thánh Mat thêu, Đức Giêsu khuyên nhủ những đức tính cần thiết đề thực thi luật mến Chúa yêu người. Đó là nhẫn, xả và ái.

Nhẫn

Chữ nhẫn trong hán tự gồm chữ đao, con dao, bên trên chữ tâm, trái tim. Hàm ý gặp chuyện xấu, mà chẳng chịu nhẫn nhịn, thì tránh sao được đớn đau, như dao đâm thấu tim. Có nhẫn nhịn thì mới chuyển hóa nguy thành an, bại thành thắng, dữ thành lành. Cuối thời Xuân Thu, hai nước Ngô và Việt xảy ra chiến tranh. Vua Ngô là Phù Sai đánh bại nước Việt, bắt vua Việt là Câu Tiễn làm nô lệ trong ba năm. Câu Tiễn nhẫn nhục nằm gai nếm mật, quyết tâm tiêu diệt nước Ngô để báo thù. Cuối cùng, nước Ngô bị mất về tay nước Việt.

Trong suốt ba năm rao giảng, Đức Giêsu luôn nhẫn nhục trước những xúc phạm thô bạo, khiêu khích, chống đối, oán ghét, thù địch từ quý thầy tư tế, quý luật sĩ, quý Biệt phái, quý Sa đốc phái, vì Người vốn là “Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm bất bình và rất mực khoan dung.”(Tv 85) Người chính là tấm gương nhẫn nhịn sáng chói. Đỉnh điểm là trong cuộc tử nạn đau đớn ê chề, Người không hề phản ứng trước những lời nói, cử chỉ lăng nhục, phỉ báng, xỉ vả, chế giễu, khinh bỉ, cũng như những lời vu oan cáo vạ những tội tày đình, đáng bị tử hình.

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.”(Mt 5, 39-40)

Xả

Nhẫn, chính là thể hiện bản lĩnh của con người. Nhưng để có thể nhẫn nại, nhẫn nhịn, nhẫn nhục, tiên vàn cần phải xả kỷ vị tha, xả đi mọi tự ái, vị kỷ, xả thân, bỏ đi chính cá nhân mình, với những cám dỗ kiêu căng, tự đắc, tự phụ, hãnh tiến. Từ bỏ mình đi, mới có thể chấp nhận, đón chào tha nhân, mới có thể tôn trọng, quý mến người khác. Có coi nhẹ mình, mới chân thành kính trên, nhường dưới, làm tôi mọi, phục vụ, Ôsin của mọi người.

Bao lâu còn coi mình là đinh của tập thể, của cộng đoàn, giáo xứ, thì tầm thường hóa, vùi dập kẻ khác, coi thiên hạ chỉ đơn thuần là phương tiện tiến thân cho mình, muốn muôn người ca khen, tôn vinh mình mãi.

Xả kỷ còn có nghĩa phá chấp ngã như bên Phật giáo quan niệm, không coi mình là gì hết, để có có thể vị tha, sống cho người, chết cho người. Hy sinh, dấn thân phục vụ tha nhân, mới có thể nhẫn nại, nhẫn nhịn, nhẫn nhục.

“Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.” (Lc 9, 23)

Vì thế, mới có thể sẵn sàng phục vụ tha nhân, làm vui lòng tha nhân, nhường nhịn, nâng đỡ, ân cần trợ giúp, đáp ứng yêu cầu khẩn thiết cấp bách. Chẳng hề kêu ca, phàn nàn vất vả mệt nhọc.

Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì anh hãy cho; ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi.”(Mt 5, 41 -42)

Ái

Nếu chỉ dừng lại chữ nhẫn thì mới thành nhân, hay đúng hơn là kẻ sỹ, quân tử tàu, tự giải thoát khỏi vòng tục lụy, an phận trong vỏ ốc riêng tư. Nếu còn thêm xả kỷ vị tha, nhân ái, thì mới xứng làm môn đệ của Đức Giêsu. Bỏ đi tất cả mình có, bỏ đi cả danh giá, thể diện, để bao dung, tha thứ, thương yêu kẻ thù hằn, vì lòng mến Chúa yêu người, mới là người Kitô hữu chính hiệu. Thiếu lòng nhân ái, thiếu đức mến, thì chưa thể nào thành môn đệ chân truyền của Đức Giêsu.

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5, 44 -45)

Nếu con hiểu biết hạnh phúc được làm con Chúa, thì những điều sỉ nhục không thấm gì con và những lời hoan hô cũng chẳng thêm gì cho con.” (Đường Hy Vọng, số 506)

Lạy Chúa Giêsu, Người đã cam chịu nhẫn nhục, bao dung từ bi, tha thứ nhân hậu, xin dạy chúng con thấm nhuần, thấu đáo Lời Chúa, ghi lòng tạc dạ, để có thể thành tâm thi hành luật Tình Yêu.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã âm thầm chịu đựng bao lời dèm pha, đố kỵ, ganh ghét, thù hằn, khi đồng hành cùng Đức Giêsu bôn ba rao giảng, xin dạy chúng con biết nhẫn nhịn, xả kỷ vị tha và nhân ái, yêu thương chan hòa mọi người. Không còn ai là kẻ thù. Amen.

AM Trần Bình An

Nguồn: daobinh.com

THÁNH THIỆN CỰC ĐOAN - Thứ Bảy Tuần 6 TN A

“Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia!”.

Trong một nỗ lực cắt giảm chi phí văn phòng, một thanh niên muốn gây ấn tượng với sếp của mình là Edgar Hoover, giám đốc FBI; anh đã giảm kích thước của mọi giấy tờ. Hoover xem qua, tỏ vẻ không hài lòng với kích cỡ của khổ giấy; ông viết nguệch ngoạc, “Chú ý đường viền!”. Sáu tuần tiếp theo, việc nhập cảnh vào Hoa Kỳ từ Mexico hoặc Canada bằng đường bộ là vô cùng khó khăn! FBI đang theo dõi biên giới. Tại sao? Họ nghĩ, họ đã nhận được một cảnh báo từ sếp; và đã ‘cực đoan’ biến một nhận xét vô thưởng vô phạt thành một lời cảnh báo nghiêm túc!

Kính thưa Anh Chị em,

Như những nhân viên FBI, Phêrô trong câu chuyện Biến Hình của Tin Mừng hôm nay xem ra cũng ‘cực đoan’. Câu nói của ông, “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia” xem ra có phần ngớ ngẩn! Chi tiết này đưa chúng ta về một sự thật tinh tế; đúng hơn, một cám dỗ tinh vi trong đời sống thiêng liêng. Cám dỗ này có tên là ‘thánh thiện cực đoan!’.

Trước sự rạng ngời vinh quang Thiên Chúa xán lạn nơi Thầy mình, dù trong chốc lát, ba môn đệ ngây ngất, đến nỗi “Phêrô không rõ mình nói gì!”. Họ vô cùng phấn khích! Cũng thế, nhiều lúc, chúng ta có thể cảm thấy mình rất gần gũi với Thiên Chúa; từ đó, mỗi người được truyền cảm hứng sâu sắc bằng cách này, cách khác. Khi điều đó xảy ra, phản ứng cảm xúc nơi chúng ta, bấy giờ, theo một nghĩa nào đó, là rất dễ đi quá đà. Đó không phải là tình yêu đối với Chúa nơi chúng ta đã đạt đến mức lý tưởng, điều đó là không thể, nhưng là một sự nhiệt thành vốn dựa trên cảm xúc nhiều hơn là dựa trên ý muốn của Thiên Chúa. Đúng hơn, đó chỉ là những phút chốc ‘sốt sắng cao độ’ mà thôi; dĩ nhiên, chúng ta ước mong trở nên thân mật với Chúa, nhưng phải luôn bảo đảm rằng, cả những cảm xúc tốt lành nhất cũng không được dẫn chúng ta đi vào sự ‘thánh thiện cực đoan’, nghĩa là đi vào ý riêng mình hơn là theo ý Chúa.

Chi tiết này gợi lên câu chuyện Thầy trò Chúa Giêsu bị một làng nọ từ chối; Giacôbê và Gioan đã lên tiếng, “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng không?”. Ôi, thiêu huỷ cả một làng! Chúa Giêsu đã khiển trách họ. Có lẽ vì đã nhớ lại phút chốc ‘sốt sắng cao độ’, có phần ‘thánh thiện cực đoan’ muốn đốt cả làng của người ta. Và chúng ta nhớ lại Chúa Giêsu đã khiển trách họ thế nào; họ không biết họ đã nói theo tinh thần nào. Rõ ràng, đó là tinh thần thế tục!

Anh Chị em,

“Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm!”. Mục tiêu của một đời sống đạo đức là sự quân bình đích thực giữa các thái cực, cả khi nguội lạnh hay khi sốt mến. Mặc dù phải cam kết 100% với Chúa và ý muốn của Ngài, nhưng cũng phải chắc chắn rằng, chúng ta không bị cuốn vào bên này hoặc bên kia; vì lẽ, ma quỷ luôn tìm dịp để kéo chúng ta vào những cạm bẫy khôn lường của nó. Ma quỷ có thể làm chúng ta ngây ngất trong việc đạo đức này, bác ái kia; nhưng thực chất, lôi chúng ta về những hậu quả nó nhắm đến. Chẳng hạn, khi thấy mình đạo đức, chúng ta khinh dể kẻ khác; hoặc khi đứng trước một thử thách lớn, chúng ta tuyệt vọng… Vậy hãy cầu xin Chúa gìn giữ chúng ta vững bước trên con đường dẫn đến Ngài và thánh ý Ngài; hầu tránh được những ‘thánh thiện cực đoan’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con có được sự quân bình nội tâm; đừng để con nản lòng trước thử thách; cũng đừng để con cuốn theo những cảm xúc sản sinh từ những ‘cực đoan thánh thiện!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)