2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

XIN THA NỢ CHÚNG TÔI NHƯ CHÚNG TÔI CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG TÔI

“Xin tha nợ chúng tôi như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi” (Mátthêu 6:12). Người Công Giáo ai ai cũng đều thuộc lòng lời cầu này. Hơn thế nữa còn biết nó phát xuất từ Kinh Lạy Cha, một kinh nguyện duy nhất mà chính Chúa Giêsu đã dạy khi các môn đệ xin Ngài dạy họ cầu nguyện.

Lời cầu vừa mang tính cách tự thú, vừa mang tính cách thực hành. Tự thú mình là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, để kêu cầu xin ơn tha thứ: “Xin tha nợ chúng tôi”. Thực hành lòng quảng đại và trắc ấn đối với những người làm mất lòng mình: “Như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi”. Thoạt nghe lời cầu thì không có gì mấy khó khăn, vì ai mà không có tội, và tha thứ cho một ai đó cũng không ngoài khả năng của con người. Nhưng nếu để tâm suy nghĩ thì lời cầu này là một phản ảnh công bằng về đức ái hết sức quan trọng, thực hành nó không dễ dàng. Và chính vì vậy mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải cầu nguyện.

Trước hết, có mấy ai trong chúng ta nhận mình có tội! Nhiều tội nhân và cũng có thể là chính chúng ta khi đứng trước một lỗi lầm, phản ứng đầu tiên là chối bỏ. Khi không còn chối được nữa thì đổ thừa cho người này, người khác, hoặc những lý do khiến chúng ta phải hành động như vậy.

Để hiểu được thế nào là nhận mình có tội, và thế nào là tha cho mình cũng như tha cho người khác, chúng ta cần nhớ lại dụ ngôn hai con nợ trong Phúc Âm Thánh Mátthêu (18: 21-35). Theo Tin Mừng kể lại, có lẽ lúc bấy giờ ông Phêrô nghĩ mình là người rộng lượng, quảng đại nên đã hỏi Chúa liệu ông phải tha cho anh em mình bao nhiêu lần khi họ xúc phạm đến ông, “ 7 lần” không? Đối với ông tha 7 lần đã là nhiều rồi. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu đã khiến chẳng những ông mà chúng ta cũng hết sức bỡ ngỡ: “Bảy mươi lần bẩy” (22). Nhiều như vậy thì nhẫn nại và tha thế nào nổi? Và để ông hiểu lý do, Chúa đã kể cho ông nghe dụ ngôn, đại khái một người mắc nợ nhà vua 10 ngàn nén (yến) vàng (24). Vì không thể nào trả nổi, đã khóc lóc, van xin, nên nhà vua đã tha cho ông. Ngược lại bạn ông chỉ nợ ông có 100 quan tiền, cũng tha thiết xin ông cho khất nợ nhưng ông không tha!

Số tiền nợ của ông và của người bạn ông khác nhau như thế nào? Theo ước tính 10.000 talents (nén hay yến vàng) nếu tính bằng dollar tương đương với tiền lương công nhân của 200.000 năm. Nó bằng 60.000.000 ngày làm, và trị giá 3,48 tỷ đồng. Trong khi đó, bạn của hắn chỉ nợ hắn có 100 denarii (quan) tương đương với 4 tháng lương, và trị giá 5.800 đồng.

“Xin tha nợ chúng tôi”. So sánh sự khác biệt giữa hai món nợ mới hiểu tại sao Chúa Giêsu lại nhắc đến chuyện chúng ta phải xin được tha thứ. Ý thức mình là người có tội, xin và nhận sự tha thứ để hiểu mà cảm thông, tha thứ cho người khác. Đồng thời đưa ra hình ảnh con người tội nhân của chúng ta, cũng như hình ảnh một trái tim cần rộng mở như thế nào.

Nhận mình có tội, đón nhận lòng thương xót của Chúa chính là một tấm gương, một động lực cho chúng ta để tha thứ người khác. Bởi món nợ của chúng ta đối với Chúa thì quá lớn. Từ đó chúng ta phải học lòng rộng rãi của Thiên Chúa khi tha thứ cho mình. Việc làm này rất khó và đòi hỏi nhiều cố gắng. Kinh nghiệm thực tế còn cho thấy rằng, để tha thứ người khác, chúng ta phải học cách Chúa tha thứ để tha cho chính mình trước. Vì trong rất nhiều trường hợp, chúng ta lên án mình nặng nề hơn những người khác, và đối xử hà khắc với mình còn hơn những người khác đối xử với mình. Có lẽ vì thế, việc nhận mình có lỗi và nhận ra lòng thương xót của Chúa là bước đầu để chúng ta biết và học được sự tha thứ. Để tha thứ cho người khác, chúng ta trước hết cũng phải tha cho chính mình.

“Như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi”. Tha cho người khác, nhất là những người làm hại mình, những người mình không ưa, không thích là một việc làm không hề dễ. Điều này xem ra khó khăn hơn xin Chúa tha nợ cho mình, mặc dù trong thực tế nhiều lần chúng ta vẫn cho rằng mình không có tội. Mà vì không có tội nên không cần sự tha thứ, và cũng không hiểu được ý nghĩa của hành động tha thứ.

Ngoài ra còn phải tha đến bẩy mươi lần bẩy lại là điều xem ra không thể đối với tính ích kỷ của con người. Thông thường người ta có quan niệm rằng “đàn bà tha nhưng không quên”, nhưng trong thực tế, không phải “đàn bà”, mà cả “đàn ông” cũng vậy. Thử lặp lại một lỗi lầm nào đó nhiều lần với nhau, ta sẽ nhận ra kết quả này. Bởi đó Chúa Giêsu mới nói tha “bẩy mươi lần bẩy”.

“Xin tha nợ chúng tôi như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi”. Người có nợ vừa được chủ tha cho một món nợ lớn, nhưng gặp bạn chỉ nợ mình có một món nợ rất nhỏ đã tóm cổ, bỏ tù và đòi không sót một xu. Qua lời nguyện này, Chúa muốn chúng ta biết rằng món nợ mà chúng ta đối với Ngài rất lớn, và sự tha thứ mà Ngài dành cho chúng ta không thể diễn tả nổi. Ngược lại, hành động tha thứ mà chúng ta có đối với anh chị em không là bao nhiêu. Tuy vậy, nó là lý do khiến chúng ta đón nhận sự tha thứ đến từ Thiên Chúa: “Vì nếu các ngươi tha thứ cho nhau, Cha các ngươi trên trời cũng sẽ tha thứ cho các ngươi” (Mátthêu 6:14). Còn “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy” (Mátthêu 18:35).

Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt

CHINH PHỤC NỖI SỢ HÃI

Tôi tin rằng một trong những lý do khiến đại dịch Covid -19 gây tổn thương nặng nề cho xã hội của chúng ta là chúng ta đang sống trong một nền văn hóa bị bao trùm bởi nỗi sợ hãi cái chết. Sợ chết là điều ai cũng cảm thấy, bởi vì cái chết dường như là kẻ thù tồi tệ nhất của cuộc sống con người. Kinh Thánh nói rõ rằng cái chết không nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho loài người. Sự chết đến thế gian do hậu quả của tội lỗi. Khi ai đó chết, ta cảm thấy có điều gì đó không đúng vì chết là một sự sai trái.

Chúng ta có linh hồn vĩnh cửu. Mối tương quan bạn bè và tình cảm mà chúng ta hình thành với nhau trong cuộc đời này sẽ kéo dài mãi mãi. Theo cách này, cái chết đi ngược lại bản tính của chúng ta, và việc sợ hãi cái chết là điều tự nhiên. Thật vậy, trong tất cả các thế kỷ tồn tại của con người, mặc dù đã vận dụng tất cả sự khéo léo tốt nhất của con người, có hai vấn đề mà chúng ta không thể giải quyết được: tội lỗi và sự chết. Đây chính là những vấn đề mà Chúa Giêsu Kitô đã đến để cứu chúng ta thoát khỏi.

Tam Nhật Vượt Qua của Lễ Phục Sinh, mà chúng ta cử hành hàng năm, có điều gì đó nói lên nỗi sợ chết này. Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng sự chết bằng cách chiến thắng tội lỗi. Khi chúng ta ăn năn tội lỗi của mình và được tháp nhập vào Chúa Kitô qua phép rửa, Thánh Phaolô nói rằng chúng ta “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Chúa Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Ngài sao?” (Rm 6:3). Điều này có nghĩa là ảnh hưởng của cái chết và sự phục sinh của Ngài, sự giải thoát khỏi tội lỗi và sự sống phục sinh, được chia sẻ với chúng ta. Vì điều này, cái chết đã mất quyền lực đối với chúng ta. Chúng ta cũng có thể tuyên bố như Thánh Phaolô đã tuyên bố với người Côrintô: “Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1Cr 15,54-55).

Sự thật này thay đổi mọi thứ đối với chúng ta với tư cách là Kitô hữu. Điều đó có nghĩa là chúng ta không còn sống trong nỗi sợ chết nữa, nhưng được tự do hoàn toàn hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Điều này không dẫn đến sự coi thường ân huệ sự sống, nhưng hoàn toàn ngược lại. Nó làm cho cuộc sống tràn đầy ý nghĩa sâu sắc và cho chúng ta can đảm để có thể đối mặt với sự dữ mà vẫn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Sự can đảm này tràn ngập trong lòng các thánh và cho phép các ngài liều mình vì người khác.

Tôi yêu thích tấm gương của Thánh Đamiêng ở Molokai, đôi khi được gọi là “Linh mục Phong Cùi”. Thánh Đamiêng tình nguyện làm linh mục cho người cùi trên đảo Molokai, dù biết rằng mình sẽ không bao giờ có thể quay trở lại. Ngài sẽ chết ở đó với những người phong. Khi được hỏi làm thế nào ngài có đủ can đảm để làm điều này, ngài nói: “Chính ký ức về việc nằm dưới tấm khăn tang hai mươi lăm năm trước - ngày tôi tuyên khấn - đã khiến tôi dũng cảm đối mặt với nguy cơ mắc phải căn bệnh khủng khiếp này, thực hiện bổn phận của mình ở đây và cố gắng chết đi cho bản thân mình nhiều hơn… bệnh tật càng tiến triển, tôi càng thấy mình mãn nguyện và hạnh phúc.”

Cộng đoàn tu trì của Thánh Đamiêng có truyền thống - ngày nay vẫn còn được nhiều tu sĩ Biển Đức và những tu sĩ khác thực hiện - khi một vị linh mục tuyên khấn, vị này nằm sấp mặt trên sàn nhà nguyện trong khi người ta đọc kinh cầu các thánh, một chiếc khăn tang sẽ phủ lên vị này như một biểu tượng chết đi cho trần thế. Thánh Đamiêng đã thoát khỏi nỗi sợ chết vì ngài đã hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa khi ngài tuyên khấn.

Quan điểm đích thực của Kitô hữu là tội lỗi là một sự dữ còn xấu xa hơn cả sự chết. Như Chúa Giêsu đã nói: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10:28). Đây là lý do tại sao các vị tử đạo đã hy sinh mạng sống của họ: các ngài thà chết chứ không phạm tội chối bỏ Chúa Kitô.

Vậy làm thế nào để chúng ta đối phó với nỗi sợ hãi tự nhiên đối với cái chết, hoặc với bất cứ nỗi sợ hãi tự nhiên nào của chúng ta? Tôi thích câu nói của Joseph Pieper, triết gia người Đức ở thế kỷ 20, đã viết rất hay về nhân đức. Ông ấy nói, “Lòng can đảm là nỗi sợ hãi cất lên lời cầu nguyện của mình.” Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi, các thánh cũng có những nỗi sợ hãi, dường như ngay cả Chúa Giêsu trong nhân tính của mình cũng run sợ trước thập giá. Điều quan trọng là nỗi sợ hãi không ngăn cản chúng ta làm theo ý Chúa. Chúng ta càng lớn lên trong mối liên hệ hàng ngày với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện, thì chúng ta càng phó thác những nỗi sợ hãi trong lòng cho Ngài, Ngài càng đổ đầy chúng ta bằng tình yêu của Ngài và điều này càng cho chúng ta can đảm để làm bất cứ điều gì Ngài yêu cầu, ngay cả khi đối mặt với nỗi sợ chết. Như thánh Phaolô nói: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Chúa Kitô Giêsu” (Phil 4: 6-7).

Cách đây vài năm, một trong những điều tôi nhận thấy trong Kinh thánh là mỗi khi Thiên Chúa kêu gọi ai đó trong Kinh thánh thì Ngài nói: “Đừng sợ”. Cho dù đó là Abraham, Môsê, các tiên tri, Mẹ Maria hay Thánh Phêrô, dường như Thiên Chúa bảo mọi người đừng sợ vì Ngài luôn kêu gọi chúng ta làm nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ mình có thể làm được. Vì vậy, sợ hãi sẽ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, đức tin thay đổi điều này.

Đức tin cho chúng ta sự hiểu biết “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8: 35, 38-39). Càng lớn lên trong đức tin, chúng ta càng ít bị nỗi sợ hãi, thậm chí nỗi sợ chết, chi phối. Rồi thì, chúng ta có thể can đảm hiến tặng cuộc sống của mình bằng bất cứ cách nào mà Thiên Chúa yêu cầu.

Sau đây là một vài câu Kinh Thánh giúp thắng vượt nỗi sợ hãi:

  1. “Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi.

Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi.

Ta cho ngươi vững mạnh,

Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta”

(Is 41: 10).

  1. “Nhà Aharon, hãy tin cậy Chúa,

chính Chúa độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che”

(Tv 113b: 10).

  1. “Anh em đừng sợ chúng, vì chính Chúa, Thiên Chúa của anh em, chiến đấu cho anh em” (Đnl 3: 22).
  2. “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,

tôi còn sợ người nào?

Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi,

tôi khiếp gì ai nữa?”

(Tv 27: 1).

  1. “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”

(Gn 14: 27).

 

Tác giả: Andrew Cozzens

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

từ https://thecatholicspirit.com.

CẢM NGHIỆM SỐNG LỜI CHÚA # 1

MẬT HAY DẤM ?

Một giáo sư thần học viết về hai bình có vật lỏng chứa trông thật giống nhau.

Khi nghiêng bình thứ nhất, dấm tuôn ra, khi nghiêng bình thứ hai mật tràn ra.

Tuy hai bình trông giống nhau; nhưng khi bị giao động, vật chứa thật bên trong mới bị lộ ra.
Trong lúc bình thường hầu hết mọi người đều cư xử rất lịch sự, không thấy gì bất nhã; nhưng khi mất bình tĩnh hoặc bực bội bất ngờ, họ mới lộ rõ bản chất thật của mình.

Vậy phản ứng của bạn trước áp lực cũng có thể nói lên bản chất thật của bạn, bạn phản ứng theo Chúa hay theo bản năng. Đức Giêsu nói: “Vì lòng có đầy miệng mới nói ra.” (Luca 6, 45) - Xem quả biết cây (Mat 12-34)

Điều gì đã xảy ra từ trong lòng bạn - mật hay dấm. Khi có ai làm điều bạn không thích, bạn phản ứng theo Chúa hay theo bản năng - Bạn cần liên kết với Chúa bằng Cầu nguyện để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Ngài sẽ tràn đầy bạn với những hành động tốt đẹp.

 

CHÂM NGÔN CỦA MỌI TÍN HỮU
----****----

  1. Anh hãy nên gương mẫu cho các Tín hũu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, Đức Tin và lòng trong sạch.
  2. Hãy chuyên lo đọc Sách Thánh trong các buổi họp, chuyên cần khuyên nhủ và dạy dỗ.
  3. Đừng thờ ơ với Đặc sủng đang có nơi anh, Đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời Ngôn sứ, khi hàng Kỳ mục đặt tay trên anh.
  4. Anh hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy tiến bộ của anh.
  5. Anh hãy thận trọng trong cách ăn nết ở và trong lời giảng dạy. Hãy kiên trì trong việc đó. Vì làm như vậy, anh sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được người nghe anh giảng nữa.

1 Tim 4, 12-16

 

Ptế Định Sưu Tầm

ĐỨC TIN VÀ HÀNH ĐỘNG

Cảm nghiệm Sống Lời Chúa # 2:

Người ta không thể nhìn thấy Đức Tin, vì nó không phải là vật chất. Nó có thật thuộc thế giới Thần linh . Người ta biết nó nhờ qua những hành động bên ngoài.

Thí dụ: khi tôi dơ tay lên cầu nguyện âm thầm hoặc nói lớn tiếng với Chúa, hay tôi đi săn sóc một người ốm đau v.v...Như thế, tôi thấy Đức Tin không chỉ có ở trong lòng thì chưa đủ, mà còn được biểu lộ ra hành động bên ngoài.

Người Tín hữu Kitô tin vào Chúa Kitô không phải chỉ đi nhà thờ giữ luật ngày Chúa nhật, rồi dừng lại đấy thì chẳng ích lợi gì cho mình và anh em. Đức Tin của tôi cũng vậy, cần được trổ sinh hoa trái bằng việc làm cho tha nhân nữa.

Vì thế, thánh Gia-cô-bê nói: “Đức Tin không có hành động quả là Đức Tin chết.” ... “Bạn thử cho tôi thấy thế nào là Tin mà không hành động; còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là Tin. (Gc 2, 17-18)

 

Lời Chúa cho hôm nay
(Qua các trận bão lớn đang xảy ra)

Con trai con gái ông đang ăn tiệc uống rượu trong nhà người anh cả của họ, thì một trận cuồng phong từ bên kia sa mạc thổi bốc vào bốn góc nhà; nhà sập đè trên đám trẻ; họ chết hết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay.

Bấy giờ ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói:
“ Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.
Đức Chúa đã ban cho tôi, Đức Chúa lại lấy đi:
Xin chúc tụng danh Đức Chúa!”

(Sách Job 1, 18-20)

PT Định

CHÚA KITÔ HIỆN DIỆN TRONG CƠN HOẢNG LOẠN CỦA TÔI

Chúa Nhật 19 Thường Niên Năm A

        Chúng ta đã nghe khá nhiều bài giảng về đoạn Kinh thánh này, có người khen ngợi đức tin của Phêrô vì đã can đảm “từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Chúa Giêsu” (Mt 14: 29) dù ông mới chỉ được nghe bóng người ấy nói: “Cứ đến!” (Mt 14:29) và chưa mấy tin rằng người đang đi trên mặt biển là Thầy Giêsu: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài” (Mt 14:28). Dường như ông không đặt vấn đề, lỡ ra đó không phải là Thầy Giêsu mà là một bóng ma hay một ảo ảnh gì đấy thì sao. Hành động của ông thật liều lĩnh nhưng cũng thật tin tưởng! Tuy nhiên, vấn đề mà người ta thường đặt ra là khi ông không nhìn vào Chúa Giêsu, thì đức tin của ông bắt đầu lung lay, và Chúa Giêsu ở đó để cứu ông. Vì vậy, bài giảng kết luận: hãy can đảm, ra khỏi thuyền, nhưng hãy tập trung vào Chúa Giêsu.

  1. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa toàn năng.

Đó là lời khích lệ tốt lành cho những ai muốn biến niềm tin của họ thành hành động. Đúng là đức tin cần hành động vì: “Quả vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2:17). Tuy nhiên, nhân vật chính của câu chuyện không phải là Phêrô. Thực tế là, “Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Ngài và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14: 32-33). Người ta không thấy một môn đệ nào chúc mừng Phêrô vì đã bước đi trên nước khá tốt và chúc ông may mắn hơn vào lần sau! Vì thật ra, nhân vật trọng tâm thực sự trong câu chuyện là Chúa Giêsu, là Con Thiên Chúa, Đấng mà các môn đệ bái lạy; chi tiết này lần đầu tiên được thuật lại trong sách Tin mừng Mátthêu. Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, Đấng tạo dựng đất trời, núi cao, biển sâu…quyền năng của Ngài “thực hiện giữa dòng nước lũ. Chúa truyền lệnh khiến bùng lên bão táp, lớp sóng xô cuồn cuộn dập dồn. Họ nhô lên tận trời, nhào xuống vực sâu, lúc nguy hiểm, hồn xiêu phách lạc, bị quay cuồng, lảo đảo như say, khéo cùng khôn đã chìm đâu mất. Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa, Ngài đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân. Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng, họ vui sướng, vì trời yên bể lặng và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ” (Tv 107: 23-30). Tất cả những ai theo Chúa Giêsu cần phải đặt trọn vẹn niềm tin nơi Ngài, suy phục và tín thác hoàn toàn sự sống của mình nơi quyền năng và lòng thương xót của Ngài. Do vậy, khi họ “ngó quanh”, không nhìn vào Ngài nữa thì họ bắt đầu chìm xuống. Phêrô chỉ là một minh chứng; ông đã có thể “từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Chúa Giêsu” khi ông còn tin cậy và tập trung vào Ngài, nhưng lại lung lay khi tập trung vào bản thân và hoàn cảnh của mình.

Chúng ta cũng bước đi trên mặt nước mọi nơi mọi lúc trong cuộc sống. Có những cơn bão đi qua cuộc đời chúng ta và dường như không bao giờ kết thúc. Đôi khi chúng là những cơn bão buộc chúng ta phải lèo lái con thuyền nhỏ của mình bằng mọi cách để nó không bị vỡ tan trên những tảng đá ngầm vô vọng là “thế gian, ma quỷ, xác thịt”. Cuộc đời như một chuyến hành trình trên đại dương; trong đó con người giống như những người đi biển mang trong tim một khát vọng. Một số người không bao giờ có thể ra khơi. Những người khác thực hiện cuộc hành trình một cách liều lĩnh và cuối cùng bị lạc hướng vả cuốn trôi trong những cơn bão lớn, không bao giờ đạt được mục tiêu mong muốn của họ. Nhưng có những thủy thủ, dù bị vùi dập, vẫn xoay sở để đưa tàu của họ trở về bến cảng mong chờ nhờ tìm thấy và chăm chú nhìn vào ánh sao Bắc Đẩu. Cuộc sống của con người vốn như vậy, rất ít an toàn, bếp bênh luôn mãi, như con thuyền trên mặt biển đầy sóng gió gập ghềnh, như Phêrô “thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm” (Mt 14:30). Điều quyết định đến sự sống là Phêrô đã biết kêu lên Chúa Giêsu, Đấng vốn là Con Thiên Chúa toàn năng.

  1. Bàn tay Giêsu, bàn tay yêu thương cứu độ của Thiên Chúa.

Trong cuộc hải hành trần gian, chúng ta cần phải lèo lái con thuyền đời mình trong sự tin cậy vào Thiên Chúa, và biết rằng sự tin tưởng cậy trông như thế là cần thiết đến nỗi chúng ta phải luôn kêu lên như Phêrô: “Thưa Ngài, xin cứu con với !” (Mt 14: 30) để được bảo vệ trong những lúc đáng sợ nhất của cuộc đời, chẳng hạn như vào giờ chết. Để có thể được như vậy, chúng ta cần phải kêu cầu với Chúa Giêsu luôn mãi, ngay bây giờ, từng giây phút: “Muôn lạy Chúa, xin đừng bỏ mặc, đừng nỡ xa con, lạy Thiên Chúa con thờ. Lạy Chúa cứu độ con, xin Ngài mau phù trợ” (Tv 38: 22-23). 

Có những lúc trong cuộc sống dường như Chúa đã thực sự quên chúng ta và hy vọng của chúng ta bắt đầu tàn lụi. Có một sự im lặng không thể giải thích được cứ như buộc chúng ta phải tự mình vận dụng mọi sức lực trong chúng ta để tiếp tục sống. Các môn đệ hoảng sợ, sợ cái chết sắp xảy ra và dường như những gì họ đang thi hành theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu chỉ là ảo ảnh, là bóng ma: “Thấy Ngài đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên” (Mt 14:26). Như thể tâm trí và cõi lòng của họ đã từ bỏ niềm tin rằng Thiên Chúa vẫn nhớ đến họ. Các môn đệ phải bắt tay vào việc; họ phải khám phá ra cách đối mặt với những cơn bão bất ngờ của cuộc đời; họ buộc phải học cách cứu con tàu. Chính khi đương đầu với nỗi sợ hãi, các môn đệ sẽ nhìn ra những gì thực sự là con người của họ, họ đang mang trong lòng những gì. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài cảm nhận và thấy rõ sự yếu đuối bất lực của họ ngay chính nơi tưởng chừng như quá quen thuộc với họ, qua đó Ngài cũng chỉ cho họ thấy họ cần tin tưởng và cậy dựa không vào ai khác ngoài chính Ngài, Đấng đầy quyền năng và lòng yêu thương “đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ” (Mt 14: 25). Khi chúng ta bị tra tấn bởi nỗi sợ hãi và sự nản lòng, chúng ta cần phải chiến đấu kiên trì để vững tin rằng cuối cùng Chúa Kitô cũng sẽ tỏ mình ra, “đưa tay nắm lấy” chúng ta và rồi chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện cứu độ của Ngài.

Bàn tay Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, là bàn tay luôn chìa ra cho con người. Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian là để chìa tay ra cho tất cả và mỗi người chúng ta, như ánh sao Phương Bắc chỉ đường, để hướng dẫn chúng ta, nâng đỡ chúng ta, giúp chúng ta vững vàng, và cứu chúng ta khỏi chìm xuống những đáy sâu tuyệt vọng của kiếp người muôn ngàn bất trắc. Một cái chạm tay của Chúa Giêsu đã cứu Phêrô khỏi hoảng sợ và khỏi chìm xuống: “Chúa Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông” (Mt 14:31) và Phêrô tìm thấy sự cứu thoát nơi bàn tay nắm chặt của Chúa Giêsu.

  1. Kiên trì vững tin vào Chúa Giêsu.

Không phải các môn đệ là những người quyết định giong buồm ra khơi. Chính Chúa Giêsu đã buộc họ phải đương đầu với những nỗi sợ hãi của họ: “Chúa Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước” (Mt 14:22). Lúc đó là chiều tối rồi, nhưng họ phải “xuống thuyền”, bước vào cuộc sống với những mối nguy hiểm và đối mặt với sự mất an toàn của họ. Ra biển, đối với một người Do Thái, là đi vào nơi dễ chết chóc nhất. Các môn đệ vừa cảm nghiệm được quyền năng của Thiên Chúa: Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều để nuôi sống đám đông (Mt 14: 15-21), thế nhưng kinh nghiệm đó về Thiên Chúa không giúp các ông thoát khỏi nỗi sợ hãi bị bỏ rơi: “Giải tán họ xong, Ngài lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Ngài vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió” (Mt 14:23-24). Sóng gió kéo dài lạ thường “Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió” (Mt 14:24), nó bắt đầu từ chiều tối nhưng mãi đến khi đêm gần tàn, Chúa Giêsu mới quyết định ra đón các ông: “Vào khoảng canh tư, Ngài đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ” (Mt 14: 25).

Đôi khi giữa những cơn sóng nghi ngờ của một lý trí đầy suy nghĩ trăn trở về kiếp người, chúng ta không tin rằng mình có thể bước đi trên mặt nước xao động. Đoạn Tin mừng nhắc nhở chúng ta đừng như Phêrô, ban đầu bất chấp nỗi sợ hãi của chính mình, “từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm”, mà hãy cùng với các anh em, dù có thể cũng đang hoảng hốt trong con tàu Giáo hội, chúng tay đừng rời mắt khỏi Chúa Giêsu và đừng cứ nhìn vào những yếu đuối, tội lỗi và giới hạn của chính mình, của người khác, là điều khiến chúng ta bắt đầu chìm xuống, nhưng hãy nhìn thẳng vào Chúa Giêsu, vững tin không sợ chìm. 

  1. Kinh nghiệm về chết đuối và được cứu thoát

Phêrô hiểu rằng, tự mình, ông sẽ chẳng đi đến đâu; nếu không có Chúa Giêsu, chắc chắn ông sẽ chìm xuống dưới sức nặng của con người yếu đuối tội lỗi là chính mình. Tuy nhiên, chính khi ông đang chìm xuống, ông cầu cứu Chúa Giêsu “xin cứu con với” và ông cảm nghiệm được bị Ai đó tóm lấy và kéo ra khỏi vùng nước tuyệt vọng. Đây là kinh nghiệm được ghi khắc trong đức tin của mỗi người chúng ta: không có Chúa, chúng ta chết đuối, nhưng khi chúng ta đuối sức, Chúa đưa tay ra nắm chặt chúng ta và cứu chúng ta trong những cơn bão của cuộc đời. 

Kinh nghiệm về chết đuối và được cứu thoát này là kinh nghiệm của các Tông đồ, của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, và của tất cả các Kitô hữu mọi thời đại. Chúng ta thấy có hai câu nói, một cầu xin, một tuyên xưng: “Lạy Chúa, xin cứu con!” và “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa.” Toàn bộ cuộc sống của chúng ta là một chuyển động giữa hai lời cầu xin và tuyên xưng này, từ bao nỗi sợ hãi trong cuộc sống, cuối cùng là cái chết không tránh khỏi, đến việc nhận ra rằng chúng ta đã được Thiên Chúa cứu độ, nhờ Chúa Giêsu Kitô.

Nhiều khi chúng ta không thể làm gì cho chính mình và cho những người chúng ta yêu thương ngoại trừ giao phó chính mình và những người chúng ta yêu thương trong bàn tay của Thiên Chúa, vì tin rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả chúng ta và Ngài biết rõ hơn chúng ta những gì tốt lành cần phải làm cho chúng ta, như đã làm cho tiên tri Êlia trong bài đọc thứ nhất: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Chúa. Kìa Chúa đang đi qua” (1 V 19: 11). Thiên Chúa làm cho Êlia kiên vững trong đức tin và xác tín vào quyền năng của Chúa là Đấng thống trị trần gian, luôn bước đi và hành động ngay bên, để giữa cơn sóng gió làm chao đảo tâm hồn và cuộc sống của ông, ông vẫn vững tin có Chúa hiện diện với mình: “Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Chúa, nhưng Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông: “Êlia, ngươi làm gì ở đây ?” (1 V 19: 11-13).

Hôm nay, Tin mừng đảm bảo với tất cả những ai, dù đức tin còn yếu ớt, nhưng đang dần lớn lên, rằng sự hiện diện của Chúa Giêsu với Giáo hội của Ngài, trong các Bí tích, trong Lời Chúa, trong cộng đoàn Dân Chúa, và nơi những người anh em bé nhỏ nhất của Ngài, là một điểm tựa mà chúng ta có thể dựa vào, khi an lành cũng như lúc hoảng sợ, như thánh Phaolô khẳng định trong bài đọc thứ hai rằng Chúa Kitô: “là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Ngài đến muôn thuở muôn đời. A-men” (Rm 9: 5).

Phêrô Phạm Văn Trung.