2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

KINH THÁNH CÓ THỂ TỰ MÂU THUẪN KHÔNG?


Những mâu thuẫn của Kinh thánh. Một số khác biệt giữa các đoạn Kinh Thánh có thể đặt ra vấn nạn. Một số người thậm chí còn coi đó là bằng chứng cho thấy Kinh thánh không đáng tin cậy. Vậy thì tại sao Kinh Thánh không phải lúc nào cũng nhất quán? Các yếu tố giải thích. 

  1. Chúng ta có thể tìm thấy những mâu thuẫn nào trong Kinh Thánh?

Những mâu thuẫn thì rất nhiều. Ví dụ, chúng ta tìm thấy trong Kinh thánh hai phiên bản khác nhau của Mười Điều Răn, những điều cơ bản trong Do Thái giáo cũng như trong Kitô giáo. Trong sách Xuất Hành (20:2-17), giới răn Sabbát được đưa ra để dân chúng nhớ rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế giới. Trong sách Đệ Nhị luật (5, 6-21), giới răn Sabbát được đưa ra là để dân chúng nhớ rằng Thiên Chúa đã đưa họ ra khỏi Ai Cập. Tu sĩ Dòng Tên Marc Rastoin [1] tin rằng: “Hai minh chứng này đều đúng. Sự khác biệt của hai phiên bản đó không đối nghịch nhau, điều đó cho thấy rõ rằng Thiên Chúa mặc khải không mâu thuẫn với Thiên Chúa Sáng tạo.” Nhà thần học Tin lành Antoine Nouis [2] diễn tả cách tinh tế rằng: “Tôi muốn nói đến những tình huống căng kéo hơn là nói đến những mâu thuẫn. Chính trong những tình huống căng kéo này mà mạc khải vẫn có thể được người ta nghe thấy và mang lại hiệu quả cho chúng ta cho đến tận ngày nay.”

 

  1. Tại sao các văn bản không mạch lạc hơn?

Đối với học giả Kinh thánh Sophie Ramond [3], “chúng ta phải hiểu rằng Kinh thánh là thành quả của một quá trình viết lâu dài”. Trên thực tế, trước khi bộ Kinh thánh quy điển được thiết lập, những văn bản này đã được viết lại và điều chỉnh nhiều lần theo nhu cầu của lịch sử và các sự kiện của thời ấy. “Những người hoặc cá nhân viết những bản văn này đọc lại lịch sử của họ như là nơi Thiên Chúa mặc khải. Sự mặc khải này là một mầu nhiệm lớn lao đến nỗi chúng ta đã tìm nhiều cách để diễn tả mầu nhiệm đó.” Từ những lần mò mẫm này, một số phiên bản của cùng một câu chuyện đã được lưu giữ trong bộ Kinh thánh quy điển. 

Đối với Antoine Nouis cũng như đối với Cha Marc Rastoin, những mâu thuẫn này thậm chí còn do cố ý. Học giả Kinh thánh Tin lành đảm bảo: “Tính đa dạng thuộc về sứ điệp của Kinh thánh. Sự trái ngược không phải là sai lầm hay quên sót.” Đặc biệt khi chúng ta tìm thấy những điều trái ngược đó dưới ngòi bút của cùng một tác giả. Khi Luca thuật lại trong Tin Mừng của mình câu chuyện về Chúa Thăng Thiên (24:50-51), ngài đặt biến cố này vào đúng ngày lễ Phục Sinh. Nhưng khi ngài nhắc lại điều đó ở đầu sách Công vụ Tông đồ (1, 3), Lễ Thăng thiên xảy ra bốn mươi ngày sau Lễ Phục sinh. Tại sao có sự khác biệt này? Antoine Nouis giải thích: “Mỗi phiên bản đều có một ý nghĩa thần học. Trong Tin Mừng, câu chuyện về Chúa lên trời khép lại cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Trong Công vụ Tông đồ, câu chuyện về Chúa lên trời mở ra thời kỳ của Giáo hội.” 

Đối với Marc Rastoin, vấn nạn này gợi nhớ đến bộ phim truyền hình dài tập The Chosen, một tác phẩm của Mỹ về cuộc đời Chúa Giêsu, dựa trên Tin Mừng Nhất Lãm cũng như của Thánh Gioan. Tuy nhiên, bản văn của Gioan rất khác với ba bản văn Nhất Lãm kia, vốn trình bày một Chúa Giêsu nhân tính hơn. Đối với Cha Rastoin, điều này gây ra khó khăn: “Việc dành ưu tiên cho Gioan hoặc cho các tác giả Nhất Lãm sẽ có nguy cơ khiến mọi người quên rằng Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Nhưng việc đưa các phiên bản của Gioan và các phiên bản Nhất Lãm vào chung một cuốn sách hoặcchung  một kịch bản là điều không thể.” Giáo hội đã giữ nguyên bốn Tin Mừng trong quy điển Tân Ước của mình, bởi vì “chính trong cuộc đối thoại giữa các Tin Mừng khác nhau mà điều gì đó được kể cho chúng ta về Chúa Kitô, Đấng đang sống và không để cho mình bị giới hạn trong các bản văn”, Antoine Nouis giải thích. 

  1. Những những tình huống căng kéo này có đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của trình thuật trong Kinh thánh không?

Cha Rastoin tiếp tục: “Kinh thánh không phải là một cuốn sách khoa học, Kinh thánh không có tham vọng hoàn toàn mạch lạc theo quan điểm logic.” Người đọc phải chú ý đến tình trạng của các văn bản: không phải tất cả đều có chung một ý định về cùng một chân lý. Những mâu thuẫn được ghi nhận có liên quan gì? Nếu đó là vấn đề mâu thuẫn về chất liệu, chẳng hạn như tên của một nhân vật thay đổi tùy theo những quyển sách, thì điều đó có quan trọng không? “Về những điểm cốt yếu của sứ điệp, Kinh Thánh không tự mâu thuẫn vì được Chúa Thánh Thần linh hứng, nhưng vẫn giữ những tình huống căng kéo buộc chúng ta phải suy ngẫm.” Tu sĩ Dòng Tên nhắc lại câu nói này của Thánh Phaolô: “Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2 Côrintô 3, 6). 

Vậy thì chúng ta nên nghĩ gì về những tranh cãi nhất định vốn đã chống lại các nhà thần học trong nhiều thế kỷ, chẳng hạn như tranh cãi giữa những người theo Luther và những người Công giáo về ơn cứu độ nhờ ân sủng hay bằng việc làm? Cho đến khi có Thỏa thuận Augsburg năm 1999, anh em Tin Lành đã đồng ý với thánh Phaolô, vì thánh nhân cho rằng tình yêu của Thiên Chúa là điều đầu tiên dẫn đến ơn cứu độ. Những người Công giáo dựa trên một bức thư của thánh Giacôbê, vì thánh nhân cho rằng đức tin không là gì nếu không có việc làm, đặc biệt là những việc làm bác ái. Antoine Nouis giải thích: “Giacôbê phản đối quan điểm của Phaolô vì nó có nguy cơ khiến chúng ta tin rằng chúng ta không cần phải nỗ lực nhiều. Đối với tôi, không có mâu thuẫn cơ bản giữa Giacôbê và Phaolô. Thánh Giacôbê đặt mình ở mức độ các hậu quả của đức tin và tình yêu Thiên Chúa, trong khi Thánh Phaolô đặt mình ở thượng nguồn ơn cứu độ.” 

  1. Những khác biệt này có phải là trở ngại cho đức tin không?

LM Marc Rastoin giải thích: “Trong Do Thái giáo, người ta vui mừng trước những tình huống căng kéo và mâu thuẫn trong Kinh thánh, từ đó người ta có thể rút ra nhiều bài học. Chính các Giáo phụ cũng vậy, các ngài đã sử dụng những tình huống căng kéo và mâu thuẫn trong Kinh thánh để phát triển một số điểm thần học và hiểu rõ hơn ý định sâu xa của nhà lập pháp tối cao là Thiên Chúa.” 

Vậy chúng ta có nên loại bỏ sự xác tín rằng Kinh thánh tạo thành một tổng thể mạch lạc, thể hiện một sự thống nhất không? Nhà thần học Bernard Sesboüé (1929-2021) đã viết vào năm 1990: “Một cuốn sách không có sự thống nhất thì không có ý nghĩa gì: nguyên lý cơ bản về sự thống nhất của Kinh thánh quy điển là một nguyên lý cơ bản của lý trí và lương tâm con người. Nhưng sự thống nhất về ý nghĩa vốn có trong Kinh thánh quy điển cũng là một nguyên lý cơ bản của đức tin, được kết hợp chặt chẽ với niềm xác tín đã thiết lập nên quy điển.”

 

******************

 

Trích dẫn những câu nói về những mâu thuẫn trong Kinh Thánh

Mâu thuẫn… để hiểu ý tác giả thì người ta phải làm cho tất cả những đoạn trái ngược phù hợp với nhau. Vì vậy, để hiểu Kinh thánh, cần phải có một ý nghĩa để tất cả các đoạn văn phù hợp với nhau trong ý nghĩa đó; thật là không đủ nếu chỉ có một ý nghĩa phù hợp với tất cả các đoạn văn tương ứng, mà phải có một có một ý nghĩa phù hợp với ngay cả những đoạn trái ngược nhau” (Blaise Pascal,1623-1662, Pensée, số 257, Lafuma). 

Sự thống nhất này của Kinh thánh, vốn hàm ý rốt cuộc sẽ không còn mâu thuẫn nào giữa các ý tưởng và các xác quyết thần học cốt yếu khác nhau, theo quan điểm thần học, là một một nguyên lý cơ bản và không thể tách rời khỏi sự linh hứng và tính chất quy điển của Tân Ước và của các Sách Thánh” (Heinrich Schlier, 1900-1978, Tiểu luận về Tân Ước). 

Chú thích:

(1) Tu sĩ dòng Tên, tiến sĩ thần học Kinh Thánh, giáo sư tại Phân khoa Loyola Paris, tác giả cuốn Entrer dans l’Évangile avec saint Ignace - Đi vào Tin Mừng với Thánh Inhaxiô (Salvator, 2017).

(2) Học giả và nhà thần học Kinh thánh Tin lành, tác giả cuốn La Bible. Commentaire intégral verset par verset - Kinh thánh. Chú giải toàn bộ theo từng câu (6 tập, Olivétan/Salvator).

(3) Giáo sư tại Học viện Công giáo Paris, đồng tác giả với Olivier Artus trong cuốn Penser les défis contemporains avec la Bible hébraïque - Suy nghĩ về những thách thức đương thời với Kinh thánh tiếng Do Thái (Odile Jacob, 2022).

 

Tác giả: Christel Juquois, 10/11/2024

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

 

từ https://www.la-croix.com/religion/la-bible-peut-elle-se-contredire-20241011

Xin đọc thêm: https://daminhvn.net/kinh-thanh/phuong-phap-doc-kinh-thanh-phan-biet-su-that-ban-van-va-su-that-lich-su-5079.html

LÀM SAO ĐỂ ĐỌC LỜI CHÚA NHƯ ĐỌC THƯ TÌNH?

 

Thánh Kinh là bức thư tình, mà Thiên Chúa ngỏ với toàn thể nhân loại. Đã là thư tình, thì tất yếu, phải riêng tư, cá vị, chỉ người tình mới hiểu, mới dâng trào những cung bậc cảm xúc theo từng dòng câu, con chữ. Văn tự, chữ viết không hề thay đổi, nhưng, mỗi lần, ta đọc lại bức thư tình, là mỗi lần mới, không bao giờ có sự trùng lắp, nhàm chán, tẻ nhạt. Ấy thế mà, mỗi khi suy niệm Lời Chúa, chúng ta thường “nhốt” Lời Chúa vào trong những “ngăn tủ” có sẵn, khiến Lời Chúa bị bóp nghẹt, mất sức sống, để rồi, Lời Chúa không thể trở thành lương thực nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta.

Làm sao để có thể đọc Lời Chúa như đọc một bức thư tình? Thưa, phải bám sám Phụng Vụ. Nếu không bám sát Phụng Vụ, chúng ta rất dễ rơi vào sự lười lĩnh, bởi vì, ta đã có sẵn những “bài tủ”, cứ lấy ra xài, suy niệm chi cho mệt. Chẳng hạn, với Bài Tin Mừng Mc 6,7-13: Đức Giêsu sai các Tông Đồ đi rao giảng. Khi gặp những Bài Tin Mừng về việc sai đi truyền giáo, chúng ta thường suy niệm: Người được sai đi, trước hết, phải là người đến “ở với Chúa”, rồi, “được Chúa sai đi”, khi đi, thì đi trong khó nghèo, không cậy dựa vào bất cứ thứ gì khác, ngoài một mình Chúa… Những suy niệm này “đúng”, nhưng, không “trúng”, bởi vì, Lời Chúa không chỉ có một mùi vị như thế, mà còn, có đủ mọi mùi vị thơm ngon khác, khi chúng ta đặt đoạn Tin Mừng đó, vào trong từng bối cảnh phụng vụ của những ngày lễ cụ thể.

Chẳng hạn, Bài Tin Mừng Mc 6,7-13 được đặt trong bối cảnh Phụng Vụ của Thứ Năm Tuần IV Thường Niên, Năm lẻ: Bài đọc một, câu in nghiêng được trích từ thư Hípri nói: Anh em đã tới núi Xion, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống. Tác giả thư Hípri đã so sánh núi Sinai với núi Xion: các trung gian của giao ước  và Đấng Trung Gian của giao ước mới, máu của Abel và máu của Đức Kitô. Điều này cho thấy hai chế độ: lề luật và ân sủng; đến gần núi Sinai, núi lề luật với những cảnh tượng hãi hùng, kinh sợ, với những gánh nặng của lề luật; đến gần núi Xion, núi thánh, đến gần Vị Trung Gian của giao ước mới, Đấng mời gọi hãy mang lấy ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Người, để được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Do đó, các nhà Phụng Vụ đã chọn Bài Đáp Ca: Thánh Vịnh 47: Lạy Thiên Chúa, giữa nơi đền thánh, chúng con đón nhận tình Chúa yêu thương: Giữa nơi đền thánh, đón nhận tình yêu, đón nhận ân sủng, chứ không phải đón nhận Lề Luật của núi Sinai. Câu Tung Hô Tin Mừng: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Triều đại Thiên Chúa là triều đại của tình yêu, của ân sủng; Tin vào Tin Mừng, là tin vào Đức Kitô, Đấng chính là Ngôi Lời, là Tin Mừng cứu độ cho toàn thể nhân loại. Bài Tin Mừng, câu in nghiêng được trích từ Tin Mừng Máccô: Đức Giêsu bắt đầu sai các Tông Đồ đi rao giảng. Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy, nhưng, đến thời sau hết, Người phán dạy qua Thánh Tử. Đức Giêsu nhận sứ mạng từ Chúa Cha, và Người trao sứ mạng đó cho các Tông Đồ: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.

Qua các bản văn Phụng Vụ, và Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần IV Thường Niên: Xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người. Như lời Đức Giêsu nói với người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp, đã đến lúc không còn thờ phượng Thiên Chúa trên núi này hay núi kia, nhưng, thờ phượng Người trong Thần Khí và Sự Thật, không còn thờ phượng Thiên Chúa bằng thứ lề luật của núi Sinai, nhưng, bằng một luật mới trên núi thánh, núi Xion, thành đô Giêrusalem mới; không còn khiếp sợ Chúa như đầy tớ khiếp sợ ông chủ, nhưng, như con thơ kính sợ Cha hiền. Khi nhìn nhận Chúa là Cha, thì đồng nghĩa, ta cũng nhìn nhận tất cả mọi người là anh chị em con cùng một Cha trên trời. Chúng ta phải lo cho mình và lo cho anh chị em mình được hưởng ơn cứu độ. Vì thế, ta phải nhanh chân, ra đi loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người. Có hạnh phúc nào, mà người nhận được, lại không muốn chia sẻ và làm lan tỏa, để cho tất cả mọi người cùng được vui hưởng?

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 

LIÊN ĐỚI

Thứ Năm Tuần 1 Thường Niên C

“Ngài chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo, ‘Tôi muốn, anh hãy được sạch!’”.

Vào thời nô lệ, một ông chủ hà khắc mua được một thanh niên chăm chỉ. Ông phát hiện người này có ảnh hưởng lớn trong số nô lệ của ông. Ông yêu thương và lâu sau, ngỏ ý cho anh tự do; nhưng anh từ chối! Anh muốn liên đới đến mức có thể để nâng đỡ những người bạn trong khả năng của anh. Sau một thời gian, bằng gương sáng, đạo đức và vui tươi, anh đã cảm hoá không chỉ những người bạn nhưng cả ông chủ. Họ sống chan hoà!

Kính thưa Anh Chị em,

Với Tin Mừng hôm nay, chúng ta gặp lại người trẻ ấy nơi Chúa Giêsu! Một người phong cùi đến van xin Ngài, và vì xót thương, Ngài “giơ tay đụng vào anh” bất chấp luật nhiễm uế. Ngài muốn ‘liên đới’ đến mức có thể với người cùi – đại diện cho một nhân loại cùi.

Đến với Chúa Giêsu là một con hủi bất hạnh, bất hạnh không chỉ vì anh cùi hủi nhưng vì gặp phải sự lạnh lùng từ những tâm hồn cùi hủi. Cuộc sống của anh là một cái chết chậm – bệnh tật tàn phá thân xác, mặc cảm huỷ hoại tinh thần. Và nếu coi sự lở lói thân xác như một biểu tượng tàn phá của tội lỗi thì sự chết chóc lại càng kinh khủng hơn. Lẽ ra, Chúa Giêsu chỉ cần đứng xa xa và nói, “Hãy được sạch!”; nhưng không, “Ngài giơ tay đụng vào anh”; Ngài chấp nhận trở nên uế tạp để có thể cứu lấy một con người – một nhân loại – uế tạp. Không chỉ trở nên phàm nhân, Ngài trở thành “tội nhân”, ‘liên đới’ với tội nhân hầu cứu lấy tội nhân. Mầu nhiệm này đã phần nào được hé lộ từ lúc Ngài nối đuôi dòng người phàm phu tục tử bên bờ Giorđan để xin Gioan làm phép rửa.

Tại sao Con Thiên Chúa lại muốn ‘liên đới’ với con người đến mức ấy? Ngài ‘liên đới’ chỉ vì Ngài muốn chữa lành con người không chỉ phần xác nhưng cả phần hồn; giải thoát nó không chỉ khỏi những khổ đau mà cả mọi tội lỗi, điều đang thực sự giết chết nó khiến nó chai cứng và trơ lì. Thư Do Thái viết, “Hãy khuyên bảo nhau bao lâu còn được gọi là ngày hôm nay, kẻo có ai trong anh em ra cứng lòng vì bị tội lỗi lừa gạt” – bài đọc một; Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán: Các ngươi chớ cứng lòng!”.

Anh Chị em,

“Ngài chạnh lòng thương!”. ‘Chạnh lòng thương!’. “Cho phép tôi suy nghĩ ở đây về nhiều linh mục giải tội tốt lành có những hành vi thu hút mọi người, và nhiều người cảm thấy họ chẳng là gì, những người cảm thấy họ “nằm bẹp trên đất” vì tội lỗi của họ… Nhưng với sự dịu dàng đầy lòng xót thương, những vị giải tội tốt lành không cầm roi trong tay, chỉ chào đón, lắng nghe và nói rằng, Chúa tốt lành và rằng, Chúa luôn tha thứ; rằng, Chúa không mệt mỏi khi tha thứ!” – Phanxicô. Tội nhân ‘được thứ tha’ chính là tạo dựng mới và đó cũng là mục đích tối cao của việc Chúa Giêsu muốn ‘liên đới’ với con người đến mức có thể! Lời Chúa mời gọi bạn và tôi nhìn lại mức độ ‘liên đới’ của mình với tha nhân. Tôi có xót thương, đón nhận, cầu nguyện, hy sinh, tôn trọng và ‘liên đới’ với anh chị em tôi đến mức như Chúa muốn không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có thể cảm hoá một ai đó, cho con biết ra khỏi chính mình, cúi xuống, ôm lấy và xót thương!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Làm sao để Lời Chúa luôn mới mẻ?


Lời Chúa là Lời Hằng Sống: sống động và luôn tươi mới, ấy thế mà, thực tế cho thấy: mỗi khi suy niệm Lời Chúa, ta thường có cảm giác nhàm chán, tẻ nhạt. Vậy, ta phải làm gì: để Lời Chúa luôn mới mẻ? Thưa, phải bám sát Phụng Vụ. Thật vậy, Thánh Kinh chỉ trở thành Lời Chúa, khi ta đọc Thánh Kinh trong lòng Hội Thánh, và nhất là, trong Phụng Vụ Thánh. Nếu tách ra khỏi Hội Thánh và Phụng Vụ Thánh, ta sẽ Duy Thánh Kinh (Sola Scriptura). 

Chẳng hạn, Bài Tin Mừng Lc 6,39-45, mà ta sẽ đọc vào Chúa Nhật Tuần VIII Thường Niên Năm C này, nếu không bám sát Phụng Vụ, ta sẽ dễ đi vào lối mòn: suy niệm về việc “xét đoán”, thấy cái rác trong mắt người khác, mà không thấy cái xà trong mắt mình. Phải chăng các nhà Phụng Vụ muốn ta suy niệm về việc “xét đoán”? Nếu đúng là “xét đoán”, thì tại sao họ không chọn câu có “cái rác”, “cái xà” để in nghiêng, mà lại chọn câu: Lòng đầy, miệng mới nói ra? Nếu ta nhảy vào suy niệm về việc “xét đoán”, mà bất chấp bối cảnh Phụng Vụ của ngày hôm đó, thì ta vô tình đã biến bài suy niệm của mình thành một bài dạy về luân lý, về cách đối nhân xử thế: dạy ăn ngay ở lành, đang khi đó, Lời Chúa là Lời Mặc Khải, hướng ta đến một đời sống đức tin: vượt lên trên những giá trị nhân bản thông thường, để đạt đến chiều kích “Kitô tính”, hầu, giúp ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. 

Nếu chúng ta để Chúa dẫn dắt mình qua từng bài đọc của Phụng Vụ ngày hôm đó, chúng ta sẽ tìm được một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, mới thấy được sự sống động và quả thật, Lời Chúa đúng là Bánh có đủ mọi mùi vị thơm ngon, chứ không phải chỉ có một vị tẻ nhạt. 

Nếu lấy câu in nghiêng: Lòng đầy, miệng mới nói ra làm sợi chỉ đỏ nối kết toàn bộ các bài đọc với nhau, ta sẽ thấy: Bài đọc một của giờ Kinh Sách được trích từ sách Gióp cho thấy: Lòng của ông Gióp đầy, nên miệng ông mới thốt ra được những tâm tình biết ơn và kính sợ đối với Đấng đã dựng nên mình, cho dẫu, ông đang phải đối mặt với biết bao tai ương bất ngờ ập đến. Ông không nguyền rủa, nhưng lại, chúc tụng ngợi khen Chúa. Bài đọc hai của giờ Kinh Sách là bài chú giải của thánh Ghêgôriô Cả cho thái độ của ông Gióp: Lòng đầy, miệng mới nói ra. Bài đọc một của Thánh Lễ, được trích từ sách Huấn Ca nhắc nhở ta: Đừng vội khen ai, phải chờ cho đến khi họ mở miệng nói, lúc đó, ta mới biết được họ là ai, bởi vì, lòng đầy, miệng mới nói ra. Bài Đáp Ca là Thánh Vịnh 91 cho thấy: Hạnh phúc thay được tạ ơn, được mừng hát, được tuyên xưng tình thương của Chúa. Để có thể nói lời tạ ơn, hát mừng, và tuyên xưng tình thương của Chúa, thì ắt hẳn, trong lòng ta phải chất chứa đầy những tâm tình của lòng kính sợ và biết ơn, cho nên, lòng đầy, miệng mới nói ra. Bài đọc hai của Thánh Lễ, được trích từ thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, nói cho ta biết: ta sẽ chiến thắng nhờ Đức Kitô. Nếu lòng ta đầy tràn sự tin tưởng cậy trông vào Chúa, kiên trì bền chí chịu khó nhọc, thì chắc chắn, ta sẽ giành được chiến thắng. Lòng đầy, miệng mới nói ra: Lòng đầy trông cậy, ta sẽ nói ra những lời đầy tràn hy vọng, và đời sống của ta sẽ cho thấy niềm hy vọng ta đặt nơi đâu.

Câu Tung Hô Tin Mừng kêu gọi: Giữa thế gian, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, và làm sáng tỏ lời ban sự sống. Giữa một thế gian tăm tối, đau thương, loại trừ và nguyền rủa Thiên Chúa, một đời sống đầy tràn tin tưởng cậy trông của ta sẽ trở thành những vì sao chiếu sáng trên vòm trời. Khi lòng ta chất chứa bao niềm tri ân cảm tạ Thiên Chúa, thì đời sống của ta sẽ tuôn trào những lời chúc tụng ngợi khen, cho dẫu, thực tế trước mắt thật nghiệt ngã đau thương, như tình cảnh của ông Gióp. Chúng ta tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, bởi vì, ta đã có Đức Kitô, là ánh sáng chiếu soi vào trong những bất hạnh đau thương của ta, và ta sẽ được an vui thờ phượng Chúa, như Lời Tổng Nguyện mà các nhà Phụng Vụ muốn chúng ta xin trong Thánh Lễ này.

Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

TRỜI CAO HÃY ĐỔ SƯƠNG XUỐNG, MÂY ƠI HÃY MƯA VỊ CỨU TINH


Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương,

mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính;

đất mở ra đi cho nẩy mầm ơn cứu độ,

đồng thời chính trực sẽ vươn lên.”

(Isaia 45:8)

Những lời than van kêu cầu của dân Israel trông mong Đấng Thiên Sai (Messiah) cũng là những lời cầu mà Giáo Hội muốn chúng ta suy niệm và cầu xin trong Mùa Vọng (Advent). Chữ Advent có nguồn gốc từ Latin “Adventus”, nghĩa là “đi đến” hoặc “tới”. Đây là thời gian khoảng 4 tuần trước Lễ Giáng Sinh. Dân Do Thái khi xưa trông mong Đấng Messiah đến để giải cứu họ khỏi ách thống trị của kẻ thù. Ngài đã đến, không phải chỉ để giúp họ, mà còn để giải thoát toàn thể nhân loại khỏi vòng nô lệ của Satan, và đưa mọi người về làm con Thiên Chúa.

Trước đây mùa này cũng được gọi là Mùa Chay kéo dài từ 11 tháng Mười Một đến ngày 6 tháng Giêng tức lễ Hiển Linh. Mùa Vọng đầu tiên được cử hành vào khoảng sau thế kỷ thứ Tư, với những tài liệu sớm nhất được nhắc đến của Công Đồng Saragossa năm 380 AD. Tuy nhiên, Mùa Vọng đầu tiên được bắt đầu khi nào thì không ai rõ, và tùy thuộc vào mỗi tài liệu của vùng miền trong những ngày đầu Kitô Giáo. Theo thánh Gregory thành Tours thì Mùa Vọng đầu tiên được cử hành thuộc thế kỷ thứ Năm, khi Giám Mục Perpetuus bắt đầu với Ngày Thánh Martin vào 11 tháng Mười Một cho đến lễ Giáng Sinh, với việc ăn chay ba lần một tuần. Đó cũng là lý do gọi Mùa Vọng là “Mùa Chay của Thánh Martin”. Chính Thống Giáo Đông Phương còn gọi mùa này là Mùa Chay Giáng Sinh.

Nguyên thủy Mùa Vọng kéo dài 6 tuần lễ, nhưng từ thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô I, Giáo Hội đã ấn định lại thành 4 tuần. Bốn tuần lễ tưởng nhớ cho ngày Chúa Giêsu Kitô đến viếng thăm nhân loại lần thứ nhất. Nó mang tính tượng trưng nhắc lại bốn ngàn năm nhân loại mong chờ Đấng Cứu Thế như dân Isarel trong Cựu Ước mong chờ Đấng Messiah đến để giải thoát họ khỏi tay kẻ thù. Ngoài ra, nó cũng giúp nhớ lại 40 năm dân Do Thái lưu lạc trong hoang địa trước khi được vào đất hứa.

“Giờ cứu rỗi các con đã đến gần.” (Luca 21:28).  Ý nghĩa của Tin Mừng Thánh Luca khởi đầu Mùa Vọng theo chu kỳ phụng vụ Năm C nếu đem nối kết ý tưởng Mùa Chay Giáng Sinh của Giáo Hội Chính Thống với Mùa Chay Giáng Lâm, chúng ta sẽ nhận ra tầm quan trọng của hai lần đến này, cũng như việc chuẩn bị đón tiếp như thế nào. Trước lần đến thứ nhất, nhân loại đã khắc khoải chờ mong:Trời cao hãy đổ sương xuống, mây ơi hãy mưa vị Cứu Tinh.” (Isaia 45:8) Trước khi Ngài xuất hiện lần thứ hai: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển.” (Luca 21:25-26) Chính vì vậy, nhân loại phải chuẩn bị đón chờ hai lần xuất hiện này với tinh thần chay tịnh, thống hối, và ăn năn.

Bằng với cặp mắt tâm linh, dường như những gì Thánh Luca viết cũng đang xảy ra cho thời đại của chúng ta cả khi nghĩ về Mùa Chay Giáng Sinh hay Mùa Chay Giáng Lâm. Thế giới và nhân loại hôm nay thật sự đang trải qua những dấu hiệu kinh hoàng, không chỉ ở phương diện tự nhiên như chiến tranh, loạn lạc, bão lụt, thiên tai, động đất, sóng thần; mà còn ở phương diện tâm linh như tệ nạn phá thai, ly dị, đồng tính, hôn nhân đồng tính, và chuyển giới. Một thế giới thật sự đang rên xiết, đau khổ, và khao khát vị Cứu Tinh xuất hiện.

Trong khi mong đợi ngày giáng lâm của Ngài, chúng ta hãy cùng với Giáo Hội chuẩn bị đón mừng ngày Sinh Nhật của Ngài, Chúa Giêsu Kitô, Đấng Messiah với những tâm tình Mùa Vọng: Hy Vọng, Hòa Bình, Vui Mừng, và Yêu Thương. Đây chính là chủ đề suy niệm, sống và thực hành cho mỗi một tuần trong bốn tuần của Mùa Vọng.

Mang ý nghĩa nối kết một cách tinh thần chúng ta với dự án cứu độ của Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, bằng cách chú tâm vào quá khứ, hiện tại và tương lai. Mặc dù từ ban đầu, Mùa Vọng nói lên ý nghĩa mong đợi Đấng Cứu Thế, nhưng học thuyết Thánh Kinh hiện đại cũng cho biết thêm rằng, việc chuẩn bị mừng ngày kỷ niệm Chúa Giáng Trần cũng chính là chuẩn bị cho ngày quang lâm của Ngài lần thứ hai. Ngày Ngài sẽ xuất hiện trên mây trời trong vinh quang. Vì thế tuy 4 tuần lễ Mùa Vọng không mang tính cách buồn bã nhưng là thời gian chuẩn bị tích cực như lời ngôn sứ Isaia: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và vinh hiển Chúa sẽ xuất hiện, mọi người sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa.” (Isaia 40:3-4)

Trong hoang địa của cuộc đời, con đường mà chúng ta cần phải dọn cho ngay thẳng để đến với Chúa và Chúa đến với chúng ta chính là con đường tâm linh. Hố sâu là lòng tham lam, ích kỷ. Núi đồi là tính kiêu căng, tự cao, tự đại. Chỗ cong queo là sự gian dối, mờ ám, và những chỗ gồ ghề là những đam mê, thú vui trần tục. Tất cả đều phải được lấp đầy, săn phẳng, và uốn nắn bằng sự hiền lành và khiêm nhường, nếp sống khó nghèo, đơn sơ, trong sạch, tín thác, với tấm lòng khoan dung, và từ bi, thương xót.

“Lạy Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi. Chúng con tin tưởng một cách thành tín rằng, trong Mùa Vọng này, chúng con không chuẩn bị đón tiếp một Thiên Chúa đang ở đâu đây trên những đám mây, nhưng là Đấng đã chọn đến và ở giữa chúng con trong mầu nhiệm và bất toàn của cuộc sống con người chúng con. Xin Chúa hãy mau mau đến.”

 Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt