21. Các Bài Độc Giả Gửi Tới

CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - THƯ VỀ ÔNG GIÀ NOEL

  •  
    Kim Vu

    BỨC THƯ VỀ ÔNG GIÀ NOEL SAU HƠN MỘT THẾ KỶ

     

    Năm 1897, một cô bé 8 tuổi gửi thư lên tờ The New York Sun hỏi “Ông già Noel có thực không.”   Không ngờ bức thư phúc đáp trở nên nổi tiếng, hơn 100 năm qua được kể lại mỗi mùa Giáng sinh.  Những ngày cận kề Giáng sinh , cư dân mạng tiếp tục lan truyền bài xã luận Yes, Virginia, there is a Santa Claus, đăng ngày 21/9/1897 trên tờ The New York Sun.

     

     

    Hầu hết mọi đứa trẻ đến mùa Giáng sinh đều hoài nghi liệu Ông già Noel có thực không.  Gần 120 năm trước, cô bé Virginia O'Hanlon, 8 tuổi ở Manhattan (New York, Mỹ) cũng có câu hỏi tương tự với bố mình.  Thay vì trả lời, bố Virginia đã gợi ý con gửi thư cho tờ The Sun, tờ báo nổi tiếng ở New York vào thời điểm đó. 

     

    Cô bé viết:  “Xin chào quý báo.  Cháu 8 tuổi.  Một số bạn của cháu nói rằng Ông già Noel không có thực.  Bố cháu thì bảo nên hỏi The Sun.  Xin hãy cho cháu biết sự thật: Có Ông già Noel không?”  Biên tập viên Francis Pharcellus đã viết một bức thư trả lời cô bé, đồng thời đăng câu chuyện này lên số báo ngày 21/9/1897.  Nội dung bức thư trả lời: “Virginia, các bạn cháu nói không đúng.  Những người như họ luôn hoài nghi mọi thứ.  Họ chỉ tin vào những gì họ tận mắt nhìn thấy và hiểu được, mặc dù trí óc của họ nhỏ bé biết bao.  Virginia à, trí tuệ của con người, dù là người lớn hay trẻ em, tất cả đều nhỏ bé.  Trong vũ trụ vĩ đại mà chúng ta đang sống, nếu ta hình dung chân lý rộng lớn như là một không gian bao la thì kiến thức của con người chỉ nhỏ nhoi bằng một con kiến mà thôi.

     

    Đúng thế, Virginia, ông già Noel có thực.  Ông có thực cũng như tình yêu và lòng quảng đại luôn hiện diện quanh ta, nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta được vui tươi và hạnh phúc.  Nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta ảm đạm biết bao.  Nếu không có những em bé như cháu thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào?  Khi đó cuộc sống sẽ chẳng có những tâm hồn trẻ thơ, chẳng có thi ca, chẳng có lãng mạn.  Con người chỉ là những cỗ máy khô khan.  Ánh sáng niềm tin và hy vọng của trẻ em trên khắp thế giới cũng sẽ tiêu tan.

     

    Nếu không tin có ông già Noel, cháu cũng sẽ chẳng tin vào những chuyện thần tiên.  Cháu có thể nói với bố nhờ người canh cửa trong đêm Giáng sinh để bắt gặp bằng được ông già Noel, nhưng ngay cả nếu như không gặp được ông đi chăng nữa thì cũng đâu chứng minh được điều gì?  Chưa ai tận mắt gặp ông già Noel bằng xương bằng thịt cả nhưng điều đó không có nghĩa là ông già Noel không có thực.  Những điều chân thực nhất trong thế giới chúng ta là những điều mà trẻ em và người lớn đều không thể thấy được.  Cháu có bao giờ nhìn thấy các nàng tiên nhảy múa trên thảm cỏ chưa?  Dĩ nhiên có thể là chưa nhưng đó đâu phải là bằng chứng để cho rằng không có chuyện đó.

     

    Không ai có thể hiểu và tưởng tượng được những điều kỳ diệu mà họ chưa từng thấy và không thể thấy được trong thế giới của chúng ta.  Cháu có thể dễ dàng đập vỡ một cái lúc lắc để tìm xem cái gì kêu lách cách bên trong, nhưng trên đời này có một thế giới kỳ diệu được bao phủ bởi một bức màn kiên cố mà không một sức mạnh nào của thế gian có thể xuyên qua được.  Chỉ có bằng niềm tin và tình yêu chúng ta mới vén được bức màn và cảm nhận được vẻ đẹp lộng lẫy huy hoàng bên trong.  Những chuyện đó có thực không?  Virginia à, đó là điều chân thực nhất trên thế gian này.

     

    Ông già Noel không có thực ư?  Nhờ Chúa, ông vẫn sống và sẽ sống mãi.  Hàng nghìn năm sau Virginia à, mà không phải, hàng trăm nghìn năm sau, ông vẫn sẽ tiếp tục mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những tâm hồn trẻ thơ trên khắp hành tinh này.  Chúc cháu Giáng sinh hạnh phúc.”

     

    Bức thư của biên tập viên Francis Pharcellus Church là hành trang theo suốt cuộc đời Virginia.  Trọn đời bà đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục và trẻ em tật nguyền.

     

    Những thông điệp từ bài báo đã tác động đến hàng triệu người đọc.  Hơn một thế kỷ sau nó vẫn được giữ nguyên, được đăng tải trên các tờ báo, sách vở ra hàng chục ngôn ngữ, phim ảnh, tem, áp phích... 

     

    Tại thành phố New York, một đài truyền hình đã kể lại những câu chuyện mỗi dịp Giáng sinh trong suốt 30 năm qua.  Tờ The Sun đã đăng tải câu chuyện mỗi mùa Giáng sinh suốt từ năm ra đời đến khi tờ báo đình bản năm 1950.  Ngày 21/9/1997, kỷ niệm 100 năm thành lập, báo The New York Times đã xuất bản một bài viết phân tích về sức hấp dẫn lâu dài của bức thư “Yes, there is a Santa Claus.”

     

    Biên tập viên Francis Pharcellus Church là một cây bút bình luận kỳ cựu của báo.  Ông viết bức thư này khi 57 tuổi và qua đời năm 1906, ở tuổi 66.  Còn Virginia O’Hanlon đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục và trẻ tật nguyền.  Bà mất năm 1971, ở tuổi 81 và đã mang lá thư phúc đáp của ông Church suốt cuộc đời mình.

     

    Phan Dương (theo The New York Sun)

     
     
    Download all attachments as a zip file
    • image002.jpg
      48.6kB
    • image001.jpg
      153.5kB
    •  
      BỨC THƯ VỀ ÔNG GIÀ NOEL SAU HƠN MỘT THẾ KỶ.docx
      170kB

CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - MƠ NGUYỄN

  •  
    Mo Nguyen
     
     
    DÒNG NƯỚC MẮT CỦA MẸ MARIA là một bài thơ ra đời trong một đêm Giáng Sinh ở một trại lao tù cộng sản. Tác giả, ông Võ Đại Tôn, đã phải trải qua 11 đêm Giáng Sinh (1981-1992) cô đơn và lạnh giá, khi bị CSVN biệt giam ở miền Bắc.
     
    Trong xà lim khổ sai không giấy bút, ông đã làm thơ trong trí óc, và nhớ lại, viết ra sau khi được tự do trở lại Úc.
     
                                     *DÒNG NƯỚC MẮT CỦA MẸ MARIA
     
    1. Nhạc hay nước từ vò cao chảy xuống
    Ướt bờ vai thon mềm.
    Những bước đi đầy hoa gấm chân êm
    NÀNG hiền dịu như tơ trời trong sáng.
    Chữ nghĩa trần gian có hạn
    Biết làm sao mô tả hết dung nhan?
    Nét Họa lời Thơ đầy bút pháp nghèo nàn
    Đành run sợ trước hào quang diễm lệ.
    Bao tinh hoa triệu nghìn năm trần thế
    Tụ về đây hun đúc một Con Người.
    Người Trinh Nữ trời mộng chớm đôi mươi
    Toàn vẻ Đẹp trong vô vàn thánh thiện.
    Và một đêm bóng Thiên Thần xuất hiện
    Chúc tụng NÀNG đầy ơn phước thiên quang.
    Triệu muôn dân, Chúa chỉ chọn một NÀNG
    Mang Thánh Thể từ trời cao xuống thế.
    NÀNG sững sờ, mắt trào dâng dòng lệ
    Và cúi đầu trong tiếng nói: "Xin Vâng!". 
    Lệ mừng lo được hưởng vẹn hồng ân
    Và xin nguyện suốt một đời tuân phục.
    Tạ ơn Trời, dòng ngọc châu hạnh phúc
    Nở thành hoa Trinh Nữ MARIA,
    Lời tiên tri Tân Ước đã truyền ra. 
     
    2. Bao ánh sáng thiên hà 
    Tụ về chung một điểm
    Đêm Bê-Lem mầu nhiệm
    Vì nhân loài Con Chúa đã sinh ra.
    Trong hang lừa mưa tuyết buốt xương da
    Mùi cỏ dại thơm mùi hương lúa mới.
    Có Ba Vua từ phương Đông kéo tới
    Quỳ lạy Một Vì Vua.
    Nhưng lòng Mẹ đầy nước mắt cay chua
    Đang nhỏ xuống trong âm thầm lặng lẽ. 
    Thương thân Chúa trong hang nghèo quạnh quẽ
    Mang kiếp người đền tội khắp trần gian.
    Dòng nước mắt chứa chan
    Quặn đau tình Thánh Mẫu.
    Lời tiên tri ngàn xưa lưu dấu
    Một Vì Vua Cứu Thế đã sinh ra.
    Từ gậy MÔI-SE
    Và ngọn lửa hồng trong bụi cỏ thăng hoa
    Dân của Chúa biết đâu tình của Mẹ
    Dân Đất Hứa làm sao trông thấy lệ
    Chảy trong lòng Thánh Mẫu MARIA?
     
    3. Trên đồi GÔN-GÔ-TA
    Cuồng phong đang nổi dậy.
    Máu của Chúa vì con người đang chảy
    Mão triều thiên đau xót một vòng gai.
    Dù trần gian có góp hết bi ai
    Cũng không sánh được nguồn  đau của Mẹ.
    Có mẹ nào ba mươi năm lặng lẽ
    Không nát lòng khi thấy dáo đâm con?
    Từng mũi đinh, từng tiếng búa đập giòn
    Hồn của Mẹ cũng tan ra từng mảnh.
    Dù là Thánh trên tột cùng ngôi Thánh
    Mẹ vẫn còn nước mắt lúc bi thương. 
    Mẹ khóc trên chặng đường
    Chúa nặng mang thập giá.
    Mẹ khóc từ lúc Phi-La-Tô rửa tay trao trả
    Án xử Người do dân Chúa ban ra!
    Cuồng phong GÔN-GÔ-TA
    Thổi quặn đau lòng Mẹ.
    Dòng máu Con chảy hòa chung dòng lệ
    Tự bao giờ? - Từ lúc nói "Xin Vâng"!
    Tội trần gian xin gánh vác một phần
    Dòng lệ Mẹ cũng đầy ơn cứu rỗi. 
     
    4. Và đêm nay
    Trong âm thầm ngục tối
    Con lạc loài như một ánh sao sa.
    Lạy Mẹ MARIA
    Hồn con dâng tiếng khóc.
    Quê hương con là ngục tù tang tóc
    Bao năm rồi dòng máu chảy trong đêm.
    Đường Thánh Giá sao cứ mãi dài thêm
    Đời khổ nhục, đá cũng tan thành lệ.
    Lời kinh cầu những ngày xưa Thánh Lễ
    Đã thay bằng tiếng thét của loa vang.
    Thánh đường im - hoang vắng bóng chiều tàn
    Và Chúa Nhật: - ngày quang vinh lao động!
    Bạn bè con chết dần trong kiếp sống
    Đời lưu đày, Đất Hứa biết tìm đâu?
    Biển Chết tràn dâng, đen tối một màu
    Con mòn mỏi chìm sâu trong đáy vực.
    Xin lạy Mẹ cho đời con thêm sức
    Thêm ơn lành, được nói tiếng "Thưa Vâng!". 
    Cho Việt Nam được hưởng trọn hồng ân
    Trong mắt Mẹ bằng một dòng dư lệ.
    Dù một giọt cũng hóa ra thành bể
    Trôi nguồn đau cho đất nở muôn hoa
    Cho muôn người được cất tiếng hoan ca
    AVE MARIA
    A-LE-LU-YA !!!
     
    *Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)
    (Sáng tác qua trí nhớ trong xà lim biệt giam)
     

CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - TS DUYỆT - NƠI CHÚA SINH RA

  •  
     

    HÀI ĐỒNG GIÊSU SINH RA Ở ĐÂU?

     

    Trần Mỹ Duyệt

     

    Chúa Giêsu Kitô sinh ra ở đâu?  Câu trả lời của Thánh Kinh là: “…Chúa Giêsu sinh ra tại Belem thuộc Giuđa, thời vua Hêrôđê.” (Mt 2:1). Tuy nhiên, cũng theo Thánh Kinh, chính vua Hêrôđê đã không biết, và cả dân thành Giêrusalem cũng không biết gì về tin này. Họ chỉ kinh ngạc và xôn xao lên khi nghe các vị Đạo Sỹ đến từ Phương Đông hỏi họ:

    “Vua Do Thái mới sinh ra ở đâu? Chúng tôi thấy ngôi sao Ngài và chúng tôi đến thờ lạy Ngài.” (Mt 2:2) 

    Nhưng nơi mà Chúa Giêsu sinh ra lại không phải là nơi sang trọng, đầy đủ tiện nghi, xứng với ngôi vị quân vương. Điều này đã khiến cho các vị Đạo Sỹ gặp khó khăn khi tìm kiếm Ngài ở Giêrusalem, vì nghĩ rằng đó là nơi mà “Vua Do Thái” được sinh ra. Thật ra, nơi Ngài hạ sinh lại là một chuồng giữ thú vật ngoài đồng quê Belem cách Giêrusalem khoảng 8,89Km. [1]

    Khi báo cho các mục đồng về tin mừng Đấng Cứu Thế giáng trần, thiên sứ đã chỉ cho họ biết chi tiết về con người và nơi sinh trưởng ấy: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:12) Từ cách Đồng Chiên nơi các mục đồng canh giữ đoàn vật của họ. Họ đã vội vã ra đi trong sương tuyết đến nơi Chúa Cứu Thế hạ sinh cách đó một dặm để chiêm bái và thờ lạy Ngài. [2]  

    “Thiên Chúa đã không chọn đến với nhân lọai trong vinh quang huy hoàng, nhưng như một trẻ thơ khiêm nhu được sinh ra trong khó nghèo.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy niệm về sự khiêm nhường này của Hài Nhi Giêsu trong hang bò lừa nghèo khó. Ngài  khuyến khích các Kitô hữu trong Đêm Giáng Sinh: “Chúng ta hãy đến bên máng cỏ và nhìn vào trung tâm của những gì được trang hoàng, với những ánh sáng chói lòa… Hãy suy ngắm về một con trẻ. Trong sự nhỏ bé của Ngài, Thiên Chúa thực sự đang hiện diện giữa chúng ta.” [3]

    Không lâu trước đây, tôi cũng đã đến Belem, nơi mà cách nay hơn 2000 năm Ba Nhà Đạo Sỹ, các mục đồng đã được gặp gỡ Đấng Cứu Thế. Nhưng chuồng bò, chiếc máng cỏ năm xưa đã không còn nữa, bù lại là ngôi thánh đường Giáng Sinh nguy nga, và một ngôi sao bạc được khảm lên nền cẩm thạch ghi dấu nơi xưa Chúa Hài Nhi đã giáng trần.  

    Hài Nhi Giêsu, Mẹ Maria, Thánh Giuse không có đó nhưng hình ảnh của các Ngài đã theo tôi suốt hành trình thăm lại các nơi ghi dấu những tháng năm trên trần gian của các Ngài. Một trong những hình ảnh ấy đã làm tôi xúc động trên con đường theo gót Thánh Gia khi các Ngài trốn sang Ai Cập. Hình ảnh tôi cho là giống với Maria, Giuse và Hài Nhi Giêsu khi suy niệm về ý nghĩa Giáng Sinh.

    Trên chuyến bus tiến về Ai Cập hôm đó, tôi đã nhìn thấy bên đường hai em bé nằm trên một tấm vải dường như đang ngủ giữa trời nóng, cát bụi của miền hoang địa không một bóng cây. Xa xa là những người chăn chiên với đoàn vật của họ. Tôi đã hỏi hướng dẫn viên của đoàn hành hương xem các em nhỏ kia làm sao có thể chịu đựng được dưới trời nắng chói chang như vậy? Và câu trả lời là, không còn lựa chọn nào khác, vì các em lớn lên cũng là những du mục theo sau đoàn chiên dê của họ trên những dải đất khô cằn, nắng rát, gió và cát. Hình ảnh ấy đã khiến tôi có cái nhìn khác, một lối suy nghĩ khác về Belem, về hang lừa máng cỏ, và về đêm Giáng Sinh.

    Thật ra nếu tôi phải chờ đến Đêm Giáng Sinh khi đến thánh đường với đèn sao lấp lánh, với hang đá được trang hoàng lộng lẫy, với nhạc thánh ca réo rắt để tìm gặp Hài Nhi, Mẹ Maria, và Thánh Giuse thì tôi không mấy hy vọng gặp được các Ngài. Ngay cả khi có dịp đến tận Belem, cũng chưa chắc nhận ra được các Ngài.

    Vậy Chúa Hài Đồng sinh ra ở đâu? Tôi sẽ đến đâu để thờ lạy Ngài như các nhà Đạo Sỹ, và như các mục đồng?

    Nếu Belem là bầu trời cứu độ, hang bò lừa là một mái nhà lụp xụp, xiêu vẹo ở một góc phố tồi tàn, dơ bẩn. Nếu Maria là những người mẹ nghèo, không có sữa đủ cho con bú. Nếu Giuse là những người cha lam lũ, vất vả cũng chỉ kiếm đủ miếng cơm dành cho con, còn bố mẹ thì ăn khoai, sắn, ngô, hoặc lấy rau làm cơm. Và nếu Hài Nhi Giêsu là những em nhỏ sinh ra trong các gia đình nghèo khó, túng thiếu, không có tuổi thơ, không có tương lai; những em nhỏ bị bỏ rơi, bị cha mẹ từ chối, bị xã hội lợi dụng và lạm dụng cả thể xác lẫn tinh thần… thì thật sự tôi đã từng gặp các Ngài, và đã từng đến những nơi ấy.   

    Tôi đã gặp Chúa Hài Nhi trong một khu phố ổ chuột, chằng chịt những cống rãnh nước đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên, đầy rác rưởi, ruồi, muỗi. Tôi đã gặp, Ngài đang ở đây, sinh ra và lớn lên dưới thân phận những đứa trẻ nghèo, đi chân đất, áo quần rách nát, mỏng manh lang thang bới móc các bãi phế thải mong kiếm được chút gì cho cái bụng đang cồn cào vì đói. Tôi đã gặp Ngài qua những em nhỏ mà tôi thấy đứng chết trân, thòm thèm nhìn vào một quán ăn bên đường mong đón nhận chút của ăn dư thừa do thực khách bỏ lại. Và tôi cũng đã gặp Ngài co ro trong cái giá lạnh của mùa Đông ngay trên đất Mỹ phồn vinh, giầu có, phải rúc vào một thùng rác công cộng để ngủ qua đêm, hoặc đứng run rẩy dưới trời gió buốt xin ăn ở các ngã ba, ngã tư đường tấp nập xe cộ qua lại.

    Với những Giêsu ấy, trong những hang đá dơ bẩn, tanh hôi ấy dưới bầu trời nhân sinh này, tôi không cần phải sang tận Belem, Israel để tìm gặp, để thờ lạy Ngài. Chúa sinh ra trong tâm hồn những người nghèo khó, khiêm tốn, đơn sơ và trong sạch. Chuồng bò năm xưa của Ngài giờ đây là những túp lều xiêu vẹo, những mái nhà lụp sụp, giột nát ở một khu nghèo nàn, hôi tanh, bùn lầy, nước đọng. Tôi chỉ cần ngọn lửa tình yêu để thắp sáng đức tin như ba nhà Đạo Sỹ khi nhìn lên ngôi sao trên nền trời Phương Đông, như các mục đồng với lòng sốt mến khi nghe thiên sứ báo tin là có thể giúp tôi đến được nơi sinh ra và tạm trú của Ngôi Lời Nhập Thể, và ở đó tôi sẽ gặp được Maria, Giuse và Hài Nhi Giêsu.

    Ôi cao siêu huyền nhiệm. “Đấng ôm tròn vũ trụ lại cần được nâng niu trên cánh tay của người khác… Tình yêu vô biên đã có một trái tim nhỏ bé để đập những nhịp đập nhẹ nhàng!” [4]

    Đêm nay những tâm hồn thiện tâm sẽ nghe văng vẳng tiếng các mục đồng gọi nhau, để cùng hòa niềm vui mừng ngày Chúa Giáng Trần với ca đoàn thiên quốc:

    Kìa trông huy hoàng vì sao, chiếu soi gần xa khắp miền, nào hỡi mục đồng dậy mau, chớ lo chi hãy bằng yên. Này nghe ta báo tin vui mừng: Vừa đây trong chốn hang lừa, đã sinh ra chính Vua muôn trùng, mau đến Belem kính thờ.

    Belem kìa, sương tuyết ta ngại chi! Mau lên nào, mau bước ta cùng đi, cùng đi xem rõ Vua nhân trần. Người sinh trong cảnh cơ hàn. Nào anh em hãy nghe thiên thần, đi viếng Chúa ta xuống trần.

    Giữa muôn ngàn hào quang, với muôn ngàn hương ngát lừng. Bao thiên thần hòa vang, cất bao lời cung chúc mừng: Sáng danh Thiên Chúa trên trời, bằng yên cho khắp nhân loại. Sáng danh Thiên Chúa trên trời, bằng yên cho khắp nhân loại.[5]

     

    Giáng Sinh 2022

    _______________

    Tài liệu khảo cứu

    1. https://www.distancefromto.net › between › Bethlehem

    Distance Between Jerusalem and Bethlehem

     

     

    2.The Shepherds' Field | Danny The Digger

    https://dannythedigger.com › shepherds-fields

     

    3. Bài giảng Lễ Vọng Giáng Sinh, 24 tháng 12 năm 2021.

    4. Ibid.

    5. Kìa Trông. Lm. Hoài Đức – Trần Vĩnh Phước.

     

     

     

     

     

     

     

CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - CHI TRÂN-LEYEN

  •  
    Chi Tran - LEYEN

     
     
     
     
     


    PHÉP LẠ : MÓN QUÀ GIÁNG SINH ĐẶC BIỆT
     
    Câu chuyện xảy ra đêm 23-12-1990, tại Elkins, miền Đông Virginia, Hoa Kỳ. Đôi vợ chồng trẻ Melinda và Steve Eichelberger cùng với đứa con gái đầu lòng Brittany, 3 tuổi, vui hưởng những ngày nghỉ Giáng Sinh nơi khu vực dành cho người cắm trại.
    Tối hôm đó, bên ngoài trời mưa tuyết thật lạnh, khiến bên trong, căn nhà được sưởi nóng, trở thành thật ấm cúng. Melinda sung sướng trổ tài làm những chiếc bánh giáng sinh, nức mùi thơm ngon. Sau khi chồng và con đã thưởng thức bánh, bà tiếp tục làm bánh cho đến nửa đêm thì thu dọn, rồi đi ngủ. Steve đã ngủ trước, kể cả Brittany nữa. Cây thông Giáng Sinh lấp lánh những bóng đèn nhỏ, chiếu sáng trong một góc phòng.
    Bà Melinda âu yếm nhìn con đang ngủ say. Bà nhủ thầm:
    - “Con bé nằm ngủ trông thật dễ thương như thiên thần!” Bà đắp thêm chăn cho con rồi cúi xuống hôn nhẹ trên trán con, trước khi vào giường ngủ.
    Sáng hôm sau, 24-12, mãi đến 9 giờ 30 phút, bà Melinda mới giật mình thức giấc. Cảm giác đầu tiên là cảm giác êm đềm thoải mái. Còn gì hạnh phúc hơn được nghỉ ngơi, gia đình sum họp trong những ngày nghỉ lễ Giáng Sinh, một lễ trọng đại và linh thiêng! Tuy nhiên, ngay sau đó, bà Melinda hơi giật mình, vì căn nhà sao vắng vẻ lạ thường. Bà cất tiếng gọi con:
    -“Brittany! Brittany!”. Nhưng im lặng vẫn hoàn toàn im lặng.
    Hốt hoảng, bà tức tốc tìm kiếm con. Không thấy con, bà liền đánh thức chồng và cả hai cùng chạy ra ngoài. Tuyết rơi phủ đầy chung quanh. Cách căn lều không xa, bé Brittany nằm bất động trong tuyết. Khuôn mặt cô bé trắng nhợt. Toàn thân bé lạnh ngắt và cứng đơ. Ông Steve cúi xuống bồng con đem vào nhà. Ông gọi điện thoại đến trạm cấp cứu gần đó nhất.
    Chiếc xe cứu thương đến và chở ngay Brittany đi. Nhiệt độ trong người bé Brittany lúc đó xuống còn 23,3 độ C. Nhìn diện mạo bên ngoài thì bé đã chết, ít nhất từ 40 phút qua. Tuy nhiên, vẫn không chút thất vọng, vị bác sĩ trực điều động ngay cuộc cứu cấp. Ông dùng đủ mọi phương thức để sưởi ấm lại thân xác giá lạnh của bé.
    Sau hơn hai tiếng đồng hồ cứu cấp khẩn trương, nhiệt độ trong người bé chỉ tăng lên 26,7 độ C. Toàn nhóm bác sĩ và y tá trực hôm đó, gần như thất vọng, muốn bỏ rơi cuộc chạy đua với tử thần. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, không một ai thốt lên lời nào cả. Có lẽ vì lòng thương xót đối với đôi vợ chồng trẻ, đang sầu não chờ đợi nơi phòng bên cạnh chăng? Hay có lẽ chỉ vì một lý do thật giản dị:
    - hôm nay là ngày vọng lễ Giáng Sinh?
    Vào khoảng 14 giờ 15 phút chiều 24-12, các bác sĩ và y tá đã thành công trong việc làm cho quả tim bé bắt đầu đập. Mọi người gia tăng niềm hy vọng. Một y tá có mặt thì thầm cầu nguyện:
    - “Lạy Chúa, chúng con đã làm tất cả những gì người ta dạy chúng con phải làm. Giờ đây, mạng sống bé Brittany nằm trong tay Chúa”.
    Sau đó, vị bác sĩ trưởng quyết định gửi bé đến nhà thương Nhi Đồng nổi tiếng ở Pittsburgh, nằm trong bang Ohio.
    Trên chiếc xe cứu thương chở đến phi trường, hai nữ y tá tháp tùng bé Brittany, bắt đầu nói chuyện với nhau. Cô Lora nói:
    -“Brittany là cô bé rất dễ thương. Chắc chắn Ông Già Noel sẽ đến thăm bé!”
    Bé nằm im, tỏ dấu đang lắng nghe. Thấy thế, Brenda, cô y tá thứ hai nói thêm:
    -“Mà có chắc Ông Già Noel sẽ đến thăm bé Brittany không?”
    Lần này người ta thấy như cô bé gật đầu:
    “Thưa có!”.
    Niềm hy vọng chen lẫn niềm vui dâng trào, khiến cả hai y tá cùng cất tiếng hát những bài Thánh Ca Giáng Sinh quen thuộc.
    Tại nhà thương Nhi Đồng Pittsburgh, thân xác cứng lạnh của bé Brittany âm ấm trở lại, nhưng nhiệt độ trong người vẫn còn quá thấp. Khi màn đêm buông xuống, vọng lễ Giáng Giáng Sinh, hai vợ chồng trẻ Melinda và Steve cũng bắt đầu cuộc canh thức, im lặng cầu nguyện bên đứa con gái đầu lòng yêu dấu. Nước mắt chảy dài, bà Melinda đau đớn chiêm ngắm gương mặt bé Brittany, thật đẹp nhưng cũng thật bất động!.
    Ngày hôm sau, 25-12, đúng lễ Giáng Sinh, bé Brittany từ từ hồi tỉnh. Đến chiều cô bé bật khóc rồi cất tiếng gọi mẹ. Bà Melinda vui mừng cúi xuống ôm chầm lấy con và hôn liên tục, nước mắt ràn rụa. Vị bác sĩ và các y tá có mặt trong phòng cũng vui mừng và cảm động không kém.
    Đâu còn gì ý nghĩa hơn ngày lễ Giáng Sinh năm đó. Một lễ Giáng Sinh mà mọi người không được cử hành và phải sống trong lo âu căng thẳng, bị dằng co giữa hy vọng và thất vọng, không ngờ đã được kết thúc trong niềm vui khôn tả. Đó là món quà sự sống quý hiếm được trao ban trở lại cho một bé gái 3 tuổi!.
    Nhân mùa Giáng Sinh trở về, khi nhắc lại câu chuyện xảy ra, bà Melinda hết lòng cảm tạ Thiên Chúa. Bà nói:
    - “Chúng tôi cứ tưởng rằng bé Brittany sẽ không bao giờ tỉnh lại. Vậy mà bé đã hồi sinh cách lạ lùng. Đây là món quà Giáng Sinh đẹp nhất và quý báu nhất cuộc đời tôi. Tôi không bao giờ quên ơn trọng đại Chúa ban cho gia đình tôi vào lễ Giáng Sinh năm đó”.
    (”Reader's Digest Sélection”, Décembre/1993, trang 51-56).
    Không có mô tả ảnh.
     
     
     
       

    Tổng hội Mân Côi CN Việt Nam - Tổng Đoàn Hiệp Sĩ Mân Côi - PHÉP LẠ : MÓ...

    PHÉP LẠ : MÓN QUÀ GIÁNG SINH ĐẶC BIỆT Câu chuyện xảy ra đêm 23-12-1990, tại Elkins, miền Đông Virginia, Hoa Kỳ...

     
     
     
    1414
    6 bình luận
    10 lượt chia sẻ
     
    Chia sẻ
     
     

CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - ĐẠO BINH ĐỨC MẸ