3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN - CN31TN-C

  •  
    Song Loi Chua

    SỐNG&CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM C (30/1o/2022)

    “TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA!”

    [Kn 11,22-12,2; 2 Tx 1,11-2,2; Lc 19,1-10]

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Xin được mượn lời của nhạc sĩ Phương Anh

    “Tình Thuơng của Chúa,

    con sẽ ca ngọi Tình Thương của Ngài suốt năm canh dài.

    Con sẽ ca ngọi đến muôn muôn đời”

    để bước vào Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXXI Mùa Thường Niên Năm C này.

    Thiên Chúa của Ki-tô giáo và của toàn thể nhân loại là Thiên Chúa Yêu Thương, đáng được chúc tụng vì “Chúa xót thưong hết mọi người, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu”.

    Nhưng càng ngày người ta càng xem thường Thiên Chúa Yêu Thuơng ấy. Con người thời nay, nhất là ở các nước tiên tiến về khoa học kỹ thuật, đối xử với Thiên Chúa chẳng khác gì những đứa trẻ con nhà giầu, được cha mẹ cung cấp mọi tiện nghi cuộc sống, tạo mọi điều kiện để công thành danh toại, nhưng chúng lại không nhận biết công ơn của cha mẹ, thậm chí còn phung phá và làm hỏng các ơn ban của Người nữa.

    Mạc khải Thánh Kinh còn cho chúng ta biết là Thiên Chúa còn lên đường tìm kiếm và ra tay cứu vớt những người con sa ngã, lỗi phạm. Các bài Sách Thánh hôm nay mời chúng ta khám phá lại Đấng Thiên Chúa Yêu Thương ấy, để biết cách sống đẹp lòng Người và loan truyền Tình Thương của Người cho hết mọi người.                  

     
    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Kn 11,22-12,2): "Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa yêu thương mọi tạo vật" Lạy Chúa, trước mặt Chúa, cả vũ trụ ví như hạt gạo trên đĩa cân, và như hạt sương sa trên mặt đất trước lúc rạng đông. Nhưng Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó.

    Nếu Chúa không ưng, thì làm sao một vật có thể tồn tại được? Hoặc vật gì Chúa không kêu gọi, thì làm sao nó duy trì được? Nhưng Chúa dung thứ hết mọi loài: vì chúng thuộc về Chúa. Lạy Chúa, Chúa yêu thương các linh hồn.

    Ôi lạy Chúa, thần trí của Chúa tốt lành và hiền hậu đối với mọi loài là dường nào! Vì thế, lạy Chúa, Chúa từ từ sửa phạt những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa.

    2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (2 Tx 1,11 - 2,2): “Danh Chúa được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người" Anh em thân mến, chúng tôi hằng cầu nguyện cho anh em: Thiên Chúa chúng ta đoái thương làm cho anh em nên xứng đáng ơn Chúa kêu gọi anh em, và xin Người dùng quyền phép mà kiện toàn những ý định ngay lành do lòng tốt của anh em và công việc của lòng tin anh em, để danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người, do ân sủng của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.

    Anh em thân mến, nhân về ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và về sự chúng ta tập họp bên cạnh Người, chúng tôi nài xin anh em chớ vội để mình bị giao động tinh thần, và đừng hoảng sợ bởi có ai nói tiên tri, hoặc bởi lời rao giảng hay bởi thư từ nào được coi như do chúng tôi gởi đến, mà nói như thể ngày Chúa gần đến.

    2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 19,1-10): "Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất" Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

    Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi".

    Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh    

    3.1.1 Bài đọc 1 (Kn 11,22-12,2) là kinh nghiệm tôn giáo và tâm linh của dân riêng của Thiên Chúa đã được tác giả Sách Khôn Ngoan đúc kết lại. Thật lạ lùng là trong một thế giới chật hẹp và cục bộ, mà người tin theo Chúa lại có những quan điểm rộng mở và đại đồng như vậy. Nào là “Chúa xót thương hết mọi người - Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra- Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa”, nào là “Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.” Hoặc “giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.”  

    Nhờ đoạn của Sách Khôn Ngoan (11,22-12,2) này, chúng ta thấy rõ tấm lòng bao la, quảng đại, yêu thương của Thiên Chúa. Nói đúng hơn, yêu thương là bản chất của Thiên Chúa như Thánh Gio-an đã viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu!”

    3.1.2 Bài đọc 2 (2 Tx 1,11 - 2,2) là những lời Thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca mà Ngài luôn cầu nguyện cho, để - với ơn Thiên Chúa trợ giúp - họ thực thi ơn gọi và làm sáng danh Chúa qua những việc họ được mời thực hiện.

    Trong đoạn thư thứ hai của Thánh Phao-lô gửi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca (1,11-2,2), chúng ta được biết: Thiên Chúa là Đấng quyền năng và sẵn sàng trợ giúp các tín hữu hết lòng thờ kính và tìm vinh danh Người với tất cả thiện chí và bằng mọi công việc.  

    3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 19,1-10) là tường thuật độc đáo của Phúc âm Lu-ca về câu truyện Chúa Giê-su đến nhà ông Gia-kêu, một nhân vật nổi tiếng về sự giầu có và về chức vụ quan trọng trong xã hội thời bấy giờ. Nhưng vì làm nghề thu thuế, ông bị người Do-thái khinh rẻ và bị các người Biệt Phái coi là người tội lỗi. Thế mà Chúa Giê-su đã cư xử với ông một cách trân trọng và yêu thương, đúng như sách Khôn Ngoan đã ghi chép về cách cư xử của Thiên Chúa.

    Nhờ đoạn Phúc âm Lc 19,1-10 này chúng ta khám ra Thiên-Chúa-làm-người  là Chúa Giê-su Ki-tô, đã trân quý và cứu vớt người tội lỗi một cách tuyệt vời như thế nào. Chúa đã chủ động tìm đến với ông Gia-kêu bất chấp thành kiến và dư luận xã hội. Chúa đã thay lòng đổi dạ ông, đã giúp ông hoán cải và làm lại cuộc đời, vì ông cũng là con cái Chúa và vì sứ mạng của Con Người là “đến để tìm và cứu những gì đã mất."

     

    3.2 Sứ điệp của Lời Chúa       

    Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay chính là lời công bố của Chúa Giê-su cũng là câu kết của tường thuật Phúc Âm:

                                      “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

     

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa Đấng xót thương hết mọi người, nhất là những người yếu đuối, tội lỗi. Chẳng những Thiên Chúa thứ tha cho họ mà còn đến tận nơi để đem ơn giải thoát cho họ (như trường hợp của ông Gia-kêu)

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

    Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được chứa đựng trong đoạn sách Khôn ngoan và trong câu truyện của Phúc âm Lu-ca. Nói cách rõ ràng hơn là Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hiểu rõ tấm lòng của Thiên Chúa là Đấng, đã vì yêu thương, mà dựng nên mọi loài, mọi người. Thiên Chúa xót thương mọi người, nhất là những kẻ có tội. Người chỉ mong tội nhân ăn năn hối cải để được thứ tha và ở kề bên Chúa. 

    Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta hiểu rõ sứ mạng của Chúa Giê-su Ki-tô. Đó là cứu vớt những gì đã mất, là đến với những con bệnh (hay chiên lạc) về thể lý và nhất là về tâm linh, để cứu chữa và đem về dưới mái nhà Cha.

     

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân tộc trên thế giới được ơn nhận ra Thiên Chúa là Đấng dựng nên vũ trụ vạn vật và yêu thương con người mà quy phục và phụng sự Người.

    Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.2 «Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tất cả các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, các Hồng Y, các Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, được ơn hăng say thể hiện tình thương cứu độ của Thiên Chúa, đối với những người bị khinh khi và ruồng bỏ trong xã hội loài người. 

    Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.3 «Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết noi gương Chúa Ki-tô mà xót thương những anh chị em yếu đuối, khô khan, tội lỗi trong cộng đoàn.

    Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.4 «Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa thứ tha cho những người gây ra tội và làm khổ người khác trong thế giới hôm nay.

    Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    Sài-gòn ngày 26 tháng 10 năm 2022

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.              

     

     

    --

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - CN31TN-C - VIETBUI

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran -LEYEN
     
     


     
    5 PHỨT LỜI CHÚA

    25/10/22 THỨ BA TUẦN 30 TN


    TIN MỪNG Lc 13,18-21

     
    BÀI HỌC TỪ HẠT CẢI
     
    “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn minh.” (Lc 13,19)

    Suy niệm: Có lẽ chẳng ai hy vọng một hạt cải được gieo xuống khu vườn có thể đem lại sự thay đổi gì to tát. Hạt cải quá nhỏ bé trong khi khu vườn lại rộng lớn.

       Thế mà, từ hạt cải nhỏ bé, tưởng chừng chẳng có gì để hy vọng đó, một cây lớn đã mọc lên và trở thành nơi trú ngụ cho chim trời.

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Nhiều người thường nghĩ muốn tạo nên sự thay đổi tích cực, sâu rộng nơi đời sống con người thì người ta phải làm những việc to tát, tầm cỡ, như thi sĩ Nguyễn Công Trứ đã viết: 

       Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông. Lối suy nghĩ ấy lắm lúc, khiến ta không mấy hy vọng, ít chú tâm đến những điều nhỏ bé, tầm thường.

       Tuy nhiên, qua dụ ngôn hạt cải, Chúa Giê-su mời ta hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ bé, hãy cứ gieo những hạt giống bác ái bình thường nơi chúng ta hiện diện, bởi từ những hạt giống bác ái đơn sơ ấy,

       Thiên Chúa sẽ làm cho Nước Trời lớn lên trong lòng con người. Thiên Chúa cần sự cộng tác tích cực của bạn, để cho thấy những giá trị Nước Trời đang hiện diện trong môi trường bạn sống.

     

    Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn hãy gieo ít nhất một lời nói yêu thương khích lệ, một sự giúp đỡ, hy sinh nào đó trong gia đình, khu xóm và xứ đạo của mình.

     

    Cầu nguyệnLạy Chúa, xin giúp chúng con hiểu được bài học của hạt cải, để chúng con cố gắng mỗi ngày kiên nhẫn gieo hạt giống bác ái nhỏ bé âm thầm trong việc bổn phận, trong lời ăn tiếng nói,

       CON QUYẾT TRÂM đối xử với tha nhân với niềm hy vọng, chính Chúa sẽ làm cho những nỗ lực của chúng con sinh hoa kết trái, làm cho Nước Chúa được hiển trị. Amen.

     gplongxuyen.
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THỨ BA - LM MINH ANH

  •  LM MINH ANH
     
     


    THỨ BA CN30TN-C
     

    TỪNG CHÚT MỘT

    TIN MỪNG LUCA 13, 18-21

    “Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men!”. (CÂU 21)

    Calvin Miller nói, “Niềm tin muộn màng là điều không thể tránh khỏi! Việc chấp nhận con tàu là điều rất khó khi trời chỉ mới đổ mưa. Cái chết là một cơn bão tức thì ập xuống, đến nỗi khi bạn với tay cầm lấy chiếc ô, thì biết rằng, mình cần một đôi cánh có thể bay trong nước! Vì thế, từng bước một, ‘từng chút một’, bạn hãy biến đổi tâm hồn để có thể đến gần con tàu và yêu lấy nó!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “‘Từng chút một’, bạn hãy biến đổi tâm hồn để có thể đến gần con tàu và yêu lấy nó!”. Ý tưởng của Calvin Miller được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu không nói đến một điều gì to tát, nhưng nói đến cái nhỏ bé đến nỗi gần như không trông thấy; đó là một chút men. Ấy thế, như men trong bột, men ân sủng của Thánh Thần cũng biến đổi một linh hồn ‘từng chút một!’.

    Men là một thứ luôn hấp dẫn; nó thật nhỏ bé nhưng lại tác dụng mạnh mẽ đối với bột. Men hoạt động chậm nhưng hiệu quả; với men, bột sẽ dậy lên ‘từng chút một’ và biến đổi. Đây luôn là điều hấp dẫn đối với trẻ em; bạn sẽ chứng kiến những đôi mắt tròn xoe khi các trẻ có mặt tại lò bánh mì. Và đây cũng là cách thức Tin Mừng hoạt động. Việc biến đổi một trái tim hiếm khi diễn ra hiệu quả trong một ngày hay trong một khoảnh khắc; đành rằng, mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc đều quan trọng, nhưng hẳn có những khoảnh khắc chuyển đổi mạnh mẽ mà mỗi người có thể chỉ ra. Như chút men âm thầm làm cho thúng bột dậy lên, việc biến đổi trái tim cũng là một điều gì đó thường diễn ra ‘từng chút một!’. Nhưng nếu bạn và tôi cho phép Chúa Thánh Thần điều khiển cuộc sống mình một cách liên tục và bền bỉ, chúng ta sẽ trưởng thành sâu sắc hơn trong sự thánh thiện như bột trồi lên một cách chậm rãi nhưng chắc chắn nhờ sự nồng nàn của men.

    Đôi khi, sự chán nản của thế giới, cùng với bao hoạt động trong cuộc sống ngăn cản chúng ta dừng lại để xem cách Thiên Chúa đang vận hành lịch sử. Tuy nhiên, Tin Mừng bảo đảm rằng, Ngài đang hoạt động như men âm ỉ đang âm thầm hoạt động; và, ‘từng chút một’, ‘thúng bột thế giới’ dậy lên. Chút men của những việc lành nơi chúng ta tuy nhỏ bé, nhưng nó phát xuất từ Thiên Chúa cho dẫu tất cả xảy ra trong khiêm nhu, tiềm ẩn, và thường là vô hình.

    Trong thư Êphêsô hôm nay, khi suy gẫm đời sống hôn nhân Kitô giáo, Phaolô nói, “Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh”. Phaolô hẳn đã nghĩ đến Thánh Thần vốn là men tác động giữa người nam và người nữ ‘từng chút một’. Chính Thánh Thần kết hợp hai người trong Chúa, làm cho họ nên vợ, nên chồng. Cũng trong Thánh Thần, Chúa Kitô và Hội Thánh làm nên gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi giữa lòng ‘thúng bột thế giới’. Đó là một gia đình kính sợ Chúa như Thánh Vịnh đáp ca lưu ý, “Hạnh phúc thay những người kính sợ Chúa!”.

    Anh Chị em,

    “Cho đến khi tất cả bột dậy men”. Viên men đầu tiên Thiên Chúa vùi vào ‘thúng bột nhân loại’ là Giêsu; không chỉ vùi vào lòng nhân loại, men Giêsu còn vùi vào đất. Thế nhưng, ‘từng chút một’, ‘từng con người một’, ‘từng mảnh đất một’, đã thấm nhuần men yêu thương của Ngài. Cũng thế, như bao người khác, chúng ta mang lấy xác thể; nhưng trong xác thể quá đỗi bình thường này, Thiên Chúa đã đặt trong đó một chút men thần linh ngày chúng ta lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Vì thế, bạn và tôi không còn là “bột” thường, nhưng là “bột men”. Quả thế, Chúa đang vùi chúng ta vào lòng công sở, trường học, đồng áng… mọi ngõ ngách của thế giới. Ngài ước men Tin Mừng trong chúng ta ‘từng chút một’, ‘từng bước một’, với khả năng và hoàn cảnh rất riêng của mình, đem những con người chúng ta gặp gỡ trên đường đời ‘đến gần con tàu và yêu lấy nó’; “Con Tàu Giêsu”,“Con Tàu Giáo Hội’, để cả họ, cũng được Thánh Thần biến đổi!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến đổi con ‘từng chút một’ để con có thể ‘yêu lấy con tàu Giêsu’ ngày một hơn; cho con luôn là men nồng nàn nâng dậy môi trường Chúa đã đặt con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

     
     

SỐNG VÀ CIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ HAI

  •  LM MINH ANH
     




    THỨ HAI CN30TN-C

    TIN MỪNG LUCA 13, 10-17

    NỖI SỢ PHẢI RA KHỎI VÙNG AN TOÀN

    “Viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat!”. (CÂU 14)

    Paul Powell nói, “Thiên Chúa quan tâm đến các nhân đức của con cái Ngài hơn là sự thoải mái của họ. Điều Ngài nhắm không phải là nuông chiều thể chất, nhưng là hoàn thiện họ về mặt tinh thần. Vì thế, đôi khi, Ngài ném chúng ta vào một hoàn cảnh nghiệt ngã tưởng như tuyệt vọng, để chúng ta cậy trông hơn; Ngài buộc mỗi người vượt qua ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Ngài buộc mỗi người vượt qua ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn!”. Đó cũng là những gì Chúa Giêsu đề nghị viên trưởng hội đường và cả chúng ta hôm nay. Ngài đã chữa cho một phụ nữ còng lưng những mười tám năm ‘có thể đứng thẳng’ khiến mọi người hân hoan; “nhưng viên trưởng hội đường thì tức giận, vì Ngài chữa bệnh trong ngày Sabbat!”. Tại sao? Phải chăng nơi ông, có một nỗi sợ nào đó, nỗi sợ sự thật, ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn?’. Đúng thế! Với ông, việc giữ luật khiến ông cảm thấy an toàn; ông quan tâm luật hơn là ý nghĩa của luật.

    “Lạy Chúa, xin cứ giữ con lại trong sự tầm thường của con!”. Giả như có một lời cầu nguyện như thế, thì chủ nhân của nó thực sự không có gì để khó chịu hay phản đối. Đàng này, phản ứng của viên trưởng hội đường, cách nào đó, cho thấy dường như lời cầu nguyện trên là của chính ông. Ông những muốn ở lại trong sự tầm thường của mình; bởi lẽ, nơi ông, có một nỗi sợ sự thật. Ông không muốn tin Chúa Giêsu; những gì Ngài nói, những việc Ngài làm xem ra đang đe doạ ông. Bởi lẽ, từ Ngài, những gì ông nghe, ông thấy… chỉ có thể xuất phát từ một Đấng Messia; và nếu quả Ngài là Đấng Messia, thì nhất định ông phải thay đổi cách nhìn, thay đổi cách sống. Không! Ông không muốn như thế!

    Và điều đó có thể cũng đang xảy ra nơi mỗi người chúng ta. Bạn và tôi không muốn chấp nhận một điều gì đó Chúa Giêsu dạy qua Giáo Hội của Ngài; vì lẽ, nghe theo giáo huấn đó có nghĩa là phải thay đổi cách sống và chúng ta không muốn điều đó. Chúng ta muốn ở lại trong sự tầm thường của mình; đang khi Chúa Giêsu lại luôn cung cấp cho những ai theo Ngài một điều gì đó khác biệt. Bạn và tôi chỉ muốn ở lại trong đường lối mình; chúng ta được bao quanh với những chân trời hạn chế và dĩ nhiên, sợ phải mở rộng chúng, ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn!’.

    Vậy mà Phaolô cho biết, chính cái vùng an toàn giả tạo mà chúng ta muốn yên thân trong đó lại là quá khứ vốn được gọi là bóng tối. Thiên Chúa muốn đưa chúng ta ra khỏi vùng tối hạn hẹp này; Ngài muốn chúng ta bước ra. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay lấy lại lời của Phaolô, “Chúng ta hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái được Người yêu thương”. Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô viết, “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng!”.

    Anh Chị em,

    “Đôi giày cũ thì luôn luôn dễ chịu hơn đôi giày mới!”. Vậy mà, Chúa Giêsu muốn chúng ta bước đi với ‘đôi giày mới’ mỗi ngày. Bản thân Ngài cũng đã ra khỏi vùng an toàn của mình; Ngài đã can đảm bước ra khỏi ngôi vị Thiên Chúa “vinh quang ngàn vinh quang, cao sang ngàn cao sang” để không ngừng bước từng ngày trên sự bất ổn của kiếp người; và Ngài đã bước xuống tận chỗ rốt hết đến nỗi chết cái chết của một ‘tội phạm tội đồ’ nhất. Vậy mà, chính nhờ cái chết đó, cả nhân loại ‘có thể đứng thẳng lên’; cũng như ngày Sabbat hôm ấy, dù biết kẻ thù đang rình rập, Ngài vẫn ra khỏi vùng an toàn để nâng một phụ nữ mười tám năm còng lưng ‘có thể đứng thẳng lên’. Hôm nay, Ngài cũng sẵn sàng trợ giúp để mỗi người ‘có thể đứng thẳng lên’. Nhưng trước hết, Ngài muốn bạn và tôi vượt qua ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn’ của mình; một tính hư nết xấu, một lối sống mà Ngài gọi là “giả hình” như Ngài đã gọi trưởng hội đường.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, có lẽ, về mặt tâm linh, con đã già đi, xin trẻ hoá con. Cho con cứng cáp mà ra khỏi những chân trời hạn hẹp, nhất là giúp con vượt qua ‘nỗi sợ phải ra khỏi vùng an toàn!’”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

Subcategories