3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ HAI

  •  
    LM MINH ANH
     
     
     
     

     

    THUỘC VỀ AI?

    “Tôi phải làm gì đây?”.

    Tại một vùng Châu Phi, những người cải đạo đầu tiên rất yêu thích cầu nguyện. Trên thực tế, mỗi tín đồ có một ‘phòng cầu nguyện’ đặc biệt bên ngoài bản làng; họ đến đó bằng một lối mòn giữa những lùm cây. Vậy khi cỏ bắt đầu mọc trên một trong những con đường mòn này, rõ ràng ai đó đã không cầu nguyện nhiều. Một phong tục độc đáo xuất hiện. Khi thấy cỏ mọc um tùm trên đường mòn của ai đó, người ta sẽ đi tìm chủ của nó và âu yếm cảnh báo, “Bạn ơi, bạn ‘thuộc về ai?’; cỏ đã mọc nhiều trên đường của bạn!”; và người ấy đáp, “Tôi phải làm gì đây?”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Bạn ơi, bạn ‘thuộc về ai?’”, một câu hỏi thức tỉnh lòng người, khiến kẻ nghe phải vội thốt lên, “Tôi phải làm gì đây?”. Đó cũng là câu hỏi mà người phú hộ trong Tin Mừng hôm nay đặt ra cho mình, một câu hỏi rất đúng! Tiếc thay, anh ta có một câu trả lời sai! Bởi lẽ, anh không biết, anh ‘thuộc về ai?’. Thánh Vịnh đáp ca nói, “Chính Chúa dựng nên ta, và ta thuộc về Người!”.

    Tin Mừng cho biết, vụ mùa năm ấy, anh bội thu! Một đôi khi, vận may đến, và điều này đồng nghĩa với việc khiến cho nhiều người lúng túng, “Tôi phải làm gì đây?”; “Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!”. Và anh đưa ra một giải pháp, phá các lẫm cũ, xây những lẫm lớn hơn. Tuy nhiên, theo cái nhìn của Thiên Chúa, giải pháp của anh xem ra quá tồi, vì nó khá nghèo nàn! Anh chỉ nghĩ đến bản thân; ý tưởng chia sẻ những gì thặng dư cho ai khó khăn xem ra không bao giờ xuất hiện trong tâm trí anh; hay chí ít, thoáng qua suy nghĩ của anh; anh hoàn toàn tập trung vào bản thân. ‘Bài phát biểu’ của anh với chính mình chỉ chứa đầy những từ nhỏ, cụt ngủn, ‘tôi’ và ‘của tôi’ - ‘mùa màng của tôi’, ‘chuồng trại của tôi’, ‘kho lẫm của tôi’, ‘hoa màu của tôi’; và thậm chí, ‘linh hồn của tôi!’. Vậy mà, một điều quan trọng là linh hồn anh ‘thuộc về ai’, anh không hay biết. Nó thuộc về Chúa; cùng với mùa màng, của cải, và tất cả những gì anh sở hữu.

    Và kìa, Chúa gọi anh! Sự nghèo nàn bên trong con người giàu có này được phơi trần. Anh đã không làm gì với vận may chợt đến vốn là món quà của Chúa; để từ đó, anh có thể chia sẻ cho những người khác. Anh tích trữ cho bản thân, và không làm cho mình trở nên giàu có trước mặt Chúa. Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô nói đến lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với chúng ta; Ngài tặng ban chúng ta ân sủng dẫy đầy trong Chúa Kitô, Đấng đã khiến chúng ta, theo cách nói của Phaolô hôm nay, trở nên “tác phẩm của Thiên Chúa”. Ngài đã làm cho cuộc sống của chúng ta nên phong phú; và qua chúng ta, Ngài cũng làm phong phú cuộc sống của những người khác. Vì thế, khi đặt câu hỏi, “Tôi phải làm gì đây?”, chúng ta tìm thấy câu trả lời đầy gợi hứng nơi chính Chúa Giêsu, Đấng “đã trở nên nghèo khó để chúng ta được giàu có!”.

    Anh Chị em,

    “Tôi phải làm gì đây?”. Chúa Giêsu ý thức Ngài là Con Thiên Chúa, xuống thế làm người, hoàn toàn tuỳ thuộc vào Cha. Vì thế, trong kiếp phàm nhân, Ngài không ngừng cầu nguyện để hỏi ý Cha, “Con phải làm gì đây cho đẹp lòng Cha?”. Khác hẳn nhà phú hộ, Chúa Giêsu, Đấng giàu có đã trở nên nghèo khó, để nhờ cái nghèo của Ngài mà làm cho chúng ta trở nên giàu có. “Con phải làm gì đây?”. Chớ gì đó cũng là câu hỏi luôn đặt ra trong tâm hồn chúng ta. Con phải làm gì cho đẹp lòng Chúa trong hoàn cảnh của con, ‘lúc này, ở đây?’. Con phải làm gì trong đấng bậc của con? Vì lẽ, mỗi chúng ta là “tác phẩm của Thiên Chúa”, được dựng nên cho vinh quang Ngài; vì thế, chúng ta hoàn toàn thuộc về Ngài!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, con muốn thật sự giàu có trong ân sủng và lòng thương xót Chúa hơn là trong của cải vật chất. Là tác phẩm của Chúa, điều cần nhất cho con, là con biết con ‘thuộc về ai!’”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran
    Nguyễn thị Leyen
     
     
     
     


     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    17/10/22 THỨ HAI TUẦN 29 TN
    Th. I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a, giám mục, tử đạo


    TIN MỪNG Lc 12,13-21

     
    CỦA CẢI Ở ĐÂU RỒI?
     
    “Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,15)
     

    Suy niệm: Lòng ham mê tìm kiếm của cải của con người dường như không có giới hạn. Thời xưa, người ta tưởng chỉ cần đủ ăn đủ mặc; ngày nay mức sống cao hơn nhưng người ta chưa lấy thế làm đủ mà vẫn miệt mài tìm kiếm thêm nhiều của cải để hưởng thụ nhiều hơn nữa.

    Đó chính là suy tính của “ông phú hộ kia” khi ông xây thêm nhiều nhà kho để chứa hết “của cải ê hề” của ông và rồi “ăn uống vui chơi cho đã”. Chúa cho biết “ông phú hộ kia” quên mất một điều: cuộc sống của ông sẽ kết thúc vì ông không phải là chủ của mạng sống ông; và lúc đó ông không thể trả lời được của cải mà ông thu tích đó “sẽ về tay ai”.

    Mời Bạn: Có người nói: “Tiền bạc có thể mua được món ăn ngon, nhưng không mua được sự ngon miệng, tiền bạc có thể sắm được phòng ngủ sang trọng, nhưng không đem lại giấc ngủ ngon, tiền bạc có thể xây được căn nhà lộng lẫy, nhưng chưa chắc đã tạo được mái ấm hạnh phúc”.

    Của cải đời này cần thiết thật nhưng chúng chỉ thực sự tốt đẹp chúng được đầu tư để mua được Nước Trời mai sau. Những việc cầu nguyện hy sinh, lãnh nhận bí tích và chia cơm sẻ áo cho những ai khốn cùng từ những của cải chúng ta tích luỹ được ở đời này chính là cách chúng ta tích luỹ của cải thiêng liêng trên Nước Trời.

     

    Sống Lời Chúa: Làm việc lương thiện, sử dụng của cải cách tiết độ và chia sẻ trợ giúp người nghèo khó, đó là những phương thế làm giàu trong Nước Trời

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, mọi sự con có đều hồng ân Chúa ban. Xin Chúa giúp con biết sử dụng chúng như người quản gia trung tín và khôn ngoan, để chia sẻ với những ai đang gặp cảnh khổ đau, cùng khổ. Amen.

     gplongxuyen

     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA - THỨ BẨY

  •  
    Chi Tran
     
     
     
     
     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    15/10/22 THỨ BẢY TUẦN 28 TN
    Th. Tê-rê-xa Giê-su, trinh nữ, tiến sĩ HT


    TIN MỪNG Lc 12,8-12

     
    TỘI PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN
     
    “Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.” (Lc 12,10)
     

    Suy niệm: Cả ba Phúc âm Mác-cô, Mát-thêu và Lu-ca đều nhắc đến tội phạm đến Thánh Thần, thứ tội chẳng có thể được tha. Vậy tội ấy nặng nề thế nào mà không thể được tha?

       Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã nói: “Tội phạm đến Chúa Thánh Thần không phải chỉ đơn thuần xúc phạm đến Người bằng lời nói mà hệ tại ở việc chối từ nhận lãnh ơn cứu chuộc mà Thiên Chúa ban cho con người qua Chúa Thánh Thần hoạt động qua quyền năng của Thánh Giá” (Tông Thư “Dominum et Vivificantem” (Chúa là Đấng ban sự sống).

       Như thế có thể nói rằng: tội phạm đến Thánh Thần là tội từ chối lòng thương xót của Thiên Chúa, không đón nhận ơn tha thứ nhờ cái chết của Đức Ki-tô trên Thánh Giá. Người không muốn được tha thứ thì làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho người đó được.

    Mời Bạn CHIA SẺ: Tội phạm đến Thiên Chúa là quá lớn, đến nỗi không ai có thể tha thứ được. Thế nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa còn lớn hơn vì Ngài đã cho Con Một Ngài chịu chết để đền bù tẩy xoá mọi tội lỗi đó.

       Ơn tha thứ đó đã dành cho bạn. Chỉ cần bạn tin vào lòng thương xót bao dung của Chúa và bạn thật lòng sám hối hoán cải, trở về hoà giải với Ngài là bạn nhận được ơn tha thứ đó.

       Bạn đừng để mình rơi vào hố sâu tuyệt vọng chối từ được tha thứ là chối từ Chúa Thánh Thần.

     

    Sống Lời Chúa: Đọc thánh vịnh 50.

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con là con người yếu đuối tội lỗi. Xin cho chúng con đừng bao giờ thất vọng vì tội lỗi của mình, nhưng luôn tin tưởng vào tình yêu thương xót của Chúa. Nhờ đó, chúng con biết chạy đến với Chúa để đón nhận ơn tha thứ. Amen.

    gplongxuyen.
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BẢY

  •  LM MINH ANH
     
     
    THỨ BẢY CN28TN-C

    THỔI HƠI VÀ TRUYỀN CẢM HỨNG

    TIN MỪNG LUCA 12, 8-12

    “Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào!”. (CÂU 12)

    Các nhà soạn nhạc vĩ đại không bắt đầu sáng tác vì được truyền cảm hứng, nhưng được truyền cảm hứng vì chăm chỉ làm việc. Beethoven, Wagner, Bach, và Mozart cần cù với công việc của mình như một kế toán viên cần cù mỗi ngày. Họ không lãng phí thời gian để chờ đợi nguồn cảm hứng; nhưng nhờ chăm chỉ, họ trở nên những con người ‘thổi hơi và truyền cảm hứng!’.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Đồng cảm với nhận định trên, Lời Chúa hôm nay giới thiệu cho chúng ta những khuôn mặt, những tính cách luôn cần cù; đó là những con người ‘thổi hơi và truyền cảm hứng’ vào đời sống Giáo Hội, đời sống mỗi người. Hơn hẳn các nhạc sĩ cần cù, Giáo Hội có một Phaolô, không chỉ nhờ vào sự cần mẫn của con người, nhưng còn được sức thiêng từ trên, Chúa Thánh Thần; Đấng mà Chúa Giêsu hôm nay nói đến, cũng là Đấng dạy dỗ, ‘thổi hơi và truyền cảm hứng!’.

    “Tôi không ngừng tạ ơn Chúa cho anh em, khi nhớ đến anh em trong kinh nguyện”. Với lời lẽ hết sức đạo đức, Phaolô ‘thổi hơi và truyền cảm hứng’ cho các tín hữu Êphêsô. Vị tông đồ đưa ra một tầm nhìn tuyệt vời về sự vĩ đại tột bậc của Chúa Giêsu, Đấng đang ngự trong vinh quang bên hữu Chúa Cha; cũng là Đấng trở nên một phần thân thiết trong đời sống người Kitô hữu. Và sẽ là một trách nhiệm đáng sợ khi mỗi người chúng ta trở nên hiện thân thực sự của Chúa Kitô cho thế giới, một trách nhiệm mà chúng ta thường xuyên ý thức; Phaolô nói, “Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi!”.

    Một vai trò nổi bật khác là Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cho biết, vào những ngày khốn quẫn, khi chúng ta bị điệu ra trước vua chúa quan quyền, thì Ngài sẽ dạy cho biết phải nói thế nào! Tuyệt vời thay! Chính Chúa Giêsu đã sống niềm tin ấy trong cuộc đời Ngài đến mức hoàn hảo. Ngài bị bắt, chịu tra tấn, kết án sai và bị tra khảo bởi các thượng tế, Hêrôđê và Philatô. Trong các cuộc thẩm vấn, đôi khi Ngài nói; và những lúc khác, Ngài giữ im lặng. Và để chuẩn bị cho những cuộc tra khảo này, Chúa Giêsu đã không nghiên cứu trước những nhân vật sẽ đối chất Ngài; cũng không tìm cách lựa lời để nói những gì và không nên nói những gì. Ngài không chuẩn bị một cách xử thế nào khác ngoài sự kết hợp hoàn hảo với Chúa Thánh Thần và với Chúa Cha. Từ đó, Ngài được Thánh Thần ‘thổi hơi và truyền cảm hứng’ để mọi lúc, mọi nơi, luôn làm điều đẹp lòng Cha.

    Anh Chị em,

    “Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào!”. Mặc dù có thể sẽ không bị bắt bớ vì đức tin, nhưng chúng ta có thể sẽ phải trải qua nhiều hình thức thẩm vấn và kết án khác nhau từ anh chị em mình. Vào những lúc ấy, bạn bị thách thức phản ứng; và nhiều khả năng, bạn bị cám dỗ để tự vệ trong giận dữ hoặc tấn công lại. Vậy nếu những lời của Chúa Giêsu hôm nay được hiểu và được sống một cách thiết thực, nó có tác dụng xoa dịu và trấn an bạn trong bất kỳ trải nghiệm đắng cay nào về sự đoán xét. Vậy nếu bạn bị người khác đoán xét, cả khi những gì họ nói là đúng, thì điều quan trọng là bạn sẽ không phản ứng với một thái độ phòng thủ hay tức giận, nhưng tin tưởng rằng, Chúa Thánh Thần sẽ luôn dẫn dắt bạn trong khiêm nhường và nhẫn nhịn nếu bạn tìm cách làm theo gợi hứng của Ngài. Điều này chỉ có thể thực hiện, nếu bạn biết xây dựng cho mình một thói quen vững chắc là chú ý đến tiếng nói của Ngài, một tiếng nói bên trong linh hồn.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, mỗi khi trải qua sự đoán xét của người khác, xin cho con được bình an vì tin rằng, Chúa Thánh Thần sẽ ‘thổi hơi và truyền cảm hứng’ để con nên giống Ngài hơn!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - VIETBUI - CN29TN-C

Subcategories