3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA - THỨ HAI

  •  
    Chi Tran - LEYEN

     
     
     
     
     


    5 PHÚT LỜI CHÚA

    24/10/22 THỨ HAI TUẦN 30 TN
    Th. An-tôn Ma-ri-a Cla-rét, giám mục

     

    TIN MỪNG Lc 13,10-17

     
    CHÚA CẦN LÒNG NHÂN
     
    Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su chữa bệnh vào ngày Sa-bát… Ông lên tiếng nói: “Đã có sáu ngày để làm việc, đừng có đến vào ngày Sa-bát.” (Lc 13,14)

    Suy niệm/SỐNG: Hai thái độ trái ngược nhau trước nỗi khổ của người bên cạnh. Đức Giê-su, hiện thân của tình thương, cảm nhận được nỗi đau của người phụ nữ bị còng lưng 18 năm, đã vượt qua giới hạn của lề luật để giải thoát cho chị.

      1/  Trong khi ấy ông trưởng hội đường lại vụ hình thức, vô cảm trước nỗi thống khổ của người lân cận. Ông tìm lý do biện hộ cho thái độ thiếu cảm thông của mình nơi luật Mô-sê: “đừng có đến vào ngày Sa-bát.” 

       2/ Thực ra khi ban bố luật giữ ngày Sa-bát, Thiên Chúa muốn thể hiện sự yêu thương dành cho dân Người, nhưng dần dà luật được giải thích quá tỉ mỉ, trở thành gánh nặng. Thậm chí trở thành thứ bình phong che giấu sự giả hình, thái độ vô cảm trước nỗi khổ của đồng loại.

       3/ Đức Giê-su nhập thể đã lấy lại ý nghĩa đích thực của luật Thiên Chúa ban: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế. Con người làm chủ ngày Sa-bát” (Mt 12,7-8).

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Ngày Chúa Nhật là ngày chúng mình tạ ơn Chúa vì đã giải thoát bạn và tôi khỏi cái chết đời đời.

       1/ Vậy bạn thánh hóa ngày của Chúa thế nào: Thấy mình bị trói buộc bởi luật đi dự lễ hay thấy hạnh phúc vì được Chúa cứu, gặp Chúa để tạ ơn Ngài mỗi Chúa Nhật?

       2/ Nếu thấy mình may mắn vì được biết và tin Chúa, bạn hãy đem tâm tình tri ân ấy đến chia sẻ cho những người còn nguội lạnh, thờ ơ với Thánh lễ.

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đặt tay lên chúng con để chúng con được ‘đứng thẳng.’ Xin cũng biến đổi chúng con trở thành chỗ dựa cho những anh chị em bị ‘còng lưng’ vì tội lỗi nữa. Amen.

    gplongxuyen. 

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA - CN30TN-C

  •  
    Chi Tran-LEYEN

     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    23/10/22 CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – C
    Chúa Nhật Truyền Giáo


    TIN MỪNG Lc 18, 9-14

     
    NHƯ THẾ LÀ CẦU NGUYỆN
     
    Chúa Giê-su kể dụ ngôn sau đây: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế…Người này thì được nên công chính, còn người kia thì không.” (Lc 18,9-10.14)
     

    Suy niệm/SỐNG: Lên đền thờ để cầu nguyện, đó quả là một việc tốt, không có gì phải phàn nàn. Thế nhưng vấn đề là ở cách cầu nguyện của họ. Người thứ nhất, thuộc nhóm Pha-ri-sêu: Các việc ông ta làm thật là tuyệt. Ông làm quá cả những điều luật buộc. Nội dung lời cầu có vẻ giống như một bản báo cáo thành tích; nhưng thiết tưởng, như thế chẳng có gì là sai.

       Ông chỉ thiếu một tấm lòng. Thiếu tấm lòng với Thiên Chúa: xem ra Ngài mắc nợ ông vì những điều ông “làm cho” Chúa. Và cũng thiếu cả tấm lòng với đồng loại: ông tự xếp hạng mình trổi vượt chứ “không như tên thu thuế kia”. 

       Còn người thứ hai, một người làm nghề thu thuế: ông không có gì để báo cáo ngoại trừ tội lỗi, nghĩa là ông là người mắc nợ: mắc nợ tha nhân – dĩ nhiên, vì ông làm nghề thu thuế cơ mà – và mắc nợ cả Thiên Chúa: thì chính ông cầu nguyện đó: 

       “Xin thương xót con vì con là kẻ có tội”. Chúa Giê-su không hề định nghĩa cầu nguyện là gì, nhưng qua cách đánh giá của Chúa chúng ta hiểu rằng “như thế mới là cầu nguyện”.

    Mời Bạn CHIA SẺ: Bạn có cảm thấy mình có nhu cầu phải cầu nguyện, nghĩa là cảm thấy mình cần xin Chúa thương xót mình, cần nối lại mối dây thân tình với Chúa?

    - Mời bạn chia sẻ một kinh nghiệm cho thấy việc cầu nguyện giúp bạn gặp gỡ Chúa và tha nhân.

    Sống Lời Chúa: Bạn hãy dành ít phút trước Thánh Thể, để cầu nguyện với những tâm tình như người thu thuế kia.

     

    Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi.”

    gplongxuyen.
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - CN30TN-C

 

Bài suy niệm Chúa Nhật 30 Thường Niên – C

LM GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

LÀM THẾ NÀO ĐỂ LỜI CẦU NGUYỆN ĐƯỢC CHÚA CHẤP NHẬN

Tin Mừng Lc 18: 9-14: Tin Mừng hôm nay đề cao lời cầu nguyện khiêm nhường của người Thu Thuế, không nhìn sang người khác, không so sánh mình với kẻ khác, nhưng nhìn vào chính mình và so sánh mình với mẫu gương của Chúa.

Ở Palestine, thời Chúa Giêsu, người ngoan đạo giữ ba giờ cầu nguyện mỗi ngày, lúc chín giờ sáng, mười hai giờ trưa và ba giờ chiều.

Lời cầu nguyện được kể là linh nghiệm đặc biệt nếu cầu nguyện trong Đền Thờ, và vì thế vào những giờ đó nhiều người đến Đền Thờ cầu nguyện, chính vì thế Chúa Giêsu nói về hai người lên Đền Thờ cầu nguyện: Người Biệt Phái và Người Thu Thuế.

Người Biệt Phái đứng giữa Đền Thờ và thầm nguyện bằng câu “tôi tạ ơn Chúa”, nhưng thực ra ông không nói với Chúa mà là nói với chính mình.

Ông vui mừng vì so sánh với kẻ khác thì ông thuộc một giai cấp riêng, mọi người khác đều tham lam, bất chính, ngoại tình, và điển hình là bọn Thu Thuế gian tham tội lỗi. Thay vì nhìn vào Thiên Chúa, ông đã nhìn vào người Thu Thuế, ông đã khoe rằng chẳng những đã giữ mình thoát khỏi tội lỗi, lại còn làm được nhiều việc lành phúc đức hơn.

Xem thái độ cầu nguyện của người Biệt Phái, ta thấy ông ta rất tự mãn. Có nhiều chữ “tôi” trong lời cầu nguyện của ông. Tôi thế này, tôi thế nọ, tôi không như thế này, tôi không như người khác. Rốt cuộc, người Biệt Phái lại là người quay vào mình, ông ngắm nghía vẻ đẹp của ông trước Thiên Chúa, dù chúng ta tưởng ông đã mở lòng khi nói: “Lạy Thiên Chúa, con tạ ơn Ngài”. Tạ ơn thực sự là nhìn nhận mọi sự mình làm được đều do ơn Chúa ban. Tạ ơn là quay về với Thiên Chúa, nhìn nhận Ngài là Nguồn Mạch, là Trung Tâm, là Sức Sống của cả đời mình. Người Biệt Phái đã không tạ ơn thực tâm, vì ông quay vào mình, coi mình là trung tâm, là tác giả mọi điều tốt đẹp ông đã làm. Như thế Thiên Chúa chỉ là một người mà ông đến gặp để kể công và đòi nợ. Thiên Chúa phải trả cho ông Nước Trời vì ông đã có công. Người Biệt Phái không xin Chúa điều gì, bởi vì ông không thấy mình thiếu gì cả. Thiên Chúa chẳng thể cho ông điều gì, vì ông đã đầy ắp. Vì tự mãn, nên ông mất đi một khả năng quan trọng, đó là mở ra để đón nhận Thiên Chúa vào đời mình (Augustine).

Tại Đền Thờ Thánh Phêrô có một bức tượng Chúa Chịu Nạn do Thorvaldsen (1770-1844) nhà điêu khắc Đan Mạch nổi tiếng thực hiện. Ngày kia, một du khách đến viếng bức tượng, ông ta nhìn mãi rồi lắc đầu nói: tôi nghe đồn bức tượng này nổi tiếng là đẹp lắm nhưng tôi chẳng thấy có gì đẹp cả. Một người quỳ sau lưng ông nói: ông phải quì gối xuống mới thấy đẹp. Ông du khách liền quì gối. Bấy giờ ông mới khám phá ra vẻ đẹp lôi cuốn của bức tượng Chúa Chịu Nạn. Muốn gặp gỡ Chúa, muốn đón nhận lòng thương xót của Người, con người cần quì gối với tâm tình khiêm tốn.

Tin Mừng hôm nay đề cao lời cầu nguyện khiêm nhường của người Thu Thuế, không nhìn sang người khác, không so sánh mình với kẻ khác, nhưng nhìn vào chính mình và so sánh mình với mẫu gương của Chúa, qua đó anh đã khám phá ra những khuyết điểm bản thân rồi khiêm tốn chấp nhận. “Lạy Chúa! Xin thương xót con”. Lời cầu nguyện của người Thu Thuế thật đơn giản. Ý thức được thân phận yếu hèn tội lỗi của mình, ông hoàn toàn cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa. Đó là lời cầu nguyện của người ở trong sự thật và được sự thật giải thoát khỏi tội lỗi. Lời cầu nguyện khiêm nhường là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa.

Quả thật, người Thu Thuế nhận mình lầm lỗi, ông biết rõ tội mình vô phương cứu chữa, chẳng dám ngước mắt nhìn lên, chỉ biết đấm ngực ăn năn và kêu xin lòng thương xót Chúa. Ông bất lực hoàn toàn, chỉ phó thác cho lòng Chúa khoan dung. Ngay lúc đó, ông trở nên công chính. Chính tâm tình ấy mà Chúa đã nhìn xuống và làm cho ông nên công chính.

Sau khi đưa ra hai thái độ cầu nguyện của người Biệt Phái và Thu Thuế, Đức Giêsu đã nhận định như sau: ”người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không”(Lc 18,14).

Đức Giêsu muốn nói, lời cầu nguyện của người Thu Thuế với thái độ khiêm tốn và thống hối nên được ơn nghĩa với Thiên Chúa và được ơn tha thứ; còn lời cầu nguyện của người Biệt Phái với thái độ tự mãn thiếu lòng khiêm tốn và hoán cải, vì ông chỉ để ý đến sự công chính của riêng mình nên không được ơn nghĩa gì trước mặt Chúa và không được tha thứ “vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Amen.

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
Kính chuyển:
Hồng
 
 

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - CN30TN-C

  •  LM MINH ANH
     
     
    CN3OTN-C

    SO SÁNH VỚI ĐẤNG KHÔNG THỂ SO

    TIN MỪNG LUCA 18, 9-14

    “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác; hay là như tên thu thuế kia!”; “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!”. (CÂU 11 VÀ 13)

    Một nhà giáo dục nói, “Trong tiếng Anh có 5 chữ “C” khiến bạn dễ va vấp: “Criticizing, chỉ trích”; “Comparing, so sánh”; “Complaining, càu nhàu”; “Competing, cạnh tranh”; “Correcting, chỉnh sửa”. Hãy thay chúng với “Complimenting, khen ngợi!”. Và nếu phải so sánh, thì hãy so với một chữ “C” khác, “Christ, Chúa Kitô”; nói cách khác, bạn hãy ‘so sánh với Đấng không thể so!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Thật thú vị, chúng ta gặp lại đề nghị của nhà giáo dục qua Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay. Người biệt phái trong Tin Mừng là một mẫu người cụ thể thích so sánh. Không thể tin được, chỉ vỏn vẹn vài phút trước mặt Chúa, nhưng anh đã phạm một loạt sai lầm khi đem mình so với người khác, với người thu thuế; lẽ ra, anh phải ‘so sánh với Đấng không thể so’, Chúa Kitô!

    Trước hết, người biệt phái đã chu toàn mọi sự với một quan niệm sai lầm rằng, anh ta có thể tậu được thiên đàng; một sai lầm khác là anh nghĩ rằng, anh có thể ghi điểm cho những gì anh đã làm. Mặc dù anh đã mở đầu lời cầu bằng cách tỏ vẻ nhìn nhận Thiên Chúa, nhưng khi kết thúc, anh lại hành động như thể anh là người thực sự đáng được khen lao; và thật trớ trêu, anh xem Thiên Chúa như ‘con nợ’ của anh. Và một sai lầm khác là anh đem mình so sánh với những người khác; cụ thể với người thu thuế đang đứng xa xa tận cuối đền thờ. Lẽ ra anh phải đặt mình ‘so sánh với Đấng không thể so’, chính Thiên Chúa là Chúa của anh!

    Chưa hết, anh cầu nguyện như thể là ‘anh em sinh đôi’ với Đức Mẹ, “Đấng Đầy Ân Sủng”, bởi anh đánh giá thấp cái xấu tồn tại trong cuộc sống mình; và dường như anh không biết về bất kỳ tội lỗi nào mà anh đã phạm - vì ít nhất, anh không đề cập đến bất cứ tội lỗi nào với Chúa trong khổ độc thoại của mình. Chúa Giêsu từng cho biết, một người bình thường có thể phạm tội bảy lần một ngày, vì vậy anh phải có một điều gì đó để đặt trước mặt Chúa và cầu xin sự tha thứ của Ngài. Lương tâm anh tựa hồ một cái sàng sưa, một cái sàng ‘khá dễ dãi’ nên hầu hết tội lỗi của anh đều lọt qua nó mà không cần phải nhặt chúng lên. Thật không may, dường như anh không nhận thức được bất cứ điều gì; và điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa không biết nó là gì. Nếu anh cầu xin tha thứ, Chúa sẽ ban cho, nhưng vì anh hành động như thể anh vô tội, nên tội của anh vẫn còn.

    Thái độ của người thu thuế lại hoàn toàn khác. Có lẽ, ông đã đem mình ‘so sánh với Đấng không thể so’, nên thay vì tập trung vào điều tốt ít ỏi của mình, ông chú ý vào tội lỗi của chính ông. Ông xin Chúa tha thứ nó, xin Ngài bỏ qua nó; và đây là thái độ đúng đắn chúng ta cần có trước mặt Chúa. Bài đọc Huấn Ca hôm nay nói, “Lời cầu nguyện của người khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây”. Trong bài đọc hai, Phaolô cũng tỏ ra thật khiêm tốn; biết giờ ra đi của mình đã gần kề, Phaolô chỉ cậy trông vào Chúa; ngài tâm sự với Timôthê, “Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha”. Thánh Vịnh đáp ca cũng có chung một tâm tình, “Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe!”.

    Anh Chị em,

    “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!”. Bạn và tôi hãy biến lời này thành lời cầu nguyện của mình. Hãy thừa nhận tội lỗi; thừa nhận nhu cầu của chúng ta đối với lòng thương xót của Thiên Chúa và để lòng thương xót đó nâng chúng ta lên trong sự công bình của Chúa. Hãy nhớ, những người vẽ ra một hình ảnh sai lệch về bản thân có thể tự đánh lừa mình và thậm chí, có thể đánh lừa người khác; nhưng họ sẽ không bao giờ lừa được Thiên Chúa và không bao giờ bình yên thực sự trong tâm hồn. Mỗi người chúng ta phải nhận ra sự thật khiêm tốn về tội lỗi và sự yếu đuối của mình, và trong nhận thức đó, cầu xin một phương thuốc duy nhất - lòng thương xót Chúa; và nếu phải so sánh thì hãy đem chính mình so với Chúa Giêsu. Hãy cứ thường xuyên ‘so sánh với Đấng không thể so’, bạn và tôi sẽ nên thánh!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giúp con ý thức thực sự tội lỗi của con. Nếu có điều gì con không biết, giúp con xem nó là gì; và nếu muốn so sánh, xin dạy con ‘so sánh với Đấng không thể so!’”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BẢY

  •  LM MINH ANH
     
     
     
    THỨ BẢY - CN29TN-C

    MỘT SỰ TỒN TẠI VÔ SINH

    TIN MỪNG LUCA 13, 1-9

    Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa!”. (CÂU 8)

    Kết thúc Công Nghị Quốc Tế Các Dòng Tu năm 2018, Đức Phanxicô nói, “Tôi cầu chúc ai ai cũng sinh sôi nảy nở. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được tiến trình đơm hoa kết trái đâu… nhưng nếu bạn cầu nguyện, nghèo khó, và nhẫn nhịn; thì cứ tin đi, chắc chắn chúng ta cũng sẽ ‘con đàn cháu đống!’. Bằng cách nào? Đừng lo, ngày kia, “trên thiên đàng”, Chúa sẽ tỏ cho biết! Chính cầu nguyện, khó nghèo và nhẫn nhịn là cách thức đâm chồi nảy lộc. Quý Cha, Quý Soeurs và Anh Chị em sẽ là một người cha, một người mẹ của các hậu duệ. Đó cũng là những gì tôi cầu chúc cho ai sống đời tu trì, được ‘mắn đẻ’ chứ không là ‘một sự tồn tại vô sinh!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Thật thú vị, ý tưởng của Đức Thánh Cha được gặp lại qua dụ ngôn Tin Mừng hôm nay. “Cây vả may mắn” được giữ lại cho thấy, đối với bất cứ ai, Thiên Chúa vẫn luôn có cho họ một cơ hội thứ hai. Ngài có một tầm nhìn rộng lượng, đầy hy vọng về tương lai của mỗi người, ngay cả đối với những ai tưởng mình là tốt lành, nhưng thực chất, đó chỉ là ‘một sự tồn tại vô sinh!’.

    Cây vả suýt nữa bị chặt tượng trưng cho ‘một sự tồn tại vô sinh’, vốn không có khả năng cho đi, không có khả năng làm điều lành. Đó là biểu tượng sống động về một người chỉ sống cho mình, an nhiên tận hưởng những gì mình có mà không hề buồn hướng ánh mắt và trái tim đến những người bên cạnh. Nhiều lúc, trong đời sống đức tin, chúng ta thấy mình là ‘hoàn thiện’, ‘có thể chấp nhận được’ khi thảo hiếu với Chúa và tử tế với tha nhân; thế nhưng, đó là một cám dỗ lớn! Vì rằng, trong thực tế, Thiên Chúa thấy ngần ấy vẫn là không đủ! Là con cái, chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng không được lạm dụng nó; chúng ta không được biện minh cho sự ‘tự mãn thiêng liêng’, một sự tự mãn đến nỗi khiến chúng ta ‘vô sinh’ mà không hay biết, điều mà Thiên Chúa nhất định không chấp nhận.

    Nếu tinh ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng, cây vả được trồng giữa một vườn nho; nói cách khác, nó được ưu tiên! Đó là hình ảnh linh hồn mỗi người. Đất mà chúng ta được trồng xuống là ‘đất xót thương’; đây là đất giàu nhất, tốt nhất để có thể sản sinh những hoa trái đáng được mong đợi. Thiên Chúa ban cho chúng ta ánh nắng, sương đêm và hơi ấm là ân sủng cần thiết cho sự lớn lên; bên cạnh đó, Ngài cắt tỉa chăm bón chúng ta bằng các Bí Tích và lửa Thánh Thần. Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô nói đến ân sủng muôn vẻ của Thiên Chúa, Đấng ban cho “kẻ này làm tông đồ, người khác làm tiên tri; kẻ khác nữa thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy”. Tất cả trở nên mạnh mẽ nhờ Thánh Thần và trong Thánh Thần. Vì thế, hãy tự tin để can đảm từ chối một lối sống theo cách của ‘một sự tồn tại vô sinh!’.

    Anh Chị em,

    Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa!”. Dụ ngôn tiết lộ sự nhẫn nại của Thiên Chúa và cách Ngài nhìn chúng ta. Thiên Chúa không chỉ thấy những gì chúng ta đã thất bại trong quá khứ nhưng còn thấy những gì chúng ta có thể làm trong tương lai. Đó cũng là cách chúng ta cần nhìn tha nhân trong mọi tình huống cuộc đời. Người làm vườn trong dụ ngôn chính là Chúa Giêsu. Như Ngài, chúng ta cần kiên nhẫn, chờ đợi, để có thể nhìn thấy bên dưới bề mặt của những tầm thường nơi anh chị em mình các dấu hiệu, tuy đang mờ nhạt, một sự sống mới có thể ở đó. Chúa Giêsu sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo đảm cuộc sống của chúng ta sinh hoa kết trái, hoa trái Thánh Thần. Điều mà Ngài có thể làm là để cho mình bị chặt, bị băm nát vì chúng ta, thay cho chúng ta. Mỗi ngày, Ngài “cắt tỉa” chúng ta bằng Lời; “bón” chúng ta bằng Thịt Máu; “sưởi” chúng ta bằng lửa Thánh Thần; và “tưới” chúng ta bằng ân sủng. Cứ thế, Ngài chăm bón; bởi lẽ, Ngài không chấp nhận ‘một sự tồn tại vô sinh’ từ bất cứ linh hồn nào.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin đừng để con thất vọng về chính mình hay thất vọng về bất cứ một ai; vì rằng, Chúa không bao giờ thất vọng về con, Chúa đã làm mọi cách để con khỏi ‘vô sinh!’”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

Subcategories