3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC- 5 PHUT LỜI CHÚA - THỨ NĂM

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     


     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    29/09/22 THỨ NĂM TUẦN 26 TN
    Các tổng lãnh thiên thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en


    Ga 1,47-51

     
    PHỤNG SỰ VÀ PHỤC VỤ
     
    Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người. ” (Ga 1,51)
     

    Suy niệm/SỐNG: Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Chúa là ‘Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.’ Các thiên thần chính là những tạo vật vô hình đó. Sứ mạng của các ngài là phụng sự Thiên Chúa (Mi-ca-en,

       Gáp-ri-en; bài đọc I, Tin Mừng) và phục vụ con người (Ra-pha-en). Các ngài cũng bị thử thách để tỏ lòng trung tín với Chúa, và một số thiên thần bội phản bị phạt là ma quỉ (GLCG số 311; 391; cf bài đọc II).

       Tuy thiêng liêng, các ngài lại rất gần gũi với chúng ta như bạn hữu để giúp đỡ chúng ta trong cuộc chiến thiêng liêng. Giáo Hội muốn chúng ta sống thân mật với các thiên thần, nhất là thiên thần bản mệnh của mỗi người.

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Các thiên thần là gạch nối giữa Thiên Chúa và con người: “Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.

       Học gương của các thiên thần trong việc phụng sự Thiên Chúa. Đừng nói “Non serviam” (Tôi bất tuân phục) như Sa-tan, nhưng mau mắn thực hiện ý Chúa như Gáp-ri-en.

       Cũng học gương các ngài để tận tình phục vụ anh chị em như Ra-pha-en (cf. truyện Tô-bi-a).

     

    Sống Lời Chúa: Tin Mừng kể lại rằng khi Chúa giáng sinh, các thiên thần ca hát chúc tụng Chúa (cf. Lc 2,13); khi Đức Giê-su chịu cám dỗ, các thiên thần đến hầu hạ Người (cf. Mt 4,11),

       Và trong cơn hấp hối ở Vườn Cây Dầu, Đức Giê-su cũng được các thiên thần đến an ủi (cf. Lc 22,43). Bạn hãy là một ‘thiên thần’ chia vui sẻ buồn với anh chị em xung quanh.

    Cầu nguyện: “Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần, con xin đàn ca kính Chúa” (Tv 137,1).

     gplongxuyen

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ TƯ

  •  LM MINH ANH
     
     

    MỘT GIÁ CẢ TIỀM N

    TIN MỪNG LUCA 9, 57-62

    Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy!”. (CÂU 57)

    Paul Dickson nói, “Thiên Chúa ban cho con người mọi sự, để nó toàn quyền sử dụng chúng cho vinh quang Ngài. Thế nhưng, thiên nhiên luôn có những khuyết điểm tiềm ẩn của nó; vì thế, con người phải chấp nhận ‘một giá cả tiềm ẩn!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Như Dickson cho biết, việc sử dụng thiên nhiên đòi hỏi con người chấp nhận rủi ro, phương chi việc đi theo Đấng tạo thành nó. Trong Tin Mừng hôm nay, một người khoe, “Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy!”; Chúa Giêsu nói, “Con Người không có nơi gối đầu”. Câu trả lời khá bấp bênh của Ngài khiến chúng ta tự hỏi, liệu người ấy có hiểu điều anh ta sẽ làm không? Bởi lẽ, việc theo Chúa luôn đòi hỏi ‘một giá cả tiềm ẩn’, vì không phải lúc nào cũng hào nhoáng!

    Chúng ta có thể ước mơ làm nhiều điều cho Chúa, nhưng cuộc đấu tranh ngày này qua ngày khác nhiều lúc thật khó chịu. Những thách thức không đáng có thì muôn mặt. Một người vợ mới cưới thất vọng khi khám phá chồng cô không thể cáng đáng tài chánh; một người mẹ tuyệt vọng khi hay tin đứa con kỳ vọng bỏ học; một người cha vui mừng khi vừa nhận một công việc tốt, nhưng sớm phát hiện, ông chủ mới là một bạo chúa. Cũng thế; việc theo Chúa có những rủi ro tương tự, người môn đệ sẽ trả ‘một giá cả tiềm ẩn’; vì không phải lúc nào cũng huy hoàng.

    Chúa Giêsu còn nói với một người được gọi, khi người này xin về chôn cất người thân, “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết!”. Ý của người ấy là anh cần phải về nhà để chăm sóc cha mình cho đến khi ông qua đời. Theo Origen, câu nói này còn mang một ý nghĩa thần học sâu sắc, “‘Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết’ ngụ ý về mặt tâm linh. Không lãng phí thời gian cho những thứ đã chết! Vô luân, ô uế, đam mê, ham muốn xấu xa và tham lam; đó là việc tôn thờ ngẫu tượng. Những thứ này làm cho bạn chết. Hãy đuổi chúng đi! Hãy cắt chúng như cắt khối u để toàn thân khỏi nhiễm bẩn, để bạn không nghe nó nói, ‘Hãy để kẻ chết “tâm linh” chôn kẻ chết tâm linh!’. Việc cắt bỏ này là ‘một giá cả tiềm ẩn’ phải trả. Với một số người, điều này có vẻ mâu thuẫn khi Đấng Cứu Rỗi không cho phép người môn đệ chôn cất cha mình; trên thực tế, Ngài không cấm điều đó; đúng hơn, Ngài đặt trước điều này ‘một lời công bố về Vương Quốc thiên đàng’, nơi mọi người sống. Còn người chết, thì ai cũng chôn được!”.

    Tin Mừng còn nói đến một người thứ ba được gọi, người này xin “về từ giã gia đình trước đã”. Chúa Giêsu nói, “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”. Ngài không khắt khe và thô lỗ với những người sẽ là môn đệ, nhưng một khi chọn theo Ngài, Chúa muốn chúng ta tính toán, ngã giá cách tự do, cho dù đó là ‘một giá cả tiềm ẩn’.

    Thật thú vị, Gióp, một con người tuyệt đối tin vào Đấng tạo dựng các sao trời, Đấng mà “Chỉ một mình Ngài trải các tầng trời và bước đi trên sóng biển”. Ấy thế, Gióp cũng phải trả ‘một giá cả tiềm ẩn’ khi phải bước đi trong đức tin; từ đáy tuyệt vọng, Gióp thốt lên những lời tuyệt vời, “Khi Chúa nhậm lời tôi kêu, tôi cũng không chắc Ngài nghe tôi”. Dẫu thế, Gióp vẫn kiên trì khấn xin; Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Lạy Chúa, nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa!”.

    Anh Chị em,

    “Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy!”. Theo Chúa Kitô, bạn và tôi phải sẵn sàng trả ‘một giá cả tiềm ẩn’. Điều này nghe có vẻ liều lĩnh nhưng đó là sự thật. Việc theo Ngài đòi tôi trả giá mỗi ngày, nhưng việc trả giá mỗi ngày này lại giúp tôi có khả năng để trả những giá cao hơn cho những hy sinh lớn hơn. Nhưng bạn đừng quên, như hai mặt của đồng tiền, giá tiềm ẩn cũng có hai mặt! Giá để ‘trả’; và giá để ‘nhận!’. Bước theo Giêsu, chúng ta đi trên đường thập giá của Đấng tự huỷ chính mình; nhưng bước theo Giêsu, chúng ta còn nhận được không chỉ gấp trăm ở đời này mà còn được cả Nước Trời, được Giêsu, được Con Thiên Chúa, được thiên đàng.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, Chúa biết sức con hèn yếu, xin trợ lực con; cho con biết, Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của một ai, một ai dám trả ‘một giá cả tiềm ẩn’ để được cả Nước Trời!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BA

  •  LM MINH ANH
     
                                                                                                                 

    BUÔNG BỎ VÀ BƯỚC TIẾP

    “Ngài cương quyết lên đường đi Giêrusalem”.

    Một chiến lược gia nói, “Những gì bạn muốn luôn có giá của nó! Thất bại tạm thời có thể là giá phải trả. Nếu nó xảy ra, hãy chấp nhận và tiếp tục! Sự vắng mặt của thất bại tiết lộ nỗ lực của bạn có thể đang ở mức tối thiểu, khả năng chiến thắng rất ít. Trong nhiều trường hợp, thất bại có thể là điều tốt nhất tiếp theo để thành công; với điều kiện, bạn phải ‘buông bỏ và bước tiếp!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Sẽ là một trùng hợp thú vị khi ý tưởng ‘buông bỏ và bước tiếp’ của nhà chiến lược kia, được Lời Chúa hôm nay minh hoạ với hai nhân cách dám sống, dám chết cho ‘ý lực kép’ này! Đó là hai con người dám ‘lên Giêrusalem!’; một Gióp của Cựu Ước, một Giêsu của Tân Ước!

    Bài đọc Cựu Ước giới thiệu chân dung thật của Gióp, nhân chứng của một đức tin không chấp nhận bất kỳ “bức tranh biếm họa” nào về Thiên Chúa. Gióp lớn tiếng phản đối khi đối mặt với sự dữ; nhưng ngạc nhiên thay, lại chấp nhận ‘buông bỏ và bước tiếp’ cho đến khi Thiên Chúa đáp lại và ‘ló dạng’. Cuối cùng, Ngài tỏ bày cho Gióp vinh hiển Ngài mà không đè bẹp ông. Bản thân chúng ta những người khác cũng có thể có những trải nghiệm tương tự với những nỗi đau khủng khiếp bên trong và bên ngoài, khi mỗi người tự hỏi tại sao Thiên Chúa thờ ơ đến thế? Điều này dẫn đến việc một số người chọn “cái chết êm dịu”. Riêng Gióp, dẫu hối tiếc vì đã được sinh ra, nhưng Gióp không bao giờ nghĩ đến việc tự vẫn; đặc biệt, Gióp không hề hé môi than trách Chúa, dù nửa lời! Sở dĩ Gióp có thể kiên trung đến thế; bởi lẽ, Gióp không ngớt van xin Ngài, “Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa!” như tâm nguyện của Thánh Vịnh đáp ca.

    Nhân vật thứ hai, Giêsu; Luca viết, “Ngài cương quyết lên đường đi Giêrusalem”. Như vị tướng xuất quân, Chúa Giêsu bắt đầu một chiến lược không mấy phổ biến! Đội quân nào xuất trận cũng mang hy vọng chiến thắng; hay ít nhất, mong ước nó. Chúa Giêsu thì không! Ngài biết thất bại đang chờ Ngài, cái chết! Nhưng đó là ý Cha! Là con người, không dễ chấp nhận thất bại, vậy mà Chúa Giêsu đã ‘buông bỏ và bước tiếp’; buông ý riêng, buông khôn ngoan thế gian hầu có thể hoàn tất sứ mạng. Ngài buông bỏ vinh quang Thiên Chúa, buông bỏ thần tính cao cả để hành quân lên Giêrusalem, nơi ý Cha thành toàn. Tuy nhiên, tham gia vào trận chiến này, Ngài không thể hiện theo cách nhân loại; nhưng tiến vào đó như con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt. Chiến lược của Ngài là khiêm tốn! Khiêm tốn, bom nguyên tử mà Ngài sẽ thả vào địa đạo của Satan. Nhờ đó, Ngài đã đánh bại sự kiêu hãnh và ngạo mạn của chúa thế giới.

    Tin Mừng còn nói đến sự từ chối của dân làng Samaria, khiến các môn đệ phẫn uất; và họ đã nhanh chóng học được rằng, vũ khí tấn công là lòng tốt, sự dịu dàng, bác ái và khiêm tốn. Nếu Chúa Giêsu phàn nàn hoặc trả đũa, thì đó sẽ là một thất bại; thay vào đó, “họ đi đến một làng khác”. Đơn giản đến thế! Ngài chiến thắng bằng tha thứ, quên đi; ‘buông bỏ và bước tiếp!’.

    Anh Chị em,

    “Ngài cương quyết lên đường đi Giêrusalem”. “Cương quyết”, từ ngữ Luca dùng để diễn tả cuộc chiến nội tâm tàn khốc của Chúa Giêsu. Với Ngài, dù bất cứ giá nào, ngay cả phải chết, ý Cha phải kiện toàn! Đây là bài học cho chúng ta. Ngài đã sử dụng ‘vũ khí tự huỷ’ vâng phục, khiêm tốn và hiền lành. Đây là chiến lược của ‘người tôi tớ’ mà căn cứ của ma quỷ sẽ phải nổ tung. Là môn đệ Chúa Giêsu, cùng chiến đấu với Ngài, chúng ta không có một vũ khí nào khác ngoài những khí tài này. Đó cũng là cuộc chiến nội tâm mà bạn và tôi phải chiến đấu đến cùng. Chiến thắng của chúng ta là cương quyết từ bỏ ý riêng, tội lỗi, cừu hận, ghen ghét và đó là ‘lên Giêrusalem’ với Ngài; tắt một lời, bạn và tôi ‘buông bỏ và bước tiếp!’.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, ‘ôm lấy và thoái lui’ luôn dễ dàng và dễ chịu, xin giúp con ‘buông bỏ và bước tiếp’ bằng việc lớn lên qua những bài học thất bại mà chính Thánh Thần sẽ dạy cho con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA - THỨ TƯ

  •  GIÁO PHẬN LONG  XUYÊN
     


    5 PHÚT LỜI CHÚA

    28/09/22 THỨ TƯ TUẦN 26 TN
    Th. Lô-ren-xô Ru-y và các bạn tử đạo


    Lc 9,57-62

     
    THEO THẦY GIÊ-SU
     
    “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” (Lc 9,57)
     

    Suy niệm/SỐNG: Tin Mừng hôm nay trình bày cho ta về ba loại ứng viên môn đệ của Thầy Giê-su: - tự nguyện xin theo; - được chính Thầy Giê-su gọi; - đi theo với điều kiện.

    Thầy Giê-su có câu trả lời rất riêng với từng loại người, tựu trung đòi hỏi ba điều kiện: (1) chấp nhận đời sống phiêu lưu,  nghèo khó; (2) đặt Nước Trời ở vị trí ưu tiên cao nhất; (3) dứt khoát và hy sinh. 

    Theo Thầy Giê-su, trở thành môn đệ của Ngài, là  “Một sự lựa chọn tự do và có ý thức, xuất phát từ tình yêu thương, để đáp lại ân sủng vô giá của Thiên Chúa, chứ không phải là đánh bóng bản thân” (Đức Phanxicô). 

    Theo Thầy Giê-su là cùng mơ, hiện thực ước mơ của Ngài: lửa mến bùng cháy. Theo Thầy Giê-su là cùng Ngài “lên Giê-ru-sa-lem” (c.51).

     

    Mời bạn CHIA SẺ: Sequela Christi” (theo Đức Ki-tô) là việc họa lại nếp sống tại thế của Ngài, tận hiến cho sứ vụ phục vụ Nước Thiên Chúa, thông dự vào mầu nhiệm Vượt Qua.

       Lời mời gọi này không phải lúc nào cũng dễ đáp trả, đòi hỏi người môn đệ luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường, làm chứng cho các giá trị Tin Mừng. Bạn có muốn và sẵn sàng đáp lại, bước theo Thầy Giê-su chưa?

     

    Sống Lời Chúa: Quan tâm, nghiêm túc “xem xét” tiếng gọi Theo Thầy Giê-su trong lòng bạn, trong bậc sống, để dấn thân cho Ngài cách cụ thể, hiệu quả hơn: sống ơn gọi tu trì hay gia đình, làm chứng trong hoàn cảnh, môi trường riêng của mình.

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, lời mời gọi của Ngài luôn mới mẻ, đang khi cách chúng con đáp trả chẳng luôn dứt khoát và sẵn sàng. Xin cho chúng con nghiệm thấy tình thương của Chúa trong đời mình và dấn thân hơn nữa cho tình yêu ấy.

    gplongxuyen
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH- THỨ HAI

  •  LM MINH ANH
     
     
     
     
       

    TRỞ NÊN VĨ ĐẠI - THỨ HAI CN25TN-C

    TIN MỪNG 9, 46-50: AI LÀ NGƯỜI NHỎ NHẤT?

    “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”.(C.48)

    Phillip Brooks nói, “Cách thực sự để khiêm tốn không phải là khom lưng cho đến khi bạn nhỏ hơn chính mình, mà là đứng ở ‘độ cao thực’ so với một bản chất cao hơn nào đó. Điều này cho thấy sự ít ỏi thực sự của cái ‘được gọi’ là vĩ đại nơi bạn. Vậy mà, càng nên bé nhỏ, bạn càng ‘trở nên vĩ đại!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Càng nên nhỏ bé, bạn càng ‘trở nên vĩ đại!’”. Tư tưởng của Phillip Brooks được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay. Ai ‘hạ mình’ trước Chúa, ‘nhún mình’ trước người; kẻ ấy ‘trở nên vĩ đại!’. Như một em bé, Gióp hạ mình trước Chúa; cũng với một em bé đứng bên cạnh mình, Chúa Giêsu dạy bài học khiêm nhường, “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”.

    Bài đọc Gióp kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa và Satan. Thật thú vị, đầu dây mối nhợ, Chúa đem Gióp ra khoe như khoe ‘cục cưng’ của mình; đúng hơn, Ngài ném Gióp trước Satan như một thách thức, “Ngươi có để ý đến Gióp, tôi tớ của Ta không? Chẳng có ai trên đời này giống như nó: vẹn toàn, ngay thẳng, kính sợ Chúa và lánh xa điều ác!”. Satan dể duôi, “Ngài cứ thử đưa tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, hẳn nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt!”. Phóng lao theo lao, Chúa phó mọi tài sản của Gióp vào tay Satan, trừ mạng sống ông. Vậy là tai ương dồn dập ập xuống Gióp; Gióp mất con trai, con gái, chiên bò… không còn gì cả. Nhưng chẳng một lời trách móc; trái lại, Gióp thêm lòng yêu mến, “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó trần truồng; Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Danh Chúa”. Nhờ cậy trông vào Chúa như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Xin Chúa lắng tai và nghe tiếng con cầu!”, Gióp vượt qua tất cả. Hú hồn! Chúa toàn thắng Satan; Ngài ban cho Gióp nhiều hơn trước. Gióp ‘trở nên vĩ đại!’.

    Với bài Tin Mừng, khi biết các môn đệ nghĩ ngợi trong lòng ai là người lớn nhất, Chúa Giêsu đã thực hiện một cử chỉ ấn tượng, bằng cách đặt một đứa trẻ bên cạnh mình để cho họ thấy ai thực sự là người lớn nhất trong Nước Trời. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy các môn đệ tranh cãi xem ai là người lớn nhất! Chúng ta không làm điều tương tự sao? Ham muốn địa vị và quyền lực dường như đã tiềm ẩn trong máu mỗi người. Ai lại không ấp ủ tham vọng trở thành một “ai đó”, được người khác ngưỡng mộ, hơn là trở nên “không ai?”.

    Vậy một trẻ nhỏ có thể tiết lộ cho chúng ta điều gì về sự vĩ đại? Trẻ em trong thế giới cổ đại không có quyền, vị trí hoặc ưu tiên; trẻ ở dưới cùng của bậc thang xã hội, phục vụ người lớn như một tôi tớ. Cử chỉ đặt một trẻ bên cạnh, nâng nó lên trước các môn đệ cho thấy sự tôn trọng của Chúa Giêsu. Ngay cả ngày nay, chủ nhà vẫn để vị khách danh dự ngồi bên phải của mình. Ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Kẻ khiêm nhường mang thân phận của một tôi tớ!

    Anh Chị em,

    “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”. “Tiếp đón em nhỏ này” nghĩa là nên bé nhỏ! Chúa Giêsu là khuôn mẫu “trở nên bé nhỏ” của chúng ta. Trong Thánh Thể, Đấng Vĩ Đại trở nên bé nhỏ để đến với chúng ta. Đón tiếp Đấng Vĩ Đại, ngày càng nên giống Ngài, con người ‘trở nên vĩ đại’. Chúa Giêsu ước mong mỗi người chúng ta ngày càng nên giống Ngài. Giống Ngài trong yêu thương, giống Ngài trong phục vụ; giống Ngài trong việc buông mình cho Thiên Chúa Cha, giống Ngài trong việc tự hiến cho con người. Cũng thế, khi chúng ta làm những việc nhỏ mọn bởi tình yêu dành cho Đấng Vĩ Đại, Đấng đã hiến mình cho chúng ta, chúng ta ‘trở nên vĩ đại’. Chúa muốn chúng ta trở nên những chiếc bình rỗng để Ngài có thể đổ đầy vinh quang, quyền năng và tình yêu Ngài; để từ đó, chúng ta trở nên những dụng cụ ân sủng của Ngài, tràn dâng cho người khác. Chính lúc ấy, chúng ta thực sự ‘trở nên vĩ đại!’.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    Lạy Chúa, để làm vinh danh Chúa, những gì con nhận cũng là những gì con trao. Cho con biết cúi xuống, trở nên một người phục vụ. Và đó là phương thế con ‘trở nên vĩ đại!’”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
    Kính chuyển:
    Hồng 
     

Subcategories