3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BA

  • LM MINH ANH
     
    THỨ BA CN24TN-C
     
     

    KHÔI PHỤC NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT

    Đừng khóc nữa!” (Câu 13) - TIN MỪNG LUCA 7, 11-17

    Hai giọt nước mắt nhỏ xuống, cùng trôi ra dòng sông cuộc đời. Giọt này nói với giọt kia, “Bạn là ai?”. Giọt kia nói, “Tôi là giọt nước mắt của một cô gái đang yêu một người đàn ông và mất anh ta! Còn bạn, bạn là ai?”. “Ôi, tôi là giọt nước mắt của cô gái đã lấy được anh ấy!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Sẽ khá bất ngờ khi Lời Chúa hôm nay cũng nói đến những giọt nước mắt, không phải của những cô gái đang yêu, nhưng của một bà mẹ mất con; qua đó, tình yêu Thiên Chúa tỏ lộ! Đó là một tình yêu lớn hơn sự chết! Thiên Chúa sẽ lau khô mọi dòng lệ trên từng khuôn mặt; vì Ngài là tình yêu, luôn ‘khôi phục những gì đã mất’, và luôn làm cho sống!

    Như quả phụ Nain mất đứa con duy nhất của mình, con người có nhiều “lý do” để tuyệt vọng, bởi nó vô phương giải quyết muôn vàn khó khăn, nhất là những lúc đối diện với cái chết; lúc ấy, nó bất lực thật sự trong việc giúp đỡ người khác. Vậy mà, Chúa Giêsu vẫn trấn an, “Đừng khóc nữa!. Quyền năng vô hạn của Ngài giải phóng chúng ta khỏi những giới hạn bi thảm của con người; hơn nữa, “Chúng ta biết rằng, mọi sự đều có ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa!”.

    Với tư cách Đấng Cứu Chuộc, Ngài hành động! Vì thế, “Đừng khóc nữa!” mang trọng lượng của một mệnh lệnh hơn là một ủi an. Như ngày tận thế, khi đau khổ và cái chết có thể xuất hiện, thì cuối cùng, Thiên Chúa bày tỏ một tình yêu luôn làm cho sống; sách Khải Huyền viết,Ngài sẽ lau mọi giọt lệ trên mắt họ, và sẽ không còn chết chóc, than khóc hay đau đớn nữa”. Quả phụ Nain sắp nhận được một ân sủng khôn lường, không thể tưởng tượng so với nỗi buồn của cô; vì rằng, con cô sống lại. Bạn và tôi cũng hãy hy vọng vào lòng nhân từ của Chúa Kitô, Đấng ‘khôi phục những gì đã mất’ nơi chúng tanơi cả những người thân yêu của chúng ta.

    Hỡi thanh niên, Tôi truyền cho anh hãy chỗi dậy!”. Chúa Giêsu không an ủi tôi chỉ đơn giản bằng cách loại bỏ cảm xúc hoặc để tôi tưởng tượng rằng, mọi thứ khác với thực tế. Thay vào đó, Ngài hành động để loại bỏ nguyên nhân gây ra đau khổ và buồn phiền; sách Xuất Hành viết, “Vì Ta Chúa, Đấng chữa lành các ngươi!”. Khi nói với quả phụ Nain, “Đừng khóc nữa!, Ngài không kết tội là một phụ nữ dễ xúc động và làm quan trọng mọi việc; ngược lại, Chúa Giêsu xót thương vì sự mất mát con trai yêu quý. Vì vậy, với tất cả trái tim và linh hồn, tôi phải tin để hy vọng rằng, cuộc sống của tôi nằm trong tay Chúa; cuộc sống của những người thân yêu của tôi nằm trong tay Chúa. Như Phaolô, bạn và tôi cần mạnh mẽ tuyên xưng, “Chúng ta sống, sống cho Chúa;chúng ta chết, chết cho Chúa!”.

    Anh Chị em,

    Đừng khóc nữa!”. Đó là lời một thanh niên có tên Giêsu nói với bà mẹ Nain đi ra từ trong thành; thứ Sáu tuần thánh, Giêsu ấy cũng ra khỏi thành, Mẹ anh cũng khóc. Ô hay! Anh không an ủi bà, anh không tự cứu mình mà đã chết thật; để rồi, nhờ cái chết của mình, Giêsu ấy đã kéo toàn thể nhân loại vào Giêrusalem thiên quốc, thành thánh trên trời. Luca viết, “Đoạn tiến lại gần, Ngài chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại”. Lòng từ bi vĩ đại đã hướng dẫn hành động của Chúa Giêsu! Ngài quyết định đương đầu với cái chết, có thể nói là mặt đối mặt; và sẽ đối đầu với nó cách dứt khoát, trực diện, trên Núi Sọ! Với thanh niên Nain đã chết, Ngài nói lớn tiếng cho mọi người nghe, “Hãy chỗi dậy!”; với mỗi người chúng ta, Ngài cũng nói, “Hãy chỗi dậy!. Giêsu muốn bạn và tôi chỗi dậy, đứng thẳng; Ngài tạo ra chúng ta để đứng thẳng và đứng vững trên đôi chân mình. Vì lý do này, lòng từ bi vĩ đại của Ngài cũng sẽ chữa lành bạn và tôi; điều quan trọng là “Hãy chỗi dậy! Đứng lên!”, và để Ngài ‘khôi phục những gì đã mất!’.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    Lạy Chúa, trong dòng sông cuộc đời của con, xin gạt bỏ những gì trở ngại cho sự mới mẻ của cuộc sống mà Chúa gọi con chỗi dậy để sống. Xin ‘khôi phục những gì đã mất’ nơi con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC = LM MINH ANH - THỨ HAI

  •  LM MINH ANH

     

    THỨ HAI CN24TN-C

    THƯƠNG XÓT LÀ MỘT QUÀ TẶNG

    “Tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi”.

    (LUCA 7, 7)

    Jean-Pierre de Caussade, linh mục Dòng Tên người Pháp, nói, “Để thoát khỏi nỗi đau gây nên bởi hối tiếc về quá khứ hay sợ hãi về tương lai, hãy để lại dĩ vãng cho lòng thương xót của Thiên Chúa; trao tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và dâng hiện tại cho tình yêu Chúa bằng việc trung thành với ân sủng. Vì lẽ, ‘thương xót là một quà tặng’, không phải là một quyền!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời Chúa hôm nay chứng thực điều cha Jean-Pierre nói, “‘thương xót là một quà tặng’, không phải là một quyền!”. Sự thật này thể hiện qua thái độ khiêm nhường tuyệt vời của viên sĩ quan ngoại giáo, khi ông sai người đến xin Chúa Giêsu chữa cho đầy tớ mình, “Tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi; nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành!”.

    Một sự thật sâu sắc Tin Mừng hôm nay tiết lộ là khiêm nhường, đức tin và lòng thương xót gắn liền nhau. Viên sĩ quan dường như đã nhận thức được sự vĩ đại của Chúa Giêsu mà ông đã nghe biết; từ đó, ông cảm thấy mình bất xứng tột cùng. Tuyên bố của ông là một hành vi đức tin cao cả; và kết quả là lòng thương xót được gửi đến cho ôngngười đầy tớ của ông.

    Rất thường xuyên khi cầu nguyện, chúng ta cầu nguyện như thể chúng ta có quyền hưởng mọi ân điển của Thiên Chúa. Đây là một sai lầm sâu sắc! Hãy học gương tự hạ của viên sĩ quan bằng cách hiểu rằng, chúng ta không có quyền trước bất cứ điềuđến từ Ngài. Thừa nhận khiêm hạ này là nền tảng cần thiết để đón nhận lòng thương xót dồi dào của Ngài; vì ‘thương xót là một quà tặng’, không phải là một quyền! Nhưng tin tốt lành là trái tim Thiên Chúa luôn bùng cháy với ước muốn tuôn đổ quà tặng thương xót đó. Việc thừa nhận lòng thương xót của Thiên Chúa như một món quà tuyệt đối mà chúng ta không có quyền đòi hỏi, mở ra sức mạnh của nó trong cuộc sống chúng ta. Hiểu được lẽ thật này là một lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa và làm vui lòng Ngài cách tuyệt đối và dồi dào nhất.

    Trong thư Côrintô hôm nay, thánh Phaolô nhắc đến Bí Tích Thánh Thể, một hồng ân thương xót nhưng không của Thiên Chúa. Vì thế, một khi đến với Thánh Thể, tín hữu Côrintô phải nên tốt hơn, chứ không để nên tệ hơn. Thánh Thể biểu hiện rõ nét rằng, ‘thương xót là một quà tặng’. Vì thế, “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”. Thánh Lễ không là đặc quyền của ai, nhưng cho mọi người.

    Anh Chị em,

    Con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con!”. Hôm nay, bạn và tôi cùng suy gẫm về những lời đầy cảm hứng của viên sĩ quan ngoại giáo giàu có này, lời mà chúng ta đọc mỗi lần trước khi rước Chúa,Nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh!”. Hãy lặp đi lặp lại nhiều lần, hãy để những lời này ứa trào từ trái tim chật hẹp của mình; hãy để chúng trở thành nền tảng của mối quan hệ giữa bạn với Chúa Thánh Thể. Với sự khiêm nhường này, bạn và tôi sẽ được ban phúc dồi dào cùng với niềm vui chứa chan. Không ai trong chúng ta dám nói, lòng tôi xứng đáng trở nên cung điện cho Vua muôn vua, Chúa các chúa; cũng không ai dám nghĩ tâm hồn mình trong ngần như tâm hồn một trẻ thơ! Chúng ta là những tội nhân khốn cùng, đáng chết ngàn lần, nhưng được xót thương. Và như vậy, rõ ràng, ‘thương xót là một quà tặng’ hoàn toàn miễn phí. Vấn đề còn lại, mỗi người sống sao cho xứng đáng với quà tặng xót thương đó!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con; xin giúp con bớt bất xứng mỗi ngày trước khi rước Vua các vua, Chúa các chúa, Chúa Cả Thiên Đàng!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - TGM NGÔ QUANG KIỆT- CN24TN-C

  • Suy niệm Chúa Nhật 24 Thường Niên C

    Lời Chúa: Xh 32,7-11.13-14; 1Tm 1,12-17; Lc 15,1-32

    Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

    THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

    Bài Phúc Âm vừa nghe là một trong những trang đẹp nhất của Tin Mừng. Có thể gọi đó là Tin Mừng của Tin Mừng. Vì chương 15 Phúc Âm Luca này được coi như bản tóm tắt tất cả Phúc Âm. Tin Mừng đó là Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót. Lòng thương xót của Thiên Chúa thực vô biên, dài, rộng, cao, sâu khôn lường, ta không thể nào hiểu thấu. Những bài sách thánh hôm nay hé mở cho ta mấy nét của lòng thương xót vô biên đó.

    1. Nét thứ nhất của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa là: sự tha thứ

    Tình yêu đích thực không được đo bằng đam mê nồng cháy. Bởi những đam mê nồng cháy mau qua như một cơn bão lốc. Bão lốc qua đi chỉ để lại đổ vỡ điêu tàn.

    Tình yêu đích thực không được đo bằng hy sinh tận cùng. Người ta có thể hy sinh mạng sống vì của cải, danh vọng. Hy sinh như thế có thể chỉ vì bản thân mình chứ không phải vì người khác.

    Tình yêu đích thực được đo bằng sự tha thứ. Chỉ có yêu thực lòng, yêu tha thiết mới có thể tha thứ. Khi yêu người ta dám cho đi tất cả. Nhưng ít có ai cho đi sự tha thứ. Chính tha thứ mở cho ta cánh cửa dẫn vào thâm cung nhiệm mầu của tình yêu.

    Tha thứ là đặc tính của tình yêu Thiên Chúa. ta hãy đọc lại lịch sử dân Israel. Biết bao lần dân chúng phản bội, chống lại Thiên Chúa. Nhưng Chúa vẫn nhân từ tha thứ. Khi Môsê cầu nguyện trên núi, dân Do Thái đã phản bội, gom góp vàng bạc đúc tượng bò mà thờ. Chúa nổi giận muốn phạt họ. Nhưng khi Môsê nài xin Chúa, Chúa đã nguôi giận mà tha thứ cho dân.

    Phaolô ghét đạo Chúa, đi tìm bắt những người theo Chúa. Nhưng Chúa đã thương hoán cải ông. Hơn nữa, Chúa còn chọn ông làm Tông đồ cho Chúa.

    Người con bỏ nhà ra đi, phung phí hết tiền của cha, nhưng người cha già vẫn yêu thương chờ đời, tha thứ hết khi nó trở về.

    Sự tha thứ của Thiên Chúa đối với con người, nhất là người tội lỗi thực là vô biên. Sự tha thứ ây minh chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người lớn lao biết chừng nào.

    1. Nét thứ hai của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đó là: sự đi tìm.

    Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ, nhưng Người không chỉ ngồi đó chờ kẻ có tội trở về xin lỗi rồi mới thứ tha. Không, chính Thiên Chúa chủ động, có sáng kiến đi tìm con người. Đó là nét độc đáo trong tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa.

    Chính Chúa đi tìm Phaolô khi ông đang trên đường lầm lạc, có sáng kiến làm ông té ngựa để đưa ông trở lại với Chúa. Chính Chúa là người chăn chiên đi tìm con chiên bị lạc. Là người ra ngõ tìm đứa con bỏ nhà đi hoang. Cuộc đi tìm không phải dễ dàng. Người chăn chiên phải băng đồi vượt sông, luồn lách qua gai góc, dẫm đạp sỏi đá, chịu đựng nắng mưa, bất chấp thú dữ rình rập. Người phụ nữ phải thắp đèn soi vào mọi ngóc ngách trong nhà, lùa chổi vào những khe nứt nhỏ bé, kiên nhẫn moi móc tìm kiếm niềm hy vọng mong manh. Người cha phải vượt qua những thành kiến xã hội, lòng tự ái bị thương tổn, trái tim đau đớn vì yêu thương.

    Đi tìm là yêu thương. Còn hơn thế, đi tìm là đã tha thứ. Quả thật Chúa đã yêu thương ta trước. Người yêu thương ta trước khi ta biết Người. Người tha thứ cho ta trước khi ta xin lỗi. Người đi tìm ta trước khi ta trở về.

    1. Nét thứ ba của lòn thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đó là: Thiên Chúa yêu thương từng người, dù rất bé nhỏ.

    Trong đời sống xã hội, những người bé nhỏ nghèo hèn thường bị bỏ quên: sống cô đơn, chết cô độc, chìm vào quên lãng. Nhưng trong trái tim Thiên Chúa, mỗi người đều chiếm một vị trí quan trọng. Mỗi người đều là duy nhất độc đáo, không thể thay thế được đối với Thiên Chúa. Càng bé nhỏ nghèo hèn lại càng chiếm vị trí quan trọng trong tình yêu Thiên Chúa.

    Một con chiên lạc có gì so với 99 con chiên còn lại. Giữ 99 con còn lại vừ nhàn nhã lại vừa có lợi. Đi tìm một con đi lạc vừa mệt nhọc lại vừa thiệt thòi. Nhưng trong tình yêu làm gì có tình toán thiệt hơn. Một con chiên nhỏ bé lạc loài đã chiếm hết trái tim của người mục tử nhân từ. Bao lâu chưa tìm được con chiên nhỏ bé gầy gò, lạc bầy ấy, lòng người mục tử ấy vẫn còn khắc khoải lo âu.

    Đứa con bỏ nhà ra đi, xài phí hết gia sản cha mẹ làm sao sánh được với đứa con trai ngoan ngoãn ở nhà, biết chăm lo công việc, luôn hiếu thảo phụng dưỡng mẹ cha. Ấy vậy mà người cha ăn không ngon, ngủ không yên, tắt tiếng cười, mắt mờ lệ, bao lâu đứa con hư hỏng chưa trở về.

    Thật kỳ diệu tình thương của Thiên Chúa. chính vì những tâm hồn bé nhỏ, tội lỗi, yếu đuối ấy mà Thiên Chúa đã sai Con Một Người xuống trần gian như lời Chúa Giêsu nói: “Những người bệnh mới cần đến thầy thuốc”.

    Thực là vô biên lòng thương xót của Thiên Chúa. lòng thương xót ấy lớn hơn cả trái tim của ta. Ơn lành của Thiên Chúa lớn hơn cả tội lỗi của ta. Sự tha thứ của Thiên Chúa lớn hơn cả trí tưởng tượng của ta. Tất cả chúng ta hãy đến với Người. Hãy mang theo những yếu đuối lầm lỡ của ta. Hãy cho Người xem vết thương từ lâu gặm nhấm trái tim ta. Hãy tâm sự nỗi buồn vô vọng của ta. Thiên Chúa Cha chúng ta Đấng giaù lòng thương xót. Không có tội lỗi nào Người không tha thứ,không có vết thương nào Người không chữa lành. Không có nỗi buồn nào Người không an ủi.

    KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

    1. Kể ra vài nét của lòng thương xót của Chúa.
    2. Tại sao tha thứ là dấu chỉ rõ nhất của tình yêu?
    3. Cảm nhận được tình yêu và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. bạn có coi điều này là hệ trọng nhất trong đời không?
    Kính  chuyển:
    Hồng
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - CN24TN-C

  •  LM MINH ANH
     

    CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN, NĂM C  
    -  Xh 32, 7-11.13-14  -  1 Tm 1,12-17  -  Lc 15,1-32

     

    CHẤP NHẬN ĐỒNG BÀN, KHÁT KHAO ĐỒNG PHẬN

    “Ông này đón tiếp phường tội lỗi, và ngồi ăn uống với chúng!”.

    (CÂU 2)

    Tổng thống Woodrow Wilson nói, “Chúng ta thường đến với nhau cách hung hăng, hiếu chiến; đó là con đường dài chứ không phải con đường ngắn. Nhưng nếu bạn đến với tôi và nói, ‘Chúng ta hãy ngồi xuống và nói chuyện’. Bạn và tôi sẽ thấy, chúng ta không quá xa nhau; rằng, những khác biệt là rất ít, tương đồng là rất nhiều. Và nếu đủ kiên nhẫn, cùng với lòng nhiệt thành để mong muốn đến được với nhau, chúng ta sẽ đến được với nhau!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay còn đi xa hơn lòng hiếu hoà của Wilson. Trong đó, sự khiêm hạ của Thiên Chúa hiện nguyên hình, một sự khiêm hạ phát xuất từ lòng thương xót vô ngần của Ngài. Đó là một Thiên Chúa sẵn sàng ngồi xuống, ‘chấp nhận đồng bàn, khát khao đồng phận’ với tội nhân, đến nỗi bị kêu trách, “Ông này đón tiếp phường tội lỗi, và ngồi ăn uống với chúng!”.

    Sách Xuất Hành cho thấy Israel là một dân bội nghĩa; họ đúc tượng bò con mà thờ. Chúa nổi giận! Ngài bộc bạch với Môisen, “Dân này là một dân cứng cổ. Ta sẽ huỷ diệt chúng”. Môisen van vái và Ngài lại xiêu lòng ‘ngồi xuống’, bỏ qua cho dân, “Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ”. Với bài đọc hai, Phaolô tâm sự cùng Timôthê về lòng thương xót đó, “Đức Kitô đã đến trong thế gian để cứu độ những người tội lỗi; trong số ấy, cha là người thứ nhất”. Đặc biệt với bài Tin Mừng, khi nghe các biệt phái kêu trách, “Ông này đón tiếp phường tội lỗi, và ngồi ăn uống với chúng!”, Chúa Giêsu kể ra một chuỗi ba dụ ngôn về lòng thương xót; qua đó, Ngài mặc nhiên chứng tỏ, Thiên Chúa ‘chấp nhận đồng bàn, khát khao đồng phận’ với tội nhân.

    Vậy, trình thuật này đang nói gì với bạn và tôi? Nó nói rằng, tình yêu Thiên Chúa luôn lớn hơn tội của con người! Chúa Giêsu đồng bàn với tôi; Ngài bỏ qua sự bất xứng của tôi để được gần tôi, nên giống tôi, hầu có thể cứu tôi. Và điều này thu hút tôi! Tôi biết tội lỗi mình và không cảm thấy bị phán xét, vì vậy tôi đến gần Ngài. Lối sống của tôi không hơn lối sống của một “thu thuế” hay một “tội nhân”; vậy mà Chúa Giêsu ‘chấp nhận đồng bàn, khát khao đồng phận’ với tôi, bất chấp những chỉ trích của người khác, đến nỗi, tôi có thể ‘ngồi xuống’ với Ngài đến mức ‘ngang hàng’. Tại sao? Chỉ vì Ngài hạ mình xuống, hầu có thể nâng tôi lên!

    Với Chúa Kitô, mọi linh hồn đều vô giá! Không tội nhân nào có thể thoát khỏi tầm với đôi tay cứu chuộc của Ngài, Đấng đổ máu mình, vượt qua sự chết để cứu những linh hồn đã chết và làm cho sống. Tất cả những gì tôi phải làm là nghe cho được giọng nói của Giêsu mục tử. Chỉ cần để bản thân được tìm thấy, Ngài sẽ ôm tôi vào lòng, xua tan sợ hãi bằng hơi ấm tình yêu, và đưa tôi trở lại đoàn chiên. Để từ đó, mọi tội lỗi của tôi được thú nhận, nhân đức mới của tôi nảy sinh, và tất cả những gì nơi tôi là chiến thắng của ân sủng từ Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ.

    Anh Chị em,

    “Ông này đón tiếp phường tội lỗi, và ngồi ăn uống với chúng!”. Dẫu chúng ta thuộc “phường tội lỗi” bất xứng, trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn ‘chấp nhận đồng bàn, khát khao đồng phận’ với chúng ta mỗi ngày. Vậy, chớ gì việc rước Mình Máu Thánh Chúa không khiến chúng ta phạm sự thánh, nhưng ngày càng giúp chúng ta biết sợ tội hơn, ngay cả những tội nhẹ. Và điều quan trọng là quyết định của chúng ta phải như quyết định của người con thứ, “Tôi sẽ chỗi dậy, trở về với Cha tôi” như Thánh Ca Tin Mừng nhắc nhở. Mặt khác, Chúa đã đồng bàn với tôi; đến lượt mình, bạn và tôi ‘chấp nhận đồng bàn’ với tha nhân! Đây là một trong những hoa trái đẹp nhất khi linh hồn kết hợp với Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô; từ đó, hiệp thông với các chi thể của Ngài. Và điều này tạo ra niềm vui, không chỉ cho chúng ta, mà cho cả thiên đàng!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, Chúa ‘chấp nhận đồng bàn’ với con, cốt để con được ‘hân hoan đồng bàn’ với Chúa; xin cho con biết sà vào lòng thương xót Chúa, hầu có thể xót thương anh chị em con!”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LINH MỤC MINH ANH -THỨ BẢY

  •  LM MINH ANH
     


    Thứ Bảy, Tuần XXIII Thường Niên, Năm Chẵn  

    -  1 Cr 10,14-22a  -  Lc 6, 43-49


    ĐO LƯỜNG TỪ BÊN TRONG

    “Không cây nào tốt mà sinh quả xấu, chẳng cây nào xấu mà sinh quả tốt!”.

    (LUCA 6, 43)

    Một nhà giáo dục nói, “Cuộc sống của chúng ta là những cánh đồng đầy cỏ dại; chúng không thể sản xuất dâu tây! Chúng ta có thể cắt cỏ, nhưng chỉ ngần ấy nỗ lực, sẽ không bao giờ tạo ra những quả dâu tây có thể chấp nhận được. Nếu thực sự muốn có loại quả đó, phải đào sâu hơn. Phải cày xới toàn bộ cánh đồng và bắt đầu lại với những cây mới!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Như những quả dâu tây đáng mong đợi, Lời Chúa hôm nay nói đến những phẩm chất đáng mong đợi nơi một môn đệ chân chính. Sự tốt lành của người môn đệ không chỉ đo lường bằng những hành vi bên ngoài nhưng được ‘đo lường từ bên trong’. Chúa Giêsu nói, “Không cây nào tốt mà sinh quả xấu, chẳng cây nào xấu mà sinh quả tốt!”.

    “Mỗi cây có thể nói lên chính nó bằng quả của mình!”, và “Lời nói của một người tuôn ra từ những gì lấp đầy trái tim người ấy!”. Hành vi ‘tốt thường xuyên’ của người môn đệ là dấu của một nội tâm lành mạnh, đó là một hành vi được ‘đo lường từ bên trong’. Bạn và tôi cần tập trung vào chiều sâu tâm hồn; nếu điều đó tốt, phần còn lại sẽ tự lo. Một thước đo khác là ‘cách nghe!’. “Nghe” bao gồm lắng nghe, hiểu, chấp nhận và thẩm thấu vào cuộc sống lời dạy và tầm nhìn của Thầy; hành vi tốt sau đó tự nhiên sẽ diễn ra ở mức độ rất dễ dàng. Ai áp dụng lời Chúa Giêsu vào cuộc sống, người ấy như kẻ xây nhà trên đá; lũ về, nhà vững! Trái lại, ai lắng nghe nhưng “không đem ra thực hành”, thì như người xây nhà trên cát; lũ về, nhà sập! Chúa Giêsu từng nói, “Không phải những ai nói, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, là được vào Nước Trời!”.

    Dụ ngôn xây nhà trên đá cần đọc trong bối cảnh Giáo Hội sơ khai, nơi mà vào thời bắt bớ, một số người vẫn đứng vững, vì đức tin của họ đã bám rễ sâu; đang khi những người khác đã bỏ đi ngay từ dấu hiệu đầu tiên của áp bức. Ngày nay, cả khi không có sự công khai bắt bớ Kitô giáo, Kitô hữu vẫn sống trong một thời đại bị đe doạ nghiêm trọng. Không có nền tảng vững chắc, chúng ta rất dễ bị cuốn vào cơn lốc vật chất, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa khoái lạc và thuyết tương đối. Sự hấp dẫn của ‘các ngẫu tượng’ vốn được nhiều người say mê sẽ tác hại hơn, dù là ngấm ngầm, so với các cuộc tấn công thẳng vào đức tin, vốn được ‘đo lường từ bên trong’. Thư Côrintô hôm nay cảnh báo, “Anh em hãy xa lánh sự thờ lạy các ngẫu tượng!”. 

    Một lưu ý khác! Đôi khi, chúng ta sống trong sự an toàn sai lầm khi mọi thứ xem ra tốt đẹp. Khi không có các cám dỗ và thử thách lớn; hoặc có chăng, không đáng kể, chúng ta tự thuyết phục mình, tôi đang ở trên một nền tảng vững chắc. Coi chừng! Tôi có thể bị ru ngủ khi nghĩ rằng, tinh thần của tôi mạnh mẽ. Phải cẩn thận và hết sức khách quan, đây có thể là bảo mật giả!

    Anh Chị em,

    “Không cây nào tốt mà sinh quả xấu, chẳng cây nào xấu mà sinh quả tốt!”. Thiên Chúa gieo vào linh hồn chúng ta một điều gì đó còn quý hơn giống dâu tây gấp bội, đó là Thánh Thần. Thánh Thần ban đủ sức mạnh để chúng ta “cày xới toàn bộ cánh đồng” tận chỗ thâm sâu nhất, hầu biến nó thành một khu vườn hứa hẹn. Mỗi ngày, Lời Chúa và Mình Chúa như sương sa tưới mát khu vườn; chúng ta đem Lời ra thực hành, thẩm thấu vào từng giây phút của ngày sống; đương nhiên, kết quả không chỉ là những quả dâu tây có thể chấp nhận được, nhưng là những quả dâu tuyệt vời của Thánh Thần; đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ. Vậy, hãy không ngừng chăm sóc mảnh đất tâm hồn, can đảm nhổ cỏ dại, nhặt sỏi đá mỗi ngày; nếu cần, tìm đến Bí Tích Giải Tội! Từ đó, đón nhận cách bình an mọi biến cố buồn vui, những đổi thay chẳng mấy vừa ý, những điều khó chịu từ người thân. Tâm hồn bạn và tôi sẽ rất bình an, một bình an được ‘đo lường từ bên trong’, vốn sẽ toả ra một nhân cách rạng rỡ bên ngoài. Đó là phẩm chất thật của người môn đệ mà Chúa Giêsu chờ đợi!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, con muốn sẵn sàng cho ‘ngày lũ về’, đừng để con ngủ mê trong cảm giác an toàn giả tạo. Giúp con “cày xới toàn bộ cánh đồng” hầu có một mùa dâu như Chúa mong!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     



     

Subcategories