3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BA

  •  LM MINH ANH
     
     
    Thứ Ba, Tuần XXII Thường Niên, Năm Chẵn  
    - 1 Cr 2, 10b-16  -  Lc 4, 31-37
     

    THẦY DẠY LẼ THẬT

    Tôi biết Ngài là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”.

    John Bunyan nói, “Hãy tiếp tục đọc Lời Chúa và cầu nguyện, dù bạn không hiểu hết; một chút từ Chúa vẫn hơn vạn chút từ người! ‘Thầy Dạy Lẽ Thật’ sẽ khơi lên “nguồn mạch hiểu biết”; cả những lẽ thật cũ cũng nên mới, nếu chúng đến với bạn, vương theo mùi hương thiên đàng!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    ‘Thầy Dạy Lẽ Thật’ sẽ khơi lên “nguồn mạch hiểu biết”. Lời Chúa hôm nay cho thấy mối tương quan giữa đời sống thiêng liêng và Chúa Thánh Thần! Ngài là Đấng khơi lên “nguồn mạch hiểu biết”, một sự hiểu biết vượt xa trí năng, trái tim và nhận thức nông cạn, yếu ớt của con người.

    Qua thư Côrintô, Phaolô tuyên bố, “Không ai biết được những gì thuộc về Thiên Chúa, nếu không phải là Thánh Thần Ngài?”. Nhờ Thánh Thần, Phaolô biết được tư tưởng của Đức Kitô, biết được kế hoạch của Thiên Chúa, và biết được con đường cứu độ; trên đó, Chúa Kitô bước đi. Chúa Thánh Thần không chỉ là ‘Thầy Dạy Lẽ Thật’, nhưng còn là Đấng dẫn dắt chính Chúa Kitô, dẫn dắt Phaolô, hầu Phaolô có thể dõi theo Chúa Kitô, làm chứng và sống chết cho Ngài.

    Thật bất ngờ, trong Tin Mừng hôm nay, một tên quỷ cũng tuyên bố điều tương tự về Chúa Giêsu, “Tôi biết Ngài là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. Không thể tin được khi tuyên bố này phát xuất từ một tên quỷ! Đừng nghĩ ma quỷ chỉ nói những lời giả dối về Chúa; khi cần, chúng vẫn có thể nói lên sự thật như hôm nay. Tại sao? Đó là những thiên thần cao trọng, tuy đã mất ơn nghĩa Chúa, các linh hồn sa ngã này cũng đã được tạo dựng bởi chính Thiên Chúa. Ma quỷ biết Thiên Chúa, biết Chúa Giêsu, tuyên xưng Ngài, nhưng nó tìm mọi cách để lôi kéo con người và ngay cả Chúa Giêsu đi xa con đường Chúa Cha muốn, con đường khổ nạn.

    Thật trớ trêu! Đang khi ma quỷ tuyên xưng Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa, thì giới lãnh đạo tôn giáo không nhận ra Ngài, không tin Ngài; họ không có một sự hiểu biết đúng đắn về Ngài! Đây cũng có thể là những gì đang xảy ra với mỗi người chúng ta khi chúng ta để những hiểu biết và khả năng nhận thức nông cạn của thế gian đánh lừa dẫn chúng ta đi sai đường. Xem ra, chúng ta không hơn gì các biệt phái; bằng chứng là chúng ta chưa biến đổi, chưa nên giống Chúa Giêsu, chưa nên thánh! Phải chăng vì chúng ta không dành đủ thời gian cho Chúa; chúng ta thiếu cầu nguyện; tương quan của chúng ta với Ngài đang quá lỏng lẻo! Đừng quên, chính nhờ cầu nguyện mà tất cả chúng ta nhận biết Thiên Chúa, hầu sẵn sàng mở lòng, mở trí, mở trái tim cho Ngài. Đây còn là công việc của Chúa Thánh Thần, ‘Thầy Dạy Lẽ Thật!’.

    Anh Chị em,

    Tôi biết Ngài là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. Thật xấu hổ khi chúng ta chưa nói được, hay ít nữa, chưa xác tín điều ma quỷ tuyên bố! Chúng ta đã được Chúa Thánh Thần dạy cho biết Chúa Kitô và con đường cứu độ của Ngài; nhưng lắm lúc, sự thật này đến với chúng ta không vương theo mùi hương thiên đàng, bởi lẽ nơi chúng ta, đã có quá nhiều điều vương hương thế tục. Một khi nặng hương thế tục, chúng ta không thể đi theo con đường hy sinh, khổ chế, từ bỏ để nên giống Chúa Giêsu. Vậy phải làm sao? Hãy đặt ưu tiên cho việc cầu nguyện! Đừng chểnh mảng khi đặt Thiên Chúa tầm quan trọng thứ yếu; cũng đừng dành thời gian cho việc theo đuổi những mục đích và ước muốn thế tục; chúng ta thường dễ mắc lừa bởi những chấp trước của thế gian cùng với mọi thú vui và động đạc của nó. Nói cách khác, đừng gạt Chúa sang một bên, giáng Ngài xuống một nơi ít quan trọng trong cuộc đời. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, ‘Thầy Dạy Lẽ Thật’ dạy chúng ta biết lẽ thật tệ hại của mình; để từ đó, ra sức xin ơn thống hối và biến đổi. Nhờ đó, chúng ta có thể trở nên ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’, hiến dâng thân mình để rao truyền Lời Chúa, Lời vương hương thiên đàng.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin dạy con yêu mến việc cầu nguyện với Lời Chúa, Lời vương hương thiên đàng; nhờ đó, ‘Thầy Dạy Lẽ Thật’ sẽ dạy con hiểu biết và yêu mến Chúa ngày một hơn!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA - LM MINH ANH - GIOAN BỊ TRẢM QUYẾT

  •  LM MINH ANH
     
     
     
    Thứ Hai, THÁNH GIOAN TẨY GIẢ BỊ TRẢM QUYẾT
     -  Gr 1, 17-19  -  Mc 6, 17-29


    CHỨNG NHÂN CHO MỘT TÌNH YÊU KHÔNG LAY CHUYỂN

    “Con nên xin gì?”; “Đầu Gioan Tẩy Giả!”.

    Để phản đối những buổi khiêu vũ được tổ chức thường xuyên ở thị trấn Ars nhỏ bé của mình, thánh Gioan Maria Vianney dâng một nhà nguyện nhỏ trong khuôn viên giáo xứ để kính thánh Gioan Tẩy Giả. Ở lối vào, có một bức hoạ với chiếc đầu vấy máu của Gioan, kèm theo một lời cảnh báo về những tác động xấu xa của nhục dục và rượu chè, “Chiếc đầu này là giá của một điệu nhảy!”. Cuộc đời của Gioan đúng là ‘chứng nhân cho một tình yêu không lay chuyển!’.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Câu chuyện Tin Mừng ngày lễ kính nhớ cuộc trảm quyết của Gioan Tẩy Giả tiết lộ thật nhiều điều! Trước hết, nó tiết lộ bí ẩn của cái ác trong thế giới; Thiên Chúa xem ra khá dễ dãi khi Ngài lờ đi để cho cái ác, đôi khi, như được phép lộng hành. Bên cạnh đó, nó tiết lộ, qua mọi thời, vẫn luôn có những môn đệ Kitô, vốn là những ‘chứng nhân cho một tình yêu không lay chuyển!’.

    Tại sao Thiên Chúa cho phép Gioan bị chặt đầu? Gioan là một người tuyệt vời, vậy mà vẫn chịu một bất công khủng khiếp! Chị Têrêxa Avila từng nói với Chúa Giêsu, “Nếu đây là cách Ngài đối xử với bạn bè, thì không lạ, Ngài rất ít bạn!”. Đúng thế, suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa đã để những kẻ Ngài yêu chịu nhiều khổ đau. Tại sao? Trước hết, chúng ta đừng quên một sự thật hiển nhiên là Chúa Cha đã để Chúa Con đau đớn tột cùng với một cái chết thảm khốc, tàn bạo và gây sốc. Điều này có nghĩa là Cha không yêu Con? Chắc chắn là không! Chúa có đường lối rất riêng của Ngài, trí khôn con người không thể với tới. Đó là tình yêu cứu độ! Ngài không để Chúa Con thối rữa trong mồ, nhưng đã phục sinh Ngài; và qua Ngài, phục sinh toàn thể vũ trụ! Cũng thế, cái chết của Gioan, nhìn bên ngoài, xem như điều thiện khuất phục điều ác; nhưng thực sự, nhờ Gioan, bao tâm hồn thức tỉnh, để không còn “trả giá quá đắt cho một điệu nhảy!”.   

    Đau khổ không phải là dấu chỉ của việc Thiên Chúa không ưa ai đó; để rồi, Ngài bỏ rơi ai đó. Không! Không phải là Ngài không yêu bạn. Trong thực tế, ngược lại mới đúng! Quả thế, đau khổ của Gioan là bài giảng vĩ đại nhất mà vị tiền hô có thể giảng. Gioan là ‘chứng nhân cho một tình yêu không lay chuyển’ đối với Thiên Chúa và lề luật Ngài. “Bài giảng” về cuộc khổ nạn của Gioan có sức mạnh ngàn đời, bởi Gioan đã chọn trung thành với Chúa, luật Chúa; bất chấp cấm cách, tù đày. Và, theo quan điểm của Thiên Chúa, lòng trung thành của Gioan có giá trị vô hạn so với cuộc sống vật chất hay những khổ đau vị thánh này có thể chịu sau này.

    Giêrêmia trong bài đọc hôm nay là hình ảnh tiền trưng của Gioan, của Chúa Giêsu. Thiên Chúa nói với Giêrêmia, “Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ!”. Và như Gioan, như Chúa Giêsu, Giêrêmia đã không run sợ nhưng rất mực kiên cường, trở nên ‘chứng nhân cho một tình yêu không lay chuyển!’. Cho đến chết, cả Chúa Giêsu, Giêrêmia và Gioan đều có thể cất lên tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, miệng con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban!”.

    Anh Chị em,

    “Con nên xin gì?”; “Đầu Gioan Tẩy Giả!”. Câu hỏi vô tội của một thiên thần được đáp lại bằng câu trả lời đại tội của một các quỷ. Thật rùng rợn! Không ít lần, tôi và bạn đã nói, đã làm những điều khủng khiếp tương tự mà khi nhận ra, thì đã quá muộn. “Chiếc đầu này là giá của một điệu nhảy!” không chỉ là lời cảnh báo ở lối vào của nhà nguyện nhưng là lời mà Chúa Thánh Thần đã khắc vào tim khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Chớ gì sứ điệp của Gioan hôm nay thay đổi suy nghĩ và những ước muốn lăng loàn của chúng ta, hầu mỗi người có thể dứt khoát nói “Không” với tất cả những gì trái với luân thường đạo lý, sai lạc đức tin của Giáo Hội. Có như thế, chúng ta mới thật sự là những ‘chứng nhân cho một tình yêu không lay chuyển!’.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin đừng để con trả giá cho một ‘điệu nhảy’ nào đó với giá quá đắt là linh hồn con, ơn gọi con, gia đình con; hầu con trở nên ‘chứng nhân cho một tình yêu không lay chuyển’ giữa một thế giới đang rất chuyển lay!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BẢY

  •  LM MINH ANH
     
     
    Thứ Bảy, Tuần XXI Thường Niên, Năm Chẵn, Nhớ Thánh Mônica, 27/8   -  1 Cr 1, 26-31  -   Mt 25, 14-30
     

    TIẾN VỀ PHÍA TRƯỚC

    “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn!”.

    Hôm nay, Giáo Hội kính thánh Mônica, một tớ nữ tài giỏi đã làm lợi cho Chủ được năm nén khác. Người ta nói, tất cả các thiên truyện trên thế giới có thể được giảm xuống chỉ còn năm hoặc sáu; một trong số đó là, “Hãy Trở Về Nhà!”. Mônica đã dành cả cuộc đời để đưa con trai, Augustinô, trở về nhà của nó, “Giáo Hội”. Cô là một người mẹ luôn giục con ‘tiến về phía trước!’.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Cả cuộc đời Mônica và Lời Chúa hôm nay tiết lộ cách thức hoạt động của Thiên Chúa, “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn!”. Ngài chọn chúng ta, trao tặng mỗi người những ân tứ khác nhau; không phải vì chúng ta xứng đáng, nhưng vì chúng ta đáng được Ngài yêu! Để từ đó, với ân sủng Ngài, ngày mỗi ngày, mỗi người có thể ‘tiến về phía trước!’. Phía trước ở đây chính là Thiên Chúa, cung lòng Ngài, nơi mỗi người “hưởng sự vui mừng của Chủ”.

    Trong bài đọc thứ nhất, Phaolô cho thấy tất cả chỉ vì tình yêu vô ngần vô hạn của Thiên Chúa, “Hãy xem ơn kêu gọi của anh em, không có mấy người khôn ngoan theo xác thịt, không có mấy người quyền thế, không có mấy người sang trọng”. Tất cả là ân sủng; để từ đó, chúng ta “được ở trong Chúa Kitô”; “được thánh hoá”, “được cứu rỗi” bởi Ngài, mà ‘tiến về phía trước’ nhờ Ngài. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp!”.

    Với bài Tin Mừng, Matthêu cho thấy Thiên Chúa phân phát các ân huệ của Ngài theo như ý Ngài muốn, Ngài giao cho mỗi người một số vốn; kẻ ít người nhiều, không ai không có. Ngài tặng ban những gì chúng ta cần để trổ sinh hoa trái cho Vương Quốc, và Ngài ước mong mỗi người sử dụng quà tặng đó một cách có trách nhiệm và chuyên cần. Không có hai người giống nhau hoàn toàn, và Thiên Chúa coi mỗi người như duy nhất được tạo dựng theo hình ảnh Ngài. Chúng ta phải chân thành đáp lại Ngài bằng cách sử dụng tối đa những tài năng Ngài ban.

    Những tôi tớ giỏi giang đầu tư và thu lợi về cho Chủ đã hiểu mục đích đời họ và thời gian họ có thể sử dụng. Những người này hào phóng với tất cả những gì Chủ ban, họ làm nó sinh hoa kết trái; họ nhận được phần thưởng là sự thân mật hơn và được giao nhiều trách nhiệm hơn. Cũng thế, mỗi người chúng ta được dành một khoảng thời gian để sử dụng các ân huệ của mình để làm vinh danh Chúa và cứu các linh hồn. Chúng ta phải cần mẫn mỗi ngày, để cuối cùng, làm sao nghe được những lời tương tự, “Khá lắm, hỡi tôi tớ tài giỏi và trung thành!”.

    Vậy mà, đôi khi, chúng ta bị tê liệt vì sợ hãi hoặc do một thận trọng sai lầm nào đó khi không làm gì cả, hoặc chỉ cố gắng bảo vệ bản thân! Chúng ta coi thường quà tặng của Chúa hoặc nghĩ rằng, tôi được ban rất ít nên coi đó như lý do để biện minh cho việc không nỗ lực hoặc không sinh lợi cho Ngài. Chúng ta đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác; nhưng sự thật là đang lơ là trong việc tạo ra những trái trăng Chúa muốn. Chúa không đợi năm nén từ người đã nhận một nén. Lẽ ra Ngài cũng sẽ vui mừng với người được trao chỉ một nén; thế nhưng, đầy tớ lười biếng ấy đã khép mình vào chủ nghĩa vị kỷ, tự ái, bởi anh không muốn ‘tiến về phía trước!’.

    Anh Chị em,

    “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn!”. Hãy ghi khắc sự thật này để nhận ra hồng ân của Chúa; từ đó, như Mônica hèn mọn, đã đưa chồng con ‘trở về nhà’, chúng ta quyết tâm sử dụng tài năng Chúa ban để đưa những ai đi lạc ‘về nhà’, về cung lòng Cha; chúng ta mang lợi nhuận tối đa về cho Ngài! Để ‘tiến về phía trước’ và trưởng thành trên đường nên thánh, chúng ta không được sợ hãi; nhưng phải có niềm tin. Những hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa như Ngài keo kiệt, hà khắc… sẽ làm cho cuộc sống chúng ta cằn cọc, ‘vô sinh’; và sợ hãi sẽ khiến chúng ta tê liệt, tự huỷ. Trong đời sống Kitô hữu, không ai đứng một chỗ; hoặc sẽ lùi, hoặc sẽ ‘tiến về phía trước’; nhận nhiều hơn, hoặc mất đi những gì mình có. Bạn muốn thế nào?

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, Chúa không đòi hỏi con phải thành công, Chúa chỉ cần con trung thành. Xin giúp con trung tín với ơn gọi đã lãnh nhận, để con có thể luôn ‘tiến về phía trước!’”, Amen.

     

    Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH - CN22TN-CANH -

  •  LM MINH ANH
     
     
     
    CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN, NĂM C  
    - Hc 3, 19-21. 30-31  -  Dt 12, 18-19. 22-24a  -  Lc 14,1. 7-14
     

    CON ĐƯỜNG ĐI LÊN NHANH NHẤT LÀ ĐI XUỐNG

    “Càng hạ mình trong mọi sự, con càng đẹp lòng Chúa!”.

    Một học giả tâm sự, “Chớ gì tôi đủ trung thực để thừa nhận mọi thiếu sót của tôi; đủ sáng suốt để chấp nhận những lời xu nịnh mà không khiến tôi trở nên kiêu ngạo; đủ khôn ngoan để nhận ra những sai lầm của mình; đủ khiêm tốn để đánh giá cao sự vĩ đại của người khác; đủ sâu để cúi xuống hầu có thể ngẩng lên. Bởi lẽ, ‘con đường đi lên nhanh nhất là đi xuống!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Con đường đi lên nhanh nhất là đi xuống!’. Thật thú vị! Đó cũng là những gì Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay tiết lộ. Người ta mở cửa đón Chúa Giêsu vào nhà dùng bữa, cốt để dò xét Ngài; Ngài bất ngờ lật ngược tình thế, mở cửa ‘lòng họ’, nói cho họ ‘nghệ thuật đi lên, là biết đi xuống!’.

    Luca rất chi tiết, “Họ cố dò xét Ngài”. Rõ ràng, các biệt phái đã mời Chúa Giêsu dùng bữa với mục đích dò xét Ngài, xu hướng của họ là tìm lỗi nơi những ai không thuộc nhóm mình. Bỗng “Thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi”, Chúa Giêsu bất ngờ hoán đổi vị thế! Ngài mời họ mở cửa trái tim, xem lại niềm kiêu hãnh; mời họ học cách xử thế khôn ngoan của Chúa thay vì của người đời. Mời Chúa Giêsu bước vào cuộc sống luôn có nghĩa là mở lòng mình cho một thách đố! Ngài sẽ ân thưởng cho sự hào hiệp này qua việc chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến sự thánh thiện cao cả hơn; nghĩa là, Ngài sẽ tiết lộ những điểm yếu của chúng ta, thách thức mỗi người trở nên tốt hơn. Kitô giáo không bao giờ thoải mái! Hãy sẵn sàng để khám phá ra rằng, chúng ta không thánh thiện và tốt đẹp như mình tưởng. Khiêm tốn là nhân đức cần thiết cho bất cứ ai muốn nên thánh; ‘con đường đi lên nhanh nhất là đi xuống!’. Vậy, chúng ta có dành cho Chúa Giêsu vị trí đầu tiên trên bàn ăn cuộc đời mình không; liệu chúng ta có thực sự lắng nghe Ngài để vượt qua những khiếm khuyết lớn lên trong sự thánh khiết không?

    Bài đọc Huấn Ca hôm nay cũng nói đến khiêm nhường, “Càng hạ mình trong mọi sự, con càng đẹp lòng Chúa!”. Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Chúa đã chuẩn bị chỗ định cư cho kẻ cơ bần”. Khiêm tốn đôi khi thật khó, vì tự nhiên, chúng ta thường cho mình là trung tâm; đang khi với Chúa Giêsu, khiêm nhường là chìa khoá ngôi nhà hạnh phúc. Nếu chỉ tìm kiếm bản thân, tìm kiếm “cỗ nhất”, chúng ta sẽ thất vọng; vì những gì thuộc về thế gian chỉ là ngõ cụt chẳng bao giờ thoả mãn đủ. Chúa không thưởng cho lòng tự ái! Những gì con người tặng trao như danh dự, quyền lực, niềm vui luôn giới hạn về thời gian và số lượng, không thể no thoả tâm hồn, vốn luôn khát khao Chúa. Chúa sẽ nâng chúng ta lên đến sự viên mãn thực sự chỉ khi chúng ta bước xuống khỏi tháp ngà chủ nghĩa vị kỷ. ‘Con đường đi lên nhanh nhất là đi xuống!’.

    Anh Chị em,

    “Càng hạ mình trong mọi sự, con càng đẹp lòng Chúa”. Để đẹp lòng Chúa, Lời Chúa dạy rất rõ: “Đi xuống!”. Hơn ai hết, Chúa Giêsu đã làm đẹp lòng Chúa Cha trong mọi sự; Ngài sống những gì Ngài dạy. Ngài đã xuống tận nơi sâu thẳm nhất, cùng tột nhất, mà một tội nhân tàn tệ nhất bị đối xử. Ngài chấp nhận chết trong tủi hổ như một đại tội nhân để cứu lấy một nhân loại tội lỗi. Vì thế, “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài, tặng ban một danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”. Như vậy, nếu khiêm tốn tìm cách phụng sự Chúa thay vì cung phụng bản thân, chúng ta giao lại tất cả cho Chúa; Ngài sẽ cho chúng ta một vị trí trong kế hoạch tốt nhất của Ngài. Phần thưởng của Chúa, sự sống vĩnh cửuhạnh phúc thiên đàng, luôn tốt hơn phần thưởng của thế gian. Nếu cuộc sống như bữa tiệc Lời Chúa hôm nay, thì thời gian của chúng ta trên thế giới này chỉ là món khai vị;Điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, ấy là điều Chúa đã sắm sẵn cho những ai yêu mến Ngài.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    Lạy Chúa, con đường đi xuống nhanh nhất của con, là cố tìm cách đi lên theo kiểu thế gian. Xin cho con biết đi lên theo cách của Chúa, hạ mình để được Chúa nâng lên!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ SÁU

  •  LM MINH ANH
     
    Thứ Sáu, Tuần XXI Thường Niên, Năm Chẵn  
    -  1 Cr 1, 17-25  -  Mt 25, 1-13
     

    CHỨNG NHÂN CHO MỘT TÌNH YÊU BỜ

    “Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá!”.

    Nigel Wright nói, “Thiên Chúa không phải là tác giả của điều ác, Ngài là tác giả của sự sáng tạo và rủi ro vốn có trong nó. Thập giá có ý nghĩa rằng, kẻ đau khổ nhất vì tội lỗi là chính Thiên Chúa, không phải con người! Chính bằng cái chết của Chúa Kitô trên thập giá, quyền lực sự ác mới thực sự bị đánh bại; Ngài là ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Tư tưởng của Nigel Wright được gặp lại qua bài đọc Côrintô hôm nay, một trong những bản văn hay nhất nói về thập giá! Chúa Kitô là ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’ của Thiên Chúa Cha! Trước tình yêu đó, con người có thể đón nhận hay chối từ. Tin Mừng hôm nay nói đến hai nhóm trinh nữ, biểu tượng cho việc đón nhận hay từ chối Ngài, ‘Chàng Rể’ có tên Giêsu Kitô. 

    Trước hết, Phaolô cho thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa thể hiện nơi thập giá Đức Kitô; dù với thế gian, thập giá là một điên rồ. Phaolô xác tín, “Vì chưng, người Do Thái đòi dấu lạ, người Hy Lạp tìm khôn ngoan; còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá”. Cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh, Phaolô không ngần ngại sống chết cho Ngài, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi!”; và con người này thật sự đã trở nên ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’ ấy. Thập giá Chúa Kitô vượt quá mọi trí hiểu. Nó không đòi hỏi phải thông minh học hỏi nhiều; nó có thể được nhận biết, yêu mến, bởi một người hoàn toàn mù chữ. Thập giá không phải là một thông điệp về chiều sâu trí tuệ, một lời sống động công bố một chân lý ngàn đời, “Thiên Chúa Là Tình Yêu”, đúng như Thánh Vịnh đáp ca tán tụng, “Tình thương Chúa chan hoà mặt đất!”.

    Thứ đến, đón nhận hay chối từ tình yêu ấy là tự do của mỗi người! Tin Mừng nói đến mười trinh nữ đi đón chàng rể; trong đó, năm cô khôn ngoan, mang đèn, dầu đầy bình, đón được chàng; năm cô khờ dại mang đèn, không đem dầu theo, bị bỏ lại bên ngoài. Chàng rể ở đây chính là Chúa Kitô, như có lần, Ngài ví mình như một chàng rể. Với cái nhìn của Phaolô hôm nay, chàng rể chính là Chúa Kitô, một Chàng Rể bị đóng đinh trên giá gỗ để cứu lấy con người, ban cho nó hạnh phúc, hưởng kiến sự sống đời đời. Như vậy, Chàng Rể Giêsu Kitô, hiện thân của Đấng Cứu Độ, là ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’ của Cha trên trời. Vậy bạn thuộc nhóm trinh nữ khôn ngoan hay nhóm trinh nữ ngơ khờ; bạn đón được Ngài không? Bạn đang bỏ lỡ điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống? Không chuẩn bị trước có thể dẫn đến những rắc rối không đáng có, và thậm chí là thảm hoạ! Áo phao để lại trên bờ khi thuyền đang chìm thì có ích gì?

    Anh Chị em,

    “Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá!”. Được tình yêu Chúa Kitô chiếm hữu, Phaolô say mê Ngài; chịu thương, chịu khó để loan báo Ngài; và cuối cùng, đổ máu mình minh chứng ơn cứu độ của Ngài. Như Phaolô, suốt hai ngàn năm qua, bao con người đã được tình yêu Ngài thúc bách, trở nên ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’. Cũng chính cách thức ấy, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hôm nay trở nên chứng nhân, tỉnh thức với mọi bất trắc, hy sinh trong đời, biết đón nhận những khốn khó không thể tránh với mong ước hiệp thông với Đấng Chịu Đóng Đinh ấy. Được như thế, là chúng ta đang chuẩn bị dầu đèn cho mình. Vậy hãy tập trung vào hiện tại, ‘ở đây, lúc này’, cho dù lúc này có thể là lúc chúng ta đang vác lấy thập giá nặng nhất; và cho dù Chàng Rể đến sớm hay muộn, sẽ không thành vấn đề, Ngài đã luôn là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bấy giờ, chính chúng ta cũng đã trở thành ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’ khi yêu mến ôm chặt thập giá đời mình!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, để có thể trở nên ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’, xin giúp con chọn Chúa mỗi ngày, dù là phải chọn ‘một Chúa trên thập giá’. Giúp con chọn một cách quyết liệt nhất!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồn

     

Subcategories