3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BẢY

  •  LM MINH ANH
     
     
     
    Thứ Bảy, Tuần XXII Thường Niên, Năm Chẵn  
    -  1Cr 4, 6-15 hoặc 9-15  -  Lc 6,1-5
     

    HỒN NHIÊN NHƯ THIÊN THẦN

    “Một ngày Sabbat, Chúa Giêsu băng qua đồng lúa, các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn”. (CÂU 1)

    William Davis nói, “Tính cách của bạn là những gì nói cho Chúa biết bạn là ai. Danh tiếng của bạn là những gì người ta nghĩ về bạn. Tốt nhất, đơn sơ như trẻ thơ, ‘hồn nhiên như thiên thần!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Câu nói của Davis được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay qua hình ảnh rất dễ thương mà chúng ta thường bỏ lỡ cách đáng tiếc, đó là sự ‘hồn nhiên như thiên thần’ của các môn đệ. Luca ghi lại cách chơn chất, “Một ngày Sabbat, Chúa Giêsu băng qua đồng lúa, các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn”. Thật đơn sơ! Vậy mà thước phim ghi nhanh đó nói lên rất nhiều điều!

    Các môn đệ quả là thanh thản và tự do! Họ tự do tận hưởng cuộc sống, vói tay hái những gié lúa để lót lòng thay cho một bữa lỡ, hầu có thể tiếp tục cuộc hành trình. Tại sao họ thanh thản? Bởi họ đang ở với Chúa! Ngài là bảo đảm an sinh và sức mạnh tinh thần của họ, những con người sẽ làm bất cứ điều gì, vào bất cứ thời điểm nào Thầy họ muốn; họ không câu nệ giờ giấc, ăn uống hay ngủ nghỉ. Các môn đệ không bị cuốn vào những quy tắc và tính toán của con người; họ chỉ tập trung vào Chúa Giêsu. Niềm tin nơi họ tăng lên khi họ biết Chúa Giêsu và tìm học những gì cần thiết để phụng sự Ngài; họ học cách quên mình vì tình yêu. Họ đi theo Ngài và sẽ đi đến bất cứ nơi đâu Ngài dẫn họ đến; họ không phân tâm bởi các chuẩn mực xã hội hoặc những gì người khác nghĩ. Các môn đệ đơn sơ như trẻ thơ, ‘hồn nhiên như thiên thần!’.

    Tương phản với các môn đệ hào hiệp là các Pharisêu hẹp hòi. Các biệt phái mất tự do khi khoác cho mình nhiệm vụ bảo vệ luật, “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”. Ôi! Đó không phải là nhiệm vụ mà là một nỗi sợ, sợ lỗi luật. Họ không được lôi kéo bởi tình yêu Thiên Chúa khi tự cho mình là đúng vốn được thúc đẩy bởi đố kỵ. Thật quái dị khi họ may dài tua áo, gắn nhiều thẻ kinh… cốt để rình rập Chúa Giêsu! Họ đã làm gì trên đồng lúa hửng chín? Dò thám, tìm điều gì đó để chỉ trích! Xem ra họ muốn kể công, “Chúng tôi không lên tiếng, thì ai đây?”. Bi thảm ở chỗ là ‘các nhà lãnh đạo tôn giáo’ này không có gì tốt hơn để làm, họ lãng phí cơ hội ngàn vàng để tìm hiểu Chúa Giêsu, học biết Ngài, may ra hiểu hơn đôi chút lề luật mà họ rất yêu quý. Nơi họ, vắng bóng sự ‘hồn nhiên như thiên thần’ của các môn đệ!

    Trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô nói, “Đừng đi ra ngoài những gì đã viết!”. Không những không đi ra ngoài, Phaolô còn đi vào tận trong ý nghĩa, mục đích, của điều được viết. Điều quan trọng nhất được viết là gì nếu không phải là “Thiên Chúa và Chúa Kitô?”. Chính vì thế, Phaolô chấp nhận bị coi là điên dại, chịu khinh thị vì Chúa Kitô; ngài tâm sự cách ‘hồn nhiên như thiên thần’, “Chúng tôi trở nên như đồ phế thải của thế gian này, và như cặn bã của mọi loài”.

    Anh Chị em,

    Như vậy, để có thể ‘hồn nhiên như thiên thần’, các môn đệ, Phaolô và cả chúng ta không để cho lề luật điều khiển mình mà là Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô thu hút bạn và tôi, chúng ta mới thật sự nên tự do và trí lòng thanh thản. Các biệt phái không có Chúa Kitô nên cuộc sống họ bị vận hành bởi lề luật.

    Vì thế, họ nhìn người khác, xét đoán người khác trên luật; luật đã chi phối cuộc sống của họ, họ mất tự do! Trước những con người hãnh tiến đó, chúng ta học cách Chúa Giêsu xử thế! Ngài kiềm chế, nhẫn nhịn, và mời gọi một sự cảm thông từ phía những kẻ chống Ngài; Ngài khích lệ họ với sự tôn trọng, kèm theo một thách thức,

    ‘Các ông đã không đọc Cựu Ước sao?’. Ngài nói với họ những lời yêu thương, hy vọng, và ‘hồn nhiên như thiên thần’; nhẹ nhàng nhưng kiên quyết; thách đố nhưng thuyết phục. Ngài muốn gợi cho họ rằng, họ nên nhìn xa hơn lề luật, hướng về Đấng đặt ra lề luật, “Con Người làm chủ ngày Sabbat!”.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin đơn giản hoá cuộc sống của con để con ‘hồn nhiên như thiên thần’; dạy con cách gỡ rối và giúp những ai đã phức tạp hoá cuộc sống của họ với bao lắng lo, sợ hãi!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyễn:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - ĐBĐM - CN23TN-C

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC- LM MINH ANH - THỨ NĂM

  •  LM MINH ANH
     
     
     
     
    Thứ Năm, Tuần XXII Thường Niên, Năm Chẵn
     -  1 Cr 3, 18-23  -  Lc 5, 1-11
     

    RA CHỖ NƯỚC SÂU

    Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá!”.

    Philip Clarke Brewer nói, “Chúa sử dụng cái bạn có, để đáp ứng một nhu cầu bạn không bao giờ có thể lấp đầy; Chúa sử dụng nơi bạn ở, để đưa bạn đến nơi bạn không bao giờ có thể đến; Chúa sử dụng cái bạn có thể làm, để hoàn thành những gì bạn không bao giờ có thể làm; Chúa sử dụng bạn là chính bạn, để bạn trở thành một ai đó mà bạn không bao giờ có thể trở thành!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Thật bất ngờ, với Phêrô trong Tin Mừng và cả với Phaolô trong thư Côrintô hôm nay, ý tưởng của Brewer gần như hiện thực trọn vẹn! Đặc biệt với Phêrô, Chúa Giêsu sử dụng ông để ông trở thành một ai đó mà ông không bao giờ có thể trở thành! Để bắt đầu, hôm nay, Ngài không chỉ truyền cho Phêrô thả lưới; nhưng bảo ông, “Chèo ra chỗ nước sâu!”. Điều này mới đáng kể!

    Tin Mừng cho biết, dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe Lời Ngài; Phêrô giặt lưới, ông không buồn chen lại gần Ngài. Vậy mà lấy cớ dân chúng đông đảo, Chúa Giêsu ‘chen vào thuyền ông’; để sau đó, bất ngờ ‘chen vào đời ông’, ‘chen vào nơi sâu thẳm trái tim ông’. Ngài ngỏ lời đề nghị ông ra nơi biển sâu để đánh cá, “Chèo ra chỗ nước sâu!”. Kìa, Phêrô đã không dùng sự khôn ngoan để từ chối Ngài; trái lại, ông mềm mỏng thả lưới vào nơi sâu thẳm của những nghịch lý nghề nghiệp. Vậy mà, nhờ sự vâng phục này, Phêrô được thưởng một mẻ cá thần kỳ! Và còn hơn thế, Phêrô đã có thể làm những gì ông không bao giờ có thể làm; đó là khám phá ra cảnh vực thần linh trong con người đã chen vào đời mình, và khám phá luôn những gì thẳm sâu của lòng ông. Để rồi, điều phải xảy ra đã xảy ra, “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Lạ thay! Chúa Giêsu không tránh xa Phêrô; thay vào đó, Ngài kéo ông lại gần, xô ông tới, cho ông choáng ngợp từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác; để từ đó, Hội Thánh có vị Giáo Hoàng tiên khởi, một con người rồi đây sẽ sống chết cho Ngài.

    Cũng thế, với Phaolô! Chúa sử dụng Đamas, nơi Phaolô đang ở, để đưa Phaolô đến một nơi mà ông không bao giờ có thể đến. Ngài đánh quỵ ông ngay trên đường hãnh tiến của ông, vùi lấp ông đến mù loà, để mở mắt trái tim ông, hầu ông có thể nhìn thấy vực thẳm lòng mình, “Khốn thân tôi, khốn thân tôi; ai sẽ cứu tôi?”. Ba ngày đui chột thể lý đủ mở mắt linh hồn, con người này thấy được những ngổn ngang nội tâm; và nhờ Thần Khí, Phaolô biết phải làm gì, đồng thời, hiểu được những chiều kích thẳm sâu nơi Thiên Chúa. Từ đó, “đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô”. Phaolô đã loại trừ những khôn ngoan thế gian, khôn ngoan biệt phái, khôn ngoan theo thói đời để có được khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô viết, “Khôn ngoan đời này là điên rồ trước mặt Chúa”, “Đấng làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài” như Thánh Vịnh đáp ca xác tín.

    Anh Chị em,

    “Chèo ra chỗ nước sâu!”. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ra chỗ sâu nhất của lòng mình; ở đó, dường như cũng lắm ngổn ngang các thứ theo thói đời. Như Phêrô, Phaolô, bạn và tôi hãy mềm mỏng trước Thánh Thần; và này, mỗi người cũng sẽ trải nghiệm không chỉ một ‘mẻ cá thần kỳ’ nhưng còn nhiều hơn thế. Chúa sẽ sử dụng chúng ta theo những cách thức đầy quyền năng, “làm những việc mà bạn không thể làm”, “đi đến nơi mà bạn không thể đến”, “trở thành một ai đó mà bạn không bao giờ trở thành”. Vậy hãy nói “Có” với Chúa cách mạnh mẽ như Phêrô, “Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới!”. Với hành động trung thành này, Chúa sẽ làm trổ sinh hoa trái; nghĩa là chúng ta sẽ loại trừ những suy nghĩ riêng của mình, mặc lấy Chúa Kitô, cho phép Ngài đi vào chốn sâu thẳm lòng mình mỗi ngày. Giữa bao bề bộn tân toan, thi thoảng hãy trở về nơi rất riêng sâu thẳm linh hồn để gặp Ngài; chỉ ở đó, chúng ta mới gặp được bình an nội tâm. Nhờ bình an ấy, chúng ta ra khơi, đem trao sứ điệp tin yêu cho anh chị em mình.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, con cứ lẩn quẩn, lần thần, trong ‘chỗ cạn’ nên không bắt được gì hết, cũng không thấy gì hết! Tin vào Lời Chúa, con sẽ “ra chỗ nước sâu” để bắt đầu một khởi sự mới!”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ SÁU

  •  LM MINH ANH
     
     
    Thứ Sáu, Tuần XXII Thường Niên, Năm Chẵn  
    - 1 Cr 4, 1-5  -  Lc 5, 33-39
     

    “NGƯỜI NÀY LÀ CỦA TÔI!”

    “Rượu mới phải đổ vào bầu da mới!”.

    Abraham Kuyper lập luận, “Hiểu biết uyên thâm là sự cần thiết nhất định để đào tạo các môn đệ Kitô; việc đào tạo này phải được thực hiện theo cách nó tôn vinh Ngài!”. Ông kết luận, “Không một ‘centimet vuông’ nào trong toàn bộ tạo vật mà Chúa Giêsu không kêu lên, “Cái này là của tôi!”. Không ‘một linh hồn nào’ thuộc về Ngài mà Ngài không tuyên bố, “Người này là của tôi!””.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Người này là của tôi!”. Con người mà Kuyper đề cập được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay, đó là những ai được Chúa Giêsu tuyên bố là của Ngài. Họ là những ‘tạo vật mới’, những “bầu da mới”, chứa “rượu mới” tức là sự sống mới, còn gọi là sự sống ân sủng của Thánh Thần.

    Những bầu da cũ là những con người trước đó, với bản chất cũ u buồn, bẳn gắt, tà vạy…  vốn bị ràng buộc với luật cũ. Vậy, nếu chúng ta muốn nhận được “rượu mới” ân sủng, niềm vui và lòng thương xót của Thiên Chúa, hãy cho phép Ngài biến đổi con người mình thành ‘một tạo vật mớikhiêm tốn chấp nhận luật mới của ân sủng.

    Trở thành một tạo vật mới trong Chúa Kitô có nghĩa là sống đời sống con cái Thiên Chúa ở một cấp độ hoàn toàn mới; dứt khoát từ bỏ nếp sống để được Chúa Kitô hoàn toàn chiếm hữu.

    Tôi thuộc về Ngài, tôi sống trong Ngài, tràn đầy niềm vui, đến nỗi “không một centimet vuông nào” nơi tôi mà không phải của Ngài! Từ đó, khi nói về tôi, Chúa Giêsu cũng sẽ mạnh dạn tuyên bố, “Người này là của tôi!”.

    Thuộc về Chúa Kitô, được biến đổi trong Ngài, chúng ta được chuẩn bị để hưởng nhận ân sủng từ các Bí Tích; nhưng mục tiêu đầu tiên vẫn là phải trở thành ‘những tạo vật mới’, “những bầu da mới. Làm thế nào để thực hiện điều này? Trước hết, bằng việc sống Bí Tích Rửa Tội; sau đó, quyết tâm từ bỏ tội lỗi và đi vào lối hẹp Tin Mừng.

    Một khi quyết định hướng về Chúa Kitô trong mọi sự, mọi lúc, chúng ta sẽ khám phá ra rằng, Thánh Thần quyền năng sẽ tức khắc đổ đầy ân sủng và niềm vui mới vào “từng centimet vuông” trên cuộc đời chúng ta, một niềm vui chan chứa bình an ngập tràn tâm hồn vốn có sức mạnh vượt quá mọi khả năng con người.

    Đến lượt chúng ta, chúng ta trào tràn rượu ân sủng đó cho tha nhân. Trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô nói, “Chúng tôi như những thừa tác viên của Đức Kitô, và là người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa”.

    Từ đó, ai được bạn chia sẻ niềm tin; đến lượt họ, họ cũng sẽ trở nên một tạo vật mới thuộc về Chúa Kitô; và Chúa Kitô cũng nói về họ, “Người này là của tôi!”, một người vốn đã nên công chính, được vui hưởng ơn cứu độ của Ngài. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Người công chính được Chúa thương cứu độ!”.

    Anh Chị em,

    “Rượu mới phải đổ vào bầu da mới!”. Tuyệt vời thay! Chính Chúa Giêsu đã sống tất cả những gì Ngài dạy. Ngài là bầu da mới, đầy Thánh Thần, sống đẹp lòng Cha, đến nỗi Chúa Cha tuyên bố, “Đây là con yêu dấu của Ta!”.

    Vậy liệu bạn và tôi có được sự sẵn sàng như Chúa Giêsu không? Hay tôi vẫn như một bầu da cũ, chứa rượu cũ, cư xử với sự cứng nhắc cũ kỹ; bởi đó, tôi tự cho phép mình lờ đi chiều kích nội tâm trước nghịch lý của Tin Mừng, tôi gạt sang một bên những khó khăn và đòi hỏi của nó.

    Chính khi bỏ qua những khổ chế Phúc Âm, chúng ta đánh mất niềm vui bên trong, niềm vui trở nên ‘một tạo vật mới’, niềm vui mà Gioan Phaolô II gọi là “đặc quyền của ‘Dân Phục Sinh’”. Đó là niềm vui của trái tim; đặc điểm quyết định của người môn đệ; cũng là đồng phục để biết một người có phải là môn đệ Giêsu hay không.

    Nếu chẳng được như thế, rượu mới của Thánh Thần hoá ra vô ích; bởi lẽ, bình nứt, bầu rạn, rượu chảy lênh láng. Và như thế, làm sao Chúa Giêsu có thể tuyên bố, “Người này là của tôi!”.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, để con có thể tuyên bố, ‘Con là của Chúa!’, xin biến đổi con không bằng nỗ lực của con, nhưng bằng lửa yêu mến và thanh luyện của Thánh Thần. Vì mọi sự phải qua lửa!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN - CN23TN-C

  •  
    Song Loi Chua

       SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C (4/9/2022)

    ĐIỀU CƠ BẢN CỦA ĐỜI SỐNG KI-TÔ HỮU

    [Kn 9,13-18; Plm 9-10.12-17; Lc 14,25-33]

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Khuynh hướng tự nhiên của con người là muốn có thêm, muốn có nhiều hơn nữa. Vì thế mà hy sinh từ bỏ là việc rất khó khăn đối với mọi người không trừ ai. Khó khăn nhưng không có nghĩa là không thể, vì với sự trợ giúp của ơn thánh Chúa thì không có gì là không thể.

    Nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy hy sinh từ bỏ là điều cơ bản của đời sống tôn giáo nói chung và của đời sống Ki-tô hữu nói riêng. Thật vậy trong đời tôn giáo và tâm linh, hy sinh từ bỏ là điều kiện không thể thiếu; vì chỉ bằng hy sinh từ bỏ, con người mới được lột xác thành một tạo vật mới, mới có thể bước theo Chúa Ki-tô Giê-su.

    Muốn dễ dàng hy sinh từ bỏ, ngoài sự trợ giúp của Trên, các Ki-tô hữu cần biết nhìn xa trông rộng và suy tính khôn ngoan. Đó chính là điều mà Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta trong bài Phúc âm Chúa nhật 23 Thường Niên Năm C hôm nay.

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Kn 9,13-18): "Ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn" Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn? Vì những ý tưởng của loài hay chết thì mập mờ, và những dự định của chúng tôi đều không chắc chắn. Vì xác hay hư nát làm cho linh hồn ra nặng nề, và nhà bụi đất làm cho lý trí hay lo lắng nhiều điều ra nặng nề.

    Chúng tôi ước lượng cách khó khăn các việc dưới đất, và khó nhọc tìm thấy những sự trước mắt. Còn những sự trên trời, nào ai khám phá ra được? Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống. Như thế, mọi đường lối những kẻ ở dưới đất được sửa lại ngay thẳng, và loài người học biết những sự đẹp lòng Chúa.

    Vì, lạy Chúa, những ai sống đẹp lòng Chúa từ ban đầu, thì được ơn cứu độ nhờ sự khôn ngoan.

    2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc đọc 2 (Plm 9-10.12-17): "Con hãy tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến" Con thân mến, Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Đức Giêsu Kitô, cha nài xin con cho Ônêsimô, đứa con cha đã sinh ra trong xiềng xích.

    Cha trao nó lại cho con. Phần con, con hãy đón nhận nó như ruột thịt của cha. Cha cũng muốn giữ nó lại để thay con mà giúp đỡ cha trong lúc cha bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý con, nên cha không muốn làm gì, để việc nghĩa con làm là một việc tự ý, chớ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa con một thời gian để rồi con sẽ tiếp nhận muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với cha, huống chi là đối với con, về phần xác cũng như trong Chúa. Vậy nếu con nhận cha là bạn hữu, thì xin con hãy đón nhận nó như chính mình cha vậy.

     

    2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc Tin Mừng (Lc 14,25-33): "Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta" Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.

    "Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: 'Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi'.

    "Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta"

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh    

    3.1.1 Bài đọc 1 (Kn 9,13-18) là một trích đoạn Sách Khôn Ngoan nói về vai trò của đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan - chính là Thần Khí của Thiên Chúa - giúp con người khám phá ra những điều cao siêu là ý định của Thiên Chúa, những điều mà tự khả năng giới hạn của mình, con người không thể vươn tới. Vì chưng con người “vốn là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ trăm bề.”

    Nhờ đoạn Sách Khôn Ngoan trên (9,13-18) chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng rất yêu thương con người nên đã không để con người bị trói buộc trong giới hạn hẹp hòi của mình mà trái lại đã ban đức Khôn Ngoan để giúp con người vươn xa bay cao, đến được thế giới của Thiên Chúa, hiểu và nắm bắt được ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa.

    3.1.2 Bài đọc 2 (Plm 9-10.12-17) là những lời lẽ chân tình mà Thánh Phao-lô gửi cho ông Phi-lê-môn, một người có địa vị và tiếng tăm trong cộng đoàn tín hữu ở Cô-lô-sê để xin ông nhận lại Ô-nê-xi-mô là một nô lệ đã bỏ nhà ông mà đi nhưng nay đã trở thành một Ki-tô hữu như ông.

    Trong đoạn thư của Thánh Phao-lô gửi ông Phi-lê-môn trên (9-10.12-17) chúng ta thấy - không phải cách trực tiếp mà là cách gián tiếp - Thiên Chúa là Đấng làm cho con người có phẩm giá cao quý, bình đẳng và huynh đệ với nhau! Cụ thể trong trường hợp ở đây thì lúc trước Ô-nê-xi-mô là nô lệ, là tài sản của ông chủ Phi-lê-môn; còn sau khi đã trở thành Ki-tô hữu (qua phép Rửa) thì Ô-nê-xi-mô đã trở thành người anh em của người chủ cũ của mình, xứng đáng được đối xử tử tế và được tôn trọng.

    3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 14,25-33) tường trình lại một bài huấn giáo quan trọng số một mà Chúa Giê-su đã dành cho các môn đệ, không phải trong lớp học hay trong hội đường mà ở giữa cảnh trời lồng lộng của cuộc hành trình tiến về Giê-ru-sa-lem. Bài huấn giáo quan trọng số một đó là từ bỏ và hy sinh, là chấp nhận vác thập giá mình để theo Chúa Giê-su, để xứng đáng là môn đệ của Người. Đối tượng của từ bỏ là cha mẹ, vợ con, anh em, chị em là những người gần gũi thân thương nhất! Đối tượng của hy sinh là cả mạng sống mình tức chính bản thân mình!

     Nhờ Bài Phúc Âm theo Thánh Lu-ca trên (14,25-33) chúng ta khám phá ra Chúa Giê-su là Đấng đòi hỏi rất nhiều và rất cao ở những người muốn theo Chúa. Chúa đòi hỏi người muốn làm môn đệ Chúa phải dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình, có nghĩa trong cuộc sống Chúa phải là ưu tiên số một. Chúa còn đòi hỏi người ấy phải vác thập giá mình mà đi theo Người. Tại sao vậy?  Vì hai lý do: một là chính Chúa Giê-su đã từ bỏ và hy sinh tất cả vì yêu thương nhân loại và mỗi con người, thì người môn đệ cũng phải nên giống Thày mình; hai là từ bỏ và hy sinh là con đường duy nhất dẫn đến đời sống vĩnh hằng là hạnh phúc thật.       

    3.2 Sứ điệp của Lời Chúa     

    Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng cao siêu nhưng gần gũi, yêu thương vô hạn nhưng cũng đòi hỏi gắt gao, không chỉ nói xuông mà thực hành trước những điều Người yêu cầu ở người môn đệ.

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

    Mỗi người có thể chọn một trong hai hoặc cả hai khía cạnh của sứ điệp của Lời Chúa hôm nay mà đem vào đời sống trong tuần:

    (1o) Sống hy sinh và từ bỏ: Trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng cũng như trong đời sống nhân bản và tâm linh, tôi có tự nguyện khước từ không chỉ những cái xấu làm hại mình mà cả những cái tốt, để cho đời sống được nhẹ nhàng, tự do và thánh thiện hơn không?                   

    (2o) Vác thập giá mình mà đi theo Chúa: Trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng cũng như trong đời sống nhân bản và tâm linh tôi có vui vẻ chấp nhận những hy sinh và thiệt thòi do đức tin và tư cách người môn đệ Chúa Giê-su đòi hỏi không?                                      

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tất cả các dân tộc trên thế giới được Thiên Chúa ban cho Đức Khôn Ngoan mà sống xứng đáng với phẩm giá làm người và làm con Chúa.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.2 «Nều ai đến với Ta mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Tai được» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu được ơn sẵn sàng hy sinh từ bỏ để đi theo Chúa Giê-su Ki-tô và làm chứng cho Tin Mừng Cứu Độ.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.3 «Ai không vác thập giá mình mà đi theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta được» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta được ơn nhận thức sâu sắc rằng vác thập giá và hy sinh là điều cốt yếu trong đời sống đức tin của các môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.4 «Bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người tham lam của cải, danh vọng, chức quyền và lạc thú để những người ấy biết kiềm chế lòng tham và có được một tâm hồn thanh thoát của các môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    Sàigòn ngày 31 tháng 8 năm 2022

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.               

     

    --

Subcategories