3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ SÁU

  •  LM MINH ANH
     
     

    KHÔNG SỢ SAI LẦM

    Thứ Sáu, Tuần XXIII Thường Niên, Năm Chẵn  

    -  1 Cr 9,16-19. 22b-27  -  Lc 6, 39-42 

    “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm!.(1 COR 9, 16)

    Một người bạn nói với mục sư Adoniram Judson rằng, một bài báo đã ví anh như một số tông đồ. Judson trả lời, “Tôi không muốn giống Phaolô hay bất kỳ ai khác. Tôi muốn giống Chúa Kitô! Tôi chỉ muốn theo Ngài, uống Thánh Linh của Ngài, đặt chân tôi vào dấu chân Ngài, sống lời Ngài, và dạy lời Ngài mà ‘không sợ sai lầm’. Ồ, tôi muốn giống Chúa Kitô thôi!”

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Tôi muốn giống Chúa Kitô thôi!”. Phải chăng đây cũng là ý chí kiên định của Phaolô khi ngài quyết tâm đánh đổi tất cả để nên giống Chúa Kitô, có Chúa Kitô, và muốn muôn dân biết Chúa Kitô, “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm!. Uống Thánh Linh của Chúa Kitô, sống lời Ngài, Phaolô can đảm bôn tẩu, rong ruổi, loan báo Tin Mừng Đức Kitô mà ‘không sợ sai lầm’.

    Thế nhưng, với chúng ta, phải bắt đầu từ đâu? Phải rao giảng làm sao mà ‘không sợ sai lầm?’. Như Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, coi “mọi sự như rác rưởi trước mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô”; trước hết, chúng ta phải được nung nấu bởi tình yêu của Chúa Kitô, hiểu biết Ngài nhờ quyền năng của Thánh Thần. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sẽ giải thích điều này rõ hơn; Ngài nói, “Người mù có thể dắt người mù được sao?”. Nghĩa là, trước tiên, tông đồ phải là người biết thật rõ, thấy thật rõ, mình đang đi đâu, trên con đường nào, và sẽ dẫn đến đâu? Là một người chỉ đường, rao giảng Chúa Kitô, chúng ta cần xác tín, ngoài con đường Giêsu, không có con đường nào khác! Ngài là Đấng đến từ Chúa Cha, nên Ngài biết rõ đường. Hãy suy gẫm về tầm quan trọng và vị trí trung tâm của Chúa Kitô đối với hành trình tiến về Nhà Cha của chính chúng ta và của những người chúng ta sẽ hướng dẫn mà ‘không sợ sai lầm!’.

    Thứ đến, người dẫn đưa người khác đến với Chúa, chúng ta cần có ‘một lo lắng’ nào đó; không phải sợ hãi, nhưng thực sự là không thể coi thường! Trước trách vụ lớn lao và cấp bách đó, cách khôn ngoan nhất là chúng ta dựa vào Giáo Hội. Chúa Giêsu không chỉ thiết lập Giáo Hội để tiếp tục sự dạy dỗ của Ngài, nhưng còn ban cho Giáo Hội ân sủng Thánh Thần để gìn giữ Giáo Hội khỏi sai lầm. Chúng ta không cậy mình, nhưng biết rằng, tôi không hề lẻ loi. Sự tự tin của chúng ta cần bắt nguồn từ sự hiểu biết rằng, chúng ta đang ở trong Giáo Hội, hợp nhất với Giáo Hội và thực hành giáo huấn của Giáo Hội.

    Học tập là một ‘tiến trình thường huấn’ kéo dài suốt đời; vậy mà, chúng ta hay coi thường, không cần đào sâu cho mình những hiểu biết đức tin. Vì thế, tuy không sợ sai lầm, nhưng việc giảng dạy của chúng ta thường chỉ dừng lại ở cấp Rước Chúa lần đầu hoặc Thêm Sức! Tại sao, vì chúng ta tự mãn, chúng ta không biết mình ‘nghèo’, nên những người chúng ta dạy dỗ không bao giờ ‘giàu’; và như thế, không ít người lớn chỉ được chúng ta đào tạo với những gì đủ cho một đứa trẻ! Vậy hãy học biết Chúa Kitô mỗi ngày, đào sâu đức tin, suy tư, nghiên cứu, chiêm ngắm những mầu nhiệm của Ngài; đồng thời, cho phép ân điển Thánh Thần biến đổi cuộc sống chúng ta mỗi ngày. Được như thế, chúng ta mới có thể nâng cao đời sống đức tin, làm nóng sốt hồn tông đồ nơi chính mình và nơi những người chúng ta hướng dẫn mà ‘không sợ sai lầm’.

    Anh Chị em,

    “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm!. Chớ gì mỗi người chúng ta có chung một thao thức như Phaolô! Vậy mà, chúng ta chỉ có thể rao giảng Chúa Kitô, giúp đỡ và dạy dỗ người khác đến với Ngài bằng chính những gì chúng ta đã học biết và nhận được từ Ngài. Ngài là vị Thầy, Hướng Đạo thông thái, Đức Hôn Phu tuyệt vời của Hiền Thê Giáo Hội vốn là người mẹ khôn ngoan nhất của chúng ta. Ngài còn là Thầy Thuốc đa khoa có thể chữa lành sự loà, đánh bại mọi tội lỗi, băng bó mọi thương tích, nâng đỡ bao yếu đuối và lấp đầy những nông nổi của chúng ta. Được như thế, chúng ta có thể dẫn dắt người khác mà ‘không sợ sai lầm!’.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin hạ thấp dãy núi tự mãn nơi con, cho con biết mình ‘nghèo’; xin dạy con mỗi ngày trên đầu gối Giáo Hội. Từ đó, con làm cho anh chị em con ‘giàu’ mà ‘không sợ sai lầm!’”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ NAM

  •  LM MINH ANH
     
     
     
     
     Lễ SINH NHẬT ĐỨC MẸ, 8/9 (Thứ Năm, Tuần XXIII Thường Niên,
     
    Năm Chẵn  -  Mk 5, 2-5a  -    Mt 1,1-16.18-23
     

    MỘT LỊCH SỬ CÓ TÊN EMMANUEL

    “Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta!”. (CÂU 23)

    Truyền thống kể rằng, Gioakim và Anna có một cuộc hôn nhân “chẳng đi đến đâu”; họ son sẻ! Vô cùng thất vọng, Gioakim đi theo đoàn chiên vào sa mạc, lưu lại chốn hoang dã một thời gian dài. Ở đó, sứ thần hiện ra báo cho ông, một đứa trẻ sẽ chào đời. Gioakim trở về với vợ ở Bethesda, ôm ấp hy vọng; quả thế, Anna đã mang thai, sinh hạ Maria. Thiên Chúa lấy những gì vô dụng để làm nên điều hữu dụng nhất, kiệt tác Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, người sẽ cưu mang Giêsu, Emmanuel; với Ngài, lịch sử nhân loại nay trở nên ‘một lịch sử có tên Emmanuel!’.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời Chúa lễ Sinh Nhật Đức Mẹ tường thuật mầu nhiệm Nhập Thể vĩ đại với gia phả của Chúa Giêsu; trong đó, Con Thiên Chúa mặc lấy lịch sử tốt xấu của tổ tiên Ngài. Vậy mà, nhờ Ngài, lịch sử đó được định hình để làm nên lịch sử cứu độ, ‘một lịch sử có tên Emmanuel’, Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta!

    Đó là một lịch sử được báo trước! Mikha, trong bài đọc hôm nay, đã nói tiên tri về Đức Mẹ; vị ngôn sứ nói đến ‘cái kết cứu độ’ của gia phả, “Ngài sẽ bỏ dân Ngài, cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con”. Với khôn ngoan thế gian, chúng ta không hiểu tại sao Thiên Chúa lại chọn trở thành một người. Trong gia phả của Chúa Giêsu, xuất hiện kẻ tốt, người xấu; hạng trung thành, kẻ bất tín; người hữu dụng, kẻ vô dụng. Thật khó hiểu, tại sao Thiên Chúa lại chuốc lấy những gì lầm lỗi, kém cỏi để biến nó thành của mình. Hoặc sao Ngài mặc lấy dòng dõi của tôi, lịch sử cá nhân tôi - cả điều tốt lẫn điều xấu - để định hình nó, cho nó trở thành lịch sử cứu rỗi cho chính tôi và cho những người khác; tại sao Ngài tiếp tục làm điều này? Khi nào thì đủ? Vậy mà Thiên Chúa nói, và sẽ luôn có thể nói, Ta có thể làm được gì nữa cho con?”.

    Gia phả của Chúa Giêsu bắt đầu với Abraham, một con người thánh thiện, đầy niềm tin; nhưng qua năm tháng, lịch sử của dòng dõi ấy vấy bao tội lỗi. Vì thế, khi mang lấy huyết thống của dòng tộc này, Con Thiên Chúa muốn cứu lấy không chỉ dòng dõi Abraham, nhưng còn cứu lấy cả nhân loại trước Abraham và sau Abraham; cả những ai thuộc về Abraham hay không thuộc về Abraham. Tắt một lời, Ngài ôm lấy kiếp người, trọn vẹn với vui buồn nhân thế của nó; một kiếp nhân sinh đang bị xâu xé bởi tội nguyên tổ. Ngài đi vào trong chính lịch sử của nó, một lịch sử mà Ngài sẽ định hình nên lịch sử cứu độ. Và để làm được công việc đó; Ngài phải đi vào nhân loại này, và nhất định Con Thiên Chúa cần có một người mẹ.

    Sinh Nhật Maria báo trước Sinh Nhật Chúa Giêsu. Ngài đã làm người; có cha, có mẹ, có huyết thống. Ngài khiêm nhường chen mình vào dòng tộc con người chán chường, đầy khiếm khuyết này, hầu cứu độ nó. Để làm điều đó, Ngài phải ở với con người, ở cùng con người; và nhờ Ngài, lịch sử con người trở nên ‘một lịch sử có tên Emmanuel’, Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta!

    Anh Chị em,

    “Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta!”. Chúng ta không biết mầu nhiệm Nhập Thể và nhiệm cục Cứu Độ của Thiên Chúa sẽ thế nào nếu không có Đức Maria. Chiêm ngắm con người tuyệt vời của Mẹ, chúng ta thấy Mẹ như hòn đất sét trong tay người Thợ Gốm tài hoa có tên là Thiên Chúa, Đấng nắn nên Mẹ. Mừng sinh nhật Mẹ, chúng ta nhớ đến sinh nhật thiêng liêng của mình ngày được rửa tội. Chớ gì, mỗi người chúng ta cũng biết ngoan nguỳ và khiêm hạ như Đức Mẹ, và Chúa cũng sẽ nắn đúc chúng ta nên một kiệt tác của Ngài; và lịch sử mỗi người cũng được định hình để trở nên một lịch sử cứu rỗi cho chính mình, cho người khác và cho cả nhân loại. Và rồi đây, như Đức Mẹ, bạn và tôi cũng có thể reo lên, “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca; vì lẽ, với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, lịch sử của cuộc đời bạn, cuộc đời tôi, cũng là ‘một lịch sử có tên Emmanuel’, một lịch sử được Thiên Chúa xót thương!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    Lạy Chúa, như Mẹ, xin giúp con mềm mỏng với ân sủng Thánh Thần; nhờ đó, lịch sử đời con cũng được định hình nên lịch sử cứu rỗi cho linh hồn con và linh hồn anh chị em con!”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA


  • Chi Tran
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    07/09/22 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 23 TN
    TIN MỪNG Lc 6,20-26

    BIẾN HOẠ THÀNH PHÚC
    “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,20)

    Suy niệm/SỐNG: Người nghèo đói được Chúa chúc phúc không phải vì đó là công trạng của họ, mà vì Chúa đứng về phía họ, những người yếu thế, dễ bị tổn thương. Và điều đó càng rõ ràng hơn khi họ chọn đứng về phía Chúa, chịu khổ nhục “vì danh Ngài”. 

       Ngược lại, những người giàu có, no đầy “phải khốn”, phải chuốc hoạ vào thân không phải vì họ nhiều của cải mà vì họ đã không đứng về phía Chúa – nghĩa là phía người nghèo, – để cảm thông chia sẻ; trái lại họ cậy dựa vào của cải mà hưởng thụ cách ích kỷ, đắm chìm trong đam mê lạc thú.

       Ông phú hộ trong dụ ngôn bị trầm luân chỉ vì đã không chia sẻ cho anh La-da-rô nghèo túng, là hình ảnh minh hoạ chân lý ấy (x. Lc 16,19-26).

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay là chìa khóa để được chúc phúc, và hơn nữa, để biến hoạ thành phúc. Một khi bạn để những ham mê của cải và thú vui choán hết tâm hồn, ta không còn chỗ dành cho Chúa và tha nhân nữa.

       Nhưng nếu bạn bán đi tất cả những gì bạn có mà cho người nghèo” (x. Lc 18,22), bạn biến mối hoạ thành mối phúc cho mình: bạn trở nên người nghèo của Thiên Chúa (anawim), và được Nước Trời làm gia nghiệp.

     

    Sống Lời Chúa: Hy sinh tiết giảm những chi tiêu không thiết yếu để trợ giúp những người túng thiếu.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, họa hay phúc là do chúng con tự tạo. Nghèo chúng con nương tựa vào Chúa. Giàu chúng con cũng phó thác trong tay Chúa và tương trợ anh em mình. Chúng con xin Chúa thêm ơn, để trong hoàn cảnh của mình, chúng con luôn biết tín thác vào Lời Chúa dạy. Amen.

    GPLONGXUYEN 

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - CN24TN-C - VIETBUI

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHÚT LỜI CHÚA - THỨ BA

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    06/09/22 THỨ BA TUẦN 23 TN
    TIN MỪNG Lc 6,12-19

     
    ĐƯỢC CHỌN ĐỂ NÊN MỘT
     
    Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. (Lc 6,12-13)
     

    Suy niệm/SỐNG: Đức Giê-su chọn các tông đồ nhưng không cất khỏi họ những yếu tố con người, cả những yếu đuối.

       Điều lạ lùng, dẫu có nhiều khác biệt, thậm chí trái nghịch nhau nữa, các tông đồ vẫn sống chung được với nhau và cùng thi hành sứ mệnh truyền giáo.

       Chẳng hạn, giữa Mát-thêu và Si-mon “nhiệt thành”: Mát-thêu làm nghề thu thuế, tiếp tay với người Rô-ma đô hộ; Si-mon chủ trương đối đầu với quân Rô-ma và những người làm tay sai.

       Ấy thế mà khi thuộc về Nhóm Mười Hai của Đức Giê-su, họ sống với nhau trong hòa bình và cùng chung lo công việc Chúa. Đúng như cha Teilhard de Chardin nói: “Đăng giả hội”, càng lên cao càng hội tụ lại. Các tông đồ càng vươn lên tới Đức Giê-su thì họ càng hiệp nhất với nhau trong Ngài.

       Và chính đời sống hiệp nhất ấy đã là một bài rao giảng sống động về một Thiên Chúa duy nhất là Cha mọi người.

     

    Mời Bạn CHIA SẺ: Trong gia đình, trong nhóm hay trong cộng đoàn, bạn là tác nhân của sự hiệp nhất hay của sự chia rẽ?

        Khi có những mâu thuẫn trong nhóm/cộng đoàn của bạn, bạn có tìm nguyên nhân và phương thế sửa chữa?

     

    Sống Lời Chúa: Bạn gia nhập một nhóm hoạt động tông đồ giáo dân trong giáo xứ và cùng làm việc với anh chị em.

     

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con muốn được cùng với Chúa mà thân thưa với Chúa Cha : “Lạy Cha, xin cho chúng con hiệp nhất nên một”, hầu giáo xứ chúng con trở nên cộng đoàn yêu thương, lánh xa những mưu mô chia rẽ, bè phái, hờn căm, để thế gian tin rằng chúng con thuộc về Chúa.

     GPLONGXUYEN

     
     

Subcategories