3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - TGM VŨ VĂN THIÊN

  •  
    Kim Vu

     

    CHỌN CHỖ CUỐI

     

    Sống khiêm tốn là một lời khuyên thường thấy trong kho tàng văn hoá Đông cũng như Tây, kim cũng như cổ.  Sống giữa trời đất mênh mông, con người thật nhỏ bé, cần phải thành thật nhận ra sự nhỏ bé ấy.  “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là thừa” – người xưa nói thế. 

    Cuộc đời chính là sự tôi luyện để biết học khiêm tốn và tránh xa tự kiêu.  Chỉ một chút tự kiêu cũng có thể làm người ta danh bại thân liệt đổ vỡ sự nghiệp không thể cứu vãn.  Lão Tử lấy hình ảnh nước để nói về sự khiêm tốn: “Bậc trọn lành giống như nước.  Nước khéo làm ích cho muôn loài mà không tranh giành, ở chỗ mọi người đều ghét, cho nền gần Đạo” (Đạo Đức Kinh, chương 8).  Bậc thánh nhân cũng phải như vậy, phải sống cuộc đời khiêm cung từ tốn, quên mình vì người, không tự cao tự đại, có như thế mới gần Đạo gần Trời.

     

    Sống khiêm tốn cũng là chủ đề chính của các bài đọc Lời Chúa hôm nay, dù mỗi bài đọc khai thác đề tài này ở một góc nhìn khác nhau.  Sách Huấn Ca của người Do Thái là một cuốn sách thuộc thể loại “văn chương khôn ngoan.”  Nội dung sách này cũng tựa như những ca dao tục ngữ của người Việt chúng ta.  Điều khác biệt ở chỗ đây là Sách Thánh, tức là được Thần Linh Chúa soi sáng cho các tác giả viết ra.  Tác giả vừa như một bậc thầy khôn ngoan giáo huấn, vừa như một người cha nhẹ nhàng khuyên răn, với mục đích giúp con cái nên người.  Những lời khuyên chân tình này sẽ đi cùng với các con trải dài suốt năm tháng, để góp phần hình thành nhân cách và giúp con nên người hoàn thiện.  “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ.”  Lời khuyên này sẽ được nhắc lại trong giáo huấn của Chúa Giêsu: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.  Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 27).  Nét độc đáo được nêu trong sách Huấn Ca, là “Thiên Chúa được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.”  Hãy chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, Người là Thiên Chúa cao sang đã hạ mình sống thân phận con người như chúng ta, và Thiên Chúa đã được tôn vinh qua sự khiêm nhường, nhất là qua cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang của Người.  Khi sống khiêm nhường, chúng ta nên giống Chúa Giêsu, để rồi nhờ Người mà đến cùng Chúa Cha.  Thiên Chúa được nhận biết, được yêu mến và được tôn vinh qua sự khiêm nhường của chúng ta là những con cái của Ngài.

     

    Khiêm nhường là gì?  Thánh Tôma Aquinô trả lời: “Đó là một nhân đức đặc biệt, hệ tại ở sự tuân phục của con người đối với Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa, hạ mình vâng phục những người khác.”  Theo Thánh Tôma, cách đối xử với tha nhân chỉ được gọi là khiêm nhường đích thực, khi nó được thực hiện “vì Thiên Chúa.”

     

    Trong truyền thống Kinh Thánh, người khiêm nhường cũng là người khó nghèo và là người công chính.  Họ luôn tín thác cậy trông nơi Thiên Chúa.  Tác giả Thánh vịnh 67 đã diễn tả niềm vui và hạnh phúc của người công chính (Đáp Ca). Họ là những người được Chúa chúc phúc và nâng đỡ chở che. Cuộc đời họ sẽ luôn thư thái và an bình. Họ sẽ dễ dàng vượt qua những gian nan thử thách, vì có Chúa luôn ở cùng.

     

    Thánh Luca đã kể lại sự việc Chúa Giêsu đi dự tiệc.  Nhân dịp này, Chúa giáo huấn các tông đồ về sự khiêm nhường.  Trong xã hội Việt Nam, xưa cũng như nay, chỗ ngồi dự tiệc còn quan trọng hơn cả thực phẩm trên bàn tiệc, vì nó khẳng định vị thế của người được mời.  Thực ra, Chúa dùng hình ảnh chỗ ngồi trong bữa tiệc để giáo huấn chúng ta về sự khiêm nhường trong cuộc sống.  Trong thực tế, đôi khi chúng ta giả bộ khiêm nhường, mà chưa chắc đã thực tâm sống nhân đức ấy.

     

    Trong phần cuối của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu còn dẫn chúng ta đi xa hơn, với lời mời gọi thực thi bác ái và quan tâm đến những người bất hạnh, những người bị lãng quên.  Những của cải làm phúc cho người nghèo sẽ không bị rơi vào quên lãng, nhưng được Thiên Chúa ghi nhận và Ngài sẽ thưởng công cho người nào rộng rãi đối với tha nhân.

     

    Khuynh hướng tự nhiên nơi con người bao giờ cũng muốn thể hiện mình.  Ngày nay, nhiều người khoe khoang học thức và bằng cấp (nhiều khi lại là bằng cấp mua!).  Thực tế, “con người không giá trị ở cái mình có, nhưng giá trị ở điều mình là” (ngạn ngữ Pháp).  Giá trị đích thực không ở bằng cấp, nhưng là ở con người có kiến thức và biết sử dụng kiến thức đi liền với bằng cấp ấy.  Khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ, tức là còn phải khiêm tốn suốt đời.  Cũng vậy, người tín hữu không bao giờ tự cho là đã đạt được sự hoàn hảo nơi bản thân, nhưng còn phải gắng sức phấn đấu để đạt tới mức “hoàn hảo như Cha trên trời” như Chúa Giêsu mời gọi.

     

    Ông John Wooden (1910-2020), huấn luyện viên nổi tiếng môn bóng rổ người Mỹ, đã viết như sau:

     

    Tài năng do Chúa Trời cho, hãy khiêm tốn.
    Danh tiếng do người khác cho, hãy biết ơn.
    Tính tự phụ do tự ta cho, hãy cẩn thận

     

    “Chọn chỗ cuối” là một cách nói gợi hình, không chỉ là một vị trí hoặc một không gian, nhưng đúng hơn là một thái độ sống trong cuộc đời.  Một cách thiết thực, chọn chỗ cuối là biết thu mình lại để Chúa được tôn vinh, và cũng giúp anh chị em được hạnh phúc. 

    Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết sống khiêm tốn, để có thể thân thưa với Chúa lời “xin vâng” như Mẹ.

     

    TGM Giuse Vũ Văn Thiên

     

     

    --
     
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ NĂM

  • LM MINH ANH

    Thứ Năm, Tuần XXI Thường Niên, Năm Chẵn  -  1 Cr 1, 1-9  -  Mt 24, 42-51

    HỚN HỞ REO CA

    “Lạy Chúa, con chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời!”.

    Mark Zuckerberg, tỷ phú trẻ, chủ Facebook, đã viết cho đứa con thứ hai, ngày cậu bé chào đời, “August, chào mừng con đến với thế giới! Thế giới có thể rất khắc nghiệt, nhưng quan trọng là con phải có thời gian để vui đùa. Tuổi thơ thật huyền nhiệm, con chỉ có một lần để làm trẻ thơ. Do đó, đừng nghĩ nhiều về tương lai, đã có ba mẹ, vốn sẽ làm mọi thứ có thể để biến thế giới này tốt đẹp hơn cho con và mọi đứa trẻ ở thế hệ con được ‘hớn hở reo ca!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Không riêng gì Mark Zuckerberg mà hầu hết mọi cha mẹ trên thế giới đều mong ước cho con mình không chỉ tuổi thơ mà cả cuộc đời được ‘hớn hở reo ca’. Cha mẹ trần gian còn như thế, phương chi Thiên Chúa, Cha chúng ta trên trời. Đó là giấc mơ của Ngài dành cho từng người. Và để giấc mơ ấy có thể hoá thực, Lời Chúa hôm nay nói đến tỉnh thức, như là điều kiện để con cái Chúa có thể reo ca. Bấy giờ, ngày sống của chúng ta sẽ là một lời tán dương liên lỉ, “Lạy Chúa, con chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.

    Thư Côrintô hôm nay cho thấy một Phaolô đang ‘hớn hở reo ca’ khi ngài cảm nhận một niềm vui thánh thiện nơi giáo đoàn của mình, “Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em. Trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn. Chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến”; ngài nói “Chúa Kitô lại đến”, và cảm tạ khi biết họ tỉnh thức. Với Tin Mừng, Chúa Giêsu ví mình như trộm trong đêm, như chủ chợt về. Ngài nói, hãy tỉnh thức vì không biết giờ nào trộm viếng, chủ về; với thế giới, đó là ngày thế mạt; với mỗi người, đó là giờ lâm chung! Chúa không cố ý đến bất ngờ để bắt quả tang ai, nhưng Ngài mời chúng ta tỉnh thức và kiên trì chờ đợi. Chờ đợi là một thách đố của tình yêu. Ai biết chờ, người ấy biết yêu! Thật ra, Chúa không đến bất ngờ, chỉ bất ngờ với ai không tỉnh thức; bởi Chúa biết, nhiều người thức mà không tỉnh, nhiều người tỉnh mà không thức!

    Thức mà không tỉnh là mê. Ở đây không nói đến mê ngủ, nhưng nói đến mê lầm, mê muội, mê đắm. “ đến nỗi quên Chúa, quên người, quên cả chính mình; quên ruột rà, quên bà con; và nhất là quên nhân cách, quên lương tâm, quên linh hồn. Thức mà không tỉnh là thế! Tỉnh mà không thức là thấy điều lành nhưng không ao ước; có ao ước cũng không thực hiện; thực hiện cũng chẳng gắng sức; gắng sức lại ngại hy sinh; hy sinh lớn nhất vẫn là từ bỏ cái tôi, từ bỏ chính mình. Bởi thế, sẽ không ngạc nhiên khi người ta định nghĩa, “Hoả ngục là nơi được lát bằng những thiện chí”. Tỉnh mà không thức là vậy!

    Anh Chị em,

    “Lạy Chúa, con chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời!”. Chúa muốn chúng ta hồn nhiên vui đùa “chúc tụng Thánh Danh” như những trẻ thơ trước mặt Ngài. Sở dĩ, một đứa trẻ có thể hồn nhiên vì nó biết cha mẹ luôn để mắt đến nó, và nó cũng luôn hướng mắt về họ. Đó chính là sự tỉnh thức Chúa Giêsu mong đợi! Như “Tuổi thơ thật huyền nhiệm, mà mỗi người chỉ có một lần để làm trẻ thơ”, thì mỗi người chúng ta cũng chỉ có một đời để sống. Bởi thế, thay vì quá chú tâm vào những sự dưới thế, chúng ta hãy biết ngước mắt về trời, hướng lòng lên Chúa, giữ mình sạch tội và ra sức làm điều đẹp lòng Ngài. Được như thế, đích thị, chúng ta đã sống tỉnh thức! Thánh Phaolô nói, “Dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm việc gì, anh em hãy làm vì sáng danh Chúa!”. Tắt một lời, dù ở đấng bậc nào, chúng ta chu toàn bổn phận mình, nghiêm túc sống từng giây phút hiện tại, với xác tín rằng, tôi đang được Chúa yêu thương. Và như thế, chúng ta khác nào một trẻ thơ ngày ngày ‘hớn hở reo ca’ trước mặt Thiên Chúa, Cha của mình!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, để mỗi ngày có thể ‘hớn hở reo ca’, xin giúp con biết giữ tâm hồn mình luôn trong trắng như tâm hồn của một trẻ thơ!”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH - THỨ BA

  •  LM MINH ANH
     
     
    Thứ Ba, Tuần XXI Thường Niên, Năm Chẵn  
    -  2 Tx 2, 1-3a. 13-16   -   Mt 23, 23-26
     

    NHẤT ĐỊNH TOẢ SÁNG

    *CHÚA ĐANG CẢNH TỈNH BẠN VÀ TÔI:

    “Hãy rửa bên trong… trước đã, để bên ngoài cũng được sạch!”. (CÂU 26)

    Dr. Phil Williams nói, “Lề luật là ánh sáng tiết lộ căn phòng bẩn đến mức nào, không phải là cây chổi quét sạch nó! Quét sạch nó là việc của Chúa Thánh Thần và của mỗi linh hồn; được như thế, từ bên trong, linh hồn trở nên thanh sạch và nó ‘nhất định toả sáng’ ra bên ngoài!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Thánh Thần và linh hồn mỗi người mới là tác nhân của việc thanh tẩy bên trong! Thông điệp của Williams được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay. Chúa Giêsu kiên định giúp các biệt phái và mỗi người chúng ta hiểu rằng, cần phải ăn năn và làm sạch lòng mình trước hết, nhờ sự trợ giúp của Thánh Thần, “Hãy rửa bên trong trước đã!”; nhờ đó, bên ngoài, sẽ ‘nhất định toả sáng!’.

    Những gì Chúa Giêsu tiết lộ là nội tâm của mỗi người, nó có thể đang chất chứa “nạn cướp bóc và tự mãn” khi bên ngoài có vẻ trong sạch và thánh thiện. Đây là vấn đề của các biệt phái. Họ rất quan tâm bên ngoài mà ít chú trọng bên trong. Đây là một vấn đề! Thứ hai, Chúa Giêsu cho biết, lý tưởng là hãy bắt đầu bằng việc thanh tẩy nội tâm. Một khi điều đó xảy ra, bên ngoài tự nhiên cũng được sạch theo, trở nên rạng rỡ và toả sáng. Được như thế, chúng ta sẽ có một nội tâm ngăn nắp; trở nên nguồn cảm hứng và tâm hồn trở nên xinh đẹp. Một khi trái tim được làm sạch và được thanh lọc thực sự, thì vẻ đẹp nội tâm này không thể bị kìm hãm. Nó sẽ toả rạng ra bên ngoài, và nó ‘nhất định toả sáng’ để những người khác có thể nhìn thấy.

    Chúng ta sẽ giật mình khi đọc lại những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, “Hãy cẩn thận với những người cứng nhắc chung quanh! Hãy cẩn thận với những người Công Giáo đó! Họ có thể là giáo dân, Linh mục, Giám mục; những người tự thể hiện mình quá “hoàn hảo” nhưng cứng nhắc. Hãy cẩn thận! Một khi họ cứng nhắc, Chúa Thánh Thần không có nơi họ! Họ thiếu tinh thần tự do. Và cũng hãy cẩn thận với chính mình, nết xấu này buộc chúng ta phải xem lại cuộc sống. Tôi chỉ chú tâm vẻ bề ngoài, và không bao giờ đặt vấn đề phải thay đổi một điều gì đó tận bên trong con tim? Tôi không mở lòng để cầu nguyện, tự do cầu nguyện, tự do bố thí, và tự do làm những công việc của lòng thương xót? Vậy thì làm sao tôi có thể toả sáng?”.

    Hôm nay, hãy nhìn xem vẻ đẹp của cuộc sống nội tâm của bạn toả sáng dễ dàng như thế nào! Những người khác có thể nhìn thấy trái tim bạn rạng sáng không? Nói cách khác, bạn có rạng rỡ không? Nếu không, hãy nghe lại lời Chúa Giêsu, “Khốn cho các ngươi!”. Vì tình yêu và lòng thương xót của Ngài, có thể bạn cũng cần bị quở trách. Thánh Phaolô hôm nay trong thư Thessalônica cũng thao thức, “Xin Ngài khuyên bảo và làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành”. Từ đó, bạn sẽ có động lực để ao ước Chúa Giêsu bước vào nội tâm mình và hành động một cách mạnh mẽ. Điều đó có thể gây đau đớn, nhưng cần thiết. Vì lẽ, nhờ sự thanh luyện này, bạn mới có thể toả sáng và ‘nhất định toả sáng!’.

    Anh Chị em,

    “Hãy rửa bên trong… trước đã, để bên ngoài cũng được sạch!”. Như “Lề luật là ánh sáng tiết lộ căn phòng bẩn đến mức nào”, Lời Chúa cũng rọi sáng để phơi bày lòng dạ mỗi người thể ấy. Việc còn lại là “việc của Thánh Thần và của mỗi linh hồn”; vì thế, hãy để Thánh Thần quét tước, và linh hồn cộng tác với Ngài hết sức có thể. Hãy bảo đảm với linh hồn mình rằng, ý định đằng sau mỗi hành động của chúng ta là một động lực thánh thiện; vì vậy, cần kiểm tra trái tim của mình thường xuyên hầu có thể làm tất cả với ý định thuần khiết. Phép lạ sẽ xảy ra! Bấy giờ linh hồn sẽ là cung điện của Chúa Thánh Thần. Hãy khiêm tốn ngoan nguỳ với Ngài, Ngài sẽ thanh luyện, băng bó, chữa lành; một cuộc thanh luyện bên trong cần thiết và chúng ta chắc chắn sẽ được thanh sạch. Lúc bấy giờ, mỗi người có thể toả sáng, và ‘nhất định toả sáng!’.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, con muốn toả sáng, xin cho con được bắt đầu ngay hôm nay, từ bên trong; bằng việc tìm đến Bí Tích Giải Tội, và dốc lòng chừa. Được như thế, con ‘nhất định toả sáng!’”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN - CN22TN-C

  •  
    Song Loi Chua
     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM C (28/8/2022)

    SỐNG KHIÊM NHƯỜNG VÀ VÔ VỊ LỠI

    [Hc 3,17-18.20.28-29; Dt 12,18-19.22-24a; Lc 14,1.7-14]

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

    Tội con người dễ phạm nhất là tội kiêu ngạo tức tự cao tự đại. Một khi đã tự cao tự đại thì điều tất yếu sẽ xẩy ra là coi khinh người khác. Thường tội kiêu ngạo chỉ xẩy ra trong cõi lòng sâu kín nhưng nhiều khi lại được che đậy bằng những lời khiêm tốn lạ thường, khiến nhiều người bị lừa.

    Nhưng Thiên Chúa thì không thể bị lừa, vì Người thấu suốt cõi lòng và tâm tư thầm kín của con người. Thái độ làm Thiên Chúa vui lòng nơi con cái Người là thái độ khiêm nhường tự hạ và vô vị lợi. Chẳng những khiêm nhường tự hạ và vô vị lợi trước mặt Thiên Chúa mà còn khiêm nhường tự hạ và vô vị lợi trong cách sống với tha nhân nữa!

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Hc 3,17-18.20.28-29): "Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa" Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa.

    Tai hoạ dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết. Người thông minh suy ngắm trong lòng lời dụ ngôn, chăm chỉ nghe là kỳ vọng của người khôn ngoan.

    2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Dt 12,18-19.22-24a): "Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống" Anh em thân mến, không phải anh em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão táp hoặc tiếng kèn, và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với họ lời nào nữa. Trái lại, anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Đấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Đấng trung gian của giao ước mới là Đức Giêsu.

    2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 14,1.7-14) : "Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên" Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

    "Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này'. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên'. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

    Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại"

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh    

    3.1.1 Bài đọc 1 (Hc 3,17-18.20.28-29) là một trích đoạn của Sách Huấn Ca. Đó là lời khuyên nhủ của các bậc cha mẹ đạo đức dành cho con cái về cách sống đẹp lòng Thiên Chúa: “Hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.” 

    Nhờ đoạn Sách Huấn Ca trên (3,17-18.20.28-29) chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng yêu quý những con người khiêm tốn và tôn vinh những kẻ tự hạ. Vì những người khiêm tốn và tự hạ là những người sống đúng với giá trị thật của mình trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người đời.   

    3.1.2 Bài đọc 2 (Dt 12,18-19.22-24) là những lời giãi bày chí lý của Thánh Phao-lô nhằm giúp các tín hữu Do-thái thấu hiểu về đại hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho họ qua Bí Tích Thanh Tẩy. Bí Tích đưa người tín hữu vào thành thánh Giê-ru-sa-lem là triều đình của Thiên Chúa trên trời.

    Trong đoạn thư gửi tín hữu Do-thái trên (12,18-19.22-24) chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng cao cả khôn lường và quảng đại vô song. Thiên Chúa yêu thương loài người không sao kể hết! Điều Thiên Chúa mong đợi ở chúng ta là lòng biết ơn và khiêm hạ!

    3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 14,1.7-14) kể lại một trong những lần Chúa Giê-su đi ăn cơm khách tại nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu. Nhóm Pha-ri-sêu là một giai cấp có nhiều đặc quyền, được “ăn trên ngồi trốc” trong xã hội Do-thái thời bấy giờ. Chính vì thế mà Lu-ca mới chủ ý làm nổi bật thái độ kẻ cả của những người cùng được mời dự tiệc với Chúa Giê-su. Họ chỉ quan tâm đến việc dòm ngó, phán xét và bắt bẻ Chúa Giê-su thôi. Nhưng Chúa Giê-su cũng chẳng vừa: Người tấn công những người đồng bàn bằng cách cho họ một bài học khiêm nhường và đáp lại lòng “tốt” của chủ nhà bằng một bài học khác, bài học vô vị lợi và quảng đại trong cuộc sống.

    Nhờ Bài Phúc Âm theo Thánh Lu-ca trên (14,1.7-14) chúng ta khám phá ra Chúa Giê-su là Đấng rất thẳng thắn, không sợ mất lòng những người xung quanh và mạnh dạn tấn công vào chốn thâm sâu nhất của tâm hồn con người để giúp những người Pha-si-sêu nói chung và ông chủ nhà nói riêng, khỏi căn bệnh sống giả nhân giả nghĩa và vị kỷ, để chọn một lối sống khiêm nhương, tự hạ và vô vị lợi làm đẹp lòng Thiên Chúa và ích lợi đích thực cho cuộc đời của họ.    

    3.2 Sứ điệp của Lời Chúa     

    Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là:

    - “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên"

    - “Hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù…”

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng Cao Siêu Nghìn Trùng nhưng chỉ yêu thích những tâm hồn đơn sơ, chất phác và chân thực; Vì những người đơn sơ, chất phác  và chân thực sẽ có thái độ khiêm nhường và tự hạ và vì những người đơn sơ, chất phác và chân thực sẽ sống quảng đại và cho đi (cách vô vị lợi)!

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

    Mỗi người có thể chọn một trong hai trong hai hoặc cả hai sứ điệp của Lời Chúa mà đem ra thực hành trong tuần này:

    (1o) Sống khiêm nhường và tự hạ trong suy nghĩ, lời nói và hành động: Mọi cái tôi có (sức khỏe, tài năng, thời gian, địa vị xã hội và của cải) đều do Thiên Chúa ban cho cách trực tiếp hay gián tiếp. Tại sao tôi lại kiêu căng, tự phụ mà không sống khiêm nhường tự hạ làm đẹp lòng Thiên Chúa và ích lợi cho bản than mình?                    

    (2o) Sống vô vị lợi và quảng đại với tha nhân trong đời sống gia đình và xã hội:  Mọi cái tôi có (sức khỏe, tài năng, thời gian, địa vị xã hội và của cải) đều do Thiên Chúa ban cho cách trực tiếp hay gián tiếp, không phải chỉ cho riêng tôi mà còn cho những người xung quanh nữa! Tại sao tôi lại sống ích kỷ, vụ lợi mà không sống vị tha và quảng đại làm vui lòng Thiên Chúa và ích lợi cho tha nhân?                                      

     

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Người thông minh suy ngắm trong lòng lời dụ ngôn, chăm chỉ nghe là kỳ vọng của người khôn ngoan» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho mọi người đang sống trên mặt địa cầu này, để họ biết dùng trí tuệ mà Thiên Chúa đã ban cho mà suy nghĩ và chọn lựa một lối sống thật sự hữu ích và giá trị.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.2 «Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho tất cả các Ki-tô hữu tu sĩ và giáo dân, để mọi thành phần Dân Chúa thể hiện một lối sống khiêm nhường, tự hạ và dễ thương hầu lôi kéo những người xung quanh về với Hội Thánh Chúa.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.3 «Khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người trong giáo xứ biết sống quảng đại và vô vị lợi với những người thiếu thốn.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    5.4 «Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người có trọng trách lãnh đạo trong Đạo cũng như ngoài Đời, để các vị ấy biết hạ mình phục vụ con cái và dân chúng của mình.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    Sàigòn ngày 24 tháng 8 năm 2022

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.              

     

     

    --

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANHTHỨ HAI

  •  LM MINH ANH
     
     
     
    Thứ Hai, Tuần XXI Thường Niên, Năm Chẵn  
    -  2 Tx 1, 1-5. 11b-12  -   Mt 23, 13-22
     

    ĐÓNG CỬA TRỜI, MỞ CỬA TRỜI

    “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù!”.

    Một nhà tu đức nói, “Sự trung thực như một con đường mòn; một khi bước ra khỏi nó, bạn mới nhận ra mình đã lạc lối!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời Chúa hôm nay cho thấy sự tương phản của hai nhóm lãnh đạo tôn giáo! Những người đã bước ra khỏi đường mòn trung thực, các luật sĩ và biệt phái; Chúa Giêsu gọi họ là những kẻ “dẫn đường đui mù” ‘đóng cửa trời!’. Một số khác đi trên đường mòn trung thực; tông đồ Phaolô, Silva, Timôthê sống bằng cả trái tim điều họ rao giảng; họ là những con người ‘mở cửa trời!’.

    Qua Tin Mừng, Chúa Giêsu thẳng thắn tố cáo giới kinh sư biệt phái, “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù!”. Với trái tim của người mục tử, Ngài dùng những lời lẽ tuy khó nghe nhưng thực sự, đó là những lời đầy xót thương, vốn hy vọng giúp họ chấn chỉnh đời sống, biến đổi nó tận bên trong, hầu nhiều người được cứu độ và chính họ cũng được cứu độ. Chúa Giêsu cáo buộc họ đã ‘đóng cửa trời’ trước mặt mọi người; Ngài nói rất mạnh và rất thật, “Các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào”. Bởi lẽ, không chỉ từ chối thông điệp Chúa Giêsu mang đến, họ còn làm cho nhiều người không tiếp cận được nó.

    Chúa Giêsu rất khắt khe với những người dẫn đường đui mù lầm lạc này, vì không chỉ họ lạc đường, nhưng những ai được trao cho họ rồi cũng lạc lối. Đó là một tội lỗi nghiêm trọng! Bên cạnh đó, họ còn tạo ra tai tiếng. Có những người được giao phó để giảng dạy nhân danh Giáo Hội nhưng thay vào đó, họ nói lời của mình; thông thường, họ là những người rối loạn nội tâm, bản thân họ đã mất phương hướng. Từ đó, họ dẫn dắt cộng đoàn một cách sai lạc, cư xử với kẻ dưới một cách thô lỗ, khi họ đã quên mất căn tính của mình! Đặc biệt, khi đối tượng của họ là những người trẻ vốn ít phân định, dễ gây ấn tượng nhưng lại rất dễ tổn thương. Vì thế, chúng ta cần giúp nhau trên đường nên thánh bằng cả trái tim; và đừng quên, những người khác có quyền đòi hỏi gương lành gương sáng của chúng ta, cũng như được nghe sự thật từ chúng ta.

    Tương phản với các biệt phái và luật sĩ, bài đọc thứ nhất cung cấp cho chúng ta hình ảnh của những con người ‘mở cửa trời!’; Phaolô đại diện cho nhóm tông đồ nhiệt huyết viết thư cho giáo đoàn Thessalônica. Vì không thể trở lại để trực tiếp dạy dỗ, Phaolô đã gửi đến họ những lời cầu chúc bình an, truyền cảm hứng, đầy khích lệ và động viên; cũng là những lời thấu hiểu hoàn cảnh của họ. Đó là những lời lẽ chân tình, đầy yêu thương của một mục tử. Nhờ đó, giáo đoàn non trẻ này giữ cho đức tin của họ kiên cường và sống tuyệt vời đức ái trọn hảo. Với ngòi bút tinh tế, Phaolô ‘mở cửa trời’ để các tín hữu Thessalônica và những lương dân ở đó có thể bước vào. Thánh Vịnh đáp ca thật ý tứ, “Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa làm!”.

    Anh Chị em,

    “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù!”. Là thầy dạy sự hiền lành, bỗng dưng, Chúa Giêsu nói những lời thật khó nghe! Đúng thế, có những lúc chúng ta cần lắng nghe những lời khó nghe này. Để một khi được Lời Chúa biến đổi, chúng ta mới thật sự trở thành những người bạn nghĩa thiết, nhiệt tâm, nhiệt tình của Ngài và của anh chị em mình. Và như thế, chúng ta cũng là những Phaolô khác, tông đồ khác, những con người ‘mở cửa trời’ cho tha nhân bằng những lời yêu thương, khích lệ, động viên và thực hành bác ái bằng cả trái tim mình. Quý biết bao, một lương tâm trong sáng chỉ huy mọi hành vi của chúng ta trước mặt Chúa trong mọi sự! Được như thế, lời nói của chúng ta sẽ có trọng lượng; điều đó có nghĩa là, nó phát xuất từ ‘một nội tâm đầy Chúa’. Thật tuyệt vời khi được dạy dỗ bởi những con người đơn giản mà trong suốt; nơi họ, không có gian dối, tính toán, hoặc thiếu chân thành dưới bất cứ hình thức nào!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin dạy con nói sự thật; và quan trọng hơn, sống sự thật với lửa yêu mến thanh sạch của Thánh Thần. Được như thế, con đang thực sự ‘mở cửa trời’ cho anh chị em con!”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

Subcategories