8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - KHOA HỌC, ĐỨC TIN

  •  
    Chi Tran



    KHOA HỌC GIÚP CỦNG CỐ ĐÚC TIN
    Kết quả khảo sát 4000 trải nghiệm cận tử chứng thực sự tồn tại của Chúa
     
    Một cuộc khảo sát hơn 4000 nghìn người từng hồi sinh từ cõi chết trong trải nghiệm cận tử cho thấy những kết quả đáng kinh ngạc
    Tâm linh là một trong những chủ đề nghiên cứu hấp dẫn trên thế giới hiện nay. Một cuộc khảo sát với hơn 18.000 người tại 23 quốc gia của Viện nghiên cứu xã hội Ipsos cho thấy 51% người tin rằng có kiếp sau, 23% cho rằng chết là hết và 26% người phân vân không rõ ràng.
    Năm 2016, một y học gia người Mỹ ra mắt cuốn sách “Thiên Chúa và Cuộc sống sau khi chết” (God and the Afterlife), bản tiếng Việt có tựa đề Sự sống Bất tử. Cuốn sách đã chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa dựa trên 4000 trường hợp cận tử (NDE). Một số người nhận thậm chí nhận được chỉ thị từ Chúa rằng họ vẫn còn nhiều việc quan trọng cần làm trong đời này, nên cần quay trở về chứ chưa thể chết đi,
    Kênh Fox News cho hay, bác sĩ Jeffrey Long đã tham khảo khảo sát năm 1982 của Viện Gallup – tổ chức chuyên thăm dò dư luận quần chúng – và nhận thấy rằng, khoảng 5% dân số Mỹ từng có ít nhất một trải nghiệm cận tử. Trên thế giới con số này có thể lên đến vài triệu.
    Hơn nữa, những người từng có trải nghiệm cận tử, sau khi được tái sinh từ cõi chết, thường mô tả lại việc gặp gỡ Chúa và nhận được chỉ thị rằng, vẫn còn nhiều việc quan trọng họ cần phải làm trong đời này, và họ cần phải quay trở lại.
    Bác sĩ Long cho hay:
    “Đây là những hiện tượng không thể giải thích được bằng y học hiện đại”.
    Những điều được mô tả trong trải nghiệm cận tử đều “là cảm thụ cá nhân của anh ta/hay cô ta, chứ không phải được kể lại cho họ bởi một ai khác”.
    Cùng lúc cảm nhận được chỉ thị của Chúa
    Trải nghiệm Cận tử (NDE) là một loại hiện tượng y học trong đó một người sống lại sau một thời gian chết lâm sàng.
    Theo Bác sĩ Long, những người trải nghiệm cận tử này có thể mô tả rất chi tiết về những cảnh nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận được trong lúc chết lâm sàng. Ngay cả những người không có đức tin và những người vô thần cũng sẽ cảm thấy hoặc nhìn thấy sự hiện diện của Chúa, thậm chí có thể nhớ rõ và mô tả lại chính xác trải nghiệm đó.
    Sau khi sống lại, người trải nghiệm thường có thể nhớ lại một cách sâu sắc sự từ bi của Chúa, như ánh mặt trời xua tan mây mù, có thể tiêu tan những đau khổ trong cuộc đời. (Ảnh: Iroxon/Đại Kỷ Nguyên)
    Sau khi họ gặp gỡ Chúa hoặc nhận được ý chỉ của Chúa, nhận thức và thế giới quan của họ đã thay đổi đáng kể.
    Trước sự ngạc nhiên của bác sĩ Long, những điều họ trải nghiệm rất rộng lớn. Chúng vượt quá phạm vi của các tín ngưỡng đơn thuần. Chúng không thể giải thích được bằng các niềm tin tín ngưỡng hay những khái niệm văn hóa mà những người đó có trước trải nghiệm.
    Cảm nhận sâu sắc về lòng từ bi của Chúa
    “God and the Afterlife” là tác phẩm chung của hai tác giả là bác sĩ Long và nhà báo Paul Perry. Trong ấn bản ngày 29/6 của tờ The Washington Post, ông đã mô tả chi tiết những cảm nhận của những người trải nghiệm về sự từ bi của Chúa trong quá trình.
    Bác sĩ Long viết, sự từ bi là một phần quan trọng trong trải nghiệm cận tử. Bởi vì trong trải nghiệm cận tử, người ta thường có thể cảm nhận được sự từ bi vô điều kiện của Thiên Chúa .
    Họ nói rằng:
    “Chỉ có thể dùng yêu thương mới có thể miêu tả được cảm giác đó”. “Tôi cảm nhận được sự từ bi thuần khiết ở khắp mọi nơi. Lòng từ bi bác ái đó là có thực, trong khi tất cả những hận thù, đau đớn, tổn thương, v.v… tất cả những thứ tiêu cực đó đều là giả, chúng là những suy nghĩ tiêu cực được hình thành nên bởi chính chúng ta”. “Tôi sợ hãi [bị trách phạt] vì đã từng phạm sai lầm trong cuộc đời, nhưng thay vào đó tôi lại nhận được sự yêu thương vô điều kiện từ Chúa”.
    Một trong những câu hỏi bác sĩ Long đặt ra cho 400 người từng có trải nghiệm cận tử là, “Bạn có tiếp nhận được những thông tin đặc biệt trong đó thẩm thấu lòng từ bi của Thiên Chúa hay không?”. Khoảng 58,1% người đã trả lời “có”. Những người còn lại thì trả lời “không” hoặc “không chắc chắn”.
    Năm 2010, bác sĩ Long và nhà báo Paul Perry cũng từng hợp tác xuất bản cuốn sách “Bằng chứng về cuộc sống sau khi chết: Khoa học về trải nghiệm cận tử (Evidence of the Afterlife: The Science of Near-Death Experiences)”. Cuốn sách này về sau đã lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất do Thời báo New York bình chọn (The New York Times Best Seller list).
    Thêm vào đó, bác sĩ Long và các nhà khoa học khác đã thành lập một tổ chức nghiên cứu trải nghiệm cận tử để tiến hành công tác nghiên cứu trong lĩnh vực này.
    Bác sĩ Raymond Moody, chuyên gia nghiên cứu trải nghiệm cận tử đồng thời là tác giả cuốn sách “Life after Life (Sự sống sau khi kết thúc kiếp sống này)” cũng nhận định:
    “Nghiên cứu của bác sĩ Long có thể giúp con người hiểu rõ hơn về bí ẩn của thế giới bên kia”.
    Bác sĩ khoa thần kinh tại Đại học Montreal, Canada, cho biết:
    “Những cuốn sách về trải nghiệm cận tử có ý nghĩa rất quan trọng, cung cấp cho chúng ta bằng chứng xác thực chứng minh rằng: ý thức và hoạt động tinh thần của con người không chỉ đơn giản là những hoạt động não bộ thuần túy”.
    Nói cách khác, ý thức không chỉ là hoạt động sinh hóa thuần túy trong bộ não theo nhận thức của chủ nghĩa duy vật hiện tại. Mà trong đó có lẽ cũng tồn tại linh hồn, thứ mà chúng ta chưa thể thực chứng, “cân đo đong đếm, nhìn tận tay sờ tận mắt” được bởi các công cụ khoa học hiện nay.
    Hoán Tỉnh
     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINH ANH- HUẾ

 

  •  
    LM MINH ANH - HUẾ
     
     

    ĐẦY SỨC SỐNG VÀ NIỀM VUI

    “Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi!”.

    James Flora cho biết, “Một nhóm kỹ sư điện ảnh phân loại mười âm thanh ấn tượng nhất trong phim: khóc chào đời; còi báo động; sấm phá đá; cháy rừng; còi tàu trong sương; nước rầm rì; vó ngựa phi; còi tàu rời bến; chó tru; và tiếng ồn tiệc cưới. Nhưng một âm thanh sâu sắc hơn bất cứ âm thanh nào khác, có sức mạnh thể hiện mọi cảm xúc con người, như buồn bã, ghen tị, hối tiếc, xót xa, nước mắt, cũng như niềm vui tột độ, thì đó là âm thanh của tiệc cưới! Giàu cảm xúc nhất!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Thật bất ngờ, Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho biết, ngay tại nơi phát ra loại “âm thanh giàu cảm xúc nhất” đó, Chúa Giêsu, các môn đệ của Ngài và Mẹ Maria đang có mặt! Thông điệp của các bài đọc Lời Chúa hôm nay thật rõ ràng, Kitô giáo là một tôn giáo ‘đầy sức sống và niềm vui!’.

    Vậy thử hỏi, là một người Công giáo, “Có bao giờ bạn ‘cảm thấy tồi tệ’ khi đời sống Kitô hữu của bạn thoải mái, vui tươi?”. Bởi lẽ, với một số người hoặc với nhiều người, họ có thể nghĩ rằng, để trở thành một người Công giáo ‘tốt lành’, họ phải luôn từ bỏ chính mình; nghĩa là phải luôn ‘hy sinh’ điều này, ‘hy sinh’ điều kia. Nếu được dịp nghỉ ngơi, có một khoảng thời gian dừng hết mọi công việc… thì khi quay trở về, họ cảm thấy mình tội lỗi. Hoặc nếu họ nghĩ, họ đang thực sự tận hưởng cuộc sống, thì chắc chắn, có điều gì đó không ổn; vì họ cho rằng, họ đang ‘quá thế gian!’.

    Nếu vậy thì những gì xảy ra trong Tin Mừng hôm nay quả là một điều gì đó khó chấp nhận! Kìa, Chúa Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ dự tiệc cưới của một người bạn. Lẽ ra, Ngài chỉ nên tham dự ‘phần nghi lễ’ ở đâu đó, và tránh xa tiệc tùng; hoặc cũng không nên chút nào khi các tông đồ hoặc Đức Mẹ thưởng thức một hoặc hai ly rượu vang? Hoàn toàn không phải thế! Ngược lại là khác, bằng chứng là khi chủ nhà hết rượu, Chúa Giêsu lại là người cung cấp thêm cho họ; trên thực tế, Ngài cung cấp nhiều đến mức họ không thể uống hết. Ở đây, với Chúa Giêsu, Thiên Chúa mở ra cho nhân loại một xa lộ thênh thang, bất tận trong Vương Quốc Ngài. Nước lã biến thành rượu ngon cho thấy, nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã lập nên một hôn ước vĩnh cửu với nhân loại này; để từ nay, không những con người được ‘đầy sức sống và niềm vui’ trong sự sung mãn của con cái Thiên Chúa, nhưng con người còn là niềm vui cho chính Ngài!

    Để con cái Chúa có thể luôn ‘đầy sức sống và niềm vui’, chính Thánh Thần Thiên Chúa luôn ban cho Hội Thánh các đặc sủng; thánh Phaolô đã nói đến sự phong phú đó qua thư Côrintô hôm nay. Trong Chúa Thánh Thần, người thì được ơn làm thầy dạy, kẻ làm tiên tri, kẻ khác được ơn chữa bệnh, làm phép lạ… để con cái Hội Thánh, và qua họ, tất cả người tin hay không tin được hưởng nhờ. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa muôn dân!”. Những quà tặng đặc sủng này chỉ nhằm mục đích xây dựng Hội Thánh ngày càng có một cuộc sống viên mãn hơn. Vì thế, Kitô hữu phải là người hạnh phúc nhất, ‘giàu có’ nhất, dẫu không miễn cho họ bất cứ một thử thách nào, kể cả thập giá mỗi ngày; Hội Thánh đó là Hiền Thê của Chúa Kitô. Thật tuyệt vời, Isaia trong bài đọc thứ nhất đã tiên báo hình ảnh Hội Thánh này, “Con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; như người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi!”.

    Anh Chị em,

    Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Mọi sự một khi được Đức Kitô chạm tới đều trở nên trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy sức sống”. Sáu chum nước lã dùng để tẩy uế đã trở nên của uống làm vui say lòng người; cũng thế, cho dù cuộc đời chúng ta có nhạt nhẽo, vô vị đến đâu, nhưng nếu được Chúa Giêsu chạm vào, chúng ta vẫn sẽ có khả năng trải nghiệm một cuộc sống mới, một hạnh phúc mới, một bình an mới, một mối tương quan mới ‘đầy sức sống và niềm vui’ với Thiên Chúa và với tha nhân. Ước gì mỗi người chúng ta luôn mặc lấy thái độ và tâm tình hân hoan của một người con cái Chúa đi dự tiệc, một người luôn ‘đầy sức sống và niềm vui’ hầu có thể tận hưởng niềm vui làm con cái Chúa; đồng thời, đem chia sẻ niềm vui ấy cho những người chúng ta gặp gỡ.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin đừng để con u sầu ủ dột vì bất cứ lý do gì; xin lửa Thánh Thần thiêu đốt con, để ai nhìn thấy con, họ nhìn thấy một Giêsu, một Hội Thánh ‘đầy sức sống và niềm vui!’”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

     Kính chuyển:

     Hồng

     

     
     

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM NGUYỄN TẦM THƯỜNG

  •  
    phung phung
     
     From: Le Ngoc Bich 
     Suy Tư của Lm. Nguyễn Tầm Thường
     
    DANG DỞ
    Nguyễn Tầm Thường, S.J
    (Trích tập suy niệm)
     
    “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở.
     Đời mất vui khi vẹn câu thề”
     
    Đời có thật mất vui khi vẹn câu thề? Tình chỉ đẹp khi còn dang dở  
     
    Đời có thật mất vui khi vẹn câu thề? Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, hay là cho dù dở dang tình vẫn đẹp? Người ta nói chấm dứt mối tình dở dang, nghĩa là lúc tình đó đang dang dở thì bị chấm dứt. Có phải đã chấm dứt rồi thì không còn dang dở nữa?
     
     Dường như là thế. Chấm dứt là xong, là trọn vẹn không còn gì để nói. Khi đã chấm dứt thì tình đó thuộc về dĩ vãng nguyên tuyền. Nó dang dở trong quá khứ mà trọn vẹn xong ở hiện tại. Như vậy, tình thuộc dĩ vãng không còn tiếp tục hôm nay thì còn gì là dang dở?
     
    Xem ra là thế. Tuy nhiên, thuộc về dĩ vãng chưa hẳn là thuộc về vùng đã quên. Nếu còn nhớ thì ngay khi chấm dứt tình dang dở, tình vẫn chưa hết dở dang. Chấm dứt mà còn nhớ thì chuyện tình chỉ chấm dứt trong không gian ngoại cảnh, chứ chưa hết trong không gian tâm hồn. Vì lẽ ấy, cũng khá khó cho một định nghĩa tình dang dở là gì, và còn khó hơn, tình dang dở có còn đẹp?
     
    Có thể tìm một định nghĩa dễ hơn. Tình dang dở là tình còn nhớ. Ở đây, dang dở không có nghĩa là chấm dứt lúc còn dở dang. Dang dở là chưa xong.
     
    Tình của Đức Kitô không phải là tình đã xong trong quá khứ. Tình ấy không chấm dứt ở thập giá chiều nào trên đồi Do Thái. Tình ấy vẫn hàng ngày gọi, hàng chiều chờ. Tôi gọi tình ấy là tình dang dở. Đức Kitô tiếp tục yêu và tôi chưa nhận đủ. Ngài cho tình yêu, nhưng bàn tay có nhiều khe rãnh, nên hứng lãnh mà tình ấy cứ rơi đi hoài. Vì cái dang dở ấy nên Ngài cứ băn khoăn làm sao cho tôi múc được nhiều để hồn tôi bớt trống và tim tôi thôi vơi. Và vì thế, dở dang của tình yêu ấy là dang dở đẹp. Trong dang dở của tình yêu, cho tôi thấy trái tim Người bao dung và kiên nhẫn.
     
    Nhờ dang dở ấy mà tôi thấy Ngài không mòn mỏi vì phải đợi chờ, không đếm thời gian và đưa tình yêu vào thời khóa biểu. Giữa tôi với Ngài, còn thời gian thì còn dang dở, còn thương xót.
     
    Đức Kitô yêu tôi bằng tình trọn vẹn. Ngài là tình yêu (1 Yn. 4:16). Ngài cho tôi chính Ngài với hơi thở sau cùng trên thập tự. Nói về công việc thì xong, biến cố lịch sử trên Núi Sọ hoàn tất. Nhưng tình yêu không là biến cố lịch sử. Biến cố lịch sử chỉ là một trong những đường nét để vẽ chân dung tình yêu. Tình yêu ấy vẫn yêu tôi. Thập tự giá ngày xưa vẫn là thập tự giá hôm nay, kéo dài trên bàn thờ khi tôi dâng lễ. Đức Kitô đã phục sinh, nhưng trong đau đớn của chi thể Ngài là nhân loại thì Ngài vẫn còn bị đóng đinh. Trong yếu đuối, tôi làm phai nhạt bao nhiêu chuyện tình đẹp giữa tôi và Ngài, tôi vẫn có lỗi phạm. Trong lãng quên, tôi vẫn xuôi chiều bao nhiêu cám dỗ. Vì thế, tình tôi với Ngài làm sao mà không dang dở cho được. Chỉ có tình trọn vẹn ở phía thập giá. Thập giá yêu thương nhân loại, nhưng nhân loại không có tình trọn vẹn, nên khi tình trời nối với tình đất thì tình trời mang thương khó. Ngày nào còn nhân loại thì tình giữa nhân loại và thập giá còn là tình dở dang.
     
    Không có tình yêu thì trọn vẹn cũng là trọn vẹn thiếu. Với tình yêu thì dang dở cũng là dang dở quý mến.
     
    Có những dang dở cần thiết. Dang dở cho chuyện tình còn dài, còn nhắc nhở, còn xám hối. Có một thứ dang dở mà Đức Kitô nhất định giữ:
     
     — Khi Ngài chữa mắt cho người mù, Ngài chỉ chữa một cách dang dở. Ngài lấy bùn thoa vào mắt người mù, nhưng anh ta chẳng khỏi. Anh ta phải đi rửa ở hồ Sứ Giả. Mù làm sao mà đi dễ dàng, thế mà Chúa không chữa cho xong (Yn. 9:1-41).
     
    — Tiệc cưới Cana cũng vậy. Chúa không làm phép cho có rượu, nhưng chỉ làm cho nước hóa rượu. Đức Kitô bảo các gia nhân: “Hãy múc nước đổ đầy các chum” (Yn. 2:7). Sao Chúa không làm cho có rượu luôn đi, mà lại bảo người ta đổ nước? Chúa chỉ làm một nửa. Thương xót thì trọn vẹn, nhưng thương xót ai, bởi đó, thương xót còn hệ tại đối tượng được thương xót muốn thương xót bao nhiêu. Do đấy, có những thương xót cần dang dở để đối tượng được thương xót kia lựa chọn mức độ thương xót cho mình. Nếu các gia nhân chỉ múc nửa bình thì chắc rượu chỉ có nửa bình thôi.
     
     — Làm phép cho CÓ BÁNH ĂN và làm phép cho bánh HÓA RA NHIỀU là hai thái độ rất khác nhau. Chiều hôm ấy, đám dân chúng đói không có gì ăn. Các môn đệ không đủ bánh, nghĩa là có nhưng thiếu, hoặc nói cách khác là có mà dở dang. Chúa không vứt vất cái dang dở ấy rồi tự mình làm phép lạ. Chúa bảo đem cái dang dở ấy đến. Sao Chúa không làm phép lạ cho có bánh, mà chỉ làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều. Sao Chúa cứ thích cái dang dở của các tông đồ làm chi (Mc. 6:35-43).
     
     — Thấy đền thờ thành nơi buôn bán, dơ uế mất rồi, Chúa bảo phá đi rồi trong ba ngày Ngài xây dựng lại. Tại sao Ngài không phá luôn cho tiện mà chỉ xây lại khi người khác phá (Yn. 2:13-22).
     
    Chúa thích những phép lạ dang dở. Chúa làm có một nửa nên nhân loại mới được góp phần trong công việc trọng đại ấy. Cái dang dở Chúa để xẩy ra là dang dở huyền diệu. Thiếu dang dở này con người thiệt thòi biết bao. Cần có những dang dở của Chúa để dang dở của con người hết dở dang. Con người không thể làm phép lạ tự cứu lấy mình. Chúa cũng không cứu con người khi con người không tự do nhận lãnh. Phép lạ của Chúa cần là phép lạ một nửa, phép lạ dang dở để tôi được tham dựCái dang dở của Chúa là chỗ trống cho tôi bước vào.
     
    Chúa không thể nào bất toàn. Bởi đó, những gì dang dở mà Chúa để xẩy đến trong cuộc sống, tôi phải tìm hiểu. Có khi là đau khổ, có khi là những ngày chán nản. Những mũi chỉ thêu ngang dọc làm cho tấm tranh rối mù lộn xộn, nhưng nó sẽ là tác phẩm nghệ thuật khi nó hết dở dang. Con đường Hội Thánh đang đi là con đường dang dở. Công cuộc rao giảng Tin Mừng là công cuộc dang dở. Nhưng trong dang dở ấy là ngưỡng cửa hi vọng. Đời truyền giáo của tôi là một hành trình đang dang dở. Tay tôi ngắn mà cánh đồng thì mênh mông. Nhưng nối tiếp những dang dở sẽ thành hoàn hảo. Người mang hi vọng là kẻ chấp nhận những dang dở Chúa để xẩy đến, và nhìn thấy dang dở trong công cuộc rao giảng thập giá là dang dở lạc quan.
     
    Dang dở của tình yêu giữa tôi và Chúa không là dang dở phải chấm dứt. Chúa không bao giờ chê căn nhà tôi nghèo nàn. Tôi cũng chẳng muốn bỏ Chúa. Dang dở chỉ vì yếu lòng. Dang dở vì vụng về trong những lựa chọn. Dang dở vì lấp lửng với những cám dỗ. Từ linh hồn thành thật rất sâu, tôi không muốn những dang dở này. Có băn khoăn về những sa ngã, có hối hận về những không trọn vẹn sẽ làm cho chuyện đường thập giá gồ ghề hơn. Những gồ ghề là những cản ngăn, nghĩa là đường thập giá sẽ thập giá hơn nữa. Khi đường thập giá trở nên thập giá hơn thì linh hồn gian nan hơn, nhưng vì gian nan đó cũng sẽ làm cho đường thập giá ấy ý nghĩa hơn.
     
    Những chuyện tình gian nan bao giờ cũng là những chuyện tình nhiều kỉ niệm. Và, bởi đó, đường thập giá cho dù dang dở vẫn luôn luôn là những chuyện tình đẹp. Không phải dang dở thì mới đẹp, nhưng là vẫn đẹp khi dở dang.
     
    Lạy Chúa, ngày nào còn hơi thở thì tim con còn rung cảm rực nóng. Còn rung cảm rực nóng thì còn những dang dở. Nhưng đường Chúa gọi đi là đường tình thập giá không đánh dấu bằng những lần ngã dở dang. Chúa nối những dang dở ấy thành đường thập giá. Bởi đó, con hi vọng và lạc quan trong mọi dang dở của hành trình thiêng liêng. Và con phải biết Chúa rất cần một thứ dang dở là Chúa không hoàn thành cho con tất cả ước mơ nếu con không thực sự mơ ước.
     
    Ước mơ đẹp là mình ước mơ, còn ước mơ hững hờ là ước mơ người khác mơ ước dùm mình.
     
     Xin cho con không bao giờ thở dài về sự dở dang trên đường thánh thiện. Không chán chường sự dở dang trong công cuộc truyền giáo, rồi thôi rao giảng Tin Mừng, để cho khỏi băn khoăn về những dang dở ấy.
     
    Vâng, lạy Chúa, con không muốn làm cho chuyện tình thành dang dở, nhưng chỉ vì con yếu đuối. Chúa thương con, thì với Chúa, những chuyện tình dở dang của con trên đường theo Chúa vẫn là những chuyện tình đẹp.
     
    Nguyễn Tầm Thường, S.J
    -------------------------------------
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - VIỆC CẦU NGUYỆN

  •  
    Chi Tran

     
     
    DANH NGÔN CÁC THÁNH VỀ VIỆC CẦU NGUYỆN
     
    ✝Càng cầu nguyện, chúng ta càng ước muốn cầu nguyện. Như một con cá lúc đầu bơi trên mặt nước, sau đó, lặn xuống và càng lặn sâu hơn nữa thế nào, thì linh hồn cũng bơi, lặn và mất hút trong hương vị ngọt ngào của cuộc chuyện vãn với Thiên Chúa như vậy.
    (Thánh Gioan Vianney)
    ✝Thiên Chúa sẽ không nhậm lời chúng ta cầu nguyện nếu như chúng ta không nhận mình là tội nhân. Chúng ta thực thi điều ấy khi chúng ta suy xét về tội lỗi của bản thân, chứ không phải tội lỗi của tha nhân.
    (Thánh Moses Ethiopi)
    ✝Lời cầu nguyện của chúng ta càng kiên trì và không chán nản, thì Thiên Chúa càng vui thích tiếp nhận và nghe lời chúng ta.
    (Thánh Jerome)
    ✝Để thực hành tốt việc cầu nguyện thì không cần nói nhiều lời, chúng ta biết Thiên Chúa ở đâu -Thánh Thể trong nhà tạm- chỉ cần mở rộng con tim thì hưởng được tình thân của Ngài, đó chính là cầu nguyện tốt nhất.
    (Thánh John Vianney)
    ✝Khi một vị hoàng hậu đi vào trong một thành phố, thì phải có rất nhiều phụ nữ quý tộc tháp tùng; cũng vậy, khi cầu nguyện tiến vào trong tâm hồn của con người, thì tất cả các đức hạnh cũng đều đến trong tâm hồn của con người, bởi vì đức hạnh và cầu nguyện thì không thể lìa nhau.
    (Thánh Gioan Kim Khẩu)
    ✝Giờ cầu nguyện giống như tấm gương có thể soi thấy cái tốt đẹp của đức hạnh và sự xấu xa của tội lỗi.
    (Thánh Nilus of Rossano)
    ✝Do cầu nguyện, chúng ta giống như xây cho mình một lô cốt chắc chắn.
    (Thánh Lawrence of Bindisi)
    #KhanhTran
     
     
    --------------------------

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ĐỨC TÍNH TIẾT KIỆM

  •  
    Chi Tran

     

    MỘT ĐỨC TÍNH GIÚP CHÚNG TA HẠNH PHÚC HƠN

     

    Tính tiết kiệm là một phần quan trọng cho những vấn đề nan giải của cuộc sống và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp.

     

    Tất cả chúng ta đều tìm kiếm hạnh phúc. Nếu chúng ta hỏi ai đó liệu rằng họ có muốn hạnh phúc không, chắc chắn họ sẽ trả lời rằng: “Tất nhiên rồi!”

     

    Tính tiết kiệm làm cho những người thực hành nó trở nên cao quý và giúp họ trở nên hạnh phúc. Nó cũng giống như một mảnh rời nhỏ bé nhưng thiết yếu trong những vấn đề nan giải của cuộc sống. Đó là một lối sống sinh sôi nảy nở trong tinh thần đem lại cho chúng ta sự bình an nội tâm. Nhưng để sống tiết kiệm, điều cần thiết là phải biết cách tìm ra sự quân bình nơi những thứ mà chúng ta có được. Chúng ta không nên theo đuổi tính tiết kiệm chỉ như sự phủ nhận bản thân hay như chủ nghĩa rập khuôn theo một mốt nhất thời, mà hãy theo đuổi thứ gì đó mang lại lợi ích cho chúng ta với tư cách là một con người, điều giúp cải thiện cuộc sống của chúng ta.

     

    Nền kinh tế của chủ nghĩa tiêu dùng xoay quanh cảm giác không hạnh phúc. Nó phụ thuộc vào việc chúng ta suy nghĩ, “Tôi cần đôi giày này để có hạnh phúc” hay “Ngày tôi có được chiếc xe đó, tôi sẽ hạnh phúc...”

     

    Tuy nhiên, nếu chúng ta đang hạnh phúc và ý thức được về việc thỏa mãn, thì chúng ta sẽ không tìm kiếm một niềm hạnh phúc hời hợt nơi những đôi giày mới hay một chiếc xe hơi mới nào đó, và do đó, chúng ta sẽ trở nên tiết kiệm hơn. Hơn nữa, tính tiết kiệm không hoàn toàn là vấn đề cắt giảm tiêu dùng càng nhiều càng tốt, mà là sống với sự vô tư và lòng biết ơn.

     

    Rất dễ dàng để phân biệt được hạnh phúc của những người có được trật tự nội tâm và sự thanh thản, với những người mang vẻ bề ngoài không hài hòa với nội tâm của họ.

     

    Tại thời điểm này, có lẽ câu hỏi đầu tiên để tự hỏi bản thân là: “Tôi có muốn mưu cầu hạnh phúc hay không?” Và câu hỏi thứ hai là: “Tôi phải bắt đầu sống tiết kiệm từ đâu nếu tôi muốn cùng gia đình mình thay đổi lối sống?”

     

    Để bắt đầu, chúng ta phải xem xét những gì chúng ta cần thay đổi bên trong chính mình để theo đuổi được đức tính này. Sống tiết kiệm đòi hỏi sự tự nhận thức và tự chủ. Chúng ta có sẵn sàng nuôi dưỡng sự điều độ, chừng mực và nhã nhặn hay không?

     

    Một khi chúng ta đã thực hiện được bước cam kết này, thì chúng ta mới có thể bắt đầu thực hiện một cuộc hành trình tinh thần qua từng không gian và thói quen trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và mới xác định được những thói quen hay những thứ vật chất nào đã cướp đi sự bình an của chúng ta. Tiếp theo, chúng ta cũng nên phân tích xem chúng ta có thể cẩn trọng hơn trong những lĩnh vực nào của cuộc sống. Ví dụ: chúng ta có thể phân tích về nơi mà chúng ta có thể cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng không cần thiết (xe hơi, hệ thống sưởi, điện), về sản phẩm sử dụng hàng ngày nào bền vững hơn, về cách chúng ta có thể tái chế hiệu quả hơn và liệu chúng ta có cẩn trọng khi thấy cần phải đáp ứng một nhu cầu nào đó.

     

    Khi chúng ta chuyển đến một ngôi nhà mới hay thay đổi quần áo cho một mùa mới trong năm, thì đây có thể là một dịp hoàn hảo để suy ngẫm về những nhu cầu thật sự của chúng ta, và do đó, hãy bán hay cho đi những gì chúng ta không cần đến, hãy luôn tìm cách cho đi những thứ vật chất của chúng ta để có được một cuộc sống thứ hai.

     

    Điều cuốn hút tôi nhất về đức tính tiết kiệm chính là khía cạnh của việc học cách mang đến cho từng vật dụng giá trị thích hợp của nó. Những hành động, quyết định và việc mua sắm của chúng ta trở thành một thứ gì đó hơn là một phản ứng bốc đồng đối với ước ao được thỏa mãn tức thời, đối với nhu cầu cấp thiết để thỏa mãn ý thích hay đối với ảo tưởng về việc lấp đầy lỗ hổng cảm xúc. Mọi thứ đều có một ý nghĩa, một lý do để tồn tại, đó là vì lợi ích chung và sự tiêu dùng có trách nhiệm.

     

    Có rất nhiều lợi ích của việc thực hành tính tiết kiệm:

     

    1Việc thực hành tính tiết kiệm giúp chúng ta nhận biết và điều chỉnh bản thân. Nó cho phép chúng ta trở thành người làm chủ của chính mình. Nó sắp xếp cách trật tự độ nhạy cảm và cảm xúc của chúng ta, cũng như sở thích và ước muốn, và những khuynh hướng sâu xa nhất của chúng ta: tóm lại, tính tiết kiệm giúp chúng ta tìm thấy sự cân bằng trong việc sử dụng của cải vật chất, và giúp chúng ta khao khát vươn tới điều tốt đẹp hơn (x. GLHTCG, số 1809).

     

    2Việc thực hành tính tiết kiệm làm cho chúng ta trở nên sáng tạo và quân bình hơn. Tính tiết kiệm phát triển đáng kể khả năng sáng tạo của chúng ta, bởi vì nó mời gọi chúng ta tận dụng tối đa tất cả các nguồn lực của mình và khám phá tiện ích thực sự của chúng.Tính tiết kiệm tạo điều kiện cho những thứ cũ kỹ có thêm một cơ hội và đức tính này cũng giúp ích cho việc tìm thấy vẻ đẹp nơi những thứ đơn giản hơn.

     

    3Việc thực hành tính tiết kiệm nuôi dưỡng các mối quan hệ của con người ở một phẩm chất cao hơn. Nếu chúng ta thực hành tính tiết kiệm, thì chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn sự tôn trọng và lòng yêu thương của những người xung quanh. Tính tiết kiệm khuyến khích chúng ta sống tích cực hơn trong hiện tại, với lòng biết ơn, có ý thức và được nối kết với tất cả những nét đẹp sẵn có nơi mỗi con người.

     

    4Việc thực hành tính tiết kiệm giúp chúng ta chịu đựng tốt hơn khi gặp phải nỗi thất vọng. Tính tiết kiệm về mặt cảm xúc giáo dục chúng ta nhận ra rằng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể thỏa mãn những mong muốn của mình.

     

    Hạnh phúc không nằm ở việc có được nhiều thứ hơn hay hoàn thành được tất cả những gì chúng ta mong muốn. Tính tiết kiệm là một chỉ dẫn tốt đẹp giúp chúng ta không bận tâm tìm kiếm cái Vô Hạn trong cái hữu hạn một cách tuyệt vọng và không thành công.

     

    Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên Chuyển ngữ từaleteia.org (09/12/2021)

    Miriam Esteban Benito