8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - CHA MINHANH - HUẾ

  • LM MINH ANH

     

    TIẾNG THÌ THẦM BÊN TRONG

    “Vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình!”.

    Nói đến lương tâm, Sidney J. Harris có một nhận định khá sâu sắc, “Một khi chúng ta trấn an lương tâm bằng cách gọi điều gì đó là “điều xấu cần thiết”, nó bắt đầu trông ngày càng ‘cần thiết’ hơn, và ngày càng ‘ít ác’ hơn. Thật hiểm nghèo, bạn đã dập tắt ‘tiếng thì thầm bên trong!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời Chúa hôm nay văng vẳng ‘tiếng thì thầm bên trong’ nơi hai con người. Đavít, sau khi phạm tội, nhờ Nathan, đã nghe được tiếng ấy; Hêrôđê thì không, dù rất chiến đấu, ông thua cuộc. Kết quả là gì? Máu một vị thánh đã đổ ra; và Gioan, ngôn sứ cuối cùng trở nên vị tử đạo đầu tiên!

    Bài đọc Huấn Ca khen ngợi Đavít, một nghệ sĩ tài hoa, kẻ chiến thắng quân thù, và là một minh quân; thế nhưng, cũng con người này, một đại tội nhân! May thay, nhờ nghe ‘tiếng thì thầm bên trong’, Đavít tỏ lòng sám hối; nhờ đó, được Chúa xót thương, được thứ tha mọi tội lỗi. Những mảng đen trong cuộc đời Đavít được bài đọc Huấn Ca hôm nay tóm tắt trong một câu ngắn gọn, “Chúa đã thứ tha tội lỗi của người, và tán dương sức mạnh của người đến muôn đời”. Và Đavít đã thưa lên, “Chúc tụng Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi”, như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.

    Tương tự như thế, Tin Mừng nói đến ‘tiếng thì thầm bên trong’ nơi Hêrôđê, “Vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình!”. Và này, một cuộc chiến đã dậy lên trong tâm hồn vị vua đáng thương này! Ông bị giằng co giữa điều thiện phải theo và điều ác đã làm khi ông biết Gioan là người thánh thiện và rất kính trọng Gioan; nhưng ông đã trót tống giam Gioan vì sợ Gioan. Theo sử gia Josephus, Hêrôđê sợ Gioan nổi loạn; vì bấy giờ, mọi người đang đi theo Gioan. Marcô cho biết, “Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe”. Nhưng cuối cùng, Hêrôđê đã thất bại! Tại sao? Nhục dục nơi con người này đã khiến ông mù loà; sĩ diện của ông quá lớn khi không dám rút lại một lời hứa nông nổi với một cô bé trước mặt bá quan. Satan, kẻ đứng sau tất cả những vọng động này, đã khiến Hêrôđê bịt tai trước ‘lời thì thầm bên trong’; nó gieo hận thù nơi một phụ nữ, gieo phù phiếm nơi một cô gái và gieo thối nát trong lòng một vị vua. Kết quả, Gioan bị chém đầu trong một nhà giam tối tăm, vì ý thích của một vũ công vô tích sự, lòng căm thù của một phụ nữ nham hiểm và sự đồi bại của một ông vua thiếu quyết đoán.

    Vậy mà, ‘tiếng thì thầm bên trong’ nào để Hêrôđê yên! Như nhiều người thắc mắc về Chúa Giêsu, ông cũng phân vân về Ngài, “Đó chính là Gioan, trẫm đã chặt đầu, nay sống lại”. Tiếng lương tâm mách cho Hêrôđê biết, tội giết người luôn rọi vào hiện tại của ông như một ký ức đầy ám ảnh. Ai từ chối tiếng Thiên Chúa, quay lưng với lương tâm, cuối cùng, vẫn là người bất an nhất trần gian; cho dù họ quyền lực, giàu có, thông minh hoặc sở hữu những khả năng tuyệt vời. Bởi lẽ, khi điều thiện thực sự xuất hiện trong cuộc sống, họ coi nó như một mối đe dọa; vì nó lên án họ và xa lánh họ. Nhưng đó chính là sức mạnh của lương tâm, tiếng nói của luật Thiên Chúa; nó cho biết điều gì đúng, điều gì sai và chúng ta nên làm theo ý của Chúa như thế nào. Thánh John Henry Newman gọi lương tâm là “Vị Đại Diện của Chúa Kitô” trong linh hồn.

    Anh Chị em,

    Đừng dập tắt ‘tiếng thì thầm bên trong!’. Ân sủng của Thiên Chúa qua đi, không bao giờ trở lại. Tuy nhiên, trong tất cả chúng ta, ngay cả những kẻ ác, lòng tốt luôn luôn có đủ để mỗi người được cứu, đủ để Thiên Chúa có thể ban cho lẽ thật về sự cứu rỗi trong chừng mực tự do của chúng ta cho phép. Ân huệ ấy chỉ tồn tại trong một thời gian, không phải là mãi mãi. Những khoảnh khắc này không thể được coi là những khoảnh khắc tạm thời xoa dịu lương tâm, để chúng ta tiếp tục phạm tội và phản kháng chống lại một lối sống thánh khiết. Bạn không thể đùa giỡn với Chúa và giành chiến thắng! Hêrôđê thua cuộc và phản kháng những gì ông biết ông nên làm.

    Thảm kịch này dạy chúng ta phải thành tâm và đừng bao giờ giam cầm tiếng Chúa trong tâm hồn; trái lại, hãy để ‘tiếng thì thầm bên trong’ lên tiếng. Hãy sử dụng tự do để đáp lại tiếng nói của Chúa, tiếng ấy sẽ phá bỏ xiềng xích đang trói buộc chúng ta trong đêm trường.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, con ước cuộc sống con luôn nở hoa thánh thiện; nhưng nếu phải lầm lỡ ngã sa, cho con biết khiêm hạ, mở lòng mình, làm theo những gì ‘tiếng thì thầm bên trong’ nhắc bảo!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     
     

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH -ĐÊM TẠ ƠN

  •  
    Kim Vu

    ĐÊM TẠ ƠN 

     

    Một năm cũ sắp trôi qua và một năm mới sắp đến.  Trong khoảnh khắc giao thừa giữa cũ và mới này, chúng ta đến với Chúa, Đấng Tạo dựng muôn loài, Đấng làm chủ thời gian, để tạ ơn Ngài về 365 ngày sắp qua, và xin Ngài giúp chúng ta biết sử dụng 365 ngày sắp đến theo đúng thánh ý Ngài.

     

    Đêm nay người ta vẫn gọi là đêm giao thừa, là nhịp cầu chuyển tiếp giữa cũ và mới.  Ai ai cũng mong muốn trút khỏi lòng mình mọi lo âu phiền muộn, không ai dám nhắc tới những rủi ro bất hạnh của ngày hôm qua, dường như ai cũng thầm mong ước cho đêm nay như là một khởi đầu tốt đẹp cho hành trình mới của tương lai.  Ai cũng gác lại quá khứ để bước vào năm mới trong niềm vui và hy vọng như câu ca dao xưa:

     

    “Đêm ba mươi co cẳng đạp thằng bần ra cửa.

    Sáng mồng một giang tay bồng ông phước vào nhà.”

     

    Thực vậy, mùa xuân, ngày tết, ai cũng mong nhận được nhiều phước lộc, nên ai cũng chúc cho nhau nhiều tài lộc, nhiều tiền, nhiều của.  Những người có tín ngưỡng thì tin rằng may mắn, tiền của là ân lộc trời ban.  Nhưng phước hạnh đời người mà chúng ta cầu chúc cho nhau không chỉ là nhắm đến tài lộc mà là hạnh phúc miên trường, hạnh phúc của người có tâm hồn bình an.

     

    Nhìn lại một năm qua, có những người được hạnh phúc vì làm ăn thuận buồm xuôi gió, công thành danh toại, có những người hạnh phúc vì tìm được chân lý, tìm được lẽ sống, tìm được bình an trong tâm hồn.  Nhưng vượt lên trên tất cả cái may mắn đó, chính là sự sống, là sự bình an của đời người.  Sự sống luôn ở bên ngoài khả năng của chúng ta, sự sống của chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa.  Hạnh phúc là ân ban của Thiên Chúa.  Con người không thể kiến tạo hạnh phúc cho mình bằng thủ đoạn, bằng gian dối hay sự ác.  Con người phải sống ngay lành nhờ đó mà Thiên Chúa mới ban phúc lộc là bình an.  Một năm qua với những vụ trọng án cho ta thấy con người không thể tạo dựng hạnh phúc cho mình bằng quyền lực để tham nhũng hại dân mà phải bằng tấm lòng luôn đi theo chân thiện mỹ.  Đâu ai ngờ một ông Đinh La Thăng dám nói dám làm đầy quyền thế lại phải hầu tòa?  Đâu ai ngờ một Trịnh Xuân Thanh luôn sống trong nhung lụa giầu có quyền thế lại phải thân tàn ma dại?  Đâu ai ngờ một đại gia Vũ Nhôm khuynh đảo thành phố đáng yêu Đà Nẵng lại có kết cục trong tù tội...?

     

    Hạnh phúc đến từ lộc Trời ban xuống thì con người phải sống theo lẽ Trời.  Phải sống ăn ở ngay lành và làm việc thiện phúc đức.  Quy luật của trời đất là “Xởi lởi trời gửi của cho - Co ro trời co của lại.   Càng gieo nhân nghĩa con người lại càng tìm được niềm vui hạnh phúc tự trong tâm hồn.  Đây gọi là tích đức để Trời sẽ ban hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và cho mọi người thân nhờ công đức của ta.

     

    Nếu hiểu rằng hạnh phúc – bình an là lộc ban từ Trời thì giây phút này là giây phút tạ ơn về quá khứ đã qua.  Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta 365 ngày bình an.  Tạ ơn Chúa vì những biến cố xảy ra trong cuộc đời giúp ta nhận ra tình yêu của Chúa luôn bao bọc gìn giữ chúng ta.  Có thể đó là những đau khổ, là những mất mát nhưng chúng ta lại được bàn tay Chúa dìu dắt và bồng ẵm chúng ta qua những thăng trầm cuộc đời.  Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta niềm tin tưởng vào Chúa, nếu không, biết đâu giờ này chúng ta đang rơi vào tâm trạng tuyệt vọng vì không đủ can đảm đối diện trước gian nan.

     

    Nguyện xin Chúa Xuân đang về trên quê hương ban cho chúng ta những giây phút đầu xuân tràn đầy bình an và hoan lạc.  Xin Chúa Xuân chúc lành cho giây phút giao thừa này được vơi đi những ưu phiền để người người hưởng một mùa Xuân thánh ân hạnh phúc dư tràn.  Amen!

     

    Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền

     

    *******************************************

    Kinh Cầu Đêm Giao Thừa

     

    Lạy Chúa Giêsu,

    Trong đêm Giao Thừa này,
    Chúng con cầu xin Chúa
    chúc lành và hướng dẫn chúng con

     

    Chúa đã cho chúng con năm mới nầy,

    Như một khởi đầu tốt đẹp,
    Một cơ hội vàng để canh tân đời sống,
    Để chuộc lại quá khứ của chúng con,


    Chúa đã cho chúng con năm mới nầy,

    Như một bình minh mới,
    Một nấc thang và một cơ hội,
    Để chúng con sửa chữa lỗi lầm
    Để chúng con vươn dậy từ thất bại,
    Để nên những người con tốt đẹp hơn,

     

    Lạy Chúa,

    Xin ban phúc lành để chúng con,
    Biến giải pháp thành hành động,
    Biến lời nói thành việc làm tốt đẹp,


    Để chúng con,
    Nhận ra kế hoạch của Chúa,

    Để chúng con,
    Biến giấc mơ thành hiện thực,
    Để chúng con,
    Kết thúc những gì đã bắt đầu,

     

    Lay Chúa,
    Chúng con nguyện xin Chúa,
    Hướng dẫn chúng con,
    Trong năm mới nầy,

    Xin cho chúng con,
    Tìm thấy niềm vui thay vì thất vọng,
    Tìm thấy bình an,
    Trong công việc bận rộn,

    Tìm thấy hy vọng trong thất bại,
    Tìm thấy giải pháp cho vấn đề của chúng con,
    Xin cho chúng con trong năm mới nầy:
    Khám phá ra
    Ý nghĩa mới trong công việc,

    Tim được ý hướng cao quý
    Trong mục tiêu,
    Và có hướng đi kiên định,
    Trong đời sống,

     

    Xin cho chúng con,
    Khởi đầu năm mới cùng với Chúa,
    Biết dùng thời gian,
    Như món quà quý giá Chúa dành cho con,
    Biết sử dụng mỗi ngày của năm mới nầy,
    Để nhiệt thành phục vụ anh chị em con.
     Amen!

     

    GM Ruperto Santos

     

    --

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINH ANH - HUẾ

  •  LM MINHANH HUẾ

    TRỞ NÊN VĨ ĐẠI HƠN

    “Ai có, sẽ được cho thêm!”.

    Tội lỗi, xét cho cùng, là phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa; và thánh thiện, xét cho cùng, là sống minh bạch trước nhan Ngài! Từ đó, Oswald Chambers đưa ra một nhận định khá sâu sắc, “Nếu vào giây phút thức dậy đầu tiên trong ngày, bạn học cách mở cửa trở lại để Chúa vào, mọi thứ công khai sẽ được đóng dấu sự hiện diện của Ngài!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời Chúa hôm nay cũng cho biết, Thiên Chúa luôn hiện diện, Ngài luôn nhìn thấy chúng ta! Đây là một sự thật đơn giản nhưng vô cùng mạnh mẽ. Ai nhận biết và sống sự thật này, Thiên Chúa vĩ đại, sẽ làm cho người ấy ‘trở nên vĩ đại hơn!’. Chúa đã làm cho Đavít thật nhiều, “Vậy mà Ngài vẫn cho là ít!”; Chúa Giêsu thì nói, “Ai có, sẽ được cho thêm!”.

    Bài đọc thứ nhất tường thuật buổi chầu của Đavít trước nhan Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ này biểu lộ sự trong suốt nơi một con người khiêm hạ vốn phải choáng ngợp trước Đấng nhìn thấy mọi sự. Đavít tỏ ra ngạc nhiên khi Thiên Chúa thực hiện lời hứa Ngài dành cho Israel trên ông, một con người hèn yếu, “Con là ai và gia đình con là chi mà Chúa dẫn con đến đây?”. Vậy mà, Ngài sẽ tiếp tục gầy dựng công trình của Ngài thông qua sự yếu ớt của Đavít, miễn sao con người này biết mình luôn ở dưới mắt Ngài. Đavít nhận ra rằng, chính trong sự yếu hèn của ông, Thiên Chúa vẫn muốn làm cho triều đại ông nhiều hơn, vì Ngài nghĩ, ngần ấy là quá ít! Bởi lẽ, với Thiên Chúa, ai bước vào kế hoạch ngàn đời của Ngài, đều là vĩ đại, đều thuộc về vĩnh hằng. Đavít phó dâng tất cả cho Ngài, khấn xin Ngài chúc phúc, gìn giữ. Quả vậy, rồi đây, nơi Chúa Giêsu, con Đavít, chính Thiên Chúa sẽ làm cho vương triều ông ‘trở nên vĩ đại hơn’ đúng như Thánh Vịnh đáp ca tiên báo, “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người!”.

    Cũng thế, với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Ai có, sẽ được cho thêm!”. Có cái gì? “Có” Thiên Chúa, “có” sự hiện diện của Ngài; người ấy nhận biết Thiên Chúa là Đấng nhìn thấy mọi sự. Chỉ cần Ngài nhìn thấy! Ngài nhìn chúng ta với tình yêu, không ai có thể trốn tránh Ngài, trốn tránh chính mình; và càng không thể trốn tránh người khác. Tắt một lời, chúng ta sống minh bạch trong ánh sáng của Chúa; Ngài là ánh sáng chiếu soi cuộc sống chúng ta hầu mỗi người sống trong Ngài và bước đi trong Ngài. Nhờ đó, chúng ta có thể nhìn thấy sự thật của bản thân, mà không cần phải xấu hổ khi người khác nhìn thấy sự thật của nó.

    Thế nhưng, cuộc sống của chúng ta không chỉ dành cho bản thân, “Không ai thắp đèn rồi để dưới đáy thùng. Đèn phải đặt trên giá!”. Chúng ta được kêu gọi để trở thành một quà tặng cho người khác, một quà tặng dẫn người khác đến với Chúa. Và đây là điều tuyệt vời nhất của cuộc đời mỗi người; được mời gọi để cho đi sự sống, mà sự sống là chính ánh sáng đã đến thế gian, Chúa Giêsu. Chúng ta cho đi sự sống Giêsu bằng cách soi rọi Giêsu cho người khác, giúp người khác bước ra ánh sáng và bước đi trong Ngài; đó là một điều có thể trở nên hiện thực khi mỗi người biết từ bỏ chính mình, để chân thành đi về phía ánh sáng và không ngần ngại tỏ cho mọi người ánh sáng Giêsu. Ánh sáng Ngài toả ra từ cuộc sống chúng ta sẽ tạo nên một hiệu ứng thực sự trong chúng ta và nơi tâm hồn những ai chúng ta gặp gỡ. Chính Ngài là Đấng làm cho mọi sự và mọi người ‘trở nên vĩ đại hơn’ một khi họ ở trong ánh sáng của Ngài.

    Anh Chị em,

    “Ai có, sẽ được cho thêm!”. Có gì trên trần gian này trường tồn và quý giá cho bằng “Có” Thiên Chúa. Và như vậy, càng “có” Thiên Chúa, chúng ta càng ‘trở nên vĩ đại hơn’. Có ánh sáng của Ngài, mọi sự chúng ta làm đều được đóng dấu sự hiện diện của Ngài; và như thế, ánh sáng của Ngài nơi chúng ta ngày càng thuyết phục. Như vậy, rõ ràng, Thiên Chúa nhìn thấy từng người chúng ta, nhưng Ngài thấy, không phải để trừng phạt, xét xử, nhưng để cho thêm, để thương thêm. Lời Chúa hôm nay thúc giục chúng ta quan tâm đến tha nhân trong ánh sáng của Chúa, dũng cảm chiếu rọi tha nhân bằng chính ánh sáng của Ngài. Có như thế, chúng ta sẽ làm cho những người khác ngày càng ‘trở nên vĩ đại hơn’ trước mặt Chúa.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giúp con luôn bước đi trong ánh sáng Chúa; với Chúa, con sẽ kiến tạo ánh sáng Giêsu nơi các tâm hồn; và như thế, thế giới sẽ bớt tăm tối hơn và con người được ‘trở nên vĩ đại hơn!’”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     



     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ƯỚC VỌNG NĂM MỚI

  •  
    Chi Tran CHUYỂN



    MỘT ƯỚC NGUYỆN CHO NĂM MỚI:

    SỐNG NIỀM VUI KHÔN NGOAN TRONG HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN

     

    Điều khôn ngoan đầu tiên mà mà gian lao đau khổ dạy mình: con người vốn mang thân phận mong manh và lệ thuộc nhiều thứ. 

     

    Chúng ta vừa trải qua một năm thật khó khăn, nhiều mất mát, nhiều đau thương và nhiều hoang mang. Lẽ thường, ai cũng mong rằng năm mới sẽ tốt đẹp hơn theo nghĩa là các thách đố và đau thương sẽ chấm dứt; người người chúc nhau gặp nhiều may mắn, dồi dào sức khoẻ, làm ăn thành công, tấn tài tấn lộc,… Âu cũng là những mong ước chính đáng, hợp lẽ! Tôi cũng cầu chúc cho mọi người phần nào được như vậy. Tuy vậy, như lời của nhà bi kịch cổ đại Aeschylus: “sự khôn ngoan có được nhờ đau khổ”, có lẽ chúng ta đã bỏ qua những cơ hội tìm kiếm khôn ngoan quý giá khi trở nên thái quá trong việc tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc, nghĩa là đã tìm mọi cách từ chối và trốn tránh đau khổ, coi nó như sự gián đoạn bất ưng của hành trình hạnh phúc. Chúng ta quên rằng sự bất toàn, thất bại, đau khổ và vô thường vốn là một phần của cuộc sống; và chúng đóng vai trò quan trọng giúp ta nên người. Hơn nữa, nếu nghiệm kỹ lại đời sống, có lẽ chúng ta đủ tầm nhìn thực tế hơn để không chờ đợi rằng mọi khó khăn và đau thương sẽ hoàn toàn chấm dứt. Vì vậy, tôi có một ước nguyện cho năm mới từ chính những đau thương của năm cũ, nhất là đau thương từ đại dịch Covid: mong sao con người đón nhận và biết đối diện với thực tại gian lao, đau khổ của đời sống để biết sông khôn ngoan hơn, nên người hơn.

     

    Điều khôn ngoan đầu tiên mà mà gian lao đau khổ dạy mình: con người vốn mang thân phận mong manh và lệ thuộc nhiều thứ. Có lẽ càng ngày con người càng thêm ảo vọng về chính mình. Các khẩu hiệu, các định hướng giáo dục, các dự án khoa học hay kinh tế đều hướng theo các khái niệm ‘phát triển’, ‘làm chủ’, ‘chinh phục’, ‘thành đạt’, vv. Chúng khiến ta nghĩ rằng con người có khả năng kiểm soát được mọi thứ. Nhưng những con virut Corona đang nhắc chúng ta hiểu rằng não trạng đó chỉ là ảo tưởng. Thực tế năm cũ dạy ta rằng cuộc sống tự nó mang tính mầu nhiệm: nó vượt qua mọi mong muốn kiểm soát, mọi tính toán làm chủ của con người. Chẳng có ‘nghị quyết’ hay ‘sắc lệnh’ nào có thể giúp chúng ta khống chế được mọi tình huống; chẳng có tiến bộ khoa học kỹ thuật nào khiến chúng ta làm chủ được mọi biến cố có thể diễn ra; và cũng chẳng có vàng bạc nào mua thêm được một giây tuổi thọ! Con người, dù có những tiềm năng lớn lao, nhưng xét cho cùng, vẫn là hữu thể thật mong manh và giới hạn. Ý thức khôn ngoan này giúp ta biết tôn trọng sâu sắc đối với thực tế đa dạng và phong phú của đời sống, trong đó có những khía cạnh bất toàn và bất ưng. Nó cũng giúp ta biết đón nhận những nghịch cảnh của chính mình thay vì trở nên thất vọng chán nản, đồng thời biết tôn trọng những anh chị em đang gặp bất hạnh, những người thường bị gắn mác là ‘thất bại’.

     

    Lẽ khôn ngoan thứ hai mà ta có thể nghiệm được là ý thức về thân phận trong thời gian của mình. Chúng ta đang sống như thể mình ở trên thời gian, tự sắp xếp lấy thời gian, trong khi chính thời gian sắp xếp chúng ta. Vì thế, thay vì tìm cách để đời mình được trải rộng trong sự đa dạng và theo chiều sâu của cuộc sống trong những khả thể phong phú được mở ra bởi thời gian, thì chúng ta lại tự đóng khung đời sống theo một vài tiêu chuẩn mà bản thân và xã hội đặt ra trước. Vì thế, cuộc tồn tại của ta trở nên nghèo nàn, đơn điệu hơn so với khả thể phong phú mà nó nên có. Một mặt, chúng ta bị điều kiện hoá, bị lệ thuộc quá nhiều vào vòng xoáy của thứ ‘môi trường cạnh tranh’, vốn cuốn ta vào cuộc tranh đua mù quáng theo tiêu chuẩn ‘thành công-thất bại’, mặt khác, chúng ta để yếu tố ‘duy kỹ thuật’ của thời đại ảnh hưởng và xâm chiếm hết phần không gian và thời gian tự do ít ỏi còn lại của mình. Hãy xét đến cách ‘thưởng thức âm nhạc’ của đại chúng làm ví dụ. Phần lớn giới trẻ ngày nay đều chìm mình trong dòng nhạc điện tử với nhịp điệu và tiết tấu nhanh. Tất nhiên, các dòng nhạc này có những giá trị và tính sáng tạo lớn lao, nhưng chúng cũng phản ánh tính hời hợt và nếp sống vội vã của cuộc sống hiện nay, tương ứng với đặc tính ‘điện tử’ của thời đại số, vốn tạo ra bởi nhịp bíp của 2 chữ số trong máy tính (1 và 0). Khía cạnh ‘số hoá’ đó đã len lỏi vào mọi phương diện của đời sống, và định hình nên những con người không khác nhiều các cỗ máy robot; và nội tâm ta, vốn có tiềm thể vô biên về chiều rộng, chiều sâu, đang ngày càng bị co rút lại như một quả bóng xẹp.

     

    Những lẽ khôn ngoan nói trên là lời nhắc nhở giúp ta có hy vọng thoát khỏi tình trạng vong thân. Quả thế, như suy tư của nhiều triết gia, tiêu biểu là Heidegger và Buber, ảnh hưởng của thứ não trạng duy khoa học và công nghệ theo kiểu hiện đại có thể dẫn đến vấn nạn “làm giảm tính người” (de-humanization). Con người không còn thực sự gắn kết thực với những gì làm nên mình nữa, bị cắt đứt khỏi những nguồn cội căn bản, tự tách mình ra khỏi thế giới sống động làm nên mình: không thực sự ‘tiếp xúc’ với môi trường thiên nhiên, không tương tác kề cận với tha nhân. Nói cách khạc, chúng ta đang bị vong thân, hay xa lạ với chính thế giới mình và thậm chí chính mình. Chính hoàn cảnh biến động và mong manh của năm mới là cơ hội cho ta ý thức hơn về nhân tính, về thân phận con người.

     

    Hoàn cảnh lo âu và đau khổ cũng có thể đánh thức tấm lòng ‘từ bi thông thái’ nơi chúng ta, giúp ta biết ra khỏi trạng thái vô tâm, thúc đẩy ta phải suy ngẫm về những trải nghiệm của mình và hướng về cảm xúc tha nhân. Ai cũng có lúc đau lòng, và việc cho phép bản thân cảm nhận được cảm xúc chung này là sợi dây liên kết chúng ta lại với nhau trong một mạng lưới của lòng từ bi, nhân ái. Người ta hay định nghĩa lòng trắc ẩn là “nhận thức sâu sắc về nỗi đau khổ của người khác cùng với mong muốn giải tỏa nó”. Nhưng, thiết tưởng, cách duy nhất chúng ta có thể nhận thức sâu sắc về nỗi đau khổ của người khác là chính mình phải có trải nghiệm về nó, phải mang vác nó. Chính đau khổ và niềm vui dạy ta cách đi vào mối đồng cảm, đưa chúng ta vào tâm hồn và trái tim của người khác, trong mối liên kết đó, ta biết được niềm vui và nỗi buồn của người khác như thể nó là của chính ta. Vì thế, không phải cứ khó khăn là điều nên tránh, hay cứ đau thương là không có niềm vui.

     

    Với Ki-tô hữu, chính Đức Giê-su là vị thầy dạy ta sự khôn ngoan đó, bằng chính đời sống của Ngài. Khi mặc lấy xác phàm với tất cả mọi đặc tính hỉ nộ ái ố, và đặc biệt là trong thân phận người ‘tôi trung đau khổ’, Ngôi Lời đã nhắc lại cho ta biết về thân phận bản chất con người là gì; và Ngài đã chỉ cho ta con đường tìm thấy hạnh phúc đích thực: sống trọn vẹn thân phận đó dưới ánh sáng của niềm hy vọng tuyệt đỉnh đặt nơi Thiên Chúa, Đấng đã mang lấy thân phân của ta để nâng thân phận đó lên khi kết hợp cùng Ngài.

     

    Ước gì, bên cạnh những phúc lành ‘may mắn’ mà mọi người có được trong Năm Mới, chúng ta nguyện ước cho nhau một phúc lành quý giá khác: biết sống niềm vui khôn ngoan ngay trong những hoàn cảnh bất ưng, để ta cảm nghiệm trở lại chiều rộng và chiều sâu của nhân tính, của cuộc đời, của thế giới.

     

    Khắc Bá, sj.(dongten.net)

     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINHANH- HUẾ

 

  • LM MINH ANH - HUẾ

    CHỈ CẦN MỘT KẼ HỞ

     

    “Ai nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha!”.

     

    William A. Ward nói, “Xét cho cùng, tha thứ là một điều buồn cười! Nó làm ấm trái tim và làm dịu vết đau. Bởi lẽ, sai lầm là của con người, tha thứ là của Thiên Chúa; không cần bàn cãi!”. 

     

    Kính thưa Anh Chị em,

     

    “Tha thứ là của Thiên Chúa; không cần bàn cãi!”, đúng như William A. Ward nói. Vậy mà trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại nói đến một thứ tội muôn đời không bao giờ được tha. Có thứ tội đó thật không? Câu trả lời là vừa có, lại vừa không! ‘Có’, khi con người khoá chặt lòng mình trước một Vị Thiên Chúa hết sức tôn trọng nó; và ‘không’, khi trái tim nó ‘chỉ cần một kẽ hở’ dù nhỏ đến đâu, vẫn đủ cho Thiên Chúa thổi vào đó lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài!

     

    Sở dĩ Chúa Giêsu tuyên bố “Ai nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha!”, vì sau khi Ngài trừ quỷ, các luật sĩ cho rằng, Ngài dùng sức mạnh của quỷ vương Bêelzêbul để trừ quỷ. Thật khó để tưởng tượng một đánh giá sai lầm hơn về Chúa Giêsu khi ai đó cho rằng, thần lực đang hoạt động trong thánh chức của Ngài là thần lực của Satan, đang khi thực tế, đó là thần lực của Chúa Thánh Thần. Như thế, tội không bao giờ được tha này sẽ là ‘có’! Không phải Thiên Chúa, Đấng hoạt động trong Chúa Giêsu, không muốn tha thứ mọi tội lỗi, nhưng đúng hơn, tình yêu thương xót của Ngài không thể xuyên thấu những trái tim cố chấp, khước từ sự hiện diện của Thiên Chúa và coi Chúa Giêsu là dụng cụ của Satan. Ai nói như thế là báng bổ Thiên Chúa, xúc phạm đến Thánh Thần. Theo truyền thống, tội này được coi là tội không hoán cải, tội kiêu căng; họ xúc phạm đến phẩm vị Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô mà sau đó, không chút đau buồn, hoặc chỉ đơn giản là lạm dụng lòng thương xót của Ngài mà không hề ăn năn. Và dẫu thế nào đi nữa, việc thiếu vắng sự đau đớn này, sẽ đóng chặt cánh cửa trái tim người ấy trước lòng khoan dung của Ngài.

     

    Thứ đến, tội này cũng ‘không’ thể có; vì lẽ, bất cứ khi nào trái tim con người biến đổi, để tin vào Ngài; và Thiên Chúa, ‘chỉ cần một kẽ hở’ dù nhỏ đến đâu, ví dụ khi người ấy bắt đầu ý thức tội mình đã phạm, và lớn lên trong một nỗi buồn chân thành, thì Thiên Chúa ở đó, ngay lập tức chào đón người ấy trở lại với vòng tay rộng mở của Ngài. Vì Ngài sẽ không bao giờ quay lưng với một người khiêm nhường quay lại với một tấm lòng tan nát, dù tội họ nặng đến đâu!

     

    Anh Chị em,

     

    Các luật sĩ biệt phái tìm kẽ hở để giết chết Con Thiên Chúa; Con Thiên Chúa tìm kẽ hở để cứu lấy họ. Vậy mà, chỉ cần con người khiêm tốn nhìn nhận Thiên Chúa và hé mở trái tim của nó cho Ngài, Ngài sẽ làm nên muôn điều vĩ đại hơn những gì lòng người dám ước mong. Một bài học khác chúng ta có thể rút ra ở đây là, hãy tập nhận ra Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của mình và trong cuộc sống của người khác. Theo thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần đang hoạt động theo mọi cách khác nhau nơi những con người khác nhau. Một số khía cạnh của hoa trái phong phú của Ngài có thể hiển hiện trong đời sống của chúng ta và trong đời sống người khác; bảy ân đức của Ngài sẽ ân sủng hoá cuộc sống chúng ta và cuộc sống của những người khác. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chú ý đến những dấu hiệu của Thánh Thần và vui mừng trước những dấu hiệu đó ở bất cứ nơi nào, nơi bất cứ ai chúng ta tìm thấy chúng; nghĩa là làm sao có thể nhận ra những điều tốt đẹp ấy nơi anh chị em mình ngay cả khi nó bị che giấu.

     

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

     

    “Lạy Chúa, Chúa ‘chỉ cần một kẽ hở’ dù nhỏ đến đâu nơi trái tim con, xin đừng để lòng con chai cứng trước bất cứ một tội lỗi nào, dù nó nhỏ đến mấy, để con có thể đón nhận sự thứ tha của Chúa”, Amen.

     

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng