8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINH ANH

 

  •  
    LM MINH ANH
     


     
     

    MỘT CÁCH YÊU LUÔN THUA THIỆT

    “Các con có thể uống chén mà ít nữa đây Thầy sắp uống chăng?”.

    Tháng 10/1864, được tin 5 người con trai của quả phụ Bixby thiệt mạng,  Abraham Lincoln viết một thư chia buồn; lá thư được đánh giá như một kiệt tác! Oái ăm thay, chỉ vài tuần sau, báo chí cho biết, nội các phân hoá, liên minh chia rẽ… Tổng thống bị lừa! Chỉ 2 người chết, 2 người đào ngũ và 1 bị bắt làm tù binh; sau đó, anh về với mẹ. Carl Sandburg, trong cuốn tiểu sử về Lincoln, viết, “Cho dù cả 5 người đều đã chết, hay chỉ 2 hoặc 4 đã bỏ mình; 2 người bỏ đi như đã tử trận, và chỉ 1 trở về từ nhà tù, thì bà mẹ ấy vẫn xứng đáng với khen ngợi và phần thưởng của Lincoln. Tổng thống không bị lừa! Ông chỉ yêu thương theo ‘một cách yêu luôn thua thiệt!’.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời Chúa hôm nay cũng tiết lộ ‘một cách yêu luôn thua thiệt’ mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ Ngài yêu! Đó không chỉ là uống chén Ngài uống mà Giacôbê và Gioan hoặc các vị tử đạo khác đã uống, nhưng còn là chết đi từng ngày trong phục vụ và những hy sinh lớn nhỏ.

    Hôm nay, Chúa Giêsu cũng hỏi mỗi người chúng ta như đã hỏi Giacôbê và Gioan, những người mà chúng ta không biết do ‘mẹ chiều con hay con chiều mẹ’ đến nỗi bà đã đến quỳ gối van vỉ, “Xin truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài”. Chúa Giêsu ôn tồn trả lời, “Các con có thể uống chén mà ít nữa đây Thầy sắp uống chăng?”. Chén Chúa Giêsu nghĩ đến không chỉ là một cái chết như Ngài, nhưng còn là chén phục vụ, hy sinh; nói đúng hơn, là chết đi chính mình mỗi ngày! Đối với một số người, một chén như vậy có thể kéo theo sự đau khổ thể xác và tinh thần, mà cao điểm là cuộc chiến đau đớn qua việc tử đạo; nhưng với nhiều người, việc theo Chúa còn đòi hỏi một thói quen lâu dài trong đời sống, với tất cả hy sinh hàng ngày trong phục vụ; đó có thể là chiến đấu, thất vọng, nghi ngờ, thất bại, kể cả các cơn cám dỗ và bỏ mình lớn nhỏ. Đó là ‘một cách yêu luôn thua thiệt’ mà Chúa Giêsu muốn.

    Chúa Giêsu biết rằng, Giacôbê và Gioan được thôi thúc bởi một lòng nhiệt thành lớn lao đối với Ngài và Nước Trời; nhưng Ngài cũng biết, sự kỳ vọng và lòng nhiệt thành nơi họ đã bị hoen ố bởi tinh thần thế tục. Ở đây, Ngài như muốn nói, ‘Được rồi, nhưng bây giờ, hai anh hãy theo Tôi, học cách yêu thương ‘mất mát’ của Tôi, ‘một cách yêu luôn thua thiệt’. Cha trên trời sẽ nhìn thấy, Ngài sẽ dành phần thưởng cho chúng ta!”. Với Ngài, yêu có nghĩa là gạt bỏ chủ nghĩa ích kỷ, tự quy chiếu vào mình, để phục vụ người khác, “Ai muốn làm lớn, hãy làm người phục vụ!”. Thánh Augustinô đã tổng kết lời dạy đó rằng, “Phục vụ là trị vì với Chúa Kitô! Bạn muốn trở nên vĩ đại? Hãy bắt đầu từ những gì nhỏ nhặt nhất! Bạn định xây một toà nhà hùng vĩ? Hãy nghĩ đến nền móng của sự khiêm tốn! Khi nghĩ đến việc xây một toà nhà đồ sộ, người ta nghĩ đến việc đào móng thật sâu. Và như vậy, bạn buộc phải đi xuống vực sâu!”. Cũng thế, khi được thông phần vào việc xây dựng toà nhà vĩ đại Nước Thiên Chúa, không cách nào khác, bạn phải đi xuống chỗ sâu nhất, bằng ‘một cách yêu luôn thua thiệt’, hạ mình phục vụ như Chúa Giêsu!

    Thật thú vị, Giêrêmia trong bài đọc hôm nay, cũng tỏ bày nỗi lòng như một người đã ‘yêu cách thua thiệt’, “Lạy Chúa, xin lưu tâm đến con… họ đào lỗ chôn con. Xin Chúa nhớ lại con đã đứng trước nhan thánh Chúa để biện hộ cho họ!”. Và Giêrêmia chỉ biết cậy trông vào Chúa; Thánh Vịnh đáp ca diễn tả tâm tình của một tôi tớ, “Lạy Chúa, xin lấy tình thương mà cứu độ con!”.

    Anh Chị em,

    “Các con có thể uống chén mà ít nữa đây Thầy sắp uống chăng?”. Chúa Giêsu thấy trước chén đắng đau thương, nhục hình đang chờ đợi Ngài vì phần rỗi của con người; điều này khẳng định ‘một cách yêu luôn thua thiệt’, ‘mất mát’, của Ngài. Mùa Chay, mùa Giáo Hội mong con cái mình tập trung cái nhìn và con tim vào con người và cách sống của Chúa Giêsu. Khi biết quy về Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta sẽ bớt quy vào mình. Đây là một hành trình biến đổi trong từng giây phút, trong từng biến cố, để nên giống Con Thiên Chúa. Hãy luôn nhớ, bạn và tôi, ‘ở đây, lúc này’, đang thông phần vào việc xây dựng toà nhà Nước Thiên Chúa nơi trần gian. Muốn làm được điều đó, hãy cùng Chúa Giêsu đi xuống chỗ sâu nhất, bằng cách hạ mình phục vụ trong yêu thương và khiêm hạ. Đó là ‘một cách yêu luôn thua thiệt’ mà Chúa Giêsu đã nêu gương!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin đừng để con phục vụ hoặc yêu thương vì đặc quyền, đặc lợi; xin dạy con biết đi xuống chỗ sâu nhất, để có thể yêu ‘một cách yêu luôn thua thiệt’ như Chúa đã yêu!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINH ANH

  •  
    LM MINH ANH


     


     
     

    ĐƯỢC GỌI ĐỂ TOẢ SÁNG

    “Ai nâng mình lên, sẽ phải hạ xuống; ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên!”.

    Irving Stone, người dành cả cuộc đời để nghiên cứu sự vĩ đại. Ông viết tiểu sử, tiểu thuyết về các chính trị gia, các thiên tài như Michelangelo, Van Gogh, Freud và Darwin... Stone từng được hỏi, “Liệu ông có tìm thấy một sợi dây xuyên suốt cuộc đời của tất cả những nhân vật đặc biệt này không?”. Ông nói, “Tôi viết về những con người mà một lúc nào đó trong đời họ… họ đã có một tầm nhìn, một ước mơ mà họ phải hoàn thành; và họ đã nỗ lực”; “Họ bị đánh vào đầu, bị đánh gục, bị gièm pha… và trong nhiều năm, họ chẳng đi đến đâu! Nhưng mỗi khi bị đánh gục, họ lại khiêm tốn đứng lên. Bạn không thể tiêu diệt những người này. Và vào cuối đời, họ toả sáng khi đã hoàn thành một phần khiêm tốn những gì họ đặt ra; vì lẽ, họ ‘được gọi để toả sáng!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Có những con người đã ngã gục, nhưng họ lại khiêm tốn đứng lên; và sau cùng, họ toả sáng” như Stones nói. Cũng thế, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ ra một bài học tuyệt vời, dẫu thật khó để thấm nhuần; nhưng chắc chắn, đó là chìa khoá để có một cuộc sống hạnh phúc, một cuộc đời toả sáng! Chìa khoá đó có tên, “Khiêm Tốn”; nó sẽ là công cụ để những môn đệ của Chúa Giêsu, những ai ‘được gọi để toả sáng’, toả sáng!

    Sẽ rất thú vị và không mâu thuẫn khi nói rằng, Chúa Giêsu muốn chúng ta được tôn vinh! Ngài muốn chúng ta được người khác chú ý! Ngài muốn ánh sáng tốt lành của chúng ta chiếu sáng cho mọi người nhìn thấy, và để ánh sáng đó tạo nên những khác biệt! Thế nhưng, Ngài muốn nó được thực hiện trong sự thật, không phải bằng việc ‘phô diễn’ một nhân cách giả tạo hoặc vay mượn. Ngài muốn “tôi” thực sự toả sáng; vì lẽ, mỗi môn đệ của Ngài đều ‘được gọi để toả sáng’. Bí quyết Ngài tiết lộ, khiêm tốn! “Ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên!”.

    Khiêm tốn là đức tính giúp chúng ta thực sự trở nên chính mình. Nó cho phép vượt qua bất kỳ tính cách sai lầm nào mà mỗi người có thể có; và đơn giản, “tôi” là “tôi”. Nó cho phép mỗi người đón nhận tự nhiên những phẩm chất tốt, cũng như những thất bại của mình. Nó không gì khác hơn là ‘trung thực và đúng’ về mình; là sẵn sàng đón nhận bản thân với những tính cách tốt và không tốt; nói cách khác, chân thực và thành tâm. Và khi mọi người nhìn thấy phẩm chất này nơi chúng ta, họ rất ấn tượng; không phải quá nhiều theo cách thế gian, mà theo lẽ thường của con người. Họ sẽ không nhìn chúng ta với cái nhìn ghen tỵ; đúng hơn, họ nhìn và thấy những phẩm chất thực sự chúng ta có. Họ thích chúng, ngưỡng mộ chúng và muốn bắt chước chúng! Như vậy, khiêm tốn giúp bạn toả sáng hơn; và dù bạn tin hay không tin, con người thật của bạn vẫn là một người, ‘một ai đó’ hấp dẫn, mà người khác muốn gặp và làm quen. Thế thôi!

    Isaia hôm nay, cũng kêu gọi dân Chúa hãy trở nên khiêm tốn! Ông mỉa mai gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo là “các hoàng tử của Sôđôma”, gọi con cái Israel là “dân thành Gômôra”; đây là hai thành phố thời Abraham, một ‘hình ảnh thu nhỏ’ của tất cả những gì xấu xa nhất, chống lại Thiên Chúa nhất. Thế nhưng, ước mong của Thiên Chúa không phải là lên án, mà là kêu gọi dân Ngài khiêm hạ ăn năn, “Hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy!”. Và như một lời hứa, Thánh Vịnh đáp ca cho thấy tấm lòng của Ngài, “Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời!”.

    Anh Chị em,

    “Ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên!”. Ai hạ mình xuống tột cùng trong nhân loại bằng Con Thiên Chúa? Ngôi Hai đã huỷ mình ra không khi mang lấy kiếp người phàm! Sinh ra trong chuồng lừa, lớn lên trong rạp mộc, chết ô nhục trên thập giá mà không mảnh vải che thân. “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài, ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu”. Thiên Chúa đã cho Ngài toả sáng qua biến cố Phục Sinh; để qua mọi thời, “Khi nghe danh thánh Giêsu, mọi loài trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ, phải bái quỳ!”. Quả thế, Chúa Giêsu là người Thầy, người Bạn, gương mẫu tuyệt vời cho chúng ta; Ngài ước mong chúng ta, những môn đệ ‘được gọi để toả sáng’ của Ngài, tiếp tục “khiêm tốn đứng lên, sau mỗi lần ngã gục” để rạng sáng cho thế giới, bằng cách học lấy sự khiêm tốn của Ngài.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin tước khỏi con mọi ảo ảnh giả tạo bên trong lẫn bên ngoài, hầu như ngọn hải đăng, con âm thầm toả rạng ánh sáng thật của Chúa mà không ồn ào, động đạc!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     



     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINH ANH

  • LM MINH ANH
    ĐỜI SỐNG TÂM LINH


     


     

    KHÁM PHÁ LẠI NHỮNG GÌ QUEN THUỘC

    “Ở đây còn có người hơn Giôna nữa!”.

    Gordon Lester nói, “Sự quen thuộc và gần gũi không giống nhau! Sự quen thuộc là điều không thể tránh; nó xảy ra gần như không thể thấy. Sự gần gũi thường khó có được; nó phải được kiếm tìm, mở ra và đáp lại. Sự quen thuộc mang lại thoải mái. Sự gần gũi lo lắng tìm kiếm sự hiểu biết sâu sắc và cảm kích cá nhân; nó đòi hỏi ‘khám phá lại những gì quen thuộc!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời Chúa hôm nay cũng nói đến ý tưởng ‘khám phá lại những gì quen thuộc’ của Gordon Lester. Nó cho thấy sự cần thiết của một nỗi lo thánh thiện về số phận đời đời của mỗi người. Thật thú vị, cả hai bài đọc liên kết với nhau qua một nhân vật khá độc đáo, Giôna! Giôna kêu gọi Ninivê trở lại cùng Chúa; Chúa Giêsu, kêu gọi người đương thời ‘khám phá lại những gì quen thuộc’.

    “Quen quá hoá coi thường!”. Trong Tin Mừng hôm nay, với Chúa Giêsu, những người đương thời của Ngài rơi vào thái độ này. Ngài đã làm bao phép lạ, dạy dỗ bao điều; và sự thánh thiện trong cách sống của Ngài là điều không ai phủ nhận. Ấy thế, một số người vẫn không hài lòng; họ đòi thêm dấu lạ, và Ngài đã khiển trách! Cũng thế, sẽ rất dễ dàng để chúng ta rơi vào thái độ tương tự với đức tin của mình. Thay vì đánh giá cao sự giàu có được bảo tồn trong Giáo Hội, nhiều người vẫn chạy theo những dấu lạ bất thường. Các Mối Phúc, các phép lạ trong Tin Mừng Chúa Giêsu làm, kể cả việc người chết sống lại nghe có vẻ nhàm chán; đang khi những mặc khải tư, chuyện các linh hồn hiện về… lại thu hút trí tưởng tượng của nhiều người. Mùa Chay, thời điểm tốt để mỗi người quay lại những gì căn bản, ‘khám phá lại những gì quen thuộc’ trong đời sống thường nhật, gặp lại Chúa trong Thánh Kinh, trong Thánh Lễ như thể lần đầu!

    Chúa Giêsu nói, “Sẽ không ban cho họ điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giôna”. Thật ra, sự hiện diện của Con Thiên Chúa trong hành tinh này đã là một phép lạ cả thể cho nhân loại; nhưng với lời này, Ngài nói đến cái chết và sự phục sinh của Ngài. Trên thực tế, không có dấu lạ nào vĩ đại hơn dấu lạ này, và việc cử hành mầu nhiệm Phục Sinh là cao trào thực sự mà Mùa Chay hướng đến. Đây là mùa hy vọng, mùa mà chúng ta ‘khám phá lại những gì quen thuộc’, thanh tẩy chính mình bằng việc sám hối để tham gia vào sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô!

    Vì lẽ, tất cả chúng ta đều là tội nhân! Trước Thiên Chúa, không ai phủ nhận sự yếu hèn của mình. Thật đúng đắn với tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung!”. Thế nhưng, nói đến trở lại cùng Chúa, không ít người cứ hẹn rày, hẹn mai; với lý do này, lý do khác. Hãy nghe một tội nhân, người đã ‘từng trở lại’ tâm sự, “Đừng trì hoãn trở về, vì ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến!”; “Bạn đừng nghĩ, Thiên Chúa có thể chịu đựng lâu dài với bạn đến mức Ngài không nghiêm phạt. Bạn nói, “Ngày mai tôi sẽ hoán cải, sẽ làm đẹp lòng Chúa; tất cả những gì tôi làm hôm nay, cũng như hôm qua sẽ được Ngài tha thứ”. Đúng! Chúa đã hứa, sẽ thứ tha nếu bạn quay lại với Ngài; nhưng Ngài không hứa, bạn sẽ có ngày mai để có một cơ hội!”. Đó là tâm sự của thánh Augustinô. Mùa Chay, mùa ‘khám phá lại những gì quen thuộc’ để tạ ơn và có thể quay trở lại cùng Chúa đang khi còn kịp!

    Anh Chị em,

    “Ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến!”. Phép lạ Thiên Chúa chờ đợi, là mỗi người hoán cải để được biến đổi! Phần Ngài, phép lạ dành cho chúng ta không đâu xa, nó xảy ra hằng ngày trước mắt! Mỗi Thánh Lễ, chúng ta dâng lên trời sản phẩm của đất do tay mình làm ra; Thiên Chúa đón nhận và làm cho nó trở thành Bánh thiêng, linh dược chữa lành và nuôi sống chúng ta; giây phút này đây, chúng ta đang hít lấy khí trời mà không trả đồng nào. Đó không phải là phép lạ sao? Thế nên, lời mời gọi hoán cải hôm nay không phải là một điều gì quá xa vời, nhưng là ‘khám phá lại những gì quen thuộc’; để thay vì ta thán, ủ dột hay mộng mơ viển vông, chúng ta dâng lên Chúa lời tạ ơn. Đừng chờ đợi thêm phép lạ nào nữa! Câu hỏi đặt ra là, “Tôi sẽ ở đâu trong ngày phán xét?”. Thomas A Kempis, thời Trung Cổ, đã tự hỏi như thế. Ông lo cho phần rỗi của mình và ông được đáp trả cho lời cầu nguyện của mình rằng, “Hãy làm ngay bây giờ những gì bạn muốn làm đẹp lòng Chúa, và bạn sẽ không có gì phải lo lắng về điều đó!”.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, “Con sẽ ở đâu vào ngày phán xét?”. Xin giúp con ‘khám phá lại những gì quen thuộc’ để tạ ơn và có những quyết định cho mình ngay hôm nay và mỗi ngày, kể từ bây giờ”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     



     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINH ANH - CN2MC-C

  •  
    LM MINH ANH


     
     

    HÃY NGƯỚC NHÌN LÊN!

    “Y phục Ngài trắng tinh chói loà”.

    Trong một con mương nhỏ, có cây tầm xuân mọc lặng lẽ… cho đến một buổi sáng, một người làm vườn đào quanh và nâng nó lên. Tầm xuân vùng vằng, “Anh làm gì vậy? Anh không biết tôi là một kẻ vô dụng sao?”. Người làm vườn vẫn lặng lẽ mang nó về vườn hoa nhà mình, trồng nó giữa những bông hoa. Nó càu nhàu, “Thật là sai lầm!”. Sau đó, người làm vườn trở lại; và với một con dao sắc, anh rạch một đường trên thân tầm xuân; tháp vào đó một mảnh hồng. Hè đến, những bông hồng xinh xắn đã nở trên chiếc áo cũ kỹ. Người làm vườn nói, “‘Hãy ngước nhìn lên!’. Vẻ đẹp của bạn không do những gì bạn tạo ra, nhưng do những gì tôi tháp vào!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Vẻ đẹp của bạn không do những gì bạn tạo ra, nhưng do những gì tôi tháp vào!”. Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta ‘hãy ngước nhìn lên’, ngắm xem vẻ đẹp và sự sống của Thiên Chúa, Đấng đã tháp ‘mảnh Giêsu’ vào linh hồn mỗi người! Đừng nhìn xuống nữa! Hãy nhìn lên vẻ huy hoàng của Con Thiên Chúa, Đấng vượt qua bóng tối sự chết để bước vào Phục Sinh vinh quang; cũng như hôm nay, Ngài rạng ngời trên núi, “Y phục Ngài trắng tinh chói loà”.

    Bài đọc Sáng Thế kể chuyện Thiên Chúa ‘tháp nhập' với Abraham. Một đêm kia, Ngài dẫn ông ra ngoài và bảo, ‘hãy ngước nhìn lên’ và đếm các ngôi sao, “Miêu duệ ngươi sẽ đông như thế!”. Abraham ngước lên, một vị Thần cao cả đã thương xót cúi xuống nhìn ông; ông tin lời Ngài đã hứa. Vì thế, Abraham trở thành cha các kẻ tin; và chúng ta hôm nay, ‘những ngôi sao’ được đếm trên bầu trời xưa, trở thành hậu duệ đã được tháp vào đức tin của Abraham!

    Thánh Phaolô trong thư Philipphê hôm nay cũng mời gọi chúng ta thôi đừng nhìn xuống nữa, nhưng ‘hãy ngước nhìn lên’, để biết rằng, “Quê hương chúng ta ở trên trời; nơi đó, chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu Kitô. Ngài sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Ngài”. Phaolô cho thấy, bao lâu chúng ta biết nhìn lên, được Đức Giêsu tháp nhập vào, chúng ta sẽ được biến đổi. Đặc biệt với bài Tin Mừng, không chỉ ‘hãy ngước nhìn lên’, chúng ta được mời đi lên với Chúa Giêsu như ba môn đệ. Trên đỉnh núi, cùng Ngài cầu nguyện, họ được Ngài tỏ cho thấy vinh quang chói ngời thần tính của Con Thiên Chúa.

    Hình ảnh Chúa Giêsu chói lọi hôm nay là một hình ảnh đầy hy vọng! Các môn đệ thấy Thầy mình vinh hiển, rạng ngời trong tư cách Ngài là Con Thiên Chúa, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Chí Thánh. Khuôn mặt Ngài toả sáng, y phục Ngài trắng tinh, chói lọi. Biến cố này xảy ra khi tâm hồn các ông đang rối ren vì cuộc thương khó Ngài đã tiên báo. Mùa Chay, mùa chúng ta vượt qua những khó khăn khi nhìn xuống lòng mình; ở đó, chỉ toàn tội lỗi yếu hèn; ở đó, cuộc sống vạy vò, rối ren... và điều đó có thể đưa đến cám dỗ chán nản, ngã lòng, và thậm chí, tuyệt vọng. Vì thế, để khắc phục tốt nhất có thể, chúng ta ‘hãy ngước nhìn lên’, và cho phép mình được Chúa Giêsu tháp nhập. Ngài, Đấng hiển vinh, quyền năng, cũng là Đấng sẽ ôm lấy tội lỗi chúng ta, chịu đựng mọi hậu quả của nó; Ngài sẽ nhúng linh hồn chúng ta trong máu châu báu của Ngài, tẩy sạch chúng ta bằng sự chết và sống lại của Ngài, để chúng ta cũng được phục sinh vinh hiển như Ngài. Đó là ý nghĩa của đại lễ Phục Sinh mà Mùa Chay hướng đến. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa là sự sáng và là Đấng Cứu Độ tôi!”.

    Anh Chị em,

    “Vẻ đẹp của bạn không do những gì bạn tạo ra, nhưng do những gì tôi tháp vào!”. Đấng tháp vào chúng ta, một Giêsu vừa là người, vừa là Chúa! Là người, Ngài hiểu tất cả những yếu hèn của phận người; vì thế, Ngài mời gọi chúng ta ‘hãy ngước nhìn lên’ Thánh Giá của Ngài; ở đó, Chúa của nhân loại, trong vỏ bọc của đau khổ và sỉ nhục đang treo lơ lửng. Cũng thế, là Chúa, Đấng đã phục sinh, chiến thắng sự chết và thập giá; nhờ Ngài, chúng ta được hạnh phúc, bình an nội tâm khi biết tháp nhập đời mình vào trong cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Ngài. Dẫu đau đớn, rướm máu như những gì cây tầm xuân đã chịu, hãy cứ để Ngài tháp nhập!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giúp con ngước nhìn lên Chúa với niềm tin vào quyền năng Chúa; để con không chỉ được thứ tha, mà còn để được biến đổi và ‘nở hoa’ nhờ được tháp nhập với Ngài!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - HOA TRÁI CỦA THINH LẶNG

  •  
    LM MINH ANH
     


     
     

    HOA TRÁI CỦA THINH LẶNG

    “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống, không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất!”.

    Trong cuốn “Thoughts in Solitude”, được người viết dịch ra tiếng Việt, “Hoa Trái Thinh Lặng”[1], Thomas Merton viết, “Cuộc sống của con là lắng nghe, Cuộc Sống của Chúa là dạy bảo! Lắng nghe và đáp trả là của con; nhờ đó, con được cứu độ. Chính vì thế, đời con phải lặng thinh!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Cuộc sống của con là lắng nghe, Cuộc Sống của Chúa là dạy bảo!”. Cùng với cảm nhận của Thomas Merton, Lời Chúa hôm nay nói đến sự tĩnh lặng và hoa trái của nó từ một chuyển động kép! Một từ trời xuống, Lời Thiên Chúa; một từ đất lên, lời con người! Lời ân sủng của Thiên Chúa lặng lẽ thấm xuống đất, mạnh mẽ và hiệu năng; “Kinh Lạy Cha” con người thì thầm dâng lên, hiệu năng và mạnh mẽ. Đó chính là ‘hoa trái của thinh lặng!’.

    Qua bài đọc thứ nhất, chỉ vỏn vẹn hai câu, Isaia mô tả tuyệt vời Lời kỳ vĩ của trời, “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống, không trở lên trời nữa…; cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả”. Lời Thiên Chúa là Lời biến đổi, Lời nuôi sống, Lời củng cố hy vọng! Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Chúa cứu người hiền đức khỏi mọi nỗi âu lo”.

    Với “Kinh Lạy Cha”, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện, không ồn ào, lải nhải. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Kinh Lạy Cha là ‘ma trận’ của mọi lời cầu nguyện Kitô giáo, tất cả lời cầu của con người đều được thể hiện trong Kinh Lạy Cha. Một mặt, nó như chiêm ngưỡng Thiên Chúa, chiêm ngưỡng sự huyền bí, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự tốt lành của Ngài; mặt khác, nó như một lời khẩn xin chân thành, can đảm, về những gì chúng ta cần cho cuộc sống, để sống đúng đắn. Chúng ta có một sự chắc chắn rằng, Thiên Chúa yêu tôi; Chúa Giêsu hiến mạng sống cho tôi; Chúa Thánh Thần ở trong tôi. Đó là một bảo đảm tuyệt vời!”.

    Cầu nguyện là ‘hoa trái của thinh lặng’; vậy mà, xem ra không ít người coi thường những hoa trái đó! Họ thích nói chuyện, muốn được lắng nghe, nhưng không có cùng sở thích lắng nghe. Chúng ta thường không thể lắng nghe, vì không quen im lặng! Mẹ Têrêxa từng viết, “Cầu nguyện là ‘hoa trái của thinh lặng’”. Đúng thế, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng, cầu nguyện là để lắng nghe hơn là để nói. Khi ở cùng một người hiểu biết về một chủ đề mà bạn quan tâm, bạn hạn chế đặt câu hỏi và dành bản thân để lắng nghe. Chúa Giêsu, Đấng mặc khải Chúa Cha, điều đó có nghĩa là, mối quan tâm chính của chúng ta trong cầu nguyện là nên hỏi Ngài về Chúa Cha; và sau đó, chuyên tâm lắng nghe!

    Chúa Giêsu nói với chúng ta, Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta cầu xin; tuy nhiên, chúng ta cần hỏi, bởi khi hỏi, chúng ta ý thức rằng, có những nhu cầu mà chỉ một mình Thiên Chúa, Cha của chúng ta, mới có thể ban mỗi người. Hãy học cách thức hỏi Chúa Giêsu về điều gì chúng ta cần nhất cho sự cứu rỗi của mình! Đó là lý do tại sao Ngài dạy “Kinh Lạy Cha”. Cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha” nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa là Cha của mọi người; và do đó, mọi người thực sự là anh em của nhau.

    Anh Chị em,

    “Cuộc sống của con là lắng nghe, Cuộc Sống của Chúa là dạy bảo!”. Thiên Chúa không ngừng nói với chúng ta qua Lời của Ngài, qua những con người, cũng như qua các biến cố. Ngài ước mong mỗi sứ điệp của Ngài như mưa tuyết từ trời thấm vào lòng chúng ta và trổ sinh hoa trái. Hoa trái đầu tiên Thiên Chúa chờ mong có lẽ là con người biết lặng thinh để lắng nghe Ngài; lắng nghe từ đôi tai của trái tim trong giây phút hiện tại, để sau đó, vượt lên chính mình, và làm theo tiếng nói ấy! Đây là một hành trình không bao giờ ngưng nghỉ; làm theo tiếng nói ấy chính là biến đổi! Cầu nguyện là lắng nghe và cầu nguyện còn là biến đổi vậy!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, nhiều lúc kinh nguyện của con rộn ràng nhưng hời hợt, ồn ào nhưng vô hồn; xin dạy con yêu quý ‘hoa trái của thinh lặng’ khi con là một người con trước Chúa là Cha!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)


    [1] Quý Anh Chị có thể đọc toàn bộ tác phẩm “Hoa Trái Thinh Lặng” tại đây: https://bit.ly/3IWvpO8

     

    Kính chuyển:

    Hồng


     

     

    --