8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ĐỨC KITO VẪN SỐNG

  •  
    Kim Vu
     

    ĐỨC GIÊSU VẪN SỐNG

     

    Sáng ngày thứ nhất trong tuần, khi đến thăm mồ Đức Giêsu, chị Maria Magdala phát hiện không có xác Đức Giêsu trong đó.  Chị cho rằng có ai đã lấy xác Đức Giêsu và quăng đi đâu đó, vì có lẽ chị không biết mồ nơi chôn táng Đức Giêsu là tài sản của ông Giuse Arimathia.

     Chị chạy về báo tin cho các tông đồ, cụ thể là cho Phêrô và Gioan.  Hai môn đệ này tới, và cũng nhận thấy xác Đức Giêsu không còn trong mồ nữa.  

    Tin mừng Gioan cho thấy “người môn đệ đến trước”, đã thấy và đã tin (Ga.20, 8); tuy nhiên tin mừng lại không cho thấy ông tin điều gì.  

    Theo tin mừng Maccô, không có tông đồ nào tin Đức Giêsu Phục Sinh khi các chị phụ nữ báo tin Đức Giêsu đã phục sinh (Mc.16, 9-14).

     

    Tất cả các tông đồ chỉ tin Đức Giêsu Phục Sinh, khi các ông gặp gỡ Ngài.  Trong lần hiện ra đầu tiên cho các tông đồ, Thomas không ở đó nên không thấy, nên ông đã không tin Đức Giêsu phục sinh cho dù các tông đồ khác và các chị phụ nữ loan tin cho ông.  Tám ngày sau, khi Chúa Phục Sinh hiện ra với ông, ông mới tin.  Phục Sinh, là điều vượt trên kinh nghiệm bình thường của con người, nên các tông đồ không tin Đức Giêsu Phục Sinh, cũng là điều dễ hiểu.  Đã đành các tông đồ có kinh nghiệm người chết sống lại như trường hợp con trai bà góa thành Naim, con gái ông Giairô, Lazarô em của Matta và Maria, nhưng Đức Giêsu Phục Sinh khác với những người khác sống lại.  Ngài vẫn sống nhưng người ta không giữ Ngài lại được.  Ngài hiện ra và biến đi, không gì ngăn cản được Ngài.

     

    Những người được Đức Giêsu phục sinh như Lazarô, con trai bà góa thành Naim, ai muốn gặp có thể tới để gặp họ.  Đức Giêsu Phục Sinh thì không như vậy.  Chỉ người nào Ngài muốn, người đó mới được gặp Ngài mà thôi.  Trong khoảng 40 ngày, các tông đồ còn có thể gặp Ngài (Cv.1, 3); nhưng sau thời điểm này, không ai được diễm phúc gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh nữa.  Ai tin Ngài, là ngang qua những chứng nhân để tin vào Ngài.  Đức Giêsu phục sinh là một biến cố mà người ta phải tin để biết.  “Phúc cho những ai không thấy mà tin.  Bao nhiêu người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, đều là những người được ơn đức tin.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là hồng ân lớn lao.  “Không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà không nhờ Thần Khí” (1Cor.12, 3).

     

    Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là một hành vi tự do.  Những lý chứng cho thấy Đức Giêsu phục sinh, không đạt được tính buộc người ta phải chấp nhận như luận chứng toán học 2+2=4.  Người ta vẫn tự do để tin Đức Giêsu phục sinh hay không.  Tin cũng là biết.  Hai anh chị yêu nhau, người này nói yêu người kia, và người kia cần tin.  Tin vào người khác, là một cách biết người đó.  Tin ai đó, cho rằng những điều người đó nói hay làm chứng là đúng, và nếu không tin thì không thể biết được vậy.

     

    Tất cả các tông đồ chỉ tin Đức Giêsu Phục Sinh, sau khi các ngài đã được thấy Đức Giêsu Phục Sinh.  Sau đó những ai tin vào Đức Giêsu Phục Sinh đều phải tin qua lời chứng của các tông đồ.  Các tông đồ đã dùng chính mạng sống của mình để làm chứng rằng những gì các ngài nói là sự thật.  Từ ngữ tử đạo (martureô) có nghĩa là làm chứng.  Lời chứng đáng tin nhất, là lời chứng của người dám dùng chính mạng sống mình để bảo đảm rằng điều mình khẳng quyết là sự thật.  Tất cả các tông đồ đều tử đạo trừ tông đồ Gioan.

     

    Không tin Đức Giêsu Phục Sinh, đây là điều bình thường.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là một ơn vô cùng lớn.  Kitô hữu không ngạc nhiên khi người ta không tin Đức Giêsu Phục Sinh.  Kitô hữu cũng biết rằng họ muốn người khác chia sẻ niềm tin với họ, là để người đó hạnh phúc hơn.  Tuy nhiên, đức tin là một hồng ân, là điều vượt khả năng của Kitô hữu.  Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban hồng ân ấy cho người ta.  Muốn ai tin Đức Giêsu Phục Sinh, Kitô hữu phải cầu xin Chúa ban ơn ấy cho người đó.  Không phải vì người Kitô hữu giảng hay, dạy tốt mà người đó tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, không phải là chuyện con người có thể làm được.  Đó là hồng ân của Thánh Thần. 

     

    Để có thể đón nhận đức tin, để có thể biết như người của Thiên Chúa, người đó phải có đời sống có thể đón nhận đức tin.  Nếu một người có đời sống bất lương, nếu người đó chỉ tin vào mình, thì cũng khó có thể tin Đức Giêsu Phục Sinh.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, đòi người đó phải đổi đời, phải có đời sống mới, phải sống lương thiện.  Không sẵn sàng đổi đời để thành người lương thiện, người đó sẽ tìm mọi cách để biện luận từ khước tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.

     

    Kitô hữu không là những người mê tín, nhưng là những người ý thức mình được ơn đặc biệt.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là hồng ân vô cùng lớn.  Niềm tin này làm Kitô hữu có cái nhìn mới về thế giới, về Thiên Chúa, và về con người.  Tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, Kitô hữu nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương vô cùng.  Và một khi biết Thiên Chúa yêu thương mình, mình có thể phó thác đời mình trong tay Thiên Chúa, Đấng yêu thương mình vô cùng, Ngài sẵn sàng làm tất cả mọi sự để được mình.

     

    Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

     

    --

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - QUÀ TỪ BIỆT ĐẸP NHẤT

  •  
    Chi Tran
     
     
     

    MÓN QUÀ TỪ BIỆT ĐẸP NHẤT

     

    Chúng ta phải trao cả cuộc sống và cái chết cho người khác như một món quà. Nếu đúng là thế, thì cái chết của chúng ta sẽ là trao món quà hay gánh nặng cho những người quen biết chúng ta.

    Theo phúc âm Thánh Gioan, trong buổi tiệc ly, Chúa Giêsu bảo là Ngài sẽ đi xa, nhưng sẽ để lại cho chúng ta một món quà chia tay, đó là bình an của Ngài, và chúng ta phải trải nghiệm món quà này theo tinh thần Ngài để lại cho chúng ta.

     

    Vậy tinh thần này như thế nào? Làm sao chúng ta để lại bình an và di sản tinh thần khi ra đi?

     

    Đây không phải là một chuyện mơ hồ, nhưng là điều mà chúng ta trải nghiệm (có khi vô thức) trong mọi mối quan hệ của mình. Nó như thế này. Mỗi người chúng ta đem một sinh lực nhất định vào trong mọi mối quan hệ của mình, và khi chúng ta đến đâu, sinh lực đó tác động đến cảm giác của những người ở đó. Hơn nữa, nó còn ở lại với họ sau khi chúng ta đi. Thật vậy, chúng ta đã để lại tinh thần.

     

    Ví dụ như, nếu tôi bước vào một căn phòng, và con người của tôi phát ra sinh lực tích cực, như tin tưởng, vững vàng, tri ân, quan tâm, vui sống, hóm hỉnh, hài hước, thì sinh lực đó sẽ tác động đến mọi người trong phòng và sẽ ở lại với họ sau khi tôi đã rời căn phòng đó. Tôi đi, nhưng tinh thần đó ở lại. Ngược lại, dù tôi có nói hay chừng nào, nhưng nếu con người tôi phát ra sinh lực tiêu cực như giận dữ, ghen tương, cay đắng, dối trá, hỗn loạn, thì mọi người sẽ cảm nhận được, và sinh lực tiêu cực đó sẽ ở lại với họ cả khi tôi đã ra đi, phủ bóng lên mọi sự tôi để lại.

     

    Sigmund Freud đã nói, chúng ta hiểu thứ gì đó rõ ràng nhất khi nó vỡ, và câu đó đúng ở đây. Ví dụ, chúng ta thấy rõ chuyện này nơi tác động của những bậc cha mẹ nghiện rượu lâu ngày lên con cái. Dù không cố ý, nhưng người đó sẽ liên tục để lại sự bất ổn, bất tín, hỗn loạn trong gia đình, và nó sẽ còn ở lại đó sau khi người đó ra đi, tinh thần người đó sẽ ở lại, dù ngắn hạn hay dài hạn. Con người của người đó sẽ khơi lên cảm giác bất tín và hỗn loạn, ký ức về người đó cũng thế.

     

    Và đối với những người đem lại sinh lực tích cực, sự ổn định và tin tưởng, cũng vậy. Tiếc là, thường chúng ta không cảm được món quà thực sự mà những người này đem lại cũng như tác động của chúng. Nó hầu như là một sinh lực không lời, cảm nhận vô thức và phải về sau này (một thời gian lâu sau khi người đó đã ra đi) chúng ta mới nhận ra và ý thức cảm kích những gì mà sự hiện diện của họ đã làm cho chúng ta. Chuyện này cũng đúng với bản thân tôi khi nghĩ lại về sự an toàn và ổn định của mái ấm mà bố mẹ đã cho tôi. Hồi nhỏ, thỉnh thoảng tôi ước gì có những bố mẹ thú vị hơn, thậm chí còn ngô nghê cảm thấy sự an toàn và ổn định này là sự nhàm chán hơn là món quà. Nhiều năm sau, một thời gian lâu sau khi tôi rời nhà và biết được nhiều người thèm khát có được an toàn và ổn định cho thời thơ ấu đến như thế nào, tôi mới nhận ra món quà lớn lao bố mẹ đã tặng cho tôi. Bất chấp những bất toàn của con người, cha mẹ đã cho anh em tôi một nơi an toàn và ổn định để trưởng thành. Cha mẹ chúng tôi  qua đời khi chúng tôi còn trẻ, nhưng đã để lại cho chúng tôi món quà bình an. Tôi nghĩ rằng nhiều người trong các bạn cũng cảm thấy thế.

     

    Động lực này (dù là ổn định hay hỗn loạn) là điều phủ bóng hàng ngày lên mọi mối quan hệ của chúng ta, và nó càng đúng hơn nữa đối với tinh thần mà chúng ta để lại khi qua đời. Cái chết làm rõ mọi sự, nhất là với cách chúng ta được tưởng nhớ và cách di sản chúng ta tác động lên người khác. Khi người thân qua đời, mối quan hệ của chúng ta với người đó cuối cùng được làm rõ và chúng ta sẽ biết chính xác người đó là món quà hay gánh nặng trong đời chúng ta. Có lẽ phải mất một thời gian, vài tháng, có khi vài năm, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ nhận tinh thần mà người đó để lại một cách rõ ràng, và biết đó là món quà hay gánh nặng.

     

    Do đó, chúng ta cần nghiêm túc với sự thật là cuộc đời chúng ta không chỉ của chúng ta mà còn là của người khác. Như thế, cái chết của chúng ta không chỉ thuộc về chúng ta, mà còn thuộc về người thân, những người thân yêu và cả thế giới. Chúng ta phải trao cả cuộc sống và cái chết cho người khác như một món quà. Nếu đúng là thế, thì cái chết của chúng ta sẽ là trao món quà hay gánh nặng cho những người quen biết chúng ta.

     

    Tôi xin trích lời của cha Henri Nouwen ở đây, nếu chúng ta chết với mặc cảm tội lỗi, hổ thẹn, giận dữ, cay đắng, tất cả sẽ cấu thành tinh thần mà chúng ta để lại, gắn chặt và đè nặng lên cuộc sống của người thân và bạn bè. Ngược lại, cái chết của chúng ta có thể là món quà cuối cùng chúng ta tặng cho họ.

     

    Nếu chúng ta chết mà không giận dữ, chết trong hòa giải, tri ân những người quanh mình, bình an với tất cả, không buộc tội, không làm cho ai phải thấy họ có lỗi, thì cái chết của chúng ta sẽ gây đau buồn nhưng không là gánh nặng gắn theo. Như thế, tinh thần chúng ta để lại, di sản thật sự của chúng ta, sẽ tiếp tục nuôi dưỡng người khác với cùng sinh lực nồng ấm mà chúng ta từng đem đến cho họ khi còn sống.

     

    Ronald Rolheiser,

    J.B. Thái Hòa dịch

     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - CƯỜI MỪNG LỄ PHỤC SINH

 

  •   Le Van Hai
     

    Alleluia! Chút Nụ Cười Mừng Lễ Phục Sinh 2022!

    Chúa phán: “Hãy vui với người vui. Hãy khóc với người khóc!”

    Nhưng muốn “vui với người vui” thì cần phải có chút óc khôi hài. Là một trong những “nhân đức” cao quý của con người, mà ít người nhận ra. Nhất là những người lấy đức Bác Ái làm đầu, hiến mình trong lý tưởng phục vụ tha nhân rất cần đức tính này. Ai có óc khôi hài, là biểu tỏ, chứng tỏ mình là người hạnh phúc, an toàn. Từ đó, dễ gây tình cảm mến với những người chung quanh. Người có óc khôi hài, rất đễ mang đến cho người khác cảm giác an vui hạnh phúc.

    Chính vì thế, đây cũng là phương tiện phục vụ Chúa và tha nhân hữu hiệu nhất. Mục tử vui, con chiên vui, là cách sống đạo lý tưởng, tạo dựng thiên đàng ngay trên trần thế!

    “Cười là liều thuốc bổ!” đúng với bất cứ nơi nào, nụ cười không mất tiền mua, nhưng lại sinh lợi nhiều nhất!

    Câu chuyện sau đây chứng minh, nếu người Chủ Chăn có óc khôi hài, sẽ được thương mến ra sao:

    Ðức cố Giáo Hoàng Gioan XXIII không những đã được thương mến trong Giáo Hội, mà còn được cả thế giới nhắc đến như một vị Giáo Hoàng hiền từ, nhân hậu và nhất là có óc khôi hài hiếm có, ghi đậm vào lòng người, nếu ai có cơ hội tiếp xúc với Ngài, dù chỉ một lần. Ngài luôn biết dùng nụ cười, hoặc một câu nói khôi hài, để đánh tan bầu khí căng thẳng, hoặc nâng đỡ tinh thần của những người đang nản chí thất vọng.

    Ngày kia, có một vị Giám Mục đến xin yết kiến và nói lên tất cả những nhọc nhằn lo âu mất ngủ vì trách nhiệm chủ chăn nặng nhọc của mình. Sau khi nghe biết tâm sự của vị Giám Mục, Ðức Gioan XXIII nở nụ cười và nói như sau:

    - Khi mới được bầu làm Giáo Hoàng, tôi cũng có bịnh lo âu và mất ngủ như Ðức Cha vậy. Thế rồi, một đêm kia trong giấc ngủ, có một thiên thần hiện đến với tôi, vỗ vào cái bụng to của tôi và nói: "Gioan ơi! Chớ có lo lắng thái quá, hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa và nghỉ ngơi cho khỏe!" Thế là từ hôm đó trở đi, tôi cứ sờ vào cái bụng to phình của mình và tự nhủ nhớ đến lời Chúa “nghỉ ngơi cho khỏe!” Như thế, từ đó tôi không mất ngủ nữa!"

    Trong không khí vui Mừng Phục Sinh:

    - Hãy để cho nụ cười lạc quan của Chúa được luôn tươi nở trong gia đình, xã hội mọi nơi, mọi lúc. Alleluia!

    - Hãy để cho nụ cười của Thiên Chúa luôn tươi nở, qua sự chấp nhận lẫn nhau, tha thứ cho nhau và bằng tất cả những nụ cười trìu mến cảm thông giữa mọi người với nhau. Thương mến nhau hơn qua nụ cười, món quà ý nghĩa, độc đáo cho mùa Phục Sinh năm nay. Alleluia!

    --------------------------------------


     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     

     

     

     

     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     

     

    --

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI

  •  
    DM Tran
     

    NGÔI  MỘ TRỐNG

    Chúa đã Phục Sinh. Alleluia.

    Trần Mỹ Duyệt

     

    Thế là Giêsu người thành Nagiarét đã “mồ yên mả đẹp”.

    Vâng! Hỡi Giêsu. Xin hãy yên nghỉ và quên đi những vất vả sau ba năm truyền giảng Tin Mừng. Quên đi những roi đòn làm tan nát tấm thân. Quên đi mão gai. Quên đi những tiếng la ó đòi kết án. Quên đi bản án bất công. Quên đi thánh giá nặng trên vai. Quên đi những tiếng búa chát chúa làm xuyên thấu tay chân bằng những chiếc đinh dài và nhọn nhưng rất vô tình. Quên đi cơn hấp hối kinh hoàng tưởng chừng “Cha nỡ bỏ con.” (Mt 27:46) Quên đi đồi Golgotha loang máu. Và Giêsu ơi! Xin hãy ngủ yên.

    Nhưng Giêsu đã không ngủ yên. Câu chuyện tưởng chừng rơi vào quên lãng, đã bị khua động trở lại. Mới sáng ngày thứ nhất trong tuần, người chết đã không nằm yên mà lại chỗi dậy ra khỏi mồ. Nhưng ai là nhân chứng của biến cố lạ lùng này? Maria Mađalêna và một số phụ nữ, Phêrô và Gioan (x Gio 20:1-10).

    Buổi sáng Shabbat hôm đó, khi người, vật còn đang ngái ngủ. Khi ánh bình minh vừa ló rạng. Vào thời điểm ấy, một vài phụ nữ đang âm thầm, lặng lẽ bước đi trong sương mai. Những cơn gió thoảng buổi sáng làm họ se lạnh. Họ đang nghĩ đến người đã chết, đến cách có thể tiếp cận được với người chết trong huyệt mộ. Nhưng khi đến mộ, họ bỗng phát hiện ra rằng ngôi mộ đã trở thành trống rỗng! Quá bỡ ngỡ, xúc động và sợ hãi: “Chúa đã bị mang ra khỏi mồ. Chúng tôi không biết họ để Ngài ở đâu.” (Gio 20:2) Ðiều này cũng khiến cho Phêrô và Gioan bị lôi cuốn. Các ông đã muốn tìm ra sự thật.

     

    Ngoài Maria Mađalêna và một số phụ nữ, Phêrô và Gioan, ngôi mộ trống kia phải chăng cũng là một chứng tích lịch sử của Phục Sinh? Ngôi mộ bên triền đồi Golgotha, nơi mà buổi chiều thứ Sáu thảm sầu, một tử thi đã được chôn cất vội vã! Nhờ biến cố Phục Sinh, giờ đây đã khiến nó trở thành niềm vui cho các môn đệ, cho những phụ nữ nhiệt thành, và cũng là niềm hy vọng, sức sống mãnh liệt cho nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ. Hàng triệu triệu người đã sống với niềm tin này, và hàng triệu triệu người đã chết để bảo vệ niềm tin vào Chúa phục sinh.  

    Ngôi mộ ấy, tự nó đã có chỗ đứng lịch sử. Nếu nó đã bị phá hủy ngay đêm thứ Sáu do lính La Mã thì mọi chuyện đã đổi chiều. Hoặc nếu đám lính canh của các Thượng Tế gửi tới vẫn còn đang thức khi nhóm phụ nữ đến mộ thì sự việc cũng lại khác hẳn. Nhưng ngôi mộ mà xác thân của Giêsu đã được mai táng, đã sống lại vẫn ở đó nhưng trống vắng, và im lìm! Chỉ còn lại những giây băng, vải cuốn, và khăn liện. Chính vì vậy mà nó đã trở thành một dấu chỉ đầy ý nghĩa của biến cố Phục Sinh. Hình ảnh của nó gắn liền với buổi sáng phục sinh, với Maria Mađalêna, với Phêrô và Gioan, và tất cả những ai đang tin vào Con Thiên Chúa - Ðấng xóa tội trần gian - đã chịu cực hình thập giá, được mai táng trong đó. Và cũng từ đó, Ngài đã chỗi dậy.

    Có cần phải tình cảm và xúc động như Maria Mađalêna và những phụ nữ đã có mặt trong buổi sáng hôm ấy không: “Thưa ông, nếu ông mang Ngài đi đâu, xin làm ơn chỉ cho tôi chỗ ông đã đặt Ngài để nhận Ngài lại.” (Gio 20:15)

    Có cần phải hăm hở và nhiệt tình như Phêrô, như Gioan nhanh chân chạy ra mộ để tìm những chứng tích phục sinh không: “Phêrô và môn đệ kia bắt đầu chạy ra mồ. Họ cùng chạy bên nhau, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn và đến mồ trước. Ông không vào trong nhưng cúi xuống nhìn vào và thấy những khăn liệm ở trên đất.” (Gio 20:3-5)

    Cuộc sống đạo, đời sống tâm linh đôi lúc cần được nuôi dưỡng bởi những động lực và thôi thúc tình cảm như thế. Có lúc cần phải xúc động, phải sốt sắng, phải để lòng lắng đọng khi gối quì một mình trong thinh lặng tại một góc của giáo đường. Và cũng có lúc phải để cho trái tim thổn thức một niềm cảm xúc trước những vẻ đẹp và sự cuốn hút của Thiên Chúa qua những người, những vật, mà mình đụng chạm tới.

    Nhưng đời nội tâm nếu chỉ dựa vào những rung động tình cảm sẽ dễ trở thành mê tín, dị đoan. Nhìn Chúa Giêsu mà lại tưởng là người làm vườn. Hoặc ngược lại, nhìn người làm vườn mà lại nghĩ là Chúa Giêsu như trường hợp của Maria Mađalêna. Đức tin, ngoài những yếu tố tình cảm còn đòi hỏi những dấu hiệu khả tín, và dựa trên những lý luận hợp lý. Có lẽ vì thế mà cả Phêrô lẫn Gioan đã hăm hở chạy ra mộ.

    Như vậy, đời sống tôi cũng phải như ngôi mộ trống trong ngày phục sinh. Nếu có ai nhìn vào nó, họ sẽ khám phá ra không phải là nơi chôn giấu tình cảm đạo đức, thông thạo giáo lý, hiểu biết, nhưng ở đó có dấu chứng của Chúa Giêsu phục sinh: là chiếc khăn liệm gói trọn quá khứ, một quá khứ từng làm cho hư hỏng và sa lầy trong tội, và hiện tại là sự đổi mới hoàn toàn như Tông Ðồ Phaolô đã viết: “Nếu ta cùng chết với Ngài ta sẽ cùng Ngài phục sinh.” (Rom 6:5)

     

    _________

    *Được hiệu đính, Chúa nhật Phục Sinh, 17 tháng 4, 2022.