8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ĐỨC ME GIUP TRONG MỌI LÚC

  •  
    Chi Tran

     
     
     
    XIN MẸ CỨU GIÚP CON MỌI NƠI MỌI LÚC, NHẤT LÀ TRONG GIỜ CHẾT!

    ... Câu chuyện xảy ra tại thành phố Hal nằm dọc theo kênh đào Charleroi. Hal chỉ cách Bruxelles - thủ đô vương quốc Bỉ -
     

    khoảng vài cây số. Tại đây có nhà thờ Công Giáo kiểu gô-tích tôn kính bức tượng ”Đức Mẹ Đen”. Bức tượng tạc từ thế kỷ XIII và nổi tiếng vì làm nhiều phép lạ.


    Tại thành phố Hal cạnh con kênh Charleroi đã xảy ra tai nạn thảm thương. Một bà mẹ góa sống với đứa con trai duy nhất. Một ngày, cậu bé chơi với bạn cạnh con kênh. Không hiểu hai cậu bé rượt đuổi nhau thế nào mà cậu trai con bà góa trượt chân rớt xuống kênh. Cậu bạn hoảng hốt chỉ biết gào lên kêu cấp cứu. Bà mẹ càng hoảng hốt hơn và cũng chỉ biết hét lên những lời kêu cứu thảm thiết.

    May mắn vào ngay lúc đó có một thanh niên đi về hướng này. Nghe tiếng kêu chàng đoán ngay sự việc. Chàng tức tốc nhảy xuống kênh và lặn sâu dưới dòng nước. Mấy phút sau chàng vớt được cậu bé và mang lên bờ, trước đôi mắt đẫm lệ của bà mẹ. Người ta xúm lại cấp cứu cậu bé. Cậu từ từ hồi tỉnh. Cậu thoát chết nhờ hành động mau mắn và dũng cảm của người thanh niên lạ mặt.

    Trước công ơn to tát như thế làm sao cám ơn cho đủ người đã cứu mạng sống con mình??? Bà mẹ góa lại quá nghèo! Nghĩ lui nghĩ tới bà thấy không gì quý hơn là tặng chàng trai ảnh đeo có hình Đức Mẹ Đen của nhà thờ gô-tích thành phố Hal. Bà đưa tặng chàng và nói:
    - Chắc chắn Đức Mẹ MARIA nghe lời tôi cầu cứu nên đưa đẩy cậu đến và cứu vớt kịp thời con trai tôi bị nạn.
    Chàng thanh niên lúng túng trả lời:
    - Tôi không biết là có đúng như thế không, bởi vì, thú thật với bà, tôi là người không tin!

    Tuy nói thế nhưng trước cái nhìn khẩn thiết của bà mẹ chàng chấp nhận ảnh thánh Đức Mẹ MARIA. Chàng cũng hứa sẽ mang ảnh như lời bà xin để ghi nhớ cuộc gặp gỡ với cậu bé con bà ..

    Gần mấy chục năm trôi qua .. chàng thanh niên dũng cảm năm xưa, nay là người đàn ông lớn tuổi. Ông bị bệnh nặng và được điều trị tại một nhà thương bên Thụy Sĩ. Nhà thương do các nữ tu điều khiển. Cùng vào thời kỳ đó, tại vùng này, có vị Linh Mục người Bỉ về đây nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng Cha đến thăm viếng các bệnh nhân theo lời xin của các nữ tu. Một ngày, Cha đang trên đường gần nhà thương thì thấy một nữ tu chạy đến xin Cha tới giúp một bệnh nhân đang hấp hối. Chị nói:
    - Xin Cha đến mau! Ông ta đang mê sảng!

    Khi vị Linh Mục đến bên giường Cha hiểu rằng người bệnh nói tiếng Flamand. Ông muốn bịt tai và xua đuổi tất cả những gì có liên hệ đến tôn giáo. Bằng tiếng Flamand vị Linh Mục nói vào tai người bệnh:
    - Xin ông an tâm, không ai dám làm trái ý ông! Chúng tôi chỉ cầu nguyện cho ông thôi!

    Nói xong vị Linh Mục thoáng thấy nơi cổ bệnh nhân có lấp lánh ảnh đeo Đức Mẹ MARIA. Không giữ được bình tĩnh Cha ngạc nhiên nói:
    - Ông mang một ảnh đẹp như vậy mà ông lại không muốn tôi nói với ông về Đức Chúa GIÊSU KITÔ và về Đức MARIA, Mẹ của Ngài và cũng là Mẹ của chúng ta sao???

    Người hấp hối bỗng chốc như hồi tỉnh. Bằng từng câu rời rạc, ông kể lại câu chuyện vớt một cậu bé và lời hứa với bà mẹ cậu bé là sẽ mang ảnh Đức Mẹ MARIA suốt đời để ghi dấu cuộc gặp gỡ. Và ông đã giữ lời hứa. Vị Linh Mục thật cảm động. Ngài cúi xuống cầm tay người bệnh và nói:
    - Chú bé mà ông cứu sống chính là tôi! Mẹ tôi vẫn kể lại câu chuyện ấy và nhắc tôi nhớ đến ông luôn. Chúng tôi suốt đời ghi ơn ông .. Và ông không thấy là chính Đức Mẹ MARIA đưa tôi đến đây gặp lại ông để giúp ông trong giây phút trọng đại cuối đời sao?

    Người bệnh cũng cảm động không kém vị Linh Mục. Ông bỗng trở nên an bình hơn. Ông chấp nhận xưng tội và xin rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU làm của ăn đàng. Sau đó, ông nhắm mắt an nghỉ trong vòng tay trìu mến ghi ơn của vị Linh Mục.

    ... Kinh Cầu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

    Lạy Rất Thánh Đồng Trinh MARIA, Mẹ đã vui lòng nhận lấy tước hiệu là Mẹ Hằng Cứu Giúp, cho được giục lòng chúng con trông cậy vững vàng, thì con nài xin Mẹ dủ lòng thương, cứu giúp con trong mọi nơi mọi lúc, khi phải các cơn cám dỗ, khi sa phạm tội, và khi gặp các sự khốn khó trong đời con, và nhất là trong giờ chết. Lạy Mẹ hay thương, xin cho con siêng năng chạy đến cùng Mẹ luôn luôn. Con tin rằng, con siêng năng chạy đến cùng Mẹ, thì làm cho Mẹ càng sẵn lòng nghe lời con. Xin Mẹ ban cho con ơn trọng này, là siêng năng cầu xin Mẹ, và được lòng trông cậy Mẹ như con thảo, ngỏ cho Mẹ nghe lời con hằng cầu xin, mà hằng cứu giúp con, và ban cho con được ơn bền đỗ đến cùng. Lạy Mẹ yêu dấu hay thương giúp, xin Mẹ ban phúc lành cho con, và cầu bàu cho con khi này và trong giờ lâm tử. AMEN.

    Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin che chở mọi kẻ thuộc về con, ban ơn phù hộ cho Đức Thánh Cha, cho Hội Thánh, cho nước Việt Nam con, cho gia đình con, cho kẻ thân nghĩa, kẻ thù nghịch và hết mọi kẻ khốn khó. Sau hết cho các Linh Hồn đáng thương trong Lửa Luyện Ngục.

    Thánh MARIA, lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin cầu bàu cho con. Lạy Thánh Anphongxô là quan thầy bào chữa con, xin giúp đỡ con trong những khi khó ngặt thiếu thốn biết chạy đến cùng Đức Bà MARIA.

    Lạy Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cầu cho chúng con.
    Lạy Thánh Anphongxô, cầu cho chúng con.

    (Albert Pfleger, ”FIORETTI DE LA VIERGE MARIE”, Mambré Éditeur 1992, trang 57-58)
    Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt


     
     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - TĨNH TÂM VỚI SÁCH TIN MỪNG

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ẢO ẢNH CỦA TÂM

  •  
    tungthai
     
    Thu, Jun 23 at 9:15 AM
     
     
     

    Ảo Ảnh Của Tâm

    Đối với quỷ sứ, cung trời là địa ngục còn địa ngục là thiên đàng.

    Đối với thiên thần, cung trời là thiên đàng còn địa ngục là địa ngục.

    Cùng một thứ mà kẻ thì gọi là thiên đàng, người thì gọi là địa ngục. Vậy thì cung trời và địa ngục đều giả, không thực.

    Cũng lại như thế. Một kẻ ăn chơi đàng điếm mà nhốt nó vào tu viện thì đúng là nhốt nó vào địa ngục. Nhưng sau một thời gian thấy quen, rồi yêu thích rồi cuối cùng nhận ra đây mới chính là thiên đàng.

    Một vị tu hành đạo đức bị đưa vào chốn ăn chơi đàng điếm thì đúng là nhốt ông ta vào địa ngục. Nhưng sau một thời gian thấy quen, rồi yêu thích rồi cuối cùng nhận ra đây mới chính là thiên đàng.

    Chính vì thế mà trong Kinh Viên Giác, Đức Phật đã giảng dạy cho Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ, “Này thiện nam tử: Trí tuệ, ngu si đều là Bát Nhã. Địa Ngục, Cung Trời đều là Tịnh Độ. Chúng Sinh, Quốc Độ đều đồng một pháp tính, Vô Minh, Chân Như không khác cảnh giới...”

    Khi Tâm ở thể Chân Như tức nhìn vạn vật bằng Phật nhãn thì Thiên Đàng hay Địa Ngục - Chúng sinh hay Quốc Độ (đất Phật)…nói rộng ra vạn vật đều đồng nhất thể. Còn khi Tâm động và nhìn sự vật bắng “tục nhãn” thì thấy có sai biệt, tức thấy địa ngục, cung trời, chúng sinh quốc độ. Từ sai biệt này mà nảy ra Đúng-Sai, Thương-Ghét.

    Bạn ơi,

    Con người thường nhìn sự vật qua lăng kính của cảm xúc. Khi yêu thích thì gán cho nhãn hiệu thiên đàng, khi chán ghét thì gán cho nhãn hiệu địa ngục.

    Muốn sống hạnh phúc thì cùng lúc phải chặt đứt hai vọng tưởng điên đảo về cung trời và địa ngục. Câu chuyện sau đây là bản minh họa rõ nét về những vọng tưởng điên đảo của Tâm mình:

     

    "Đêm ấy là đêm rằm. Mặt trăng chiếu sáng lung linh cả một vùng. Tại nơi giang đầu, một đôi tình nhân yêu nhau lần đầu. Giữa đêm trăng sáng, họ đưa nhau ra đây tình tự, thề non hẹn biển. Còn đêm nào tình tứ hơn đêm nay? Người con trai khẽ nắm lấy bàn tay người con gái, âu yếm nói:

    -Em yêu ơi ! Hãy nhìn ánh trăng kia, ánh trăng lung linh, mờ ảo. Đêm nay là đêm diễm lệ. Mảnh trăng đẹp tuyệt trần kia là nhân chứng cho mối tình bất diệt của chúng ta. Trăng đẹp như tình ta đẹp. Trăng xinh như mộng ta xinh !

    Nhưng tại nơi giang hạ, ngay lúc đó, một đôi tình nhân vì tình đời ngang trái, ngày mai họ phải vĩnh viễn xa nhau. Họ ra đây để từ tạ nhau lần cuối. Người con trai đau khổ nắm lấy tay người con gái, nói:

    -Em yêu ơi! Trăng đêm nay sao úa màu, tàn tạ? Dường như trăng đang lịm chết để chia xẻ với đêm chia ly vĩnh biệt của đôi ta. Trăng ơi, sao trăng ảm đạm thế? Trăng vương màu tang như cuộc đời lạnh giá, vô vị của anh từ đây phải vĩnh viễn xa em !

    Cũng ngay lúc ấy, một bác nông phu, nhà ở gần mé sông, bước ra ngoài sân. Bác ngửa mặt lên trời, ngắm nhìn mặt trăng một hồi rồi chép miệng, nói:

    -Chà, cái con trăng quầng sáng có pha màu hồng như thế kia thì năm nay coi chừng mất mùa đa!

                Cũng ngay lúc ấy, tại một thành phố tương đối thanh bình, nhân mùa Trung Thu, các em bé vui vẻ rước đèn đi chơi và cùng nhau ca hát:

    Ánh trăng trắng ngà

    Có cây đa to.

    Có thằng Cuội già ôm một mối mơ.

    Cuội ơi ta nói Cuội nghe

    bằng cả tâm hồn ngây thơ, trong trắng. Các em chẳng thắc mắc gì về Chị Hằng, Chú Cuội ngoại trừ lồng đèn và bánh kẹo.

    Cũng ngay vào lúc ấy, tại một đài thiên văn, một khoa học gia đang dùng viễn vọng kính để quan sát mặt trăng. Ông chẳng hề có ý nghĩ mảnh trăng diễm lệ như đôi tình nhân ở đầu sông. Ông cũng chẳng thấy trăng úa màu như đôi tình nhân ở cuối sông. Ông cũng chẳng thấy dấu hiệu nào chứng tỏ năm nay sẽ mất mùa như bác nông phu. Dĩ nhiên già rồi, ông đâu còn đi rước đèn Trung Thu nữa cho nên đâu có quan tâm tới Chị Hằng, Chú Cuội. Ông đang  lặng lẽ quan sát quỹ đạo của mặt trăng để tính đường bay chính xác cho chiếc phi thuyền dự tính phóng lên vào cuối năm nay. Mặt trăng đối với ông chỉ là một vệ tinh bay quanh trái đất và có thể có vị trí chiến lược trong cuộc Chiến Tranh Tinh Đẩu (Star Wars).

    Vậy thì bạn ơi,

    -Xin đừng vẽ rồng vẽ rắn thêm cho cuộc đời vốn đã rối ren.

    -Xin đừng đeo kính màu để bàn tán về thiên nhiên phong cảnh của một bức tranh.

    -Xin đừng bình luận thêm về những vấn đề đang làm nhức đầu thiên hạ. Xin hãy "Dẹp bỏ cổ họng, môi, lưỡi " (1) như một thiền sư đã nói nếu bạn muốn tâm hồn an tĩnh. 

    -Hãy nhìn đời như một tấm gương.

    -Tấm gương nhìn người đẹp nhưng không nói gì.

    -Tấm gương nhìn người xấu nhưng không nói gì.

    -Xin đừng nhìn người xấu để nói rằng tâm hồn người đó xấu.

    -Xin đừng nhìn người đẹp để tưởng rằng tâm hồn người đó đẹp.

    -Đừng nhìn người giàu sang mà tưởng tâm hồn họ thánh thiện.

    -Xin đừng nhìn người ăn mày mà tưởng rằng họ không có Phật tánh (2)

    -Xin đừng nhìn người giàu sang mà tưởng tâm hồn họ thanh cao.

    -Xin đừng nhìn vào ngôi nhà tranh vách đất mà tưởng nơi đó không có tình thương.

    -Xin đừng nhìn vào những nụ hôn nồng cháy qua phim ảnh, tài tử ci-nê, công chúa hoàng tử, người mẫu, đám cưới… mà cho đó là lâu đài hạnh phúc.

    -Xin đừng nhìn một cậu thanh niên đẹp trai ăn nói ngọt ngào mà cho đó là người chồng lý tưởng.

    -Xin đừng nhìn một cô người mẫu chân dài yểu điệu mà cho đó là người trong mộng.

    -Xin đừng nhìn vào chiếc xe sang, bộ quần áo đắt tiền với những dự án đồ sộ mà tưởng nơi đó tín nhiệm để rồi bị lừa bạc tỷ.

    -Xin đừng nhìn vào nơi thờ phượng Thần Linh huyền bí mà tưởng nơi đó thánh thiện.

    -Xin đừng nhìn vào chốn vui chơi, ồn ào náo nhiệt mà tưởng nơi đó là hạnh phúc.

    -Xin đừng nhìn vào nơi vắng vẻ thanh tịnh mà cho là buồn chán.

    Chính Tham-Sân-Si khiến cái Tâm, cái Nhìn, cái Nghe, cái Thấy, cái Suy Nghĩ của người ta bị méo mó từ đó chỉ nhìn thấy ảnh ảo hay hình ảnh giả tạo mà không nhìn thấy thực tướng tức hình ảnh thật.

    Chư Phật, chư vị Bồ Tát, A La Hán vì không bị nhiễm vào Tham-Sân-Si cho nên tâm không dao động. Vì tâm không dao động cho nên nhìn thấy thực tướng của muôn loài.

    Hãy ghi nhớ lời Phật dạy:

    -Hạnh phúc do nơi Tâm mình mà không do đời tô vẽ.

    -Thanh thản do nơi Tâm mình chứ không do cảnh ở chung quanh.

    -Thánh thiện và bợn nhơ do nơi Tâm mình mà không do thần linh ban tặng.

    -Giải thoát do nơi Tâm mình mà không do nghi lễ. 

    -Trói buộc do nơi Tâm mình chứ không phải sợi dây.

    -Tội lỗi do nơi Tâm mình chứ không phải do sự lên án của người đời. Bởi vì sự lên án của người đời nhiều khi do hận thù và thương-ghét.

    -Không một ai - kể cả Thần Linh Màu Nhiệm - có thể làm cho người khác trở nên thánh thiện và không một ai - kể cả Thần Linh Màu Nhiệm - có thể làm cho phẩm hạnh người khác trở thành hoen ố. (3)

    -Không một ai có thể làm cho mình trở nên có phẩm hạnh dù trên mình đeo đủ thứ kim cương, ngọc ngà, châu báu đắt giá nhất, hoặc các chức vụ, quyền thế cao nhất trên thế gian này. Phẩm hạnh cao quý nhất là đạo đức. Mà đạo đức cao quý nhất là làm việc thiện và trang bị tâm mình bằng tâm Phật.

    Bạn ơi,

    -Không một ai có thể đem lại hạnh phúc – trong khi chính mình lại không muốn kiến tạo hạnh phúc cho mình.

    Bạn ơi,

    Muốn sống với chân hạnh phúc xin hãy chặt đứt mọi vọng tưởng điên đảo. Khi vọng tưởng điên đảo chấm dứt thì Chân Tâm sáng tỏ.

    -Khi Chân Tâm sáng tỏ thì sẽ nhìn thấy vạn vật ở thể chân như.

    -Khi nhìn thấy thể chân như của vạn vật thì không còn ảo tưởng.

    -Khi không còn ảo tưởng thì bạn sẽ không còn vọng động.

    Bạn ơi,

    Thế giới càng văn minh, nhu cầu vật chất càng nhiều, con người càng sống với ảo tưởng. Ảo tưởng về sự giàu sang, về trí thức, về vẻ đẹp, về tài năng, về đức độ, về quyền uy, về chân lý, về sự thánh thiện. 

    -Rất nhiều người mang ảo tưởng là mình thánh thiện nhưng thực ra họ chẳng thánh thiện gì cả.

    -Rất nhiều người mang ảo tưởng là mình giàu sang nhưng thực ra họ chỉ là thứ “trưởng giả học làm sang”.

    -Rất nhiều người mang ảo tưởng là mình quý phái nhưng thực ra trên đời này chẳng có gì gọi là quý phái. Quý phái giống như chiếc áo khoác ngoải. Cửi ra thì mọi người đều trần trụi như nhau.

    -Rất nhiều người mang ảo tưởng là mình đẹp nhưng thực ra họ chẳng có gì đáng để chiêm ngưỡng.

    Khi không còn ảo tưởng hoặc “viễn ly” được điên đảo mộng tưởng, con người sẽ sống bình dị, khiêm tốn, không hoang phí, không đua đòi, không say mê quyền lực, không còn muốn đè đầu người khác. Đó là một cuộc sống vô cùng an lành.

    Hãy ”hành thâm” tức nghiền ngẫm, dùng trực giác, trí tuệ  để hiểu và thực chứng Bát Nhã Tâm Kinh thì lúc đó hành giả sẽ: “Vô hữu khủng bố. Viễn ly điên đảo mộng tưởng.” Khi đã “viễn ly’ được điên đảo mộng tưởng thì Niết Bàn sẽ hiện ra tức thì như lời Phật dạy “chân thực bất hư”.

                Vậy thì:

    Một khi đã biết con người luôn luôn nhìn sự vật chung quanh mình bằng cái Vọng-Tâm-Thương-Ghét thì trước một biến động của thế giới, của đất nước, của cộng đồng và thậm chi của làng xóm -  xin hãy để tâm mình lắng đọng, suy nghĩ cho chín chắn rồi mới hành động thì sẽ tránh khỏi sai lầm, gây khổ đau cho chính mình và cho người khác.

    Thế giới ngày hôm nay đại loạn chỉ vì đã vô minh mà lại còn vọng động. Một trong những thảm họa của Vô Minh là, cho rằng mình tuyệt đối đúng, mình là chân lý, tôn giáo của mình là tôn giáo duy nhất, quốc gia mình phải bá chủ thế giới.

    Trong Kinh Viên Giác, Đức Phật dạy rằng “Cái Vô Minh này không có thực thể”. Bằng thiền định, bằng trí tuệ Bát Nhã hành giả có thể phá vỡ màn vô minh.

    Đào Văn Bình

    (Trich sách Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống và Tâm Linh)

     

     (1) Thiền Luận của Đại Sư Suzuki, bản dịch của Trúc Thiên

    (2) Kinh Pháp Cú  “ Chỉ có ta làm điều tội lỗi.

    Chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm                            

    Chỉ có ta tranh  điều tội lỗi.

    Chỉ có ta gội rửa cho ta.

                                    Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta.

    Không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch

    (3) Mới đây nhất tại Hoa Kỳ, một người ăn mày sống vô gia cư (homeless) nhặt được một cái ví trong đó có 3300 đô-la,  đã đem tới sở cảnh sát trả lại vì ông ta thấy đây không phải tiền của ông. Hai nông dân nghèo ở Nghệ Tĩnh nhặt được 300 triệu đồng đã đem trả lại cho chủ nhân.

     

     

     

     

     

     

    --


ĐỜI SỐNG TÂM LINH - KHÔNG LÀ GÌ CẢ - CHÚA LÀ TÁT CẢ

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
     


     
    CHẲNG LÀ GÌ CẢ
    Thật diễm phúc cho những ai dù được gọi là thầy mà ý thức mình chẳng là gì cả trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. Thầy đó sẽ khiêm tốn đón nhận lời sửa dạy, được nhắc nhở, được học hỏi để ngày càng trở nên giống với vị Thầy Giêsu hơn.
    Anh bạn cùng nhà tâm sự rằng nhiều khi nghĩ cũng buồn, mấy người bên đạo Công giáo còn biết mình là thầy tu, hiểu ra chút ý nghĩa nào đó về con đường mình đang đi, còn mấy người ngoài Công giáo thì chịu. Anh kể có lần mấy đứa bạn cũ hỏi anh đang làm gì, anh trả lời là đang học. Nghe vậy họ phản ứng lạ lắm, ai đời thanh niên hơn ba chục tuổi đầu rồi mà còn phải đi học, không có công danh sự nghiệp gì ổn định, lại sống lang thang khắp nơi. Họ không hiểu về đời tu nên không kính trọng mình như những người trong đạo. Họ coi mình chẳng là gì cả. Tôi chia sẻ với anh rằng mình phải cám ơn những người như vậy mới đúng, bởi vì nhờ họ mà chúng ta được nhắc nhở một sự thật rất quan trọng về mình: chúng ta chẳng là gì cả!
    Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu Dòng Tên từ giai đoạn ứng sinh. Ứng sinh là những bạn đang học đại học hoặc đã tốt nghiệp đại học, sống chung với nhau trong cộng đoàn, được dạy dỗ và hướng dẫn làm quen với đời tu. Do vậy xét về mức độ trưởng thành nhân bản thì chúng tôi chẳng khác gì với các bạn sinh viên bên ngoài là mấy. Thường thì ít ai trong chúng tôi tự nhận mình là “thầy” trong giai đoạn này. Tất nhiên có nhiều bà con giáo dân với lòng sốt mến và kính trọng vẫn gọi chúng tôi là thầy, nhưng có vẻ như danh xưng đó không hợp với chúng tôi lắm, hoặc ít ra là không hợp với tôi. Những người thân quen hơn với nhà ứng sinh thì gọi chúng tôi là “chú”. Tôi thích cách gọi này hơn, vì nó liên tưởng đến các chú tiểu ở chùa trong giai đoạn đầu tu tập.
    Đời tu chính thức trong Dòng Tên được tính từ ngày bước vào nhà Tập. Do đó tuổi dòng được xác định từ cột mốc này. Bắt đầu từ giai đoạn này chúng tôi có thể được gọi là thầy một cách danh chính ngôn thuận, bởi vì chúng tôi đã thực sự sống đời tu. Nhà tập là giai đoạn có thể nói là cách ly với xã hội bên ngoài để chúng tôi có điều kiện trau dồi đời sống thiêng liêng, học hỏi và tìm hiểu thêm về Dòng, đồng thời qua đó cũng biết hơn về chính bản thân mình. Chính vì sống trong một điều kiện đặc biệt như thế nên trong 2 năm nhà Tập chúng tôi chẳng mấy quan tâm đến việc mình đã được gọi là thầy. Sự thật là khi chúng tôi sống chung với nhau chẳng có ai gọi người khác là thầy cả, chỉ xưng hô anh em với nhau thôi, riết mãi danh xưng “thầy” kia trở nên không cần thiết.
    Xong 2 năm nhà Tập chúng tôi khấn lần đầu, sau đó là bắt đầu giai đoạn ở Học viện. Rất khác với nhà Tập, đời sống ở Học viện mở ra nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Giai đoạn này chúng tôi tiếp xúc và làm việc với nhiều người hơn. Tất nhiên người ta gọi chúng tôi là thầy. Có lần tôi tự hỏi không biết mình là thầy của người khác theo nghĩa nào. Nếu giúp giảng dạy giáo lý thì tôi chỉ là giáo lý viên thôi, sao lại là thầy được. Còn nếu hiểu theo nghĩa là thầy dạy hay người hướng dẫn đức tin thì chính giáo dân là thầy của tôi mới đúng chứ. Một cụ già chân yếu không còn đi được nên phải nhờ đến chút sức lực còn lại từ đôi tay để chèo con thuyền ba lá men theo các con rạch đến nhà thờ vào mỗi sáng Chủ nhật; cụ là thầy của tôi về lòng mến Chúa. Những đứa trẻ ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ thầy cô là thầy tôi về tấm lòng đơn sơ phó thác. Những cặp vợ chồng vượt qua nhiều trắc trở trong hôn nhân để sống trọn vẹn lời cam kết với nhau chính là thầy của tôi về tình chung thủy. Thầy của tôi về đức hy sinh chịu đựng chính là những người cha người mẹ chấp nhận sống kham khổ để lo cho tương lai con cái. Những tấm lòng quảng đại giúp đỡ người nghèo khổ khó khăn là thầy của tôi về tình yêu thương san sẻ. Tóm lại, tôi thấy người ta là thầy của mình chứ không phải ngược lại.
    Giáo dân ở Việt Nam nói chung rất kính trọng giới tu sĩ. Thật lòng là tôi thấy ái ngại vì có những người đáng tuổi ông bà lại khúm núm trước mình. Tôi thực sự không đáng được như vậy. Trong nhà Tập Dòng Tên có một giai đoạn anh em chúng tôi phải tự ra ngoài làm việc kiếm sống như người ta. Lý tưởng là chúng tôi không nên để lộ thân phận của mình để tránh những chiếu cố không cần thiết. Có người trong chúng tôi làm công việc lau dọn ở một bệnh viện, sau tan ca thường nán lại trò chuyện với các bệnh nhân, cắt móng tay móng chân cho những cụ già. Công việc đó vẫn diễn ra điều đặn cho đến một hôm không biết ai xì xào mà người ta biết được chúng tôi là thầy. Chúng tôi vừa lôi cái kìm bấm móng tay ra là các cụ đã chắp tay lạy: “Con lạy thầy, con xin lỗi thầy, con không biết. Con mà để thầy làm vậy nữa là con mắc tội chết.” Giáo dân họ đơn sơ vậy đó, cứ nghĩ thầy là Chúa của họ. Một nhóm khác trong chúng tôi làm phụ hồ xây dựng công trình là ngôi nhà thờ ở một giáo xứ nọ. Ban đầu giáo dân chỉ ngạc nhiên vì có một nhóm thanh niên làm việc chăm chỉ, nét mặt luôn tươi cười, lại chẳng bao giờ nghe tiếng chửi tục như những người thợ khác. Sau này vì biết chúng tôi là thầy tu nên khi thì họ cho miếng thịt, khi thì biếu đòn chả, có khi còn cho nguyên nồi cá kho sẵn, ăn xong rửa nồi trả lại. Chung quy cũng bởi chúng tôi được mang danh là thầy.
    Người ta thường nói “chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng cũng không hẳn hoàn toàn là như thế. Sự thật là chiếc áo đã làm nên “thầy”, tức bất cứ người nam nào bước vào nhà tu dù ở giai đoạn nào đi nữa cũng đều được gọi là thầy, còn thầy đó có thực sự “tu” hay không thì lại là chuyện khác. Ngày nay các dòng tu rất đa dạng về thành phần và lĩnh vực hoạt động, dòng trong nước cũng có, dòng từ nước ngoài vào Việt Nam cũng có. Bởi vậy mà ngày càng có nhiều “thầy” hơn. Đó là chưa kể tuổi đời của các thầy rất trẻ, vì có những dòng nhận ứng viên tốt nghiệp phổ thông trung học. Nói vậy để hiểu rằng được gọi là “thầy” không phải là điều gì đó ghê gớm lắm. Nếu các thầy tự biết mình để trau dồi học hỏi cho xứng đáng là thầy thì quá tốt. Tôi có dịp sống chung với một cha lớn tuổi, dù ở trong nhà nhưng cha luôn gọi tôi là thầy. Cha giải thích là không phải vì cha câu nệ hình thức, nhưng là vì cha muốn đề cao tính chính danh. Khi người khác gọi mình là thầy thì mình cũng phải ý thức sống sao cho ra thầy. Tuy nhiên, không ít các gia đình hay chính đương sự coi đời tu như một vị trí danh vọng, dựa vào chữ “thầy” người ta gọi mình để tự hào tự đắc, hay tệ hơn nữa là luôn coi mình là thầy thiên hạ. Như thế thật đáng buồn.
    Thật diễm phúc cho những ai dù được gọi là thầy mà ý thức mình chẳng là gì cả trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. Thầy đó sẽ khiêm tốn đón nhận lời sửa dạy, được nhắc nhở, được học hỏi để ngày càng trở nên giống với vị Thầy Giêsu hơn. Không liên quan nhiều lắm nhưng có lần tôi chứng kiến ông bà cố của một linh mục gọi con mình là “cha” ngọt xớt, nghe cứ trái tai làm sao ấy. Tôi thấy mình may mắn khi những người quen tôi không đề cao quá mức danh xưng “thầy” của tôi. Có người anh trong họ hàng thấy tôi làm điều gì đó sai liền nhắn tin nhắc nhở ngay. Có người giáo dân tôi quen cũng thẳng thắn góp ý rằng thầy không nên làm thế này hay thế kia. Tôi cám ơn họ vì đã nhìn ra được sự yếu đuối của tôi. Tôi càng phải cám ơn họ nhiều hơn nữa vì đã mong muốn và mạnh dạn sửa dạy tôi.
    Để kết thúc, tôi xin kể câu chuyện truyền miệng về Đức Giáo hoàng Phanxicô trong chuyến thăm gần đây của Ngài tới một nước nhỏ. Trước buổi gặp gỡ chung với tất cả mọi người ở quảng trường, một cha trong ban tổ chức đã chia sẻ riêng với Đức Giáo hoàng:
     
    “Ngài coi, nhiều người đến đây từ nơi rất xa. Họ phải đem theo cơm gạo, đi bộ đường rừng cả ngày lẫn đêm để hôm nay được thấy mặt ngài.” Đức Giáo hoàng trả lời: “Vâng, họ đến đây để được gặp đấng kế vị thánh Phêrô. Tôi thấy mình thật xấu hổ. Tôi chẳng là gì cả!”
    Lạy Chúa, con chẳng là gì cả, để Chúa là tất cả của con. Amen.
    Giuse Lê Đắc Thắng SJ(dongten.net)
    Không có mô tả ảnh.
     
     
     

    Facebook

     

     
     
     
    2Teresa Lieu và Phuong Nguyen
     
     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - THIÊN THÀN BẢN MỆNH

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
     


    Thiên Thần Bản Mệnh.
    Linh Mục Công Giáo tên Lamy kể lại. 

    Một phụ nữ Công Giáo đạo đức xin tôi đến ban bí tích Xức Dầu Thánh cho chồng bà. Ông đau nặng, nhưng chưa hẳn ở vào giai đoạn cuối đời. Dầu vậy, bà ước ao cho chồng được lãnh nhận Bí Tích Bệnh Nhân khi còn tỉnh táo. Bà tự nhủ:
    "Đâu ai biết được giờ chết sẽ xảy đến thình lình như thế nào!".
    Tôi nhận lời đến ngay, nhưng không mang theo dầu thánh, sợ gây hoảng sợ cho người bệnh. Lúc đến thăm, tôi ngạc nhiên khi thấy chính ông chồng ngỏ lời xin tôi ban phép bí tích sau cùng cho ông. Tôi vội vàng ra về và hứa sẽ trở lại ngay, mang theo Dầu Thánh. Bà vợ nói với tôi:
    - "Thưa cha, con khép hờ cánh cửa ra vào. Khi nào đến, xin cha cứ tự tiện đẩy cửa vào nhà".
    Nhà hai ông bà ở trong một chung cư nơi lầu 6. Vào thời kỳ đó, các chung cư chưa có thang máy.

    Một giờ sau, tôi bước vội lên cầu thang nhưng vô ý không tính xem mình đang ở lầu mấy. Bất ngờ tôi thấy trước mặt một cánh cửa khép hờ. Tôi đẩy nhẹ cửa bước vào. Một người đàn ông đang nằm trên giường, không giống người đàn ông lúc nãy, nhưng tình trạng bệnh hoạn lộ vẽ trầm trọng rõ ràng. Tôi lúng túng xin lỗi và chào thăm ông. Không ngờ, người bệnh như tỏ dấu hài lòng trông thấy một linh mục Công Giáo. Ông nói ngay:
    - "Cha có biết không? Từ một tuần nay, con nài nĩ nhà con mời một linh mục đến cho con gặp. Nhưng nhà con cương quyết từ chối. Bởi lẽ cả hai vợ chồng chúng con đều là kẻ vô thần. Riêng con, ý nghĩ biết mình sắp chết khiến con kinh hoàng. Con liền tìm cách trở về với đức tin con nhận lãnh trong thời thơ ấu. Nhà con không đồng ý với con". Nhà con nói:
    - "Hễ là kẻ vô thần thì phải vô thần cho đến chết! Không có chuyện 'tôn giáo nhảm nhí' vài giây phút cuối đời!". Thấy nhà con một mực từ chối, con liền quay sang khẩn khoản nài van Thiên Thần Bản Mệnh con cứu giúp. Con nhớ lại bài học giáo lý ngày con còn nhỏ về sự trợ giúp của Thiên Thần Hộ Thủ".

    Và Thiên Thần Bản Mệnh đã ra tay cứu giúp. Bà vợ của ông vừa ra khỏi nhà, nhưng quên đóng cửa lại. Còn tôi, tôi lại đi lộn cửa, vào nhằm nhà của ông. Tôi vui mừng nghe câu chuyện ông vô thần vừa kể. Tôi giúp ông dọn mình nhận lãnh các bí tích sau cùng. Tôi trao cho ông Mình Thánh Chúa làm của ăn đàng.
    Xong xuôi đâu đó, tôi cẩn thận khép kín cửa lại và tiếp tục leo cầu thang lên lầu 6, nơi người bệnh thứ nhất đang chờ đợi tôi.

    Vừa đi tôi vừa đọc kinh cầu cùng Thánh Thiên Thần Bản Mệnh: "Lạy Thiên-Thần Chúa là đấng gìn giữ con. Xin Thiên-Thần soi sáng tâm trí con, gìn giữ trái tim con, nâng đỡ thân xác con và hướng dẫn con, vì con được Tình Yêu Thiên Quốc giao phó cho Thiên-Thần chăm sóc. Amen".

    (René Lejeune "Les Anges: Armée secrète du Ciel", Éditions du Parvis, 1998, trang 91-93).