8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LM MINH

 

  • LM MINH ANH -HUẾ
     


     
     

    TÔN THỜ MỘT THỨ GÌ ĐÓ ÍT HƠN CHÚA

    “Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!”.

    “Tội thờ ngẫu tượng là tội tôn thờ bất cứ thứ gì chỉ nên được sử dụng, hoặc sử dụng Bất Cứ Thứ Gì chỉ nên được tôn thờ!”. Những lời của thánh Augustinô đưa J. McMath đi đến một kết luận, “Điều mà tôi sẽ cho đi bất cứ thứ gì để có được, và không nhận bất cứ thứ gì để ai đó đổi lấy nó; đó là Thiên Chúa của tôi. Tôi không bao giờ ‘tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Thật thú vị, phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiết lộ một sự thật rất hiển nhiên, nhưng lại là một sự thật khá bất ngờ; rằng, con người luôn có xu hướng ‘tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa!’.

    Câu chuyện Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một minh hoạ! Tại Lystra, sau khi Phaolô chữa cho một người bại chân bẩm sinh đi được, một số người Lycaonia kết luận, “Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!”. Coi Phaolô và Barnaba là những vị thần, họ định đem bò và vòng hoa để dâng, tế hai ngài. Phaolô lên tiếng, “Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm!”. Thấy được xu hướng muốn ‘tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa’ nơi họ, Phaolô chỉ cho họ phải tôn thờ ai! Một mình Chúa và chỉ một mình Ngài, Đấng tự mặc khải trong Đức Kitô. Thánh Vịnh đáp ca cất lên, “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, lạy Chúa, nhưng xin cho Danh Ngài rạng rỡ!”.

    Phải, con người luôn có xu hướng ‘tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa!’. Một phong trào, một hệ tư tưởng, một cá nhân… có thể có một địa vị ‘gần như thần thánh’, vốn đòi hỏi; và đôi khi, nhận được một lòng sùng bái vốn chỉ một mình Thiên Chúa mới đáng có! Thờ ngẫu tượng là tội căn bản, cội rễ các tội. Chính sức hấp dẫn của một thực tế nào đó có thể là chất xúc tác để người ta coi nó như thần thánh. Sở dĩ, những người Lycaonia sùng bái Phaolô và Barnaba, là vì họ chưa được soi sáng; họ cần được điều chỉnh về các quan niệm đang có, các hành vi đang làm.

    Trong Tin Mừng hôm nay, đối với những ai theo Ngài, Chúa Giêsu thừa nhận một nhu cầu liên tục cần được hướng dẫn, soi sáng bởi một ‘Ai đó’. Ngài nói với các môn đệ trước khi chia tay, “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều và sẽ làm cho các con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con”. Chính Thánh Thần sẽ dẫn dắt để ngăn ngừa chúng ta khỏi rơi vào những ngẫu tượng, ‘tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa’; chính Thánh Thần giúp chúng ta biết đánh giá sâu sắc hơn về tương quan cần thiết mỗi người phải có với Chúa Giêsu, hầu có thể dõi bước theo Ngài trên hành trình về cùng Cha!

    Anh Chị em,

    “Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!”. Dẫu không công khai la lên những lời này như những người Lycaonia; nhưng khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là thần thánh hoá những gì làm cho mình vui thoả, dễ chịu. Nó dẫn chúng ta đến một lối sống buông thả khi chọn thoả hiệp với các giá trị thế tục; đó là những ‘ngẫu tượng’ khiến chúng ta tròn xoe đôi mắt, thán phục, mê mải; để rồi mụ mẫm, ngơ khờ sùng bái. Thuyết tương đối và chủ nghĩa tiêu thụ đang âm thầm hoặc công khai quyến rũ chúng ta. Nó đầy hấp lực và tinh vi khiến chúng ta đi theo mà không biết; để rồi, vô tình phá đổ các giá trị cao đẹp, linh thánh. Chúa Giêsu thấy trước điều đó;  vì thế, Ngài đã ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Ngài là món quà vĩ đại, là Thiên Chúa, và là Thầy Dạy tâm linh. Ước gì chúng ta biết đón nhận và yêu quý quà tặng này; đồng thời, ngoan nguỳ với Ngài, hầu không dễ dàng buông mình cho việc ‘tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa!’.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, ‘tôn thờ một thứ gì đó ít hơn Chúa’ thường làm con già đi và mỏi mệt. Xin Thánh Thần Chúa sưởi ấm linh hồn con, trả lại cho nó sự trẻ trung và sống động!”, Amen

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

 

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - HÃY NÓI LỜI DỊU NGỌT

  •  
    Binh Dao
    Thu, May 12 at 9:15 AM
     
     

    Hãy Nói Lời Dịu Ngọt

     

    Bạn ơi!

    Thế giới ngày hôm nay do kỹ nghệ hóa, do cơ khí phát triển, cho nên con người đang phải đối đầu với nạn NOISE POLUTION tức bị Ô NHIỄM TIẾNG ĐỘNG.

    Buổi sáng ra chúng ta đã phải nghe tiếng ồn ào của xe cộ, của tiếng máy bay gầm thét, tiếng còi hụ, tiếng rú của xe cảnh sát, xe cứu thương, tiếng nhạc xập xình trên đường phố.

    Tại thành phố của chúng tôi, các người Da Đen và người Mễ Tây Cơ thích mở nhạc thật lớn trên đường phố khiến bạn giật mình.

    Vào công sở chúng ta phải nghe tiếng chuông điện thọai rung lên từng hồi.

    Thậm chí lúc rong chơi, giải trí, trong khi ăn uống, trong phòng ngủ…chúng ta cũng còn bị réo gọi bởi tiếng điện thọai cầm tay.

    Vào nhà máy, công trường chúng ta đinh tai, nhức óc vì tiếng sắt thép va chạm, đay nghiến.

    Vào trại giam chúng ta kinh hãi vì tiếng quát tháo phạm nhân của giám thị.

    Vào những khu lao động chúng ta bùi ngùi vì tiếng vợ chồng, anh em, hàng xóm láng giềng chửi bới, la mắng nhau.

    Ra ngòai chợ chúng ta đau lòng vì những tiếng bấc, tiếng chì, tiếng đanh đá, tiếng hằn học, tiếng thô lỗ, tiếng kèn cựa, tiếng kèo nài vì miếng cơm manh áo.

    Vào quán nhậu, bia ôm, cà-phê ôm chúng ta ngán ngẩm vì những lời “ đầu môi trót lưỡi”, những tiếng “thiếu văn hóa”.

    Vào siêu thị, nhất là siêu thị Việt gốc Hoa ở Mỹ chúng ta rầu rĩ bởi những loại nhạc “mèo kêu” rên rỉ, khóc than, kêu gào quá mức.

    Buổi tối trở về với mái ấm gia đình chưa chắc chúng ta đã được yên vì những người thân yêu nhất có thể trút lên đầu chúng ta những căng thẳng, cực nhọc, ẩn ức của đời sống bằng những lời cằn nhằn, phiền trách.

    Vào các diễn đàn chúng ta phải đọc những lời lẽ thô tục, chửi bới, chụp mũ, vu cáo, kết tội, mạ lỵ làm chúng ta sững sờ làm đầu óc chúng ta khô cứng.

    Bạn ơi!

    Con người không chết vì Ô NHIỄM TIẾNG ĐỘNG nhưng sẽ HÓA ĐIÊN vì ô nhiễm tiếng động. Khi hóa điên, con người có thể làm những chuyện kinh thiên động địa.

    Một trong những thứ “tiếng động ” có thể gây khổ đau ghê gớm cho con người – đó là Lời Nói. Theo lời dạy của Đức Phật thì Thân- Khẩu-Ý là ba cội nguồn gây nhiều ác nghiệp, trong đó Lời Nói (Khẩu Nghiệp) là nặng nhất.

    -Một lời sàm tấu có thể khiến ba tộc họ bị tru di.

    -Một lời nói du nịnh tâu lên vua có thể làm mất nước.

    -Một lời nói đâm thọc có thể khiến bạn thân trở thành kẻ thù.

    -Một lời nói bông đùa có thể phá vỡ hạnh phúc của người ta. Thí dụ hai người đang ngồi nhậu, một người bị vợ gọi về. Thay vì nói, “Bạn/anh/ông nên về đi cho bà ấy/chị ấy vui.” lại nói, “Bộ mày sợ vợ à!” thế là ông kia về nhà lấy dao đâm vợ chết để chứng tỏ mình không sợ vợ. Ôi, lời nói bông đùa vô ý thức vô cùng nguy hiểm. Nó giống như một viên thuốc độc, một trái phá!

    -Một lời nói bông đùa không khéo hoặc vô tình có thể biến tiệc nhậu hay cuộc họp khóa, họp bạn trở thành cuộc cãi vã, đâm chém. Bạn bè từ đó không còn nhìn mặt nhau!

    - Một lời nói khéo léo đánh trúng tâm lý có thể khiến người ta bị lừa gạt.

    -Một lời làm chứng gian khiến người ngay mắc vòng tù tội.

    -Một lời báo cáo gian dối của mật báo viên có thể khiến kẻ thiện lương bị bắt giữ, tra tấn, thủ tiêu, giết hại. Nếu trong thời kỳ chiến tranh thì một ngôi làng, một thị trấn có thể bị hủy diệt vì bom đạn.

    -Một lời tiên tri, sấm truyền vu vơ về Ngày Tận Thế, có thể khiến nhân loại hoang mang, lo sợ từ đời này sang đời khác.

    -Một lời tuyên bố thiếu trách nhiệm, nông nổi của một kẻ có quyền thế có thể gây bạo động khắp thế giới.

    -Một lời nói phóng túng có thể gây băng hoại xã hội, nếu kẻ nói đó đang là người được công chúng mến chuộng.

    -Một lời tố cáo man trá trên báo chí, diễn đàn có thể làm một công ty phá sản, danh dự của một gia đình hay cá nhân hoen ố.

    Bạn ơi,

                Khi bạn mắng nhiếc, chửi rủa, kết tội, vu cáo người ta, bạn đừng tưởng những lời đó sẽ qua đi như một cơn gió thoảng.

     Không bạn ơi! Những lời đó sẽ thấm vào làn da, sớ thịt, sẽ làm họ tủi nhục và ghi nhớ mãi khôn nguôi, và sẽ nuôi dưỡng lòng thù hận.

    Cho nên bạn ơi,

    Đừng nói lời gian tà mà nói lời Chánh Ngữ.

    Đừng nói lời cay đắng mà nói lời dịu ngọt.

    Đừng nói lời nhức óc mà nói lời êm tai.

    Đừng nói lời bi ai mà nói lời tin tưởng.

    Đừng nói lời hất hủi mà nói lời chở che.

    Đừng nói lời nặng nề mà nói lời xây dựng.

    Hãy nói lời tôn trọng, đừng nói lời rẻ khinh.

    Đừng nói lời chụp mũ mà nói lời giải oan.

    Đừng nói lời gian ngoan mà nói lời đôn hậu.

    Đừng nói lời kết tội mà nói lời Từ Bi.

    Đừng nói lời hồ nghi mà nói lời cẩn trọng.

    Đừng nói lời ghét bỏ mà nói lời ngợi ca.

    Đừng nói lời Quỷ Ma mà nói lời Trí Tuệ.

    Đừng nói lời chia rẽ mà nói lời đòan viên..

    Đừng nói lời xỏ xiên mà nói lời sáng tỏ

    Đừng nói lời đấu tố mà nói lời từ tâm.

    Đừng nói lời du côn mà nói lời huynh đệ.

    Đừng nói lời lừa mị mà nói lời chân chất.

    Đừng nói lời dao búa mà nói lời ôn hòa.

    Đừng nói lời gian tà mà nói lời chân chính.

    Đừng nói lời cay nghiệt mà nói lời thảo thơm.

    Đừng nói lời cuồng điên mà nói lời khiêm tốn.

    Đừng nói lời đau đớn mà nói lời hòa vui.

    Bạn ơi!

    Khi nói lời dịu êm miệng lưỡi ta ngọt ngào, đôi mắt ta cảm thông, lỗ tai ta lắng nghe, trái tim ta rộng mở, trí tuệ ta bao la, thân thể ta nhẹ nhàng. Khi đó ta là hiện thân của Mẹ Hiền Quán Thế Âm Bồ Tát.

    Bạn ơi!

    Lời dịu ngọt là tiếng mẹ ru hời, là tiếng suối chảy, là tiếng thông reo vi vút, là lời chim hót, là tiếng hải triều âm rì rào bất tận, là tiếng trẻ nhỏ nói bí bô, là tiếng hiền từ của ni cô đang ngồi tụng Kinh Cứu Khổ.

    Khi một lời nói nhẹ nhàng được ban ra thì Văn Trần (lỗ tai) thanh tịnh. Văn Trần thanh tịnh thì Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Thiệt, Thân, Ý thanh tịnh. Khi Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý đã thanh tịnh thì Giác Trần (Cái Biết) thanh tịnh. Sáu Trần đã thanh tịnh thì Địa Đại thanh tịnh. Địa Đại thanh tịnh thì Thủy, Hỏa, Phong Đại đều thanh tịnh. Bốn Đại đã thanh tịnh thì 12 Xứ, 18 Giới, 25 Cõi đều thanh tịnh. Vì thanh tịnh cho nên 10 Lực, 4 Món Không Sợ Hãi, 4 Món Trí Không Quản Ngại, 18 Pháp Không Chung của Phật, 37 Phẩm Trợ Đạo đều thanh tịnh, như thế cho đến 84,000 pháp môn Đà-la-ni đều thanh tịnh. Thiện nam tử! Một thân thanh tịnh thì  nhiều thân thanh tịnh. Nhiều thân thanh tịnh như thế thì mười phương chúng sinh thanh tịnh. Thiện nam tử! Một thế giới thanh tịnh thì nhiều thế giới thanh tịnh. Nhiếu thế giới thanh tịnh như thế cho đến suốt cả hư không, tròn khắp ba cõi (Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới) tất cả đều bình đẳng không động. (Kinh Viên Giác)

    Bạn ơi!

    Khi nói lời hung dữ miệng lưỡi ta khô đắng, đôi mắt ta đục ngầu, lỗ tai ta bịt kín, trí tuệ ta lu mờ, thân thể ta nóng nảy và cả thế giới này tưởng chừng như đang bị thiêu đốt trong hỏa ngục.

    Bạn ơi!

    Khi nói lời dịu ngọt ta đang ở Cung Trời.

    Khi nói lời hung dữ ta đang ở Địa Ngục.

    Khi nói lời chân thật, ta là Hiền Thánh.

    Khi nói lời lừa mị, ta là Yêu Tinh.

    Khi nói lời Từ Bi, ta là Phật.

    Khi nói lời gian dối, ta là Quỷ Ma.

    Đào Văn Bình

    (Trích sách Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống và Tâm Linh, Ananda Viet Foundation xuất bản, Amazon phát hành)

     

     -------------------------------------------

     

     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - THÁNH GIÁ CỦA CHÚA- CỦA CON

  •  
    Đỗ Thị Kim Loan
    Tue, Apr 26 at 9:35 AM
     
     

    THÁNH GIÁ CỦA CHÚA
    THÁNH GIÁ CỦA CON
     
    Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,
    đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha
    trong mọi nỗi khổ đau của đời con,
    và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá,
    bao lâu tùy ý Cha định liệu.
    Xin đừng để con trở nên chua chát
    nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ
    với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ
    và lòng khát khao nóng bỏng
    có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.
    Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ
    của những người đã yêu mến Cha,
    đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,
    tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.
    Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con
    nói lên lòng tin của con
    vào những lời hứa của Cha,
    lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,
    và lòng mến mà con dành cho Cha.
    Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,
    và yêu Cha chỉ vì Cha,
    chứ không mong phần thưởng.
    Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,
    là ánh sáng cho đêm tăm tối,
    nhờ đó con không còn coi khổ đau
    như một tai họa hay một điều vô lý,
    nhưng như một dấu chỉ cho thấy
    con đang thuộc về Cha mãi mãi.
     
    Thần học gia Karl Rahner
    Rabbouni số 63
     
    =========================

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - 7 ĐIỂM GIÚP NÊN THÁNH

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     


    TÔI CÓ THỂ NÊN THÁNH Ư?
    BẢY HÀNH ĐỘNG GIÚP BẠN NÊN THÁNH MỖI NGÀY
     
    Rất nhiều người trong Giáo hội nói : “Tôi nên thánh ư ? Không, việc đó dành cho người khác, không phải tôi”.
     
    Như thể họ không tin rằng Chúa có thể đổi mới mọi sự, rằng đối với Ngài không có gì là không thể. Nếu điều này có thể đi vào lòng trí của thánh Augustinô và thánh Phanxicô, thì cũng có thể đi vào tâm hồn bạn.
    Bạn chỉ cần tin khi Ngài nói với bạn rằng bạn có thể nên thánh, rằng bạn đã được chuẩn bị cho một nơi trên thiên đàng. Và câu hỏi đặt ra bây giờ là, làm thế nào tôi có thể nên thánh trong cuộc sống hàng ngày? Tôi phải làm gì? Công thức là gì? Chà, không có một công thức duy nhất, vì sự thánh thiện mang nét cá nhân, nghĩa là sự thánh thiện của bạn không giống với tôi hay của người khác.
    Lời kêu gọi bạn nên thánh là duy nhất và bạn phải khám phá nó. Ở đây tôi xin gợi ý bảy hành động mà bạn có thể thực hiện trong ngày để đến gần với sự thánh thiện. Bảy hành động cụ thể mà nếu bạn áp dụng vào thực tế, có thể giúp bạn nhanh chóng hướng về Chúa. Hãy chú ý.
    1. Kiểm soát và điều khiển các giác quan
    Có các giác quan bên trong và các giác quan bên ngoài. Những cái bên trong là ý thức, trí tưởng tượng, trí nhớ và ước muốn, những cái bên ngoài là thị giác, khứu giác, xúc giác, vị giác và thính giác. Nhờ các giác quan, chúng ta có thể biết thế giới xung quanh và cho chúng ta một hình ảnh tinh thần về nó. Chúng ta nhớ về quá khứ, chúng ta tưởng tượng tới tương lai, chúng ta nhận thức được ý tưởng của mình và chúng ta đánh giá các tình huống.
    Nhưng đôi khi các giác quan của chúng ta dễ đi theo con đường của chúng, như những con ngựa hoang, không được dẫn dắt. Để nên thánh, chúng ta cần phải chịu trách nhiệm về đời sống và các giác quan của mình. Có những âm thanh không giúp ích cho chúng ta, chúng ta hãy tập bỏ qua. Có những hình ảnh không để chúng ta yên, chúng ta hãy tập buông chúng ra. Ăn nhiều dẫn đến háu ăn, chúng ta hãy tập để lại một chút thức ăn…vv.
    Tương tự với giác quan nội tâm: đôi khi chúng ta tưởng tượng nhiều điều về người khác, chúng ta tạo ra những lâu đài trong không khí vốn không có thật và chúng ta có thể mất cảm giác thực tế. Vì vậy, nếu bạn làm chủ các giác quan của mình và kiểm soát chúng, bạn có thể tập trung vào những gì cần thiết, vào những gì quan trọng.
    Hãy để Chúa thấm vào cuộc sống của bạn và hướng dẫn các giác quan của bạn đến với Ngài, đồng thời cố gắng tránh tiếp xúc với những gì làm tổn thương tâm hồn bạn và lấy đi sự bình an trong tâm hồn. "Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới." (Gv 1, ��. "Dù ăn, uống hay làm bất cứ điều gì, anh em hãy làm tất cả vinh danh Thiên Chúa" (1 Cr 10, 31).
    2/ Xét mình liên tục
    Xét mình có nghĩa là nhìn vào bản thân, vào những phản ứng, suy nghĩ, hành vi, ý tưởng, hành động của mình… vv. Biết mình có đi đúng hướng hay không. Nếu những gì tôi làm giúp người khác nên thánh hoặc làm họ chậm lại. Chúng ta phải sống với thái độ xét mình liên tục, biết chúng ta đang đi đâu, chúng ta đang ở đâu, tại sao chúng ta làm những việc này… v.v.
    Đối với điều này, cần dành thời gian, có một vài phút để suy nghĩ về đời mình. Có thể là khi đi bộ, hoặc ngồi ở một nơi yên tĩnh. Nếu bạn xét mình, bạn sẽ hiểu rõ hơn về bản thân và bằng cách này bạn sẽ có thể biết những gì bạn phải cải thiện và / hoặc thay đổi.
    Đây có thể là một bước nhỏ cho con người, nhưng là một bước nhảy vọt cho sự thánh thiện. Người Hy Lạp đã đặt một cụm từ rất khôn ngoan trong đền thờ: "Hãy tự biết mình", vì họ nghĩ rằng khôn ngoan nhất là biết hoàn thành nhiệm vụ này. Nếu biết chính mình, bạn sẽ có thể dự đoán được nhiều điều và bạn sẽ biết cách phản ứng với những khó khăn và vấn đề bằng sức mạnh và lòng can đảm.
    Xin mời bạn đọc Thánh vịnh 139 (138), giúp bạn bước vào tâm tình xét mình:
    “Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con,
    xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.
    Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác
    thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời”. (Tv 139, 1.23-24).
    3. Tìm kiếm và xây dựng hòa bình xung quanh
    Bạn có thể là một tác nhân cho hòa bình ở mọi lúc mọi nơi: trong công việc, trong vòng tròn bạn bè, trong gia đình, luôn là điểm nối gắn kết và hòa bình cho người khác. Giúp giải quyết xung đột qua đối thoại và thanh thản về tinh thần. Điều này rất quan trọng, đó là một trong những điều tuyệt vời: "Phúc cho xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (Mt 5, 9).
    Trở thành người xây dựng hòa bình sẽ mang lại cho bạn sự bình an, tuy nhiên, một sự bình an không như thế gian ban tặng, đó là sự bình an mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho bạn. Có hàng triệu tình huống mà bạn có thể xây dựng hòa bình: xung đột gia đình, tranh chấp tạm thời, tranh luận thắng thua, vấn đề việc làm, khác biệt về quan điểm…v.v.
    Ngay cả trên phương tiện truyền thông xã hội, bạn có thể là một người xây dựng hòa bình tuyệt vời, và có một nhu cầu rất lớn đối với những người như vậy trong môi trường kỹ thuật số. Nếu bạn muốn trở nên thánh thiện, hãy tìm kiếm sự bình an nội tâm, làm mọi lúc mọi nơi, sống đối diện với Chúa, đừng sợ hãi và tin tưởng rằng thành quả của nỗ lực này sẽ là sự bình an đến từ Chúa, một sự bình an lâu dài. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).
    4. Giữ gìn miệng lưỡi
    Hãy suy nghĩ về những gì bạn nói trước khi nói hoặc viết. Đôi khi chúng ta có thể làm tổn thương sâu sắc ai đó bằng cách chỉ cần gõ một vài nút trên bàn phím, bạn có thể tránh điều đó bằng cách suy nghĩ cẩn thận về những gì bạn sẽ viết. Vấn đề này mở rộng trong các mạng xã hội, nơi tính nhạy cảm là rất lớn và đôi khi người ta không có không gian để đối thoại trung thực.
    Do đó, hãy chú ý để tất cả những gì bạn nói phù hợp với người khác, nó sẽ giúp ích cho người thân cận. Nếu bạn định nói những điều vô nghĩa, tốt hơn là giữ im lặng. Nếu bạn định dùng miệng để nguyền rủa, tốt hơn nên im lặng và không khơi lên một làn sóng lăng mạ. Tôi đảm bảo với bạn khi quan tâm đến lời nói của mình, chúng ta có thể lớn lên trên đường đức hạnh và thánh thiện.
    Thật tốt khi trên hết bạn học cách kiểm soát miệng lưỡi mình, phúc hay họa cũng từ miệng mà ra. Nhờ đó, chúng ta chúc lành và động viên. Bạn chọn con đường nào, nên thánh không hề dễ nhưng không phải là không thể.
    “Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được.8 Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người.9 Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa”(Gc 3, 7-9)
    5. Truyền cảm hứng cho người khác
    Đây là nguồn sức mạnh tinh thần. Khi chúng ta khuyến khích người khác, chúng ta khuyến khích chính mình. Và nó giúp chúng ta thấy được sức nặng thực sự của những khó khăn trong cuộc sống. Đôi khi chúng ta nói: "Cố lên, mọi sự sẽ ổn thôi", "Đừng lo lắng, hãy phó dâng trong tay Chúa", nhưng bạn có thực sự tin vào điều đó không? Bạn có thực sự tin rằng mọi thứ sẽ qua đi và Chúa sẽ quan tâm đến khó khăn của bạn?
    Có lẽ việc động viên người khác sẽ giúp bạn xây dựng đức tin của mình và tin vào những lời hứa của Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết cho các Kitô hữu ở Thêxalônica: "Thưa anh em, chúng tôi khuyên nhủ anh em: hãy khuyên bảo người vô kỷ luật, khích lệ kẻ nhút nhát, nâng đỡ người yếu đuối, và kiên nhẫn với mọi người." (1 Tx 5,14).
    Anh em giúp đỡ lẫn nhau, chừng nào chúng ta còn là con cái Chúa. Tôi đảm bảo với bạn rằng nếu bạn động viên an ủi người khác, nâng đỡ kẻ yếu bằng sức mạnh của Chúa Giêsu và bạn luôn có những lời khích lệ cho những người đau khổ, bạn sẽ tiến thẳng vào sự thánh thiện của cuộc sống. Hãy thử và bạn sẽ thấy, bạn có thể nên thánh qua những chi tiết nhỏ như thế.
    "Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình.2 Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng.3 Thật vậy, Đức Ki-tô đã không chiều theo sở thích của mình” (Rô-ma 15: 1-3)
    6. Sống trong niềm vui
    Đó là niềm vui của Đấng Phục sinh. Thế giới có thể sụp đổ xung quanh chúng ta, nhưng niềm vui đến từ Chúa thì luôn còn mãi. Đó là một niềm vui sâu sắc, nó không phải là kết quả của khoảnh khắc mà là của chính sự sống. Niềm vui này sẽ khuyến khích chúng ta chinh phục những đỉnh cao của đời sống tâm linh, để leo lên những đỉnh núi của sự thánh thiện.
    Niềm vui của Chúa Giêsu thì “truyền nhiễm”, nó lan tỏa nhanh hơn bất kỳ loại virus nào. Và nhất là, nó vô tư miễn phí, Chúa ban cho bạn, bạn không phải mua và không thể mua được. Làm sao có được niềm vui này ? Hãy sống trong sự thật, trong sự chân thành của con cái Chúa, biết được những ưu – khuyết điểm của mình.
    Hãy đối diện với Chúa như người bạn và thú tội với Ngài, rằng với tình yêu thương xót, Ngài sẽ tha thứ và cho bạn niềm vui trong tâm hồn. Đừng sợ niềm vui của Chúa. Thánh Thomas More nói: “Không có gì có thể xảy ra với tôi mà Chúa không muốn. Và tất cả mọi sự mà Ngài muốn, cho dù nó có vẻ tồi tệ như thế nào đối với chúng ta, thực sự là điều tốt nhất”.
    Đây là niềm vui đích thực, khi biết rằng tôi được Chúa yêu thương và hướng dẫn. Để trở thành một vị thánh bạn cũng phải làm việc vì hạnh phúc của mình. "Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!... Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su." (Phl 4, 4.7).
    7. Hãy nhớ đến Chúa Giêsu Kitô
    Hãy có Chúa Giêsu trong suy nghĩ, lời nói và việc làm của bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn, nâng đỡ, bổ sức và là nguồn động viên của bạn. Nếu bạn đặt Ngài vào giữa các hoạt động của bạn, bạn có thể bình tĩnh, bởi vì Ngài ở bên bạn. Nếu để Ngài rời khỏi cuộc sống của bạn, sẽ rất khó để bạn tìm thấy sự bình yên bên trong mà bạn mong muốn.
    Vì vậy bạn nên thay đổi một số thói quen. Bạn có thể tìm kiếm nhạc Công giáo trên Spotify và nghe thường xuyên, theo dõi những người có ảnh hưởng Công giáo, có thể xem các kênh truyền hình Công giáo hoặc các chương trình trực tuyến hoặc phim về các vị thánh, danh sách này có thể giúp bạn. Và từng chút một, bạn sẽ nên giống với những gì thuộc về Chúa.
    Dần dần bạn sẽ đi vào cầu nguyện, chiều sâu gặp gỡ Chúa, bạn sẽ gia tăng kết hiệp với Ngài. Nhưng điều cần thiết là cuộc đời bạn phải được "Kitô hóa”. Tôi khuyên điều này cho tất cả những ai muốn đến gần Chúa hơn, nếu bạn sửa đổi thói quen theo môi trường và bạn làm cho nó trở nên Kitô hơn, bạn sẽ dễ dàng thích những gì thuộc về Chúa hơn.
    Hãy can đảm, nên thánh là có thể, bạn có thể thực hiện một số điều chỉnh trong ngày và biến đổi nó cho Chúa. "Anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sống lại từ cõi chết… Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín,
    Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.” (2 Tm 2, 8.11-13).
    Hãy quyết tâm, hôm nay bạn có thể bắt đầu nên thánh!
    Tôi hy vọng rằng bảy hành động mà bạn có thể thực hiện hàng ngày đây sẽ giúp bạn ngày càng trở nên thánh thiện. Tôi chắc chắn rằng nếu bạn Kitô hóa cuộc đời mình, bạn sẽ đi đúng hướng. Có nhiều điều cần thay đổi, hãy trình bày với Chúa và Ngài sẽ giúp bạn. Điều quan trọng là bạn quyết định nên thánh, rằng điều này cũng dành cho bạn.
    Chúa muốn bạn nên thánh trong cuộc sống, trong công việc, trong gia đình, trong mối quan hệ xã hội của bạn, ở đó Chúa muốn bạn đặt Ngài vào trung tâm và để Ngài biến đổi tất cả. Hãy can đảm lên, bạn có nhiều anh chị em cầu nguyện giúp để bạn có thể tìm thấy Ngài. Xin Chúa chúc lành cho bạn và đồng hành với bạn!
    Lm. H. Edgar Henríquez Carrasco
    Minh Duyên dịch từ Catholic-link.com
     
     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LỮ KHÁCH BÌNH AN

  •  
    Hoc Pham CHUYỂN

                       LỮ KHÁCH BÌNH AN

               Bình an là một ân huệ cao quý mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại. Vì, bình an vừa là trạng thái hạnh phúc sống động lại vừa mang dấu ấn của Chúa Thánh Linh. Thật vậy, khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài chỉ ban cho các tông đồ một “món quà” duy nhất là  “Bình an cho anh em”. (Ga 20,19.20.26)

     

    Như thế, bình an là cái mà nhân loại luôn luôn khao khát và mong ước đạt đến, thế nhưng nhân loại sẽ không bao giờ đạt được nếu không có Đấng Phục sinh ban bình an. Thánh Luca đã thuật lại : khi Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau với dáng vẻ một lữ khách, nhưng rất bình an, bình an đến độ bình thường nên hai môn đệ không nhận ra Ngài. Khi Chúa lên tiếng hỏi họ : « Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ? » (Lc 24,17). Chưa được câu trả lời thì Chúa đã bị trách là người đứng ngoài cuộc : « Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay » (Lc24,18). Vì là khách nên bàng quang, nên không hay biết chuyện gì, chuyện cả thế gian đều biết riêng chỉ có mình ông là không biết… và vì là khách nên hai môn đệ mới mời Đức Giêsu ở lại: « Mời ông ở lại…» (Lc24, 28).

     

    Cũng vậy, Thánh Gioan tường thuật, khi bà Maria Macdala đến mồ Chúa, không thấy Chúa, bà khóc lóc; nhưng khi Chúa đứng trước mặt thì bà lại tưởng là người làm vườn (Ga 20,15). Với Maria, Đức Giêsu chẳng những bình thường mà còn rất tầm thường nữa, bình thường như một người làm vườn và tầm thường như một người lấy cắp xác người chết : « Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về. » (Ga20, 15).

     

    Đức Giêsu, không vì là Đấng ban bình an nên Ngài phải bình an. Nhưng vì Ngài đã yêu đến cùng, yêu đến không còn giữ lại cho riêng mình một khoảng cách, một sự khác biệt nào đó để người khác có thể nhận diện. Ngài trở nên bình thường như một lữ khách, như người làm vườn và tầm thường như một người lấy cắp xác. Tuy nhiên, dung mạo của Đức Giêsu dù là bình thường đến tầm thường đi nữa, nhưng chỉ những ai nhìn ở góc độ tình yêu thì mới có thể nhận ra Ngài. Thật thế, hai môn đệ trên đường Emmau không nhận ra Chúa qua giọng nói, hình dáng, quần áo… mà nhận ra Chúa cầm bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ (Lc24, 30-31). Còn Maria chỉ nghe Chúa gọi “Maria” là đã nhận ra Thầy. Trong tình yêu có những bí mật thật dễ thương là thế. 

     

    Nếu Đức Giêsu được xem là một lữ khách bình an, thì hai môn đệ của Ngài là những lữ khách không bình an. Hai môn đệ trên đường trở về quê hương với sự thất vọng đến chán chường, thất vọng vì cho rằng  những quyết định của mình là sai lầm, có lẽ các ông tiếc nuối vì đã bỏ công lao, sức khỏe, thời gian đã qua để đi theo một con người và hy vọng người ấy sẽ khôi phục Israel, hy vọng mình sẽ có một chỗ đứng trong vương quốc ấy. Maria cũng thế, chắc hẳn tuyệt vọng lắm, vì chỉ còn cái xác của Thầy thôi mà cũng bị lấy cắp. So với các tông đồ; Maria đơn giản hơn nhiều, bà không hy vọng Thầy khôi phục Israel hay trông đợi Thầy làm việc gì lớn lao vĩ đại, cũng không tranh giành chỗ ngồi bên hữu và bên tả Thầy như hai anh em con ông Giêbêđê. Đối với Maria; đơn giản chỉ là tình yêu. Tuy nhiên với bà, tình yêu đối với Chúa Giêsu có phần trở nên ích kỷ, có phần như sở hữu Chúa cho riêng mình, đành rằng bà rất yêu Chúa. Vì thế, Chúa trong tâm trí bà là do bà vẽ nên - một hình ảnh có phần chủ quan mà bà đã yêu thương. Hơn thế, bà muốn giữ mãi tình yêu đó, muốn Chúa ở mãi trong cuộc đời bà theo cách thức của bà, theo một khuôn mẫu bà vạch sẵn… Nhưng Chúa Giêsu là con người cho mọi người và tình yêu của Ngài được dành cho tất cả nhân loại chứ không của riêng ai. Vì Chúa Giêsu không như bà nghĩ, cho nên, dung mạo Chúa Phục sinh đứng trước bà vừa thân thương nhưng lại vừa xa lạ là thế.

     

    Thế thì, các tông đồ, mỗi người suy nghĩ và muốn Chúa thực hiện chương trình cứu độ của Cha theo cách riêng của mình, nên khi không được như ý thì các ông lại không bình an. 

     

    Người lữ khách trong bài hát “LỮ KHÁCH BÌNH AN” của tôi là một lữ khách mang dấu ấn của người con được Thiên Chúa yêu thương. Người lữ khách này không đi trên đường về Emmau như hai môn đệ, cũng không trên đường ra mộ Chúa như Maria… mà đang lữ hành trong thân phận làm người, làm con Thiên Chúa của mình, người lữ khách ấy đang lữ hành trên con đường trần gian và đang tiến về miền đất yêu thương vĩnh cửu. 

     

    Khi viết bài hát này, hơn bao giờ hết tôi đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa và cảm nghiệm rất sâu sắc thân phận làm người của mình, một người con đã ngụp lặn trong thân phận bất toàn và đã cảm nghiệm hơn bao giờ hết nỗi bất lực ấy. Với những ước muốn rất là con người, rất ư tầm thường mà tôi đã viết lên ca khúc; không chỉ cho chính mình, mà cho cả anh chị em đang sống xung quanh, những người cùng đang chia sẻ thân phận làm người và làm con Thiên Chúa với mình và khao khát “BÌNH AN”.

     

    Cũng như hai môn đệ, Maria và các tông đồ… Người lữ khách ấy là tôi, là anh, là nhân loại đang khắc khoải trong cảm giác không bình an của mình. Không bình an vì nhiều nguyên do; với hai môn đệ và các tông đồ, rào cản cho sự bình an là nỗi thất vọng cho một dự tính nhằm vào vương quốc Israel, nhắm vào quyền hành, vào vị thế… rào cản của Maria là một tình yêu không ban phát. Còn tôi, anh và nhân loại… chắc hẳn mỗi người có một vị thế khác nhau trong xã hội, trong Giáo hội nên chắc chắn mỗi người có những rào cản khác nhau khiến chúng ta không bình an.

     

    Ca khúc thể hiện những cụm từ : tiền tài, danh vọng, kiêu căng, ganh tị và đau khổ… xem ra rất quen thuộc và rất tầm thường ấy nhưng lại là rào cản khó vượt cho những ai khao khát sống bình an. Đặt tâm trạng vào bài hát, sẽ cảm nghiệm những tranh giành ảnh hưởng lên nhau đều bắt nguồn từ mưu lợi; là sức mạnh, là tiếng nói có thế giá của con người, của chế độ. Nó có sức chi phối, thậm chí đè bẹp lên vị thế và nhân phẩm của người khác, khiến Thiên Chúa không còn là nguồn bình an, mà trớ trêu thay, trở thành rào cản cho những toan tính của chúng ta.

     

    Những toan tính ấy chắc chắn sẽ chi phối, sẽ biến thái tình cảm : “ganh ghét, giận hờn, so đo…”, là những ngôn từ thể hiện bản chất rất là con người của lữ khách. Nhưng lữ khách của tôi ý thức được những điều ấy không đẹp lòng Chúa, cũng chẳng hợp lòng nhau. Có thể thành công của người này lại là thất bại của người khác, hạnh phúc của mình có khi là đau khổ của những anh chị em khác. Vì thế, lữ khách của tôi tìm về nguồn xuất phát của sự bình an là Thiên Chúa. Phó thác như Chúa Giêsu đã phó thác vào tay Cha, yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương, và tha thứ như Chúa Giêsu đã tha thứ… tôi nhận thức rằng, tự bản chất “BÌNH AN” của Thiên Chúa và toan tính của thế nhân sẽ loại trừ nhau. “Bình an” phủ định danh vọng, tiền tài, ganh ghét, giận hờn, kiêu căng hay đau khổ; chúng sẽ không tồn tại bên nhau. Tuy nhiên, vì là con người nên “cỏ lùng và lúa” vẫn phải sống chung trong một ruộng của chủ cho đến ngày tận thế. 

     

    Còn tôi, là một dân đen, tôi không có tham vọng khôi phục “vương quốc” hay đạt được một vị trí nào đó trong xã hội hay trong Giáo hội… Vì thế, rào cản làm cho tôi không bình an chắc hẳn không phải là tiền tài, vì tôi không có nhiều tiền đến nỗi phải chi phối cuộc sống của người khác, cũng không phải là danh vọng, thế giá, vì tôi có “danh” đâu mà “vọng”, cũng chẳng có vị thế để đứng trên “giá”. Có thể, với tôi là một kiến thức giới hạn, vì có kiến thức là có suy tính, đúng sai, khoa học… và rồi trong tình yêu tôi cũng sẽ phán đoán đúng sai, cách khoa học như thế với Thiên Chúa, với anh chị em quanh tôi. Trong khi thước đo tình yêu là con tim mà con tim thì không cần kiểm chứng bằng khoa học, cũng như thể việc bác ái không cần phán đoán đúng hay sai… Điều mà xem ra rất nghịch lý nhưng lại rất hợp lý đối với tình bác ái, với tình yêu thương…

     

    Điều chắc chắn là Chúa không bảo tôi – trong xã hội này, hôm nay – yêu đồng loại mà không cần có kiến thức. Nếu như bình an và tính toán loại trừ nhau, thì kiến thức và con tim tồn tại song song bên nhau. Con tim cần có lý trí để thể hiện tình yêu cách phải lẽ. Tình yêu và lý trí bổ sung cho nhau, dung hoà lẫn nhau để tạo lòng bác ái, và để từ đó những lời nói xoa dịu những vết thương lòng, để từ đó phát sinh nghĩa cử, vì như Thánh Giacôbê đã nói : “Đức tin không hành động là đức tin chết”. 

     

    Xã hội hôm nay có thể nói là một xã hội điện toán, cho nên con người hôm nay là những con người có tính toán; tính như thế nào để có thể tiện lợi, đạt hiệu quả cao nhưng phải rất “nhanh như điện”. Tôi cũng vậy, dù muốn dù không cũng phải sống trong dòng chảy ấy. Và vì thế, trong cuộc sống thay vì tôi phải nằm trong chương trình của Thiên Chúa, phải là công cụ để Chúa điều khiển cho công trình cứu độ của Ngài, phải là người để được Thiên Chúa yêu thương, thì tôi lại đặt Thiên Chúa vào trong chương trình của tôi, vào sự sắp xếp của tôi, tôi chỉ dành riêng cho Chúa một góc trong tâm hồn và một khoảng thời gian giới hạn để gặp gỡ. Nhưng khoảng thời gian gặp gỡ ấy mấy khi được trọn vẹn và ở bên Ngài như ở bên một người xa lạ. 

     

    Bài hát “LỮ KHÁCH BÌNH AN” thấm đẫm tâm hồn tôi, vì những tính toán xem ra rất nhỏ nhoi ấy lại là rào cản rất lớn cho bước chân tôi đến với Chúa, đến với với tha nhân. Lời của ai đó làm tôi nhớ mãi : « Đừng thấy nhỏ nhoi mà tưởng trong nó thứ gì cũng nhỏ ». Thật vậy, tội nhỏ mà tôi thường gọi là tội nhẹ, cũng như những tật xấu cỏn con mà tôi xem thường, thật ra, có sức công phá mãnh liệt, và nếu không lưu tâm sẽ có thể làm tôi quỵ ngã bất cứ lúc nào. 

     

    Lời bài hát như vừa là một lời thầm nguyện cầu, như vừa khắc khoải sâu lắng từ trong cõi thâm sâu của tâm hồn, như vừa là một bài học nhắc nhở tôi luôn ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa là suối nguồn bình an. Nơi ấy, tôi học được bài học phó thác, yêu thương; tôi hiểu được Thiên Chúa sẽ hoàn tất công trình cứu độ của Ngài trên sự yếu đuối, bất toàn của tôi và của anh chị em sống bên tôi.

     

    Xin mời Bạn cùng với tôi, chúng ta hãy bắt đầu nhón gót để làm người “LỮ KHÁCH” bước đi trong “BÌNH AN” cuộc đời.  

     

    Xin mở link youtube dưới đây để nghe bài hát LỮ KHÁCH BÌNH AN qua giọng hát của nam danh ca Phan Đinh Tùng, và diễn ảnh do Trúc Tiên thực hiện : https://youtu.be/8JMb6HTO1lA

     

     

     Văn Duy Tùng