8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH

  •  
    Chi Tran

     

    NHỮNG HÌNH THỨC

    "CÓ TÂM LINH MÀ KHÔNG CÓ ĐẠO" KHÁC NHAU

     

    Chúng ta đều biết câu, ‘chúng tôi có đời sống tâm linh nhưng không có đạo’ (dùng cho những người cởi mở với chuyện có Chúa nhưng không cởi mở với chuyện liên quan đến Giáo hội). 

     

    Không gì giống với ngôn ngữ của Thiên Chúa bằng im lặng, nhà thần học Đức Meister Eckhart đã nói như thế.

     

    Một trong những hàm ý của ngài là một hoạt động nội tâm sâu sắc nào đó chỉ có thể thực hiện trong thinh lặng, một mình, riêng tư.

     

    Dĩ nhiên ngài đúng, nhưng chuyện này còn có một khía cạnh khác. Dù có một số hoạt động nội tâm sâu sắc chỉ có thể được thực hiện trong thinh lặng, nhưng cũng có một số hoạt động tâm linh, trọng yếu và sâu sắc chỉ có thể được thực hiện khi cùng làm với người khác, khi ở trong một mối quan hệ, gia đình, giáo hội và xã hội. Sự thinh lặng có thể là con đường đặc biệt để đi đến chiều sâu của linh hồn. Nhưng nó cũng có thể là một con đường nguy hiểm. Ted Kaczynski, hay còn gọi là kẻ khủng bố Unabomber, đã sống trong thinh lặng, cô độc, và nhiều người bị rối loạn tâm thần sâu sắc khác cũng thế. Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần cho chúng ta biết, để giữ mình tỉnh táo thì phải có tương tác với người khác. Sự tương tác xã hội giúp chúng ta đứng vững, cân bằng và tỉnh táo. Tôi nhìn vào một vài người trẻ thời nay đang tương tác với người khác (trực tiếp hoặc qua mạng xã hội), liên tu bất tận khi họ không ngủ, và dù không lo lắng về sự tỉnh táo thì cũng đáng lo cho chiều sâu của họ.

     

    Chúng ta cần nhau. Triết gia Pháp Jean-Paul Sartre từng nói câu lừng danh “tha nhân là địa ngục”. Ông không thể sai hơn. Xét cho cùng, tha nhân là thiên đàng, là cứu rỗi mà chúng ta được định cho. Tuyệt đối cô độc mới là địa ngục. Hơn nữa, sự cô độc hiểm ác này có thể lẻn vào chúng ta dưới lớp vỏ tôn giáo và vị tha tốt đẹp nhất.

     

    Tôi xin đưa ra một ví dụ. Tôi lớn lên trong một gia đình gắn bó với cộng đồng nông thôn nhỏ, nơi gia đình, hàng xóm, giáo xứ giao tiếp với người khác là tất cả, nơi mà mọi thứ đều được chia sẻ và hiếm khi chúng tôi ở một mình. Tôi đã sợ ở một mình, tránh né và thậm chí tôi chỉ thoải mái khi ở bên người khác.

     

    Tốt nghiệp trung học, tôi vào Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ, và trong tám năm ở đó, tôi sống trong một cộng đồng lớn và cũng là nơi mọi thứ đều được chia sẻ và hiếm khi chúng tôi ở một mình. Khi sắp khấn trọng và khấn vĩnh viễn với đời sống tu trì và chức linh mục, điều tôi sợ nhất là lời sống độc thân khiết tịnh và sự cô đơn đi kèm. Không vợ, không con, không gia đình và sự cô lập của đời sống độc thân.

     

    Hóa ra mọi chuyện lại không phải thế. Dĩ nhiên đời sống độc thân có những cái giá của nó, và nó cũng không phải là cuộc sống bình thường mà Thiên Chúa dự định cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, sự cô đơn mà tôi đã e sợ (dù chỉ trong những khoảnh khắc ngắn ngủi) lại hiếm khi xảy ra, thực tế ngược lại thì đúng hơn. Tôi thấy cuộc đời của tôi đầy ắp các mối quan hệ, tương tác, bận rộn, áp lực thường nhật và những cam kết lấp đầy mọi giờ trong ngày. Thay vì cảm giác cô đơn, tôi thấy mình lại thường khao khát được cô tịch, được tĩnh lặng, được ở một mình, và tôi dần cảm thấy khá thoải mái với chuyện ở một mình. Thật sự là quá thoải mái với nó.

     

    Trong hầu hết những năm đời linh mục, tôi sống trong cộng đồng dòng tu lớn, và cộng đồng cũng như bất kỳ một gia đình nào, luôn có những đòi hỏi. Tuy nhiên, khi tôi làm Viện trưởng Trường Thần học, tôi được phân ở ngôi nhà dành riêng cho Viện trưởng và trong một thời gian, tôi ở một mình. Mới đầu, tôi hơi hoang mang vì chưa hề ở một mình, nhưng sau một thời gian, tôi quen dần. Tôi lại thích thế. Tôi không có trách nhiệm phải ở nhà vì ai cả ngoài chính tôi.

     

    Nhưng tôi sớm nhận ra những nguy cơ của chuyện này. Sau một năm, tôi bỏ đặc quyền này. Một trong những nguy cơ của sống một mình và một trong những nguy cơ của đời sống độc thân, kể cả khi chúng ta trung thành sống với nó, là chúng ta không có người khác để nhắc nhở và đòi hỏi chúng ta. Chúng ta phải tự nhắc bản thân và có thể tránh cái mà Dorothy Day gọi là “sự khổ hạnh của sống trong một gia đình”. Khi sống một mình, chúng ta dễ dàng lên kế hoạch và sống theo ý mình, tự do kén chọn giao thiệp, chọn người nào trong gia đình, cộng đồng nào chúng ta thích, tránh những người gây khó khăn cho mình.

     

    Có những chuyện ban đầu là nhân đức rồi dễ dàng biến thành thói xấu. Như bận rộn chẳng hạn. Chúng ta hy sinh thì giờ ở bên gia đình để đi làm kiếm tiền nuôi sống gia đình, nhưng rồi nó làm chúng ta xa sinh hoạt gia đình. Mới đầu, đây là hy sinh, nhưng cuối cùng nó lại thành lối thoát, một miễn trừ cố hữu để chúng ta khỏi phải đương đầu với những chuyện nào đó trong đời sống gia đình. Đời sống độc thân theo lời khấn và đời linh mục cũng có cùng nguy cơ đó.

     

    Chúng ta đều biết câu, ‘chúng tôi có đời sống tâm linh nhưng không có đạo’ (dùng cho những người cởi mở với chuyện có Chúa nhưng không cởi mở với chuyện liên quan đến Giáo hội). Tuy nhiên, với hình thức này, chúng ta chật vật hơn là chúng ta nghĩ. Ít nhất là với tôi. Là một linh mục đã khấn sống đời độc thân, tôi cũng có thể sống kiểu như vậy với những lý do cao đẹp nhất, tôi có thể tránh được những khổ hạnh thường nhật vốn có nơi những người sống trong gia đình.

     

    Tuy nhiên, đây là nguy cơ cho tất cả chúng ta, dù là độc thân hay lập gia đình. Khi chúng ta, dù với những lý do tốt đẹp, có thể kén chọn phần nào trong gia đình và cộng đồng mà chúng ta thích để giao thiệp và phần nào gây khó khăn cho chúng ta để tránh né, thì đó chính là kiểu có đời sống tâm linh mà không có đạo.

     

    Ronald Rolheiser,

    J.B. Thái Hòa dịch

     
     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LỢI ÍCH ĐỌC KINH MÂN CÔI

  •  
    phung phung
     

    LỢI ÍCH KHI BẠN ĐỌC KINH MÂN CÔI HẰNG NGÀY

     

    Nếu bạn cảm thấy khó khi đọc kinh Mân Côi, hay không dễ dàng duy trì việc ấy hằng ngày, bảy điều bất ngờ dưới đây ắt hẳn sẽ là những động lực tích cực.

     

    1. Bạn trở nên bớt ích kỷ hơn

    Rõ ràng là khi yêu ai đó hay một điều gì đó với trọn cả con tim, bạn cảm thấy rất say mê và biết phải tương tác thế nào với ‘kẻ ấy.’  Thế nhưng, đôi khi khỏa lấp trọn vẹn những đòi hỏi của tình yêu ấy quả là điều không hề dễ dàng.  Đó là điều mà tôi cảm nhận được về việc đọc kinh Mân Côi.  Tôi yêu kinh Mân Côi và nhận chân kinh Mân Côi như một món quà vốn được trao tặng nhưng không.  Tôi thực sự tin tưởng vào sức mạnh của kinh Mân Côi.  Nhưng dành thời gian cho việc cầu nguyện với kinh Mân Côi ư?  Điều đó đòi hỏi tôi phải hy sinh và cho đi một khoảng thời gian, hay năng lượng vốn lẽ ra là dành để đầu tư cho chính mình.  Bởi vậy, cầu nguyện với kinh Mân Côi giúp chúng ta tái quy hướng về Chúa Kitô, Đấng giải thoát chúng ta thoát khỏi tình trạng tội lỗi và lòng yêu mình, và là người thầy kiên nhẫn dạy chúng ta biết cách kiềm chế những đòi hỏi ích kỷ của bản thân.

     

    1. Bạn trở nên có kỷ luật hơn

    Càng cầu nguyện với kinh Mân Côi, bạn càng muốn cầu nguyện nhiều hơn nữa.  Ơn ban này có được hệ tại ở những lần bạn vật lộn để cho tâm trí mình hoàn toàn thinh lặng và tập trung; tuy cảm thấy mệt mỏi nhưng bạn vẫn cố gắng duy trì việc cầu nguyện, hoặc tắt điện thoại để lần hạt trước khi đi ngủ.  Những hành vi kỷ luật như thế ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống của bạn.  Kỷ luật cũng giống như tập thể dục, bạn không thể nào trở thành vận động viên marathon trong lần chạy đầu tiên.  Nhưng bạn có thể xây dựng nó từng chút một theo thời gian.  Kinh Mân Côi giúp bạn thực hiện những bước đi bé nhỏ đó để hướng đến việc chọn Chúa là ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời của bạn.  Ngay cả những ngày khi tình cảm hay tinh thần của bạn đang xuống dốc, việc đọc Kinh Mân Côi sẽ giúp vực dậy tâm hồn đang sầu não ấy, và nó cũng là một cách tuyệt vời để giữ lòng trung thành, làm tròn bổn phận với Chúa và với Đức Mẹ, và tuân theo một “quy tắc nhỏ” trong ngày của bạn.

     

    1. Đức Mẹ sẽ vén mở những điều sâu nhiệm

    Chắc rằng lúc còn nhỏ người ta thường nói sơ sài về kinh Mân Côi, hay đôi lúc người trên ép buộc bạn phải cầu nguyện theo cách mà họ cảm thấy đó hẳn là cách thức thánh thiện nhất.  Bạn cảm thấy chán nản, và chẳng thể hiểu nổi làm thế nào mà việc cầu nguyện bằng ‘chuỗi hạt’ ấy có thể mang lại điều gì tốt đẹp hoặc siêu việt, ngay cả khi bạn tin vào kết quả hiệu nghiệm đầy uy lực của nó.  Nhưng thực ra, khi cầu nguyện với kinh Mân Côi thường xuyên và chân thành, những chiều sâu tiềm ẩn vốn có ấy sẽ được vén mở.  Có lẽ, đó là một cái nhìn sâu sắc về một lĩnh vực trong cuộc sống mà bạn đang gặp khó khăn.  Đôi khi bạn cảm thấy mình đang hiện diện với Chúa Giêsu trong một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời của Ngài.  Đó cũng có thể là kinh nghiệm diễn ra thâm sâu trong lời cầu nguyện mà bạn cảm thấy mình thực sự ở đó trong khoảnh khắc của chính Mầu nhiệm.  Ắt hẳn luôn có điều gì đó mới mẻ cần được khám phá và luôn có điều gì đó tốt đẹp cần được tiết lộ.

     

    1. Bạn có nhiều can đảm hơn

    Khi bạn bắt đầu đặt trọn niềm tin tưởng, cuộc sống, thậm chí là cả con tim của mình vào tay Đức Mẹ qua chuỗi kinh Mân Côi, bạn sẽ bắt đầu hiểu Đức Mẹ là người thực tế, đơn giản và tuyệt vời như thế nào.  Mẹ chỉ muốn dẫn chúng ta đến với Chúa Giê-su, Mẹ yêu chúng ta rất nhiều với sự dịu dàng thực sự của một người mẹ tuyệt hảo, đến nỗi Mẹ được vinh dự lớn lao khi chúng ta trao phó những vấn đề của chúng ta cho Mẹ.  Những tâm hồn biết chạy đến với Mẹ để kêu xin Mẹ cứu giúp và tin tưởng rằng Mẹ sẽ nhận lời thì trong lòng họ sẽ cháy bùng ngọn lửa của lòng can đảm.  Bạn sẽ có biết bao can đảm khi biết rằng Mẹ đang ở ngay bên!  Thánh Maximilian Kolbe nói: “Tôi nhìn thấy Mẹ Maria ở khắp mọi nơi và tôi không thấy vấn đề khó khăn nào cả.

     

    1. Một ngày sống của bạn sẽ bình an hơn

    Có người nói rằng: “Kinh Mân Côi làm cho cả ngày của tôi bình an hơn, giống như Đức Maria luôn sẵn sàng trợ giúp tôi khi phải đối diện với những điều tồi tệ.  Mọi sự sẽ trở nên dễ dàng hơn.  Tôi ý thức hơn về sự hiện diện của Chúa.  Cầu nguyện với kinh Mân Côi không làm đau khổ biến mất, nhưng nó cung cấp cho bạn một vũ khí mạnh mẽ hơn để chiến đấu.

     

    1. Bạn có thêm nhận thức trước khoảnh khắc bị cám dỗ

    Một trong 20 mầu nhiệm của kinh Mân Côi là: “tiêu diệt sự ác, giảm thiểu tội lỗi và đánh bại gian tà.”  Theo kinh nghiệm của tôi, khi thường xuyên lần chuỗi mân côi, tôi nhận ra khoảnh khắc trước khi phạm tội chậm lại.  Điều này muốn nói rằng, nếu tôi muốn trì hoãn hoặc buôn chuyện chẳng hạn, tôi không chủ động làm điều đó.  Tôi nhận ra rằng những hành động đó bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện trong đầu.  Tôi nhận thức rõ hơn về sự cám dỗ trước khi hành động, và có nhiều thời gian hơn để tôi cân nhắc xem liệu tôi có muốn thực sự làm điều đó hay không.  Và khi lần hạt Mân Côi, tôi bắt đầu nhìn cuộc đời mình qua lăng kính được hiệp thông với Chúa, và tôi bắt đầu thấy những gì Ngài muốn cho tôi là tốt và tôi cũng muốn điều đó.

     

    1. Bạn bắt đầu đi vào mầu nhiệm Nhập Thể

    Sức mạnh của chuỗi hạt nằm ở sự đơn giản.  Nó đơn giản đến mức có vẻ ngớ ngẩn đối với những con người thông thái.  Vì vậy, chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta cần phải tìm ra các giải pháp phức tạp, thông minh, kiểu khoa học đột phá để giải quyết các vấn đề phức tạp, thông minh, tầm cỡ khoa học cao siêu của chúng ta.  Chúng ta hãy nhìn sâu vào tới cùng tận của các vấn đề và tự hỏi làm thế nào chúng ta có thể tìm ra giải pháp cho vết thương lớn như vậy.  Chúng ta không cần những điều ấy.  Thiên Chúa đến thế gian như một trẻ thơ bé nhỏ, yếu ớt và bơ vơ được sinh ra trong cảnh nghèo khó.  Kinh Mân Côi, đơn giản đến mức có thể được cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, là vũ khí cầu nguyện mạnh mẽ nhất mà chúng ta có.

     

    Không có vấn đề gì, dù khó khăn đến đâu, dù là trần thế hay trên hết là thiêng liêng, trong đời sống cá nhân của mỗi người chúng ta, của gia đình chúng ta… mà Kinh Mân Côi không thể giải quyết được.”  Nữ tu Lucia Fatima.

     

    Đó là bảy ơn ban cho chúng ta đến từ việc thường xuyên đọc kinh Mân Côi, nhưng còn vô số ơn nữa! Ơn thứ tám của bạn là gì?  Hãy chia sẻ với chúng tôi trong phần bình luận bên dưới nhé!

     

    Nguyên tác: 7 Surprising Things That Happen When You Pray the Rosary More Often

    Tác giả: Ruth Baker

     Hv. Quốc Dũng s.j., dịch

    Nguồn: https://dongten.net

     

    --

ĐỜI SỐNG TÂM LINH -

  •  
    Chi Tran



    CON TIM RUNG ĐỘNG

     

    Một con tim biết rung động sẽ là điều kiện đầu tiên và thiết yếu cho việc xây dựng tương quan với Thiên Chúa. Có rất nhiều lý do khiến con tim ta loạn nhịp đập. 

     

    Mọi cuộc tình đều bắt đầu từ những rung động tinh tế nhất của con tim. Tác nhân có thể là ánh mắt, nụ cười, hành vi cử chỉ hay một lời nói trầm ấm. Như mồi lửa bắt đầu được nhen nhúm, sự rung động nhẹ nhàng ấy tiếp tục được ấp ủ, nuôi dưỡng và gìn giữ cách trân trọng để rồi tới một thời điểm nào đó người ta rơi vào trạng thái yêu lúc nào chẳng hay. Như vậy, nếu không có sự bắt đầu dù là nhỏ bé ấy thì không thể có hoa trái tình yêu được. Nói cách khác, nếu con tim ta không biết rung động trước một đối tượng nào đó thì ta sẽ chẳng có cơ may xây đắp lâu đài tình ái với họ.

     

    Thiết nghĩ nguyên tắc trên cũng được áp dụng trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Nhiều người mặc định rằng chỉ những linh mục tu sĩ hay những người được cho là đạo hạnh mới có đời sống thiêng liêng sâu sắc, số còn lại không bao giờ có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Điều này hoàn toàn không đúng. Sự thật là tất cả mọi người đều có kinh nghiệm về Thiên Chúa theo cách này hay cách khác. Thậm chí ngay cả những người tuyên bố là vô thần hoặc không tin vào Thiên Chúa của Kitô giáo, họ vẫn không thể chối bỏ được kinh nghiệm về một thực tại siêu việt bên ngoài giới hạn của con người.

     

    Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, từ nhà bác học cho đến người thất học, không ai có thể tránh khỏi các câu hỏi tra vấn về nguồn gốc và cùng đích của vũ trụ, về đau khổ ở đời này hay về thực tại đằng sau cái chết. Con người sẽ mãi không ngừng thao thức tìm kiếm, hay nói đúng hơn là họ sẽ luôn phải đối diện với những vấn đề không có lời giải đáp cuối cùng. Đó chính là lý do vì sao con tim chúng ta dễ dàng rung động trước những tín hiệu của thế giới tâm linh. Thế giới tâm linh ở đây không hẳn là những gì huyền bí hay ma thuật. Đúng hơn, đó chỉ là cách nói diễn tả mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Đời sống tâm linh là một chiều kích khác của thực tại đời này chứ không phải là một thế giới khác. Theo đó, con người biết nhận ra và diễn tả lòng yêu mến Thiên Chúa không phải qua kinh nghiệm xuất thần mà là qua những biến cố cụ thể xảy ra hằng ngày trong đời sống của mình.

     

    Một con tim biết rung động sẽ là điều kiện đầu tiên và thiết yếu cho việc xây dựng tương quan với Thiên Chúa. Có rất nhiều lý do khiến con tim ta loạn nhịp đập. Đó có thể là sự mất mát đau thương của chính mình hay của đồng loại. Đó có thể là nỗi niềm bức xúc và căm phẫn khi chứng kiến cảnh bạo lực, bất công diễn ra trong xã hội. Đó có thể là sự choáng ngợp khi đứng trước vẻ đẹp của tự nhiên. Đó có thể là thái độ cảm phục trước tinh thần quảng đại hy sinh của người khác. Đó có thể là sự ngưỡng mộ khi thấy ai đó có khả năng đặc biệt. Đó cũng có thể là niềm vui sâu xa khi vô tình đọc hay nghe được một lời dạy thấm thía. Và đó còn có thể là niềm sung sướng tột độ khi đạt được điều mình ao ước. Trong những tình huống như thế, một cách vô thức, người ta thường thốt lên: “Lạy Chúa tôi!” hay là “Ôi trời ơi!”. Con người ý thức được rằng có một điều gì đó vượt ngoài tầm kiểm soát của mình. Chúng ta gọi đó là kinh nghiệm siêu việt. Dù có tin vào Chúa hay không, người ta phải thừa nhận rằng nguồn gốc của những kinh nghiệm siêu việt không thể đến từ con người.

     

    Khi bàn về kinh nghiệm nói chung và kinh nghiệm siêu việt nói riêng, chúng ta cần phân biệt giữa “kinh nghiệm trực tiếp” và việc “phản tỉnh” về kinh nghiệm đó. Hai bước này dù khác biệt nhưng không hề tách rời nhau. “Kinh nghiệm trực tiếp” liên hệ đến hoàn cảnh mà một người trải qua, còn việc “phản tỉnh” nói lên ý nghĩa của kinh nghiệm đó đối với họ. Con người ta có kinh nghiệm khác nhau không chỉ vì họ trải qua những hoàn cảnh khác nhau mà còn vì họ có thái độ phản tỉnh khác nhau về cùng một tình huống. Ví dụ như có hai người sinh ra trong cùng một hoàn cảnh nghèo khó như nhau, nhưng một người thì chỉ biết than trách số phận, còn người kia thì cố gắng phấn đấu để vươn lên. Tương tự, có một nhóm người leo lên tới đỉnh núi cao, ai cũng có kinh nghiệm trực tiếp về khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Tuy nhiên, trong số họ có người liên hệ đến thân phận nhỏ bé của con người, có người nhận ra sự sắp đặt kỳ diệu của bàn tay tạo hóa, còn có người thì chỉ thấy khung cảnh đẹp, khoan khoái trong lòng vậy thôi.

     

    Không phải “kinh nghiệm trực tiếp” nhưng chính việc “phản tỉnh” về kinh nghiệm mới là con đường dẫn dắt con người đến với Thiên Chúa. Với kinh nghiệm siêu việt, người ta liên tục đặt ra những câu hỏi “tại sao” và thao thức tìm kiếm lời giải đáp. Chính trong nỗ lực tìm kiếm đó mà con người gặp được Thiên Chúa, hay nói đúng hơn là họ nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc đời mình. Thật vậy, khi con người biết phản tỉnh về một kinh nghiệm siêu việt nào đó đủ sâu, họ sẽ nhận thấy một sự thay đổi đáng kể. Thực tại bên ngoài không hề thay đổi, sự thay đổi đến từ cách nhìn của con người về thực tại đó. Nói cách khác, thế giới vẫn vậy nhưng nó mang một ý nghĩa mới qua kinh nghiệm phản tỉnh của con người.

     

    Sự thay đổi như thế thường xảy ra qua một biến cố bước ngoặc trong đời. Ví dụ, một đứa con ăn chơi lêu lỏng bỗng trở nên chí thú làm ăn và biết gánh vác việc gia đình sau khi bố hoặc mẹ mất. Sau cơn bệnh thập tử nhất sinh thì một người tham lam ích kỷ bỗng biết sống yêu thương sẻ chia với người khác nhiều hơn trước. Hoặc một người khô khan nguội lạnh trong đời sống đức tin lại trở nên sốt mến lạ thường sau chuyến du lịch Đất Thánh. Trong những trường hợp như vậy, chắc chắn đương sự đã trải qua một kinh nghiệm siêu việt nào đó khiến họ thay đổi cách nhìn hay thái độ sống của mình. Chúng ta gọi đó là kinh nghiệm hoán cải.

     

    Thánh I Nhã là một trong những người có kinh nghiệm hoán cải đó. Trong thời gian dưỡng thương ở lâu đài Loyola, ngài muốn tìm sách đọc như một cách giết thời gian nhàn rỗi và nhàm chán. Tuy nhiên, khi đọc đến câu chuyện kể về các vị thánh thì con tim của ngài đã rung động. Quan trọng hơn, thánh I Nhã đã không dừng lại ở rung động nhất thời mà ngài đã dành thời gian để phản tỉnh về tác động của kinh nghiệm đó đến mình. Ngài so sánh những cảm xúc có được khi suy nghĩ về việc phục vụ Chúa theo gương các vị thánh với những cảm xúc khi nghĩ đến việc chinh phục một tiểu thư quý phái để rồi phân biệt điều nào đến từ Thiên Chúa, điều nào đến từ ma quỷ. Chính kinh nghiệm có được và việc phản tỉnh về kinh nghiệm đó đã thôi thúc thánh I Nhã tìm kiếm ý Chúa trong những biến cố tiếp theo trong cuộc đời ngài.

     

    Thiên Chúa đã tạo ra con người với con tim biết rung động trước những dấu chỉ có thể dẫn chúng ta đến với Ngài. Do vậy chúng ta hãy để ý đến những chuyển động nội tâm dù là nhỏ bé nhất, vì đó có thể là sự khởi đầu của một kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc. Đừng coi thường những câu hỏi bất chợt hiện ra trong đầu mình như “Không hiểu sao có người tài đến thế?”, “Không biết làm thế nào mà có cảnh đẹp đến như vậy?”, “Không biết điều gì đã khiến người ta hy sinh quảng đại như thế?”… Và cùng đừng ngần ngại đặt ra những vấn đề từ lâu chúng ta thường băn khoăn trăn trở như “Tôi sinh ra ở đời này để làm gì?”, “Rồi sẽ đi về đâu?”, “Làm sao để có được hạnh phúc?”…

     

    Thậm chí những câu hỏi kiểu như “Tại sao Chúa lại để điều này xảy ra?” hay “Tại sao người tốt lại gặp phải nhiều bất hạnh như thế?” không hề là sự chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa. Ngược lại, đó là những rung động của con tim giúp kết nối con người với thực tại vượt quá giới hạn hiểu biết của của con người. Chính khi đó, Chúa sẽ tỏ mình ra cho con người theo cách Ngài muốn.

     

    Giuse Lê Đắc Thắng, SJ(dongten.net)

     

ĐỜI SỐNG TẦM LINH - TRỞ LẠI ĐỜI SỐNG

  •  
    Chi Tran

     

    TRỞ LẠI CUỘC SỐNG BÌNH THƯỜNG MỚI

     

    Tìm đâu ra một con đường trở lại cuộc sống bình thường mới? Đây cũng là thao thức của  anh mù Ba-ti-mê ở Giê-ri-khô trong Tin Mừng Chúa Nhật 30 Thường Niên  

    Sau những ngày tháng dài phải đóng cửa vì đại dịch, các thành phố ở Việt Nam đang dần dần mở cửa trở lại. Đâu đó, chúng ta nghe và nói nhiều về việc „trở lại bình thường mới.” Có lẽ, không ai cảm nhận được khao khát này mạnh mẽ và rõ ràng hơn những người đã phải sống trong vùng dịch bệnh. Mong muốn trở lại cuộc sống bình thường, diễn tả một sự bắt đầu mới. Ở một khía cạnh khác, đây là mời gọi tìm kiếm một lối sống mới, để không lặp lại những điều tồi tệ như đại dịch vừa trải qua.

     

    Tìm đâu ra một con đường trở lại cuộc sống bình thường mới? Đây cũng là thao thức của  anh mù Ba-ti-mê ở Giê-ri-khô trong Tin Mừng Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm B[1]. Được con tim mách bảo, anh chạy đến với Đức Giê-su và cầu xin được sống bình thường như mọi người – „Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Uớc mơ của anh giản dị đến nỗi làm chúng ta ngạc nhiên. Anh không xin cho mình được hơn những người khác về tiền tài, quyền lực và danh vọng… Anh chỉ xin cho mình được bình thường, thế là đủ và hạnh phúc rồi!

     

    Tại sao anh mù Ba-ti-mê chỉ cầu xin một điều đơn giản thế thôi? Chúng ta có thể đụng chạm được nỗi khao khát này ở một chiều sâu thực sự của nó, nếu chúng ta để con tim mình thấu cảm được nỗi đau khi phải sống trong mù lòa. Cũng vậy, chúng ta sẽ thấu hiểu được khao khát trở lại cuộc sống bình thường mới của anh chị em mình, nếu chúng ta tiếp cận vấn đề bằng con tim, hơn là bằng lý trí.

     

    Ở đây, không có ý gạt bỏ những tiếp cận bằng lý trí. Thông thường, cách tiếp cận vấn đề bằng lý trí có vẻ hấp dẫn chúng ta nhiều hơn. Chúng ta thích đi tìm những giải thích và biện giải về nỗi đau, hơn là để cho con tim mình được cảm và nếm nó. Cho nên, dễ hiểu tại sao chúng ta thường đi tìm những lý do, những lý lẽ để giải thích, biện minh cho các nỗi đau và yếu đuối của mình… hơn là để con tim mình đụng chạm đến nỗi đau ấy. Thực ra, chỉ khi nào để con tim mình cảm nếm nỗi đau và sự yếu đuối, lúc đó ta mới có cơ hội thấu hiểu và trở nên sâu sắc hơn.

     

    Chính vì bỏ qua lý lẽ của con tim, cho nên ngày nay, không ít người cảm thấy khó chấp nhận câu nói của Đức Giê-su: „lòng tin của anh đã cứu chữa anh!” Cũng như một người bạn đã từng nói với tôi rằng: đến thế kỷ này rồi, mà vẫn còn mê muội tin vào những điều đó sao? Có lẽ, người bạn này đã mạnh dạn nói lên những suy nghĩ của mình, thay cho hơn nửa số người đang sống trên trái đất này rồi!

     

    Đức Giê-su khẳng định lòng tin đã cứu chữa, chứ không phải là những lý lẽ hay những lời giải thích hợp lý. Khi chấp nhận điều này, không có nghĩa là chúng ta coi thường những suy tư, hay là những sáng kiến và sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Nhưng thay vào đó, chúng ta được mời gọi đi xa hơn, vượt trên những điều mà lý trí có thể hiểu và giải thích. Đơn giản là để cho con tim mình được đụng chạm sâu hơn đến những vấn đề của cuộc sống.

     

    Lòng tin của Ba-ti-mê đã không phản bội anh. Chính con tim đã mách bảo cho anh biết đâu là nơi anh được „trở nên bình thường.”

     

    Anh lớn tiếng kêu xin: „Lạy Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!

    Ba-ti-mê đã gọi Đức Giê-su là Con vua Đa-vít. Đây là tước hiệu ngầm nói về Đấng Cứu Thế Mê-si-a[2]. Ở thời gian trước, Đức Giê-su rất cẩn trọng khi có ai đó gọi Ngài là Đấng Mê-si-a, và Ngài thường ngăn cản họ nói điều này với những người khác. Nhưng ở đây, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su không quở trách Ba-ti-mê vì đã gọi ngài là „Con vua Đa-vít”, một tước hiệu ám chỉ cho Đấng Thiên Sai. Lúc này, Đức Giê-su đã ở gần Giê-ru-sa-lem, nơi Ngài sẽ bị tố cáo và bị treo lên cây thập giá, nên Ngài mong muốn không chỉ Ba-ti-mê, mà mọi người đều nhận ra danh tính đích thật của Ngài. Ở chương tiếp theo, Đức Giê-su còn trích dẫn câu Thánh Thư để cho thấy mình không chỉ là con vua Đa-vít, mà còn là Chúa của vua Đa-vít[3].

     

    Phản ứng của đám đông là quát nạt Ba-ti-mê và bảo anh ta im đi, vì anh đang lớn tiếng và nói những điều khó nghe, khi gọi Đức Giê-su là „Con vua Đa-vít.” Dân chúng đang hành xử với Ba-ti-mê đúng với thân phận và địa vị của anh – một kẻ mù ngồi ăn xin bên vệ đường.

     

    Còn Đức Giê-su đối xử với anh theo như ý nghĩa hàm ẩn trong tên gọi Ba-ti-mê của anh, là người đáng được tôn trọng[4]. Khi đến với Đức Giê-su, Ba-ti-mê đã hiện thực hóa được điều mình mong muốn và ước mơ.

     

    Chúng ta ước mơ gì, khi khao khát trở lại cuộc sống bình thường mới? Có phải là một lối sống như trước đại dịch? Đâu là điều làm cho cuộc trở lại bình thường mới, chứ không phải là cũ? Chắc chắn, ở đây không nhắm đến việc đưa ra những giải pháp cụ thể về kinh tế, về xã hội… nhưng là một sự gợi mở và mời gọi tìm kiếm hướng đi vững chắc hơn.

     

    Có lẽ, chẳng ai trong chúng ta muốn sống trong mù lòa, cả về thể lý lẫn tinh thần. Trong bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay, các môn đệ đang là những người mù. Họ là những người sáng mắt, nhưng lại không thấy con đường Thầy Giê-su đang muốn tỏ lộ. Các ông là những người không hiểu những điều mà Đức Giê-su nói về tương lai phía trước[5].

     

    Để trở lại cuộc sống bình thường mới, chúng ta được mời gọi bước ra khỏi những mù lòa của chính mình. Biết mở ra để lắng nghe và để cho mong ước xây dựng lối sống mới dựa trên những giá trị bền vững mỗi ngày lớn lên hơn. Trong sự khiêm tốn và chân thành, chúng ta cùng với anh Ba-ti-mê khẩn khoản cầu xin Đức Giê-su: „Thưa Thầy, xin cho con nhìn thấy được!”

     

    Giuse Trần Văn Ngữ, SJ

    ………….

    [1] Người mù ở Giê-ri-khô (Mc 10,46-52).

    [2] Tin Mừng Mát-thêu viết cho độc giả Do-thái và ngài sử dụng tước hiệu „Con vua Đa-vít” mười một lần. Còn thánh sử Mác-cô và Lu-ca viết sách Phúc âm cho độc giả dân ngoại, nên chỉ sử dụng danh hiệu này một đến hai lần thôi. Có thể dễ hiểu, vì tước hiệu này quen thuộc và có nhiều ý nghĩa đối với người Do-thái hơn là với những người dân ngoại.

    [3] Đấng Ki-tô là Con và là Chúa của vua Đa-vít (Mc 12,35-37).

    [4] Βαρτίμαιος (bartimaeus) phiên âm tiếng Việt là Ba-ti-mê = người con trai của ông Ti-mê. Tên gọi này hàm chứa ý nghĩa gì? Βαρ (bar) = son (người con trai); τίμαιος (timao) = honor, respect, restore (danh giá, tôn trọng, phục hồi). Như vậy, tên gọi Ba-ti-mê có thể hiểu là người danh giá, được tôn trọng, được phục hồi.

    [5] Theo Tin Mừng Mác-cô, từ chương 8 đến chương 10, cho thấy các môn đệ hoàn toàn “mù tối” trước sứ mệnh thực sự của Đức Giê-su. Họ vẫn còn mơ tưởng danh dự và thành công theo kiểu loài người (Mc 10,37), trong khi Đức Giê-su đã ba lần báo trước cho họ thập giá của Người (Mc 8,31; 9,31; 10,34). Khi Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem, mọi người đều nghĩ rằng, Ngài sẽ lên “nắm quyền” và sẽ làm vua. Đúng. Người là “Vua”, nhưng không phải theo kiểu của các vua trần thế (Mc 10,42; Mt 27,11; Ga 18,33-36). Người làm Vua không theo cách mà đám đông mong đợi. Người sẽ đứng đầu bằng cách làm người sau chót, và là người phục vụ, chứ không phải được phục vụ.

     
     
     

     

     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ĐỌC KINH LẠY CHA

  •  
    Chi Tran

     
    KINH LẠY CHA LÀ KINH TRỪ QUỶ
    Linh Mục Dwight Longernecker viết:
    "Tôi được tham dự một buổi hội thảo về đề tài giải thoát và trừ quỷ do bác sĩ tâm thần Kenneth McCall trình bầy.
    Trong mục hỏi đáp thì có 3 người phụ nữ kể cho Dr. McCall nghe rằng có những phù thủy đến thành phố của họ và họ muốn xin ý kiến vị bác sĩ để làm cách nào loại trừ các phù thủy ấy.
    Dr.McCall là một người ăn nói nhỏ nhẹ và có một đời sống tâm linh sâu thẳm. Ông nói rất nhẹ nhàng:
    - “Theo kinh nghiệm thì trong đa số các trường hợp, chúng ta cần là có một nhóm nhỏ những người Kitô hữu ngoan đạo cùng tụ họp và cầu nguyện trong thinh lặng ở những nơi có sự dữ và kẻ dữ.
    Nhóm ấy cứ đọc Kinh Lạy Cha nhiều lần và tập trung ở câu: “Nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ ”
    Vì lời kinh này rất hữu hiệu”.
    Nói xong, ông mỉm cười và hỏi tiếp:
    - “Còn ai có câu hỏi nào nữa không ạ?”
    Tôi nghĩ các bà ấy có phần thất vọng. Có lẽ họ muốn một cuộc trừ quỷ dữ dội, rồi được thấy những cái đầu quay vòng vòng, nạn nhân được nâng cao, nước phép được rẩy ra, và những dấu lạ, điềm thiêng xuất hiện.
    Cho đến nay, tôi vẫn nhớ lời khuyên của Dr. McCall và đọc Kinh Lạy Cha như một vũ khí chống sự dữ. Tôi còn dậy cho nhiều người khác làm như thế.
    Đôi khi cũng cần có những cuộc trừ quỷ. Nhúng lúc ấy cần có một nhà trừ quỷ được huấn luyện để làm nghi thưc trừ quỷ. Và nhà trừ quỷ cần có phép của Đức Giám Mục.
    Tuy nhiên các Kitô hữu đã được rửa tội đều được kêu gọi để trờ thành các chiến sĩ trong trận chiến thiêng liêng. Khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha một cách ý thức để xin Chúa giải thoát thì đó là một cách thức thực tế để chống lại kẻ dữ.
    Chúng ta thường quên rằng mục vụ chính của Chúa Giêsu khi còn ở trần gian là cuộc chiến chống Satan. Từ lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa cho đến khi Ngài vào sa mạc để chịu ma quỷ thử thách, Ngài luôn trừ quỷ, chữa lành bịnh nhân cả về thể xác, tâm trí và tâm linh.
    Cuối cùng qua thập giá và Phục Sinh, Chúa Giêsu đã chiến thắng kẻ thù mãi mãi.
    Chúa Giêsu ban cho chúng ta Kinh Lạy Cha như một vũ khí trong cuộc chiến. Chúng ta cần tập trung và ghi nhớ.
    Câu thứ nhất là: “Và tha nợ chúng con .”
    Trước hết, chúng ta xin Chúa tha thứ tội lỗi ta và rồi chúng ta tha thứ cho những kẻ có nợ chúng ta:
    “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con .”
    Bằng lời cầu nguyện này thì chúng ta ăn năn thống hối tội lỗi của mình và xin Chúa tha thứ.
    “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen ."
    Đó là lời cầu nguyện xin Chúa bảo vệ chúng con khỏi sự tấn công của ma quỷ. Xin Chúa hướng dẫn chúng con đến nơi an toàn và thoát khỏi sự lừa dối của ma quỷ. Xin Chúa hướng dẫn chúng con đến ánh sáng và thoát khỏi bóng tối.
    Có nhiều người chịu đau khổ vì bị ma quỷ trói buộc, chẳng hạn như họ bị nghiện ngập ma tuý, rượu chè, trai gái, cờ bạc, thích những phim ảnh dâm ô, những liên hệ bất chính. Từ đó họ có những thói quen xấu, đi sai lạc, muốn tự huỷ hoại, chán đời, sợ hãi và lo âu. Tà khí có thể làm cho người ấy bịnh tật và mất tinh thần.
    Khi đối diện với kẻ dữ và sự dữ, chúng ta cứ thinh lặng cầu nguyện Kinh Lạy Cha để xin Chúa tha tội, cầu cho bản thân được giải thoát khỏi cám dỗ, cầu cho được tự do, và cầu để Chúa giải thoát chúng ta khỏi bóng tối đang bao vây chúng ta.
    Kinh Lạy Cha còn được đọc để cầu bầu cho những người khác. Đó là một hành động bác ái, đầy lòng thương xót. Nhờ đó mà những người đang bị ma quỷ và thói xấu trói buộc thì Chúa sẽ giải thoát họ.
    Chúa Giêsu thường cầu nguyện Kinh Lạy Cha. Khi chúng ta đọc kinh này thì chúng ta được hiệp thông với Chúa Giêsu. Tôi tin rằng Kinh Lạy Cha là kinh quan trọng nhất mà nhiều người coi thường hay quên lãng.
    Khi Kinh Lạy Cha được cầu nguyện một cách đơn sơ, thinh lặng và chậm rãi thì chúng ta hiệp nhất với Chúa Giêsu, hiệp nhất ý riêng của chúng ta với Thánh Ý Chúa Giêsu và cầu bầu cho sự cứu rỗi của toàn thế giới và cho các linh hồn được giải thoát ."