8. Đời Sống Tâm Linh

DỜI SỐNG TÂM LINH - TA BÌNH AN LÚC NÀY

  •  
    Kim Vu

     

    CHÚNG TA CẦN BÌNH AN LÚC NÀY

     

    Qua người bạn tôi nghe được câu chuyện thật buồn: khi biết mình nhiễm Covid-19, em đã chọn cách tự tự để thoát khỏi nỗi sợ này.  Rồi hung tin ấy lan đến quê em, nhiều người nơi ấy cũng mất bình an và thêm phần lo lắng.

     Mợ tôi cũng đã nhiễm virus với rất nhiều hoang mang lúc ban đầu.  Mợ chia sẻ: “Khi được đưa vào khu cách ly, mợ cảm giác khó thở vì sợ hãi đã xảy ra.  Mợ đã cố lấy lại bình tĩnh và cầu nguyện để biết mình cần làm gì lúc này.  Sau đó, nỗi sợ cũng qua và sức khỏe cũng dần dần tốt lên từng ngày.”  Tiếc rằng nỗi sợ, bất an là thực tế mà không ít người mắc phải.  Chút chia sẻ dưới đây hy vọng mỗi người tìm lại chút bình an trong những ngày khó khăn này.

     

    Bạn thân mến,

    Con người luôn có tính xã hội và thường bị ảnh hưởng của đám đông.  Đó là điều rất tự nhiên mà chúng ta thấy khi đại dịch xuất hiện, ngày càng có nhiều người hoang mang.  Nhất là khi gia đình có người là nạn nhân của con virus này, sự buồn bã và lo âu chắc tăng lên gấp bội.  Làm sao để cho tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến là điều không dễ chút nào.  Ai cũng thuộc lòng câu: “Dù ai nói ngả nói nghiêng… Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân,” nhưng mấy ai làm được?

     

    Chắc hẳn ai cũng có cách để thích nghi với dịch bệnh.  Khi ở nhà, mỗi người đã có những sáng kiến để giữ cho bầu không khí gia đình được bình an.  Khi ở khu cách ly, mỗi người cũng cố gắng đón nhận hoàn cảnh và làm theo những hướng dẫn của bác sĩ y khoa.  Thậm chí trên giường bệnh, nhiều người cũng cố gắng lạc quan để cộng tác với bác sĩ trong tiến trình chữa trị.  Dù virus có đảo lộn mọi thứ, tác động khủng khiếp đến mọi khía cạnh của đời sống, nhưng chúng ta cần trấn an, nâng đỡ và cầu nguyện cho nhau, để mong cùng nhau vượt qua thách đố này trong an bình.  Bình an là khao khát muôn thuở của con người, nhất là những lúc khó khăn.  Không chỉ trong đại dịch lần này, nhưng mọi bôn ba của kiếp người chẳng phải để tìm được bình an đó sao?

     

    Chắc ai cũng hiểu bình an là sự yên ổn, êm đềm của cuộc sống, là khỏe mạnh và thoát khỏi dịch bệnh.  Ở đó không có hận thù, sợ hãi và hoang mang.  Bình an trong tiếng Do Thái còn có nghĩa là an lạc, hạnh phúc.  Người Do Thái thường chào nhau với hai chữ: Bình an (Sa–lom).  Chào như thế vì họ không chỉ thể hiện tương quan với nhau, nhưng quan trọng hơn, họ có chung một Thiên Chúa là nguồn bình an cho con người.

     

     

    Chúng ta thấy khung cảnh lúc Đức Giêsu chết cũng không khác nhiều bối cảnh lúc này.  Các môn đệ hoang mang cực độ.  Nơi các ông ở lúc đó đều cửa đóng then cài.  Phần vì các ông buồn bã trước cảnh tượng người ta giết thầy Giêsu, phần vì sợ người ta có thể ám hại cả các ông nữa.  Tính mạng của các ông không mấy an toàn lúc này, nếu ở những nơi công cộng.  Các ông buộc phải cách ly trong hoang mang!  Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các ông.

     

    Chúng ta sẽ ngạc nhiên với câu nói đầu tiên của Đức Giêsu phục sinh: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19).  Đó không chỉ là lời chào thăm, nhưng còn là nguồn động viên, “xốc” lại tinh thần của các ông.  Đức Giêsu biết lúc này các ông thực sự cần bình an.  Dù ngoại cảnh có nhiều nguy hiểm, nhưng một khi tâm hồn được bình an, người ta có thể đón nhận được mọi thứ trong thanh thản.  Kết quả là các ông đã mở toang cửa để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho toàn dân.  Các ông đến nơi đâu, cũng nói về câu chuyện Đức Giêsu đã chết và nay đã sống lại.  Chính Tin Mừng ấy trao rất nhiều bình an cho thính giả thời bấy giờ.  Bởi thế mà Giáo hội sơ khai tuy chịu nhiều bách bớ, nhưng người con của Chúa luôn cảm thấy bình an để làm chứng cho Tin Mừng này.

     

    Thật đẹp khi trong cảnh khốn cùng này, ước sao nhiều người thốt lên với Đức Giêsu Phục Sinh: “Lạy Chúa xin ban bình an cho chúng con và toàn thế giới.”  Thiên Chúa là nguồn của mọi bình an (Ep 2,14).  Bình an của Thiên Chúa không như thế gian ban tặng.  Đó là bình an của tâm hồn, của niềm vui nội tâm và của tình yêu giữa thụ tạo với Đấng Tạo Thành.  Đó là quà tặng của Thiên Chúa cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài.  Nói cách khác, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta được một niềm vui sâu xa, một sự bình an bên trong và tự do.  Đừng quên bình an nội tâm là nền tảng của sự bình an trong gia đình, trong xã hội và trên thế giới.

     

    Chắc hẳn khi ở nhà quá lâu, sống trong cảnh dịch bệnh kéo dài, nguy cơ mất bình an là có thật.  Bởi đó, người ta dễ dàng tìm thấy nhiều lời hướng dẫn hữu ích để tạo cho mình được bình an.  Là người Công giáo, chúng ta may mắn có Thiên Chúa luôn trao bình an cho mỗi người.  Dĩ nhiên bình an ấy không dành cho những ai lười biếng ngồi chờ sung rụng.  Thiên Chúa đòi con người cộng tác một chút, Ngài hứa sẽ ban bình an thật nhiều.  Bằng cách nào?

     

    Trong câu hỏi trên, tôi tin ai cũng có câu trả lời cho riêng mình.  Giáo hội mời gọi con cái mình cầu nguyện, hướng đến đời sống nội tâm nhiều hơn lúc này.  Mỗi ngày dành cho Thiên Chúa chút không gian và thời gian, để cùng với Chúa vun đắp bình an cho tâm hồn mình.  Thực ra bất kỳ ai liên kết với Thiên Chúa, người ấy đều có được bình an đích thực.  Khi có bình an, người ta sẽ biết mình nên làm gì và cần phải làm gì trong thời gian đại dịch.  Hãy để sự bình an của Chúa cư ngụ trong tâm hồn mình và để Ngài cất bỏ những lo âu phiền muộn.  “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28) 

     

    Hẳn là chúng ta được an ủi trước câu hỏi này: “Thiên Chúa có định cho con người phải đau khổ và phải chết không?”  An ủi vì: “Thiên Chúa không muốn cho con người phải đau khổ và phải chết.  Từ khởi thủy Thiên Chúa đã muốn cho con người sống nơi Địa Đàng, được sống mãi mãi, bình an giữa Thiên Chúa, mọi người, và vạn vật chung quanh.  Bình an giữa nam và nữ.” (Youcat số 66).  Tiếc là khi rời Vườn Địa Đàng, người ta luôn có nguy cơ mất sự bình an này.

     

    Với chủ đề trên đây, hy vọng mỗi người nhắc mình cần bình an lúc này.  Thực tế là nhiều người quên mất mình đang sống trong bất an. Cảm giác ấy khó chịu vô cùng! Hãy dừng lại đôi chút để đọc xem điều gì đang diễn ra trong tâm hồn mình lúc này? Nhiều nhà thiêng liêng chỉ cho chúng ta cách để tìm lại được bình an: “Hãy giữ tâm hồn bạn bình an. Hãy để Thiên Chúa hành động trong bạn. Hãy đón nhận mọi tư tưởng nâng tâm hồn bạn lên tới Chúa. Hãy mở rộng cửa tâm hồn bạn.” (Thánh Inhaxiô Loyola). Nếu bạn đang thực sự bình an, hãy tạ ơn Chúa và tiếp tục vui sống với hồng ân của Chúa. Nếu lòng bạn đang biến động giữa xáo trộn vì Covid–19, thử áp dụng vài phương cách như thế cùng với Chúa xem sao? 

     

    Chúng ta cùng cầu chúc cho nhau để mỗi người đón nhận được lời chúc lành của Chúa Phục Sinh: Bình an cho anh em! Hy vọng bình an nội tâm sẽ là sức mạnh để mỗi người, cùng với Chúa và với nhau, vượt qua những khó khăn, bức xúc và phức tạp của hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta cần bình an lúc này và ở đây!!!

     

    Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

    Nguồn: https://dongten.net

     

     

    --
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - TU HÀNH / ĐỘ TÂM

  •  
    Hung Dao

    Nhân sinh là kiếp ‘tu hành’ – Một đời sướng khổ đều dành ‘độ tâm’…

    Trường Lạc
     

    Buông bỏ xuống gông cùm xiềng xích của nội tâm thì phiền nhiễu thế gian đều sẽ thành hư không. Buông bỏ những dây dưa tơ lòng đã trôi qua thì nhân sinh nơi nào cũng đều thật mỹ hảo…

    Nhân sinh là chuỗi ngày tu hành mỹ lệ: có than khóc vượt qua cũng có mỉm cười cất bước, có té ngã rồi cũng lại có lúc bò dậy tiếp tục tiến lên, có con đường gập ghềnh trắc trở cũng có con đường bằng phẳng bình yên, có núi mây ngàn trùng thì cũng có những vùng đồng bằng bình lặng. Con người chúng ta trải qua cuộc sống với phong trần tích tụ của bốn mùa tuần hoàn liên tục, mang theo bên mình những cảnh vật vô danh. Rồi lại vì cầu vồng rực rỡ phía trước cùng những quang cảnh càng đẹp hơn đang chờ đợi mà chúng ta tiếp tục khổ cực tu hành trên con đường nhân sinh.

    Con người một đời này đều là đang ở trong quá trình “độ”.

    Độ nhân, độ tâm, độ bản thân

    Sinh mệnh là một dòng sông dài rộng mà bạn vừa là người qua sông cũng vừa là người đưa đò.

    Độ nhân là một loại trân trọng, độ kỷ là một loại trưởng thành còn độ tâm chính là một loại tu hành.

    “Độ” là một loại ấm áp, cũng là một thứ lực lượng.

    “Độ” là một thứ tốt đẹp, nhưng ở đó càng mang nhiều hơn một phần hy vọng.

    Độ nhân’

    Khi đang ở thế thượng phong cũng không nên hà khắc trách cứ người đuối lý, cần mang lòng khoan dung mà đối đãi người khác.

    Khi người gặp khó khăn thì nên giúp đỡ tương trợ, như vậy người được trợ giúp sẽ có thể thoát ra khỏi khốn cảnh. Khi người ta mê mang mờ mịt thì hãy thiện tâm đưa ra kiến nghị cho họ, để họ có thể nhìn thấy được hy vọng. Gặp chuyện gì cũng đừng nên tranh cãi dây dưa, bất cứ việc nào cũng nên lưu lại cho người ta đường lui.

    Tặng người hoa hồng thì tay ắt lưu lại hương thơm. Nếu như bạn ‘độ nhân’ thì Trời cao tất sẽ độ bạn.

    Tất cả mọi thứ chân tình thực ý đều sẽ có nhân quả hồi ứng. Người thiện người tốt cuối cùng sẽ đều có được kết quả tốt đẹp. Người xấu kẻ ác cuối cùng ắt tự có quả báo.

    Khi người ta mê mang mờ mịt thì hãy thiện tâm đưa ra kiến nghị cho họ, để họ có thể nhìn thấy được hy vọng 

    Độ kỷ

    Nhân sinh là một trường sở tu hành, đừng vì một câu nói của người khác mà tùy tiện phủ định bản thân.

    Mỗi loài hoa khác nhau đều tự có vẻ đẹp khác nhau.

    Thay vì để hiểu lầm của người khác làm tổn thương bản thân thì chi bằng hãy làm tốt những gì bản thân cần làm, không cần giải thích.

    Đời này của người ta, nếu không có người giúp đỡ bạn thì bạn hãy tự làm người đưa đò giúp đỡ chính bản thân mình.

    Bạn chỉ cần thiện lương và nỗ lực, Trời cao sẽ tự có an bài.

    Bạn chỉ cần tự tin vào những điều tuyệt vời của chính mình, hồ điệp sẽ tự tìm tới bạn.

    Nhân sinh không có bất cứ con đường nào là đi uổng công vô nghĩa, mỗi một bước đi cuối cùng đều được tính đến.

    Trong cuộc đời này, nếu không có ai giúp đỡ bạn, bạn sẽ là người lái đò của chính mình (

    Độ tâm

    Nếu không có được thì hãy coi nó thật nhẹ, tự tại tùy duyên. Những gì đã qua rồi thì hãy buông nó xuống, tâm tịnh như nước.

    Vật có hai cực, mỗi sự việc đều có hai mặt của nó.

    Mỗi ngày đều lấy tâm vui vẻ mà sống thì tự nhiên bạn sẽ có một cuộc đời vui vẻ hạnh phúc.

    Con người một đời này cũng chỉ có một trái tim, nếu bao chứa quá nhiều thì sẽ mệt mỏi.

    Buông bỏ xuống gông cùm xiềng xích của nội tâm thì phiền nhiễu thế gian đều sẽ thành hư không. Buông bỏ những dây dưa tơ lòng đã trôi qua thì nhân sinh nơi nào cũng đều thật mỹ hảo.

    Một niệm buông xuống, đó mới chính là có được. Một tấm lòng rộng mở thì càng có được hạnh phúc.

    Buông bỏ vướng bận quá khứ, cuộc sống tươi đẹp muôn nơi 

    Thiền ngữ

    Tu nhân trước hết cần tu tâm, độ nhân trước hết cần độ kỷ.

    Cảnh giới cao nhất của việc làm người chính là “độ”.

    Người độ nhân có thể có được lòng người. Người độ tâm sẽ giữ được nội tâm an hòa. Người tự độ bản thân thì cả cuộc đời sẽ đều là những điều mỹ hảo.

    Con đường nhân sinh dài đằng đẵng, trước nay chưa từng có đường bằng phẳng.

    Nếu trong tâm mang chứa cảnh đẹp, thì sẽ tự có sơn thủy nhật nguyệt.

    Dù gặp phải sóng gió bão táp cũng không làm thay đổi tấm lòng thuần khiết thuở ban đầu. Tùy phong khởi vũ, mà vừa ca hát vừa bước đi.

    Độ nhân, độ tâm, độ bản thân.

    Trồng người trước hết là tu trái tim, và vượt qua người khác trước tiên là vượt qua chính mình 

    Phương châm

    Hành trình cuộc đời của một con người sẽ luôn có những bất trắc sóng gió mà ta không thể dự đoán trước được. Cuộc sống là một chặng đường dài, cũng chứa vô số những điều bạn chưa hề biết đến. Có lẽ tính cách của mỗi người đều chẳng hoàn mỹ, không một chút khuyết thiếu, có lẽ tất cả mọi chuyện trên thế gian này cũng đều chưa từng thập toàn thập mỹ.

    Bảo trì được sự thiện lương của bản thân là cách “tu tâm”, “độ kỷ” tốt nhất. Đây là tín ngưỡng chân thành nhất trong thế giới tinh thần của con người, là cách tu hành tốt nhất trên con đường nhân sinh.

     

    Trường Lạc biên dịch

     

     

    --

BÁNH SỰ SỐNG LC -TGM VŨ VĂN THIÊN

  •  
    Kristie Phan chuyển
     
     
    CHỌN LỰA VÀ TRUNG THÀNH  
    BÁNH HẰNG SỐNG LỜI CHÚA - BÁNH THÁNH THỂ
     
         Hôm nay là lần thứ năm, Phụng vụ Lời Chúa hướng chúng ta về một đề tài duy nhất, đó là: Bánh hằng sống.  Thánh Gioan ghi lại diễn từ “Bánh hằng sống” như một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do Thái.  Thực ra, đây là một khảo luận, một bài giáo lý về Bí tích Thánh thể được sử dụng thời Giáo Hội sơ khai.  Thánh Gioan và cộng đoàn tín hữu thời bấy giờ đã tổng hợp các lời giảng dạy của Chúa Giêsu về đề tài Bánh hằng sống để chứng minh sự hiện diện của Người trong Bí tích này.  Đây cũng là giải thích của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi với những người Do Thái về Bí tích Thánh Thể.
        Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết thúc của diễn từ về Bánh hằng sống.  Xem ra đây không phải là một cái kết tích cực.  Bởi lẽ, khi nghe Chúa Giêsu khẳng định bánh Người sẽ ban là Thịt của Người, thì ngay một số môn đệ cũng cho điều đó là khó nghe và khó tin. Kết quả là một số trong họ đã bỏ Chúa.
     
         Tuy vậy, cái kết của câu chuyện không hoàn toàn bi quan bế tắc.  Chúa đặt câu hỏi với các môn đệ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”  Ai trong chúng ta nghe câu hỏi này mà không thấy nặng trĩu trong lòng.  May mắn thay, Phêrô đã trả lời “Thưa Thày, bỏ Thày thì chúng con biết ��ến với ai?  Thày mới có những lời đem lại sự sống đời đời.  Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng Thày là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”  Lời nói của Phêrô là một lời tuyên xưng Đức tin.  Đó cũng là lời thề hứa trung thành.  Trong Phúc âm, Phêrô thường xuất hiện và phát ngôn vào thời điểm tế nhị khó khăn.  Đó là lúc Chúa Giêsu đặt câu hỏi với các môn đệ về bản thân Người (x Mt 16, 13-20). Sau này, trong bầu khí nặng nề buồn thảm của bữa tiệc ly, Phêrô khẳng khái tuyên bố: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng!” (Lc 22,34).  Lời phát ngôn của ông cũng là lời nói đại diện cho những môn đệ trung thành, đồng thời diễn tả niềm xác tín.
     
    Tin là chọn lựa.  Đức tin không phải là hùa theo đám đông một cách mù quáng.  Đức tin cũng không phải là một thứ mốt thời trang.  Đức tin là gặp gỡ Chúa và kết quả của cuộc gặp gỡ ấy là chọn lựa Ngài, đồng thời trung thành với sự chọn lựa ấy.
       Dân Do Thái đã trải qua bốn mươi năm hành trình sa mạc và đã định cư ở đất hứa.  Thế hệ định cư là những người không được chứng kiến những phép lạ Thiên Chúa đã làm khi dẫn đưa dân ra khỏi Ai Cập.  Những người này bị cám dỗ theo những thói tục và thần linh của dân bản địa.  Tại Sikhem, ông Giôsuê, người kế vị ông Môisen để đưa dân Israen vào Đất hứa, đã triệu tập và kêu gọi một cuộc thanh tẩy toàn dân, để dứt bỏ quá khứ, bước sang một trang sử mới.  Vị thủ lãnh mời gọi dân hãy chọn lựa Chúa và sống theo giới luật Ngài đã truyền ban cho các bậc tổ tiên.  Lời tuyên xưng của dân chúng thật mạnh mẽ quyết liệt, thể hiện sự gắn bó trung thành với Đấng đã c���u họ khỏi Ai Cập và dẫn đưa họ vào Đất hứa.
        Đức tin đi đôi với lòng trung thành.  Không phải vô cớ mà Phụng vụ cho chúng ta nghe thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi giáo dân Êphêsô, đoạn nói về bổn phận vợ chồng trong gia đình.  Thánh nhân đã kết thúc bằng câu: “Mầu nhiệm này thật là cao cả.  Tôi muốn nói về Đức Kitô và Giáo Hội.”  Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, hình ảnh hôn nhân đã được dùng để so sánh với mối liên kết giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người.  Không có Chúa Giêsu, Giáo H��i sẽ chỉ còn như một tổ chức xã hội.  Chúa Giêsu là đầu của Giáo Hội.  Người yêu thương Giáo Hội và đổ máu vì Giáo Hội.  Lòng trung thành cần thiết và làm nên vẻ đẹp của cuộc sống vợ chồng thế nào, thì lòng trung thành của người tín hữu với Chúa cũng làm nên vẻ đẹp của Giáo Hội như vậy.  Thánh Phêrô đã có lúc băn khoăn về việc đi theo Chúa Giêsu, nên ông đã hỏi: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.  Vậy chúng con sẽ được gì?”  Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en.  Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp (Mt 19,27-29).  Để tiến tới lời tuyên xưng trung thành, Phêrô đã chọn lựa, đã suy tư và đã đem cả cuộc đời mình để “đặt cược” cho tương lai của mình.
         Thánh Thể là mối dây liên kết các tín hữu và là biểu tượng của tình hiệp thông trong Giáo Hội.  Tuy vậy, trong lịch sử, do sự ích kỷ của con người, nên đã có những ý kiến bất đồng về Thánh Thể và làm cho Bí tích này trở nên một trong những nguyên nhân gây chia rẽ nghiêm trọng giữa các Kitô hữu.  Phải chăng vấn đề bất đồng ý kiến này đã có từ thời ban đầu do việc có những người khước từ giáo huấn của Chúa Giêsu về Bánh hằng sống?  Trong thực tế, vẫn còn đó những người tin và những người không tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu nơi Bí tích này.
        Năm 1996, nhân dịp kỷ niệm 1500 năm vua Clovis của nước Pháp được rửa tội, thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng đã đến Pháp để chủ sự thánh lễ tạ ơn.  Trước hằng triệu người tham dự, vị Giáo Hoàng người Balan đã hỏi: “Hỡi nước Pháp, ái nữ của Giáo Hội, ngươi có trung thành với lời hứa của bí tích Thanh tẩy không?” Tiếng thưa “Có” vang dậy đã làm nên một hình ảnh sống động về Giáo Hội luôn trung thành chọn lựa Đức Giêsu Kitô.
       Có thể vào những lúc đen tối của cuộc đời, Chúa hỏi chúng ta: “Con có muốn bỏ Thầy mà đi không?”  Xin cho chúng ta có đủ can đảm để thưa như thánh Phêrô: “Bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.”  Được như vậy thì thật hạnh phúc cho chúng ta.
     TGM Giuse Vũ Văn Thiên


    --Certified Virus Free by 4SecureMail.com ICSA-Certified Scanner--
    Download all attachments as a zip file
    • image001.jpg
      201.9kB
    •  
      CHỌN LỰA VÀ TRUNG THÀNH.docx
      135.6kB

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - CANH TÂN TÂM HỒN

  •  
    Kristie Phan chuyển
     
    Sat, Aug 28 at 7:17 AM
     
     
     
     

    CANH TÂN TÂM HỒN
       Có người nhìn đời mà ngao ngán bảo rằng: sao Thiên Chúa không tạo dựng “thế thật” mà lại tạo dựng “thế gian?”  Thế gian nên lắm gian tà.  Thế gian nên con người hay sống gian dối, lừa lọc với nhau và thiếu hẳn lối sống đơn sơ, chân thành.  Thực ra thế gian ở đây không phải là thế giới gian tà mà là trần thế, dương gian.  Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sư đều tốt đẹp.  Sự xấu do ma qủy gieo vào thế gian qua tâm hồn con người.  Trước tiên nó gieo vào trong con người sự ngờ vực Thiên Chúa.  “Cứ ăn đi chẳng chết chóc gì đâu!  Cứ ăn đi ngươi sẽ bằng Thiên Chúa.”  Con người đã để cho hạt giống ước muốn phản bội Thiên Chúa lấn chiếm vị trí số một trong tâm hồn.  Thay vì bình an vô tư sống trong sự che chở của Thiên Chúa, con người lại nuôi dưỡng sự ngờ vực và ấp ủ những toan tính bất trung, phản bội.  Hậu quả là sự xấu đã đi vào trần gian.  Sự xấu chìm sâu trong bản tính con người.  Sự xấu có thể bộc phát và thống lĩnh con người, nếu con người buông mình theo thói đam mê dục vọng và sống lười biếng ươn hèn.  Quyền lực của sự dữ đã thống trị con người đến nỗi con người dễ làm điều xấu hơn điều thiện.  Từ ngày nguyên tổ nghi ngờ Thiên Chúa cho đến hôm nay con nguời vẫn luôn nghi ngờ lẫn nhau.  Từ nghi ngờ đến lối sống “bằng mặt nhưng không bằng lòng,” và tệ hại nhất là sống giả hình với nhau.
        Một thế giới “vàng thau lẫn lộn” nên khó phân biệt đâu là thiệt đâu là giả.  Và càng khó phân biệt ai là người tốt ai là người xấu.  Thế giới hôm qua cũng như hôm nay luôn có những ngừơi sống giả dối, sống hai mặt: “Đi với Chùa mặc áo Cà sa – Đi với ma mặc áo giấy.”  Vẻ bên ngoài thường nguỵ trang cho những ý đồ đen tối đầy bất chính và gian tà bên trong.
        Lời Chúa hôm nay cảnh cáo lối sống giả hình của nhóm biệt phái và luật sĩ năm xưa.  Họ chú trọng đến việc canh tân hình thức bên ngoài mà quên đi việc canh tân tâm hồn.  Họ nhạy cảm với sự dơ bẩn bên ngoài như đồ ăn, thức uống và vật dụng mà quên đi điều quan yếu của lề luật là gìn giữ sự thanh khiết tâm hồn.  Lề luật không nhằm bảo đảm cho con người được sạch sẽ thân thể, được bảo đảm an toàn thực phẩm mà nhằm gìn giữ nét đẹp của phẩm giá con người và bảo vệ con người khỏi những sự ô uế của tâm hồn.  Thế nên, gìn giữ sự thanh khiết tâm hồn quan trọng hơn là sự sạch sẽ bên ngoài.  Thanh tẩy tâm hồn khỏi những bợn nhơ tội lỗi cần thiết hơn là những nghi lễ bên ngoài.  Philatô đã từng rửa tay nhưng liệu rằng tâm hồn ông có thanh thản bình an khi dối mình “vô can trong cái chết của người công chính?”  Biết bao người đã dùng bàn tay để làm sự ác như giết người, cướp của… và họ cũng đã từng rửa tay cho sạch, nhưng làm sao họ rửa được tội ác mà họ đã gây nên?  Bàn tay chỉ là dụng cụ. Bàn tay không làm nên tội.  Bàn tay bị sai khiển bởi tâm địa gian ác và lưu manh của con người.
        Chính vì thế, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.  Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.  Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.  Thế nên, điều cần rửa là rửa tâm hồn sạch mọi những toan tính bất chính, cần phải loại bỏ những ý đồ dơ bẩn, và tránh xa những cám dỗ tội lỗi của ma qủy luôn dẫn dụ con người đi ngược lại với giáo huấn của Chúa.
        Con người ngày nay dường như cũng chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài.  Người ta trau truốt vẻ đẹp bên ngoài bằng biết bao mỹ phẩm.  Chấp nhận tiêu hao tiền của nơi các thẩm mỹ viện để chăm sóc sắc đẹp, nhưng ít ai nghĩ đến phải trau dồi nhân đức cho xứng với phẩm giá con người.  Người ta có thể hy sinh, khổ luyện hàng tháng, hàng năm để gìn giữ vẻ đẹp thân xác, nhưng có mấy ai chịu khổ chế để gìn giữ vẻ đẹp tâm hồn.  Ngày xưa người ta chú trọng đến cái nết, vì “cái nết đánh chết cái đẹp,” nhưng hôm nay “cái đẹp đang đánh dẹp cái nết.
        Con người ngày hôm nay quá chú trọng đến vẻ đẹp bên ngoài mà lãng quên phẩm chất đạo đức nên con người đã đánh mất hướng đi của mình.  Hậu quả là cả một trào lưu ăn chơi truỵ lạc, thoái hoá đạo đức đang làm băng hoại xã hội, đánh mất đi những thuần phong mỹ tục nơi gia đình và xã hội.  Tội lỗi ngày một gia tăng.  Sự ác ngày một lan tràn.
           
    Vâng, vẻ đẹp bên ngoài là cần thiết nhưng điều quan yếu mà chúng ta phải phấn đấu là sống sao cho nên người.  Thiết tưởng lời dạy của tiền nhân năm xưa: “đói cho sạch, rách cho thơm.  “Làm người phải có lòng nhân” phải là lời dạy cho con người hôm nay.  Đẹp thể xác và đẹp cả tâm hồn mới có ích cho xã hội, bằng không chỉ là hoa, là cỏ, là vật vô tri vô giác, có khi còn có hại cho gia đình và xã hội. Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết thanh luyện tâm hồn của mình khỏi những bợn nhơ tội lỗi, những toan tính bất chính và đam mê thấp hèn, để tâm hồn luôn thanh khiết vẹn toàn.  Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết trân trọng, yêu quý phẩm giá cao quý của con người là hình ảnh Thiên Chúa để biết sống cao thượng, sống đúng với luân thường đạo lý và nhất là biết sống theo lề luật của Chúa để bình an của Chúa luôn cư ngụ mãi trong cuộc đời chúng ta.  Amen!
       Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
     

BÁNH SỰ SỐNG LỜI CHÚA - LM MINH ANH - CN21TN-B

  •  
    BBT CGVN

     

     

    QUÀ TẶNG TIN MỪNG:

    Chúa Nhật XXI Thường Niên, năm B

    TRỞ LẠI LỐI SỐNG CŨ

    Lm. MINH ANH, TGP. HUẾ

     

     

     

    Kính mời theo dõi video tại đây:

    https://bit.ly/3sSy1W3

     

    Nhìn Nhóm Mười Hai, Ngài hỏi: “Còn các con, các con có muốn bỏ đi không?”. Simon Phêrô thưa với Ngài: “Lạy Thầy, chúng con sẽ theo ai?”. (Ga 6, 67-68a)

    Nói đến việc chọn lựa, H. Fosdick nhận định, “Người chọn nơi bắt đầu của một con đường, sẽ chọn nơi nó dẫn đến. Nó là phương tiện quyết định điểm kết thúc!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói đến việc chọn đi theo Chúa hay rời bỏ Chúa. Sau giáo huấn về Máu Thịt Ngài, về Bí Tích Thánh Thể của Chúa Giêsu, “Nhiều môn đệ rút lui”; nhưng bên cạnh đó, Tin Mừng còn cho thấy đức tin tuyệt vời của các tông đồ, đặc biệt là Phêrô. Khi nghe hỏi, “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?”; Phêrô đáp lại, “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai?”.

     

     

     

    Với người Do Thái, đụng đến máu là đụng đến cái gì đó nhơ uế. Thế mà Chúa Giêsu lại nói, “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì có sự sống đời đời!”. Đây là điều không thể chấp nhận; vì thế, một số dân chúng và cả môn đệ rút lui. Nhận định “Nhiều môn đệ rút lui” của Gioan được bản NAB của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dịch rất thâm thuý, “Nhiều môn đệ đã trở lại lối sống cũ”. Ai từ chối Bí Tích Thánh Thể, người ấy sẽ ‘trở lại lối sống cũ!’. Họ ‘trở lại lối sống cũ’, vì suy nghĩ của họ thuận theo thói đời, đức tin của họ quá non yếu, những gì Chúa Giêsu nói vượt quá khả năng nắm bắt của họ; vì thế, họ lìa bỏ Ngài. Vậy mà với bất cứ giá nào, Chúa Giêsu vẫn không lùi bước trước những mặc khải quan trọng về Bí Tích Tình Yêu này. Những gì Ngài đã nói, Ngài vẫn kiên định; chẳng hạn, “Thịt Tôi thật là của ăn, Máu Tôi thật là của uống!”. Vì vậy, khi hỏi, “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?”, Chúa Giêsu cho các môn đệ tự do chấp nhận hoặc từ chối Ngài. Ngài cho họ tự do, vốn là điều thiết yếu để họ đi sâu vào một đức tin sâu thẳm đích thực.

     

     

     

    Trước câu hỏi “Các con có muốn bỏ đi không?”, Phêrô đã trả lời bằng một câu hỏi, “Chúng con sẽ đi theo ai?”. Câu hỏi của Phêrô là một khẳng định; đúng hơn, một lời tuyên xưng đức tin ‘khéo giả trang’. Qua đó, vị Giáo Hoàng mai ngày tuyên tín Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Messia, Đấng Cứu Độ, Đấng ban Lời Hằng Sống; Ngài là ‘phương án’ tốt nhất của mọi lựa chọn. Những gì Phêrô nói là chứng từ của một chứng nhân đã tin rằng, chỉ có một lựa chọn tốt cho cuộc sống, và duy chỉ một; đó là chọn theo Chúa Giêsu bất cứ giá nào. Không có gì trong cuộc sống đáng để lựa chọn hơn Ngài, dù lựa chọn đó có phổ biến hay không; được ưa chuộng hay không, và không thành vấn đề khi người khác có chọn lựa như thế hay không. Trôi theo dòng chảy dẫn chúng ta xuống nhầm dòng sông, một đầm lầy chết người, vì chúng ta sẽ ‘trở lại lối sống cũ’; chọn Giêsu, một chọn lựa đúng đắn, giúp chúng ta có được dòng sông ân sủng, dẫn ra một đại dương xót thương!

    Dân Chúa thời Cựu Ước cũng phải chọn lựa. Qua bài đọc thứ nhất, Giosuê nói, “Hôm nay, anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ, các thần bên kia sông Cả hay các thần của người Êmôri; phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ thờ Chúa!”. Cũng thế, bài đọc Tân Ước, thư Êphêsô cho biết, vì tình yêu, Chúa Kitô đã chọn Hội Thánh như Phu Quân chọn lấy Hiền Thê để chăm sóc, yêu thương. Ai chưa một lần chọn Giêsu, hãy thử chọn Ngài! Ngài là thiên đàng, là hạnh phúc; là ngọt ngào trần gian; không chi sánh bằng, không ai sánh ví. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là một mời gọi không thể trìu mến hơn, “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn xem, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao!”.

    Anh Chị em,

    Trong những ngày qua, ngoại trừ các vùng dịch bùng phát, như Sài Gòn, phải cách ly nghiêm nhặt, thì các nơi khác, tại sao chúng ta lại tự sớm cách ly với nhà thờ đang khi các sinh hoạt khác vẫn gần như bình thường? Sợ hãi và lười biếng đang giết chết đức tin chúng ta trước khi Corona giết chết thân xác! Nhà thờ không sạch hơn các chợ hay các quán xá, các tiệm cà phê sao? Tại sao chúng ta đi làm răng, làm tóc, làm móng tay, đi chợ cá, đi ăn giỗ, thậm chí đi đám cưới hoặc đi lao động thường ngày… mà nhà thờ lại không đến? Nhà thờ phải là ‘nơi không đến’ cuối cùng trong ‘danh sách không đến!’. Ai cấm chúng ta dự lễ từ xa ngoài sân, ai cấm chúng ta đeo khẩu trang và ngồi cách xa người khác hai mét? Phải chăng chúng ta “đục nước béo cò”, “giả mù sa mưa” hay “mượn gió bẻ măng” để bỏ nhà thờ, bỏ lễ Chúa Nhật? Thật vô lý! Ma quỷ đứng cười, nó đang vỗ tay khi chúng ta rời xa Thánh Lễ, nơi chúng ta lẽ ra phải đến trước nhất, để xin Chúa bổ sức và xua tan dịch bệnh. Ai xa lìa Thánh Thể, sẽ ‘trở lại lối sống cũ’, một lối sống ngoại giáo! Chọn lấy Giêsu là không ngừng chọn bỏ mình, khỏi sự thờ ơ, lười biếng để khát khao Ngài, mến yêu Ngài.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin tha thứ, cho con siêng năng tìm đến với Thánh Thể, hầu con đủ sức mà chọn Chúa, chọn thay đổi chính mình, để không ‘trở lại lối sống cũ’, nhất là trong những ngày hôm nay”, Amen.

     

    (lời nhắn: mọi người đều có thể yêu cầu được nhận bài suy niệm tương tự của cùng tác giả trong mỗi ngày, xin liên lạc qua email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. – xin cảm ơn).

    Lm. MINH ANH, TGP. HUẾ

    Hẹn gặp lại 

     

     

     

     

     //////////