8. Đời Sống Tâm Linh

ĐỜI SỐNG TÂM LINH -

  •  
    Chi Tran

    THAM DỰ THÁNH LỄ DO LINH MỤC THÁNH THIỆN GIÚP CÓ LẠI ĐỨC TIN 

     

    Thánh Anphongsô nói những linh mục dâng thánh lễ thiếu sự tôn kính hoặc vội vã thường gây kết quả trái ngược. 
     
    Linh mục Mateo Crawley là một vị truyền giáo nổi tiếng trên khắp thế giới. Hồi đó không ai nổi tiếng hơn, nhã nhặn hơn, khiêm nhường hơn. Ngay cả những khi nói chuyện về những kẻ tội lỗi nhất mà ngài không được gặp, ngài vẫn tỏ sự nhân từ và lòng thương xót đối với họ.
     
    Chúng tôi được nghe chính miệng ngài kể lại một câu chuyện rất buồn như thế này: “Cha tôi là một kẻ chống đạo, dù ông là một người tốt, thật thà, thẳng thắn. Mẹ tôi là một người Công Giáo, nuôi nấng dạy dỗ con cái trong đức tin của người Kitô Hữu. Điều mong ước lớn lao nhất của mẹ tôi là mong sao cho cha tôi trở lại đạo. Bà hành động trong sự dè dặt khôn khéo, đặt niềm hy vọng trong lời cầu nguyện và sống gương mẫu hơn là thuyết phục. Bà không hề than phiền hay làm phiền tới cha tôi. Cha tôi biết được những ý tứ đó. Cuối cùng ước nguyện của mẹ tôi hầu như gần tới đích, vì cha tôi hứa sẽ đi lễ với chúng tôi. Và người đã đi thật, nhưng rủi thay hôm đó vị linh mục cử hành thánh lễ một cách hấp tấp lại thiếu sự thành kính thành thử cha tôi trở về nhà với sự thất vọng, người tuyên bố sẽ không bao giờ muốn trở trở lại đạo. 
     
    Chúng tôi cũng vậy, thật thất vọng vì ông không muốn nghe gì về đức tin Công Giáo nữa. Năm tháng qua đi, chúng tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện. Một buổi tối có một linh mục truyền giáo gọi cho chúng tôi. Cha tôi trong thái độ bình thường tiếp khách và mời ngài ở lại. Qua câu chuyện với sự dè dặt khôn ngoan, nhà truyền giáo đã cảm hóa được cha tôi. Một lần nữa, cha tôi bằng lòng đi lễ do ngài cử hành thánh lễ. 
     
    Vị thừa sai dòng Tử Nạn này rất đơn giản nhưng sốt sắng. Và tạ ơn Chúa, người cha tốt của tôi sau một thời gian ngắn đã đi học lớp giáo lý và trờ thành người Công Giáo.
     
    FR. O’SULLIVAN  

     

     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - 10 ĐỪNG KHI DỰ LỄ

  •  
    Chi Tran

     

    10 CÁI “ĐỪNG” KHI THAM DỰ THÁNH LỄ

    1. ĐỪNG ĂN MẶC LUỘM THUỘM, KHÔNG PHÙ HỢP KHI THAM DỰ THÁNH LỄ. Bạn cần ăn mặc lịch sự và chỉnh tề, kín  vì khi tham dự Thánh lễ là bạn tham dự tiệc Thánh: Tiệc Lời Chúa và Tiệc Mình Máu Thánh Chúa.

    2. ĐỪNG VÀO NHÀ THỜ MÀ ĐỂ TRỐNG GHẾ PHÍA TRÊN. Bạn có cơ hội ở gần Chúa hơn mà tại sao vẫn từ chối? Đừng quan tâm đến người khác nhìn tôi mà chỉ quan tâm rằng Chúa đang vui mừng khi tôi đến gần Ngài hơn.

    3. ĐỪNG ĐI TRỄ – VỀ SỚM. Nếu đi trễ hay về sớm, bạn sẽ bỏ lỡ Bàn Tiệc Lời Chúa hoặc Bàn Tiệc Thánh Thể Chúa. Thật đáng tiếc!

    4. ĐỪNG ĐẾN NHÀ THỜ VỚI MỘT CÁI XÁC KHÔNG HỒN. Hãy đến với Chúa với cả con người của mình.

    5. ĐỪNG ĐI LỄ ĐỂ ĐỐI PHÓ. ĐỪNG CHỈ VÌ SỢ TỘI NÊN TÔI MỚI ĐI LỄ. Chúa buồn lắm khi thấy bạn đến với Chúa với tâm trạng đối phó như thế. Chúa muốn bạn mang tâm tình của một người con thảo đến gặp gỡ Chúa là Cha.

    6. ĐỪNG CHỈ CÓ ĐI LỄ CHÚA NHẬT MÀ THÔI. Hãy cố gắng đi lễ thêm các ngày trong tuần vì Chúa luôn mong chờ được gặp bạn từng phút giây.

    7. ĐỪNG ƯƠN LƯỜI UỂ OẢI KHI DỰ LỄ. Hãy luôn nhớ rằng Thánh Lễ là Hy tế Chúa Giêsu nhờ tay Linh mục hợp cùng toàn thể dân Chúa mà dâng mình cho Chúa Cha như xưa chính Người đã dâng mình trên thánh giá.

    8. ĐỪNG NHẮN TIN HAY GỌI ĐIỆN THOẠI TRONG THÁNH LỄ. Hãy nói chuyện với một mình Chúa mà thôi vì chỉ có Ngài mới hiểu và giúp đỡ bạn một cách tốt nhất.

    9. ĐỪNG RA KHỎI NHÀ THỜ NGAY KHI VỪA RƯỚC LỄ XONG. ì đó là giây phút thiêng liêng nhất: Chúa đến viếng thăm linh hồn bạn. Vì thế, hãy ở lại nói chuyện, tâm sự và cám ơn Chúa.

    10. ĐỪNG CỐ TÌNH NGỦ KHI THAM DỰ THÁNH LỄ vì Nhà Thờ là nơi thánh thiêng để bạn gặp gỡ Chúa, chứ không phải là phòng ngủ bạn nhé!

    Lm. Vinc. Đỗ Minh Thăng.

     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ĂN CHAY CẦU NGUYỆN

  •  
    Chi Tran

     
    QUYỀN NĂNG CỦA ĂN CHAY VÀ CẦU NGUYỆN.
    Linh mục giúp xứ Ars kể: "Có một lần cha Gioan bắt những trẻ mồ côi cầu xin với Đức Mẹ, Thánh Giuse và Thánh Gioan Batixita một tuần chín ngày, và dặn chúng cầu nguyện thật sốt sắng vì có việc quan trọng và cần lắm nhưng cha không nói đó là việc gì.
    Đến giữa tuần, cha bảo tôi:
    - Kỳ này tôi buồn lắm vì nợ sáu nghìn quan tiền, nay hết hạn tôi phải trả ngay mà không còn đồng nào.
    Tôi thưa rằng:
    - Xin cha hãy trông cậy và cầu xin Chúa, chắc Người sẽ lo liệu cho cha.
    Quá trưa hôm ấy, cha vui vẻ đến thăm tôi và kể:
    - Tôi tìm được nhiều tiền nên đã trả hết nợ mà hãy còn dư.
    Tôi hỏi:
    - Thưa cha, cha tìm số tiền ấy ở đâu, xin cha dạy con làm phép lạ như cha.
    Cha Gioan yên lặng một lúc rồi nghiêm giọng nói:
    - "Không có sự gì phá được chước ma quỷ và mở lòng Chúa ban những điều ta cầu xin cho bằng ăn chay hãm mình, thức đêm cầu nguyện.
    Ngày xưa khi có một mình tôi coi sóc xứ Ars, chưa có linh mục nào giúp tôi và tôi còn khỏe thì tôi ăn chay, hãm mình, thức đêm nhiều lắm, nên tôi cầu xin điều gì thì được điều ấy.
    Nhưng bây giờ tôi già nua yếu đuối, không nhịn đói được như trước nữa, bây giờ tôi nhịn đói thì mệt mỏi, nhọc nhằn nói không ra tiếng". "
    Theo lời ấy, ta biết cách cha Gioan kiếm tiền và những điều khác mà cha muốn xin. Đó là bởi cha cầu nguyện, hãm mình, ăn chay đền tội, cha cậy nhờ người khác cầu nguyện và chính cha cầu nguyện suốt ngày thâu đêm nữa.
    ST Thiên Chúa Ba Ngôi
    Có thể là hình ảnh về 1 người
     
     
     
     
     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - TRƯỚC SỰ THA THỨ


  • Amazing Grace.jpg
     

    KINH NGẠC TRƯỚC SỰ THA THỨ

    “Ông này là ai mà lại tha tội được?”; “Đức tin con đã cứu con, con về bình an!”.

    “Amazing Grace”, “Ân Phúc Diệu Kỳ”, một trong những thánh ca Mỹ nổi tiếng nhất. Được viết năm 1772 bởi John Newton, thuyền trưởng của một tàu buôn nô lệ. Lần kia, gặp bão, tàu sắp đắm; Newton trải nghiệm sự giải cứu kỳ diệu của Thiên Chúa. “Lạy Chúa, xin thương xót!”, ông viết  trong nhật ký. Rời nghề hải hành, Newton trở lại, thành một mục sư. Ca khúc này độc đáo ở chỗ, chỉ có 5 nốt: Do, Fa, La, Sol & Rê. Thú vị hơn, ca sĩ ‘da đen’, Wintley Phipps tiết lộ, “Nó vẫn có thể được thể hiện chỉ trên ‘5 phím đen’ của dương cầm; phím đen của người nô lệ”, “Slaves’ scales”1.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Kỳ thú thay! Tin Mừng hôm nay không kể lại huyền thoại một ‘bản thánh ca’ cảm hứng từ một tàu nô lệ được cứu qua cơn bão, nhưng kể lại một bữa ăn; trong đó, một linh hồn được cứu! Một bữa ăn mà Chúa Giêsu được mời, vốn cũng ‘khá ly kỳ’, sẽ đưa người đọc đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Kinh ngạc ‘người mời’, kinh ngạc ‘khách mời’, kinh ngạc ‘khách không mời’ và nhất là ‘kinh ngạc trước sự tha thứ’ của vị ‘Khách Mời’ dành cho một tội nhân, “Ông này là ai mà lại tha tội?”; Ai mà dám quả quyết, “Đức tin con đã cứu con, con về bình an!”.

    Trước hết, kinh ngạc ‘người mời’. Thật lạ lùng, chủ nhà dọn bữa mời Chúa Giêsu là một biệt phái, một sự kiện khá hiếm hoi trong Tin Mừng; lẽ thường, người Pharisêu ít có cảm tình với Ngài, họ chỉ rình rập bắt bẻ; ở đây, Simon mời Ngài dùng bữa. Tiếp đến, kinh ngạc ‘khách mời’; ở đây là Chúa Giêsu, tuy nhiên, đồng bàn với Ngài, xem ra chỉ có các biệt phái; các môn đệ không được nhắc đến, khá bất thường! Bên cạnh đó, kinh ngạc ‘khách không mời’; kìa, một phụ nữ xuất hiện! Dưới cái nhìn của chủ nhà, vị ‘khách không mời’ này là một phụ nữ tội lỗi trong thành; nhưng dường như cô không quan tâm điều đó. Kinh ngạc hơn! Những gì cô dành cho Chúa Giêsu! Có đến 5 bước: Cô “đứng đằng sau Ngài”; cô “khóc, rửa chân Ngài bằng nước mắt”; cô “lau chân Ngài bằng tóc”; cô “hôn chân Ngài”; và cô “xức chân Ngài bằng một loại dầu thơm đắt tiền!”.

    Hãy dừng lại trong chốc lát, thử tưởng tượng những gì đã xảy ra! Người phụ nữ tội lỗi này đã hạ mình, bộc lộ một tình yêu ‘không giống ai’ đối với Chúa Giêsu. Nếu hành động trìu mến này không phải là một hành động đau buồn sâu sắc, thống hối thực lòng và khiêm hạ thẳm sâu thì chúng ta không biết phải gọi cho đúng tên nó là gì! Đó là một hành động không lên kế hoạch, không tính toán, và cũng không vận dụng; thay vào đó, là khiêm tốn, chân thành, và ‘tất cả con người!’. Nói khác đi, cô ta hoà quyện những gì quý nhất của đời con gái, tiền bạc, mái tóc, nước mắt… với những hành động đẹp nhất, tôn kính nhất, để dành cho Chúa Giêsu. Qua đó, cô như muốn van xin lòng thương xót của Ngài mà không cần nói một lời. Và kinh ngạc nhất! Chúa Giêsu cũng không hề tỏ một thái độ nào, Ngài cũng chẳng có một phản ứng nào, ngoài việc đọc ‘lời xá giải’ cho cô, “Tội con đã được tha!”; “Đức tin con đã cứu con, con về bình an!”. Ôi! Sự tha thứ, lòng trắc ẩn của Ngài dành cho cô! Ngay cả với những người biệt phái cũng phải sững sờ đến nỗi họ thốt lên, “Ông này là ai mà lại tha tội?”. Họ bối rối, nhưng hơn bất cứ điều gì khác, họ trải qua một sự kinh ngạc thánh thiện, vốn có một tên gọi chính xác là, ‘kinh ngạc trước sự tha thứ!’.

    Anh Chị em,

    Chỉ với ‘5 nốt’ nhạc chuyên chở trọn tâm tình vỏn vẹn trong ‘5 chữ’, “Lạy Chúa, xin thương xót!”, thế giới biết đến một trong những thánh ca nổi tiếng nhất của người da đen. Chỉ với ‘5 hành động’ thiết tha của người phụ nữ đã lay động được lòng Trời; cô đã hát lên bài ca ‘5 chữ’ ‘Giêsu, Đấng Hằng Xót Thương’.

    Bài ca ấy vẫn mãi vang lên trong lòng người, với lời đáp của Ngài, “Đức tin con đã cứu con, con về bình an!”. Đó chính là “lời đáp” mà toàn thể nhân loại đang cần hơn tất cả mọi tiếng hát lời ca. Cũng thế, chúng ta hãy dệt đời mình bởi 5 nốt nhạc tình yêu ấy trong bài ca bất hủ ‘Giêsu, Đấng Hằng Xót Thương’.

    Hãy đặt mình vào người phụ nữ tội lỗi! Chúng ta có ngạc nhiên trước quà tặng một khi được tha thứ không? ‘Kinh ngạc trước sự tha thứ’ dành cho người phụ nữ này nơi những ai chứng kiến, và nơi chính bản thân cô, sẽ giúp chúng ta xét lại thái độ của chính mình trước lòng thương xót của Thiên Chúa.

    Hãy liên tục nuôi dưỡng cho mình sự kinh ngạc của họ; để từ đó, không bao giờ coi sự tha thứ là điều hiển nhiên. Đúng hơn, phải xem nó là một điều phi thường, luôn luôn mới; đem lại niềm vui, bình an; và mãi mãi là cảm hứng kinh ngạc!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin lấp đầy tim con một sự ‘kinh ngạc trước sự tha thứ’ của Chúa. Cho lòng con luôn ngập tràn một niềm biết ơn sâu sắc, nhất là khi con trải nghiệm điều đó trong đời mình”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    [1] Anh Chị em có thể nghe “Amazing Grace”, Wintley Phipps: https://bit.ly/2Xm0Pug

    Kính chuyển:

    Hồng

     

ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ĐỜI LÀ VÔ THƯỜNG

  •  
    'Tien Do
     
     
    Mon, Sep 13 at 2:17 PM
     
     
    ĐỜI LÀ VÔ THƯỜNG
    Toàn Không
    (Tiêp theo)

    Chúng sinh bị vô minh che lấp, bị ái dục buộc cổ từ vô thủy sinh tử tử sinh, sự sống, cái chết cứ thế xoay vần, chẳng biết cội gốc của khổ. 

       Tất cả “hành” (ý muốn, tạo tác) là vô thường, chẳng thường hằng, chẳng an định, là “pháp” (vạn vật) biến đổi; vậy nên chán lià hành, ly hành, cầu giải thoát.

      

    3. KHỔ TỪ ĐÂU SINH?

        Tất cả con người mắc phải bệnh chấp, muốn cái gì mình ưa mình thích còn mãi mãi. Cái gì đẹp, cái gì hay, cái gì đem lại quyền lợi, hạnh phúc, lâu bền, cái gì có liên quan liên hệ tới ta, khi không còn nữa, mất đi, ta cảm thấy buồn khổ. Đây là lòng tham cái sở hữu của mình, nếu những sự mất mát như thế của người khác, ta có đau buồn không; cái xe của người khác hư, ta có buồn không, thân nhân của người khác chết, ta có buồn không? Chỉ những gì liên quan tới mình khi mất mới buồn, đó là do chấp ngã, chấp ta, chấp cái của ta, nên khi vô thường đến ta bị kéo lôi theo rồi đâm ra buồn khổ.

        Đối với cơ thể con người cũng vậy, luôn luôn có sự thay đổi từ thân xác đến tâm thần. Mỗi phút mỗi giây các tế bào trong cơ thể tăng trưởng và chết đi không ngừng; khi lớn tuổi tế bào tăng trưởng ít đi, trong khi tế bào chết gia tăng, đó là vào thời kỳ suy tàn. Khi ta nghe ai nói già liền phản đối không chịu, nhưng sự thực nó hiển hiện trên khuôn mặt dáng người, làm sao có thể chối cãi được với vô thường thay đổi. Khi còn trẻ làm đủ thứ việc không thấy mệt, khi lớn tuổi, làm việc chút ít đã thở mệt, rồi tự trách sao yếu qúa như thế? Đâu biết mỗi ngày ta xích dần lại chỗ chết một tí, thế mà nghe nói đến chữ “chết” thì hoảng sợ, vì không hiểu thể xác luôn luôn biến đổi.

        Ngay cả tâm niệm, nhớ nghĩ cũng biến đổi sinh diệt liên tục không dừng trong mỗi giây phút; ý nghĩ này sinh ra rồi mất đi, tưởng nhớ khác hiện lên tiếp nối, sinh ra, mất đi như dòng nước chảy không cùng tận.

        Mọi người cứ tưởng tâm niệm trước sau như một, nê thấy ai thay lòng đổi dạ, họ oán trách, giận hờn, phản kháng đủ điều. Có biết đâu rằng hoàn cảnh, điều kiện thay đổi, nên tâm tính người chuyển đổi theo; không nên tin tưởng rằng dù ở hoàn cảnh nào, tâm tính người vẫn như xưa, đó là tin tưởng sai lầm, nên mới có khổ. 

    4). LÀM SAO VÔ THƯỜNG ĐẾN ÍT KHỔ?
        Nếu sáng suốt nhận định thân là thay đổi, vô thường, tâm tính là chuyển biến không ngừng. Dù có mất mát, bệnh hoạn, già chết, cũng không có gì phải sợ phải buồn; lòng người có thay đổi, ta cũng không thấy có gì là lạ cả, như thế sẽ sống yên ổn.

        Những ai đã từng xa lâu năm nơi chôn nhau cắt rốn, khi trở lại thăm quê cũ người xưa, đều sẽ thấy sự thay đổi không còn nhận ra đâu vào đâu cả. Nếu không có người dẫn đường chỉ lối, chắc chắn là đi lạc không nhiều thì ít. Vì tất cả đều thay đổi với thời gian, nhà cũ biến mất hoặc siêu vẹo điêu tàn, nhà mới cất lên, đường sá khác hẳn; người xưa đâu mất, người nay mới lớn lên, chẳng nhận ra ai, đó là sự biến đổi, vô thường vật chất.

        Nếu cố bám víu vào những hình ảnh xưa kia, chúng ta sẽ buồn, nên hiểu rằng vạn vật đều đổi thay, chúng ta không còn cảm thấy lạc lõng và không còn buồn nữa.

        Bản thân muôn vật đều biến chuyển đổi mới, thấy rõ như vậy là thấy sự thật. Nghĩ rằng mọi vật là nguyên vẹn không thay đổi là không đúng, là cố chấp; bởi vậy phải học hỏi, quán sát để thấy các sự vật đúng như thật của nó.

        Mọi vật từ người vật đến cỏ cây đều có tăng trưởng, tốt đẹp rồi cằn cỗi.  Mọi vật đều thay đổi, không có cái gì cố định bền vững mãi mãi, vì bản chất nó là vô thường, không có chủ thể của nó, tức là vô ngã, như thân người do lục đại là “đất, nước, gió, lửa, không, thức” hợp lại mà thành. Một trong những thứ đó biến hoại là thân ta biến hoại theo, không thể giữ lại được.

        Thân ta mũi thở tim bóp, máu lưu thông, các tế bào, các bộ phận đều làm phận sự của nó, nếu chúng dừng lại là ta chết.

        Ngay cả hệ thống mặt trời cũng đang làm nhiệm vụ của nó là quay theo giải ngân hà, các hành tinh quay quanh mặt trời, các mặt trăng quay quanh các hành tinh. Dù trái đất này vững chắc như thế, cũng không phải là nó trường tồn bất biến, tới một ngày nào đó, nó cũng phải theo luật vô thường là “thành, trụ, hoại, diệt”.

        Nếu sáng suốt nhận định mọi sự ở đời đều là vô thường, ta sẽ ít buồn khổ.

     5). TÓM KẾT ĐỜI VÔ THƯỜNG:

        Do biết vạn vật vô thường, nên chúng ta chấp nhận những đổi thay của cuộc đời, như vậy là người hiểu biết sự vật một cách chân thật. Đây là người có “chính kiến”, thấy rõ mọi sự việc do nhân duyên sinh nên có, hết nhân hết duyên nên phải diệt, nên là “không”. Chẳng có cái gì có thực thể bản chất riêng biệt của nó mà tồn tại được, thấy rõ như vậy, mọi sự đổi thay, chuyển biến, ta sẵn sàng chấp nhận, và như vậy không có sự bất mãn trước sự thay đổi, không bất mãn, không bực tức thì không đau khổ.

        Sở dĩ chúng ta buồn khổ là vì sợ mất cái này, sợ mất cái kia, sợ thân này ốm đau, sợ thân này già xấu, sợ chết; biết mọi vật là đổi thay vô thường rồi, có mất, có bệnh, có già, có xấu, có chết, cũng là lẽ thường ở đời, có gì mà phải sợ, phải lo, phải buồn khổ? Mọi người đều chung cùng số phận của nghiệp báo, làm lành hưởng lành, làm ác chịu qủa dữ, có phải chỉ riêng ta đâu mà buồn khổ?

        Cái hơn là ta biết được sự thực ở đời là vô thường như thế, biết có nhân có qủa, ta cố gắng làm những việc phúc đức để gieo trồng qủa lành; còn người không biết thì khác, họ sợ hãi khi thấy chung quanh họ biến đổi, nhất là thân thể họ biến đổi lại càng lo sợ bấn loạn tâm thần, nên càng sầu não buồn khổ hơn! 

     

    --
    ************************************