1. Hôn Nhân & Gia Đình

TÌM GẶP CHÚA THẬT NHANH - UKRAINE ĐANG BỊ BẦM DẬP NGÀY 116

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - LỜI NÓI...VỜI CẢ TRÁI TIM

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     


    LỜI NÓI DỐI VỚI CẢ TRÁI TIM
    (Đôi dòng tâm sự như một lời cảm ơn gửi đến cha nhân ngày thế giới dành riêng để tôn vinh những người cha trong gia đình (Father’s Day). Cầu chúc cho những người cha còn sống luôn được mạnh khoẻ và hạnh phúc, gửi đến những người cha đã khuất lời tri ân cảm phục vì một đời cha đã hy sinh lo cho chúng con)
    Trong hành trình của kiếp nhân sinh, hầu như ai cũng cảm nhận được cái “giá trị rất thực” của một “chân lý rất đời thường” và mang tính “tương quan xã hội” này: “Không ai là một hòn đảo”[1].
    Thật vậy, chúng ta sinh ra lớn lên và tồn tại cho đến hôm nay là nhờ những người đã chăm sóc, dạy dỗ, quan tâm lo lắng, yêu thương, nâng đỡ ta. Nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ rằng, người thương yêu ta nhất là ai chưa? Với người này thì có thể là ông bà, là cô, chú, với người kia là mẹ hay anh chị em… Còn riêng tôi, “Cha” mãi mãi là người đem lại cho tôi niềm tin, tình yêu và lẽ sống. Cha là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cuộc đời tôi ở bất cứ nơi đâu, làm việc gì, lúc tôi vui hay buồn, dù trời nắng hay mưa, lúc tôi còn nhỏ hay khi trưởng thành, khi thành công hay thất bại, …hình bóng của cha con nào quên được…
    Có lúc cha là người mẹ cho con những lời khuyên ngọt ngào và sự mềm dẻo, uyển chuyển từ trái tim để con biết thích nghi với hoàn cảnh; có lúc cha là người anh chỉ bảo cho con sự mạnh mẽ, cứng rắn của một đấng nam nhi khi phải đối diện với sự thất bại trong cuộc sống. Đôi khi cha là người chị để dạy cho con sự khéo léo, tinh tế và thế nào là công- dung- ngôn- hạnh của một người con gái. Hơn nữa cha còn cho con biết thế nào là kính trên nhường dưới của sự khiêm nhường trong vai trò là một đứa em trong gia đình…
    Cha ơi! Cha mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng sưởi ấm tâm hồn con trong suốt cả cuộc đời, ngay cả khi cha không còn hiện diện bên con, ánh mắt cha luôn dõi nhìn và tình yêu cha luôn sưởi ấm trái tim con. Và thật đúng như người ta thường ví:
    Vầng trăng kia có lúc tròn lúc khuyết
    Nhưng tình cha luôn mãnh liệt chẳng ngừng
    Ánh dương kia có lúc mờ lúc tỏa
    Nhưng tình cha viết không thỏa một đời
    Vâng, cha là thế đấy! Cha không tính toán so đo, không sợ hiểm nguy, không ngại mưa nắng và cũng chẳng kể ngày đêm. Cha chỉ mong con hạnh phúc đó là niềm vui lớn nhất của cha.
    Gần đây trên kênh Yotube có ghi lại đoạn clip với tựa đề “My Dad is a Liar” (Bố tôi là kẻ nói dối). Đoạn clip này đang được cư dân mạng chia sẻ rầm rộ cho nhau bởi một thông điệp đầy ý nghĩa và thiêng liêng của tình phụ tử.
    Mở đầu đoạn clip là những hình ảnh vui tươi, đầy tình cảm yêu thương, gắn bó của hai cha con. Trong mắt cô gái nhỏ, bố mình là số 1: là ông bố tuyệt vời nhất trên thế giới, là người đẹp trai nhất, thông minh nhất, mạnh mẽ nhất, hiểu ý con nhất…, cái gì cũng nhất… Trong thế giới của cô bé lúc này chỉ có bố mà thôi. Nhìn nét mặt hai cha con lúc nào cũng toát lên vẻ hạnh phúc, yêu đời với nụ cười rạng rỡ trên môi, tay trong tay tung tăng dắt nhau đến trường, đi mua sắm. Tuy nhiên để cho đứa con gái mình có được một cuộc sống đầy đủ và vui vẻ như bao bạn bè khác, người bố đã chấp nhận làm những việc vất vả, cực nhọc nhất để kiếm tiền mà không hề nghĩ đến sức khỏe của mình. Và vì không muốn con lo lắng nên ông đã “nói dối” khiến cô bé tưởng rằng bố mình có công việc ổn định, kiếm nhiều tiền nên mình có đầy đủ tiền bạc và phương tiện học hành như bao bạn bè khác. Nhưng cái kết của câu chuyện khiến người xem không khỏi xúc động nghẹn ngào khi thấy cô bé phát hiện ra bố mình “nói dối”. Mặc dù còn bé nhưng rất hiểu chuyện, lặng lẽ quan sát từng công việc vất vả, nặng nhọc và hành động yêu thương của bố dành cho mình. Cô đã cố nén những giọt lệ nhưng cuối cùng đã thốt lên: “Con yêu bố”. Cái ôm siết chặt của hai cha con khiến người xem đau nhói và hết sức cảm động về tình phụ tử…!
    Vâng! Tình cha là thế đấy, sau khi xem xong đoạn clip tim tôi thổn thức khi nghĩ đến cha tôi. Cha cũng đã từng “nói dối” để tôi được hạnh phúc. Cha không tính toán so đo, cha luôn chịu thương chịu khó, chấp nhận phần thua thiệt để cho con được sung sướng và hạnh phúc mặc dù cả cuộc đời cha chưa một lần được sung sướng. Nửa phần đời còn lại của cha tôi chỉ biết chiến đấu với đau đớn bệnh tật. Đôi tay cuồn cuộn cơ bắp giờ chỉ còn lại da bọc xương, gương mặt khôi ngô tuấn tú giờ chỉ còn lại vết sẹo nhăn nheo đen sạm vì giãi dầu sương gió; mái tóc đen láy giờ được thay bằng những sợi tóc bạc phất phơ mong manh trước gió, đôi mắt tinh anh ngày nào đã làm cho mẹ tôi phải điêu đứng, giờ cũng chỉ lem nhem mò mẫn trong đêm tối, đôi chân đã từng lên rừng xuống biển, ngang dọc khắp trời giờ lại lừng khừng bước đi từng bước một…
    Mặc dù vậy nhưng khổ đau và bệnh tật không làm mất đi sự mạnh mẽ từ trong tâm hồn của cha. Cha cố gắng vượt qua những đau đớn của bệnh tật nơi thân xác để đem lại sự yên lòng cho gia đình, nhất là đứa con sống xa nhà như tôi. Ngày tháng trôi qua cha tôi bắt đầu đi vào quỹ đạo của thời gian và quy luật của tự nhiên đã không cho phép cha tiếp tục chiến đấu với thân xác nữa !
    Thế rồi ngày ấy đã gần kề khi hơi thở cha từ từ đứt quãng rồi bỗng một hôm tim tôi như thắt lại, tai nghe như sét đánh, tôi loạng choạng mất đi sự kiểm soát của bản thân khi nhận được điện thoại báo phải về gấp vì cha đau nặng… Tôi vội vã chạy về và vừa lúc cha nắm lấy tay tôi trong ánh mắt nhìn con hạnh phúc lần cuối nói trong tiếng thều thào, đứt quãng…; và kể từ giây phút ấy cha đã ra đi mãi mãi!
    Lòng tôi như tan nát và cảm thấy một sự mất mát quá lớn trong cuộc đời tôi, vì từ nay mình về dưới mái nhà này không còn hình bóng của cha; trong bàn ăn giờ đã trống đi một chỗ, giờ kinh tối lại vắng tiếng cha, mỗi buổi mai không còn nghe tiếng gọi ngọt ngào và cưng chiều của cha dành cho con sau bao nhiêu năm khôn lớn bên cha mỗi khi đánh thức con: “trời sáng rồi con gái!”; cánh cửa kia không còn bóng cha đứng đợi con khi kỳ nghỉ gần đến, không còn ai hứa hẹn phần thưởng cho con sau mỗi học kỳ, không còn ai động viên an ủi con sau những lần thất bại, và cũng chẳng còn ai làm những món ăn mà con thích nhất…; vâng, nhiều và rất nhiều thứ con mất đi khi không còn cha bên cạnh.
    Nhưng, cha ơi! Cha ra đi về với Chúa cha hãy yên lòng, con sẽ luôn sẽ luôn ghi nhớ lời dạy của cha, sẽ luôn yêu thương, kính trọng mọi người và sống tốt với bản thân, với những gì cha dạy và nhất là trung thành với lý tưởng con đã chọn. Tuy cha không còn hiện diện bên con nhưng những kỷ niệm và gương sáng của cha con xin ghi khắc, trân trọng và ấp ủ trong lòng con.
    Con biết tình cha không dịu dàng và nồng nàn như mẹ nhưng cha thương con với cả tấm long; cha dạy con nên người bằng những kiến thức đơn sơ, mộc mạc và chân chất của người nhà quê. Cha nghèo nhưng cha đã cho con một tâm hồn vô giá, gia tài cha để lại cho con là niềm tin, tình yêu và lẽ sống. Cha có biết không! Cho đến giờ này con mới hiểu tại sao cha đã từng “nói dối” với con, vì “trên trái đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha cho con mình” (Cicero); và con cũng không cần đắn đo phân tích cha của con là người thế nào, vì lúc nào tấm lòng của cha cũng thật vĩ đại, và trong trái tim con cha mãi mãi là người cha tuyệt vời nhất. Cảm ơn cha đã đem lại cho con một cuộc sống với nhiều niềm vui và đầy tình phụ tử.
    Nt. Anna Hiền Linh MTG - QN
    [1] Câu nói mang tính “cách ngôn” trên phát xuất từ một đoạn thuyết giáo nổi tiếng của một đại thi sĩ người Anh từ tế kỷ 16: John Done (1572-1631). Đây là đoạn thuyết giáo của tác giả trên: "Con người không phải là một hòn đảo, không chỉ là tự mình; mỗi người là một phần của lục địa, một phần của tổng thể; nếu sóng biển cuốn đi dù chỉ một hòn đất thì châu Âu sẽ trở nên bé hơn, cũng như nếu sóng biển cuốn đi cả vùng đất mũi hay ngôi nhà của bạn anh, hay ngôi nhà của riêng anh. Cái chết của mỗi con người làm cái tôi nhỏ lại vì tôi là một phần của toàn nhân loại, và bởi thế anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai: chuông nguyện hồn anh đấy". Sau nầy có nhiều tác (như Thomas Merton) đã lấy câu trên làm tựa đề cho một tác p
    Có thể là hình ảnh về 2 người và văn bản cho biết 'Love you paa... HAPPY HAPPY FATHERS DAY'
     
     
     

    Facebook

     

     
     
     
     

SỐNG TỈNH THỨC - KHÔNG LÊN THIÊN ĐÀNG MỘT MÌNH

  •  
    Chi Tran
     
     


    Không thể lên Thiên Đàng một mình
    Thiên Đàng chắc là nơi ai cũng ước ao sau cuộc sống trần gian này. Hành trình về quê hương ấy người ta không thể đi một mình. Vì nếu độc hành sẽ đi nhanh, nhưng khó đến đích.
    Ngược lại, đi cùng nhau có thể chậm, nhưng lại đến được nơi muốn đến. Điều ấy hoàn toàn đúng cho hành trình đức tin của mỗi người. Tiếc là ngày nay nhiều người muốn “độc quyền” nên thánh, hoặc muốn “đóng cửa” đối với những ai không cùng tôn giáo với mình.
    Nếu lật lại từng trang Tin Mừng, Thiên Chúa luôn mời gọi con người nên thánh cùng với nhau:
    – “Chúa phán cùng Cain rằng: “Abel, em ngươi đâu?” (St 4,1–15).
    – “Bạn bè thương mến nhau luôn luôn, và anh em sinh ra để giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn.” (Cn 17,17).
    Chúa vẫn mời gọi đoàn dân:
    – “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” (Lv 19,2).
    Hay Chúa Giêsu nhiều lần nhấn mạnh:
    – “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48).
    – “Anh em phải yêu thương người thân cận như chính mình.” (Mt 22,39).
    – “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. (Mc 16,15)
    – “Điều chúng tôi cầu xin là anh em được nên hoàn thiện.” (2Cr 13,9).
    –v.v.
    Đây là sứ mạng của Đức Giêsu: cứu độ hết thảy mọi người, đưa con người về Thiên Đàng. Ngài cũng trao sứ mạng ấy cho các tông đồ, cho Hội Thánh và cho mỗi người[1]. Bởi đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại rằng: “Chúng ta cùng nhau nên thánh. Việc nên thánh là một chuyến đi với cộng đồng, cùng bước bên nhau. Không thể nên thánh một mình và Thiên Chúa cũng không cứu rỗi ai một mình.” (Tông Huấn Vui Mừng Và Hân Hoan, 6).
    Đành rằng mỗi người phải có tương quan cá vị với Thiên Chúa, nhưng họ không thể quên những người bên cạnh. Sẽ là mâu thuẫn nếu người ta nói yêu mến Thiên Chúa nhưng lại ghét bỏ anh chị em mình. Các vị thánh là người đã thành công trong mến Chúa yêu người. Họ nên thánh trong việc giúp cho biết bao người nên thánh. Nơi linh đạo của mỗi nhà dòng, vị thánh tổ phụ của họ để lại biết bao gợi hứng và chỉ dẫn cho người đời nên thánh.
    Nếu ai đó yêu mến Thiên Chúa đủ mạnh, những người xung quanh cũng tìm được chút gợi hứng để nên thánh. Vả lại, người càng gần Chúa, họ càng ước mơ cho những người xung quanh cũng được hưởng niềm hạnh phúc này. Có người trao lại cho đời những công trình vĩ đại, đường lối tuyệt vời để nên thánh. Không ít người âm thầm cầu nguyện cho người khác đến gần Chúa hơn. Dù ở hoàn cảnh nào, người khao khát nên thánh cũng muốn cho tha nhân chung con đường với họ.
    Có người nói vui rằng trước cổng Thiên Đàng luôn đông người. Nghĩa là nếu vào Thiên đàng, chắc chắn là cùng nhau. Tưởng tượng trước ngai tòa Chúa, Thiên Chúa hỏi: “Những người khác đâu?” Chúng ta phải trả lời thế nào? Trong khi đó, Chúa muốn chúng ta tương thân tương ái lẫn nhau. Chúa mời gọi người ta nên hoàn thiện mỗi ngày. Đó luôn là mời gọi không chỉ nhắm đến chuyện nên thánh riêng tư, nhưng đòi hỏi lan tỏa ơn thánh thiêng ấy cho người xung quanh.
    Nếu đọc cuốn Giáo Lý Youcat dành cho người trẻ, bạn cũng thấy số 122: “Ta phải trở nên thánh chung với nhau. Ta phải đến với Thiên Chúa chung với nhau, trình diện trước Thiên Chúa chung với nhau. Ta không được gặp Thiên Chúa tốt lành người này sau người kia. Thiên Chúa có thể nói tốt lành sao được, nếu ta lại ra đi người này không có người kia?”
    Cụ thể trong gia đình, người cha không thể nên thánh, nếu không chu toàn trách nhiệm của người chồng, người cha. Người vợ cũng thế. Hóa ra nên thánh không gì khác hơn là, nhờ ơn Chúa, họ yêu người thân cận như chính mình. Chắc chắn sự thánh thiện của họ sẽ làm men muối cho nhiều tâm hồn khác nữa nên thánh.
    Đời sống Giáo Hội cũng thế. Cha xứ, người tu sĩ hay thậm chí cả Giáo Hoàng cũng không thể nên thánh một mình. Thiên Chúa sẽ đòi họ trả lời về hoa trái mà họ đã làm nơi dương thế. Họ đã sinh lợi được bao nhiêu nén bạc ân sủng Thiên Chúa trao cho. Ân sủng tài năng ấy chỉ nên “tấm vé” vào Nước Trời, khi bên họ có nhiều người nữa.
    Cũng vậy, một trong những tiêu chuẩn để Giáo Hội phong thánh cho ai đó là đời sống thánh thiện của họ. Nghĩa là, họ lan tỏa được tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa cho tha nhân. Nói cách khác, đời sống của họ lôi cuốn được nhiều người nên thánh. Đó là ơn Chúa, nhưng cũng là đòi hỏi của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy yêu thương anh em.” (Ga 15,12).
    Thật thú vị để chúng ta đọc qua vài chỉ dẫn nên thánh cùng nhau của Giáo Hội. “Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Bạn được mời gọi sống đời thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống sự dấn thân ấy cách thật vui tươi. Bạn đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội thánh. Bạn phải làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc thật tận tụy và chu đáo để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ con cháu biết theo Chúa Giêsu. Bạn đang ở một địa vị có quyền lực ư? Hãy nên thánh bằng cách quên lợi riêng để phục vụ ích chung.”[2]
    Hy vọng đời sống đạo của mỗi người luôn gần gũi với người khác. Tha nhân là quan trọng. Họ chính là món quà để giúp mỗi người nên thánh. Đành rằng yêu Chúa có vẻ khó, nhưng yêu người khác, nhất là yêu kẻ thù, lại càng thách đố hơn. Biết sao được khi Chúa đòi người tín hữu, người muốn vào Thiên Đàng phải thực thi điều ấy. Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta đi cùng nhau và cùng kiến tạo môi trường thánh thiện. Quan trọng là chúng ta dám trao đôi tay, tâm trí cho Thiên Chúa hay không mà thôi!
    Đã đến lúc cùng nhau hướng về Thiên Chúa. Thái độ kỳ thị, loại trừ và đóng kín với người khác hoàn toàn không thích hợp nữa. Bởi, thánh giá luôn có hai thanh: thanh dọc là tương quan với Thiên Chúa, thanh ngang là tương quan với tha nhân. Người ta chỉ có thể vào Thiên đàng nếu vác cả hai thánh của thánh giá. Đây là cơ hội và cũng là thách đố. Hy vọng chúng ta cùng nhau hẹn trước cổng Thiên Đàng. Nơi đó, Thiên Chúa chào đón mỗi người như một đoàn dân thánh thiện.
    Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
    [1] Công Ðồng Vatican II viết: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người” (GH 11.3).
    [2] x. Tông Huấn Vui mừng và hân hoan, số 14.
     
     
    2 lượt chia sẻ
     
    Chia sẻ
     
     
     
     

HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH - MỪNG NGÀY HIỀN PHỤ

HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH - HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA BA NGÔI

  •  
    Chi Tran
     
     
     


     

    THIÊN CHÚA BA NGÔI
    VÀ SỰ THÁNH THIỆN CỦA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

     

    Sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là sự sống của tình yêu ra khỏi mình để hướng tới người khác: 

     

    WHĐ (11.6.2022) - Khi còn là một học sinh trung học, tôi thường xuyên thảo luận về thần học với bố của tôi. Trong khi tôi là một đứa trẻ thích về thần học, (sau này, tôi đã theo học thần học tại trường đại học), còn bố tôi lúc ấy đang học thần học trong một chương trình đào tạo mục vụ giáo dân. Chính bố cũng là người đầu tiên nói với tôi về tính tương hợp giữa gia đình và Thiên Chúa Ba Ngôi.

     

    Tuy nhiên, khi nói về tính tương hợp giữa gia đình nhân loại và Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta đừng quên nhìn nhận rằng cách nói này có những giới hạn nhất định, vì tự nó, ngôn ngữ và hình ảnh của con người không thể diễn tả một cách thấu đáo về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

     

    Gia đình như một cộng đoàn của các ngôi vị

    Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, có 3 Ngôi vị nhưng chỉ có một bản tính duy nhất, đó là bản tính thần linh. Trong khi đó, một gia đình nhân loại bao gồm những cá vị và mỗi cá vị lại mang bản tính con người khác nhau. Ngoài ra, cả Ba Ngôi luôn hiệp nhất với nhau: Chúa Cha luôn ở trong Chúa Con, Chúa Con luôn ở trong Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần luôn ở trong Chúa Cha và Chúa Con, đây là điều không thể có trong gia đình nhân loại.

     

    Thật thế, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm rằng, dù có hiệp nhất, và hoàn hảo đến đâu thì gia đình vẫn luôn bao hàm những sự khác biệt, thậm chí lộn xộn! Trong gia đình vẫn có đó những quan điểm, sở thích ​​khác nhau giữa vợ-chồng, cha mẹ-con cái, và anh chị em với nhau; vẫn có đó những bất đồng, dù lớn dù nhỏ, xảy ra trong cuộc sống; và vì thế, vẫn luôn đòi hỏi những sự cố gắng liên lỉ hàng ngày, nhờ đó, mỗi người biết đặt ý muốn cá nhân sang một bên để có thể hoà hợp, làm vui lòng, và chiều theo muốn tốt lành của người khác.

     

    Hơn nữa, do hậu quả của sự Sa ngã nguyên tổ, gia đình của chúng ta luôn bị thách thức bởi những yếu đuối, sai phạm của nhau. Có ích kỷ, có bất hòa, có những buổi sáng gắt gỏng và những đêm mất ngủ. Nhưng chúng ta không ngã lòng, thất vọng, vì chúng ta có thể chiêm ngắm, cầu nguyện, và phó thác để cảm nghiệm gia đình cần sống như thế nào theo mẫu gương của sự hiệp nhất, và tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

     

    Sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi trong Gia đình

    Sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được ngụ ý trong toàn bộ Phúc âm. Chẳng hạn như Chúa Giêsu đã từng khẳng định: "Tôi và Chúa Cha là một" (Ga 10, 30); “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9) “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11, 27); “Khi Đấng Bàu Chữa đến, Đấng Ta sẽ gửi đến từ nơi Cha, Thần Khí sự thật, từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta” (Ga 15, 26); và “Ðức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về, và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa” (Lc 4, 1-2a); … Nhưng động lực của mối tương quan hiệp nhất này là gì?

     

    Giáo lý Công giáo cho chúng ta biết rằng, chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc. Chúa Cha là Đấng sinh thành, Chúa Con là Đấng được sinh ra, và Chúa Thánh Thần là Đấng xuất phát. Đây là sự đơn giản hóa mầu nhiệm phong phú và cao sâu về Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng, khi Giáo hội nói rằng chân lý của đức tin là một “mầu nhiệm”, thì không ngụ ý theo cách mà một người mẹ khăng khăng với đứa con của mình: “Đó là chân lý bởi vì mẹ đã nói như vậy!” Đúng hơn, Giáo hội có ý muốn nhìn nhận rằng, có những chiều sâu rộng của đức tin mà con người không thể đạt đến tận cùng, vì đó vốn là những điều vượt trên mọi điều chúng ta có thể hiểu được theo cách thức phàm nhân.

     

    Dù thế, đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là một thực thể trừu tượng, xa vời đến độ chúng ta không thể hình dung. Nhờ ân sủng của Bí tích Rửa tội, Kitô hữu được kết hiệp và được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tên gọi của bài Giáo lý này là "Thần hóa", mà với tôi, sau lần đầu tiên được nghe trình bày trong một lớp thần học tại trường đại học, đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Thánh Athanasiô đã có câu nói rất nổi tiếng, "Thiên Chúa đã trở thành con người, để con người có thể trở thành Thiên Chúa". Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ trở nên thần thánh, mà là chúng ta sẽ được cuốn vào một sự kết hiệp yêu thương sâu sắc đến độ chúng ta được dự phần vào đời sống của chính Thiên Chúa.

     

    Thật vậy, sự Nhập thể đã biến điều này thành hiện thực. Vì với sự Nhập thể, và sau đó là sự Thăng thiên, Chúa Kitô ngự trị nơi cung lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu Kitô đã không trút bỏ bản tính nhân loại của Người, nhưng đã mang nhân tính ấy về với Chúa Cha. Đây chính là niềm hy vọng cho vận mệnh cuối cùng của cuộc đời chúng ta.

     

    Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi trong Gia đình

    Sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là sự sống của tình yêu ra khỏi mình để hướng tới người khác: Từ đời đời Chúa Cha hướng về Chúa Con, yêu thương Chúa Con bằng Tình Yêu khôn tả là chính Chúa Thánh Thần. Tình yêu này không phải là về những cảm giác hạnh phúc, mà là về một niềm vui sâu thẳm, vô tận, một niềm vui chỉ có thể có được khi trao tặng tất cả, và tuôn đổ không ngừng cho người mình yêu.

     

    Trong đời sống gia đình bất toàn của chúng ta, tình yêu trao tặng của Ba Ngôi là mẫu mực mà chúng ta được kêu gọi để hướng tới. Nhưng làm sao có thể hiện thực hoá tình yêu này, nhất là nơi những gia đình tan vỡ, dang dở?

     

    Trước hết, khi noi gương tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi không có nghĩa là chúng ta phớt lờ những hành vi không xứng hợp của người khác sang một bên; cũng không có nghĩa là chúng ta chấp nhận những sai phạm, bất công, bạo hành từ vợ / chồng, cha mẹ hoặc con cái chẳng hạn. Tình yêu không chỉ đòi hỏi lòng thương xót, mà còn cần có sự công bằng. Do đó, mục đích tối hậu là chúng ta nhắm tới sự thánh thiện của cả chúng ta lẫn thành viên trong gia đình.

     

    Thứ đến, bất kỳ hình thức gắn kết nào với nhau đều phải được mô phỏng theo tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Yêu thương là chấp nhận, tôn trọng và hài hòa trong chính sự khác biệt của nhau. Điều này không có nghĩa là các gia đình sẽ luôn hoà thuận, nhưng sự bất đồng quan điểm không phải là để thắng trong khi tranh cãi, mà là để giành được trái tim của nhau; sự khác biệt ý thích trong cách sống không phải để thoả mãn chính mình, mà là để cảm thông, thấu hiểu và bù đắp cho nhau.

     

    Cuối cùng, gia đình là hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, không có nghĩa là biến gia đình thành một hình tượng cao cả hơn là thực tại nó muốn phản ánh. Gia đình không phải là mục tiêu cuối cùng, nhưng chỉ là một phần trong cuộc hành trình của chúng ta tiến về quê trời, nơi tất cả sẽ được hiệp nhất trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là mối liên kết bền chặt, trọn vẹn, và hoàn hảo hơn bất kỳ mối tương quan nào của con người trên trái đất này.

     

    Trong hy vọng, chúng ta hãy hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi và tin tưởng Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta đi vào mối hiệp thông thắm thiết với nhau trong Gia đình và với Ngài.

    Michele Chronister

    Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
    Dòng Đa Minh Thánh Tâm
    Chuyển ngữ từ: 
    catholicexchange.com (9. 6. 2022)

     

    ----------------------------------------