14. Cảm Nghiệm Tình Chúa Yêu Tôi

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI - TỪ MỘT CHIẾC XƯƠNG SƯỜN

TỪ MỘT CHIẾC XƯƠNG SƯỜN

 

Có người cho rằng chiếc xương sườn mà Thiên Chúa đã lấy từ Adam để làm nên Eva là chiếc xương đã giữ trái tim Adam quá chặt. Nó không cho trái tim được đập nhịp riêng tư. 

 

 

Từ chỉ một cái xương sườn thôi mà thế giới đã trở nên đổi khác. Một chiếc xương sườn được rút ra từ giấc ngủ say sưa, giấc ngủ cuối cùng của kiếp cô đơn buồn tủi. Một chiếc xương sườn để đổi lấy niềm hạnh phúc hân hoan. Từ một chiếc xương sườn mà có cái gọi là tình yêu chớm nở.

Tình yêu đến vào một khoảnh khắc bất ngờ. Nó là buổi ban mai của trang sử mới, là khởi đầu đầy hương hoa. Có tình yêu rồi, người ta mới thật sự hiện hữu, bằng không thì chỉ có thể gọi là tồn tại mà thôi. Người ta thấy cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa khi họ cảm nghiệm được rằng mình đang yêu và đang được yêu.

Tình yêu làm cho người ta biết nói, khiến cho con tim biết mở lời, như Adam lần đầu tiên thấy Eva đã thốt lên trong niềm vui sướng “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Khi người ta thấy đôi phương là tất cả đối với mình, ấy là yêu.

Yêu là khi người ta biết nhớ biết mong, biết chờ đợi; là khi người ta biết đếm thời gian, biết giận, biết buồn, biết hờn vô cớ. Người ấy đôi khi trở nên vô lý đến mức lạ kỳ, có lối hành xử chẳng ai hiểu, nhưng họ chẳng quan tâm; họ chỉ biết là mình đang hạnh phúc. Thế thôi!

Tình yêu mang đến cho người ta một sức mạnh, làm người ta biết đổi và trở nên khác trước rất nhiều. Ai đã yêu thì không biết sợ, ngoại trừ cái sợ sẽ mất đi người mình yêu hay sợ người ấy không yêu mình, phản bội mình. Ai đã yêu, người ấy đủ sức mạnh để làm điều mà bấy lâu nay họ không bao giờ nghĩ là mình có thể làm được.

Yêu một người là thừa nhận sự yếu đuối và nghèo nàn của mình trước người đó. Ta chẳng ngại thổ lộ cho người đó biết là mình cần họ nhiều như thế nào, thậm chí là chẳng thể sống được nếu thiếu họ. Yêu ai thì xem người đó là sự sống của mình, là tất cả của mình. Nụ cười-nước mắt của người đó quyết định hạnh phúc-nỗi buồn của mình.

Yêu ai là dành cho người đó sự bất tử. Người đó không già đi, không chết đi nhưng luôn sống trong trái tim mình. Người đó mãi mãi trường tồn, hội tụ tất cả tinh hoa nét đẹp của trời đất. Dù mọi thứ có qua đi, dù thời gian có vô tình cuốn trôi tất cả, tình yêu luôn làm cho người ta sống, và mỗi ngày được sống cách viên mãn và tròn đầy hơn.

Có người cho rằng chiếc xương sườn mà Thiên Chúa đã lấy từ Adam để làm nên Eva là chiếc xương đã giữ trái tim Adam quá chặt. Nó không cho trái tim được đập nhịp riêng tư. Nó kiềm giữ Adam, khiến ông chỉ biết đến mình cùng mọi thứ cây cỏ muôn thú chung quanh mà chẳng để ý gì đến một thực tại khác. Con tim lúc ấy của Adam không thể thở, không thể có tiếng nói của mình, không thể rung cùng một nhịp đập với bất kỳ trái tim nào khác.

Chiếc xương đó phải bị lấy đi, để con tim kia bắt đầu được mở ra với thế giới mới, thế giới của tình yêu. Thế giới này sao có thể được coi là “tốt đẹp” nếu vắng bóng tình yêu? Đỉnh cao trong công trình sáng của Thiên Chúa và cũng là sáng kiến tuyệt hảo của Ngài là cho con người được hưởng nếm hương vị của tình yêu. Đắng có, ngọt có [như chiếc socola] nhưng như thế mới cuốn hút lòng người. Yêu là khi người ta để cho con tim lên tiếng, chứ không kìm kẹp nó bằng thứ lý lẽ của trí khôn. Yêu là yêu, chứ chẳng cần biết vì sao yêu, yêu thì được gì mất gì.

Dù là năm – mùa – ai khác – chỉ ta (14.02), hay mình – bức tường – ai cả – hàng nước mắt (14.02) thì ngày 14.02 cũng đã trở thành ngày để người ta nói về tình yêu, nghĩ về tình yêu và thật sự đắm chìm trong tình yêu. Có người hạnh phúc trong ngày này, có người “hai hàng lệ” rơi trong ngày này, nhưng tất cả đều hướng về “tình yêu”. Tình yêu làm cho người ta hạnh phúc đến vô bờ, cũng có thể khiến người ta đau khổ muốn hoá điên. Nó làm người ta nên tốt hơn, cũng có thể khiến người ta tồi tệ gấp ngàn lần. Nó chắp cánh cho người ta bay lên trời, cũng có thể dìm người ta xuống hoả ngục. Nó biến người ta thành thiên thần, cũng có thể làm người ta thành quỷ dữ.

Vâng, tất cả chỉ từ một chiếc xương sườn định mệnh! Một sự thất thoát nhỏ nhoi để có lại được cả nguồn sống dồi dào.

Cầu chúc cho những ai đang yêu, yêu bằng cả trái tim để cho tình yêu trở thành nguồn suối mát tưới vào những khô cằn, làm trổ sinh nơi đó những hoa thơm trái ngọt và biến thế gian thành cõi phúc Thiên Đường.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

-----------------------------------------------------

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI - THỨ BẢY CN4TN-C

Thứ Bảy CN4TN-C

Lời Chúa

 

Bài Ðọc I (Năm I): Dt 13, 15-17, 20-21

"Nguyện Thiên Chúa bình an, Người đã đem ra khỏi cõi chết Ðấng nhờ máu giao ước, làm cho anh em xứng đáng thi hành việc thiện".

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, nhờ Ðức Giêsu mà trong mọi lúc, chúng ta luôn luôn hiến dâng cho Thiên Chúa của lễ ngợi khen, tức là hoa quả của miệng lưỡi ta tuyên xưng danh Người. Anh em đừng quên công việc từ thiện và sự tương tế, vì Chúa hài lòng về những của lễ như thế. Anh em hãy vâng lời và tùng phục các vị lãnh đạo anh em, vì chính các ngài canh giữ linh hồn anh em, như những người sẽ phải trả lẽ, để các ngài hân hoan thi hành việc đó, chớ không phàn nàn, vì điều đó không có lợi gì cho anh em. Nguyện Thiên Chúa bình an, Người đã đem ra khỏi cõi chết Ðấng nhờ máu giao ước vĩnh cửu, trở nên vị Mục tử cao cả, tức là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xin Người làm cho anh em trong các việc thiện, xứng đáng thi hành thánh ý Người, khi Người thực hiện trong anh em điều Người hài lòng, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Ðấng được vinh quang đến muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sỡ dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta". - Alleluia. 

Phúc Âm: Mc 6, 30-34

"Họ như đàn chiên không người chăn".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô.

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Ðó là lời Chúa. 

 

 

Suy niệm

 

 

Hôm nay, Thứ Bảy, ngày cuối cùng trong Tuần 4 Thường Niên hậu Giáng Sinh, chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung thời điểm phụng vụ kéo dài cho tới Mùa Chay này, vẫn tiếp tục với phụng vụ lời Chúa hôm nay nói chung và bài Phúc Âm nói riêng, ở câu "Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều".

Đúng thế, là Đấng được sai đến và thực sự đã "đến cho chiên được sự sống và là sự sống viên mãn" (Gioan 10:10), Chúa Giêsu không động lòng thương "họ như đàn chiên không người chăn" sao được! Đó là lý do, trong bài Phúc Âm Thứ Năm vừa rồi, Người đã sai cả các tông đồ của Người đi đến với họ để đáp ứng nhu cầu mục vụ của họ nữa, ở chỗ: "Các ngài trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân".

Cũng có thể vì thế, vì ảnh hưởng thành công của cuộc truyền giáo tiên khởi này của các tông đồ cho "các con chiên lạc nhà Yến Duyên / Israel(Mathêu 15:24) mới xẩy ra hiện tượng "dân chúng đến tấp nập", ngay sau sự kiện "các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy", càng lúc càng đông "đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống", không tìm được một nơi kín đáo thuận lợi cho bản thân các vị sau chuyến đi mệt mỏi tuy đầy hứng thú, như chính Chúa Giêsu đã thông cảm và khuyên giục các vị: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút".

Có lẽ điều làm cho Chúa Giêsu động lòng nhất nơi dân chúng bấy giờ không phải chỉ vì họ đông đúc kéo đến với thày trò của Người, cho bằng sự kiện cho dù "các ngài (có) xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh (như thể tạm xa lánh họ để nghỉ ngơi một chút nhờ đó và sau đó có sức phục vụ họ hơn)(Nhưng khi) Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài". Có nghĩa là trong thành phần dân chúng này đã nhiều người trong họ cảm thấy nghiện thày trò của Người, không có không được, thậm chí đã quen hơi biết tiếng của các ngài, biết được cả ý định đi đâu cùng với điểm đến của các ngài nữa.

Họ tha thiết theo đuổi các ngài, một cách, chẳng những thấu biết về các ngài, mà còn hết sức mau mắn nữa, ở chỗ, cho dù "đi bộ" theo đường vòng hơn là đường thẳng như bằng thuyền theo đường thủy như thày trò các ngài, mà họ vẫn "kéo đến nơi đó (còn) tới nơi trước (cả) các ngài (nữa)". Thường bao giờ đến với Chúa Giêsu, họ cũng dẫn theo các nạn nhân bệnh hoạn tật nguyền, hay chính các nạn nhân tật bệnh này đích thân đến với Người. Vậy mà cả thành phần bệnh hoạn tật nguyền này trong dân chúng cũng có đủ sức và dư sức đến trước các ngài để nghênh đón các ngài!

Thật là cảm động. Thật là dễ thương. Thật là đáng thương. Bởi thế, mới có chuyện "lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều".

Đối với Chúa Giêsu, vì "người ta sống không nguyên bởi bánh mà còn bởi mọi lời bởi miệng Thiên Chúa phán ra" (Matheu 4:4), và vì chỉ có "những lời Tôi nói với quí vị toàn là thần linh và là sự sống" (Gioan 6:63) mà trước khi Người làm phép lạ bánh hóa ra nhiều nuôi họ lần thứ nhất, như đoạn Phúc Âm tiếp theo sau bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, "Người(đã) dạy dỗ họ nhiều điều".

"Nhiều điều" mà Chúa Giêsu đã muốn "dạy dỗ" cho dân chúng bấy giờ là những gì? Phải chăng về Nước Trời, bằng các dụ ngôn khác với những dụ ngôn Người đã được Người sử dụng trước đó?? Phải chăng là các mối Phúc Đức Trọn Lành như Người đã giảng dạy và được Thánh ký Mathêu ghi lại trong Phúc Âm của mình kéo dài đến 3 đoạn, từ đoạn 5 đến hết đoạn 7, hay cũng đã được Thánh ký Luca ghi lại trong Phúc Âm của ngài ở đoạn 6, những gì được cả 2 vị thánh ký này ghi lại hoàn toàn chưa hề có trong Phúc Âm của Thánh ký Marco???

Căn cứ vào đoạn Phúc Âm ngay sau bài Phúc Âm hôm nay, đoạn Phúc Âm liên quan đến phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất, chúng ta chẳng những biết được con số dân chúng "tấp nập kéo đến" là bao nhiêu mà còn biết cả nội dung của những gì Chúa Giêsu muốn dạy dỗ cho dân chúng bấy giờ nữa.

 Trước hết, căn cứ vào phần ăn được Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều mà còn thu lại được 12 thúng đầy thì con số dân chúng hiện diện bấy giờ là 5 ngàn người đàn ông, không kể đàn bà con nít, mà đàn bà con nít bao giờ cũng đông hơn gấp hai hay gấp ba đàn ông, thì con số dân chúng bấy giờ phải lên tới cả 15 - 20 ngàn người.

Sau nữa, về nội dung bài giảng của Chúa Giêsu, căn cứ vào Bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan, đoạn 6, sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no nê còn dư 12 thúng đầy, và sau khi trốn lên núi để tránh cảnh dân chúng tôn vương mình, cuối cùng dân chúng cũng tìm thấy thày trò của Người thì Chúa Giêsu đã giảng dạy họ về Bánh Sự Sống là chính bản thân Người nói chung và thân xác của Người nói riêng cho những ai tin vào Người là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý": "Tôi chính là bánh sự sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời. Bánh Tôi ban chính là thịt Tôi cho thế gian được sự sống" (Gioan 6:51).

Phải, chỉ  "những lời Tôi nói với quí vị toàn là thần linh và là sự sống", và những ai khao khát lời Người, theo đuổi Người cho đến cùng như đám đông dân chúng trong Bài Phúc Âm hôm nay mới được "Người dạy dỗ họ nhiều điều", về chính bản thân của Người, nhờ đó họ mới có thể khôn ngoan và sống trọn hảo theo đúng thân phận làm người phổ quát của họ cũng như ơn gọi riêng biệt trên đời của mỗi người trong họ.

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên 

Thu.7.IV-TN.mp3  

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI - THÁNH PHAOLO TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI

THÁNH PHAOLÔ TÔNG ÐỒ TRỞ LẠI,
�ngày 25/01
 
Mc 16, 15-18
Thánh Phaolô đã viết:" Tôi biết tôi tin vào ai và xác tín rằng: Ðức Kitô là Vị Thẩm Phán chí công có đủ quyền năng bảo toàn Giáo lý đã được giao phó cho tôi. Mãi cho tới ngày Người ngự đến"( 2Tm 1.12; 4, 8 ). Thánh Phaolô đã có một cảm nghiệm sâu xa về Chúa Kitô khi Ngài bị đánh ngã ngựa trên đường đi Ðamas.
 
PHAOLÔ LÀ AI ?
Phaolô là người Do Thái thuộc chi tộc Benjamin, tên của Ngài là Saolô, quê Tarsê xứ Cilicia. Gia đình của Phaolô đã nhập tịch làm dân Roma, nên Ngài cũng là dân Roma. Saolô ngay từ thuở thiếu thời luôn trung thành với truyền thống của cha ông mình. Saolô là một phần tử hăng say thuộc nhóm biệt phái, luôn thù ghét các Kitô hữu, thù ghét Giáo Hội của Chúa Giêsu. Saolô đã tham dự vào việc ném đá Stêphanô:".Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saolô"( Cv 7, 58 )." Phần ông Saolô, ông tán thành việc giết ông stêphanô"( Cv 8, 1 ). Saolê bắt đầu từ lúc đó càng hăng say bắt bớ Giáo Hội Chúa Kitô:" Còn ông Saolô thì cứ phá hoại Hội Thánh: Ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục"( Cv 8, 3 ). Saolô đã được các thượng tế Do Thái cho phép, đồng ý nên đã đến các hội đường ở Ðamát, để nếu thấy những người theo Ðạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem( Cv 9, 1 ).
 

CHÚA KÊU GỌI SAOLÔ

Chúa luôn có con đường của Ngài và nẻo đường của Ngài không ai biết trước, không ai hiểu rõ như thánh Phaolô đã viết:" Sự giầu có, khôn ngoan à thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu ! Ðường lối của Người, ai theo dõi được"( Rm 11, 33 ). Trên đường đi Ðamát với một khí thế hung hăng, đằng đằng sát khí, Saolô muốn tiêu diệt Giáo Hội của Chúa. " .Thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy Ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với Ông:" Sa-un, Sa- un, tại sao Ngươi bắt bớ Ta"( Cv 9, 4 ) . Saolô liền hỏi lại:" Thưa Ngài, Ngài là ai ?"( Cv 9, 5)
Người đáp:" Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ"(Cv 9, 5 ). Và Saolô đã khuất phục:" Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ?". Chúa truyền cho Saolô vào thành và gặp Khanania, nơi đó Khanania đã nói với Saolô:" Anh Sa-un, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Ðức Giêsu, Ðấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần"(Cv 9, 17 ) và" Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông saolô, và Ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu phép rửa"(Cv 9, 18 ). Saolô từ lúc sáng mắt đã hoàn toàn được đổi mới. Ông nhiệt thành đi rao giảng Tin Mừng nước Thiên chúa. Với tên mới Phaolô, vị tông đồ được Chúa chữa sáng mắt đã nong nả đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng và trở nên vị tông đồ dân ngoại rất lừng danh. Thánh nhân đã luôn tin tưởng vào Chúa, Ngài viết:" Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Ðấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi"( Gl 2, 20 ).
Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời rao giảng của thánh Phaolô tông đồ để dạy dỗ muôn dân. Hôm nay, mừng kỷ niệm ngày thánh nhân trở lại tin theo Ðức Kitô, NHỜ THÁNH THẦN ĐÁNH ĐỘNG chúng con QUYẾT TÂM noi gương thánh nhân để tiến đến gần Chúa và trở nên chứng nhân của Tin Mừng"( lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Phaolô trở lại).
 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

--------------------------------------------------

 
 

Kinh chuyen,
QP
 
God bless you!
www.tonghoimancoi.org 

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI - DẤU CHÂN XƯA

DẤU CHÂN XƯA
KRISTIE PHAN CHUYỂN
    Tìm dấu chân xưa là tìm dấu chân không còn.  Trở về biển nhớ, nghìn dấu chân đã đi qua.  Sóng xô bờ đã bao lần xoá thật kỹ.  Trở về làng cũ, tàu cau đã chết thủa nào.  Năm tháng cũ nhạt hương không còn ấn tích.  Mưa nắng quanh năm giặt bạc màu ký ức.  Đổi thay trong đời như những lớp phù sa đã bao lần cày sâu xuống, lấp kín lên.  Tìm dấu chân xưa là tìm dấu chân đã mất.
    Không còn dấu chân cũ mà vẫn cứ tìm vì dấu chân ấy có nhiều thương nhớ.  Bến ga chiều nay mưa phùn bay, nhưng người ta trở về tìm dấu chân cũ vì ảnh xưa thì đẹp và hình xưa là hạnh phúc.  Tìm vết chân cũ, vì ở tình yêu ấy, đã bao lần ngọt ngào cùng nhau quấn quýt bước chân đi.  Không gian thay đổi nhưng hồn quá khứ không muốn đổi thay.  Thế giới ấy đi bằng những bước chân đẹp nên nó trong ngắt.  Bụi chỉ xoá dấu chân trên đường còn thế giới trong ngắt của linh hồn nó đẹp mãi.  Và, vì thế, nhiều người cứ muốn đi tìm.
Đi tìm dấu chân xưa, vì về ngõ hồn quá khứ có khi dễ hơn lách lối tương lai đi tới.  Đời người có khi tương lai khép kín mà quá khứ mở rộng ngõ.  Lắm lúc càng đi về phía trước mà lại chỉ thấy đẹp ở phía sau.  Vì thế, hôm qua, hôm nay và mãi về sau vẫn sẽ có nhiều kẻ muốn đi tìm kỷ niệm của dấu chân xưa.
    Dấu chân không gian đã mờ nhạt, bụi cát bôi rồi.  Đi tìm dấu chân xưa là dấu chân trong hồn mà thôi. Có nhiều bước chân.  Có bước chân lên đồi.  Có bước chân vào hoàng hôn.  Có bước chân ra bình minh.  Đi tìm dấu chân xưa là tìm riêng kỷ niệm đẹp.  Nhưng khi quá khứ mở ngõ là mở rộng cả đôi cánh.  Vì thế, có những dấu chân không đẹp, chẳng muốn 20tìm mà vẫn gặp.  Có dấu chân muốn quên mà cứ nhớ.
    Lạy Chúa, trong hành trình đời sống, Chúa đã nói với con về những bước chân:
   Đừng dõi theo đường phường gian ác
Đừng tiến tới trong đường lũ ác nhân
Hãy tránh đi, đừng đi qua đó
Hãy quay lại và đi đi. (Cách Ngôn 4:14-15)
   Ta dạy con trong đường khôn ngoan
Và Ta đã hướng dẫn con đi đường ngay chính. Khi con đi bước chân con sẽ thênh thang.  Và nếu con chạy, con sẽ chẳng vấp ngã.  (Cách Ngôn 1:11-12)
 
Dấu chân của một mình ta thôi mà đã là những dấu chân xưa muốn đi tìm rồi.  Huống chi, những dấu chân của hai người đi bên nhau chắc hẳn sẽ còn lưu luyến, bởi, vết chân của người này mở ý cho vết chân của người kia đi về.  Con tim mình thổn thức vì nó dâng hai nhịp đập của một chiều sóng.  Vết chân hôn nhân và vết chân của Đức Kitô với các môn đệ là những vết chân này.

Dấu Chân Thiêng Liêng
   Trong dấu chân xưa của những chuyện tình, chuyện thuỷ chung, còn một thứ dấu chân của thập giá. Đó là dấu chân theo Chúa ở biển hồ Galilêa khi nghe tiếng gọi: Hãy theo Ta (Mt 4:19).  Theo Chúa trong hành trình truyền giáo: Ngài sai từng hai người một (Mc 6:7).  Theo Chúa lên cuộc tử nạn: Hãy vác thập giá hằng ngày (Lc 9:23).  Những dấu chân thiêng liêng này không sao xóa nhoà được.  Những bước chân này đã một lần in dấu là kỷ niệm thiên thu.  Bởi, Thiên Chúa quý kỷ niệm.  Ngài không bao giờ quên những bước chân ân tình.  Một lần gọi là một lần muốn có trang thiên tình sử.  Một bước chân đi bên nhau là hy vọng có kẻ mang Tin Mừng.
    Khi chết rồi Đức Kitô vẫn về Galilêa, vẫn muốn đến biển hồ.  Gặp gỡ Thây trò ở khúc đường Emmaus không phải là đi tìm dấu chân xưa hay sao.  Nhưng dấu chân xác thân không còn.  Chỉ còn là dấu chân xưa trong hồn mà thôi.  Đó là dấu chân thiêng liêng.
     Cửa tương lai sẽ đóng lại.  Thí dụ, ngày Đức Kitô chết.  Vết chân trên cát của Ngài chấm dứt.  Mỗi bước chân nhân thế cũng vậy.  Ngày xuôi tay là bước chân sau cùng chào vĩnh biệt đường trần.  Sự chết đến như con đường cụt.  Tôi không còn bước nữa.  Bây giờ tôi chỉ còn quay lại tìm dấu chân xưa. Và bây giờ dấu chân xưa trở thành vô cùng huyền nhiệm linh thiêng.  Tất cả định mệnh hạnh phúc hay đau khổ của tôi trong cõi sống vĩnh hằng hệ tại những dấu chân xưa này.  Tôi đã bước đi trong quá khứ thế nào, thì bây giờ bước chân ấy cũng dẫn tôi vào tương lai như vây.  Bước chân ngang trái sẽ dẫn tôi tới ngang trái.  Bước chân chính trực, chính trực sẽ đem tôi tới đại lộ.  Cái huyền nhiệm của dấu chân xưa thiêng liêng là không tìm, tôi cũng sẽ gặp, cũng phải gặp, như lời Kinh Thánh sau đây:
   “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người.  Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.  Người cho chiên đứng bên phải Người còn dê đứng bên trái…Bấy giờ đức Vua phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thủa tạo thiên lập địa… Rồi Đức Vua phán cùng những người ở bên trái rằng: Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành cho tên Ác Quỷ và các thần của nó.” (Mt 25:31-46)
   Giờ này, dấu chân xưa thiêng liêng có sức mạnh thần thánh đưa tôi về trời cao hay xuống vực sâu.
    Ai cũng có kinh nghiệm dấu chân xưa trong đời sống trần thế.  Ngày thơ tuổi nhỏ.  Tấm hình năm cũ.  Nó đưa ta về những vùng ký ức xa mờ.  Dấu chân xưa oan trái sẽ làm ngày tháng hôm nay của ta ảm đạm.  Dấu chân xưa đẹp thì hôm nay cho ta hạnh phúc ngọt ngào.
   Trở lại một bến ga bụi sương, dù năm tháng mù mịt rồi, người xưa đã khuất mà lòng ta cứ gần.  Ghé lại bến đò cũ, dòng sông gợi cho ta bao nhớ nhung.  Dấu chân xưa trong chuyện mình lúc còn sống là thế. Nhưng không ai biết thao thức của người chết đi tìm dấu chân xưa như thế nào.  Đơn giản, là không có ai từ cõi chết về kể chuyện cho ta nghe cả.  Phúc Âm có kể chuyện một người chết đi tìm dấu chân xưa như sau:
     Xưa có một nguời giàu, ăn mặc những gấm tía, và hàng mịn; ngày ngày yến tiệc linh đình.  Lại có người ăn mày tên là Lazarô, người ta vứt bỏ bên cổng nhà ông, mình đầy lở lói, ước ao có được miếng thừa dưới bàn ông nhà giàu mà ngốn cho no, lại còn bầy chó hoang liếm các ung nhọt người ấy.  Nhưng xẩy ra là người ăn mày chết, và được các thiên thần đem lên dự tiệc ngay lòng Abraham.  Còn ông nhà giàu cũng chết và được tống táng.
     Trong âm phủ giữa những cực hình, ông nhà giàu ấy ngẩng mặt lên, thấy đằng xa Abraham cùng Lazarô nơi lòng ông.  Người ấy mới kêu lên và nói: “Lạy cha Abraham, xin thương xót tôi, và sai Lazarô nhúng đầu ngón tay một chút nước mà thấm dịu lưỡi tôi, vì tôi quằn quại đây trong ngọn lửa này.” Nhưng Abraham nói: “Hỡi con, hãy nhớ lại: suốt đời con đã lãnh cả sự lành phần con, còn Lazarô cũng lãnh, nhưng chỉ là tai với họa.  Bây giờ Lazarô được an ủi nơi đây, và con phải quằn quại đau đớn.  Vả chăng giữa chúng ta và các ngươi, đã cắt ngang định sẵn một vực thẳm, khiến cho tự bên này, ai muốn cũng không thể qua bên các ngươi, và tự bên ấy, người ta không thể quá giang đến được với chúng ta. “ Ông nhà giàu lại nói: “Vậy thì, lạy tổ phụ, xin tổ phụ sai Lazarô đến nhà con, vì con có năm anh em, ngõ hầu Lazarô làm chứng răn dạy chúng, kẻo chúng cũng phải sa vào chốn cực hình này.” Abraham nói: “Chúng đã có Maisen và các tiên tri, chúng hãy nghe lời các ngài.” Người ấy đáp: “Thưa tổ phụ Abraham, không đâu!  Song có ai từ cõi chết mà nói với chúng, tất chúng sẽ hối cải.” Nhưng Abraham bảo người ấy: “Nếu chúng không nghe Maisen và các tiên tri, thì cho dẫu có ai sống lại từ cõi chết, chúng cũng chẳng nghe đâu.” (Lc 16:19-31).
     Hai người trong câu chuyện, Lazarô và nhà phú hộ đều bước những dấu chân trong đời.  Bây giờ dấu chân ấy đưa họ đi mỗi người mỗi ngã.  Dấu chân xưa của người nghèo Lazarô đưa ông về Nước Trời với Abraham.  Dấu chân xưa của người giàu đưa ông về cõi vắng mênh mông.
     Trong cuộc sống này, ta tìm kỷ niệm dấu chân xưa mà nhiều khi không gặp.  Khi chết rồi vào giờ phán xét, những dấu chân xưa thiêng liêng ấy sẽ tự ý đi tìm ta.  Và, dấu chân này sẽ đưa ta về cõi hệ trọng vô biên.  Hạnh phúc hay gian nan.  Bởi đó, mỗi dấu chân linh hồn đi hôm nay trong cõi đời sẽ là dấu chân thiêng liêng cho ngày mai.
    Khi nhớ về kỷ niệm là ta đi tìm dấu chân xưa.  Dấu chân đó có thể là những bước chân trên bến đò, trên con đường nhỏ.  Những dấu chân này là dấu chân trong tình cảm, nó sẽ chấm dứt khi ta chết.  Còn dấu chân xưa thiêng liêng là đời sống thánh thiện hay tội lỗi, công bình hay gian tham, độ lượng hay hẹp hòi, thì khi cuộc đời chấm dứt, những bước chân này mới khởi đầu.
    
    Lạy Chúa, khi con đi tìm kỷ niệm cũ, tìm dấu chân xưa trong tình cảm, thì xin Chúa nhắc nhở con đến dấu chân thiêng liêng, để hôm nay con biết đi những bước chân thật đẹp, hầu bước chân này chuẩn bị cho con bước vào hạnh phúc trong Nước Chúa mai sau.
 
LM Nguyễn Tầm Thường, S.J.

 

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI - CẢM THƯƠNG LÀ CỨU ĐỘ

CẢM THƯƠNG LÀ CON ĐƯỜNG CỨU ĐỘ

GM  GB. BÙI TUẦN

 

Xót thương, cảm thương, đó là tiếng Chúa gọi chúng ta. Chúa đợi chúng ta trên con đường đó.

       1.

       Tôi rất đau khổ, cả phần xác lẫn phần hồn. Đau khổ nào cũng khủng khiếp, gây nên cô đơn sâu thẳm.

       2.

       Trong mọi đau khổ, tôi không ngừng cầu xin Chúa thương đỡ nâng tôi. “Xin thương đỡ nâng con suốt cuộc đời”. Bài hát đó của Dao Kim thường âm ỷ trong tôi.

       3.

       Rất thực là Chúa đã nâng đỡ tôi suốt cuộc đời dài. Tôi cảm được rất rõ Chúa xót thương tôi. Tôi gọi sự Chúa nâng đỡ tôi suốt cuộc đời là dòng chảy ơn cảm thương Chúa dành cho tôi, để cứu độ tôi.

       4.

       Cảm thương và thương cảm, đó là những đợt sóng, lúc lớn lúc nhỏ, lúc nổi lúc chìm, luôn hoạt động trong tôi.

       5.

       Tôi nhận được sự cảm thương nơi nhiều người Chúa dùng để cứu tôi. Cảm thương của họ rất là trong sáng. Tôi cảm được tình thương của họ một cách dễ dàng, tư riêng và cao quí.

       6.

       Tôi nhận được sự cảm thương từ nhiều giống vật. Như mấy con chó của tôi luôn gắn bó, trung thành. Như đàn chim sẻ hằng ngày bay đến gần tôi, để xin ăn nuôi mình và nuôi nhau. Cảnh con mẹ mớm mồi cho con nhỏ rất nhiều lần đã mở lòng tôi ra, để đón nhận ơn thương cảm của Chúa.

       7.

       Tôi cũng nhận được sự cảm thương từ nhiều cây cối trước mặt tôi. Có những cành những lá những hoa tự rụng xuống, như để nhường sức sống cho những cành, những lá, những hoa mới mọc, còn non. Chúng như cảm thương nhau, một cách tự nhiên, lặng lẽ.

       8.

       Một cách đặc biệt, tôi nhận được sự cảm thương nơi vô số người gần xa. Họ đối xử với nhau bằng cảm thương sâu sắc chân thành.

       Biết bao người đã dám chết đi cho người khác, coi đó là hạnh phúc đời mình.

       Biết bao người đã coi sự mình biết cảm thương những người đau khổ chính là ơn gọi cao quí Chúa dành cho mình. Nếu được tự hào, thì họ tự hào về ơn đó.

       9.

       Riêng tôi, càng về già, thì càng nghĩ tới sự chết. Mà nghĩ tới sự chết thì tự nhiên nghĩ tới sự Chúa phán xét, để được thưởng hay bị phạt.

       Phán xét của Chúa sẽ theo tiêu chuẩn nào? Thưa: Theo sự người ta có cảm thương người đau khổ hay không. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng và chắc chắn về tiêu chuẩn cảm thương người đau khổ trong Phúc âm thánh Mátthêu:

       “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người. Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê thì bên trái.

       Bấy giờ Đức vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp đón; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm”.

       Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống. Có bao giờ Chúa là khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc. Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu.

       Để đáp lại, Đức vua sẽ bảo họ rằng Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em nhỏ nhất của Ta đây, là các con đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 31-40).

       10.                     

       Với những lời Chúa phán trên đây, Chúa dạy chúng ta điều quan trọng này: Ai cảm thương những người đau khổ, thì được Chúa kể như là cảm thương chính Chúa. Chúa ở trong những người đau khổ. Do đó, mà kẻ cảm thương sẽ được Chúa thưởng phúc thiên đàng.

       11.

       Rồi, Chúa phán tiếp: “Ai không cảm thương những kẻ khổ đau, thì bị Chúa kể như không cảm thương chính Chúa. Do đó, họ sẽ bị Chúa phạt phải xuống hỏa ngục” (Mt 25, 41-46).

       12.

       Chúng ta có quan tâm đủ đến luật cảm thương, mà Chúa đã dạy không? Chúng ta sẽ thi hành luật đó tại Việt Nam hôm nay thế nào? Thiết tưởng chúng ta cần cầu nguyện và tỉnh thức.

       13.

       Nếu chúng ta thực sự cầu nguyện và tỉnh thức, chúng ta sẽ được Chúa cho thấy: Cảm thương là con đường cứu đạo, cứu đời, cứu chính bản thân mỗi người.

       14.

       Đơn sơ thế thôi, nhưng cảm thương như Chúa dạy đâu là chuyện dễ. Chính vì vậy, mà rất cần tìm đỡ nâng ở Chúa. “Xin thương đỡ nâng con suốt cuộc đời”. Và thực sự Chúa đã đỡ nâng tôi từng giờ, từng phút, từng giây.

       15.

       Chúa nâng đỡ tôi một cách đặc biệt, đôi khi chỉ bằng một lời Chúa hứa:

       “Phúc thay ai xót thương người,

       Vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7).

       Xót thương, cảm thương, đó là tiếng Chúa gọi chúng ta. Chúa đợi chúng ta trên con đường đó.

 

Long Xuyên, ngày 14.1.2019                                          

 --------------------------------------------