Chúa Nhật 28TN-C
NGƯỜI NGOẠI GIÁO BIẾT CÁM ƠN CHÚA
Bài Ðọc I: 2 V 5, 14-17
"Naaman trở lại gặp người của Thiên Chúa và ông tuyên xưng Chúa".
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.
Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: "Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông".
Tiên tri trả lời rằng: "Có Chúa hằng sống, tôi đang đứng trước mặt Người: Thật tôi không dám nhận đâu". Naaman cố nài ép, nhưng tiên tri không nghe. Naaman nói thêm rằng: "Tuỳ ý ông, nhưng tôi xin ông ban phép cho tôi, là đầy tớ của ông, được chở một ít đất vừa sức hai con la chở được, vì từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (c. 2b).
Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! - Ðáp.
Bài Ðọc II: 2 Tm 2, 8-13
"Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Ðức Kitô".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Ðavít, đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích! Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Ðức Giêsu Kitô.
Ðây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời! - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 17, 11-19
"Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria.
Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".
Ðó là lời Chúa.

SỐNG VÀ CHIA SẺ Lời Chúa
Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm C hôm nay vẫn tiếp tục về đề tài đức tin, đức tin chữa lành. Thật vậy, Bài Phúc Âm của Thánh Luca hôm nay thuật lại sự kiện xẩy ra vào lúc "Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem", ở đoạn đường "Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa" và tại "một làng kia", cho "mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa", không dám đến gần Người, vì họ là một cộng đồng con người, theo luật, bị cô lập hóa khỏi xã hội loài người, nhưng vẫn mong được lành bệnh và được giải thoát để trở về sinh sống với gia đình, với thân nhân và thân hữu, bởi thế, vừa thấy vị cứu tinh từ đàng xa, họ đã cùng nhau đồng thanh la lên rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi".
Vấn đề được đặt ra ở đây là làm sao 10 người phong cùi này lại có thể biết được nhân vật lúc bấy giờ đang tiến "vào một làng kia" ấy, nơi họ đang sống lại là "Thày Giêsu", Đấng có thể cứu mình khỏi phong cùi, để mà kêu xin Người thương xót mà cứu chữa mình chứ? Phải chăng đã có người chạy về báo cho họ biết trước, bất chấp luật không cho phép đến gần những người phong cùi như họ?? Hay họ đã nghe biết, (hơn là đã được trực diện, bởi họ không thể được như thế vì hoàn cảnh bị tách ly của họ), về một nhân vật nổi tiếng trong dân tên là Giêsu từ lâu, Đấng đầy lòng thương xót đã từng chữa lành đủ mọi thứ bệnh tật, thậm chí còn làm hồi sinh cả người chết nữa???
Có thể là thế. Do đó, khi thấy Chúa Giêsu, đúng hơn, theo người viết, khi thấy một đám đông kéo vào làng như vậy, vì hành trình lên Giêrusalem của Người (xem Luca 9:51) được rất nhiều người theo (xem Luca 14:25), một biến cố hầu như chẳng bao giờ xẩy ra ở một khu làng hẻo lánh tại một khu vực vốn quanh năm hoang vắng như vùng "biên giới Samaria và Galilêa" họ đang qui tụ bấy giờ ấy, thì họ suy đoán rằng nhân vật đang dẫn đầu đám đông ở đằng xa kia chắc chắn không còn ai khác ngoài "Thày Giêsu", Đấng họ từng nghe biết và hằng đợi trông, giờ đây tự nhiên đã đến với họ, nên họ quá sức là vui mừng hớn hở, như thể đang ở trên một chiếc thuyền lênh đênh sắp chìm giữa đại dương mênh mông vô bờ bến, hay trên một hải đảo xa xăm vô vọng, thấy được một con tầu khổng lố bỗng nhiên xuất hiện tiến về chỗ của mình vậy. Cũng có thể là Chúa Giêsu đã cố ý ghé đến khu vực hoang vắng này, như ngõ cụt - dead end / no way out này, đến một vùng sâu vùng xa này, nơi mà Người biết được có những con người phong cùi đang bị xã hội loài người sa thải loại trừ.
Chúa Giêsu chắc chắn đã động lòng thương họ, cho dù họ không lên tiếng đồng thanh xin Người, bằng không Người đã không đến một nơi lạ lùng như thế. Bởi cuộc hành trình về Giêrusalem của Người có thể băng qua các thành thị đông dân, chẳng hạn như Giêricô ở Samaria, nơi Người có thể tỏ mình ra một cách hiển vinh hơn và làm cho nhiều người tin hơn. Nhưng Người lại muốn đến với cả những ai xa biệt với xã hội loài người, vì họ cũng có quyền và xứng đáng hưởng ơn cứu độ phổ quát Người mang xuống trần gian và sắp sửa hoàn thành tại Giêrusalem.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không chữa lành họ ngay lúc bấy giờ, bằng cách chạm lên từng người bị phong cùi một, hay bằng cách giơ tay lên trên cả 10 người một lúc mà phán, chẳng hạn: "Các anh được lành sạch phong cùi". Vì làm như thế là Người lỗi luật. Nên Người đã chữa cho họ bằng cách giữ luật. Chẳng những Người giữ luật mà chính 10 nạn nhân phong cùi cũng giữ luật nữa. Đó là "Người bảo họ rằng: 'Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế'". Và "trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch".
Không biết sau đó, tức sau khi cảm thấy mình bất ngờ được lành sạch bệnh phong cùi trên đường đi trình diện với các vị tư tế như vậy, họ có tiếp tục đến trình diện với các vị tư tế theo luật ấn định hay chăng, nhờ đó họ có thể trở về chung sống với gia đình và xã hội. Chắc là có, bởi vì họ còn muốn gì hơn là được chung sống với thân nhân, thân hữu và xã hội. Thế nhưng, sau khi đi trình diện rồi thì, theo Phúc Âm hôm nay thuật lại: "Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria".
Vấn đề rất quan trọng ở đây là một là suốt đời khốn khổ mà được cứu độ, còn hơn là được may lành mà lại bị hư đi, như trường hợp của người phú hộ và Lazarô trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVI Năm C đã nhắc tới. Đó là lý do chính Chúa Giêsu đã cảnh báo cho nạn nhân bất toại 38 năm được Người thương xót tự động chữa lành cho rằng: "Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!" (Gioan 5:14). Như thế, tình trạng được lành sạch của 9 người phong cùi Do Thái được chữa lành có lợi cho họ hay chăng, nếu họ tỏ ra coi thường và quên lãng Đấng đã chữa lành cho họ, coi Người chỉ là cái phao cứu họ, là phương tiện hơn là cùng đích, như người phong cùi duy nhất Samaritanô đã "trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người".
Thiên Chúa tỏ mình ra để cho con người nói chung, nhất là thành phần chịu gian nan khốn khó hoạn nạn, nhận biết Ngài mà được cứu độ, được sống, hoàn toàn có lợi cho họ hơn là cho Ngài là Đấng đã viên mãn và chỉ muốn tỏ mình ra và thông mình ra. Tấm lòng tri ân cảm tạ của nạn nhân phong cùi Samaria trong Bài Phúc Âm hôm nay cũng là tâm trạng nơi "Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch", như Bài Đọc 1 hôm nay thuật lại. Quả vậy, "sau đó, ông và đoàn tùy tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: 'Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông... Từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác".
Bài Đọc 2 hôm nay, Thánh Phaolô nhắn nhủ người môn đệ Timôthêu của mình về khía cạnh chịu đựng vì đức tin để có thể mang ơn cứu độ đến cho tha nhân, như chính trường hợp của ngài: "Cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích! Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Ðức Giêsu Kitô".
Ngoài ra, cũng trong cùng Bài Đọc 1 hôm nay, thánh nhân còn nhấn mạnh đến một chi tiết quan trọng nữa nơi Thiên Chúa đó là "nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người". Áp dụng vào trường hợp của 9 người phong cùi vô ơn bội nghĩa với Chúa Kitô, như thể họ bất trung với Người, hơn là chối bỏ Người, thì Người vẫn thương họ, vẫn trung thành với họ, vẫn tìm cách cứu họ, "vì Người không thể chối bỏ chính mình Người" là tình yêu vô cùng nhân hậu, không loại trừ một ai, cho tới khi "chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta" mà thôi.
Với tất cả ý thức thần linh về lòng thương xót vô biên vô cùng trọn hảo của Thiên Chúa đối với tội nhân bất toàn, bất xứng và bất lực loài người chúng ta, một lòng thương xót đã làm nên biết bao nhiêu điều cao trọng về lãnh vực siêu nhiên, nhất là bằng cách "yêu thương đến cùng những kẻ thuộc về Người" (Gioan 13:1), ở chỗ, Ngài đã chấp nhận nơi bản thân mình, qua Con của Ngài là Lời Nhập Thể, chẳng những mọi thứ tật nguyện bệnh hoạn mà còn cả tội lỗi vô cùng xấu xa khốn nạn của loài tạo vật loài người nữa, chúng ta không thể không cùng với thánh vịnh gia vang lên những tâm tình của Bài Đáp Ca hôm nay như sau:
1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
TN.CNXXVIII-C.mp3
You received this message because you are subscribed to the Google Groups "LTXC-TD5" group.
To unsubscribe from this group and stop receiving emails from it, send an email to
.
.