14. Cảm Nghiệm Tình Chúa Yêu Tôi

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI-CN5PS-B

  •  
    nguyenthi leyen
     CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI -CN5PS-B
    Sat, May 1 at 1:40 AM
     
     
     
     
     
     

    Ở TRONG TÌNH YÊU VÀ SINH NHIỀU HOA TRÁI

     

    Việc ở lại trong tình yêu là nói đến tương quan hai chiều, cho và nhận, biến đổi và được biến đổi. Đó chính là ở lại trong nhau và thuộc về nhau, là việc nên một và được biến đổi trong nhau. 

     

    Hẳn rằng các bạn đã nghe rất nhiều người định nghĩa về tình yêu. Nhưng nếu có người nào đó hỏi bạn, bạn định nghĩa như thế nào là tình yêu, bạn sẽ trả lời thế nào?

     

    Theo tôi, bản chất của tình yêu đó là việc ở lại và sinh hoa trái. Thử hỏi nếu bạn yêu một ai đó mà bạn không thực sự ở lại với họ, không dành thời gian cho họ, không hy sinh cho họ thì liệu rằng bạn có yêu thương họ thực sự hay không? Ngược lại nếu ai đó nói yêu bạn mà họ không ở lại với bạn thì thực sự họ có yêu bạn hay không? Nếu chỉ yêu chính mình hoặc tìm kiếm cái tôi của mình trong người bạn yêu, thì đây không phải là một tình yêu thực sự. Có thể đó chỉ là tìm kiếm cảm xúc và tìm kiếm ai đó để khỏa lấp nỗi cô đơn của chính mình. Đây thực sự không phải là tình yêu và việc ở lại đích thực.

     

    Ở lại là cách bạn diễn tả tình yêu của mình vời người mình yêu và thông qua việc ở lại bạn làm cho tình yêu của bạn được lớn mạnh hơn. Việc sinh hoa trái chính là kết quả của tình yêu. Tình yêu đòi hỏi một sự thân mật và sự nên một. Chính trong sự thân mật và nên một một cách trọn vẹn ấy mà người ta cảm thất hạnh phúc, ấm áp. Hoa trái của tình yêu chính là sự sống. Sự sống chính là kết tinh của tình yêu. Tình yêu nuôi dưỡng sự sống và sự sống kéo dài tình yêu đến vô tận. Trong tình yêu đích thực không có sự chết mà chỉ có sự thay đổi về mặt không gian. Chính khi chúng ta nên một với Chúa thì tình yêu của Ngài sẽ làm cho chúng ta sống. “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.”[1] Ở lại với thầy chính là để chia sẻ sự sống với thầy. Nếu tình yêu mà không làm phát sinh hoa trái, đó là một tình yêu ích kỷ. Còn nếu việc sinh hoa trái mà thiếu tình yêu thì đó là một sự cưỡng ép, thiếu tự do. Cho dù mối tương quan đó có còn tồn tại, thì nó cũng không cho con người cảm thấy hạnh phúc và niềm vui.

     

    Tinh Mừng Chúa Nhật Tuần V Mùa Phục Sinh hôm nay diễn tả về mối tương quan thân thiết của người môn đệ với thầy của mình như cành nho với cây nho. Sức sống của cành nho gắn liền với cây nho thế nào thì sức sống nơi người môn đệ gắn bó với thầy mình cũng như vậy. Chính tình yêu là nguyên lý gắn kết người môn đệ với thầy và thầy với người mộ đệ. Sự tách lìa của cành nho khỏi cây nho sẽ dẫn đến sự khô héo và tàn phai. Sự tách lìa cũng đồng nghĩa với viêc thiếu vắng sự sống, thiếu vắng ân sủng điều này cũng đồng nghĩa với Tội và sự chết. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.”[2] Chỉ khi được ở lại trong thầy cách trọn vẹn, người môn đệ với cảm thấy đời mình có ý nghĩa và có thể sinh hoa trái.

     

    Ở đây, chúng ta không chỉ thuần túy nói đến tình yêu lứa đôi, nhưng còn nói đến một nguyên tắc chung chi phối mọi cấp độ: đó là tương quan giữa Đấng Sáng tạo và thụ tạo. Thiên Chúa yêu thương con người và Ngài đã thông truyền và trao ban sự sống của Ngài cho mỗi người qua công trình sáng tạo và qua chính người Con Yêu Dấu của Ngài. Ngài không ngừng mời gọi bạn đến để kết hợp mật thiết với Ngài và để nhận lãnh sự sống đời đời. Tình yêu hiến thân trọn vẹn và duy nhất của Ngài trên thánh giá, không ngừng trao bạn sự sống và đổi mới tâm hồn mỗi người. Ngay cả cây cỏ, thiên nhiên, vạn vật cũng đang kết hợp để thông chia sự sống của nó, tùy theo loài.

     

    Hoa trái của tình yêu lứa đôi có thể mở ngỏ cho một sự sống mới ra đời. “Một lịch sử gia đình” được hình thành. Hoa trái trong đời sống gia đình có thể là sự chuyển dịch và đánh đổi tuổi xuân của bố mẹ dành cho con cái. Mái tóc còn xanh ngày nào giờ đây đã điểm sương, vì tình yêu, bố mẹ chấp nhận tất cả những vất vả, nhọc nhằn. Để rồi khi những đứa con ngày nào còn thơ ngây, nay đã thành người, thì có khi bố mẹ đã không còn nữa, nhưng sự sống và tình yêu của bố mẹ vẫn chảy trong huyết quản của những người con, cho dù nó có đi đến chân trời nào. Hoa trái của đời sống dâng hiến chính là việc phục vụ và hiến thân vì người khác như các tu sỹ nam nữ. Tình yêu thúc đẩy họ dấn thân và phục vụ. Như thế khi nói đến việc ở lại trong tình yêu và sinh hoa trái là nói đến một tình yêu rộng lớn và phổ quát.    

     

    Việc ở lại trong tình yêu là nói đến tương quan hai chiều, cho và nhận, biến đổi và được biến đổi. Đó chính là ở lại trong nhau và thuộc về nhau, là việc nên một và được biến đổi trong nhau. Khi quen nhau, các bạn có thể phát hiện ở mình hay ở người mình yêu những tật xấu khó bỏ như hút thuốc, đánh bài, mê game. Nhưng khi đã quyết định tiến sâu hơn trong mối quan hệ đó, bạn phải chấp nhận thay đổi để gìn giữ tình yêu. Và chính trong mối tương quan tình yêu đó, bạn cũng được biến đổi chính mình. Còn nếu không, tình yêu của bạn có nguy cơ bị úa tàn.

     

    Tình yêu Thiên Chúa dành cho bạn đã thay đổi chính bạn và đã thay đổi chính Ngài. Dĩ nhiên bản chất của Ngài không thể thay đổi. Ngài là Thiên Chúa và vẫn mãi là Thiên Chúa. Không ai có thể thay đổi chính Ngài. Nhưng chính tương quan của Ngài với bạn đã thay đổi chính Ngài. Bạn trở nên con người mới, còn Ngài thì tự hạn chế tự do của chính mình. Vì yêu thương bạn, Ngài chấp nhận tự hạn chế tự do của chính mình. Sự thay đổi ở đây là do tương quan tình yêu, không phải do bản chất.    

     

    Ví dụ, người tu sĩ cần thay đổi chính mình cho phù hợp với tương quan của Chúa Giêsu và cung cách ứng xử của hội dòng. Chính tình yêu thân thiết và cá vị với Chúa Giêsu và tình yêu mến dành cho Dòng, mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi trong suy nghĩ, cung cách và hành vi của người tu sĩ. Chính trong tương quan thân thiết và cá vị với Chúa mà người tu sĩ đó cảm thấy yêu mến linh đạo, yêu mến sứ vụ và con người hơn. Và ngược lại càng dấn thân vào sứ vụ với tất cả lòng nhiệt thành và sự yêu mến, người tu sỹ đó càng cảm nhận được ý nghĩa của đời sống dâng hiến và càng cảm thấy gắn bó với Chúa hơn.

     

    Thánh A-tha-na-si-út nói rằng: “Thiên Chúa làm người để chúng ta có thể được làm thiên chúa.”[3] Vì yêu thương nhân loại Chúa Giêsu đã chấp nhận làm người, chịu đau khổ, chịu chết và phục sinh và để trao ban sự sống thần linh cho con người. Khi bạn mở lòng để đón nhận tình yêu trao ban của Ngài, bạn bước vào một cuộc trao đổi kỳ diệu với Ngài. Đó là chính là việc bạn được đón nhận chính sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa hằng thông truyền sự sống và tình yêu của Ngài cho chúng ta một cách cá vị. Chính khi bạn mở lòng ra với tình yêu Thiên Chúa thì tình yêu ấy cũng biến đổi bạn, khi ấy bạn sẽ trở nên khác.     

      

    Tới đây, chúng ta thấy hoa quả của tình yêu được thể hiện qua: tình yêu vợ chồng, cha mẹ và con cái, tình yêu dâng hiến và phục vụ. Tất cả đều có chung một điểm, đó chính là việc đi vào tương quan thân mật và việc mở ngỏ cho sự sống. Sự sống là hoa trái của tình yêu và là sự kết tinh của tình yêu. Tình yêu làm phát sinh sự sống, nuôi dưỡng sự sống, và làm cho sự sống được luân chuyển. Chính sự sống làm cho tình yêu được tồn tại mãi.

    Sự sống của bạn sẽ được trường tồn nếu bạn ở lại trong Đấng là cội nguồn của sự sống và tình yêu. Khi hạt muối không còn là chính mình thì nó sẽ trở nên trường tồn mãi, bởi vì nó đã hòa làm một với đại dương. Đó chẳng phải là hình ảnh đẹp về tình yêu và sự sống sao?   

    Gioan Phạm Duy Anh, SJ(dongten.net)


     

 

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI

  •  
    nguyenthi leyen
    CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI
     
    Thu, Apr 22 at 11:32 PM
     
     
     
     

    MỤC TỬ NHÂN LÀNH

    Chúa Nhật 4 Phục Sinh : Ga 10, 11-18 

     

    Suy niệm/CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI

     

    Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được gọi là Mục Tử của dân Người, vì dân được chọn là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa. Từ đó, hình ảnh người mục tử được áp dụng cho những kẻ Thiên Chúa ủy nhiệm, để thi hành vai trò lãnh đạo dân Ngài, như Môsê, Đavít, các vua, các tư tế cũng như các thủ lãnh. Tuy nhiên, sau này, kinh nghiệm của Israel về các nhà lãnh đạo là một kinh nghiệm đáng buồn. Các ngôn sứ đã khiển trách họ bằng lời lẽ nặng nề, vì họ đã không nuôi dưỡng mà chỉ biết bóc lột đoàn chiên,“thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc.” (Ed 34,2-5). Trước tình cảnh đó, Thiên Chúa hứa gửi đến cho dân Người một mục tử chân chính, để điều khiển họ trong sự công chính và bình an (x. Ed 34; Gr 23,1-6).

     

    Khi Đức Giêsu tự giới thiệu: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên”, thì lời Thiên Chúa hứa đã được hiện thực, vượt quá mọi chờ đợi của con người. Những lời Đức Giêsu nói về người mục tử tốt lành được triển khai tiệm tiến, đưa chúng ta đến một cái nhìn rộng lớn về công trình cứu chuộc, là sự hy sinh chính bản thân Ngài trong mầu nhiệm Vượt Qua.

     

    Hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành là một trong những hình ảnh lâu đời nhất của Kitô giáo. Hình ảnh này được tìm thấy trong các hang toại đạo, người ta khắc vẽ Chúa Giêsu với vẻ dịu dàng và trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm chiên lạc, đưa chiên về đàn. Một thái độ hoàn toàn khác với người chăn thuê, là người sống dửng dưng và xa cách với đoàn chiên, chỉ canh giữ theo thủ tục tối thiếu rồi chờ lương bổng lợi lộc, chứ không quý mến gì từng con chiên, và bỏ mặc đoàn chiên khi gặp tình trạng nguy biến.

     

    Thực tế ngay giữa lòng Hội thánh, không thiếu những linh mục và tu sĩ sống ích kỷ và tị hiềm nhỏ mọn; không thiếu những tranh chấp quyền hành và địa vị; không thiếu những người sống ù lì, hưởng thụ, mà còn chạy theo tiền bạc, đam mê, danh vọng... góp phần cho việc tục hóa... Tại sao lại như thế? Nói theo ngôn ngữ của cha Teilhard de Chardin, thì lửa tình yêu trong trái tim các ngài quá yếu, không đủ nóng và đủ mạnh để sưởi ấm cho đời. Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên, không sống tình bạn hữu thân thương trong đời thường. Chỉ khi họ gặp được linh mục hay tu sĩ nào phản chiếu được sự rạng rỡ của tình yêu, tức khắc chạm đến trái tim họ, để lại một ấn tượng khó phai mờ, và nhờ đó gây nên một chuyển biến trong đời sống của họ.

     

    Việc cầu nguyện cho ơn thiên triệu mời gọi tất cả mọi thành phần của Giáo hội nhìn lại đời sống mình, để khám phá ra những bóng tối đang che mờ ánh sáng, những chai lì khô cứng đang làm nguội dần ngọn lửa mà Chúa đã thắp lên trong mình, cả những ươn lười và ham hố bên ngoài như những tảng băng làm tắt dần sức nóng... Cứ phải tạo lại cho mình nỗi khát khao sự sống mới; cứ phải nhóm lại ngọn lửa yêu thương trong lòng mình bằng đời sống kết hiệp với Chúa mỗi ngày. Nhờ vậy, sự hiện diện của ta trở nên một dấu chỉ tốt lành để hướng mọi người đến việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

     

    Riêng với các bạn trẻ, nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi, có lần Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các bạn như sau: “Đừng sợ ra khỏi chính mình và đặt mình vào một cuộc hành trình! Tin Mừng là lời giải phóng, biến đổi và làm cho cuộc sống của chúng ta thêm đẹp. Thật tuyệt vời biết bao khi ta biết để mình được lời mời gọi của Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên, đón nhận Lời Ngài, bước đi theo dấu chân của Đức Giêsu, trong việc phụng sự Thiên Chúa và quảng đại hiến thân cho người khác! Đời sống của chúng ta sẽ mỗi ngày trở nên phong phú hơn và chan chứa niềm vui hơn!”.

     

    Cầu nguyện VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN

    Lạy Chúa Giêsu!
    Ngài là Mục Tử nhân lành,
    đã hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên,
    không như kẻ chăn thuê lo yên bề gia thế,
    không kể gì sự sống chết của đàn chiên.

     

    Là Mục Tử nhân lành,
    Chúa dẫn chúng con đến đồng xanh suối mát,
    đem lại bình an và sự sống cho tâm hồn,
    chẳng bao giờ chúng con sợ thiếu thốn,
    vì Chúa chính là nơi chốn để tựa nương,
    cho cả những ai phải sa cơ lỡ bước,
    để họ vượt qua tăm tối của đêm trường,
    đón nhận được tình thương và ân sủng.

     

    NHỜ ƠN CHÚA cho chúng con trong mọi lúc,
    biết nhận ra ân phúc của đời mình,
    để luôn sống trong ân tình của Chúa,
    biết nghe theo tiếng Chúa ở mọi nơi,
    biết bước theo chân Chúa ở mọi thời,
    đừng để con xa rời đường nẻo Chúa,
    kẻo đời con phải héo úa sa chìm.

     

    -Cho các bạn trẻ biết lắng nghe tiếng Chúa,
    qua những người đang đói khát hôm nay,
    không chỉ đói bánh ăn và cơm áo gạo tiền,
    mà còn đói chính tình thương và lẽ sống,
    đói công bình vì đầy dẫy những bất công,
    đói cảm thông vì chẳng ai chia sẻ.

     

    -Cho các bạn trẻ biết chạnh lòng,
    trước bao mảnh đời bất hạnh vẫn chờ mong,
    có ai đó đem đến cho họ niềm hy vọng,
    giữa cuộc đời đầy trống rỗng hư không,
    để các bạn mở lòng dấn thân vào đồng lúa,
    trở thành thợ gặt lành nghề cho Nước Chúa,
    cho niềm vui ơn cứu độ tỏa lan,
    cho bình an và hạnh phúc mãi tuôn tràn. Amen.

     

    Lm. Thái Nguyên

    Ảnh cùng dòng


     

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI - QUÀ TẶNG TIN MỪNG-

 

  •  
    BBT CGVN
     
    Sun, Apr 18 at 1:11 AM
     
     

     

    Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới

    Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity

    (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39)

    www.conggiaovietnam.net      This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

     

     

     
    Bai 04_Small.png

     

     

    QUÀ TẶNG TIN MỪNG:

    Chúa Nhật thứ 3 Phục Sinh

    THIÊN NHIÊN MINH CHỨNG: CÓ SỐNG LẠI

     

    Lm Anphong Nguyễn Công Minh,
    Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam.

     

     

    Kính mời xem video tại đây:

    https://bit.ly/3glny0X

     

     

    Khi một người đi du lịch ở nước ngoài về, họ kể cho chúng ta nghe tháp Eiffel cao thế nào, sắt sơn màu gì, dòng sông Seine nước chảy ra sao. Chúng ta tin có như vậy. Đó là tin bởi nghe. Rồi khi họ cho ta xem những tấm hình kỷ niệm họ đứng bên bảo tàng viện Louvre. Ta càng tin họ hơn về những gì đã nghe. Đó là tin bởi thấy. Tin bởi thấy (bằng mắt) thì dễ hơn tin bởi nghe (bằng tai). Trăm nghe không bằng một thấy.

    Thường thì cho nghe trước, xem sau. Trình tự này cũng giống như bài Tin Mừng hôm nay.

    Khởi đầu: 2 môn đệ đi Emmau về thuật lại họ đã gặp Chúa như thế nào lúc đi đường và bẻ bánh. Mọi người bàn tán. Đó là tin bởi nghe. Rồi Chúa hiện ra,  Ngài đưa tay chân (có vết thương) cho họ xem. Và đó là tin bởi thấy.

    Các Tông đồ tin bởi thấy, nhưng truyền lại cho chúng ta thì chỉ bằng lời. Vì thế chúng ta chỉ còn một cách để tin: Tin bởi nghe. Các Tông đồ không có máy ảnh,  để ghi lại một bức hình khi Chúa hiện ra. Không có video để quay cảnh Chúa giơ tay chân, ăn bánh trước mặt các Tông đồ như thế nào. Iphone di động càng không có. Vì thế chúng ta không có cơ hội tin bởi thấy, mà hoàn toàn tin bởi nghe.

    Nhưng không phải cứ nghe gì là tin cái đó. Không phải cứ thấy cái gì là tin liền ngay. Một con người chưa bước ra khỏi nhà mà ba hoa nói về những chuyện ở tận bên Tây bên Tàu, ta nghe đó nhưng đâu có tin.

    Một con người đưa tấm hình rõ ràng họ chụp đứng trên toà nhà chọc trời Nữu Ước. Ta thấy đó – nhưng đâu có tin, nhất là gần đây, nhìn những Album, có cảnh cô dâu chú rể chui vào ly rượu, chui vào TV, chụp hình, ta thấy đó, nhưng đâu có tin thật như vậy. Vì ta biết rõ, chẳng qua là ghép hình, là photoshop.

    Vậy từ nghe đến tin và từ thấy đến tin còn cần đến bộ óc phán đoán, nhận xét. Đó mới là cái chính. (ở đây, chúng ta tạm thời không bàn tới tin là ơn nhưng không Chúa ban).

    Vậy nếu chúng ta, những kể hậu sinh của các Tông đồ, chúng ta chỉ được nghe mà không được thấy về Chúa sống lại, thì điều đó cũng không thiệt hại gì cho chúng ta, vì chúng ta còn bộ óc để suy xét nữa, và bộ óc sẽ cho chúng ta thấy nhiều khi cả những điều mà các Tông đồ thời xưa không thấy.

    Nếu thiên nhiên mặc khải có Thiên Chúa, (như nhìn thiên nhiên, vũ trụ với trật tự lạ lùng, liền biết có Chúa là Đấng tạo thành), thì thiên nhiên cũng mặc khải – cho ta thấy- có sự sống lại. Ta sẽ điểm 4 hình ảnh thiên nhiên cũng minh chứng sự sống lại:

    1. Hạt lúa: nếu phơi khô – ướp lạnh – cất kỹ – vẫn là hạt lúa. Nhưng nếu ngâm nước, chôn dưới đất, sinh ra cây lúa.

    Hình ảnh này chính Chúa đã dùng . Và thánh Phaolô đã nói tới khi trả lời cho dân Corinto. Họ hỏi Phaolô khi sống lại, lấy xác nào mà trở về ? Phaolô đã trả lời– Bạn gieo vật gì thì vật ấy phải chết đi mới sống lại được chứ. Vật bạn gieo không phải là thân cây tương lai, song chỉ là hạt. Từ hạt, Chúa làm nảy nở cây riêng biệt. Đó là hình ảnh kỳ diệu – cho chúng ta hiểu được phần nào việc sống lại – việc đi từ thế giới này chuyển qua thế giới bên kia.

    2. Con bướm: khi nhìn một con bướm ngày đẹp đẽ, có ai lại nghĩ rằng nó thoát xác từ một con sâu róm lông lá xấu xí, phải bò chui dưới lá cây đất đá. Sâu nào ra bướm đó. Có cái liên tục và có cái cách quãng. Nhìn vào đây, chúng ta có thể suy ra: từ thân xác hay chết, thuộc về cát bụi, sẽ trở thành thân xác vinh quang thuộc thần thiêng, đi từ trạng thái này sang trạng thái khác.

    3. Bảo tồn xác: Tại sao phải chôn cất con người đàng hoàng? Tại sao khi con người chết, khác hẳn với con vật. Tôn trọng, thì người ta làm lăng tẩm để giữ xác, hoặc chôn cất với quan tài gỗ quí để giữ xác được lâu; hoặc nữa, có hoả thiêu cũng giữ lại tro cốt. Tất  cả sự quí trọng đối với thân xác đó như muốn cho ta thấy, cho ta hiểu xác loài người sẽ có một ngày trở nên như thế nào đó chứ chẳng lẽ chết là hết? Đức tin Kitô giáo gọi là sống lại.

    4. Vật quí giá: Hình ảnh này tôi học được nơi một linh mục trong Dòng, nay đã chết. Điều chúng ta tưởng khó tin nhất là xác loài người sống lại, lại không khó tin lắm theo lý luận này. Trong một bữa ăn, linh mục này nói, chứng minh xác sống lại dễ lắm. Và cha lý luận: Nếu chúng ta có 1 radio cổ lỗ sĩ, dùng đèn, ta bỏ đi cũng không tiếc, nhưng nếu ta có Tivi video, đa hệ, tự động tối tân, ta bỏ đi ta có tiếc không? Nếu ta có máy vi tính thông minh, ta vất đi, ta có tiếc không. Thân xác chúng ta còn giá trị, qúi báu  gấp bội cái đầu video, cái máy vi tính cực kỳ tối tân. Đầu óc, con tim, cánh tay… bất cứ cái gì cũng vô giá. Đến nỗi lúc tạo dựng xong con người, Chúa nói “tốt quá sức”. Vậy lẽ nào Chúa lại để cho cái tốt đẹp quá sức đó phải hư nát?

    Ngay cả khi thân xác ta già nua, bệnh hoạn, tật nguyền, thì thân xác đó vẫn mang hình ảnh của Chúa: Nào Ta dựng nên con người giống hình ảnh Ta. Làm sao Chúa Tạo Hoá lại để nó hư nát được?

    Thánh Phêrô trong bài giảng chứng minh Chúa Giêsu sống lại, đã dùng đến Tv 15: “Chúa sẽ không để mạng tôi chôn vùi trong âm phủ”. Vậy là ta đã thử dùng 4 hình ảnh thiên nhiên cung cấp để minh chứng có sự sống lại của thân xác là: Hạt lúa, con bướm, tôn trọng xác người, vật thể quí giá.

    Tin Chúa Giêsu chết và sống lại thì dễ hơn là tin chúng ta sẽ sống lại. Ngài là Chúa, Ngài sống lại cũng dễ thôi, cũng như chúng ta dễ dàng tin Tổng Thống quyền lực vô song, Vua kia giàu có … nhưng từ cái giàu có, quyền lực của Tổng Thống, của vua kia mà chúng ta cũng được lây hưởng, đó mới là điều khó. Thì, Đức Kitô chết và sống lại, có mục tiêu là để chúng ta cũng được sống lại như Ngài. Đó chính là TIN MỪNG. Đúng là tin vui mừng thật.

    Khi con người đón nhận cái Tin Mừng đó, thì cơ may không còn hiểm nghèo nữa, hy sinh không còn khó chịu nữa, già lão không phải là thảm hoạ, cuộc sống không là ngục tù và cái chết không phải là tử thù.

    Xin cho mọi người Kitô hữu biết sống trọn Tin Mừng này bằng cách luôn hát Alleluia trong mọi lúc, luôn biết qúi trọng thân xác mình và tha nhân vì một ngày kia xác loài người sẽ sống lại.

     

    Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

    Hẹn gặp lại

    -----------------------------------------------------------------

     


 

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Wed, Apr 21 at 12:38 AM
     
     CHÍNH TA LÀ BÁNH BAN SỰ SỐNG
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


    TÔI ĂN - NHAI VÀ NUỐT LỜI CHÚA ( GR 15, 16)

    Ý nghĩa của cuộc sống.

    21/04 – Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh.

    "Ý muốn của Cha Ta là: hễ ai thấy Con thì có sự sống đời đời".

     

    Lời Chúa: Ga 6, 35-40

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài.

    Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời".

     

    * LỜI CHÚA LÀ BÁNH BAN SỰ SỐNG

     

    SUY NIỆM 1: Đến với tôi, tin vào tôi

    Suy niệm:

    Cuộc sống làm người ở đời chẳng mấy dễ dàng.

    Con người lúc nào cũng phải đối diện với những vấn đề của cuộc sống.

    Môi trường sống bị ô nhiễm do bụi, khí thải, tiếng ồn.

    Thiên tai, bão lũ, hạn hán ngày thêm trầm trọng bởi sự biến đổi khí hậu.

    Dịch bệnh đủ loại thỉnh thoảng lại bất ngờ bùng phát ở một nơi nào đó

    và có nguy cơ lan rộng toàn thế giới.

    Khủng hoảng kinh tế lại càng xô đẩy nhiều người đến chỗ đói nghèo.

    Chiến tranh vẫn kéo dài giữa một số quốc gia, bộ tộc.

    Căng thẳng trong mối quan hệ giữa người với người, ngay trong gia đình.

    Có những vấn đề riêng tư mà tự mỗi người không sao giải quyết nổi.

    Con người lúc nào cũng phải vất vả trăn trở trước cuộc sống.

    Kinh Lạy Nữ Vương gọi trần gian là thung lũng đầy nước mắt.

    Chúng ta thuộc Giáo Hội chiến đấu trước khi thuộc Giáo Hội khải hoàn.

    Để sống ở cuộc đời chóng qua này một cách tận tụy, nghiêm túc,

    để sống như một người con xứng đáng của Trời và Đất,

    người Kitô hữu cần nhận được sự đỡ nâng của ơn trên.

    Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chia sẻ phận làm người ở đời như ta.

    với đủ mọi cay đắng ngọt bùi của phận người và cái chết trên thập giá.

    Ngài mong trở nên bạn được đồng hành của chúng ta

    trên đường đời nhiều thách đố, gai chông và cạm bẫy.

    Ngài thỏa mãn những khát vọng thâm sâu và thầm kín nhất của ta.

    “Ai đến với tôi, sẽ không hề đói.

    Ai tin vào tôi sẽ chẳng hề khát bao giờ” (c. 35).

    Thiên Chúa Cha muốn gửi gắm chúng ta cho Chúa Giêsu lo liệu.

    “Tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai,

    nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (c. 39).

    Hãy đến với Chúa Giêsu để nhận được sự bảo vệ của Thiên Chúa.

    Hãy tin vào Ngài và cùng với Ngài đi trên con đường gập ghềnh,

    bạn sẽ đến được quê hương vĩnh cửu đang chờ đợi bạn.

    Sự sống vĩnh cửu thực ra đã bắt đầu ngay từ đời này rồi,

    khi chúng ta đến với Giêsu với niềm tin tưởng:

    “Ai tin vào Người Con, thì được sống muôn đời” (c. 40).

    Hãy trở thành món quà của Chúa Cha cho Con của Ngài là Đức Giêsu.

    Hãy trở thành món quà của Đức Giêsu cho thế giới.

     

    Cầu nguyện:

    Lạy Chúa,

    xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,

    để con làm bật rễ khỏi lòng con

    những ích kỷ và khép kín.

    Xin cho con đức tin can đảm

    để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,

    chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

    Xin cho con đức tin sáng suốt

    để con thấy được thế giới

    mà mắt phàm không thấy,

    thấy được Đấng Vô hình,

    nhưng rất gần gũi thân thương,

    thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.

    Xin cho con đức tin liều lĩnh,

    dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,

    dám tiến bước trong bóng đêm

    chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,

    dám lội ngược dòng với thế gian

    và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

    Xin cho con đức tin vui tươi,

    hạnh phúc vì biết những gì

    đang chờ mình ở cuối đường,

    sung sướng vì biết mình được yêu

    ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

    Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp

    qua những cọ xát đau thuong của phận người,

    để dù bao thăng trầm dâu bể,

    con cũng không để tàn lụi niềm tin

    vào Thiên Chúa và vào con người.

    Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

     

    SUY NIỆM 2: ĂN BẰNG ĐỨC TIN/ ĂN BÁNH HẰNG SỐNG- ĂN BÁNH TỪ TRỜI

    (TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

    Hôm nay Chúa Giê-su một lần nữa khẳng định Người là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Nhưng Người không mời gọi chúng ta ăn bánh mà lại mời gọi chúng ta hãy đến với Người và tin vào Người để khỏi đói khỏi khát.

    Mỗi loại thực phẩm có một cách tiếp thu khác nhau. Một cách “ăn” khác nhau. Hấp thụ khí trời bằng hít thở. Hấp thụ nước bằng uống. Hấp thụ nhiều loại thuốc men bằng xông hơi nước, xông hương. Hấp thụ tư tưởng bằng trí tuệ. Hấp thụ tình yêu bằng tâm hồn. Hôm nay Chúa dạy ta hấp thụ Bánh Hằng Sống bằng đức tin.

    Giáo Lý Công Giáo khẳng định: Tin là gắn bó bản thân, phó thác đời mình cho Thiên Chúa (GLCG 150). Như thế tin là nên một với Chúa. Khi ta dùng thực phẩm, thực phẩm trở nên máu thịt ta. Khi ta tin vào Chúa, ta nên một với Chúa.

    Nên một với Chúa, ta sẽ suy nghĩ bằng suy nghĩ của Chúa. Nói tiếng nói của Chúa. Cư xử bằng hành động của Chúa. Đi trên những nẻo đường của Chúa. Sống bằng sự sống của Chúa. Đây chính là cao điểm cho ta hoàn toàn kết hợp với Chúa.

    Chính Chúa Giê-su làm gương cho ta khi Người hoàn toàn tin tưởng Chúa Cha. Nên Người không sống cho bản thân. Nhưng luôn sống và làm theo thánh ý Chúa Cha.

    Các Ki-tô hữu đầu tiên làm gương cho ta khi các ngài hoàn toàn tin tưởng Chúa. Tin tưởng nên từ bỏ của cải trần gian để chia sẻ cho những người túng thiếu. Tin tưởng nên dù bị bắt bớ phải trốn chạy mà vẫn vui tươi. Tin tưởng nên đang khi trốn chạy vẫn hăng say rao giảng Lời Chúa.

    Sau khi Phó tế Stê-pha-nô chịu tử đạo, phó tế Phi-lip-phê nổi bật như một người hoàn toàn kết hợp với Chúa Giê-su Phục Sinh. Vì thế ngài xuất hiện ở đâu thì Chúa Giê-su xuất hiện ở đó. Ngài rao giảng đầy thuyết phục. Ngài làm được nhiều điều kỳ diệu. Xua đuổi thần ô uế. Chữa lành nhiều bệnh tật. Và làm cho mọi người được hân hoan.

    Hôm nay tôi hiểu rằng Chúa Giê-su là Bánh Hằng Sống. Cách ăn bánh này là phải tin vào Chúa. Tin vào Chúa tôi phải từ bỏ mình để Chúa sống trong tôi. Khi hoàn toàn nên một với Chúa, tôi sẽ đạt đến sự sống đời đời.

    -------------------------------------------

     

 

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI

 

  •  
    Tinh Cao
     
    Thu, Apr 15 at 3:04 PM
     
     

    Thứ Sáu sau Chúa Nhật II Phục Sinh

    BÁNH SỰ SỐNG TÌNH CHÚA YÊU TÔI

    Bài Ðọc I: Cv 5, 34-42

    "Các ngài hân hoan ra về, vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Ðức Giêsu".

    Trích sách Tông đồ Công vụ.

    Bấy giờ, có người biệt phái tên là Gamaliel, cũng là luật sĩ, có thế giá trong dân, đứng lên giữa công nghị, truyền dẫn các tông đồ ra ngoài trong giây lát, rồi nói với các người trong công nghị rằng: "Hỡi chư vị Israel, xin hãy thận trọng về việc chư vị định làm đối với những người này. Vì trước đây ít ngày, có tên Thêôđa nổi lên, tự xưng là một nhân vật, có độ bốn trăm người theo mình, y đã bị giết, và nhóm người theo y đều tan rã và không còn gì nữa. Sau y, lại có tên Giuđa người Galilêa, cũng nổi lên trong những ngày kiểm tra dân số, lôi kéo dân chúng theo mình, rồi chính hắn cũng chết, mọi kẻ theo hắn đều tan rã. Và bây giờ, tôi xin chư vị đừng can dự gì đến những người này, cứ để mặc họ: vì nếu một mưu toan hay việc này là do loài người, thì sẽ tự tan rã; nhược bằng bởi Thiên Chúa, thì chư vị không thể phá tan được, kẻo lỡ ra mang tội chống đối Thiên Chúa". Họ đồng ý. Họ cho gọi các tông đồ vào, ra lệnh đánh đòn các ngài, và cấm tuyệt đối không được nhân danh Ðức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan, vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Ðức Giêsu. Và hằng ngày, tại đền thờ hay tại tư gia, các ngài cứ tiếp tục giảng dạy, và loan truyền Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô.

    Ðó là lời Chúa.

     

    Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14

    Ðáp: Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi (c. 4ab).

    Hoặc đọc: Alleluia.

    Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.

    2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài. - Ðáp.

    3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. - Ðáp.

     

    Alleluia: Cl 3, 1

    Alleluia, alleluia! - Nếu anh em sống lại làm một với Ðức Kitô, thì anh em hãy kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Ðức Kitô, đang ngự bên hữu Thiên Chúa. - Alleluia.

     

    Phúc Âm: Ga 6, 1-15

    "Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích".

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

    Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: "Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?" Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: "Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút".

    Một trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: "Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người". Chúa Giêsu nói: "Cứ bảo người ta ngồi xuống". Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: "Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi". Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

    Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: "Thật ông này là Ðấng Tiên tri phải đến trong thế gian". Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

    Ðó là lời Chúa.






    Cảm Nghiệm SỐNG VÀ CHIA SẺ

    Chủ đề 
    "Thày là sự sống" của ngày Thứ Sáu trong Tuần II Phục Sinh 
    về khía cạnh "Sự Sống - Tái Sinh Thần Linh" được tỏ hiện trong bài Phúc Âm qua việc Chúa Giêsu làm phép lạ (lần đầu) hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng theo đuổi Người, một hành động Người làm với sự hợp tác của các môn đệ, thành phần mà, sau khi Người sống lại từ cõi chết và lên trời, đã chứng tỏ mình thực sự được tái sinh thần linh, như trong bài đọc 1 hôm nay cho thấy, ở chỗ, các vị càng vui mừng vì được chịu khổ vì Đấng Phục Sinh và cứ tiếp tục tỏ ra bất khuất trong việc rao giảng và làm chứng cho những gì các vị đã thấy và đã nghe nơi Người.
    Phúc Âm (Gioan 6:1-15):

     
    "Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: 'Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?' Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: 'Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút'. Một trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: 'Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người'. Chúa Giêsu nói: 'Cứ bảo người ta ngồi xuống'. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: 'Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi'. Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư."
     
    Bài Đọc I (Tông Vụ 5:34-42):
     
    "'Tôi xin chư vị đừng can dự gì đến những người này, cứ để mặc họ: vì nếu một mưu toan hay việc này là do loài người, thì sẽ tự tan rã; nhược bằng bởi Thiên Chúa, thì chư vị không thể phá tan được, kẻo lỡ ra mang tội chống đối Thiên Chúa'. Họ đồng ý. Họ cho gọi các tông đồ vào, ra lệnh đánh đòn các ngài, và cấm tuyệt đối không được nhân danh Ðức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan, vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Ðức Giêsu. Và hằng ngày, tại đền thờ hay tại tư gia, các ngài cứ tiếp tục giảng dạy, và loan truyền Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô".
     
    "Hai môn đệ khác" trong bài Phúc Âm không được Thánh ký Gioan kể đến trên bở biển hồ Tibêria sau khi Chúa Kitô Phục Sinhnhư 5 tông đồ khác (xem Gioan 21:2) phải chăng là Anrê, em của tông đồ Phêrô (xem Gioan 1:40-41), và Philiphê, bạn của Nathanael (xem Gioan 1:43-45), 2 cặp môn đệ đã "đến và xem chỗ Người ở" (Gioan 1:39), và cũng chỉ có 2 môn đệ này, ở Phúc Âm phép lạ bánh hóa ra nhiều Thứ Sáu tuần trước, được Thánh ký Gioan đề cập tới trong việc cung cấp 5 ổ bánh và 2 con cá cho Chúa Giêsu? Phải chăng 5 chiếc bánh và 2 con cá này có liên quan đến 7 môn đệ rủ nhau đi đánh cá ở bài Phúc Âm hôm nay, 5 môn đệ có tên liên quan đến 5 ổ bánh và 2 môn đệ không có tên liên quan đến 2 con cá.

    Hai con cá Anrê và Philiphê trong bài Phúc Âm hôm nay phải chăng ám chỉ các ngài cũng là những con cá được Chúa Kitô câu bắt được, giờ đây, phải được Người nướng lên mới ăn được, như Người đã làm ở bờ biển hồ Tibêria cho 7 môn đệ bắt được mẻ cá 153 con ăn, nghĩa là phải trở thành hy tế cho phần rỗi nhân loại, phải chết đi cho dân được sống. Đó là lý do trong bài Phúc Âm hôm nay, 12 thúng còn dư chỉ thu được từ 5 ổ bánh, hoàn toàn không thấy nói đến từ cá, vì bánh đây ám chỉ Chúa Kitô, Đấng được các môn đệ làm chứng bằng hy tế của mình cho loài người nhận biết Người hơn là chính các vị.

    Đúng thế, các con cá tông đồ đều đã được Thày nướng lên cho chín, và các vị không thể nào để cho Người nướng lên như thế nếu các vị không sống đức tin, hoàn toàn tin tưởng phó thác trong bàn tay đầy quyền năng của Người. Mà đức tin liên quan đến tác động "nhìn" hay "thấy" hoặc "gặp", những tác động cần phải có của đức tin nhưng phụ thuộc vào đức tin hơn là đức tin phụ thuộc vào chúng. Đó là lý do trong dịp lễ Vượt Qua ở Giêrusalem, hai môn đệ Philiphê và Anrê này, (chứ không phải các vị khác, bởi 2 vị này hình như biết tiếng Hy Lạp), đã là những môn đệ trung gian môi giới được người Hy Lạp ở đó bấy giờ ngỏ ý "chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu" (Gioan 12:20-22).

     

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên

     

     

    --
    You received this message because you are subscribed to the Google Groups "LTXC-TD5" group.
    To unsubscribe from this group and stop receiving emails from it, send an email to This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
    To view this discussion on the web visit https://groups.google.com/d/msgid/ltxc-td5/CAKivYHrU0FTgjiXdX7V3GE9znWEbdwVjw2vKZZDZrzHjp%3DzH0A%40mail.gmail.com.