14. Cảm Nghiệm Tình Chúa Yêu Tôi

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI - TÌNH CHÚA - TÌNH NGƯỜI

TÌNH CHÚA TÌNH NGƯỜI

(Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Mc 14, 1-15,47). 

Bước vào Tuần Thánh, Giáo hội bắt đầu cử hành Chúa Nhật Lễ Lá. Có nghi thức làm phép lá, phát lá và kiệu lá. Chỉ những người trong đạo mới hiểu được ý nghĩa của ngày Lễ Lá.  Khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem thì các trẻ Do-thái cầm nhành ô-liu đi đón Chúa, lấy áo trải xuống đường và reo vang ca tụng rằng: Hoan hô con vua Đavít! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Lạy vua Israel! Hoan hô trên các tầng trời! Tiếp theo, chúng ta nghe bài Bài Thương Khó với những diễn tiến xảy ra mấy ngày cuối đời của Chúa Giêsu trên trần gian. Dân chúng hùa theo với quân lính và những kẻ thù ghét Chúa Giêsu với những lời phản bội sát phạt: Xin phóng thích Baraba và giết đi, đóng đinh nó vào thập giá. Những cành lá tung hô đã cuốn thành vòng gai nhọn đặt trên đầu của Chúa.

Chương trình cứu độ trải dài suốt dòng lịch sử của dân Do-thái, từng biến cố xảy ra đều mang dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hiện diện sát cánh qua mọi biến cố thăng trầm với dân riêng của Người. Tình yêu của Thiên Chúa đã thắng vượt sự dữ và tội lỗi. Tình Chúa bền vững thiên thu không hề thay đổi trong khi lòng người đổi thay. Biết bao lần chính Dân mà Chúa đã chọn, bỏ Chúa đi thờ các thần ngoại bang được đúc bằng đất đá. Dân chúng quay lưng chạy theo những đam mê sắc dục, tiền tài danh vọng và tìm thỏa mãn mọi đòi hỏi của bản năng thấp hèn.

Biến cố Chúa Giêsu được đón rước vào thành Giêrusalem thì vắn gọn. Sư vinh quang trần thế tùy thuộc vào con người chỉ có thế, luôn đổi thay. Từ những lời hoan hô ca ngợi mau chóng biến thành những lời nguyền rủa, chế diễu và kết án. Cách đối xử của con người thật là vô ơn bội bạc. Chúa dạy dỗ, chữa bệnh, xua trừ ma quỷ, cho ăn uống no say và dẫn về đàng thật nhưng lòng người thì tráo trở, lật lừa và đổi trắng thay đen. Chúa Giêsu đón nhận tất cả sự xỉ nhục này như của lễ dâng tiến lên Chúa Cha. Chúa gom tóm tất cả tội lỗi xấu xa của con người để đóng gim vào thánh giá. Của lễ châu báu trên thập giá là giá máu cứu chuộc.

Mỗi người nghe bài tường thuật sự Thương Khó của Chúa Giêsu với những tâm tình khác nhau. Có người nghe qua bài Thương Khó và nghĩ đây là một câu chuyện đáng thương và nó thuộc về quá khứ. Đôi người lại có thái độ như khách bàng quan coi sự sống chết của Chúa Giêsu chẳng liên quan gì tới đời sống tâm linh của họ. Có người cảm thương sự đau  đớn và khổ nhục của Chúa, nhưng rồi lại có thái độ thù ghét, kết án dân Do-thái, chính quyền, trưởng tế, quân lính, người phản bội và các đồng bọn đã giết Chúa. Ngày nay, chúng ta nên có một tâm tình tôn kính về sự thương khó của Chúa, suy gẫm và chiêm niệm từng lời nói, từng hành động, từng giọt mồ hôi, giọt máu rơi xuống và từng bước chân ngã quỵ trên đường tiến lên Núi Sọ. Tất cả mọi khổ đau về tinh thần và cũng như thể xác của Chúa đều là sự trả giá cho tội lỗi và bất trung của loài người.

Qua mọi thời, có một số người cứ muốn loại Chúa ra khỏi cuộc sống. Chối bỏ Thiên Chúa để con người được hoàn toàn tự do làm chủ đời mình. Đi tìm tự do để có thể thực hành điều mình mong muốn. Họ tìm cách tiêu diệt mọi chướng ngại trên đường để tìm thỏa mãn quyền lực và ý riêng mình. Cha ông chúng ta đã giết chết các sứ giả, các tiên tri được sai đến và cả người Con Một Yêu Dấu của Thiên Chúa cũng bị loại trừ và giết bỏ. Những ước muốn của con người thường là để xuôi theo dòng lạc thú tạm thời. Mọi thỏa mãn vẫn không đáp ứng được những khao khát thầm kín thẳm sâu trong tâm hồn. Một số người muốn có thêm quyền lực, thêm danh vọng và thêm hưởng thụ để cuối cùng sau khi thoả mãn với tất cả những gì mình có rồi thì tâm hồn lại trởn nên trống rỗng mà thôi..

Các thứ tội lỗi của chúng ta hôm nay cũng giống như các tội phản nghịch của người xưa, đều làm phật lòng Chúa. Mỗi khi phạm tội, chúng ta lại đâm thấu trái tim và đóng thêm gai nhọn vào thân mình Chúa. Thân mình Chúa chính là Giáo hội của Ngài. Trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, Chúa Kitô là đầu và chúng ta là chi thể. Thánh Phaolô nói về sự liên kết giữa Chúa Kitô và Hội Thánh: Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh (Ep 5, 32). Khi chúng ta phạm tội là xúc phạm đến Chúa và chi thể của Chúa. Mùa Chay mời gọi chúng ta xét mình và xin ơn tha thứ để sửa mình. Giáo hội không ngừng kêu gọi con cái mình hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc âm để được ơn cứu rỗi.

Trong Tuần Thánh, mỗi người chúng ta dành ít phút thinh lặng và chiêm ngắm hình ảnh Chúa Giêsu bị treo trần trụi trên thập giá, để từ trong sâu thẳm của tâm hồn ta có thể hợp dâng lên Chúa tất cả những đau buồn, sầu khổ, chán nản, bị đổ vạ cáo gian, bị hàm oan, những lời châm chọc chỉ trích, nỗi cô đơn và tất cả những khổ đau của cuộc đời. Xin cho được ơn thông phần nhục nhã với Chúa trên khổ giá để đền vì tội của chúng ta.

Lạy Chúa, xin Chúa thương tha thứ và ban sức mạnh để chúng ta tiếp tục vác thánh giá theo Chúa mỗi ngày. Chúa sẽ trao triều thiên vinh thắng cho những ai bền đỗ đến cùng.

 

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York.

Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

Related posts

 
00:00
 
04:47
 
 
 

Bài Giảng Chúa Nhật 5 Mùa Chay B

Video Player
 
00:00
 
28:52
 
 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 
 

Chuyên Mục

 
 
 
 

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI -

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Fri, Mar 26 at 12:11 AM
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng
     
    Lòng thương xót vô biên của Chúa.
     
    "Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
    Lời Chúa: Lc 15, 1-10
    Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
    "Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: "Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất". Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
     
    SUY NIỆM/SỐNG VÀ CHIA SẺ : CON CHIÊN LẠC
     
    Có một câu chuyện về cuộc đời của một thiếu nữ tên Liker với nội dung như sau:
    Liker phục vụ trong quân đội Anh, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy cô trở thành gái mãi dâm. Lúc thành phố Paris được giải phóng sau thế chiến thứ hai, không lâu sau đó, Liker phục vụ những khách hạng sang tại một trong những nơi ăn chơi nổi tiếng nhất của Paris do Patric làm chủ. Trong lúc tận tình giúp đỡ một thiếu nữ khác để khỏi rơi vào hoàn cảnh éo le của mình, Liker đã bắn chết Patric. Cô bị tống giam, nhưng trong cảnh ngục tù, Liker đã gặp các Nữ tu có tên gọi là các chị Bêtania, là Dòng chuyên nâng đỡ những cô gái sa cơ lỡ bước, những người nghiện ngập, những người sống đầu đường xó chợ. Vài nữ tu này trước kia cũng là nạn nhân của xã hội như những người họ đang phục vụ. Mãn hạn tù, Liker xin gia nhập dòng và trở thành một trong các chị Bêtania.
    Nữ tu Liker trong câu truyện trên đây là tiêu biểu cho con chiên lạc mà Tin Mừng đề cập đến. Nàng đã sa cơ lỡ bước, nhưng Thiên Chúa qua cử chỉ của các chị Bêtania đã đi tìm gặp chị và mời gọi chị trở nên bạn chí thiết của Ngài trong đời sống hiến dâng.
    Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay rất đơn sơ, nhưng mang đầy ý nghĩa. Vai chính là người chăn chiên và người phụ nữ. Những người chăn chiên thời Chúa Giêsu thường bị khinh miệt, vì họ là những người nghèo nàn, ít học, bị nghi ngờ gian lận, và vì phải luôn sống với đàn chiên ngoài đồng, nên họ không thể giữ luật ngày Hưu lễ cũng như không thể tham dự các giờ kinh trong Hội đường. Còn các phụ nữ là những công nhân hạng hai, theo tâm thức của Việt Nam ngày xưa: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", nhưng họ được Chúa Giêsu dùng làm hình ảnh để so sánh với chính Thiên Chúa.
    Giá trị của những vật bị mất: một con chiên không có giá trị là bao so với đàn chiên; một đồng bạc cũng thế so với số còn lại; nhưng đối với người chăn chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt. Mỗi người chúng ta cũng thế, dù là những kẻ vô danh, một con số trong bảng thống kê nhưng lại có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.
    Công khó đi tìm: không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, người chăn chiên đã lặn lội đi tìm con chiên lạc; người phụ nữ cũng thế, đã thắp đèn quét dọn cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất. Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân như thế.
    Niềm vui tìm được những vật đã mất: trên trời sẽ vui mừng và các thiên thần Chúa sẽ nhảy mừng, tượng trưng cho chính Thiên Chúa: Thiên Chúa vui mừng khi một tội nhân ăn năn hối cải.
    Một Thiên Chúa sung sướng khi chúng ta sống đúng theo thánh ý Ngài. Một Thiên Chúa giầu lòng thương xót, vì tình thương vô biên của Ngài. Nữ tu Liker trong câu truyện trên đã cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa, còn chúng ta, cho đến bao giờ mới có một kinh nghiệm như thế?
    Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được hiểu thêm lòng thương xót vô biên của Chúa. Xin cho chúng ta mau mắn chỗi dậy mỗi lần sa ngã, với niềm xác tín vào lòng nhân hậu vô bờ của Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài.
    (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
    CẦU NGUYỆN:
    Lạy Chúa Giêsu, xin đánh thức con. Xin đưa con ra khỏi cơn mê mà tự sức con không sao thoát ra được. Xin đừng ngại đánh thức con bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ, nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ đang cắt tỉa con vì yêu con.
    Ước gì con được tỉnh táo để nhìn lại vẻ đẹp từng làm con say mê, những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối. Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện, xin cho con thức luôn và sáng luôn, trước nhan Chúa. Amen
    Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
     
     

 

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Tue, Mar 23 at 1:54 AM
     
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


    NHỮNG NGUYÊN NHÂN

    DẪN ĐẾN CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU

     

    Thánh Phanxicô Assisi chia sẻ rằng: “Không phải ma quỷ đã đóng đinh Chúa Giêsu mà là chính bạn cùng với ma quỷ đã đóng đinh Người và còn đóng đinh Người bằng cách ham thích thói xấu và tội lỗi.” 

     

     

    Trong Tuần Thánh, chúng ta đứng trước biến cố Đức Giêsu chịu chết. Đó là đỉnh cao của mầu nhiệm cứu độ. Thiên Chúa đã chọn cách “liều lĩnh”[1]: Con Một của Người phải chịu chết để cứu độ con người. Một vài câu hỏi có thể đặt ra: vì sao Đức Giêsu bị đóng đinh vào thập giá? Tại sao Ngài phải đi vào con đường đau thương ấy? Ý nghĩa của Cuộc thương khó là gì? v.v.

     

    1. Nguyên nhân chính trị

    Nếu sống ở thời Đức Giêsu, chúng ta cũng có thể nhận thấy nhiều lần Ngài bị chính thế lực chính trị để mắt đến. Phần vì mức độ nổi tiếng của Đức Giêsu quy tụ đám đông, phần vì những lời giảng của Ngài ít nhiều đụng chạm đến vài chính khách[2] (ví dụ Hêrôđê và Philatô). Họ buộc phải để tâm đến đường đi nước bước của Đức Giêsu.

     

    Hẳn nhiên Đức Giêsu đến thế gian không để làm chính trị. Vì giới thiệu Tin Mừng Nước Trời, Ngài sẵn sàng lên án những luật lệ vô lối của người đương thời. Ngài muốn công bằng xã hội, muốn người ta tôn trọng phẩm giá con người, v.v... Có lẽ những lý do ấy khiến giới lãnh đạo dân sự phải vào cuộc.

     

    2. Lãnh đạo tôn giáo

    Trong Bài Thương Khó, chúng ta thấy chính giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã bắt Đức Giêsu. Số là suốt ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã trực tiếp hoặc gián tiếp công kích các lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ. Ngài đến để kiện toàn lề luật[3] và đưa con người về với luật lệ của yêu thương. Thậm chí, Đức Giêsu không chỉ phê phán, lên án nhiều lãnh đạo tôn giáo, mà Ngài còn đòi họ phải đổi thay. Nói chung giữa họ và Đức Giêsu là hai phương trời cách biệt, mỗi lúc một lớn.

     

    Đây dường như là nguyên nhân trên dễ thấy để dẫn đến cái chết của Đức Giêsu. Biên bản thượng hội đồng Do thái ghi rõ: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,45-57). Liền sau đó, họ truy bắt Đức Giêsu. Dĩ nhiên họ không có quyền kết án tử hình bất kỳ ai, nên họ mới dẫn Đức Giêsu đến Philatô để tố cáo. Bài Thương Khó đã ghi lại tình tiết của phiên tòa này. Kết quả là giới lãnh đạo tôn giáo đã thành công để loại trừ Đức Giêsu.

     

    3. Đức Giêsu tự nguyện chịu chết

    Bài Tin Mừng Chúa Nhật 5 Mùa Chay hôm nay cho chúng ta câu trả lời rõ hơn: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh!” Nghĩa là Đức Giêsu biết giờ chết của Ngài sắp tới. Trước đó, chính Ngài đã tiên báo đến ba lần về thời khắc đau thương này. Hơn ai hết, Đức Giêsu ý thức rất rõ về sứ mạng của Ngài trên trần gian. Ngài đến để dùng chính mạng sống mình làm giá chuộc muôn người. Do đó trước cái chết, Ngài không trốn tránh, nhưng tự nguyện đi vào con đường thập giá (Lc 9,51). Tất cả là vì yêu thương con người. Hoặc nói như Đức Bênêđictô XVI: “Đức Giêsu đón nhận cái chết tự nội tâm Người và biến nó thành một cử chỉ yêu thương. Xem bề ngoài đó là chuyện tàn bạo dữ dội – việc đóng đinh vào thập giá – nhưng bên trong là hành vi yêu thương tận hiến toàn vẹn.” (Youcat 210).

     

    Đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy có mấy người Hy Lạp mộ mến muốn gặp Đức Giêsu. Thay vì gặp những người này, Đức Giêsu muốn dành giờ trò chuyện, hàn huyên với các môn đệ. Là con người, Đức Giêsu cũng sợ chết, bàng hoàng với những gì sắp diễn ra (Ga 12,27). Ngài cần các môn đệ lúc này! Bên cạnh đó, để chúng ta có thể gặp được Đức Giêsu, để được cứu độ, chính Ngài phải chịu chết, phải được tôn vinh. Thiên Chúa sẽ giải thoát, chữa lành và đưa các tín hữu đến đời sống mới trong ân sủng nhờ Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Do đó cả đoạn Tin Mừng này, chúng ta nghe thấy Đức Giêsu dùng nhiều từ liên quan đến cái chết: giờ, tôn vinh, sinh hoa trái, yêu và ghét sự sống, sự sống đời đời, đi theo Đức Giêsu, xét xử thế gian, v.v.

     

    Như vậy, vì cứu độ con người, Đức Giêsu đã tự nguyện hiến mạng sống mình. Đó là cách thế duy nhất Thiên Chúa dành cho Con Một của Người. Vì yêu mến và vâng phục, Đức Giêsu đã bước vào con đường khổ giá. Ngài cũng mời gọi các môn đệ bước theo sau. Với Đức Giêsu, chết là mở ra một chân trời vinh quang. Nơi đó, với cái chết và sự phục sinh, Đức Giêsu sẽ quy tụ dân Do Thái và dân ngoại thành cộng đoàn đông đảo những người được cứu độ. Hai từ “cứu độ” là nguyên nhân chính để Đức Giêsu chịu chết. Do vậy những ai muốn bước theo Đức Giêsu, muốn phục vụ Ngài, con đường chông gai ấy cũng chờ họ phía trước.

     

    4. Đức Giêsu chết vì bạn và vì tôi

    Nhiều người cho rằng cái chết của Đức Giêsu đã đi vào quên lãng. Đó là biến cố xảy ra cách đây 2000 năm, chẳng liên quan gì đến tôi và bạn. Nếu Đức Giêsu không sống lại, thì đúng là cái chết của Ngài chẳng liên hệ gì đến tôi. Hoặc nói như thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, chúng ta là những người khốn khổ nhất trong mọi người.” (1Cor 15,19). Thực tế là Đức Giêsu đã phục sinh để cứu độ con người. Bạn nghĩ sao khi hôm nay: Đức Giêsu vẫn đang chọn con đường hiến mạng sống mình để cứu bạn và tôi?

     

    Chúng ta vẫn tuyên xưng rằng: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta! Mỗi khi phạm tội, chúng ta cũng góp phần vào cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Là tội nhân, chúng ta cần cái chết của Đức Giêsu để chuộc hết mọi lỗi lầm cho ta. Khi nói với người trẻ, Giáo hội chia sẻ rằng: Để chúng ta, là những con cái của tội lỗi và sự chết, được cứu sống, Cha trên trời của Đấng vô tội đã “làm cho Con của Ngài thành tội nhân, vì chúng ta.” (2 Cr 5,21). Vì yêu tôi mà Con Thiên Chúa phải chết; vì yêu bạn mà Đức Giêsu sẵn lòng chịu đóng đinh. Có lần thánh Phanxicô Assisi chia sẻ rằng: “Không phải ma quỷ đã đóng đinh Chúa Giêsu mà là chính bạn cùng với ma quỷ đã đóng đinh Người và còn đóng đinh Người bằng cách ham thích thói xấu và tội lỗi.” (Youcat 97). Dù ý thức hay không, đây cũng là nguyên do dẫn đến cái chết của Đức Giêsu: “Khi bàn tay Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, Người đã đóng đinh cả tội lỗi ta vào thập giá nữa.” - thánh Bernard de Clairvaux.

     

    Để kết thúc, với những lý do trên đây, hy vọng chúng ta không ngại ngùng nói về cái chết của Đức Giêsu. Nơi đó có sự sống, có tình yêu và có Thiên Đàng. Như thế chúng ta hoan hỉ với lời này của Đức Giêsu: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,24)


     


    [1] Để cứu ta khỏi chết, Thiên Chúa đã thực hiện một sứ mệnh nguy hiểm: Người đã đem vào thế giới sự chết của ta “một thứ thuốc bất tử.” (Thánh Inhaxiô Antiôkia).

    [2] Vua Hêrôđê từng có ý định giết Đức Giêsu: “Xin ông đi khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông.” (Lc 13,31)

    [3] Chẳng hạn chúng ta thường nghe: “Luật xưa dạy rằng… còn Thầy, Thầy bảo thật anh em….”(Mt 5, 21- 48). Rõ ràng điều này nói lên tính đối kháng giữa luật Môsê và lề luật của Đấng Messia.

     

    Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

     

     
     

 

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI - LỄ TRUYỀN TIN

  •  
    Tinh Cao
    CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI
     
     

    Ngày 25 tháng 3

    LỄ TRUYỀN TIN

    lễ trọng

     

    Chín tháng trước lễ Giáng Sinh, chúng ta mừng ngày Con Thiên Chúa nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Biến cố này được thánh Lu-ca tường thuật lại trong phần đầu sách Tin Mừng của người. Phụng vụ ngày hôm nay được soi sáng nhờ lời của tác giả thánh vịnh 39. Lời này đã được tác giả thư Híp-ri đặt lên miệng Chúa Ki-tô khi Người bước vào trần gian : “Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.”

    Image: Saint Mary Annunciation of Angel 02 صورة

     

     

    Phụng Vụ Giờ Kinh

    Thánh thiờ kinh sách

    Loài người mê muội tối tăm
    Bao đời u uất bao năm đui mù,
    Sắt đồng đá gỗ trơ trơ,
    Cũng tin là “Chúa” cũng thờ như “cha”.

    Bao lâu tin quấy thờ tà,
    Bấy lâu phó mặc quỷ ma cầm đầu,
    Cuộc đời thân phận ngựa trâu,
    Chết đi muôn kiếp chìm sâu ngục hình.

    Nhưng Con Thiên Chúa chẳng đành,
    Để cho ma quỷ mặc tình hại ta,
    Công trình tạo dựng của Cha,
    Lẽ nào đổ vỡ tiêu ma dưới trần.

    Nên Ngài mặc xác phàm nhân
    Cho người dương thế thông phần phục sinh,
    Cùm gông thần chết tan tành,
    Phàm nhân lên ở thiên đình cùng Cha.

    Hôm nay vũ trụ sum hoà,
    Ánh hồng rực rỡ bông hoa tươi cười,
    Mừng Con Chúa đã vào đời,
    Ẩn thân trong dạ một người Nữ Trinh.

    Kỷ nguyên mới đẹp bình minh,
    Hoàng kim thời đại thành hình vẻ vang,
    Phàm nhân gặp gỡ Thiên Hoàng,
    Trần ai gần gũi thiên đàng từ đây.

    Giê-su, xin hát dâng Ngài,
    Là Con Thánh Mẫu trọn đời đồng trinh,
    Muôn câu hát, vạn lời kinh,
    Cùng dâng Thánh Phụ, Thánh Linh muôn đời.

    Bài đọc 2 giờ kinh sách

    Bí tích giao hoà của chúng ta

     

    Trích thư của thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng.

    Đấng uy nghi đã nhận lấy thân phận thấp hèn ; Đấng quyền năng nhận kiếp người yếu đuối ; Đấng hằng hữu nhận xác phàm phải chết. Để trả món nợ mà những kẻ mang thân phận làm người như chúng ta mắc phải, bản tính bất khả tổn thương đã phối hợp với bản tính có thể chịu đau khổ. Như thế, Vị Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, là con người Giê-su Ki-tô, vừa có thể chết, lại vừa không thể chết ; và đó chính là phương dược cứu chữa chúng ta.

    Thế nên Đấng là Thiên Chúa thật đã mang lấy đầy đủ và nguyên vẹn bản tính của một con người thật mà sinh ra. Người vẫn hoàn toàn là Thiên Chúa, đồng thời cũng hoàn toàn là người như chúng ta. Tôi nói “là người như chúng ta” theo nghĩa là như những gì Đấng Tạo Hoá đã dựng nên nơi chúng ta từ thuở ban đầu và cũng là những gì Người đã nhận lấy để tái tạo.

    Vì nơi Chúa Cứu Thế, không có dấu vết của những gì mà tên lừa gạt đã đưa vào thế gian và con người bị lừa gạt đã mắc phải. Cho nên, dẫu Người chấp nhận chia sẻ thân phận mỏng giòn của phàm nhân chúng ta, Người vẫn không thông phần vào tội lỗi của chúng ta.

    Người đã mặc lấy thân nô lệ mà không nhiễm vết nhơ tội lỗi, đã nâng cao nhân tính mà không hạ thấp thần tính : Đấng Tạo Hoá và Chủ Tể muôn loài đã muốn trở nên một người giữa những người có sinh có tử, nên đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, và nhờ đó, vốn là Đấng vô hình, Người đã hoá nên hữu hình cho chúng ta được thấy. Nhưng trút bỏ vinh quang như thế là Người đã rủ tình thương xót mà hạ cố, chứ không phải là Người đã bị mất quyền năng. Vậy Đấng, trong uy thế của một vì Thiên Chúa, đã làm ra con người, cũng chính là Đấng nay làm người trong thân phận của một kẻ tôi tớ.

    Thế là Con Thiên Chúa đã đi vào hạ giới của chúng ta. Người từ ngai trời mà xuống, nhưng không rời bỏ vinh quang của Cha. Người được sinh ra theo một lối sinh khác để đi vào một thế giới khác.

    Nói là “vào một thế giới khác”, vì trong giới Thiên Chúa, Người vô hình, còn trong giới phàm nhân, Người hữu hình. Đấng vô biên đã muốn trở thành hữu hạn. Đấng vẫn hiện hữu trước thời gian đã bắt đầu hiện diện từ một thời điểm. Đấng là Chúa Tể càn khôn đã mặc lấy thân nô lệ, che giấu hết uy quyền vô biên của mình. Đấng là Thiên Chúa không thể chịu đau khổ, đã chẳng quản nên người phàm có thể chịu khổ đau. Và Đấng bất tử đã chẳng nề chấp nhận luật tử sinh.

    Quả thế, Đấng thật sự là Thiên Chúa cũng thật sự là con người, và sự phối hợp này không có chi dối trá, vì giữa phận hèn phàm nhân và thần tính cao cả vẫn có một quan hệ hỗ tương.

    Thiên Chúa vẫn nguyên vẹn là Thiên Chúa khi Người cúi xuống xót thương. Cũng vậy, con người không mất tư chất của mình khi phẩm vị được nâng lên. Cả hai bản tính cùng hoạt động, nhưng lại thông hiệp với nhau. Đó là một điều đặc biệt : Ngôi Lời vẫn hoạt động theo bản tính của Ngôi Lời, còn xác phàm vẫn theo bản tính xác phàm.

    Một đàng rạng ngời vinh quang vì phép lạ, một đàng quỵ ngã vì nhục hình. Ngôi Lời không mất đi vinh quang ngang hàng với Cha thế nào, thì xác phàm của Người cũng không rời bỏ bản tính nhân loại của chúng ta như thế.

    Phải nhắc đi nhắc lại rằng Người chỉ là một hữu thể duy nhất, vừa thật sự là Con Thiên Chúa, vừa thật sự là con của loài người. Người là Thiên Chúa, bởi lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Người là một con người, bởi Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.

    Xướng đáp giờ kinh sách

    XLạy Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, xin nhậm lời Chúa do thiên sứ truyền lại : Này đây bà sẽ thụ thai và sinh con, và con bà sinh hạ vừa là Thiên Chúa, vừa là người. Lạy Mẹ Ma-ri-a,

    Đchính vì thế, Mẹ được ngợi khen là có phúc hơn mọi người phụ nữ.

    XMẹ sẽ thụ thai, nhưng vẫn mãi tinh tuyền, Mẹ sẽ sinh con, nhưng vẫn luôn trinh khiết.

    Đchính vì thế, Mẹ được ngợi khen là có phúc hơn mọi người phụ nữ.

    Thánh thi (giờ kinh sáng)

    Rực rỡ ngày lên báo tin lành,
    Thiên thần mang đến Mẹ Đồng Trinh
    Lời Thiên Chúa hứa và thực hiện
    Cho cả trần gian hưởng thái bình.

    Đấng tự ngàn đời đã sinh ra
    Từ lòng muôn thuở Chúa Ngôi Cha,
    Giáng trần phải chọn người thân mẫu
    Sống kiếp phàm nhân chẳng nề hà.

    Chân Lý ngàn thu nay nhập thể
    Trong lòng Trinh Nữ chẳng ai ngờ,
    Chỉ hồn trong trắng được chiêm ngưỡng,
    Xin giãi sáng vào cõi bùn nhơ.

    Được phúc cưu mang Đấng Cửu Trùng,
    Dẫu là tỳ nữ rất khiêm cung,
    Giờ đây Bà Chúa trên Thiên Quốc
    Xin Mẹ hằng thương chúng con cùng.

    Muôn tiếng ngợi khen dâng kính Chúa
    Giáng trần sinh bởi Mẹ Đồng Trinh.
    Ngài cùng Thánh Linh và Thánh Phụ
    Thiên thu hiển trị cõi thiên đình.

     

    Thánh thi giờ kinh chiều I và II

    Khắp cả trần gian hãy biết rằng
    Tin Mừng giải thoát đã tràn lan,
    Sau thời nô lệ đầy tăm tối
    Đến lúc tự do ngập huy hoàng.

    Lời sấm bao đời của Ê-sai
    Về người Trinh Nữ, ứng nghiệm thay !
    Thiên thần loan báo, và Trinh Nữ
    Nhờ Chúa Thánh Linh, đã thụ thai.

    Lời Chúa, Mẹ tin rất vững vàng,
    Nay thành mầm sống Mẹ cưu mang,
    Đấng trời cùng đất không chứa nổi,
    Giờ hoá thai nhi sống ẩn tàng.

    Này A-đam mới rửa tinh tuyền
    Những gì nhơ nhớp bởi tội nguyên,
    Tổ phụ kiêu căng làm đổ vỡ,
    Cháu con khiêm tốn dựng xây lên.

    Chúc tụng Ngôi Cha, Đấng tạo thành,
    Hát mừng Thánh Tử, Vị Cứu Tinh,
    Đấng đầu thai xuống lòng Trinh Nữ
    Do bởi phép mầu Chúa Thánh Linh.

     

    Lời cầu giờ kinh chiều

    Hôm nay Thiên Chúa sai thiên sứ báo tin vui cứu độ cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Vậy ta hãy tha thiết nguyện cầu :

    Lạy Chúa, xin cho chúng con được đầy tràn ân sủng.

    Chúa đã chọn Đức Ma-ri-a làm Mẹ Chúa Cứu Thế, - xin rủ tình thương tất cả những ai đang mong chờ ơn cứu độ.

    Lạy Chúa, xin cho chúng con được đầy tràn ân sủng.

    Chúa đã sai thiên sứ Gáp-ri-en báo tin mừng bình an cho Đức Mẹ, - xin cho toàn thế giới nhìn nhận rằng Con Một Người chính là Đấng nhân loại đợi trông.

    Lạy Chúa, xin cho chúng con được đầy tràn ân sủng.

    Nhờ quyền năng Thánh Thần, Chúa đã cho Ngôi Lời đến ngự trong lòng Đức Mẹ để ở giữa chúng con, - xin cho chúng con biết noi gương Đức Mẹ mà đón rước Ngôi Lời của Chúa.

    Lạy Chúa, xin cho chúng con được đầy tràn ân sủng.

    Chúa là Đấng thương xót kẻ nghèo hèn, và ban của đầy dư cho người đói khổ, - xin nâng đỡ những ai kiệt sức, trợ giúp kẻ cơ bần và an ủi người đang hấp hối.

    Lạy Chúa, xin cho chúng con được đầy tràn ân sủng.

    Chỉ mình Chúa thực hiện những kỳ công vĩ đại, - xin thương cứu chúng con trong ngày Chúa cho kẻ chết được phục sinh.

    Lạy Chúa, xin cho chúng con được đầy tràn ân sủng.

    Lời nguyện các giờ kinh

    Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ngôi Lời của Chúa mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a để cứu độ loài người. Này chúng con tuyên xưng Đấng Cứu Độ là Thiên Chúa thật và là người thật, xin cho chúng con cũng được thông phần bản tính Thiên Chúa của Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

     

     

    Phụng Vụ Lời Chúa

     

     

    Bài Ðọc I: Is 7, 10-14

    "Này trinh nữ sẽ thụ thai".

    Trích sách Tiên tri Isaia.

    Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: "Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!" Nhưng vua Achaz thưa: "Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử Chúa". Và Isaia nói: "Vậy nghe đây, hỡi nhà Ðavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta".

    Ðó là lời Chúa.

     

    Ðáp Ca: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 11

    Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).

    Xướng: 1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến". - Ðáp.

    2) Như trong cuốn sách đã chép về con, lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và luật pháp của Chúa ghi tận đáy lòng con. - Ðáp.

    3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. - Ðáp.

    4) Con chẳng có che đậy đức công minh Chúa trong lòng con; con đã kể ra lòng trung thành với ơn phù trợ Chúa; con đã không giấu giếm gì với đại hội về ân sủng và lòng trung thành của Chúa. - Ðáp.

     

    Bài Ðọc II: Dt 10, 4-10

    "Ở đoạn đầu cuốn sách đã viết về tôi là, lạy Chúa, tôi thi hành thánh ý Chúa".

    Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

    Anh em thân mến, máu bò và dê đực không thể xoá được tội lỗi. Vì thế, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: "Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho con một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên con nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách. Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật". Ðoạn Người nói tiếp: "Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa". Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau, chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

    Ðó là lời Chúa.

     

    Alleluia hoặc Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 1, 14ab

    (Mùa Chay: bỏ Alleluia)

    Alleluia, alleluia! - Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta, và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Người. -Alleluia.

     

    Phúc Âm: Lc 1, 26-38

    "Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai".

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

    Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ". Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

    Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận".

    Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"

    Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".

    Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt Bà.

    Ðó là lời Chúa. 

     

     

    High Resolution Stock Art |The Annunciation, by Poussin - Restored  Traditions

     

     

    "Hết mọi sự trong Giáo Hội, hết mọi cơ cấu và thừa tác vụ, bao gồm cả thừa tác vụ của Thánh Phêrô và của các vị thừa kế ngài, đều được ‘bao gồm’ trong áo choàng của Vị Trinh Nữ này"

     ----------------------------------------------------------------

     

CẢM NGHIỆM TÌNH CHÚA YÊU TÔI -

CẢM TẠ TẤT CẢ NHỮNG ƠN LÀNH THIÊN CHÚA BAN CHO CHÚNG TA

 
**
Thông thường sống ở trên đời, thì người biết điều là khi chúng ta nhận được của ai bao nhiêu dù là rất nhỏ thì người ấy cũng xứng đáng được nghe một lời cảm ơn đáp trả, thưa có phải?. Đó mới thực sự là người luôn biết sống trong tâm tình biết ơn. Do đó, Người đầu tiên trong ngày mà chúng ta cần phải cảm tạ, tôn vinh và ngợi khen ấy là Thiên Chúa Đấng vô quyền năng, đã ban phát cho chúng ta sự sống đầy tràn và sung mãn.
 
**
Bởi mọi ân sủng, mọi hồng ân, tất cả mọi điều chúng ta cảm nhận và tất cả mọi điều chúng ta không thể cảm nhận được nhưng biết có đó … là do từ Thiên Chúa ban cho mà có. Như hơi thở mà chúng ta chẳng hề bao giờ phải quan tâm đến nhưng nó lại rất quan trọng để một người có thể sống được mà Thiên Chúa ban cho rất nhưng không. Nhất là những ai đã vượt qua được thời gian phải cần máy trợ thở, ở trong nhà thương khi nằm điều trị cho dịch bệnh Covid-19.
 
**
Người kế tiếp mà chúng ta cần phải cảm ơn hằng ngày đã lo cho chúng ta được đầy đủ trong khả năng của các ngài, ấy là cha mẹ của chúng ta. Làm con cái ngoan ngoãn thì ai cũng nhận biết cha mẹ đã dành tất cả tình yêu thương cho con cái của các ngài và có thể nhịn tất cả, hy sinh tất cả cho con. Vâng, ngay cả chính mạng sống của các ngài; chỉ mong sao con cái chúng được sống bình an và hạnh phúc.
 
**
Nhưng còn về phần của từng đứa con, ai thương cha mẹ và muốn làm gì để trả hiếu khi các ngài ở tuổi già vẫn còn có chút sức khỏe hay không?. Hay hết thảy chúng đều là con bất hiếu?. Như biết bao nhiêu chuyện phim ngắn mà chúng ta được xem qua. Và thực tế thì buồn lắm – cho thấy “1 mẹ có thể nuôi được 10 con nhưng 10 con không nuôi nổi 1 mẹ”.
 
Nói chung thì cha mẹ ở mọi tầng lớp trong xã hội đều bị con cái chúng ngược đãi cách khác nhau theo cách chúng học được khi chúng còn nhỏ. Nhưng hơn hết Người mà chúng ta rất thường tỏ thái độ vô ơn, bội nghĩa, bạc tình lại là Cha chúng ta ở trên Trời.
 
**
Thiết nghĩ ai trong chúng ta hiện đang làm bậc cha mẹ cũng rất thường lắm khi bị chúng con cái làm cho cha mẹ đau khổ dù chúng đang ở vào tuổi nào. Nhà nào càng đông con thì cái khổ ấy càng nhiều và càng triền miên vì chúng sống rất vô tình, ích kỷ và vô ơn lắm. Do vậy mà cha mẹ lớn tuổi rất hiểu và rất thông cảm cho nỗi khổ tâm của Cha chúng ta, Đấng đang ngự ở trên Trời.
 
Các ngài hiểu rõ được một điều là Thiên Chúa Người càng yêu nhân loại nhiều bao nhiêu thì Người càng khổ nhiều, càng nhận vào nhiều sự nhục mạ, khinh dể nơi các con cái của Người … Vì Người không mang lại cho họ được sự giàu có cách thỏa mãn; không cho họ chức tước mà họ mong đợi hay danh dự gì mà lại bị chết chung với thành phần trộm cướp.
 
**
Nhưng con người trần gian thì từ xưa cho đến nay vẫn cứ mãi tiếp tục nhẫn tâm thóa mạ, xỉ nhục, đội mão gai trên đầu của Chúa. Tra tấn, hành hạ cho thân xác của Chúa ra nhừ nát. Rồi sau cùng để thỏa mãn cho cái thú tánh thì hết thảy chúng ta lại đồng thanh la lên “Đóng đinh nó đi” thì mới hả dạ!?.
 
Do đó mà hàng năm chuyện tích đem Chúa đi đóng đinh chẳng phải còn là đóng kịch nữa nhưng là hình ảnh thật sống động làm sống lại trong từng vai trò của chúng ta có mặt trên 14 chặng đường Thánh Giá đó.
 
**
Ôi lạy Thiên Chúa rất nhân từ – Cũng sẽ có lúc chúng con phải từ giã cõi đời này mà ra đi mãi mãi; một đi không trở lại Chúa nhỉ!. Xin cho chúng con hiểu được sự thật để biết mà chuẩn bị cho thời khắc không đợi nhưng sẽ đến ấy!.
 
Nhất là ở cái tuổi mà con cái chúng cũng chê, cháu cũng bỏ, rồi thì xã hội cũng chối từ sự chăm nom và quan tâm đến. Lúc bấy giờ thì với tấm thân vô dụng, chúng con có thể dựa dẫm và nương tựa vào ai khác? Ngoài Thiên Chúa Đấng rất nhân từ và rất yêu thương chúng con.
 
Xin cho chúng con hiểu được rằng cuộc đời có Gieo có Gặt!. Xưa trẻ chúng con gieo thế nào thì khi về già chúng con sẽ gặt thế ấy!.
 
**
Nhưng không gì sợ cho bằng là sự sống muôn đời của Linh Hồn chúng con Chúa ơi!. Xin Chúa thương giúp chúng con là hằng ngày luôn biết kiểm điểm chính mình để cố gắng sống tốt hơn của ngày hôm qua. Và cố gắng gieo được càng nhiều hạt giống tốt (vì thời giờ có hạn) để về sau chúng sẽ cho ra nhiều hoa trái tốt lành mà dâng cho Chúa. Amen.
 
 
**
Y tá con của Chúa,
Tuyết Mai
15 tháng 3, 2021
 
 
***
Xin bấm vào mã số dưới đây để cùng hát:
Chia sẻ Bài này:
 

FacebookTwitterLinkedInPinterestViber

Related posts

 
00:00
 
04:47
 
 
 

Bài Giảng Chúa Nhật 3 Mùa Chay B

Video Player
 
00:00
 
32:16
 
 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 
 

Chuyên Mục