2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM MINH ANH - THỨ BA

  •  
    Thứ Ba, Tuần XVI Thường Niên, Năm Chẵn  
    -  Mk 7, 14-15. 18-20  -  Mt 12, 46-50

     

    NÀY ĐÂY CON ĐẾN

    Ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, người ấy là anh em, chị em và là mẹ Tôi!.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Lời Chúa hôm nay đặt ra câu hỏi, đâu là mục đích cuộc sống của tôi? Thiên Chúa tạo nên chúng ta để mỗi người nhận biết, yêu thương và phục vụ Ngài trong thế giới này, hầu sống hạnh phúc đời đời với Ngài. Chúa Giêsu là kiểu mẫu trong việc làm theo ý Cha; vì thế, ai sống tinh thần ‘Này đây con đến’ của Chúa Giêsu, người ấy trở nên “anh em, chị em và là mẹ” của Ngài!

    Bước vào trần gian, Chúa Giêsu nói, “Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưa, nhưng đã tạo cho con một thân xác, thì này đây con đến để thực thi ý Ngài!”. Từ đó, tinh thần ‘Này đây con đến’ của Chúa Giêsu được toả lan qua tất cả những ai bước theo Ngài. Lạ lùng thay, nhưng cũng tuyệt vời thay, người môn đệ đầu tiên sống tinh thần ấy lại là Maria, Mẹ Ngài. Với lời “Xin vâng”, Mẹ đã thật sự bước vào gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, khi nói, “Ai là mẹ Tôi và ai là anh em Tôi?”, Chúa Giêsu không hề thiếu tôn trọng Mẹ và các anh em Ngài; đúng hơn, Ngài công nhận Mẹ Ngài, một công nhận lớn nhất; vì lẽ, bản thân Maria là người môn đệ hoàn hảo vâng theo ý muốn Thiên Chúa cách toàn bích. Cuộc sống của Mẹ là một lời thưa, ‘Này đây con đến!’.

    Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết, “Thiên Chúa ‘say mê’ con người; vì tình yêu, Ngài đã dựng nên nó; vì tình yêu, Ngài cho nó hiện hữu, hầu nó hưởng nếm sự tốt lành vĩnh cửu của Ngài”. Để trợ giúp chúng ta, Thiên Chúa ban Con của Ngài để chúng ta học hỏi và dõi theo, hầu có thể hoàn thành mục đích đời mình là “nhận biết, yêu thương và phục vụ Ngài trong thế giới này”. Đây là lý do tại sao chúng ta đi theo Chúa Giêsu, lắng nghe Ngài; nhờ đó, có thể hoàn thành mục đích đời mình. Và như vậy, chúng ta ‘là gì’ và chúng ta ‘làm gì’ là hai mặt của một đồng tiền! Nên giống Chúa Giêsu, sống ý lực ‘Này đây con đến’ của Ngài để chu toàn thánh ý Chúa Cha, chúng ta là người thân của Chúa Giêsu vậy!

    Không chỉ được tạo dựng, chúng ta còn được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi bằng chính bửu huyết của Chúa Giêsu. Bài đọc Mikha hôm nay nói, “Mọi tội lỗi của chúng ta, Chúa ném xuống đáy biển”; Phaolô thì nói, “Vì những ai Ngài đã biết từ trước, thì Ngài đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Con của Ngài làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc”. Qua Chúa Giêsu, tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta thể hiện một cách trọn vẹn. Thánh Vịnh đáp ca là một lời cầu nguyện sâu sắc, “Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa!”. Để đáp lại tình yêu đó, bắt chước Chúa Giêsu, chúng ta thưa lên, ‘Này đây con đến’; và như Ngài, làm theo ý muốn Chúa Cha, chúng ta trở nên người nhà của Ngài.

    Ngày kia tôi đến thăm một gia đình. Người vợ làm công việc rửa chén cho các quán ăn; ngoài giờ làm việc, cô rảo qua các làng thu gom ve chai, nhôm nhựa. Cô tần tảo nuôi sống gia đình có đến 5 miệng ăn; điều đáng nói là trong đó, người chồng bị HIV liệt giường và con trai khoảng 15 tuổi nghiện ngập. Tôi thật sự xót xa cho số phận của bà mẹ trẻ. Thế mà, sau vài câu chào thưa, ngạc nhiên thay, cô hỏi tôi, “Con nên làm gì cho đẹp lòng Chúa?”. Tôi nghẹn ngào!

    Anh Chị em,

    “Con nên làm gì cho đẹp lòng Chúa?”. Câu hỏi của người mẹ trẻ tiết lộ cho chúng ta rằng, thì ra, thực thi ý muốn của Chúa Cha, không phải và cũng không chỉ là làm những gì to tát; nhưng còn là vui lòng đón nhận bổn phận hiện tại của mình; ôm lấy thánh giá đời mình với niềm tin yêu, phó thác và luôn làm đẹp lòng Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chúa Giêsu đã sống triệt để ý lực sống ‘Này đây con đến’ của Ngài, Ngài sống nó cho đến chết. Và cả chúng ta, nếu sống được tinh thần của Ngài, chắc chắn chúng ta là “anh em, chị em và là mẹ” của Chúa Giêsu!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, thưa lên ‘Này đây con đến’ xem ra thật dễ; nhưng chu toàn phần hai của nó, khó hơn bội phần! Xin ban cho con một lòng quảng đại như người môn đệ đầu tiên, Maria!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồn

     
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON - THỨ BA

  •  TGM NGUYỄN NĂNG
     

    Thứ Ba tuần 16 Thường niên năm II - Thực hành lời Chúa (Mt 12,46-50)

    Tin mừng: Mt 12, 46-50

    46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.

    47 Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”.

    48 Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.

    50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh là Dân riêng mới. Dân riêng mới được quy tụ không theo tiêu chuẩn huyết thống, nhưng theo tiêu chuẩn tin và thi hành ý muốn Chúa Cha.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, dân riêng thời Cựu ước bao gồm những con cháu của gia đình tổ phụ Gia-cóp. Họ liên kết với nhau nhờ tình máu huyết. Còn Chúa, Chúa quy tụ dân riêng của Chúa theo một tiêu chuẩn khác. Ai sống theo thánh ý Chúa Cha, người đó trở nên dân riêng, trở nên người thân của Chúa. Nhờ đó, tất cả mọi người đều có cơ hội trở nên con cái trong đại gia đình Chúa thiết lập.

    Thoáng nghe Tin Mừng hôm nay, con có cảm tưởng dường như Chúa lạnh lùng với thân bằng quyến thuộc. Nhưng suy gẫm thêm, con mới hiểu rằng: tình máu mủ dù có thắm thiết đến đâu cũng không thể chặt chẽ bằng mối tình thiêng liêng được liên kết bằng tình yêu Chúa. Chúa không dạy con bỏ tình ruột thịt, nhưng dạy con biết cùng nhau sống thánh ý Chúa Cha để mọi mối tình nhân loại được vững bền và có giá trị cao cả.

    Các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai là tấm gương quý báu cho con. Họ đã trở nên anh chị em vì cùng tin và cùng sống Tin Mừng của Chúa. Họ đã góp tất cả của cải để chia đều cho nhau. Chúng con là anh chị em ruột thịt cũng không thể làm được như vậy.

    Lạy Chúa, xin cho con nhận ra ý nghĩa cao cả của Bí tích Rửa Tội, vì nhờ đó, con được dẫn vào mối liên hệ thân thích mới. Nhưng nhất là xin Chúa giúp con sống bí tích Rửa Tội, thực thi Thánh Ý Chúa trong cuộc sống, để nhờ đó con được thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau. Amen.

    Ghi nhớ: “Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON - THỨ HAI

  •  TGM NGUYỄN NĂNG

    Thứ Hai tuần 16 Thường niên năm II - Dấu lạ và Dấu chỉ (Mt 12,38-42)

    Tin mừng: Mt 12, 38-42

    38 Khi ấy, có mấy luật sĩ và biệt phái thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ”.

    39 Người trả lời: “Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ! Nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giona.

    40 Cũng như xưa tiên tri Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy.

    41 Tới ngày phán xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó, vì họ đã nghe lời tiên tri Giona mà sám hối tội lỗi, nhưng đây có Đấng cao trọng hơn Giona.

    42 Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó: vì bà từ biên thuỳ trái đất đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, nhưng đây có Đấng cao trọng hơn Salomon”.

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Chúa Giêsu đến không phải để làm những dấu lạ nhãn tiền chiều theo tính hiếu kỳ và sự cứng lòng của con người. Chúng ta hãy hoàn toàn tín nhiệm vào Chúa.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con thấy điều làm cho Chúa đau khổ nhất đó chính là sự cứng lòng tin. Chúa đã cảnh cáo, trách mắng người Do Thái không chịu tin vào Chúa. Họ đã hững hờ, coi thường những dấu lạ mà Chúa đã thực hiện. Vì đối với họ, những dấu lạ đó chưa đủ sức thuyết phục.

    Lạy Chúa Giêsu, niềm tin của con ngày hôm nay nhiều lúc cũng như thế, nhiều lần, con cũng đã đòi Chúa ban cho phép lạ nào đó, nhiều lúc con đã mặc cả với Chúa trong lúc cầu nguyện. Con muốn tin vào Chúa và theo Chúa, nhưng lại với điều kiện Chúa ban ơn cho con trước, mà những ơn đó nhiều lúc lại chẳng cần thiết cho sự sống linh hồn con. Con muốn Chúa thực hiện theo ý con, trước khi con vâng theo Ý Chúa.

    Lạy Chúa, ngay cả thời đại hôm nay, Chúa vẫn đang âm thầm hoạt động. Xin mở con mắt đức tin của con, để con thấy được nhiều dấu lạ trong thế giới hôm nay: Một Giáo Hội mỗi ngày một tăng trưởng, một tình thương ngày càng lan rộng, và chung quanh con, biết bao người đang sống gắn bó mật thiết với niềm tin vào Chúa là Đấng Tử Nạn và Phục Sinh.

    Trước những dấu lạ đó, xin cho con được noi gương dân thành Ni-ni-vê, biết thống hối ăn năn. Và xin cho con biết đón nhận lời khôn ngoan của Chúa. Con hết lòng tín nhiệm nơi Chúa. Amen.

    Ghi nhớ: “Nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy lên án thế hệ này”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM MINH ANH - THỨ HAI

  •  LM MINH ANH
     
     
     
    Thứ Hai, Tuần XVI Thường Niên, Năm Chẵn  
    -   Mk 6, 1-4. 6-8  -  Mt 12, 38-42


    BẮT ĐẦU BỞI MỘT ƯỚC MUỐN THAY ĐỔI BÊN TRONG

    Chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ!.

    C. S. Lewis nói, “Tình yêu là sự hiệp nhất sâu sắc, được duy trì bởi ý chí, được củng cố bởi các thói quen tốt, được nuôi dưỡng bởi ân sủng; nhưng trên hết, nó phải được ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong!’. Từ đó, bạn mới có khả năng nhìn mọi sự với đôi mắt trẻ thơ!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    “Tình yêu phải được ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong!’”; Lời Chúa hôm nay cho thấy điều C. S. Lewis nói thật chí lý! Trong tình yêu đối với Thiên Chúa, thay vì đưa ra những đòi hỏi đối với Ngài, chúng ta sẽ đưa ra những đòi hỏi đối với chính mình! Đòi hỏi trước nhất, quan trọng nhất là đòi hỏi thay đổi một thái độ, một cách nhìn, vốn cho phép mỗi người lớn lên trong khiêm nhường, trưởng thành trong tin yêutiến nhanh trên đường nên thánh.

    Mặc dù đã chứng kiến bao việc kỳ vĩ Chúa Giêsu làm, các kinh sư biệt phái vẫn đòi Ngài làm thêm một dấu lạ. Mối quan hệ của họ với Ngàimối quan hệ một chiều; họ muốn kéo một Thiên Chúa xuống ‘ngang tầm’ một ông bụt! Một khi họ yêu cầu, ‘Ông Bụt’ đáp ứng thoả đáng; nhờ đó, ‘Ông Bụt’ sẽ ăn mày được sự tôn trọng họ bố thí! Chúa Giêsu không phải là một ông bụt, Ngài là Thiên Chúa! Thật đáng tiếc, các kinh sư biệt phái đã đóng cửa trái tim họ đối với Chúa Giêsu từ trước; chính lòng kiêu hãnh của họ đã dẫn họ đến những yêu cầu bất khả thi đối với người khác. Với Chúa Giêsu, lòng kiêu hãnh đó không bao giờ được thoả mãn; vì Ngài biết, tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu đối với sự thật, không có chỗ trong trái tim họ! Và đích thị, lòng kiêu hãnh nơi họ là nguyên nhân của mọi chia rẽ, oán hận và đắng cay; đang khi mọi sự phải được ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong!’.

    Và này, câu trả lời của Chúa Giêsu vẫn không nằm ngoài ý muốn thay đổi bên trong tâm hồn những con người kiêu căng này. Ngài cho biết, như Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba đêm ngày thế nào; rồi đây, Ngài cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy. Nghe lời Giôna, Ninivê đã thay đổi; nghe lời Ngài, họ cũng phải thay đổi! Thế nhưng, lòng họ vẫn trơ lỳ, và Chúa Giêsu quyết định không giấu giếm họ một điều nào nữa, Ngài nói, “Ở đây, còn có Đấng cao trọng hơn Giôna!”. Ninivê đã nhận ra sứ điệp Giôna mang đến, họ đã ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong’; nhờ đó, họ được giao hoà với Thiên Chúa, gặp được lòng thương xót của Ngài. Giới kinh sư, biệt phái thì không; họ từ chối Chúa Giêsu và sứ điệp Ngài mang đến; họ không bao giờ hiệp nhất với Thiên Chúa trong tình yêu, chẳng được nuôi dưỡng bởi ân sủng.

    Cũng một tâm tình, sách Mikha hôm nay nói, Thiên Chúa không đòi hỏi gì khác, ngoài một việc là Israel phải hạ mình trước mặt Ngài, ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong’, “Người hỡi, Ta sẽ chỉ cho ngươi việc phải làm, và việc nào Chúa đòi hỏi nơi ngươi: tức là hãy thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa, và khiêm tốn bước theo Thiên Chúa ngươi”. Thánh Vịnh đáp ca cũng gợi lên đòi hỏi đó, “Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời!”.

    Anh Chị em,

    Chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ!. Đòi hỏi của giới kinh sư, biệt phái phần nào nói lên thái độ của chúng ta. Lắm khi chúng ta chạy tìm khấn vái hết Đức Mẹ ở nơi này, đến Đức Mẹ nơi khác. Hành động này chẳng khác nào chúng ta buộc Thiên Chúa làm phép lạ đó sao? Và như thế, vô tình chúng ta thử thách Thiên Chúa và quyền năng của Ngài. Đang khi Thiên Chúa là tình yêu, Ngài thấu hiểu con cái! Chính khi chúng ta cầu nguyện, nhỏ to, tỉ tê, chia sẻ buồn vui cùng những khắc khoải âu lo với Ngài lại là lúc Thiên Chúa vui lòng nhất; qua đó, mối thân tình của chúng ta đối với Ngài ngày càng bền bỉ. Chính qua sự gần gũi này, chúng ta mới nghe được điều Thiên Chúa muốn và nhận ra kế hoạch yêu thương của Ngài. Như thế, ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong’, chúng ta sẽ nhận ra sự khôn ngoan tuyệt vời trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trên chính mình, và đó là phép lạ đáng ao ước nhất!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    Lạy Chúa, xin giúp con ‘bắt đầu bởi một ước muốn thay đổi bên trong’; nhờ đó, con lớn lên trong khiêm nhường, trưởng thành trong tin yêutiến nhanh trên đường nên thánh!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

     

     
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - NỘI NGUYỄN - CN16TN-C

  •  
    Song Loi Chua
     
     

    SUY NIỆM/CẢM NGHIỆM SỐNG PHÚC ÂM

    CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM C (17/7/2022)

    TIN MỪNG LUCA 10, 38-42

    ---ooOoo---

    HAI CÁCH TIẾP ĐÓN CHÚA GIÊSU

    “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện.

    Chỉ có một sự cần mà thôi:

    Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất” (c. 41-42)

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Nhìều nhà tu đức xem câu chuyện hai chị em Martha và Maria tiềp đón Chúa Giêsu là biểu tượng của hai cách sống đức tin: đó là đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động Thật ra câu chuyện không mang tính chất như vậy.

    Đơn giản chỉ là hai cách tiếp đón Chúa Giêsu của hai người phụ nữ cùng có lòng yêu quý Người, cùng muốn làm cho Người có được những giây phút  bình yên, thoải mái trong khung cảnh gia đình và bạn bè đơn sơ chân tình.

    Điều quan trọng hay bài học mà Chúa Giêsu muốn hai chị em Martha và Maria cũng như mọi độc giả chúng ta hiểu, là Chúa Giêsu ưa thích cách tiếp đón nào hơn: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".

    Ước gi sau khi đọc và suy niệm bài Phúc âm Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm C hôm nay, chúng ta hãy tiếp đón Chúa Giêsu theo cách tốt nhất như cách mà Maria đã làm.

    II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 10,38-42: Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".

     

    III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 10,38-42:

    3.1 Hai cách thể hiện một tình yêu: Chúa Giêsu có mối quan hệ một cách đặc biệt với ba chị em nhà Lagiarô ở Bêtania. Trong đoạn phúc âm trên tác giả không nhắc đến tên Lagiarô mà chỉ nhắc đến tên hai người chị là Martha và Maria. Hai người phụ nữ này đều yêu quý Chúa Giêsu một cách thật lòng nên  mỗi lần Chúa Giêsu ghé thăm, họ đều thể hiện lòng quý mến Người một cách nồng thắm. Martha là chị cả nên quan tâm đến việe tiếp đãi Chúa những bữa cơm chất lượng. Chính ví thế là chị lăng xăng chạy đôn chạy đáo. Con Maria cô em gái thì thích ngồi nghe Chúa Giêsu nói và trao đổi với Người.

    3.2 Cách tiếp đón tốt nhất mà Chúa Giêsu khen ngợi:  Cả hai cách tiếp đón của Martha và Maria đều xuất phát từ một tình yêu hay một tình bạn chân thành> Nhưng rõ ràng là cách tiếp đón của Maria được Chúa Giêsu ưa thích hơn. Vì thế mà Chúa Giêsu mới nói với Martha: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất" Theo ý của Chúa Giêsu thì chỉ có một chuyện cần thiết cho cuộc sống đức tin, cho mối quan hệ của người tín hữu với Người là lắng nghe lời của Chúa, vì Chúa là Đấng Mêsia, là Lời và là ngôn sứ của Thiên Chúa:

    IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 10,38-42:

    4.1 Tăng cường lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu: Cách thứ nhất giúp chúng ta thực thi sứ điệp của lời Chúa là chúng ta hãy tăng cường lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu Kitô. Muốn yêu mến Chúa nhiều hơn thì chúng ta phải biết Người nhiều hơn (“Vô tri bất mộ”). Muốn biết Chúa Giêsu Kitô nhiều hơn thì phải biết Thánh Kinh nhiều hơn (“Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” đó là lời của thánh Giêrônimô). Muốn biết Thánh Kinh thì phải siêng năng đọc, suy niệm và học hỏi và nghe giảng về Thánh Kinh. Không có con đường nào khác.

    4.2 Lắng nghe Chúa Giêsu tâm sự:  Muốn biết và yêu Chúa Giêsu Kitô hơn, chúng ta phải dành những phút giạy riêng tư sống với Người, nghe Người nói hay tâm sự về những thao thức, ước mơ, kế họach, chương trình của Người và chung  tay, chung sức với Người để làm cho những thao thức, ước mơ, kế họach, chương trình ấy của Người thành hiện thực. Đại đa số giáo dân chúng ta không biết và không quan tâm đến điều này. Thật quả là đáng buồn!

     

    V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 10,38-42:

    Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho chúng con, Người đã dậy chúng con biết cách tiếp đón mà Người yêu thích . Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin.

     Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN GIÁO DÂN:

    1.- «Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho ngày càng có nhiều người tiếp rước Chúa Giêsu vào nhà mình.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    2.- «Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy dành ưu tiên cho việc lắng nghe Chúa Giêsu tâm tình.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    3.-«Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu không quá bận tâm về những chuyện ít quan trọng trong đời sống Đạo. 

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    4.- «Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất»  Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tất cả các tông đồ - giáo dân cũng như giáo sĩ - biết dành thời gian cho việc ngồi nghe Chúa Giêsu tâm sự.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    LỜI KẾT:

    Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho chúng con. Người đã dậy chúng con cách tiếp rước đẹp lòng Người hơn. Chúng con xin Cha ban cho chúng con ơn khôn ngoan để chúng con thực hiện điều Chúa Giêsu mong đợi ở chúng con. Chúng con cầu xin nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con Amen.

    Sàigòn ngày 16 tháng 7 năm 2022 

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội  

     

     

     

     

     

    --