2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - 5 CHIẾC BÁNH VÀ 2 CON CÁ

  •  
    Chi Tran

    Với năm chiếc bánh và hai con cá.

    19/06 – CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN – MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ năm C. Lễ Trọng. Lễ HỌ.

    "Tất cả đều ăn no nê".

     

    Lời Chúa: Lc 9, 11b-17

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

    Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: "Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa". Nhưng Người nói với các ông: "Các con hãy cho họ ăn đi".

    Các ông trả lời: "Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này". Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: "Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người". Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống.

    Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng.

    Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.

     * Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

    Suy niệm LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ- C

    Lời Chúa: St 14,18-20; 1Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17

     

    1. Ngài cầm bánh bẻ ra--‘Manna’

    Suy Niệm

    Ăn uống là chuyện bình thường của mọi sinh vật.

    Khi tôi ăn uống, đồ ăn thức uống trở thành tôi.

    Tôi sống, tôi hoạt động, tôi lớn lên,

    nhờ chút rau xanh, cá tươi, đậu trắng.

    Tôi được nuôi bằng trời cao, đất rộng và biển cả.

    Từ lâu Đức Giêsu mang một khát vọng lớn,

    đó là nuôi sống linh hồn con người,

    nuôi mọi tín hữu thuộc mọi thời đại,

    và nuôi họ bằng chính bản thân Ngài,

    bằng cái chết và sự sống của Ngài.

    Ngài có mắc bệnh hoang tưởng không?

    Cái chết trên thập giá và sự phục sinh vinh hiển cho ta thấy

    Đức Giêsu là con người bình thường

    khi Ngài cử hành bữa Tiệc Ly tối hôm đó.

    Ngài muốn ta tham dự vào cuộc Vượt Qua của Ngài,

    Ngài muốn trở thành đồ ăn thức uống cho ta;

    thành đồ ăn bằng cách biến tấm bánh thành Thịt Mình Ngài,

    thành thức uống bằng cách biến rượu nho thành Máu Ngài.

    Như thế ai ăn Tấm Bánh và uống Chén Rượu

    đã được Ngài biến đổi nhờ quyền năng Thánh Thần,

    người ấy nên một với Ngài.

    Không phải Ngài trở thành người ấy,

    cho bằng người ấy trở thành Ngài.

    "Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy."

    Mỗi thánh lễ là một lần nhớ đến

    và làm sống lại hy tế duy nhất năm xưa trên Núi Sọ.

    Bí tích Thánh Thể là một sáng kiến của Tình Yêu.

    Tình Yêu luôn có nhiều sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu.

    Cần ngắm nhìn cử chỉ bẻ bánh của Đức Giêsu.

    Tấm bánh trở thành Tấm Thân Ngài

    được bẻ ra và trao hiến trên thập giá.

    Trong bài Tin Mừng hôm nay,

    Đức Giêsu đã bẻ bánh để môn đệ phát cho dân.

    Bẻ ra và trao đi trở thành phép lạ nhân lên mãi.

    "Anh em hãy cho họ ăn đi."

    Như các môn đệ, chúng ta cũng lúng túng và bất lực

    trước cơn đói của con người hôm nay,

    đói cơm bánh, đói tình thương, đói được tôn trọng.

    Nếu chúng ta dám trao cho Đức Giêsu

    tất cả những gì chúng ta có, dù chỉ là nhỏ nhoi;

    nếu chúng ta chịu để cho Ngài bẻ ra,

    và làm vỡ tan mọi tính toán ích kỷ,

    thì chúng ta có thể nuôi được cả thế giới.

    Thỉnh thoảng bạn nên cầu nguyện trước Thánh Thể.

    Bạn có thể học được nhiều điều.

    Con Thiên Chúa vinh quang rất mực,

    lại khiêm tốn hiện diện dưới dạng tấm bánh mong manh, lặng lẽ, đơn sơ.

    Tấm bánh không biết nói, không sống cho mình.

    Tấm bánh hiện diện là để cho người ta thưởng thức,

    và tan biến ngay sau khi được hưởng dùng.

    Chúng ta có thể bắt chước lối hiện diện ấy của Chúa Giêsu Thánh Thể không?

    Gợi Ý Chia Sẻ

    Thánh lễ có làm thay đổi đời bạn không? Việc rước lấy Đấng đã tự hiến qua cử chỉ bẻ bánh có giúp bạn dám chia sẻ đời mình cho tha nhân không?

    Để có một thánh lễ Chúa Nhật đầy ý nghĩa, bạn thấy mình phải chuẩn bị trong cuộc sống ra sao?

    Cầu Nguyện

    Lạy Chúa Giêsu, có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm,

    ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân,

    và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.

    Con mong sự hiện diện ấy lan toả khắp nơi,

    để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.

    Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp,

    nơi lớp học tình thương lúc chiều tà,

    nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm,

    nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ,

    nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ,

    nơi các tiệm cho mướn băng video,

    nơi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ...

    Nhưng lạy Chúa,

    trước hết, xin cho đời con là một ngọn đèn,

    xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ,

    mời người ta dừng lại, trầm tư, và gặp được Chúa.

     

    2. Để tưởng nhớ Thầy--‘Manna’

    Suy Niệm

    Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô, viết năm 57,

    thánh Phaolô cho chúng ta một chứng từ cổ xưa về bí tích Thánh Thể

    mà ngài gọi là bữa ăn của Chúa.

    Ngài khẳng định rằng ngài chỉ là người truyền đạt lại

    những gì mình đã lãnh nhận từ truyền thống Giáo Hội.

    Bí tích Thánh Thể là một sáng kiến của Đức Giêsu

    trong bữa ăn vào đêm Người bị nộp.

    Tấm bánh thành Mình Thầy: hãy cầm lấy mà ăn.

    Chén rượu thành Máu Thầy: hãy cầm lấy mà uống.

    Đức Giêsu còn mời ta làm lại những gì Người đã làm:

    "Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ Thầy."

    Giáo Hội đã vâng lời từ 20 thế kỷ.

    Có biết bao thánh lễ đã được cử hành trên mặt đất.

    Thánh lễ nào cũng là một bữa ăn do Chúa thết đãi,

    và cũng là một nghi thức tưởng nhớ cái chết của Chúa.

    Không thể tách rời thánh lễ với cái chết của Đức Giêsu.

    Mình Thầy sẽ bị nộp, Máu Thầy sẽ đổ ra vì anh em.

    Rước lễ là rước lấy Đấng đã chết vì loài người,

    như thế là hiệp thông vào cái chết thập giá.

    Mỗi lần dự lễ, chúng ta loan truyền Chúa đã chịu chết.

    Nhưng Đấng đã chết cũng là Đấng đã sống lại,

    Đấng đang ngự bên hữu Cha và sẽ đến trong vinh quang.

    Rước lễ chẳng phải là rước một thi hài người chết,

    mà là đón lấy Đấng đang sống và đang ban sự sống.

    Dự thánh lễ là dự một bữa ăn như bữa Tiệc ly,

    là tham dự vào hy tế năm xưa trên Núi Sọ.

    Chính vì thế ta không nên dự lễ với hai bàn tay trắng.

    Cần đem theo tấm bánh của mình trong ngày qua, tuần qua.

    Tấm bánh làm từ lúa của đất, công của người.

    Chúa Giêsu cần tấm bánh của tôi, để Người biến đổi.

    Thánh Thần cần tấm bánh của tôi, để Người thánh hoá.

    Chúa Kitô không từ trời cao ngự xuống tấm bánh.

    Đúng hơn, Người nâng tấm bánh lên tới Người,

    và biến nó thành lương thực thần linh nuôi tôi.

    Như thế, tấm bánh thánh mong manh nhỏ bé

    lại là nơi hội tụ của cả Thiên, Địa, Nhân.

    Vũ trụ, con người và Thiên Chúa gặp nhau, hoà quyện.

    Bí tích Thánh Thể góp phần biến đổi cả vũ trụ loài người.

    Những gì là tự nhiên, nay được thần hoá,

    được biến đổi tận căn mà vẫn không đánh mất chính mình.

    Lễ vật tôi dâng lên Chúa, Chúa trao lại cho tôi.

    Bánh bởi trời cũng là bánh bởi đất...

    Mỗi phút trên trái đất, có bao tấm bánh được trao đi.

    Trong mỗi tấm bánh bình thường được bẻ ra và trao đi,

    chúng ta thấy có bóng dáng của tấm bánh Mình Chúa.

    Chính nhờ được nuôi bằng bánh thánh tại bàn thờ,

    mà ta có thể chia sẻ cho tha nhân

    tấm bánh vật chất, và những tấm bánh tinh thần.

    Hãy dâng tất cả những gì thuộc về trái đất và con người,

    để Đức Kitô biến đổi thành Tấm Bánh Khổng Lồ dâng lên Cha.

    Gợi Ý Chia Sẻ

    Theo kinh nghiệm của bạn, rước lễ đem lại lợi ích gì cho cuộc sống?

    Thánh lễ trở nên nhàm vì chúng ta thường đi xem linh mục làm lễ, và chẳng mang theo một lễ vật nào. Theo bạn, thế nào là tích cực tham dự thánh lễ?

    Cầu Nguyện

    Lạy Chúa, Chúa là thức ăn, thức uống của con.

    Càng ăn, con càng đói; càng uống, con càng khát;

    càng sở hữu, con lại càng ước ao.

    Chúa ngọt ngào trong cổ họng con hơn cả tầng mật ong,

    vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời.

    Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao,

    vì con không sao múc cạn được Chúa.

    Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài?

    Con chẳng rõ; vì ở thẳm sâu lòng con, con cảm thấy cả hai.

    Chúa đòi con nên một với Ngài, đòi hỏi đó làm cho con đau đớn,

    vì con không muốn từ bỏ những thói quen của con

    để ngủ yên trong tay Chúa.

    Con chỉ biết tạ ơn Chúa, ca ngợi và tôn vinh Chúa,

    bởi đó là sự sống đời đời cho con. (Ruy Broeck)

     

    3. Thánh lễ trong nhà thờ và thánh lễ ngoài cuộc đời--TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

    Đức Hồng Y Hellder Camara về ban phép Thêm sức cho trẻ em trong một xứ đạo. Khi đến nơi, Ngài thấy cả xứ đạo đang quỳ gối lăn lộn trên đất, đấm ngực khóc lóc than van như trong cơn đại hoạ. Đêm trước, trong khi mọi người mê mải chuẩn bị đón Đức Hồng Y, kẻ trộm đã lẻn vào nhà thờ ăn trộm những bình đựng Mình Thánh. Kẻ trộm đổ Mình Thánh Chúa ra vườn, lấy đi những bình mà họ tưởng làm bằng vàng. Thật là một sự phạm thánh ghê gớm.

    Thế nhưng trong bài giảng hôm ấy, Đức Hồng Y đã làm cho mọi người kinh ngạc khi Ngài nói: Tại sao hôm nay anh chị em mới than khóc. Hằng ngày biết bao lần Chúa Giêsu bị nhục mạ, bị hành hạ, bị chà đạp, bị giết chết trong những anh chị em nghèo khổ, vô gia cư, trong các trẻ em không cha mẹ, không gia đình, sao chẳng thấy ai than khóc? Anh chị em không biết sao, những anh chị em ấy chính là Chúa Giêsu, là Thân Mình Chúa Giêsu, là Thánh Thể Chúa.

    Nói như thế, Đức Hồng Y không có ý coi thường phép Mình Thánh Chúa. Nhưng Ngài có ý nhắc cho ta một khía cạnh thường hay bị lãng quên trong khi cử hành bí tích. Đó phải là cử hành bí tích không chỉ trong nhà thờ mà còn phải cử hành cả ngoài cuộc đời nữa.

    Đọc bài Tin Mừng hôm nay, ta hãy lưu ý hai điểm:

    1- Diễn tiến phép lạ hoá bánh ra nhiều giống hệt như diễn biến một Thánh Lễ. Nếu Thánh Lễ gồm hai phần Phụng vụ Lời Chúa và Phục vụ Thánh Thể thì trong bài tường thuật hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã giảng dạy dân chúng trước rồi mới ban bánh sau. Dân chúng được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa trước khi được nuôi dưỡng bằng bánh đã được chúc phúc. Đây quả là một Thánh Lễ cử hành giữa đời thường. Một Thánh Lễ không có nhà thờ, chẳng có bàn thờ.

    2- Cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu khi hoá bánh ra nhiều, khi lập phép Mình Thánh Chúa và khi dùng bữa với các môn đệ làng Emmau giống y như nhau. Cả 3 đoạn văn trên đều tả Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ.

    Tại sao có sự trùng hợp thế? Thưa vì Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu rằng: Bí tích không chỉ là một nghi lễ, nhưng là một sự thực. Sự thực ấy phải đâm rễ sâu nơi cuộc đời, phản chiếu đời sống và đem lại lợi ích cho đời sống.

    Nếu trong Thánh Lễ Chúa Giêsu ban phát lương thực nuôi linh hồn, thì ngoài cuộc đời, Người đã ban lương thực nuôi thân xác.

    Nếu Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ, thì trong sa mạc hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã tổ chức một bữa tiệc long trọng, mỗi bàn ăn gồm 50 người để họ chia sẻ với nhau không chỉ cơm bánh mà còn tâm tư tình cảm nữa.

    Nếu trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dâng mình cho Đức Chúa Cha dưới hình bánh rượu, thì ngoài cuộc đời, Chúa Giêsu đã tự hiến mình trên thánh giá.

    Nếu trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dưới hình bánh bị bẻ ra để phân phát, thì ngoài cuộc đời, thân xác Người cũng đã bị bẻ ra trong những sỉ nhúc, đòn vọt, đóng đinh.

    Quả thật Chúa Giêsu đã dâng Thánh Lễ không chỉ trong nhà thờ, mà Người còn dâng Thánh Lễ ngoài cuộc đời. Người không chỉ dâng một lễ vật nào đó, nhưng đã dâng chính bản thân mình. Người chỉ cử hành một bí tích, nhưng chính bản thân Người đã trở thành bí tích. Người không chỉ bẻ ra một tấm bánh mà còn bẻ chính thân mình ra để ban phát cho mọi người. Chính vì thế mà lễ dâng của Người có giá trị. Thái độ của Chúa Giêsu khiến ta phải suy nghĩ.

    Làm sao ta có thể gọi Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ nếu ta vẫn còn giữ trong lòng những thù hận ghen ghét? Làm sao ta có thể đi dự tiệc Thánh Lễ nếu chung quanh ta còn biết bao anh em đói khổ, thiếu thốn? Làm sao ta có thể dâng Thánh Lễ nếu trong cuộc đời ta không hiến mình cho anh em?

    Khi truyền lệnh: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu không chỉ truyền cho ta cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ. Người còn muốn cho ta dâng Thánh Lễ cả ngoài cuộc đời. Nghĩa là phải chia sẻ, chịu mọi đau khổ, biết khiêm nhường nhịn nhục, biết sống đoàn kết yêu thương, biết hiến mình vì anh em.

    Việc cử hành Thánh Lễ ngoài cuộc đời cũng quan trọng như việc cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ. Hơn nữa, nếu thiếu việc cử hành ngoài cuộc đời, những nghi lễ trong nhà thờ sẽ trở thành bùa chú, giả dối và phản chứng.

    Xin cho bí tích Thánh Thể trở thành một sự thực trong đời sống. Xin cho chúng ta biết thờ lạy Chúa Giêsu không phải chỉ trong hình bánh mà còn nơi những anh em bé mọn trong cuộc đời. Xin cho chính đời sống ta trở thành một bí tích, chịu bẻ ra để đem lại lợi ích cho anh em. Amen.

    KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

    1. Theo bạn, thế nào là tích cực tham dự Thánh Lễ?

    2. Rước lễ đem lại những ơn ích nào cho đời sống thiêng liêng của bạn?

    3. Bạn đã dâng Thánh Lễ trong cuộc đời chưa?

    GPLONGXUYEN
     
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGP SAIGON

  •  TGP NGUYỄN NĂNG

    Thứ Hai tuần 12 Thường niên năm II - Đừng xét đoán (Mt 7,1-5)

    Tin mừng: Mt 7, 1-5

    1 “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, 2 vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.

    3 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?

    4 Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?

    5 Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.

     

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Một trong những đòi hỏi của lòng bác ái là đừng bao giờ xét đoán và lên án anh em mình. Hơn nữa, ta xét đoán anh em thế nào, thì Thiên Chúa cũng xét đoán ta như vậy.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, bản tính tự nhiên của con người là muốn hơn người khác, nên khi thấy ai hơn mình, thì tìm đủ mọi cách để hạ họ xuống: vạch trần những khuyết điểm hay thổi phồng những lỗi lầm của họ.

    Lạy Chúa, bản tính tự nhiên đó cũng tồn tại trong con. Con vẫn nhìn anh em sống chung quanh con bằng một cái nhìn dò xét đầy nghi ngờ. Con đã đóng khung anh em con trong một cái nhìn đầy thành kiến và ghen ghét. Vì quá chủ quan, nên con không thấy cái xà trong mắt con, mà chỉ nhìn thấy cái rác trong mắt anh em. Con đã đeo một cái bị gồm những tật xấu của con ở đàng sau lưng, nên không thấy được những lỗi lầm to lớn của mình, nhưng lại dễ trông thấy những khuyết điểm nhỏ bé của người anh em. Con luôn dễ dãi với chính mình mà lại khắt khe với người khác.

    Lạy Chúa, khi nhìn một sự việc, người ta có nhiều đoán xét khác nhau. Nếu tâm hồn con rộng lượng, con sẽ nhìn người khác với ánh mắt cảm thông. Nếu tâm hồn con xấu xa, con sẽ dễ kết án người khác cách bất công.

    Lạy Chúa, xin Chúa giúp con biết sáng suốt nhận ra những lỗi lầm của mình. Xin ban cho con một tình yêu bao dung để con không bao giờ vạch lá tìm sâu hoặc phê bình người khác một cách ác ý. Xin cho con biết tha thứ để được Chúa thứ tha. Và xin cho con một tâm hồn quảng đại để luôn nghĩ tốt về người khác. Amen.

    Ghi nhớ: “Hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã”.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - NỘI NGUYỄN

  •  
    Song Loi Chua
     
     

    SUY NIỆM/CẢM NGHIỆM SỐNG PHÚC ÂM

    CHÚA NHẬT MÌNH MÁU CHÚA NĂM C (19/6/2022)

    ---ooOoo---

    TẤT CÀ ĐỀU NO NÊ

    “Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê”

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Trong Phúc âm không chỉ một lần Chúa Giêsu đã làm cho bánh hóa nhiều để đáp ứng nhu cầu của dân chúng là những người đã đi theo Người để được nghe Người giảng dậy về Nước Thiên Chúa. Nhưng nếu chúng ta chỉ đọc bài Phúc âm của Tin MỪng Lc chương 9 là tường thuật việc  Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều trong ngày Chúa Nhật kính Minh Máu Chúa Kitô thì chúng ta sẽ không khỏi thắc mắc. Chúng ta cần đọc cả hai bài đọc 1 và 2  (St 14,18-20; 1 Cr 11,23-26) nhát là bài đọc 2 để hiều chính xác hơn ý của Phịng vụ

    Thật ra câu chuyện tường thuật bánh hóa nhiều hôm nay chỉ có đầy đủ ý nghĩa sau khi Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể, biến Mình và Máu Người thành hiến tế cứu chuộc và thành lương thực thiêng liêng cho các tín hữu.

    Cử hành Lễ Minh Máu Chúa Kitô các tín hữu được mời chiêm ngắm tình yêu và quyền phép của Chúa Giêsu. Cử hành Lễ Mình Màu Chúa Kitô các tín hữu còn được mời sống mầu nhiệm Thánh Thể trong đời sống đức tin của mình!

    II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 9,11b-17: Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: "Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa". Nhưng Người nói với các ông: "Các con hãy cho họ ăn đi". Các ông trả lời: "Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này". Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: "Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người". Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư  lại.

     

    III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 9,11b-17:    

    3.1 Từ phép lạ hóa bánh ra nhiều đến phép lạ biến Mình và Máu Chha ông họ đượcúa Kitô thành lương thực thiêng liêng:  Trong tường thuật hóa bánh ra nhiều có nhưng yếu tố đáng suy gẫm như sau: Một là nhu cầu chính đáng của dân chúng sau nhiều ngày nhịn đói nghe Chúa Giêsu rao giảng về Nước Thiên Chúa. Hai là không có giải  pháp tự nhiên nào khác để giải quyết tình trạng bụng rỗng cồn cào của tất cả mấy ngàn người. Lc 9,11b-17Như thế thì những người Do-thái và các Kitô hữu thời HộiThánh sơ khai sẽ dễ dàng hiểu về Thánh Thể hơn.

    3.2 Công thức kỳ diệu:  Các Phúc âm đều chép lại công thức kỳ diệu trong tường thuật hóa bánh ra nhiều và  trong nghi thức lập Bí Tích Thánh Thể với chủ ý giúp các tín hữu hiểu mối liên hệ mật thiết giữa hai sự kiện trên: Chúa Giêsu cầm lấy bánh, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ.

    IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 9,11b-17: 

    4.1 Chúng ta hãy tăng cường lòng sùng kính đối với Chúa Giêsu Thánh Thể:  Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu thương tuyệt với với chúng ta trong ThànhThể. Người mong muốn chúng ta sùng kính Tình Yêu của Người, bằng việc siêng năng suy niệm về sự kỳ diệu của Thánh Thể và siêng năng rước Mình và Máu Chúa làm lương thực cho cuộc lữ hành trần thế của chúng ta.

    4.2 Chúng ta hãy tích cực sống Bí Tích Thánh Thể: là sống cống hiến hay cho đi như Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúa đã quên mình và hiến mình cho những người Chúa thưong là chúng ta và những người khác, thì Chúa cũng muốn các Kitô sống bác ái vị tha phục vụ. Hình ảnh miếng bánh được bẻ ra, được phân chia và được ăn là hình ảnh của đời sống Kitô hữu của mọi người chúng ta

     

    V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 9,11b-17:  \

    Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho chúng con, Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để thể hiện hơn nữa Tình Yêu của Người và để cho chúng ta được kết hiệp mật thiết với Người. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin.

     Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN GIÁO DÂN:

    1.- «Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho ngày càmg có nhiều người được nghe Chúa Giêsu nói về Nước Thiên Chúa và được Chúa Giêsu chữa lành.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    2.- «Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: "Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa". Nhưng Người nói với các ông: "Các con hãy cho họ ăn đi"»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy quan tâm đến nhu cầu của dân chúng và cầu bầu cùng Chúa giúp đỡ dân trong cơn khốn khó.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    3.-«Các ông trả lời: "Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu có được lòng tin tưởng vào quyền năng và tình thương Chúa Giêsu Kitô. 

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin húa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    4.- «Người nói với các môn đệ rằng: "Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người". Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dự lại»  Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các Kitô hữu cảm nghiệm được sự can thiệp tuyệt vời của Chúa Giêsu Thánh Thể trong cộng đòan Hội Thánh và xã hội.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

    LỜI KẾT:

    Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho chúng con. Người đã hiến mình trên thập già hầu cứu chuộc chúng con.  Người đã hiến mình trên bàn thờ hầu nuôi dưỡng chúng con trên dường lữ thứ trần gian. Chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, về tất cả những hồng ân vĩ đại ấy.

    Chúng con xin quyết tâm tăng cường lòng yêu mến Thánh Thể và sống bác ái yêu thương hiến dâng phục vụ theo gương Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu Kitô, Con Cha và Chúa chúng con  Amen.

    Sàigòn ngày 18 tháng 6 năm 2022 

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội  

     

     

     

     

     

    --

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - CHA MINH ANH -HUẾ


  •  CẢM NGHIỆM SỐNG LỜI CHÚA
     
    Lễ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ, Năm C - St 14, 18-20   -  1 Cr 11, 23-26  -  Lc 9, 11b-17
     

    VƯƠN TỚI TẤT CẢ NHÂN LOẠI, TẤT CẢ TẠO VẬT

    “Mỗi khi ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết!”.

    Mở đầu thông điệp về Thánh Thể, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhớ lại nhiều nơi mà ngài đã dâng Thánh Lễ; bắt đầu từ bàn thờ làng quê Niegowic, nhiệm sở đầu tiên của ngài, “Tôi đã cử hành Thánh Lễ trên triền núi, trên bờ hồ, trên bãi biển, trong các sân vận động, trên công trường các thành phố. Những khung cảnh khác nhau ấy cho tôi cảm nhận mãnh liệt tính phổ quát của Bí Tích này, “tính vũ trụ!”. Đúng thế, vũ trụ! Vì dù được cử hành trên một bàn thờ nhỏ của một nhà nguyện thôn quê, Thánh Thể vẫn được cử hành theo một nghĩa nào đó, trên bàn thờ của thế giới. Thánh Thể, mối dây nối kết trời đất, ‘vươn tới tất cả nhân loại, tất cả tạo vật!’”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta thử dừng lại chiều kích phổ quát của Bí Tích này, một Bí Tích mà qua đó, tình yêu thương tự làm cho cạn kiệt của Thiên Chúa thể hiện trong cái chết của Con Một Ngài. Qua hy tế tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, Thiên Chúa tỏ tình yêu thương con người hơn bao giờ hết, một tình yêu ‘vươn tới tất cả nhân loại, tất cả tạo vật!’.

    Bài đọc Côrintô cống hiến một trình thuật sớm nhất của bữa Tiệc Ly; ở đó, Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể. Phaolô viết, “Mỗi khi ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết!”. Như vậy, mỗi lần nhà thờ Côrintô, Rôma; mỗi lần tại đây, nhà thờ của chúng ta, hay bất cứ nơi nào cử hành Thánh Thể, Kitô hữu công bố cái chết của Chúa Kitô, công bố tình yêu Ngài; rằng, Thiên Chúa yêu thương con người cho đến chết! Trong Phúc Âm Gioan, liên quan đến cái chết và sự phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu nói, “Một khi được cất lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi”. Đó là tình yêu của Ngài đối với tất cả những gì đang được cử hành trong mỗi Thánh Lễ, tình yêu đó đang bao phủ chúng ta. Theo ý nghĩa đó, đúng như lời vị thánh Giáo Hoàng, “Thánh Thể vẫn được cử hành theo một nghĩa nào đó, trên bàn thờ của thế giới!”.

    Đó là lý do tại sao Thánh Thể sẽ luôn thúc giục chúng ta nhìn ra cộng đồng; cụ thể, những người đang tụ họp để cử hành Bí Tích. Tại Bí Tích Thánh Thể, chúng ta nghĩ đến và cầu nguyện cho toàn thể nhân loại, tất cả tạo vật; chúng ta nhớ đến Giáo Hội, nhớ đến người sống, kẻ chết; lời nguyện của chúng ta mang tính địa phương cũng như toàn cầu. Chúng ta không dâng Thánh Lễ với hai bàn tay trắng, nhưng mang những đau khổ của toàn thể nhân loại và hành tinh này đặt chung vào bánh rượu khi cử hành; trong đó, chúng ta nhớ đến một thế giới đau khổ và tan vỡ. Cũng từ đó, chúng ta nhìn ra thế giới với đôi mắt của Chúa, đôi mắt từ bi và xót thương. Tin Mừng hôm nay cho thấy điều đó khi các môn đệ xin Ngài giải tán hàng ngàn người đang vây quanh Ngài giữa đồng vắng; đang khi Ngài bảo, “Các con hãy cho họ ăn!”. Sau đó, chính Ngài đã làm phép lạ để họ no nê. Tình yêu đó đặc biệt thể hiện khi Ngài hiến mình trên thập giá!

    Anh Chị em,

    “Mỗi khi ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết!”. Chúa Giêsu đã chết một lần duy nhất trên đồi Calvê, nhưng Máu Châu Báu của Ngài vẫn tiếp tục đổ ra rửa sạch tội lỗi nhân loại trên các bàn thờ. Do đó, mỗi lần tham dự Thánh Lễ và rước lấy Mình Thánh Ngài, chúng ta tái hiện cái chết cứu độ ấy. Khắp nơi trên hoàn vũ, ở đâu có Thánh Lễ, ở đó Thiên Chúa đang thể hiện lòng thương xót của Ngài. Và như thế, Mình Máu Chúa Kitô là mối dây nối kết trời đất, toàn thể vũ trụ và con người; qua đó, chúng ta trải nghiệm thế nào là tình yêu tự hiến của Thiên Chúa nơi cái chết của Con mình; rước lấy Mình Ngài, là rước lấy sự sống Thiên Chúa. Ước gì sự sống của Chúa Kitô biến đổi chúng ta nên giống Ngài; biết nhìn thế giới bằng ánh mắt và con tim của Ngài, hầu dám hy sinh như Ngài. Bí Tích Tình Yêu mời gọi chúng ta mở rộng tầm nhìn, nhìn xa hơn chính mình, vượt ra ngoài gia đình, Giáo Xứ, Giáo Phận và ngay cả Giáo Hội. Và như thế, Thánh Lễ sẽ không chỉ diễn ra trong nhà thờ, nhưng kéo dài suốt cả ngày sống và cuộc sống của chúng ta; bởi lẽ, nó ‘vươn tới tất cả nhân loại, tất cả tạo vật!’.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin cho con biết sống Thánh Lễ mỗi ngày khi biết sống cho anh chị em con, không chỉ ở phạm vị nhỏ hẹp, nhưng còn ‘vươn tới tất cả nhân loại, tất cả tạo vật!’”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM MINH ANH - THỨ BẢY

  •  CẢM NGHIỆM SỐNG LỜI CHÚA
     
     
    Thứ Bảy, Tuần XI TN, Năm Chẵn  -  2 Sb 24, 17-25  -  Mt 6, 24-34
     

    SỰ HỒN NHIÊN CỦA TRÁI TIM

    “Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta thử mượn cho mình đôi mắt của trẻ thơ, hầu có thể nhìn xem và thán phục cách Thiên Chúa ‘cho chim trời ăn’, và cách Ngài ‘phục sức’ cho từng đoá huệ ngoài đồng! Với những hình ảnh đơn sơ này, Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta đào tạo cho mình ‘sự hồn nhiên của trái tim’; để từ đó, có thể nhận ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong mọi sự. Bởi lẽ, tất cả đều phát xuất từ tấm lòng từ ái của một hiền phụ nơi Ngài!

    Hãy để cho những thực tế về sự chăm sóc của Cha trên trời đối với những tạo vật phù du này ngấm sâu vào lòng chúng ta! Hãy để cho những bức tranh tuyệt vời này thúc giục đôi mắt tâm hồn chúng ta nhìn ra các tạo vật mà tin cậy vào sự quan phòng yêu thương vô bờ của Ngài! Từ những vật thể cỏn con cho đến những vận hành vĩ đại trong vũ trụ, bàn tay Ngài sắp đặt tất cả một cách trật tự. Điều cần thiết là chúng ta hãy suy gẫm cách thức Ngài chăm chút đến từng sinh vật nhỏ bé vốn chỉ đáng giá một vài đồng xu này! Từ đó, ngẫm xem làm sao Ngài lại không để mắt đến chúng ta, những con trai con gái như những công trình huy hoàng tột bậc của Ngài; những con người mà Ngài sẵn sàng để Con Một đến, đổ máu, chết thay cho họ trên thập giá!

    Chúa Kitô đã thực sự thâm nhập vào ‘nguyên nhân cốt lõi’ của những lắng lo và băn khoăn vốn thường nuốt chửng và vùi dập chúng ta; đó là một đức tin còn quá ít ỏi nơi chúng ta! Không chỉ ít đức tin; thậm chí, chúng ta còn quá hời hợt trước sự quan phòng của Cha trên trời. Hãy cám ơn Chúa vì sự kiên nhẫn của Ngài, hãy cho phép tấm lòng hiền phụ nơi Ngài thấm sâu linh hồn. Chính sự thấm sâu này, nhận thức này, sẽ đào tạo một ‘sự hồn nhiên của trái tim’, hầu chúng ta có được đôi mắt trẻ thơ, vốn luôn kinh ngạc và thán phục trước muôn việc kỳ diệu Ngài làm.

    Thật trùng hợp, sách Biên Niên Sử hôm nay một lần nữa cho thấy sự kiên nhẫn đầy yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa. Tư tế Gioiađa mất, các thủ lãnh Giuđa làm xiêu lòng vua, “Họ bỏ phế đền thờ để bái lạy những cây cọc thiêng và các tượng thần”. Thiên Chúa lần lượt sai các ngôn sứ đến để đưa họ về với Ngài; Dacaria bảo họ, “Các ngươi đã bỏ Chúa thì Chúa sẽ bỏ các ngươi!”. Nhưng làm sao Thiên Chúa có thể bỏ dân Ngài! Ngài vẫn hoàn tất lời đã hứa với các tổ phụ, với Đavít. Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ, “Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở!”.

    Anh Chị em,

    “Hãy nhìn xem chim trời!”; “Hãy ngước nhìn cánh huệ!”. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta lắng nghe và đưa mắt ngắm nhìn những thực tại bé bỏng thường nhật này. Những cánh hoa lắc lư trước gió, những chú chim ca hót, múa nhảy đùa vui thật hồn nhiên và vô tư! Mặc cho mưa hay nắng, hạ hay thu; mặc cho bạn vui hay buồn. Cũng thế, nếu mỗi người chúng ta ý thức thực sự rằng, tôi đang được Thiên Chúa yêu thương, canh cánh bên lòng, thì bạn và tôi hẳn cũng sẽ có được ‘sự hồn nhiên của trái tim’ để nhận ra Ngài đang chăm sóc tôi đến từng chi tiết, độc đáo, trên từng chặng đường khác nhau của đời mình. Vì thế, hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Ngài, mắt hướng về thập giá Chúa Kitô, níu lấy Ngài, bạn và tôi cứ điềm nhiên bước đi và vui sống!

    Anthony Fortosis nói, “Hãy chiêm ngắm Giêsu, vị Chúa làm người; những gì cao quý nhất, cao cả nhất đã trở thành hiện thân của khiêm tốn và giản dị! Hãy mục kích cách Ngài cư xử với các tội nhân, những người nghèo và các em bé; qua đó, ‘sự hồn nhiên của trái tim’ Ngài thể hiện!”.

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin đừng để một ai, một điều gì làm mất sự hồn nhiên trong trái tim con; nhờ đó, con có thể nhìn thấy mọi sự với đôi mắt của trẻ thơ; ở đó, chỉ có ngạc nhiên và thán phục!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng