CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM NGUYỄN VĂN NGHĨA
- Details
- Category: 2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa
-
BBT CGVN
Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới
Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity
(Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39)
www.conggiaovietnam.net This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
QUÀ TẶNG TIN MỪNG:
Thứ Tư tuần XXVIII TN
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –
Ban Mê Thuột.
Kính mời theo dõi video tại đây:
Khi ấy Chúa Giêsu đáp lại: “Các ông cũng vậy, hỡi các luật sĩ, khốn cho các ông, vì các ông đặt lên vai người ta những gánh nặng không thể kham nổi, còn chính mình thì các ông không đụng chỉ một ngón tay vào gánh đó. (Lc 11,46).
Những lời lẽ gay gắt trên đây của Chúa Giêsu là nhắm đến giới kinh sư hay còn gọi là luật sĩ Do Thái giáo thời bấy giờ. Họ là những ai? Thưa là những vị thông thuộc Thánh Kinh đang nắm giữ nhiều vai vị cao trong Do Thái giáo. Họ đúng thật là các chuyên gia Kinh Thánh và đảm nhận vai trò giảng dạy dân chúng. Trong giáo hội Công giáo thì có thể xem tương đương như những thần học gia và các giám mục vốn được gọi là đấng “làm thầy dạy chân lý”. Xin có vài thiển ý về lời phê phán nghiêm khắc của Chúa Cứu Thế.
Chân lý xét như là chính nó (cái thực, điều đúng) thì trong sáng và khách quan. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy do bởi sự khác nhau của các cách thế tiếp cận chân lý và lối trình bày diễn giải chân lý vì thế nhiều khi hóa thành rối rắm, bất nhất và dễ xa rời sự thật. Chuyện ngụ ngôn về các ông mù sờ voi là một đan cử. Những bản tường thuật các sự kiện trên thông tin quê nhà Việt Nam cũng cho thấy điều này chẳng hạn như chuyện “gạt tay trúng má, giơ chân chạm người…”.
Chước cám dỗ của tổ tiên xưa mà Thánh Kinh trình bày qua câu chuyện “Sáng Thế” mãi còn đó với nhân loại mọi thời. Tội của Ađam-Evà không phải là muốn tìm hiểu chân lý, phân biệt điều đúng sai, phải trái, vì đây là điều chính đáng và phải đạo, đạo làm người. Tội của hai ông bà là muốn tự mình khẳng định chân lý theo quan điểm (góc nhìn) của mình và dĩ nhiên trên các tiêu chí chủ quan của mình. Và như thế cách mặc nhiên tổ tiên loài người tự cho mình là chủ của chân lý. Chước cám dỗ này càng tinh vi hơn khi ẩn nấp trong các kiểu cách diễn giải chân lý và áp dụng chân lý vào các hoàn cảnh cụ thể.
Sự sai lầm của nhiều nhà tiến sĩ luật thời Chúa Giêsu là ở điểm này. Việc giải thích hay cách áp dụng chân lý chỉ là những phương thế phục vụ chân lý thế nhưng nhiều khi vì quá chi ly nên không chỉ đi lệch xa trọng tâm chân lý mà còn vô tình hay hữu ý đặt chúng trên cả chân lý. Chúa Giêsu đã từng lên án các tiến sĩ luật bấy giờ vì họ đã đề cao truyền thống là luật lệ của họ mà bỏ qua lề luật của Thiên Chúa vốn là chính chân lý (x.Mc 7,1-13). Đây là tình trạng mà Chúa Giêsu gọi là: “gạn lọc con muỗi nhưng lại nuốt con lạc đà” (Mt 23,24).
Khi diễn giải chân lý cách quá chi ly và vẽ vời quá chi tiết các kiểu áp dụng chân lý thì chúng ta sẽ dễ rơi vào chước cám dỗ làm những điều ấy vì “lợi ích của bản thân hay của tập thể mình”. “Lợi ích nhóm” là cụm từ đang phổ thông hiện nay nói về tình trạng nhiều người nắm quyền ra các cơ chế, luật lệ thường là có lợi cho tập thể của họ hơn là để phục vụ người dân. Chúa Giêsu đã minh nhiên vạch trần sự sai trái của nhiều tiến sĩ luật: “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù! Vì các ngươi nói rằng: Ai lấy đền thờ mà thề, thì không có giá trị gì, nhưng ai lấy vàng trong đền thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi kẻ ngu ngốc và đui mù, chớ thì vàng hay là đền thờ thánh hoá vàng, cái nào trọng hơn? Các ngươi còn bảo rằng: Ai lấy bàn thờ mà thề, thì không giá trị gì, nhưng ai lấy của lễ để trên bàn thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi những kẻ đui mù, chớ thì của lễ hay là bàn thờ thánh hoá của lễ, cái nào trọng hơn? (Mt 23,16-19). Đã là người thì ít nhiều cũng có khi thất hứa, lỗi lời thề. Lấy vàng, lấy của lễ mà thề thì khi sai lỗi thì phải dâng của lễ, dâng vàng mà đền tạ. Thế là những người đặt ra lề luật được hưởng lợi một cách hợp luật!
Phải chăng việc diễn giải chân lý cách chi ly và việc vẽ vời đủ thứ trong các luật lệ và lễ nghi tôn giáo đã, đang tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thức? Xã hội càng phát triển thì các mối tương quan càng đa dạng vì thế cần có thêm nhiều cơ chế luật lệ để điều hòa. Tuy nhiên chước cám dỗ luôn còn và có đó vì ma quỷ không hề biết nghỉ ngơi. Một vị giáo sư Kinh Thánh chuyên về môn chú giải các thư thánh Phaolô hóm hĩnh với các chủng sinh đang học rằng: nếu thánh Phaolô sống lại, liệu ngài có nhận ra các bức thư của ngài khi đã qua lăng kính của nhiều nhà chú giải không? Một chủng sinh dí dỏm lại: “Thưa cha giáo nếu thánh Phaolô cùng học với chúng con đây không biết ngài thi có đủ điểm trung bình không hè?” Và nếu trở lại thì chính Chúa Giêsu có nhận ra cung cách sống đức tin mà Ngài đã truyền cho các tông đồ và môn đệ năm xưa chăng? (x.Lc 18,8)
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Hẹn gặp lại