20. Những Bài Về Đức Mẹ

NHỮNG BÀI VỀ ĐỨC MẸ

  •  
    Chi Tran

     
    Tuần Cửu Nhật Kính Sinh Nhật Đức Mẹ
    ( Từ 30/8 đến 7/9 )
     
    NGÀY THỨ BẢY : Đức Trinh Nữ Maria – Một tâm hồn thao thức về hạnh phúc của tha nhân và chuyển cầu cho họ.
     
    * Suy niệm 
     
    Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta về đức ái đối với tha nhân. Mẹ có vai trò đặc biệt là trung gian và hằng chuyển cầu cho loài người trước tôn nhan Chúa. Tại tiệc cưới Cana, Mẹ đã ân cần thưa lên với Chúa Giêsu, “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,1-11). Nhờ sự can thiệp của Mẹ mà niềm vui tiệc cưới được tiếp tục. 
     
    Thật vậy, trong số các tạo vật, không ai biết rõ về Đức Kitô bằng Đức Maria. Mẹ hiểu và mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu và đồng hóa với Ngài. 
     
    Vì thế, thao thức của Chúa cũng là thao thức của Mẹ, và hạnh phúc của con cái Chúa cũng chính là hạnh phúc của chính Mẹ.
     
    * Cầu nguyện
     
    Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con ca ngợi và cảm tạ Chúa đã tạo dựng Đức Mẹ trọn lành tuyệt hảo từ giây phút đầu thai. 
     
    Vì ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin Chúa ban cho chúng con một tâm hồn trong sạch, lòng quý chuộng đức khiết tịnh, sự nhiệt thành mở mang Nước Chúa, với thái độ nữ tỳ khiêm tốn, sẵn sàng hiến dâng và vâng phục của Mẹ, trong bình an và vui tươi. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
     
    Download all attachments as a zip file
    • 1630811843193blob.jpg
      627.3kB
    • 1630811843193blob.jpg
      627.3kB

NHỮNG BÀI VỀ ĐỨC MẸ - HỒNG XAC LÊN TRỜI

  •  
    Tinh Cao

    Ngày 15 tháng 8

    Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

    Lễ Trọng

     

    Bài Ðọc I: Kh 11, 19a; 12, 1-6a, 10ab

    "Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng".

    Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

    Ðền thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra. Và một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Bà đang mang thai, kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con.

    Lại một điềm lạ khác xuất hiện trên trời: một con rồng đỏ khổng lồ, có bảy đầu, mười sừng, và trên bảy đầu, đội bảy triều thiên. Ðuôi nó kéo đi một phần ba tinh tú trên trời mà ném xuống đất. Con rồng đứng trước mặt người nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh con ra, thì nuốt lấy đứa trẻ.

    Bà sinh được một con trai, Ðấng sẽ dùng roi sắt mà cai trị muôn dân: Con Bà được mang về cùng Thiên Chúa, đến tận ngai của Người. Còn Bà thì trốn lên rừng vắng, ở đó Bà được Thiên Chúa dọn sẵn cho một nơi.

    Và tôi nghe có tiếng lớn trên trời phán rằng: "Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và uy quyền của Ðức Kitô của Người đã được thực hiện".

    Ðó là lời Chúa.

     

    Ðáp Ca: Tv 44, 10bc. 11. 12ab. 16

    Ðáp: Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng (c. 10b).

    Xướng: 1) Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng lộng lẫy. - Ðáp.

    2) Xin hãy nghe, thưa Nương Tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc và nhà thân phụ. - Ðáp.

    3) Ðể Ðức Vua Người sủng ái dong nhan: chính Người là Chúa của Cô Nương, hãy phục vụ Người. - Ðáp.

    4) Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Ðức Vua. - Ðáp.

     

    Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 20-26

    "Hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Chúa".

    Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

    Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết, bởi Người đã bắt mọi sự quy phục dưới chân Người.

    Ðó là lời Chúa.

     

    Alleluia:

    Alleluia, alleluia! - Ðức Maria được mời gọi lên trời; đạo binh các thiên thần mừng rỡ hân hoan. - Alleluia.

     

    Phúc Âm: Lc 1, 39-56

    "Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ".

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

    Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:

    "Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".

    Và Maria nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời".

    Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà Mình.

    Ðó là lời Chúa.

     

    Our Lady of the Assumption | Our Lady of the Assumption Cath… | Flickr

     

    Suy Niệm

     

     

    Đặc Ân Mông Triệu: Niềm Tin và Tín Điều

    Là Kitô hữu Công Giáo, nhờ được học hỏi hay tự nghiên cứu, nhất là về Thánh Mẫu Học, ai cũng biết rằng Mẹ Maria đã có 4 tín điều được Giáo Hội đã tuyên tín, trong giòng lịch sử của mình, theo thứ tự thời gian, đó là:

    1- Tín điều Thánh Mẫu Maria là Mẹ của Thiên Chúa, được tuyên tín bởi Công Đồng Chung Epheso năm 431;

    2- Tín điều Thánh Mẫu Maria trọn đời trinh nguyên, cả trước, trong và sau khi sinh Con, được tuyên tín bởi Công Đồng Latêrano năm 649;

    3- Tín điều Thánh Mẫu Maria vô nhiễm nguyên tội, ngay từ giây phút đầu tiên được hoài thai trong lòng thai mẫu, do Giáo Hoàng Chân Phước Piô IX công bố ngày 8/12/1854;

    4- Tín điều Thánh Mẫu Maria mông triệu về trời, cả thân xác lẫn linh hồn, sau cuộc đời trần gian này của Mẹ, do Đức Thánh Cha Piô XII công bố ngày 1/11/1950.

    Sở dĩ 4 đặc ân trở thành 4 tín điều Thánh Mẫu là vì cả 4 đặc ân và từng đặc ân trực tiếp liên quan đến Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế, cũng như đến chính Ơn Cứu Chuộc của Người. Trong Tông Hiến Thiên Chúa Hào Phóng - Munificentissimus Deus để tuyên bố tín điều thứ 4 này, Đức Thánh Cha Piô XII cũng đã khẳng định niềm tin bất khả sai lầm này như sau:

    "Người Mẹ Thiên Chúa trọng kính này, từ đời đời, đã kín ẩn liên kết với Chúa Giêsu Kitô, trong cùng một mức độ tiền định, mà tình trạng vô nhiễm lúc Mẹ được hoài thai, tình trạng đồng trinh tuyệt hảo nơi vai trò làm mẹ thần linh của Mẹ, việc liên kết cao quí với Đấng Cứu Chuộc thần linh, Đấng đã hoàn toàn chiến thắng tội lỗi cùng với những hậu quả của tội lỗi, cuối cùng cũng đã đạt được, như tột đỉnh về các đặc ân của Mẹ, do đó Mẹ cần phải được gìn giữ cho khỏi tình trạng bị băng hoại trong mồ mả, và, như Người Con của mình, Đấng đã chiến thắng sự chết, Mẹ cần phải được đưa cả xác lẫn hồn vào vinh quang thiên quốc, nơi, với vai trò làm Nữ Vương, Mẹ ngự trị trong vinh quang bên hữu Con Mẹ, Đức Vua bất tử của các Thế Hệ" (khoản 48).

    Theo lập luận tự nhiên, chúng ta cũng thấy rất hợp tình hợp lý nơi 4 Đặc Ân Thánh Mẫu đã trở thành 4 Tín Điều Thánh Mẫu này: Vì Thánh Mẫu Maria được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của Lời Nhập Thể, Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, mà Mẹ, về phần hồn, không thể nào lại bị nhiễm lây nguyên tội, một tình trạng bị ma quỉ thống trị, và về phần xác, không thể nào thụ thai và hạ sinh Vị Thiên Chúa Nhập Thể này như một con người thuần túy, hoàn toàn theo huyết nhục và tình dục tự nhiên (xem Gioan 1:13), mà phải "bởi quyền phép Thánh Linh" (Mathêu 1:20; Luca 1:35), và cuối cùng, chính vì linh hồn của Mẹ vô nhiễm, và thân xác của Mẹ trọn đời trinh nguyên như thế, mà chung nhân tính của Mẹ không thể nào bị tử thần phân rẽ bằng cái chết, và riêng thân xác của Mẹ không thể nào bị băng hoại như một tội nhân. Trong cùng một Tông Hiến tuyên bố Tín Điều Mông Triệu của mình, Đức Thánh Cha Piô XII cũng đã minh định theo chiều hướng này:

    "Chúa Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết bằng chính cái chết của Người, và ai được tái sinh một cách siêu nhiên nhờ Phép Rửa, cũng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết bởi Đức Kitô ấy. Tuy nhiên, theo luật chung, Thiên Chúa không muốn ban cho kẻ công chính trọn vẹn hiệu quả của cuộc chiến thắng chết chóc này, cho đến ngày cùng tháng tận. Đó là lý do thân xác của ngay cả kẻ công chính cũng bị hư nát sau khi chết, và chỉ vào ngày tận thế thân xác ấy mới được liên kết với linh hồn hiển vinh của nó (khoản 4). Vậy Thiên Chúa miễn trừ qui luật chung này cho Đức Trinh Nữ Maria. Nhờ đặc ân hoàn toàn chuyên biệt, đặc ân Hoài Thai Vô Nhiễm của Mẹ đã chiến thắng tội lỗi, do đó mà Mẹ không bị chi phối bởi luật về tình trạng băng hoại trong mồ mả, và Mẹ không cần phải đợi cho đến tận thế cho việc cứu chuộc thân xác của Mẹ (khoản 5)".

    Niềm tin về đặc ân Mẹ Maria được mông triệu về trời cả thân xác lẫn linh hồn này đã có từ lâu trong Giáo Hội, đến độ đã trở thành một phong trào thỉnh nguyện thẩm quyền tối cao của Giáo Hội công bố thành tín điều. Như chính Đức Thánh Cha Piô XII đã xác nhận: "Tất cả mọi thỉnh nguyện về đặc ân Mông Triệu của Đức Trinh Nữ Maria về trời, đã được gửi về Tòa Thánh từ thời Đức Giáo Hoàng Piô IX... cho tới ngày nay" (Cùng Tông Hiến khoản 10). Để rồi, sau khi đã "thu thập lại với nhau và cẩn thận cứu xét" (cùng nguồn vừa trích), Đức Thánh Cha Piô XII đã đi đến thẩm định quan trọng đưa đến việc ngài công bố Tín Điều Mông Triệu này, như sau:

    "Tất cả những chứng cứ này, cùng với những cứu xét của các thánh Giáo Phụ và các thần học gia, đều được căn cứ vào các Sách Thánh như là nền tảng tối hậu của các vị. Những chứng cứ cùng với những cứu xét ấy, đã cho thấy rằng, Người Mẹ yêu dấu của Thiên Chúa, ở ngay trước mắt của chúng ta, thực sự đã hết sức mật thiết liên hợp với Người Con thần linh của Mẹ, và luôn chia sẻ với số phận của Người. Bởi thế, không thể nào nghĩ về Mẹ, Vị đã thụ thai Chúa Kitô, đã hạ sinh Người, đã nuôi dưỡng Người bằng sữa của mình, và đã ôm ấp Người nơi ngực của mình, lại tách rời khỏi Người nơi thân xác, cho dù không ở nơi linh hồn, sau cuộc đời trần thế này. Vì Đấng Cứu Thế là Con của Mẹ Maria, Người không thể nào làm khác đi được, với tư cách là một vị tuân thủ trọn hảo nhất lề luật của Thiên Chúa, ngoài việc tỏ lòng tôn kính, chẳng những với Ngôi Cha hằng hữu của Người, mà còn với cả Người Mẹ rất yêu dấu của Người nữa. Vì Người có quyền năng ban cho Mẹ đại vinh dự này, trong việc gìn giữ Mẹ khỏi tình trạng bị hư hoại trong mồ, mà chúng ta cần phải tin rằng Người thực sự đã làm như thế" (khoản 38).

    Đó là lý do, vào Lễ Trọng Các Thánh 1/11/1950, thời điểm được thẩm quyền của Giáo Hội công bố Tín Điều Mông Triệu, loài người mới trải qua Thế Chiến Thứ II (1939-1945), nhưng nạn cộng sản vô thần vẫn còn tiếp tục gieo rắc lầm lạc và bách hại Giáo Hội, như Mẹ Maria đã tiên báo trong Bí Mật Fatima phần thứ 2 ngày 13/7/1917, đến độ chính vị Giáo Hoàng Piô XII này, vị được tấn phong giám mục vào chính ngày giờ Mẹ Maria hiện ra ở Fatima lần đầu tiên 13/5/1917, vị cảm thấy mình có một thiên duyên đặc biệt với Thánh Mẫu Fatima, đã quan tâm cứu xét và đáp lại bức thư của Nữ Tu Lucia, một trong 3 Thiếu Nhi Fatima thụ khải 1917 còn sống sót, đệ trình ngài ngày 24/10/1940, và ngài đã hiến dâng toàn thể loài người lần đầu tiên cho Mẹ Maria ngày 31/10/1942, mừng kỷ niệm 25 năm Biến Cố Thánh Mẫu Fatima. Ngài hy vọng Tín Điều Thánh Mẫu Mông Triệu sẽ mang lại ích lợi cho xã hội loài người, như ngài đã bày tỏ như sau:

    "Chúng tôi, người đã đặt giáo triều của mình dưới sự bảo hộ đặc biệt của Đức Trinh Nữ rất thánh, Đấng chúng tôi đã rất thường chạy đến trong những lúc trầm trọng rắc rối, chúng tôi cũng là người đã hiến dâng toàn thể loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, bằng những nghi thức công khai, và chúng tôi đã nhiều lần cảm thấy việc chở che bênh đỡ quyền năng của Mẹ, tin tưởng rằng việc long trọng công bố và định tín về đặc ân Mông Triệu này, sẽ góp phần không nhỏ vào việc thăng tiến xã hội loài người, vì việc công bố và định tín này góp phần vào vinh quang của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, một vinh quang mà Người Mẹ Thánh của Thiên Chúa cũng được tham hưởng, nhờ những mối liên hệ đặc thù" (cùng Tông Hiến khoản 42).

    Cuối cùng, Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng công bố Tín Điều Mông Triệu của Mẹ Maria bằng những lời lẽ chính thức như thế này: 

    "Vì thế, sau khi chúng tôi đã trào dâng lên những lời nguyện cầu thỉnh xin nhiều lần cùng Thiên Chúa, và đã kêu van ánh sáng của Thần Chân Lý, vậy vì vinh quang của Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng đã tỏ ra đặc biệt ưu ái Trinh Nữ Maria, vì vinh quang Con của Mẹ, Đức Vua bất tử qua Muôn Thế Hệ, và là Đấng Chiến Thắng tội lỗi và sự chết, để tăng thêm vinh hiển của cùng Người Mẹ uy nghi cao cả này, cũng như để cho toàn thể Giáo Hội được hân hoan hớn hở; bằng thẩm quyền của Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, của Các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, cũng như bằng thẩm quyền của mình, chúng tôi xin thông báo, tuyên bố và minh định là một tín điều được mạc khải thần linh, đó là Người Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria trọn đời, khi đã hoàn tất hành trình trần thế của mình, đã được đưa cả thân xác và linh hồn vào vinh quang thiên quốc" (Cùng Tông Hiến khoản 44).

    Parent Volunteers Required at Our Lady of the Assumption Parish ...

    Đặc Ân Mông Triệu: Ý Nghĩa và Giá Trị

    Tóm lại, căn cứ vào chính văn kiện Tông Hiến về Tín Điều Thánh Mẫu Mông Triệu này, thì đặc ân Mông Triệu của Mẹ Maria nói riêng, cũng như các đặc ân khác của Mẹ nói chung, là nhờ mối liên hệ mật thiết bất khả phân ly giữa Mẹ và Chúa Kitô Con Mẹ. Không phải chỉ ở nơi dự án thần linh của Thiên Chúa, mà còn ở nơi chính bản thân của Mẹ nữa. Thật vậy, chỉ vì Mẹ "đầy ơn  phúc" mà Mẹ được các đặc ân đã trở thành Tín Điều Thánh Mẫu trên đây.

    Không phải hay sao, nếu Mẹ "đầy ơn phúc", trước hết và trên hết, là vì Mẹ được "Thiên Chúa ở cùng" (Luca 1:28), được Thiên Chúa ưu ái trên hết mọi tạo vật của Ngài; thế nhưng, ngược lại, về phần mình, chính Mẹ cũng cần phải ở lại với Thiên Chúa, bằng đức tin có phúc của Mẹ (xem Luca 1:45), đức tin tuân phục của Mẹ, như một tỳ nữ xin vâng (xem Luca 1:38), nhờ đó Mẹ "được ơn nghĩa với Chúa" (Luca 1:30), đẹp lòng Chúa, từ lúc Mẹ vừa hoài thai trong lòng thai mẫu, cho đến khi Mẹ ra khỏi trần gian Mông Triệu về Trời!

    Chính đặc ân Mông Triệu này, một đặc ân liên quan đến lúc kết thúc cuộc đời trần gian này của Mẹ Maria, đã cho thấy tột đỉnh "đầy ơn phúc" của Mẹ (Luca 1:28), một mức độ đã được bắt đầu từ khi Mẹ hoài thai trong lòng thai mẫu, và là một mức độ được gia tăng từng giây từng phút không ngừng nghỉ, chứ không phải đã "đầy" rồi thì không thể "đầy" hơn được nữa. Đúng thế, không phải như một cái ly, cái chậu, cái bình, cái chum, thùng phi, hay một thứ chứa đựng nào đó to hơn, đã "đầy" thì không thể tăng thêm, trừ khi thay đổi cái chứa đựng to lớn hơn.

    Nơi Mẹ Maria thì không phải vậy, hoàn toàn không phải. Ở chỗ, tình trạng "đầy ơn phúc" nơi Mẹ, từ lúc Mẹ hoài thai, càng ngày càng đầy thêm, càng tăng thêm, như chính "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5) "ở cùng Mẹ" (Luca 1:28), càng ngày càng rạng ngời hơn trong Mẹ và qua Mẹ, đến độ, Mẹ nhờ đó đã như Sách Khải Huyền ở Bài Đọc 1 hôm nay cho thấy "mặc mặt trời" (Khải Huyền 12:1), và trở nên "rực rỡ như mặt trời" (Diễm Tình Ca 6:10). Chính ánh sáng mặt trời đã làm cho Mẹ trở thành tinh khiết hơn pha lê, Mẹ mới chói lọi như mặt trời.

    Về phần mình, Mẹ "đầy ơn phúc" còn ở chỗ "vì đã tin" nữa (Luca 1:45), con người của Mẹ như quả bong bóng, càng ngày càng căng phồng, nhờ hơi thổi thần linh, ở chỗ, mỗi tác động thần linh của Thiên Chúa nơi Mẹ đều được Mẹ đáp ứng một cách tương xứng, như quả bong bóng dãn nở theo hơi thổi thần linh. Do đó, cho đến khi quả bong bóng nhân tính "đầy ơn phúc" của Mẹ Maria đã căng hết cỡ chịu đựng theo bản chất hạn hẹp nhân tính này, thì Thiên Chúa thả bàn tay chiếm đoạt của Ngài ra, cho Bóng Bay Maria "đầy ơn phúc", nhờ hơi thổi thần linh, đã căng phồng từ trần gian lên tới tận sát giới tuyến thần tính của Thiên Chúa, bay thẳng về trời!

    Mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ có thể nói là bao trùm cả trời đất, ngoại trừ chính Thiên Chúa. Bởi thế mới nói mức độ này đạt tới giới tuyến thần tính của Thiên Chúa. Chính vì mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ bao trùm chẳng những cả trái đất này mà, trong Chúa Kitô Con Mẹ, Mẹ đã trở nên Mẹ của nhân loại và Mẹ của Giáo Hội, mà còn cả các tầng trời mà Mẹ đã trở thành Nữ Vương Các Thiên Thần. Chính ĐTC Piô XII, vị đã tuyên tín Mẹ Mông Triệu cả xác lẫn hồn về trời ngày 1/11/1950, cũng là vị giáo hoàng, 4 năm sau, vào năm 1954, đã thiết lập Lễ Mẹ Nữ Vương, kính ngày 31/5, cuối Tháng Hoa Mẹ hằng năm bấy giờ, ngày nay, sau Công Đồng Chung Vaticanô II, đã chuyển sang ngày 22/8, sau Lễ Mẹ Mông Triệu 1 tuần.

    Về phần Thiên Chúa, qua biến cố Ngài đưa cả thân xác trinh nguyên và linh hồn vô nhiễm của Mẹ về trời chứng tỏ Ngài đã công nhận mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ và nơi Mẹ đã đạt tới tận giới tuyến thần tính của Ngài. Thật thế, nếu Thiên Chúa là CÓ (xem Xuất Hành 3:14), thì nơi biến cố nhập thể trong cung dạ trinh nguyện của Mẹ, đã trở thành KHÔNG (xem Philiphe 2:6) thế nào, thì nơi biến cố Mông Triệu của Mẹ, Mẹ từ Không đã trở thành Có như vậy, như Mẹ đã từng là nữ tỳ xin vâng (xem Luca 1:38) trở thành Mẹ Thiên Chúa. Nơi Mẹ Maria Mông Triệu, Thiên Chúa như muốn tuyên bố rằng: Ta là CÓ chẳng những nơi chính bản thân mình, mà còn, qua Maria, CÓ trong tất cả mọi tạo vật hữu hình và vô hình Ta đã tạo dựng nên nữa; và "tất cả mọi tạo vật đang ngong ngóng mong chờ tình trạng tỏ hiện của con cái Thiên Chúa" (Roma 8:19) đã hiện thực ở nơi Maria Mông Triệu! Bởi thế, Maria chính là niềm hân hoan vinh dự của tạo vật, và là niềm hy vọng cậy trông của loài người!

    Our Lady of the Assumption Roman Catholic Church – Strafford ...

    Chính vì thế mà Giáo Hội mới tiếp tục dâng lên Mẹ lời Kinh Lạy Nữ Vương, nhất là vào ban đêm, như vẫn được thực hiện ở các dòng tu, trước khi ngủ đêm, kết thúc một ngày sống, như thể, cùng với lời kinh và qua lời kinh này, cùng nhau hướng về quê trời vĩnh cửu, một Thực Tại Mẹ được cả hồn xác Mông Triệu đang được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần:

    Salve, Regina, Mater misericordiae, vita, dulcedo, et spes nostra, salve. 
    ad te clamamus exsules filii Evae, ad te suspiramus, gementes et flentes in hac lacrimarum valle.

    Eia, ergo, advocata nostra, illos tuos misericordes oculos ad nos converte;
    et Jesum, benedictum fructum ventris tui, nobis post hoc exsilium ostende.
    O clemens, O pia, O dulcis Virgo Maria.”

                                                                Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.

                                                                  Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà;

                                                                            Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương.

                                                                     Hỡi ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con.

                                                            Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ.

    Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.

    Assumption of the Blessed Virgin Mary - Our Lady of the Mountain ...

     

    Xin mời nghe bài chia sẻ trên đây ở cái link audio mp3 dưới đây:

    Lễ Mẹ Mông Triệu

     

    Xin mời xem TV Show / Youtube ở cái link dưới đây

    https://youtu.be/bXPDBVNmbPo Show 1

     https://youtu.be/xYg_vJ4a87U Show 2

     

     

    --
     
     

NHỮNG BÀI VỀ ĐỨC ME - HỒN XAC LÊN TRỜI

  •  
    'trung do' via PSXH>
     
     
     




    Subject: LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
     

     
    Học khiêm nhường với Chúa Giê-su và Mẹ Maria  

    (Suy niệm Tin mừng Luca (1, 39-56) trích đọc vào Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời)  
     
    Khiêm nhường là một nhân đức bị xem thường vì người ta cho rằng khiêm nhường là thấp kém, là yếu đuối, là bị lu mờ... Tuy nhiên, đây lại là một nhân đức cao quý của Chúa Giê-su, được Ngài trân trọng và đề cao.  
     
    Chúa Giê-su khiêm nhường tột bậc  
    Khi đề cập về Chúa Giê-su, người ta thường giới thiệu Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai cao cả, là Vua hoàn vũ, là Đấng cứu độ, là Thẩm phán tối cao, là Đấng quyền năng phép tắc… Tuy nhiên, Chúa Giê-su còn có một phẩm chất cao đẹp khác nhưng ít được đề cập đến, đó là Ngài là rất khiêm nhường!  
    Mặc dù Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa quyền năng, đồng hàng với Chúa Cha, Ngài cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần tạo dựng nên vũ trụ kỳ diệu nầy… “Nhờ Ngài mà muôn loài muôn vật được tạo thành và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3).  
    Tuy nhiên, Ngài không muốn duy trì địa vị ngang hàng với Chúa Cha; trái lại, Ngài đã trút bỏ mọi vinh quang, danh dự và quyền năng; Ngài đã “hủy mình ra không!”, “mặc lấy phận nô lệ” thấp hèn![1]  
     
    Khi xuống thế làm người, Ngài chọn cho mình một nơi chào đời đặc biệt, đó là sinh ra trong chuồng bò, nằm trong máng ăn súc vật! Không ai ra đời trong nơi tồi tệ như Chúa Giê-su!  
    Khi khôn lớn, Ngài không chọn những nghề cao trọng khiến cho bao người kính nể, nhưng sống bằng nghề mộc tầm thường.  
    Ngài không thân thiết với những người quyền quý trong xã hội nhưng giao lưu thân mật với hạng người xấu xa; vì thế Ngài bị liệt vào hàng “bạn bè của quân thu thuế và phường tội lỗi.”  
    Khi đào tạo các môn đệ, Ngài không xem họ là học trò hạ cấp, nhưng nâng họ lên hàng bạn hữu thân tình và sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho họ.  
    Rồi cuối cùng, Ngài lãnh lấy cái chết thê thảm, nhục nhã, đau thương nhất trên đời, đó là chết treo trên thập giá giữa hai người trộm cướp…  
    Từ tột đỉnh vinh quang, Ngôi hai Thiên Chúa hạ mình xuống trần làm người thấp hèn tột bậc. Ngài hạ mình, vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá để đền tội cho muôn người. Không ai trên cõi đời nầy hạ mình sâu thẳm như Chúa Giê-su. Không ai trên đời khiêm nhượng như Chúa Giê-su.  
    Vì thế, Chúa Cha đã tôn vinh Ngài, ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, đặt Ngài là vua hoàn vũ, làm Chúa tể trên trời dưới đất (Philip 2, 6-11).  
     
    Như thế, khiêm nhường là phẩm chất cao quý của Chúa Giê-su và được Ngài trân trọng, đề cao.  
    Vì thế, Chúa Giê-su không kêu mời chúng ta hãy học cùng Ngài vì Ngài thông thái, vì Ngài quyền năng, vì Ngài có tài hùng biện hay làm phép lạ… nhưng Ngài kêu gọi chúng ta rằng: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,28).  
               
    Học khiêm nhường với Mẹ Maria  
    Dù được Thiên Chúa đưa lên địa vị cao vời, làm Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Maria vẫn tự coi mình là người tôi tớ hèn mọn, sẵn sàng vâng theo lệnh Chúa truyền.  Mẹ đã thưa với sứ thần Gáp-ri-en rằng: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”  
     
    Lòng khiêm nhường sâu thẳm của Mẹ được diễn tả rõ nét khi Mẹ đến thăm viếng bà Ê-li-sa-bét. Mẹ nhìn nhận rằng sở dĩ Mẹ được Thiên Chúa toàn năng ban cho diễm phúc cao cả khôn lường, vì Mẹ là người tôi tớ hèn mọn của Chúa. Mẹ nói:  
    Phận nữ tỳ hèn mọn,  
    Người đoái thương nhìn tới;  
    từ nay, hết mọi đời  
    sẽ khen tôi diễm phúc.”  
    Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi  
    biết bao điều cao cả,  
    danh Người thật chí thánh chí tôn!”  
     
    Vì mẹ khiêm nhường như thế nên đã được Thiên Chúa nâng cao. Thiên Chúa cho Mẹ vinh dự chưa từng được ban cho bất cứ ai khác trên địa cầu, là được đưa lên trời cả hồn và xác, đúng như lời Chúa dạy: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.”  
     
    Lạy Chúa Giê-su,  
    Người đời thường kiêu căng, tự phụ, coi rẻ đức khiêm nhường. Đó là đường đưa đến cõi trầm luân.  
    Xin cho chúng con ghi nhớ lời Chúa phán dạy qua Mẹ Maria: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, đập tan phường lòng trí kiêu căng” để rồi chúng con luôn học theo gương khiêm nhường của Chúa và Mẹ nhân lành, nhờ đó, được hưởng phúc với Mẹ muôn đời trên thiên quốc. Amen.  
     
    Linh mục Inhaxiô Trần Ngà  
                 
     Tin mừng Luca (1, 39-56)  
    39Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.  40Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.  41Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.  43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?  44Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.  45Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."  
    46Bấy giờ bà Ma-ri-a nói :  
    "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,  
     

    [1] Philip 2, 6-11

     

    --
     

NHỮNG BÀI VỀ ĐỨC MẸ - LỄ MẸ HỒN XAC LÊN TRỜI

  •  
    Chi Tran

     
     
     
    Ảnh cùng dòng


    ĐỨC MẸ MARIA LÊN TRỜI CẢ HỒN LẪN XÁC

     

    Xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng con có sức mạnh thần linh để chúng con một lòng tin yêu Thiên Chúa.

     

     

    Nếu đến Giêrusalem, người ta thường đến thăm hai nơi liên quan đến Đức Mẹ Maria. Theo truyền thống của Chính thống giáo, sau khi chết, Đức Mẹ được an táng trong mồ, gần vườn Giết-sê-ma-ni. Cũng giống như Con của Mẹ là Chúa Giêsu, sau ba ngày Mẹ được đưa lên trời cả hồn và xác. Trong khi đó, truyền thống của người Công giáo cho rằng Đức Mẹ chỉ ngủ và trong giấc ngủ Đức Mẹ được đưa về trời. Bởi đó trên núi Sion, tương truyền chính là nơi Đức Mẹ ở những năm cuối đời. Hiện nay là nhà thờ Đức Mẹ Ngủ (the Dormition of the Virgin Mary). Như vậy cả hai truyền thống này từ thời Giáo hội sơ khai đều nhìn nhận Đức Mẹ Maria được đặc ân lên trời cả hồn và xác.

     

    Phải thừa nhận rằng cả hai truyền thống trên đây đều diễn tả tình yêu của Giáo hội dành cho Đức Mẹ. Đức Maria không chỉ là “mẹ Thiên Chúa”[1], nhưng còn là mẹ của Giáo hội. Trên lữ hành trần thế, vai trò của Đức Mẹ rõ ràng là quá quan trọng đối với những ai mong muốn được gần với Thiên Chúa. Vì tầm quan trọng này mà ngay từ Giáo hội sơ khai và những thế kỷ đầu, nhiều nhà thần học đã suy tư về những đặc ân mà Đức Mẹ đã nhận được từ Thiên Chúa. Thánh Gioan Đamascênô (675–745) viết: “Cần thiết rằng Con Thiên Chúa, khi sinh ra, đã gìn giữ vẹn tuyền đức Trinh của Mẹ, thì phải gìn giữ Mẹ khi chết, khỏi hư hoại. Đấng đã cưu mang Đấng Tạo Hoá cần được ở trong cung điện của Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa cần phải có tất cả mọi điều thuộc về Con của Mẹ và cần được mọi thụ tạo tôn vinh.”    

     

    Bên cạnh đó, các Giáo hoàng và nhiều nhà thần học cũng nhận thấy đặc ân này mỗi lúc một minh nhiên hơn. Nhất là từ sau công đồng Vaticanô I (1870), nhiều giám mục trên toàn thế giới gửi thỉnh nguyện thư về Rôma, với mong ước Đức Giáo Hoàng xác định tín điều này. Điều gì mong ước đến cũng đã đến. Ngày 1 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII ban hành Thông điệp “Munificentissimus Deus”, long trọng định tín: “Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống trần gian này, đã được phúc vinh quang Thiên đàng cả hồn và xác.” Trước đó, Đức Giáo Hoàng Piô XII cũng nhắn với mỗi người rằng: “Chúng ta hãy nài xin Mẹ rất thánh của mọi phần tử của Chúa Kitô mà Ta đã tín thác hiến dâng loài người cho Trái Tim Mẹ. Ngày nay ở trên trời, thân xác và linh hồn Mẹ toả sáng trong vinh quang, hiển trị cùng với Con của Mẹ.” (“Corporis Mystici”, 29-6-1943). 

     

    Thực ra nguồn gốc của lễ này đã có từ rất lâu trong lịch phụng vụ của Giáo hội. Số là khi quân Ba tư xâm chiếm Trung đông (năm 650), các đan sĩ chạy sang Rôma, đem theo nghi lễ này sang và đổi là “Lễ Mẹ Lên Trời”, mừng vào ngày 15 tháng 8. Về sau ngày này cũng là ngày để làm phép mùa màng với mong ước mưa thuận gió hòa. Cùng niềm vui với Mẹ, mỗi con cái ước mong được ở gần bên tà áo Mẹ, được giữ gìn an lành trong cuộc sống, nhất là trong những vất vả mưu sinh.

     

    Phụng vụ Chúa Nhật thứ 20 mùa thường niên hôm nay, Tin Mừng không nói đến biến cố Đức Mẹ hồn xác lên trời. Trong Kinh Thánh, chúng ta cũng không tìm thấy chỗ nào nói về biến cố Đức Mẹ lên trời, giống như Đức Giêsu, Con của Mẹ. Tin Mừng hôm nay chỉ kể về câu chuyện cảm động của hai người phụ nữ đang thời kỳ thai nghén. Họ gặp nhau trong niềm vui của những ngày xa cách. Họ thấy nhau trong sự chúc phúc của Thiên Chúa khi cho họ được mang thai. Với Đức Mẹ, Ngôi Lời đang lớn dần trong cung lòng vẹn sạch của Mẹ. Với người chị họ Ê-li-sa-bét, người con trong bụng là Gioan Tẩy Giả sau này, cũng nhảy mừng vui sướng. Người chị họ này mở lời chào Mẹ Maria như lời của sứ thần trong ngày truyền tin: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ”. Phúc vì Mẹ đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với Mẹ. Từ đây Mẹ trở nên thụ tạo duy nhất được mang thai Con Đấng Tối Cao.

     

    Để có được tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời, dĩ nhiên Giáo hội đã phải suy xét và cầu nguyện thật nhiều. Tiến trình ấy cũng cần thời gian để các ngài suy tư và nhận được ơn soi sáng. Trong tín trình suy tư này, càng ngày Giáo hội càng thấy Đức Mẹ xứng đáng nhận được những đặc ân, bởi cuộc đời của Mẹ hoàn toàn dành cho Thiên Chúa. Có lẽ một trong những bản văn đẹp nhất về Đức Mẹ mà Giáo hội không ngừng cầu nguyện và suy tư: bài ca Ngợi Khen (Magnificat).  

     

    Sau lời chào của hai người phụ nữ, Mẹ Maria liền cất lời ngợi khen Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa.” Ngợi khen vì Mẹ tuy chỉ là nữ tỳ hèn mọn, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Mẹ những điều cao cả. Mẹ tán dương Thiên Chúa, vì tuy Mẹ chỉ là thụ tạo, nhưng Thiên Chúa đã cho mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa. Mẹ thay cho toàn thể dân Chúa, thay cho những người yếu thế cô thân, để xác tín rằng: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.” “Thiên Chúa cũng nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.”  Trong những lời Mẹ đang cất hát, người nghe có thể cảm nhận được những lời quen thuộc của Cựu Ước đang hòa làm một với Tân Ước[2]. Mẹ như ca sĩ đang nâng niu từng nốt nhạc, từng cung bậc cảm xúc, từng ca từ, để cả tâm hồn và thể xác hướng về Thiên Chúa. Tóm lại, mọi ca từ hay nốt nhạc trong bài ca này đều nói lên những nhân đức của Mẹ. Rồi với tình yêu này, Giáo hội nhận thấy chắc chắn Đức Mẹ của chúng ta xứng đáng được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn và xác.

     

         Lạy Mẹ Maria, trên Thiên quốc, xin Mẹ đoái nhìn đến cuộc sống lữ hành của chúng con. Xin Mẹ nhắc nhớ chúng con đừng quá mê man với cuộc sống chóng qua mà quên mất thực tại Nước Trời. Bên ngai tòa Thiên Chúa, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng con có sức mạnh thần linh để chúng con một lòng tin yêu Thiên Chúa. Được như thế, chắc chắn chúng con sẽ gặp được Mẹ, để Mẹ dẫn chúng con đến hưởng nhan thánh Chúa. Amen.

     

    Chúc mừng đặc ân Đức Mẹ được Thiên Chúa đưa lên trời cả hồn và xác!

     

    Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ

     

    [1] Danh hiệu này không có ý nói rằng Đức Maria là mẹ của Thiên Chúa Chúa từ thuở đời đời. Thay vào đó, Đức Maria chỉ là Mẹ sinh ra Chúa Giêsu Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật (GLHTCG 466)

    [2] Bài ca này chỉ có thánh sử Luca ghi lại. Đây là bài ca có nhiều chi tiết trong Cựu ước (x. 1 Sm 2,1-10). Hơn nữa, trong bai ca này có những nguồn như: Tv 103,17; Tv 89,11; G 12,19; St 12,3, …Bài ca này chỉ có thánh sử Luca ghi lại. Đây là bài ca có nhiều chi tiết trong Cựu ước (x. 1 Sm 2,1-10). Hơn nữa, trong bai ca này có những nguồn như: Tv 103,17; Tv 89,11; G 12,19; St 12,3, …

     
     

NHỮNG BÀI VỀ ĐỨC MẸ

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


     
    KHI KINH KÍNH MỪNG CẤT LÊN TẤT CẢ MA QUỈ ĐỀU PHẢI BIẾN MẤT
     
    Một người đàn bà chỉ bảo cho cô con gái đọc kinh Kính Mừng khi gặp hiểm nguy. 
    Một ngày kia, sau khi khiêu vũ, cô bị tấn công bởi một tên qủy với hình thù thật là kinh khiếp. Cô tưởng cô đã bị bắt cả hồn lẫn xác rồi. Thế mà khi cô bắt đầu đọc kinh Kính Mừng thì kẻ thù biến mất.

    Một người đàn bà ở Cologne đã đi tu sau khi khám phá ra là nhà tu hành có liên hệ ái tình với bà đã treo cổ chết trong phòng của bà. 
    Dù đã vào dòng, ma qủy cũng không để bà yên. Chúng hiện ra quấy nhiễu nhiều lần khiến bà không làm sao tránh khỏi cám dỗ. 
    Một nữ tu khuyên bà đọc Kinh Kính Mừng. 
    Bà nghe lời. Con qủy giận dữ gầm thét, 
    - "Khốn cho ai dạy mi điều này." và rút lui vĩnh viễn. 
     
    Khổng Thanh-Hương chuyển ngữ