20. Những Bài Về Đức Mẹ

NHỮNG BÀI VỀ ĐỨC MẸ - LEO NÚI

CON CHỊU KHỔ ĐỂ ĐỨC MẸ CẢI HÓA BỐ MẸ
Tạp Chí "Hang Lộ Đức", phát hành ngày 27/11/1960, đăng tải câu chuyện cảm động sau đây:
Một em bé 12 tuổi, ghẻ lở, ung nhọt đầy mình, nằm điều trị tại một bệnh viện miền Nam nước Pháp. Bệnh tình của em thật là thảm thương, trầm trọng. Tuy nhiên, em rất bình thản, tươi vui, niềm nở với mọi người tới lui chăm sóc, phục vụ em. Không ai nghe em nói một lời phàn nàn, ta thán. Thỉnh thoảng em chỉ gióng lên: "Ước chi tôi được đến Lộ Đức lấy một lần!"
Làm sao thực hiện giấc mộng? Em thì ghẻ lở, đau yếu, mẹ em một mình không đủ phương tiện. Tất cả định đoạt, phương tiện, nằm gọn trong tay ba em. Mà ba em lại là một tay "vô thần" khét tiếng. Ông phản đối ý định của vợ con. ông cho việc hành hương, phép lạ Lộ Đức v.v...là những chuyện dị đoan, mê tín, xằng xịt, lỗi thời...
Cả vợ lẫn con chỉ biết nhìn nhau, nín lặng... ít lâu sau, trước cảnh ốm yếu, đau đớn của đứa con, ông đột ngột đổi ý. Bằng lòng cho vợ con hành hương Lộ Đức, nhưng không quên căn dặn bà vợ: không được kể cho con những chuyện xằng xịt, mê tín về Lộ Đức...
Hai mẹ con lên đường. Tới Lộ Đức, cả hai mẹ con được một cô y tá niềm nở tiếp nhận và lo chu đáo mọi thủ tục .
Ở Lộ Đức được ba ngày, bà mẹ thổ lộ với cô y tá:
- Thưa cô tôi có đạo nhưng đã 25 năm nay chưa xưng tội. Xin phép hỏi cô : nếu bây giờ tôi xưng tội, sửa mình, cô có tin Chúa sẽ cho con tôi được lành mạnh không?
- Điều đó, chẳng ai dám quả quyết với bà, tuy nhiên, tôi xác tín một điều: mọi việc lành và thiện chí, dù nhỏ mọn tới đâu, sẽ thấu tới trời và, bằng cách này hay cách khác, sẽ được Chúa chấp nhận và báo đáp rộng rãi cách thiết thực nhất cho phần rỗi chúng ta...
Suốt ngày hôm đó, bà mẹ có vẻ đăm chiêu, suy nghĩ… Bà chuẩn bị chu đáo, cáo mình, rồi dự lễ, rước lễ. Sau các việc đó bà thấy trong mình hân hoan, phấn khởi, bừng lên thêm lòng tin và sức sống mới mẻ... Bà nói với cô y tá: "Các việc tôi mới làm, xin cô chớ cho thằng nhỏ biết. Rất nguy hiểm. Bác sĩ cho biết: tất cả mọi giao động, dù nhỏ bé, sẽ gây hậu quả tai hại cho thằng nhỏ, có thể khiến nó đứt hơi, chết tức khắc". Cô y tá đồng ý. Hứa tuyệt đối im lặng...
Sau 5 ngày ở Lộ Đức, mẹ con lại dắt nhau trở lui. Trong lúc giã từ, cô y tá hỏi em nhỏ:
- Em à, cuộc hành hương Lộ Đức và mấy ngày ở đây, em hài lòng chứ?
- Thưa cô, em bé bật lên khóc, nói trong nức nở: "Em đến đây... em khấn cầu Đức Mẹ, không phải cho em được lành mạnh, nhưng là cho ba má em trở lại đàng chính..." Nói chưa xong, em lại òa lên khóc.
Cô y tá nói vài lời trấn an. Bỏ đi. Hứa sẽ trở lại sau vài phút. Cô chạy tìm bác sĩ. Hỏi ông: Cô được phép tiết lộ cho em bé những việc mẹ em đã làm chăng? Khi được phép, cô trở lại. Nói với em nhỏ:
- Em à, chị có một điều bí mật muốn nói với em. Em hứa giữ kín không?
- Dạ, em hứa.
- Cả với má em, em cũng không được nói. Hứa không?
Em bé ngần ngại, lưỡng lự, nhưng rồi đáp:
- Dạ, em hứa.
- Em à, chị đưa tin vui cho em: đã 2 hôm nay, mẹ em là con người mới. Mẹ em đã xưng tội, dự lễ, rước lễ sốt sắng đàng hoàng lắm. Cả mặt mũi và con người bà phản chiếu niềm hân hoan dào dạt.
Cô y tá vừa nói vừa hồi hộp như muốn đứt hơi, chỉ sợ em bé sẽ bị giao động mạnh, có thể ngất luôn... Vừa nghe tin, em bé mặt mày hân hoan, rạng rỡ.
Sau vài phút đăm chiêu, em chắp hai tay trên ngực, nói nhỏ:
- Cô ơi từ lúc này, em có thể an tâm từ giã cuộc đời. Em đã được toại nguyện. Em muốn mau được trở lại nhà. Em muốn được chết trong tay ba má em.
Em được trả lại bệnh viện cũ, nơi em nằm điều trị trước. Nhưng em khẩn khoản xin được về nhà, được chết trong tay ba má em.
Về nhà được 2 ngày. Sang đêm thứ ba, bệnh viện nhận điện thoại đưa tin em đã tắt thở.
Sáng hôm sau, cô y tá từ bệnh viện đến phân ưu và nhìn em bé lần chót. Em nằm chết trên giương mà như đang ngủ. Mặt mày tươi tỉnh. Cả con người phảng phất một vẻ siêu thoát, huyền diệu...
Bà mẹ em cũng tỏ ra can đảm, chí khí khác thường. Không khóc lóc, tỉ tê. Bà nói với cô y tá:
- Cô ơi quá nửa đêm, thằng nhỏ tắt thở. Coi nó như một ông thiên thần. Sau 5 phút, nhà tôi nhẹ nhàng mò đến sau tôi, thì thầm trong nước mắt: "Anh muốn nhìn con lần chót". Một việc lạ thường, ít khi ông làm...
Rồi, như tập trung tất cả nghị lực, ông ngập ngừng một lát, rồi nói nhỏ, nhưng rất rõ ràng, vào tai tôi: "Mai sớm, em phải kiếm cho anh một linh mục. Anh muốn sửa lại cuộc đời...".
Nhớ ơn Mẹ tập 1,
Lm Trương Văn Thục, OSB
NS Trái Tim Đức Mẹ, 1994
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

NHỮNG BÀI VỀ ĐỨC MẸ - TS DUYỆT - LỄ MẸ SẦU BI

  •  
    DM Tran

    MẸ SẦU BI DƯỚI CHÂN THÁNH GIÁ

    Lễ kính 15 tháng 9

     

    Trần Mỹ Duyệt

     

    Tước hiệu Mẹ Sầu Bi gắn liền với nỗi đau khổ và sự cay đắng của cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa chúng ta. Theo truyền thống, những đau khổ và cay đắng này của Mẹ không chỉ giới hạn trong cuộc thương khó và khổ nạn của Chúa Giêsu, mà hơn nữa, nó bao gồm trong bảy niềm đau, hoặc bẩy sự khổ sầu như những lưỡi gươm đâm thấu và để lại những vết cắt suốt đời trong Trái Tim Mẹ.    

     

    Bẩy niềm đau:

     

    -Lời tiên tri của Simêon: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ.” (Luca 2:34-35)

    -Cuộc di cư của Thánh Gia qua Ai Cập (St. Matthew 2:13, 14).

    -Lạc mất và tìm thấy trẻ Giêsu trong Đền Thờ (St. Luke 2: 43-45).

    -Gặp Chúa Giêsu trên đường lên Núi Sọ.

    -Đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu trong lúc Chúa bị đóng đinh.

    -Ôm xác Chúa Giêsu trong lòng sau khi hạ xác xuống khỏi thập giá.

    -Táng xác Chúa trong mồ đá.

     

    Cũng chính vì lý do này, trong một số hình vẽ, các họa sỹ đã trình bày Trái Tim của Mẹ bị vòng gai nhọn bao quanh, hoặc bẩy lưỡi gươm đâm thâu. Quan trọng hơn hết là ý nghĩa của những nỗi đau này đã phản ảnh lời Fiat (xin vâng) mà Mẹ đã thưa với Tổng Thần Gabriel trong ngày Truyền Tin. Theo Lm. Fr. William Saunders qua bài viết “The Feast of Our Lady of Sorrows” [1] đây, Lễ kính Mẹ Đau Thương đã được phổ biến rộng rãi vào thế kỷ 12, dưới nhiều tước hiệu, phát xuất từ những tài liệu được các đan sỹ Biển Đức ở thế kỷ trước đó. Và rồi đến thế kỷ mười bốn và mười lăm, lễ này đã được cử hành trên toàn Giáo Hội. 

     

    Lễ kính Mẹ Sầu Bi:

     

    Một cách đặc biệt, năm 1482, lễ đã được ghi vào Sách Lễ Roma dưới tước hiệu, Đức Mẹ Sầu Bi (Our Lady of Compassion) nhấn mạnh đến tình yêu thương cao cả của Mẹ Thánh Đức đã phải chịu trong cuộc thương khó của Con. Chữ compassion bắt nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là cắm rễ và đau khổ tức là sầu khổ với. Sự đau khổ của Đức Maria vượt xa tất cả chúng ta, bởi vì Mẹ là mẹ Chúa Giêsu, Đấng không chỉ là Con của Mẹ mà còn là Chúa của Mẹ và cũng là Đấng Cứu Thế. Mẹ đã cùng chịu đau khổ với Con của mình. Năm 1727, Đức Giáo Hoàng Benedict XIII đã truyền ghi Lễ Mẹ Sầu Bi vào Lịch Giáo Hội, Thứ Sáu trước Chúa Nhật Lễ Lá. Lễ này đã được sửa đổi và được ghi trong Sách Lễ Roma (Roman Missal) năm 1969.

     

    Theo lịch sử Phụng Vụ Giáo Hội, năm 1668, lễ kính Bẩy Niềm Đau (Seven Dolors) đã được cử hành vào Chúa Nhật sau 14 tháng 9, Lễ Suy Tôn Thánh Giá, Lễ Mẹ Sầu Bi đã được ghi vào Lịch Roma năm 1814. Sau này Thánh Giáo Hoàng Piô X đã quyết định cử hành vào ngày 15 tháng 9.

     

    Ý nghĩa tước hiệu Sầu Bi:

     

    Mẹ Sầu Bi, Mẹ Đau Thương, Mẹ Bẩy Niềm Đau cũng chính là Mẹ Rất Thánh đã đứng một cách trung thành và can đảm dưới chân thánh giá hiệp dâng Con của mình lên Thiên Chúa để cứu chuộc nhân loại. Hình ảnh này đã được Thánh Ký Gioan ghi lại: Từ trên thánh giá, nhìn xuống thấy Mẹ và môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu đã nói với Mẹ mình: “Hỡi bà, đây là con bà”. Gioan là đại diện những người con mà Mẹ đã sinh ra dưới chân thập giá. Cũng qua người môn đệ, Ngài phán với tất cả chúng ta: “Này là mẹ con.” (Gioan 19:26-27) 

     

    Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội (Dogmatic Constitution on the Church) đã viết: “Mẹ đã đứng đó theo như ý định của Thiên Chúa, sẵn sàng cùng chịu đau khổ với người Con một và dự phần vào hy lễ của Con với cả tấm lòng hiền mẫu, dùng trọn tình yêu chấp nhận hiến tế lễ vật do chính lòng mình sinh ra” (no. 58)* 

     

    Thánh Bênađô (d. 1153) đã viết: “Ôi lạy Mẹ Rất Thánh, một lưỡi gươm đã đâm thấu tâm hồn Mẹ…Người đã chết trong thân xác do tình yêu lớn lao hơn bất cứ ai có thể cảm thấu. Mẹ đã chết trong tâm hồn qua tình yêu không giống như bất cứ ai vì Ngài” (De duodecim praerogatativs BVM).

     

    Suy niệm về sự đau đớn của Mẹ Rất Thánh chúng ta, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lưu ý các tín hữu rằng Mẹ Maria Rất Thánh đã trở nên người an ủi những ai sầu khổ tâm hồn cũng như thể xác. Mẹ biết những nỗi đau của chúng ta, bởi vì chính Mẹ đã đau những nỗi đau ấy. Từ Belem tới núi Calvary. ‘Lòng Mẹ đã bị một lưỡi gươm đâm thâu’. Maria là người Mẹ Tinh Thần của chúng ta, người Mẹ luôn luôn thấu hiểu con cái mình và luôn an ủi chúng khi gặp sầu khổ. Vì sứ mệnh đặc biệt của Mẹ là yêu thương chúng ta. Mẹ đã nhận sứ mệnh này từ trên thánh giá Chúa Giêsu để chỉ yêu thương chúng ta và luôn luôn cứu vớt chúng ta. Nhưng cách mà Mẹ Maria an ủi chúng ta hơn hết là chỉ cho chúng ta Đấng Bị Đóng Đinh và Đấng An Ủi của chúng ta. (1980)

     

    Vì vậy, khi tôn kính Mẹ Rất Thánh của chúng ta, Đức Mẹ Sầu Bi, là chúng ta tôn vinh Người như một môn đệ trung tín và một mẫu gương của đức tin. Chúng ta hãy cầu xin cùng Mẹ như lời cầu mở đầu của Thánh lễ hôm nay:

     

    “Lạy Chúa, khi Ðức Kitô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ. Xin cho Hội Thánh Chúa biết noi gương Thánh mẫu mà kết hiệp với Ðức Kitô chịu khổ hình, để mai ngày được phục sinh vinh hiển cùng với Ðức Kitô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.”**

     

    Bẩy lời hứa của Đức Mẹ:

     

    Qua thánh Bridget. Đức Mẹ đã hứa ban cho những ai sùng kính và hằng ngày đọc 7 kinh Kính Mừng, suy niệm về Bẩy Sự Thương Khó của Người những ơn sau: 

    1. Mẹ sẽ ban ơn bình an cho gia đình của họ.

    2. Họ sẽ được soi sáng về những mầu nhiệm thiêng liêng.

    3. Mẹ sẽ an ủi họ trong những lúc đau thương. Và Mẹ sẽ đồng hành với họ trong công việc thường ngày của họ.

    4. Mẹ sẽ ban cho họ nhiều hơn những gì họ cầu xin nếu những gì họ xin không chống lại thánh ý đáng tôn thờ của Con chí thánh Mẹ, hoặc ngăn cản sự thánh hóa linh hồn họ.

    5. Mẹ sẽ bênh đỡ họ trong những trận chiến thiêng liêng với kẻ thù muôn thuở và sẽ che chở họ khỏi mọi nguy hiểm trong đời sống.

    6. Mẹ sẽ đến thăm viếng, an ủi họ trong giờ lâm chung, và họ sẽ được nhìn thấy dung nhân Mẹ.

    7. Mẹ sẽ xin Con chí thánh Mẹ cho những ai quảng bá lòng tôn sùng này được vào nơi hằng sống ngay sau khi chấm dứt cuộc đời này, bởi vì mọi tội lỗi của họ sẽ được tha và Con Mẹ cùng với Mẹ sẽ là nguồn ủi an và vui mừng của họ. 

     

    ___________

     

    [1]   https://www.catholiceducation.org › culture › the-feast-...

    The Feast of Our Lady of Sorrows

    *Công Đồng Vaticanô II. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. Nhà xuất bản Tôn Giáo 2012.

    ** Tổng Giáo Phận Hà Nội. Archdiocese of Ha Noi. Lời nguyện nhập lễ. Ngày 15/9: Lễ Đức Mẹ Sầu Bi.

     

     

NGỮNG BÀI VỀ ĐỨC MẸ - TS DUYỆT - THÁNH DANH MẸ

  •  
    DM Tran

    THÁNH DANH MARIA

    Lễ kính ngày 12 tháng 9

     

    Trần Mỹ Duyệt

     

     

    Thiên Chúa đã sáng tạo một thế giới cho con người; Ngài đã sáng tạo cho riêng Ngài một thế giới mà Ngài đặt cho tên gọi là “Maria.” (Thánh Louis M. Monfort).

     

    Ngoài trừ tiếng Do Thái phát âm là Myriam, tiếng Pháp là Marie, tiếng Anh là Mary, còn lại các tiếng như Việt Nam, Tây Ban Nha, hay tiếng Ý đều phát âm dựa trên gốc Latin và gọi tên của Đức Mẹ là MARIA.

     

    Giáo Hội đã liên kết 3 lễ trọng để nhắc nhớ con cái Giáo Hội về người Mẹ cao sang, quyền phép và rất mực thương yêu con cái mình là Rất Thánh Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Giáo Hội và cũng là Mẹ toàn thể nhân loại.

     

    -Ngày 8 tháng 12, nhắc nhớ đến ơn Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội.

    -Ngày 8 tháng 9, nhớ ngày Mẹ được sinh ra vào đời. Ngày Sinh Nhật của Đức Mẹ, và:

    -Ngày 12 tháng 9, kính thánh danh Mẹ.

     

    Sơ lược nguồn gốc 

     

    Năm 1513, lễ kính “Thánh danh Maria” được Đức Giáo Hoàng Julius II ban phép cử hành tại Giáo Phận Cuenta, nước Tây Ban Nha. Ban đầu lễ này được cử hành vào ngày 15 tháng 9, với tuần bát nhật sau lễ Sinh Nhật Đức Mẹ.  Sau cuộc cải cách Breviary, lễ này bị đình chỉ bởi Thánh Giáo Hoàng Piô V, nhưng được khôi phục lại bởi Đức Sixtô V, và được chuyển vào ngày 17 tháng 9. Cũng từ đó, lễ Kính Thánh Danh Maria lan rộng khắp Tây Ban Nha và Vương Quốc Naples.

     

    Qua thời gian, lễ này được phép cử hành tại nhiều dòng tu. Đức Innocent XI đã ban phép “Lễ Kính Thánh Danh Maria được cử hành trên Toàn Giáo Hội. Thánh lễ đầu tiên được cử hành vào Chúa Nhật sau Sinh Nhật Đức Mẹ. Thánh Giáo Hoàng Piô X (+1914) đã ra chỉ thị cử hành lễ này vào ngày 12 tháng 9 hàng năm.

     

    Với sự đổi mới Thánh Lễ Roma năm 1970, theo sau Công Đồng Vatican II, ngày lễ được ghi vào lịch phụng vụ của toàn Giáo Hội, mặc dù Votive Mass vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong lần tái bản thứ ba của sách lễ Roma năm 2003, đã nâng lên thành lễ kính, “optional memorial.”

     

    Chúng ta tôn kính danh Maria bởi vì nó được gắn liền với Đấng là Mẹ Thiên Chúa, một tạo vật thánh thiện, Nữ Vương trời đất, Mẹ của Lòng Thương Xót. Chủ đích thánh lễ là ca tụng thánh danh của Mẹ: “Mirjam” (Maria); Thánh lễ tưởng niệm tất cả mọi đặc ân đã được ban cho Đức Maria bởi Thiên Chúa, và muôn ân sủng chúng ta nhận được qua lời chuyển cầu của Mẹ.

     

    Ý nghĩa tên gọi “Maria”

     

    “Xem mặt đặt tên”, hẳn là Thiên Chúa cũng theo quan niệm này khi Ngài đặt tên MARIA cho Mẹ.

     

    Tên Maria được bắt nguồn từ nhiều ngôn ngữ cổ đại: Tiếng Do Thái gọi là Myriam; trong Aramaic cũng gọi là Maryam, trong Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp gọi là Mariam và tiếng Latin trong Tân Ước gọi là Maria.

     

    Những nghiên cứu của triết học tân thời khảo sát về cổ Ai Cập đưa ra gợi ý rằng Maria có nghĩa là “nữ vương, đấng tuyệt sắc, hoặc được yêu thương”. Một số học giả nghiên cứu các sách vở Ugaritic (cổ Syrian) cho rằng tên mrym  phát xuất từ động từ rwn, vì thế có nghĩa “cao sang, nhẹ nhàng, cao cả, hoặc được kính trọng.” Những điều này xứng với lời chào của Tổng Thần Gabriel trong ngày Truyền Tin: “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc [hoặc mừng vui lên, ái nữ đầy ơn]! Chúa ở cùng bà. Bà được chúc phúc trong các người phụ nữ.” (Luca 1:28)

     

    Vì Maria là tên của Mẹ Rất Thánh, nên nó mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt, và vì vậy được cử suy tôn trong 4 trường hợp:

     

    Đầu tiên, Maria là một tên cao cả, vì những Kitô hữu ca tụng Maria như là Mẹ của Đấng Cứu Thế, Mẹ được gọi là “Mẹ Thiên Chúa”, vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, ngôi hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa đã đến trong thế gian, và đã trở thành người thật nhờ sự thụ thai của Maria qua quyền lực Chúa Thánh Thần.

     

    Thứ hai, Maria là tên thánh thiện nhất trong các tên gọi, khi gọi lên nhắc nhớ chúng ta, Mẹ là đấng đầy ơn phúc. Bởi vì tên này nhắc chúng ta rằng Mẹ là đấng đầy ơn phúc, được chúc phúc giữ các người phụ nữ.

     

    Thứ ba, Maria là tên của một người mẹ, bởi vì Người là Mẹ của chúng ta, nhờ Người Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Đấng đã chết trên thập tự giá (cf. Gioan 19:26-27). 

     

    Sau cùng, Maria là tên của người mẹ, luôn sẵn sàng ban cho chúng ta mọi điều mong muốn, che chở chúng ta khỏi ác quỉ, và cầu “cho chúng ta những tội nhân khi nay và trong giờ lâm tử.”

     

    Các thánh suy tôn Thánh Danh Maria

     

    Maria trong Do Thái là Miryam và theo ngôn ngữ Aramaic, ngôn ngữ được nói vào thời bấy của Đức Mẹ là Mariam . Tên gọi này có nghĩa là “đắng đót”, nhưng qua các thế kỷ, các thánh nhân và các học giả đã có những cắt nghĩa và giải thích khác nhau. Một sự pha trộn giữa nguyên ngữ và lòng sùng mộ. Sau đây là một số những lời ca tụng mà các thánh đã dành cho Đức Mẹ khi suy niệm về Thánh Danh của Người:    

     

    “Maria nghĩa là chiếu sáng hơn, bởi vì Mẹ đem lại Ánh Sáng của thế giới. Trong ngôn ngữ cổ của miền Syria, Maria cũng có nghĩa là Thánh Mẫu”. (St. Isidore of Seville +636)

     

    “Hãy để tôi nói một số điều về tên gọi này, cái tên được chuyển dịch mang ý nghĩa của Ngôi Sao Biển, 1 và nó thích hợp một cách đáng ngưỡng mộ với Mẹ Đồng Trinh.” (St. Bernard +1153)

     

    “Một vì Sao đã xuất hiện cho chúng ta hôm nay: Thánh Maria, Nữ Vương của chúng ta. Tên người có nghĩa là Sao Biển; và không nghi ngờ gì vì Sao trên biển này là thế gian. Vì thế, chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên vì Sao đã xuất hiện trên trái đất hôm nay để Người hướng dẫn chúng ta, để Người chiếu sáng chúng ta, để Người có thể chỉ lối, để Người có thể giúp chúng ta để chúng ta có thể vượt lên. Và thật là tốt đẹp để tên Maria được đặt vào bước thang mà chúng ta đang nói đến, ở đó, chúng ta phải bắt đầu trèo lên. Như Thánh Ký đã nói, Giacóp sinh Giuse, chồng của Maria, vì thế ngay từ giây phút lời cầu của chúng ta cất lên, Người đã xuất hiện bên chúng ta và đón tiếp chúng ta trong sự săn sóc, chiếu sáng chúng ta, và đồng hành với chúng ta trên con đường trần gian lao khổ này.” (St. Aelred +1167)  

     

    “Maria nghĩa là Sao Biển, đối với những người vượt biển được hướng dẫn vào bến nhờ sao biển, cũng vậy các Kitô hữu đạt đến vinh quang nhờ sự can thiệp từ mẫu của Maria.” (St. Thomas Aquinas +1274)

     

    “Tên rất thánh, ngọt nào và giá trị xứng hợp một cách cao cả với sự thánh thiện, êm ái và xứng đáng với một trinh nữ. Vì Maria có nghĩa là biển đắng, 2 sao biển, chiếu sáng, 3 Maria được hiểu là Thánh Mẫu. Maria là biển đắng đối với các quỷ thần, đối với con người, Mẹ là Sao Biển; với các Thiên Thần, Mẹ là vinh quang tỏa sáng, và với toàn thể tạo vật, Mẹ là Thánh Mẫu”. 4 (St. Bonaventure +1274)

      

    “Thiên Chúa Cha đã tụ họp tất cả nước lại với nhau và gọi chúng là biển hoặc maria (tiếng Latin, Maria cũng có nghĩa là biển). Ngài đã gom toàn thể ân sủng của Ngài và gọi đó là Mary hay Maria… Khoa báu vô biên không gì khác hơn là Maria, Đấng mà các thần thánh đã xưng tụng “khoa tàng của Chúa”. Vì từ sự trọn đầy của Mẹ tất cả chúng ta được trở nên giầu có.” (St. Louis de Montfort +1716)

     

    Thật không có gì khó khăn để hiểu tại sao có nhiều cách diễn tả tên “Maria”, vì những điều này hàm chứa nhiều giáo huấn và căn bản đức tin. Một số trong đó đã diễn tả tên “Maria” bằng cách nhấn mạnh đến mối giây liên kết giữa Rất Thánh Trinh Nữ Maria với Giáo Hội. Phát xuất từ tiếng Do Thái, động từ mara, nghĩa là “ơn phúc hoặc mạnh mẽ” và quy vào vẻ đẹp của Đức Mẹ và sự sản sinh thần linh của Mẹ. Mẹ là Tota Pulchra, Đấng Tuyệt Mỹ.

     

     

    Thánh Louis de Montfort (d. 1716) suy niệm về lễ này còn nói thêm: “Toàn thể thế giới ngập tràn vinh quang của Mẹ, và điều này một cách hết sức thật đối với những người Kitô Giáo chúng ta, những người đã chọn Mẹ là Quan Thầy, và là Đấng bảo vệ các quốc vương, thị thành, và giáo phận. Nhiều vương cung thánh đường đã được cung hiến cho Thiên Chúa trong danh của Mẹ. Không có thánh đường nào mà lại không có một bàn thờ dâng hiến cho Mẹ. Không có quốc gia hay tôn giáo nào lại không có ít nhất một mẫu ảnh ban phép lạ khi tất cả trong đau khổ đã được cứu vớt và mọi ơn phước được lãnh nhận…

     

    Không có một em nhỏ nào ít nhất một lần trên môi đã không mắp máy lời “Kính Mừng Maria” Tội nhân với sự sợ hãi, cứng cỏi, nhưng không thể không có chút lòng tin tưởng khi nghĩ đến Mẹ. Tất cả ma quỷ trong hỏa ngục, khi nghe tên Maria, chúng đều tỏ vẻ cung kính.”  

     

      

     

     ______________

     

     

     [1] The title, "Star of the Sea," dates back to St. Jerome [+420]. It has been said that the great Doctor had originally used the phrase Stilla Maris to describe Mary as a "drop of the sea," the sea being God. A copyist's error, then, could have resulted in stilla [drop] being written down as stella [star]. Of course, the hallowed title, "Star of the Sea," suits Our Lady perfectly.


    [2] "Bitter sea [mara = bitter; yam = sea]," in addition to the interpretation given by St. Bonaventure, also calls to mind Our Lady's Seven Sorrows and the sword which "pierced" Her soul on Calvary, recalling the lamentation of the mother-in-law of Ruth, who had lost a husband and two sons: "Call me not noemi, [that is, beautiful,] but call me Mara, [that is, bitter,] for the Almighty hath quite filled me with bitterness [Rt. 1: 20]." Maror are "bitter herbs," such as are found on the seder plate at Passover.


    [3] The "Illuminated" points us to St. John's apocalyptic image of the "Woman clothed with the Sun," a dual image encompassing both, the Catholic Church and Mary, the Mother and Image of the Church.


    [4] The interpretation "Lady" for Mary was also proposed by St. Jerome, based on the Aramaic word, mar, meaning "Lord." This would render the meaning "Lady" in the regal or noble sense [as in "Lord and Lady."] Catholic sensibility, however, recognizing in Mary the simple dignity of a Mother, as well as the grandeur of a Queen, did not hesitate to add an affectionate touch to this majestic title. Mary is not just "Lady"; She is "Madonna," Notre Dame i.e., she is Our Lady.

     

    All About Mary includes a variety of content, much of which reflects the expertise, interpretations and opinions of the individual authors and not necessarily of the Marian Library or the University of Dayton. Please share feedback or suggestions with This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..

     

    ***

     

    Đặc biệt tri ân: Một phần lớn tài liệu trong bài viết này, tác giả đã lược dịch từ “The Most Holy Name of Mary – September 12” của – Sister Danielle Peters.  Xin cám ơn Nữ Tu Danielle.

     

    --
    CMC-THDC (Thân Hữu Đồng Công)
    ---

NHỮNG BÀI VỀ ĐỨC MẸ - TGP SAIGON - DANH THÁNH ĐỨC MARIA

  • Ngày 12/09: Danh Thánh Đức Maria

    1. CÁI NHÌN LỊCH SỬ.

    Câu chuyện lịch về sử thánh lễ Danh Thánh Đức Maria là một câu chuyện đẹp.

    Lịch sử kể lại rằng: “Năm 1683, sau khi chiếm được nước Hungary, quân Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào nước Áo và dùng hai vạn quân binh để vây hãm kinh đô Vienna của nước này.

    Dân thành Vienna hiệp nhau phòng thủ hết sức cẩn thận vì họ biết rằng sa vào tay quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ thì thế nào cũng bị hành hạ rất dã man.

    Giữa lúc dân thành Vienna đang sống trong cảnh phập phồng lo sợ, thì họ lại phải hú vía một lần nữa khi nhận được một hung tín: một nhà thờ của họ đang bị cháy, và lửa lan rộng rất nhanh, lan đến gần kho vũ khí. Nếu lửa mà chạm đến kho vũ khí thì sẽ rất nguy hiểm: kho vũ khí sẽ nổ lớn, thành phố sẽ thiệt hại nặng về tài sản và nhân mạng, và quân địch sẽ vào chiếm thành dễ dàng.

    Ngày hôm đó là ngày Lễ Đức Mẹ Mông Triệu. Toàn dân thành Vienna sốt sắng kêu xin Đức Mẹ cứu họ khỏi thảm cảnh này. Họ van lơn lớn tiếng Danh Thánh Mẹ Lạy Mẹ Maria! Lạy Mẹ Maria!

    Lạ thay! Ngọn lửa đang cháy rùng rợn, bỗng dừng lại trước kho vũ khí và tắt lịm và kho vũ khí đã thoát cảnh nổ tung.

    Ngay khi đó, thì dân thành Vienna lại nhận được tin vui: viện binh Ba Lan của tướng Sobieski và viện binh Đức của ông hoàng Carlo di Lorena đang đem quân đến giải vây thành Vienna. Hai toán quân này đã gặp nhau trên đường đi cứu viện. Trước khi tiến quân ra trận giải cứu, họ tham dự thánh lễ. Và sau khi tham dự thánh lễ, họ đồng thanh hô to: “Chúng ta hãy lên đường! Đức Mẹ Maria sẽ ở cùng chúng ta!

    Một trận chiến nảy lửa xảy ra. Quân Thổ bại trận, rút lui, để lại rất nhiều vũ khí, trong đó có 200 khẩu đại bác. Một nữa quân lính của họ bị thương và chết.

    Đức Giáo Hoàng Inôxenxiô XI tuyên bố lập Thánh lễ dâng kính Thánh Danh Đức Mẹ Maria để kỷ niệm trận thắng lạ lùng này.

    II. DANH THÁNH MARIA

    1. Danh Thánh Mẹ Maria rất uy quyền

    Mẹ Maria là một thụ tạo trổi vượt trên muôn vàn thụ tạo. Mẹ là người nữ tuyệt mỹ và là Đấng Đầy Ân Sủng, cao trọng hơn hết mọi người phụ nữ trên trần gian này.

    Thánh Tôma Aquinô đã ca ngợi Mẹ như sau: ”Maria có nghĩa là Sao Biển. Vì vậy, ví như thuỷ thủ được sao biển hướng dẫn vào hải cảng thế nào, thì các Kitô hữu muốn tới vinh quang cũng đều phải nhờ sự cầu bầu Hiền Mẫu của Mẹ Maria như vậy”.

    Danh Thánh Mẹ vượt không gian và thời gian để muôn người và mọi thế hệ phải cất tiếng tung hô Mẹ Diễm Phúc.

    Danh Thánh Mẹ được coi trọng đến độ: ngoài danh Đức Giêsu và Thiên Chúa ra, không có tên nào cao trọng, đáng kính cho bằng tên Ðức Mẹ. Thánh Giêrônimô khẳng định rằng: ”Tên Maria chẳng phải cha mẹ hay người thế gian đặt cho ngài, nhưng chính Thiên Chúa soi lòng ông thánh Gioakim và bà thánh Anna đặt tên ấy cho Mẹ Maria”.

    Vì thế:

    “Thánh Danh Maria các thiên thần trông ngóng

    Khát vọng được nghe thánh danh vinh hiển, uy hùng

    Ngỡ ngàng hỏi nhau: “Bà nào lên giữa không trung?”

    Như rạng đông rực rỡ, như vầng nguyệt diệu huyền

    Như đạo binh dàn quân, lệnh Nữ Vương thẳng tiến

    […]

    Nghe Danh Mẹ, mọi thụ tạo cúi đầu cung kính

    Uốn gối tôn vinh, quỷ hỏa ngục phải sấp mình

    Vạn vật muôn loài, chiêm ngưỡng trong lặng thinh

    Thánh Danh Mẹ, thanh thoát vẻ dịu hiền tuyệt diệu” (Mặc Trầm Cung).

    Như vậy, với Danh Thánh Mẹ Maria được cất lên thì: ”Các thiên thần vui mừng, các quỉ dữ run rẩy. Kêu xin tên này, các tội nhân được ơn phúc và ơn tha thứ” (Thánh Canisiô) .

    2. Hãy không ngừng kêu cầu Danh Mẹ

    Ngay từ những thế kỷ đầu của Kitô Giáo, Danh Thánh Đức Maria đã được nhiều người biết đến và tôn kính. Họ cũng đã cử hành phụng vụ thánh lễ để tôn kính Thánh Danh Mẹ tại một số nơi. Nhưng mãi đến năm 1683, Đức Thánh Cha Innôcentê XI mới chọn ngày 12 tháng 09 hàng năm làm ngày toàn thể Giáo Hội hoàn vũ long trọng mừng lễ tôn kính Thánh Danh Đức Maria.

    Khi quyết định chọn ngày này để tôn kính Thánh Danh Mẹ, Đức Thánh Cha đã muốn đặt để Giáo Hội và từng người dưới sự che chở của Thánh Danh Mẹ.

    Thật vậy, danh xưng Maria trong tiếng Do Thái có nghĩa là ”Ngôi Sao Biển”.

    Như vậy, nếu Giáo Hội được ví như con thuyền đang lênh đênh trên biển khơi, thì Đức Maria được ví như ”Ngôi Sao Biển” chiếu sáng cho con thuyền của Giáo Hội đi đúng đường, đúng lối.

    Vì thế, mỗi người chúng ta được mời gọi hướng nhìn lên Mẹ Maria như ngôi sao dẫn lối soi đường, để giúp chúng ta đi đúng hướng.

    Thánh Bênađô viết: ”Khi bạn chiến đấu với bão táp trên biển cuộc đời, hãy ngước nhìn lên Sao Biển là Mẹ Maria. Nếu những ngọn gió cám dỗ thổi vào chiếc thuyền lòng bạn, hay nếu bạn bị va đụng bởi những tảng đá đau khổ, hãy nhìn lên Ngôi Sao – và hãy gọi tên Mẹ! Nếu bạn bị những đợt sóng tham vọng hay đố kỵ xô đẩy, hãy nhìn lên Ngôi Sao – hãy gọi tên của Mẹ! Nếu cơn nóng giận hay tham lam đánh bạt chiếc thuyền lòng bạn, hãy nhìn lên Mẹ Maria! Nếu bạn đang thất vọng vì tội lỗi quá nhiều, hãy tưởng nghĩ đến Mẹ! Trong những khó khăn và nguy hiểm, hãy nhớ đến Mẹ – hãy réo gọi Mẹ! Đừng để Danh Thánh Mẹ rời xa môi miệng bạn. Hãy tưởng nghĩ đến Mẹ luôn luôn! Có Mẹ, bạn sẽ không lạc lối. Được Mẹ chở che, bạn sẽ không sợ gì. Mẹ sẽ dẫn bạn đến với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của bạn!”.

    Trong thực tế, chúng ta cũng đã thấy: có biết bao người khô khan nguội lạnh, nhưng chỉ vì nể một ai đó hay vì một lời hứa với người đã khuất, nên hằng ngày vẫn trung thành đọc kinh kính Mẹ và kêu cầu Danh Mẹ, đến giờ phút cuối, Mẹ đã giúp vượt thắng cám dỗ của ma quỷ và gìn giữ như của riêng Mẹ vậy. Những người bị ma quỷ tấn công, họ đã kêu cầu Danh Mẹ và đã được Mẹ bảo vệ. Những người ốm đau bệnh tật, luôn kêu Danh Mẹ trợ giúp và tăng sức mạnh, Mẹ đã chữa lành… Những người bị bách hại, kêu tên mẹ và không ngớt van xin, Mẹ đã giải thoát…

    Tắt một lời: tất cả những ai có lòng yêu mến, cậy trông Mẹ và kêu cầu Danh Mẹ, chắc chắn Mẹ sẽ thương yêu và cứu giúp, bởi vì từ xưa tới nay, chưa từng có ai chạy đến với Mẹ mà lại về không bao giờ!

    Chuyện kể rằng:

    Thánh Anphongsô Rodriguez có lòng yêu mến Ðức Mẹ chí thiết. Một hôm đang quì trước bàn thờ Mẹ. Ngài được Ðức Mẹ hiện ra đẹp đẽ lạ lùng và hỏi:

    -Alphonsô, con có mến Mẹ không?

    Thánh nhân giơ hai tay nói lớn:

    - Ôi trời đất, lạy Chúa! Con yêu mến Mẹ lắm. Vâng, con mến Mẹ; ai mà không mến Mẹ, một Ðấng đẹp đẽ tốt lành, thánh thiện như thế? Con mến Mẹ đến nỗi sẵn lòng hy sinh tất cả thịt máu, danh dự và cả mạng sống con nữa.

    -Hỡi Alphonso, con có mến Mẹ thật không?

    -Thưa Mẹ, thật, rất thật. Hỡi lòng con hãy nói lên vì lưỡi con không đủ tiếng diễn tả. Lạy Mẹ chí thánh, Mẹ đừng hỏi điều ấy nữa, Mẹ biết con yêu mến Mẹ lắm.

    Chưa lấy làm đủ; Ðức Mẹ lại hỏi Ngài lần thứ ba:

    -Alphonsô, con có mến Mẹ thật không?

    Lần này theo tính đơn sơ thật thà, Ngài trả lời:

    -Lạy Mẹ, con yêu mến và con mến Mẹ hơn cả Mẹ yêu con nữa!

    Nhìn Alphonsô cách trìu mến, Ðức Mẹ mỉm cười cầm lấy tay Anphongsô mà nói:

    -Ðiều đó không đúng sự thật. Mẹ yêu thương con và yêu thương những kẻ hết lòng yêu Mẹ hơn tất cả mọi quả tim các con hợp lại để yêu Mẹ, điều đó không thể so sánh được.

    Với “tấm lòng con thảo” chúng con xin Mẹ Maria “tái sinh niềm hy vọng trong chúng con và mang lại cho chúng con sự hiệp nhất. Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Ơn Cứu Độ, chúng con trao phó cho Mẹ cả cuộc đời chúng con.

    Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con! (Tổng hợp)
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CAC BÀI VỀ ĐỨC MẸ - TS DUYỆT

  • Mon, Aug 22 at 6:55 PM
     
     

    NỮ VƯƠNG CAO SANG

    Trần Mỹ Duyệt

    Mẹ đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác, và được tôn vinh Nữ Vương trời đất. Công Đồng Vaticanô II, sau khi nhắc lại việc Đức Trinh Nữ Maria “cả xác lẫn hồn vào vinh quang thiên quốc”, đã giải thích rằng “Mẹ được Chúa tôn làm Nữ Vương trên tất cả mọi sự, để Mẹ có thể hoàn toàn nên giống hơn Con Mẹ là Chúa các chúa (x Rev 19:16) và là Đấng chiến thắng tội lỗi cùng sự chết” (Lumen Gentium, 59).

    Tước hiệu Nữ Vương của Đức Maria bắt đầu từ thế kỷ thứ năm, hầu như trong cùng một giai đoạn Công Đồng Êphêsô. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong bài giáo lý về Thánh Mẫu đã dạy rằng: “Sau khi công bố Mẹ là “Mẹ Thiên Chúa”, tước hiệu Nữ Vương cũng đã được bắt đầu được gán cho Mẹ, vì các tín hữu muốn đặt Mẹ lên trên tất cả mọi thụ tạo, vinh thăng vai trò và tầm quan trọng của Mẹ nơi đời sống của hết mọi người cũng như của cả thế giới.” [1]

     “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành.” Không phải chờ đến ngày Mẹ về trời, vai trò “nữ vương” của Mẹ mới được biết đến và ca tụng. Ngay khi còn sống trên mặt đất này, trái tim của người mẹ đã thúc đẩy Mẹ thực hiện những gì thuộc về bản năng và quyền hạn của một người Mẹ. Trong Thánh Kinh, khi ghi lại biến cố tiệc cưới Cana, thánh Gioan đã diễn tả hình ảnh ấy và cho thấy Đức Maria đã can thiệp một phép lạ, theo Chúa Giêsu, giờ làm việc ấy chưa tới. Thánh Gioan ghi lại mẩu đối đáp giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria:

    -Họ hết rượu rồi! (Gioan 2:3)

    -Chuyện đó có can gì đến bà và tôi. Giờ tôi chưa đến. (Gioan 2:4)

    Nhưng câu truyện không dừng lại ở đó, vì Mẹ đã biết mình phải làm gì, và Chúa Giêsu cũng biết mẹ mình muốn gì, còn Ngài thì phải làm gì. Bởi đó, Mẹ vẫn nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Gioan 2: 5) Thử hỏi nếu không phải là người có quyền, có mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết và thiêng liêng như Mẹ Maria và Chúa Giêsu, ai dám mạnh dạn nói những lời như thế? Dĩ nhiên, trong trường hợp ấy, khía cạnh khiêm nhường, tin tưởng đối với quyết định của Chúa Giêsu, cũng như tình thương mà Đức Maria đối với đôi tân hôn là những điểm được nhấn mạnh, và đề cao.

    Tân Ước đã diễn tả hình ảnh nữ vương của Mẹ khi can thiệp trong tiệc cưới Cana cho một người, hay một số người. Nhưng trong Cựu Ước, hình ảnh nữ vương của Mẹ đã xuất hiện như người che chở và cứu tinh cả nhân loại tội tình qua hình ảnh của hoàng hậu Esther. Trước câu hỏi của hoàn đế Ashasuerus: “Hoàng Hậu Esther, ái khanh muốn gì? Trẫm sẽ ban cho. Ái khanh xin gì? Dù một nửa nước, trẫm cũng sẽ cho.” (Esther 7:2) Lúc đó vì nghĩ đến dân nước mình sắp sửa bị tru diệt, bị bán làm nô lệ, Hoàng Hậu Esther đã quên không nghĩ đến mình nên đã thưa: “Nếu thần thiếp đẹp lòng hoàng thượng, và nếu hoàng thượng vui lòng, xin cho thiếp được sống. Xin cho dân thiếp được sống. Vì thiếp và dân tộc của thiếp đã bị đem bán để bị tiêu diệt, bị giết và sát hại.” (Esther 7:3-4) 

    Hoàng Hậu Esther đó chính là hình ảnh của Nữ Vương Maria trước mặt Thiên Chúa. Dân tộc Israel lúc bấy giờ là nhân loại sau này được trao vào quyền nữ vương của Mẹ. Haman là Satan và bè lũ của hắn. Khi nhìn thấy nhân loại, thần dân của mình bị Satan dụ dỗ, bị đưa vào con đường trầm luân, hư mất, cũng như Esther trước mặt hoàng đế Ashasuerus, Nữ Vương Maria đã cầu xin cho từng người, và chung cho toàn thể con cái của mình.

    Chúng ta biết điều này là Mẹ đã lưu lại cõi đời này một thời gian dài để cảm nhận, để thấu hiểu và để chia sẻ với những nỗi thống khổ tân toan của đoàn con nơi dương thế. Và khi về tới Thiên Đình, Mẹ sẽ trình lên Thiên Chúa tất cả những điều ấy như Hoàng Hậu Esther đã thưa với hoàng đế Ashasuerus về những bất hạnh của dân bà.

    Thánh Germanus I thành Contantinôpôli viết về sức mạnh lời cầu của Đức Maria: “Chúa Kitô muốn “có một kết nối giữa môi miệng của Mẹ với lòng trí của Mẹ; bởi thế Người đồng ý với tất cả mọi ước muốn Mẹ bày tỏ cùng Người, khi Mẹ chịu đựng vì con cái của Mẹ, Người làm tất cả mọi sự Mẹ kêu xin Người bằng quyền năng thần linh của Người” (Hom. 1 PG 98, 348).  [2]

    Trên nơi cao xanh kia và trong vai trò Nữ Vương. hẳn là lòng Mẹ không thể không bồi hồi, xúc động mỗi khi nghe con cái mình kêu lên: “Chúng con, con cháu Evà ở chốn khách đày kêu đến cùng Mẹ.” Nơi đây chúng con đang bị móng vuốt Satan cấu xé, mưu ma chước quỉ của nó làm hại. Do đó, những lần hiện ra đó đây như Fatima, Lộ Đức, và La Vang… chính là để Mẹ an ủi, vỗ về, nâng đỡ đoàn con. Như lời Mẹ nhắn nhủ: “Mẹ đang ở đây. Mẹ có mặt đây. Chúng con hãy an lòng.”   

    Trích lại Trọng Sắc Ineffabilis Deus của Đức Piô IX, Đức Piô XII nhấn mạnh đến chiều kích làm mẹ nơi vai trò nữ vương của Đức Trinh Nữ: “Cảm thương chúng ta với lòng từ mẫu và quan tâm đến phần rỗi của chúng ta, Mẹ vươn vòng tay săn sóc của Mẹ ra ôm ấp tất cả loài người. Được Chúa cắt đặt làm Nữ Vương trời đất, được nâng lên trên tất cả mọi ca đoàn thiên thần cũng như tất cả mọi hàng ngũ các thánh trên trời, ngự bên hữu Người Con duy nhất của mình là Chúa Giêsu Kitô, Mẹ chắc chắn chiếm được những gì Mẹ muốn dùng lời nguyện cầu từ mẫu của Mẹ mà kêu xin; Mẹ chiếm được những gì Mẹ tìm kiếm và không bị khước từ” (xem AAS 46 [1954] 636-637). [3]

    Khi màn đêm buông xuống, trong thinh lặng và nguyện cầu trước ảnh Mẹ khi kế thúc một ngày lưu đày nơi dương thế. Với tấm lòng người con tin tưởng, phó thác, chúng ta hãy vững lòng cầu xin cùng nữ vương và cũng là người Mẹ nhân lành: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời. Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Và khi qua khỏi đời này, xin cho chúng con được thấy Chúa Giêsu quả phúc của lòng Mẹ. Ôi khoan thay! Ôi nhân thay! Ôi êm thay! Thánh Maria, trọn đời đồng trinh.”

     _________

    [1], [2], [3]. Giáo Lý Thánh Mẫu: Kitô Hữu Nhìn Lên Nữ Vương Maria. Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ ngày 30/7/1997.