3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM MINH ANH

  •  
    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA
    - LM MINH ANH
     
     
    Thứ Hai, Tuần XII Thường Niên, Năm  Chẵn  -  2 V 17, 5-8. 13-15a. 18  -   Mt 7, 1-5
     

    CUỘC SỐNG CHỈ LÀ MỘT CƠ HỘI NGẮN NGỦI

    Sao CON thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt mình!”.

    Nói đến sự điên rồ khi phán xét người khác, H. A. Ironside kể về một sự cố trong đời của một người có tên là Potter. “Ông ấy đi Âu châu trên một con tàu lớn; vào khoang của mình, ông còn thấy một người khác ở đó. Sau một hồi, ông tìm nhân viên, nhờ giữ hộ chiếc đồng hồ vàng và các vật giá trị khác trong két an toàn. Ông giải thích, “Nhìn ngoại hình người kia, tôi e rằng, anh ta không phải là người tốt”. Nhân viên nói, “Không sao đâu, thưa Đức Cha, tôi rất vui khi được chăm sóc chúng cho ngài. Người kia cũng vừa đến đây, gửi một số đồ, vì lý do tương tự!”.

    Kính thưa Anh Chị em,

    Câu chuyện xót xa trên và Lời Chúa hôm nay tiết lộ một sự thật, đó là xu hướng nhìn thấy những lỗi lầm ở người khác mà bản thân chúng ta có thể mắc phải; đang khi ‘cuộc sống chỉ là một cơ hội ngắn ngủi’ để trưởng thành trong sự thánh thiện, và giúp người khác sống thánh thiện! Chúa Giêsu nói, “Sao con thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt mình!”.

    Đánh giá người khác đôi khi là trò tiêu khiển yêu thích của loài người! Thật dễ dàng để nhận ra lỗi lầm của người khác; điều đó có thể làm cho một người cảm thấy vượt trội! Tuy nhiên, tập trung vào lỗi lầm của người khác thường có thể khiến chúng ta mất tập trung khỏi những sai lỗi của mình. Tôi thường phàn nàn về điều gì và có thể phạm cùng một lỗi nào đó như người khác?

    Chúa Giêsu không ngăn cản chúng ta tìm cách giúp người khác. Thực ra, việc sửa dạy là một hình thức bác ái, nếu, một chữ “nếu” rất lớn, được thực hiện một cách thánh thiện! Thật vậy, hướng dẫn những người không hiểu biết là một công việc thiêng liêng của lòng thương xót! Thật không may, vì lý do ‘trịch thượng’, chúng ta thường ‘lạnh lùng’ giữ im lặng và những người khác vẫn chìm trong tội lỗi. Chúa Giêsu không khuyến khích chúng ta thờ ơ khi đối mặt với lỗi lầm của người thân. Đối lập của tình yêu không phải là hận thù, mà là sự thờ ơ! Tôi có ngại hướng dẫn những người Chúa giao phó cho tôi, nhất là những người vốn sẽ ngạc nhiên khi lần đầu tiên trong đời có một ai đó nói cho họ sự thật về một ‘văn hoá xấu’ nào đó? Hay tôi cố im lặng để ‘giữ hoà khí’ để rồi, mặc cho người thân sống trong u minh với các tính hư nết xấu vốn đã hình thành một ‘nếp nhân cách?’. Đừng quên, ngày Phán Xét, mỗi người sẽ phải trả lẽ trước Chúa về tội thờ ơ; cuộc sống ngắn ngủi còn là cơ hội để giúp người khác sống thánh thiện!

    Bài đọc Các Vua hôm nay cho thấy một sự trùng hợp thú vị, khi Thiên Chúa cũng trải nghiệm điều đó như chúng ta. Israel chạy theo tà thần, và Chúa đã cho họ các cơ hội, “Ngài dùng các tiên tri, các vị tiên kiến mà khuyến cáo Israel và Giuđa, ‘Các ngươi hãy cải tà quy chính!’. Nhưng họ không nghe; cứ cứng đầu cứng cổ như cha ông”. Và “Chúa đã nổi cơn thịnh nộ với Israel, đuổi họ khuất nhan thánh; chỉ còn lại chi tộc Giuđa”. Trong cơn cùng khốn, Israel thưa lên, “Lạy Chúa, xin ra tay cứu độ và đáp lời chúng con!”; đó cũng là tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.

    Anh Chị em,

    “Sao con thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt mình!”. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta để nên thánh; những gì chúng ta làm hôm nay quyết định phần thưởng hoặc hình phạt vĩnh viễn mai ngày. Đó là lý do tại sao chúng ta phải đề phòng việc ngày càng quen lờn với lỗi lầm bản thân, đang khi lại khắt khe với anh chị em mình. Chúa không muốn chúng ta trở nên tầm thường, Ngài muốn chúng ta đấu tranh chống lại những điểm yếu của mình; sau đó, cầu nguyện, hy sinh, để giúp người khác nhận ra điểm yếu của họ. Cầu nguyện, phải, đừng quên cầu nguyện! Cách tốt nhất để loại bỏ một thói quen xấu là hình thành một thói quen tốt, thói quen nghĩ tốt cho người khác; và cách tốt nhất để giúp người khác nên tốt không chỉ là khuyên bảo nhưng còn là hy sinh, cầu nguyện và làm gương! Bởi lẽ, ‘cuộc sống chỉ là một cơ hội ngắn ngủi’ để trưởng thành trong sự thánh thiện, và giúp người khác sống thánh thiện!

    Chúng ta có thể cầu nguyện,

    “Lạy Chúa, xin giúp con trung thực nhận ra lỗi lầm của mình; để nhờ ơn Chúa, con được biến đổi. Từ đó, con có thể giúp người khác bằng gương sáng và lời cầu nguyện của con!”, Amen.

    (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

    Kính chuyển:

    Hồng

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC- 5 PHUT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran
     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

     

    20.06.22  THỨ HAI TUẦN 12 TN

    TIN MỪNG Mt 7,1-5

    HÃY TỰ TRÁCH MÌNH!

     

     

     “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt mình lại không để ý tới?” (Mt 7,3)

    Suy niệm: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng” vốn là cái tật cố hữu của con người. Biết thế nên Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy bắt đầu từ việc “lấy xà” trong mắt mình trước khi “lấy rác” ra khỏi mắt anh chị em.

    Lý do là vì ai trong chúng ta cũng đều có tội, bất toàn. Đã bất toàn, ắt phán đoán của chúng ta sẽ thiếu sót, thiên lệch.

    Đã có tội, ắt nhận định của chúng ta sẽ không còn đủ trong suốt, chính đáng. Ấy là chưa kể những xét đoán của ta có khi lại là võ đoán, đầy ác ý.

    Quyền xét đoán hãy dành cho Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng Thánh Thiện, và giàu lòng tha thứ trước khi là Vị Thẩm phán chí công!

    Mời Bạn CHIA SẺ: Chúng ta đã biết và cũng đã thực hành ít nhiều việc “phê và tự phê”. Phê bình là cách giúp nhau thăng tiến. Nhưng đó không phải là chỉ trích, nói xấu để “hạ” nhau.

    Một cộng đoàn mà ai cũng chỉ lo “lấy rác trong mắt người anh em mà không thấy xà trong mắt mình”, chẳng những là không nên, mà còn chỉ tổ làm hư sự thôi.

    Sống Lời Chúa: Người thứ ba (thường là vắng mặt) trong câu chuyện thường ngày của bạn là kẻ hay bị “lấy rác” nhiều nhất. Hãy ngưng ngay việc “lấy rác người vắng mặt” đơn giản là vì điều đó là không khả thi mà chỉ chất thêm “rác” trong mắt bạn thôi.

    Cầu nguyện VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN: 

    Lạy Chúa, “nếu Chúa chấp tội nào có ai đứng vững được ư?” Thế mà chúng con thường coi mình vô tội để rồi tự làm quan tòa xét đoán kẻ khác! Nghĩ lại chúng con thấy mình vô duyên và ích kỷ quá. NHỜ CHÚA THÁNH THẦN THÚC ĐẨY, chúng con QUYẾT TÂM sống bác ái hơn, đặc biệt trong cách nói, cách nghĩ về người khác.

     

     

    gpmytho 

     

     

     



     

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LỄ MÌNH MÁU CHÚA

  •  
    SỐNG VÀ CHIA SẺ

    Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô- C

     

     

    Lời Chúa: St 14,18-20; 1Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17

    Ý NGHĨA CỦA BÁNH VÀ RƯỢU TRONG BÍ TÍCH THÁNH THỂ

    Rượu được làm từ đâu? Từ những quả nho riêng lẻ bị vắt ép và nước ép đỏ như máu sẽ lên men để trở nên thức uống nồng ấm làm hoan hỉ lòng người. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu đã chọn rượu để làm nên máu của Người. Trong tin mừng Thánh Gioan…

    Suy niệm

    Một bài báo đã đăng tin ngay trên trang nhất về vụ cháy rừng vừa mới xảy ra. Một câu chuyện đã gây nhiều xúc động cho người đọc: sau khi ngọn lửa đã được dập tắt, những người kiểm lâm rất vất vả và khi đã đi vào rừng để ước lượng mức độ thiệt hại của vụ cháy rừng.

    Một người kiểm lâm trẻ tuổi nhất bất chợt phát hiện một con chim đã chết vẫn đứng im lìm như bức tượng gỗ trên một cành cây cao đang cháy dở trước mặt anh. Một chút sợ hãi chen lẫn chút tò mò, anh lấy một cành cây nhỏ, chọc vào xác con chim đã chết. Lúc anh đang chọc nhẹ vào con chim đã chết cháy như vậy, bất thình lình, anh hốt hoảng khi thấy  một chú chim con nhỏ bé từ dưới cánh con chim chết cháy bay vụt ra… những người đi trong đoàn kiểm lâm ai nấy đều sửng sốt.

    Người kiểm lâm cao tuổi nhất trong nhóm, có mái tóc bạc phơ nói rằng, suốt mấy chục năm làm mghề gác rừng, ông chưa từng thấy có chuyện lạ như vậy. Hóa ra, trong lúc ngọn lửa ma quái thiêu đốt cánh rừng, vì yêu con, chim mẹ đã dang rộng đôi cánh để che chở cho con mình. Lúc đám cháy chưa lan tới, chim mẹ đã có thể bay đi thật nhanh để tìm một nơi an toàn cho riêng mình, nhưng chim mẹ đã không bay đi, vì biết con mình còn rất yếu ớt, bé bỏng, không thể bay kịp theo mình.

    Chim mẹ không muốn bỏ mặc con mình ở lại với mối nguy hiểm đang chờ đợi nó. Khi ngọn lửa hung hãn đã bùng lên dữ dội và khi sức nóng của ngọn lửa sắp thiêu cháy mình, chim mẹ vẫn không hề nao núng, dao động. Chim mẹ sẵn sàng đón nhận cái chết để lấy đôi cánh chở che cho con mình được sống.

    Có lẽ chim mẹ biết chắc một điều rằng, với tình yêu và đôi cánh chở che của mình, con mình sẽ sống. Ôi! Tình yêu có một sức mạnh lớn lao và kỳ diệu, nên một vĩ nhân nào đó đã nói: “tình yêu mạnh hơn sự chết”.

    Kính thưa anh chị em,

    Sự hy sinh quả cảm của chim mẹ khiến chúng ta liên tưởng đến tình yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta trong ngày lễ Mình Máu Chúa Kitô.

    “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, nghĩa là các con hãy cử hành bí tích Thánh Thể để nhớ đến tình yêu của Chúa Giêsu.

    Chúng ta đã đáp trả như thế nào?

    Chúng ta đã sống mầu nhiệm Thánh Thể ra sao?

    Chúng ta đã đưa mầu nhiệm Thánh Thể và cuộc sống như thế nào?

    Và chúng ta đã đón nhận mầu nhiệm Thánh Thể mỗi khi chúng ta Rước Lễ?

    Ngay trong mỗi Thánh Lễ, trước khi dự Tiệc Thánh, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn thật sốt sáng để dâng của lễ Bánh và Rượu. Chúng ta hoà quyện đời sống của chúng ta vào Bánh và Rượu dâng trên bàn thờ. Bánh và Rượu mang rất nhiều ý nghĩa, cả trong cuộc sống lẫn trong bí tích Thánh Thể. Khó có gì diễn tả về cuộc sống một cách tuyệt vời cho bằng hương vị chiếc bánh mới. Mùi thơm từ chiếc bánh mới chính là hương vị cuộc sống.

    Nhưng bánh được làm từ đâu? Từ lúa mì, từ những hạt riêng lẻ. Những hạt lúa mì phải bị nghiền nát để trở thành bột mì, sau đó phải chịu đựng sức nóng của lửa để trở thành hương vị cuộc sống chúng ta như thánh Augustinô đã nói trong một bài giảng: “đúng là chiếc bánh này không phải làm từ chỉ một hạt lúa mì, nhưng từ nhiều hạt lúa mì riêng lẻ.

    Trước khi hoà trộn vào nhau bằng nước, chúng được nghiền nát. Nếu chúng không được nghiền nát, sau đó không được tưới ẩm thì chúng không thành chiếc bánh để chúng ta hưởng dùng. Và nếu không có lửa thì chúng cũng không thành chiếc bánh để chúng ta ăn. Bánh phải được nướng trong lò với một sức nóng dữ dội. Lúc đó bánh nói lên được niềm vui và cả niềm đau đớn khôn tả.

    Rượu cũng mang một ý nghĩa như vậy: vừa là thức uống dành cho các bữa tiệc, vừa nói lên tình bằng hữu, cộng đoàn, niềm vui và chiến thắng. Tuy nhiên, tương tự như bánh,

    Rượu được làm từ đâu? Từ những quả nho riêng lẻ bị vắt ép và nước ép đỏ như máu sẽ lên men để trở nên thức uống nồng ấm làm hoan hỉ lòng người. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu đã chọn rượu để làm nên máu của Người. Trong tin mừng Thánh Gioan, nước biến thành rượu, rượu trở thành máu, máu và nước đều chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu. Đó cũng là điều đã diễn ra nơi bàn tiệc Thánh Thể và trong cuộc sống chúng ta.

    Nhiệm vụ chúng ta là giữ Bánh và Rượu trong tay, nơi bàn tiệc Thánh Thể để chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa. Bởi vì chính Bánh và Rượu đó sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu. Đó chính là của lễ Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha. Một của lễ nói lên một tình yêu sâu thẳm. Một của lễ nói lên sự hy sinh cao cả để cứu chuộc và nuôi sống chúng ta. Điều chúng ta phải làm là hòa quyện con người của chúng ta. Hòa quyện đời sống của chúng ta vào Bánh và Rượu dâng trên bàn thờ, để trở thành của lể dâng lên Thiên Chúa Cha.

    Quả thật, tấm bánh mà hàng ngày chúng ta dâng trên bàn thờ và sau đó rước vào lòng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa: đó là thành quả của biết bao công lao: của đất, của ánh mặt trời, của những giọt mưa, của lao động và trí óc con người. Trước khi đến tay chúng ta, nó cũng đã qua tay người thợ gặt, thợ xay và người làm bánh. Để trở thành một tấm bánh dâng lên Chúa, tấm bánh đã qua rất nhiều công đoạn và tấm bánh cũng được kết hợp bởi rất nhiều hạt lúa rải rác trên khắp cánh đồng của cả một cộng đoàn đông đảo, nói lên một điều quan trọng khi linh mục đọc:

    “Lạy Chúa là Chúa Cả Càn Khôn, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con”, ấy thế mà, như lời tâm sự của một lương dân: một lời nguyện ý nghĩa như thế mà rất ít giáo dân được biết đến, thay vào đó là những bài hát không chuyển tải được ý nghĩa quan trọng của phần dâng lễ vật này. Một lưu ý để chúng ta đi vào đời sống Phụng Vụ một cách sống động hơn và nhờ đó, chúng ta đón nhận Mình và Máu Chúa Kitô một cách tích cực hơn. Amen.

    Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
     
    Kính chuyển:
    Hồng
     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
     


     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    19.06.22  CHÚA NHẬT TUẦN 12 TN – C

     Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô

    TIN MỪNG LUCA 9,11b-17

    CỘNG TÁC VIÊN CỦA PHÉP LẠ

     

     

     Đức Giê-su bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá.” (Lc 9,13)

    Suy niệm/SỐNG: Khi kể lại phép lạ bánh hóa nhiều lần thứ nhất này, các thánh sử đã cho thấy có những người thông phần vào công việc lạ lùng của Chúa.

    Thấy đám đông có nguy cơ phải đói, các môn đệ xin Thầy giải tán đám đông để “họ vào các làng mạc tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn” vì các ông biết khả năng giới hạn của mình: chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá.

    Thế nhưng Chúa lại bảo: “Chính anh em hãy lo cho họ ăn.” Vâng lời Chúa, các ông tổ chức đám đông thành nhóm năm mươi người một và cộng tác với Ngài phân phát cho dân lương thực được Chúa làm phép lạ hoá nên nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá ít oi đó.

    Mời Bạn CHIA SẺ: Khi làm phép lạ, Chúa không làm theo lối ‘bao thầu trọn gói’ nhưng Ngài muốn con người cộng tác với Ngài tùy lượng ơn Chúa ban cho.

    Trong nhiều trường hợp, đức tin, sự quảng đại, lời cầu nguyện tha thiết, khiêm tốn của người đến xin là điều kiện để phép lạ xảy ra.

    Phép lạ là điểm hội tụ của những tấm lòng vàng: tấm lòng đầy từ bi nhân hậu của Chúa và tấm lòng của những ai thành tâm tin tưởng chạy đến kêu xin Chúa ra tay cứu giúp.

    Sống Lời Chúa: Tôi có thể xây dựng một “Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ” bằng những lời cầu nguyện, hy sinh nhỏ bé của tôi.

    Cầu nguyện VÀ SỐNG CẦU NGUYỆN: 

    Lạy Chúa Giê-su, khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa không đi một mình, nhưng luôn có các môn đệ ở bên, cùng tham gia vào sứ vụ của Chúa. NHỜ ƠN THÁNH THẦN DẪN DẮT CON QUYẾT TÂM cùng đi THEO CHÚA trên muôn nẻo đường đời và cho con biết dọn đường khai lối để Chúa đến với các tâm hồn đang khao khát tình yêu Chúa.

     

     

     gpmytho

     

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - 5 PHUT LỜI CHÚA

  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
     


     
    5 PHÚT LỜI CHÚA

    18.06.22  THỨ BẢY TUẦN 11 TN

    TIN MỪNG Mt 6,24-34

    PHẢI LO GÌ?

     

     

     “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33)

    Suy niệm/SỐNG: “Những thứ kia” mà Chúa Giê-su muốn nói đến là cơm ăn, áo mặc, là những nhu yếu phẩm mà con người sống phải có. Nhưng còn một thứ quan trọng hơn mà nếu thiếu thì “những thứ kia” dù có cũng chẳng tích sự gì, đó là chính mạng sống mỗi người.

    Nếu có được “những thứ kia”, hay nếu được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26).

    Giống như một chiếc tàu chuẩn bị ra khơi, nếu chỉ lo sơn phết thật đẹp, lắp đặt các tiện nghi thật thoải mái mà phao cứu sinh, ca-nô cứu nạn không có… thì mọi sự chuẩn bị kia lại chẳng vô ích lắm hay sao?

    Vì vậy, theo thứ tự ưu tiên, điều quan trọng nhất là Nước Thiên Chúa, hãy lo tìm kiếm trước “còn những thứ kia, Người sẽ ban cho”. 

    Và Thiên Chúa cũng theo thứ tự ưu tiên đó: chim trời, Ngài còn cho chúng cái ăn, chẳng lẽ chúng ta lại không quí hơn chim sẻ sao?

    Mời Bạn CHIA SẺ: Thiên Chúa là Cha, và Ngài thừa biết chúng ta cần “những thứ kia”; nhưng Ngài cũng biết mạng sống chúng ta còn quan trọng hơn, nên Ngài dám hy sinh Con Một yêu dấu để cứu chúng ta. Tiếc rằng, nhiều người chỉ lo tìm kiếm “những thứ kia” mà thờ ơ với Nước Thiên Chúa!

    * Trong việc Phúc Âm hoá gia đình, điều quan trọng nhất mà bạn định thực hiện là gì?

    Sống Lời Chúa: Dành thời gian để đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết “mạng sống trọng hơn của ăn, và thân thể trọng hơn áo mặc” để con chỉ biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài.

     

     

     gpmytho

     

     

     

     

Subcategories