SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN NĂM C (12/6/2022)
LỄ CHÚA BA NGÔI
GIÁO HỘI LÀ MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG
[Cn 8,22-31; Rm 5, 1-5; Ga 16, 11-15]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Nhiều người - trong đó có không ít người công giáo lầm tưởng là Giáo Hội công giáo được xây dựng phỏng theo mô hình nền quân chủ của các quốc gia đòn nhận Tin Mừng Kitô, Thật ra không phải thế! Giáo Hội công giáo được xây dựng phỏng theo mô hình và trên nền tảng Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và yêu thương. Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần khác biệt nhau nhưng ba ngôi chỉ là một Thiên Chúa duy nhất, có cùng một bản tính thần linh duy nhất. Vì thế mà điểm nổi bật của Giáo hội là hiệp hành, hiệp hành giữa các tín hữu với Thiên Chúa Ba Ngôi và giữa các tín hữu với nhau.
Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi là dịp để mỗi Ki-tô hữu cũng như mỗi cộng đoàn (giáo xứ/dòng tu/hội đoàn/giáo phận) kiểm điểm xem mình đã sống và thể hiện mầu nhiệm hiệp hành như thế nào.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Cn 8, 22-31): "Khi địa cầu chưa sinh nở, sự khôn ngoan đã được sinh thành" Đây sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa phán: "Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc Người đã làm rất xa xưa. Ta đã được thiết lập tự thuở đời đời, ngay tự đầu tiên, khi địa cầu chưa sinh nở. Ta đã được sinh thành khi chưa có vực sâu, khi chưa từng có những dòng suối nước. Trước khi Chúa củng cố những ngọn núi cao, trước khi có những quả đồi, ta đã sinh ra rồi. Khi Người chưa tạo tác địa cầu, đồng ruộng, cũng chưa tạo nên hạt bụi đầu tiên của cõi trần ai. Khi Người xếp đặt muôn cõi trời, có ta ở đó, khi Người vạch ra vòng đai trên mặt vực sâu, khi Người định chỗ cho mây trời trên cõi cao xa, và những suối nước tự vực sâu vọt lên mạnh mẽ, khi Người đặt cương giới cho biển cả để nước đừng có vượt quá cõi bờ, khi Người đặt nền tảng cho trái đất, bấy giờ ta làm việc ở sát bên Người. Và mọi ngày ta làm cho Người sung sướng, luôn luôn nhàn du ở trước nhan Người. Ta nhàn du trên quả địa cầu, và gặp thấy hạnh phúc ở giữa con cái loài người".
2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Rm 5,1-5): "Thánh Thần ban cho chúng ta lòng mến Chúa" Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được bình an trong Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng cho chúng ta dùng đức tin mà tiến đến ân sủng, và đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong gian nan, khi biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông. Nhưng cậy trông không đưa đến thất vọng, vì lòng mến Chúa được Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta, đổ xuống lòng chúng ta.
2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Ga 16,11-15): "Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy; Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con" Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Cn 8, 22-31) là đoạn Sách Châm Ngôn nói về Đức Khôn Ngoan ở nơi Thiên Chúa. Thật ra không chỉ là một nhân đức, một phẩm chất hay một cung cách nhưng là một cách biểu hiện, một ngôi vị, Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần.
Trong đoạn sách Cn 8, 22-31 trên, trước hết chúng ta thấy Chúa Thánh Thần đã có mặt bên Thiên Chúa trước ngày trời đất được tạo dựng và với tư cách là thợ cả, tức là người thực hiện những ý định (tạo dựng và cứu độ) của Thiên Chúa. Kế đến, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần gần gũi gắn bó với Thiên Chúa như hình với bóng. Và sau cùng chúng ta biết Chúa Thánh Thần là niềm vui của cả Thiên Chúa lẫn của loài người.
3.1.2 Bài đọc 2 (Rm 5,1-5) là những lời của Thánh Phao-lô nói về những ơn huệ đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho những kẻ tin: trước hết là ơn bình an; kế đến là ơn đến được với Thiên Chúa tức tiếp cận được Thiên Chúa; và sau cùng là ơn vững lòng trông cậy, cả trong lúc bình thường lẫn trong cảnh gian truân và nhất là trong cảnh gian truân thử thách.
Trong đoạn Thư Rm 5,1-5 trên, chúng ta thấy hình ảnh của Thiên Chúa Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần là một Thiên Chúa duy nhất và ban mọi ơn cần thiết cho chúng ta.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Ga 16,11-15) là những lời căn dặn của Chúa Giê-su nói với các môn đệ, về vai trò và công việc của Chúa Thánh Thần: Người tiếp nối và hoàn thành công việc mà Chúa Giê-su đã khởi sự: mạc khải sự thật của Thiên Chúa và giúp các môn đệ hiểu và sống theo giáo huấn chân thật của Chúa Giê-su Ki-tô.
Trong bài Phúc Âm Ga 16,11-15 chúng ta thấy mối hiệp thông sâu sắc giữa Chúa Cha, Chúa Con (Chúa Giê-su Ki-tô) và Chúa Thánh Thần. Mọi ‘tài sản’ đều là của chung. Mọi hành động đều cùng thực hiện và quy về nhau. Vì thế giáo lý Hội Thánh mới dậy chúng ta về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được tìm thấy trong lời này của chính Chúa Giê-su trong Phúc Âm Gio-an:
“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy.”
Và “Chúa Thánh Thần lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.”
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần là Đấng vì yêu thương đã sang tạo vũ trụ vạn vật và cứu độ nhân loại. Hơn nữa Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần còn đến sống với con người.
4.2 Thực thi sứ điệp của Lời Chúa
Xin được đề nghị hai điều sau đây:
- Một là sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần:
(a) Với Chúa Cha, chúng ta sống như một người con hiếu thảo: sống gắn bó, tùng phục và yêu mến.
(b) Với Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta sống như một người em ruột thịt và một môn đệ tín trung: sống mật thiết và đi theo con đường của Thầy.
(c) Với Chúa Thánh Thần, chúng ta sống như một người bạn chí cốt và như một đền thờ sống động của Thiên Chúa: sống gần gũi và công chính.
- Hai là thể hiện đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi ra bên ngoài:
(a) Tìm mọi cách thể hiện Tình Huynh Đệ với mọi người vì tất cả đều thuộc gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi, đều là anh chị em, là chi thể của nhau, liên đới chặt chẽ với nhau.
(b) Nỗ lực hết sức mình để thể hiện Tình Hiệp Thông và Chiều Kích Cộng Đoàn với hết mọi người, không phân biệt mầu da, chủng tộc, thành phần xã hội; vì bản chất thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi là Hiệp Thông và Cộng Đoàn và kế hoạch đời đời của Thiên Chúa Ba Ngôi là qui tụ hết mọi người, mọi dân tộc thành một đại gia đình là Vương Quốc Tình Thương và Đại Đồng!
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc Người đã làm rất xa xưa» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân tộc trên thế giới, để họ mau chóng nhận ra Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng Vũ Trụ Vạn Vật và loài người.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Hội Thánh Công Giáo toàn cầu và cách riêng cho Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam để mọi thành phần Dân Chúa, từ Đức Giáo Hoàng cho đến người giáo dân, biết sống và thể hiện Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Thầy còn nhiều điều phải nói với các con. Nhưng bây giờ, các con không thể lĩnh hội đượci. Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dậy các con biết tất cả sự thật» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những ai sống hờ hững với đời sống đức tin, để mọi người quan tâm đến việc học hỏi Giáo Lý, Thánh Kinh để hiểu biết và sống thân mật hơn với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong gian nan, khi biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người đang sống trong cảnh gian truân thử thách và bị bách hại vì đức tin, để họ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần nâng đỡ, ủi an!
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigon ngày 8 tháng 6 năm 2022
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.