5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh

5 Phút cho Lời Chúa ngày 12/01 – 18/01/25

12/01/25                                                                                

Chúa nhật Chúa Giê-su chịu phép rửa – c

Lc 3,15-16.21-22

 

liên đới và đồng hành

Đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người. (Lc 3,21)

Suy niệmHành vi đầu tiên của Đức Giê-su ngay lúc chào đời là đồng hành với các người di dân và vô gia cư, khi sinh ra trong hang bò lừa, máng cỏ. Việc làm đầu tiên của Ngài khi xuất hiện công khai là đồng hành với các tội nhân sám hối bên giòng sông Gio-đan. Hành vi cuối cùng của Ngài khi chịu chết là đồng hóa với các tử tội trên thập giá. Trọn cuộc đời của Con Thiên Chúa làm người ấy luôn là đồng hành, liên đới với những người nghèo dễ bị tổn thương, bé mọn, tội lỗi, thất bại trong nhân loại. Muốn đồng hành, Ngài phải hạ mình xuống ngang hàng với họ; để liên đới, Ngài phải chia sẻ nỗi đau của họ. Khi hạ mình cúi xuống với con người, Ngài nâng họ lên, đưa họ vào hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Mời Bạn: Nhờ lòng thương xót cụ thể qua cung cách đồng hành và liên đới ấy của Con Thiên Chúa, bạn được nâng lên hàng con cái Chúa, là công dân của Nước Trời, bạn hữu của Đức Ki-tô. Bạn được mời gọi từ bỏ ích kỷ, bớt sống cho mình, để đồng hành liên đới với những người bất hạnh trong xã hội hôm nay.

Sống Lời Chúa: Tôi bày tỏ tình liên đới bằng cách tích cực tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ, các công tác tông đồ của hội đoàn hay các công việc thiện nguyện xã hội.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn… Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá nhiều điều không cần giữ. Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

(Rabbouni)

 

13/01/25 Thứ hai tuần 1 tn

Th. Hi-la-ri-ô, giám mục, tiến sĩ HT

Mc 1,14-20

 

sám hối: ‘đặc sản’ ki-tô hữu

“Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15)

Suy niệm: Trong dịp hành hương Fatima năm 2010, ĐGH Bê-nê-đi-tô XVI kêu gọi mọi tín hữu phải sám hối, vì “sự bách hại ác liệt nhất đối với Giáo Hội không đến từ kẻ thù bên ngoài, mà xuất phát từ tội lỗi ngay trong lòng Giáo Hội, vì thế Giáo Hội cần khẩn thiết học lại bài học sám hối, cần chấp nhận thanh luyện.” Như vậy, sám hối trở thành “đặc sản” của Ki-tô hữu, bởi mọi Ki-tô hữu phải từ bỏ tội lỗi, hướng lòng về với Chúa và uốn nắn đời sống của mình theo Tin Mừng. Sám hối trở thành việc thường xuyên trong đời Ki-tô hữu và là cách tiếp nhận quyền năng của lòng Chúa thương xót. Không như một số người lầm tưởng Chúa thương xót là Chúa cảm thông sự yếu đuối của chúng ta nhưng bất lực cứu độ; trái lại, lòng Chúa thương xót có quyền năng tha thứ và cho chúng ta một cơ hội mới sống lại tình thân với Chúa. Một lời tổng nguyện cổ xưa đã khẳng định quyền năng này của Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa là Đấng cao cả vô song, Chúa đã mạc khải về quyền năng của Chúa trước hết là trong lòng thương xót và sự khoan dung.”

Mời Bạn: Có người viết rằng, xấu hổ chẳng khác gì con sư tử thu mình để phóng tới, thì đối với Ki-tô hữu, sám hối là cách thức đón nhận quyền năng tha thứ và phục hồi từ Thiên Chúa để trở nên người mới đó bạn!

Sống Lời Chúa: Dành vài phút cuối ngày để gặp gỡ Chúa, xét mình và thực hành sám hối.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thương xót tội nhân và sẵn lòng tha thứ để cứu độ họ. Xin đừng để con hư mất vì thiếu lòng ăn năn sám hối.

 

14/01/25 Thứ ba tuần 1 tn

Mc 1,21-28

 

như đấng có uy quyền

Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư. (Mc 1,22)

Suy niệm: Các kinh sư là những người thông thạo lề luật; họ giải thích để người ta hiểu và giữ luật cho chính xác. Họ có thể trích dẫn các khoản luật hay cách diễn giải luật của các bậc thầy chứ không dám đưa ra phán đoán cá nhân của mình. Trong khi đó, khi giảng dạy, Chúa Giê-su trình bày giáo huấn riêng của Ngài. Ngài hành xử như Đấng có quyền trên cả lề luật khi đề ra những gì phải làm, phải tránh cách rành mạch và triệt để. Quả thật, Đức Giê-su luôn ý thức về uy quyền của Ngài khi giảng dạy, không bao giờ mập mờ hay tỏ ra thỏa hiệp khoan nhượng trong các giáo huấn của mình. Ngài xưng mình là “đuờng, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), là Đấng “đến không phải để hủy bỏ nhưng là để kiện toàn lề luật” (Mt 5,17).

Mời Bạn: Trước những cảnh báo về “lạm dụng quyền bính” trong Hội Thánh, chúng ta đuợc mời gọi để hiểu, thực thi và tuân thủ quyền bính hợp pháp trong Hội Thánh đúng  theo tinh thần Tin Mừng. Đối với Chúa Giê-su, quyền bính không phải là để thống trị nhưng là để phục vụ, để làm cho tình yêu đuợc bảo vệ và tăng trưởng. Quyền bính tồn tại để cho đàn chiên của Chúa đuợc “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Sống Lời Chúa: Tôi tôn trọng những vị thay quyền Chúa coi sóc đoàn chiên và sẵn sàng vâng phục với lòng yêu mến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Mục tử nhân lành. Xin cho vâng phục với tinh thần siêu nhiên những vị mục tử thay quyền Chúa chăm sóc đoàn chiên. Xin ban cho con ơn sức mạnh để con can đảm nói ‘không’ với những gì trái với giới răn Chúa; và nói ‘có’ với những gì làm đẹp lòng Chúa. Amen.

 

15/01/25 Thứ tư tuần 1 tn

Mc 1,29-39

 

điều cần thiết nhất

Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm Đức Giê-su. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy!” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” (Mc 1,36-38)

Suy niệm: Một ngày sống của Chúa Giê-su luôn tất bật: Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, đã có người kéo đi tìm Ngài; rồi khi chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta còn đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến với Ngài. Nhưng, giữa muôn vàn bận rộn ấy, Ngài vẫn giữ được nhịp sống và ưu tiên cho điều cần thiết nhất: Ngài “đi ra” nơi thanh vắng cầu nguyện với Chúa Cha và cũng “đi ra những nơi khác nữa” để tiếp tục rao giảng Lời Thiên Chúa ở đó. Đành rằng, những phép lạ luôn cần để đem niềm an ủi, và biểu dương là dấu chỉ của Triều Đại Đấng Thiên Sai (x. Is 35,5-7), nhưng cầu nguyện và rao giảng vẫn là việc cần thiết hơn cả, vì như lời Đức Giê-su khẳng định: “Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa” (Ga 14,12). Nhưng làm sao có thể tin, nếu không được nghe rao giảng (x. Rm 10,14)?

Bạn thân mến, Đức Giê-su đến thế gian cốt là để rao giảng, nhưng bao giờ Ngài cũng có thời gian cầu nguyện để lĩnh ý Chúa Cha. Chúng ta cũng được sai đi rao giảng, nhưng điều cần trước tiên là lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe cả trong lúc thinh lặng, đó là hai nhịp đập của trái tim tông đồ, là ưu tiên hàng đầu trong nhịp sống hằng ngày của bạn.

Sống Lời Chúa: Dành thời gian lắng nghe Lời Chúa trước khi dấn thân trong hoạt động bên ngoài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng tai nghe.

 

16/01/25 Thứ năm tuần 1 tn

Mc 1,40-45

 

chúa muốn, chúa có thể!

Có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi !” (Mc 1,40-41)

Suy niệm: Những người phong hủi không được phép giao tiếp với người chung quanh, và ngược lại, những người lành sạch cũng không được phép tiếp xúc với người phong hủi; điều đó không chỉ đơn thuần vì lý do vệ sinh mà còn vì luật buộc nữa. Vậy mà đã có một sự phá lệ: người phong hủi chủ động đến gặp Chúa để van xin: “Nếu Chúa muốn, Chúa có thể”; và Đức Giê-su cũng phá lệ “giơ tay, đụng vào anh” để chữa lành, vì Chúa muốn chứ sao lại không? Một bên quá tuyệt vọng, ‘cùi’ rồi, không còn gì để mất, liều đến với Chúa như chiếc phao cứu sinh cuối cùng. Một bên luôn giàu lòng trắc ẩn, nhất là đối với những người đang lâm cảnh tuyệt vọng như anh. Quả thật, ai đặt tất cả niềm tin tưởng nơi Chúa, sẽ không phải thất vọng bao giờ.

Mời Bạn: Bạn đã bao giờ khao khát Chúa một cách mãnh liệt như thế chưa nhỉ? Nếu bạn cảm nhận sâu xa nỗi bi đát trong thân phận tội lỗi của mình, mời bạn đến với Ngài trong bí tích hoà giải để Ngài đụng tới tâm hồn bạn và chữa cho bạn lành sạch. Hay phải chăng bạn vẫn còn quan niệm bí tích giải tội như một thứ toà án ‘xử’ tội bạn?

Sống Lời Chúa: Đừng để gần đến ngày lễ lớn mới đi ‘xưng tội’ nhưng mời bạn đến với bí tích giao hoà như điểm hẹn mỗi khi bạn khao khát được nối lại mối thâm tình với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tội lỗi của con làm con khắc khoải. Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn con để con sống trong tình thân với Chúa.

 

17/01/25 Thứ sáu tuần 1 tn

Th. An-tôn, viện phụ

Mc 2,1-12

 

tin-yêu đem đến hy vọng

Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2,5)

Suy niệm: Người bại liệt không thể làm được gì để tự cứu mình, đơn giản vì… anh ta bại liệt. Nhưng anh ta may mắn có bốn người bạn hết sức tận tình. Họ không bó tay thất vọng trước đám đông chen chúc khiến họ không thể đến gần Đức Giê-su. Tình bạn giúp họ nảy sinh sáng kiến độc đáo: Họ “dỡ mái nhà”  thả người bạn bại liệt của mình nằm trên chõng xuống trước mặt Chúa Giê-su. Xuyên qua tình yêu với sự nhiệt tình đó, Chúa “thấy lòng tin của họ”; và Ngài không chỉ chữa lành bệnh bại liệt mà còn tha thứ tội lỗi cho anh là căn nguyên mọi thứ bại liệt, cả về thể xác cũng như linh hồn.

Mời Bạn: Như người mẹ vì yêu con, luôn hy vọng con mình sẽ sửa đổi nên người tốt dù bây giờ anh ta tội lỗi hư hỏng, tình yêu tiếp thêm sức mạnh giúp người ta luôn hy vọng và không bao giờ thất vọng. Niềm hy vọng xuất phát từ tình yêu càng được củng cố và thêm hy vọng khi nó được đặt trên nền tảng đức tin vào quyền năng và lòng thương xót của Chúa, “nhờ công nghiệp Đức Giê-su Ki-tô”. Nhờ niềm tin-yêu-hy vọng ấy, các Ki-tô hữu, những người “lữ hành trên đường hy vọng”, có đủ sức vượt qua mọi khổ đau, bách hại và có thể an ủi nâng đỡ những ai đang đau khổ, khốn cùng.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm và thực hành lời thư thánh Phao-lô: “rao giảng Tin Mừng dù gặp thời thuận tiện hay không” (2Tm 4,2) và “làm việc thiện không sờn lòng nản chí” (x. 2Tx 3,13).

Cầu nguyện: Đọc kinh “Đức Cậy” hoặc đọc: Lạy Chúa, xin ban ơn giúp con sống trong ơn nghĩa Chúa đời này và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu đời saunhờ công nghiệp Đức Giê-su Ki-tô. Amen.

 

18/01/25 Thứ bảy tuần 1 tn

Tuần lễ cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất         

Mc 2,13-17

 

gần mực thì đen?

Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Chúa Giê-su ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế thì nói với các môn đệ Người: “Sao! ông này ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” (Mc 2,16)

Suy niệm: Cha ông chúng ta đã chẳng nói rằng ‘Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’ đó sao? Thái độ của các kinh sư thật đúng với phương châm phải cách ly với người tội lỗi để khỏi ô uế vì lây nhiễm tội lỗi của họ. Điều này đã được chứng nghiệm không ít lần trong thực tế. Thế nhưng, giả sử ta đặt “mực đen” ở gần “đèn sáng” thì điều gì sẽ xảy ra? Đó chính là tình huống mà Chúa Giê-su đã chọn lựa khi Người “ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế”“Đấng Thánh của Thiên Chúa” đồng bàn với những người phàm tục, tội lỗi. Thậm chí Người còn nhận lấy tội lỗi của họ như thể đó chính là tội của Người. Nhưng không vì thế mà Người bị lây nhiễm tội lỗi; ngược lại, nhờ Người là ánh sáng, Người làm cho ‘mực đen’ nhiễm ánh sáng và cuối cùng trở thành ánh sáng.

Mời Bạn: Nối tiếp sứ mạng của Đức Ki-tô Cứu Thế, người Ki-tô hữu sống giữa thế gian như bông sen ‘gần bùn chẳng những không hôi tanh mùi bùn’ mà còn phải toả ngát hương thơm nhân đức để cho bùn lầy cũng phải thơm lừng hương sen. Muốn thế, bạn phải trở thành “chén thánh chứa đầy Đức Ki-tô” trước đã. Bạn hãy diễn dịch những hình ảnh hoa mỹ trên đây thành hành động cụ thể làm chứng nhân cho ánh sáng.

Sống Lời Chúa: Lần hạt “Năm Sự Sáng” để suy niệm về sứ mạng cứu thế của Đức Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã sai chúng con ra đi để làm chứng cho ánh sáng. Xin thức tỉnh trong chúng con ý thức làm chứng nhân cho Chúa qua việc bổn phận của chúng con. Amen.

 

5 Phút cho Lời Chúa ngày 05/01 – 11/01/25

05/01/25 Chúa nhật Chúa hiển linh

Mt 2,1-12

 

lên đường tìm chúa

Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2,1-2)

Suy niệm: Thật lạ lùng, ngôi sao xuất hiện trên bầu trời, mọi người đều xem thấy nhưng chẳng mấy ai ngoài mấy vị chiêm tinh này nhận ra đó chính là “ngôi sao của Người”. Và cũng lạ lùng không kém khi họ nhận ra “Đức Vua” không phải nơi cung điện của bạo vương Hê-rô-đê mà là trong căn nhà đơn sơ nơi Hài Nhi Giê-su trú ngụ. Chính lòng khao khát mãnh liệt tìm kiếm chân lý đã thúc đẩy họ lên đường dù phải khổ công vượt ngàn dặm đường, hay phải đối mặt với hiểm nguy tính mạng khi đến gặp Hê-rô-đê. Ánh sao lạ dẫn đường có khi tỏ khi mờ, nhưng Đức Ki-tô mới là Ánh Sáng thật, soi chiếu tận tâm hồn, dẫn đưa họ đến gặp gỡ Ngài.

Mời Bạn: Điềm lạ ánh sao cho thấy rằng vũ trụ thiên nhiên là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Những ai nỗ lực tìm kiếm Ngài với thành tâm thiện chí đều có thể gặp được Ngài. Bạn cũng thế. Điều quan trọng là bạn có đủ khát khao, đủ can đảm lên đường, nỗ lực tìm kiếm Chúa trong đời sống của mình.

Sống Lời Chúa: Suy gẫm về một biến cố trong đời bạn để khám phá thánh ý Chúa tỏ hiện cho nơi biến cố đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Hiển Linh, con cảm tạ Chúa vì Chúa vẫn luôn tỏ mình cho con qua nhiều cách thế khác nhau. Xin ban cho con lòng khao khát tìm kiếm Chúa không ngừng, để khi kết thúc hành trình đời này, chính con cũng được diện kiến và bái lạy Chúa như những nhà chiêm tinh xưa. Amen.

 

06/01/25 Thứ hai sau lễ hiển linh

Mt 4,12-17.23-25

 

sám hối: hành trình biến đổi toàn diện và liên tục

Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,17)

Suy niệm: Trong Thánh Kinh, từ “sám hối” không chỉ đơn thuần là cảm giác hối hận về tội lỗi mà còn hàm ý một sự thay đổi sâu xa trong tâm hồn và cách suy nghĩ. Đó là việc từ bỏ tội lỗi để quay về với Thiên Chúa. Đó là sự biến đổi toàn diện và khẩn cấp đòi hỏi mọi người canh tân đời sống để thực thi thánh ý Chúa. Như thế, sám hối không chỉ là hành động diễn ra một lần, mà là một hành trình liên tục và không ngừng cho đến khi “trở nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). “Sám hối”, đó chính là đòi hỏi tiên quyết của Đức Ki-tô ngay từ lúc khởi đầu công cuộc rao giảng và xuyên suốt sứ vụ công khai của Ngài.

Mời Bạn hãy dừng lại và suy ngẫm về cuộc sống của mình: Đâu là những điều cần thay đổi để trở về với Chúa? Bạn nhớ rằng sám hối là hành vi không thể thiếu để đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Đó là nhận biết tội lỗi của mình để khiêm tốn quay về hoà giải với Chúa và sống thân tình với Ngài. Mỗi ngày, chúng ta được mời gọi để làm mới lại con người của mình, bước ra khỏi những cám dỗ, ích kỷ và những thói hư tật xấu, để hướng tới ánh sáng và sự thật của Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Mỗi cuối ngày, bạn dành ít phút để kiểm điểm lại bản thân: xem mình đã làm gì chưa đẹp lòng Chúa và bạn quyết tâm sửa đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban ơn soi sáng và sức mạnh để chúng con nhận ra và can đảm dứt bỏ tất cả những gì làm chúng con lìa xa Chúa, để đáp lại tình yêu và lòng thương xót Chúa đã dành cho chúng con. Amen.

 

07/01/25 Thứ ba sau lễ hiển linh

Mc 6,34-44

 

tỏ mình ra là chúa tình yêu

Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra trao cho các môn đệ để các ông dọn cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người. (Mc 6,41)

Suy niệmChính vì “chạnh lòng thương dân chúng như bầy chiên không người chăn dắt” mà Đức Giê-su đã dạy dỗ họ và còn hoá “năm chiếc bánh và hai con cá” ra nhiều cho đám đông hơn 5.000 người ăn no nê, lại còn thu được “12 thúng đầy những mẩu bánh cùng với cá còn dư”. Tình yêu Chúa thật quảng đại vượt xa những gì con người có thể tưởng nghĩ ra. Dấu lạ ấy còn báo trước hành động của tình yêu còn lớn lao hơn gấp bội phần mà Đức Giê-su sẽ thực hiện sau đó trong bữa Tiệc Ly qua việc thiết lập bí tích Thánh Thể và truyền cho các tông đồ: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”

Mời Bạn: Đức Giê-su đã hiến tế thân mình trên thập giá để đền tội chúng ta; Ngài còn lập bí tích Thánh Thể để hiến trao cũng chính Thân mình đó để làm lương thực thiêng liêng cho chúng ta. Có thể nói Thiên Chúa dù quyền năng vô cùng cũng không có cách nào khác tuyệt hảo hơn để thể hiện tình yêu vô biên của Ngài cho chúng ta. Tình yêu đó vượt mọi không gian và thời gian để tiếp tục trao ban cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể mà các linh mục cử hành hằng ngày trên khắp cùng thế giới.

Sống Lời Chúa: Viếng Mình Thánh Chúa nơi nhà thờ, hoặc dâng một lời nguyện tắt bày tỏ tâm tình yêu mến Chúa hiện diện nơi bí tích Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã nuôi dưỡng chúng con bằng Thánh Thể Chúa. Xin giúp chúng con chuẩn bị lòng trí cho thật xứng đáng mỗi khi rước Chúa vào lòng. Amen.

 

08/01/25 Thứ tư sau lễ hiển linh

Mc 6,45-52

 

tuy xa mà gần

Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa Biển Hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. (Mc 6,47-48)

Suy niệm: Thánh Mác-cô không có ý nói đến vị trí địa lý của chiếc thuyền cho bằng khoảng cách giữa các môn đệ với bờ, nơi Đức Giê-su đang đứng. Ngài sai họ ra khơi, đến chỗ nước sâu để bắt cá, nhưng không có Ngài cùng đi. Ngài ở xa họ. Hốt hoảng khi sóng gió ập đến, thắc mắc khi không thấy Chúa là tâm trạng của các tông đồ trong những chuyến ra khơi như thế. Tông đồ mọi thời đại đều cảm nghiệm nỗi cô đơn này. Thiên Chúa dẫu xa nhưng lại rất gần. Ngài thấy trước những bất trắc đe dọa con thuyền Giáo Hội, thấy những cơn sóng hung dữ của thế lực tối tăm đang gầm thét hòng nhận chìm những kẻ Ngài sai đi. Ngài đến bên họ kịp thời, bày tỏ quyền năng để nâng đỡ đức tin, nhẹ nhàng loan báo Tin Mừng “chính Thầy đây, đừng sợ”.

Mời Bạn: Nhìn xuống sóng gió, các tông đồ hốt hoảng. Nhìn lên Đức Giê-su, các ông tìm được bình an. Bạn rút được bài học quí giá nào từ những sự kiện đó để áp dụng vào đời tông đồ của bạn? Sóng gió trong đời tông đồ vẫn có, vậy nhờ đâu bạn vững lòng tiếp tục ra khơi?

Sống Lời Chúa: Bạn lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho những người làm việc truyền giáo đang gặp thử thách.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con muốn tận hiến cho Chúa cuộc đời con. Nhưng chỉ xin Chúa một điều, là hãy cho tay con nắm được tay Chúa những lúc con gặp gian nan, thử thách. Amen.

 

09/01/25 Thứ năm sau lễ hiển linh

Lc 4,14-22a

 

để ứng nghiệm lời kinh thánh

“Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe.” (Lc 4,21)

Suy niệm: Có bước lên đỉnh đồi Na-da-rét mới thấy được nỗi cảm khái của những ai thao thức với vận mạng Ít-ra-en. Đằng kia dưới chân đồi về phía tây nam là cánh đồng Ét-rê-lon với chiến tích lẫy lừng của bà Đê-bo-ra và ông Ba-rắc, của thủ lĩnh Ghi-đê-on. Xa xa về phía tây là đỉnh núi Các-men nổi bồng bềnh trên thảm mây như trong cõi thần tiên nhắc nhớ cuộc đối đầu hào hùng giữa tiên tri Ê-li-a với bà hoàng Giê-da-ben hiểm ác. Na-da-rét đâu phải là một nơi “nào có chi hay” (x. Ga 1,46), vì cách đó 8 km về phía bắc, là thành Xép-pho-rít được xây dựng vào thời Rô-ma – các nhà khảo cổ mới khai quật di tích này được ít lâu. Chạy ngang qua đó là ngã tư quốc tế với “con đường ven biển” (x. Mt 4,15) nối Đa-mát với Giê-ru-sa-lem, con đường huyết mạch nối Ai Cập với Li-băng và sang miền đông hướng về xứ Ba Tư. “Chúa Giê-su trở về Na-da-rét, nơi người sinh trưởng… để ứng nghiệm lời Kinh Thánh” trong bối cảnh như thế.

Bạn thân mến, bạn thử đặt mình vào địa vị dân thành Na-da-rét xem họ nghĩ gì khi Đức Giê-su, người đồng hương nổi tiếng của họ trở về quê nhà và nói: “Lời Kinh Thánh hôm nay ứng nghiệm” trong khi họ đang mong chờ một sự giải phóng khỏi ách nô lệ Rô-ma mà nào có thấy gì đâu? Thế mà Lời Kinh Thánh lại ứng nghiệm vào một Đấng Cứu Thế bằng khổ giá. Chả trách gì họ nổi giận!!! Bạn có cảm thông với Ngài không?

Sống Lời Chúa: Hình dung bạn đang đứng trên đỉnh đồi Na-da-rét với Chúa Giê-su, và nhìn ngắm, lắng nghe Ngài với tâm tình yêu mến, cảm thông.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, xin cho con được chia sẻ nỗi niềm với Chúa. Amen.

 

10/01/25 Thứ sáu sau lễ hiển linh

Lc 5,12-16

 

chúa muốn bạn nên thánh

Có một người đầy phong hủi vừa thấy Chúa Giê-su, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Ngài giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi”. (Lc 5,12-13)

Suy niệm: Người phong hủi rất muốn mình được lành bệnh, nhưng có lẽ ngoài anh ra, không có ai ước muốn điều đó hay có một hành động nào đó chữa lành anh; trái lại, chỉ có hất hủi, xua đuổi, bỏ rơi. Điều đó làm anh đã xa lại càng xa cách hơn với cộng đoàn. Được gặp Chúa Giê-su hôm nay anh khám phá ra rằng ít ra còn có Ngài quan tâm đến anh, không xua đuổi anh. Trong cuộc gặp thân mật này, anh khám phá rằng ước muốn của anh trùng khớp với ý muốn của Chúa: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Ngài không chỉ muốn mà còn có quyền năng chữa lành và phục hồi con người của anh để anh có thể hòa nhập với Dân-được-chọn, Dân của Thiên Chúa. Anh cũng nhận ra rằng đời sống của anh có ảnh hưởng đến người khác. Nếu tội lỗi nơi anh đã đẩy anh xa cộng đoàn, có nghĩa cộng đoàn mất đi một người và một người con xa lìa Thiên Chúa. Nay, khi được phục hồi, anh loan báo về điều Thiên Chúa làm cho mình, có nghĩa là cộng đoàn có cơ hội được lớn lên.

Mời Bạn: Thiên Chúa muốn bạn sống thánh, bạn có ý thức điều đó và nỗ lực nên thánh không? Thiên Chúa muốn mọi người được nên thánh. Còn bạn, có muốn như Ngài không?

Sống Lời Chúa: Bạn nhớ xét mình hằng ngày và xin ơn hoán cải để bạn mỗi ngày được nên thánh hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn con nên thánh và cũng muốn anh chị em con sống thánh. Xin cho chúng con biết tiếp nhận ơn thánh của Chúa và sống thánh hằng ngày.

 

11/01/25 Thứ bảy sau lễ hiển linh

Ga 3,22-30

 

lời chứng tối hậu của Gio-an

Ông Gio-an trả lời [cho các môn đệ]: “Chính anh em đã làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đức Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người’… Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,28.30)

Suy niệm: Người sứ giả không nói về mình mà là nói lời của người sai mình. Gio-an đã thể hiện xuất sắc vai trò sứ giả đó cho đến giây phút cuối cùng. Trước nguy cơ tranh dành ảnh hưởng giữa các môn đệ mình và môn đệ Đức Giê-su – mà sau đó điều này đã thực sự xảy ra – Gio-an, từ trong ngục, nhắc nhở cho các môn đệ của mình nhớ lại vai trò ngôn sứ-chứng nhân của họ: giới thiệu Đức Ki-tô, chứ không phải giới thiệu mình; hướng dẫn người khác đến với Đức Ki-tô, chứ không phải giữ chặt họ ở lại với mình. Không cần lý luận cao siêu, Gio-an đã làm điều mà các nhà thần học ngày nay gọi là một nền thần học ki-tô hướng tâm (christocentric).

Mời Bạn: Từ thời của Gio-an đến giờ, việc loan báo Tin Mừng đã bao lần phải đình trệ vì các môn đệ Đức Ki-tô lại trở nên đối thủ tranh dành ảnh hưởng lẫn nhau mà vẫn ảo tưởng rằng mình đang phục vụ Ngài. Xét cho cùng, mọi hình thức bè phái đều là do cái tôi ích kỷ, muốn lấy mình làm trung tâm thay vì quy hướng mọi sự về Đức Ki-tô. Giữa các đồng nghiệp, các đoàn thể trong giáo xứ đang có những xung đột nào? Bạn thử tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp.

Sống Lời Chúa: Bắt chước tinh thần khiêm tốn quên mình của Gio-an trong mọi hoạt động, đặc biệt khi làm việc tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hy sinh quên mình mỗi khi làm việc, để con loan báo về Chúa mà không làm Chúa bị lu mờ đi vì cái tôi ích kỷ của con.

 

5 Phút cho Lời Chúa ngày 29/12 – 31/12/24

29/12/24 Chúa nhật trong tuần bát nhật gs

Lễ Thánh Gia Thất                                            Lc 2,41-52

 

TRỞ lại VỚI CHÚA

ĐỂ TÌM THẤY NHAU

“Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.” (Lc 2,45)

Suy niệmQua lời truyền tin, Đức Ma-ri-a và thánh cả Giu-se đều biết người con đang ở với mình chính là “Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32), là Đấng Em-ma-nu-en, “Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi” (Mt 1,21.23). Nhưng các ngài vẫn bất ngờ với những sự việc vượt tầm hiểu biết của mình. Biến cố lạc mất con hôm nay càng khiến các ngài ngỡ ngàng trước bức màn của mầu nhiệm. Dù có phần thảng thốt, bấn loạn khi đi tìm con, các ngài đã định vị đúng nơi phải tìm: Đền thờ, nhà của Thiên Chúa. Quả thật, ở đây các ngài đã tìm lại được người con của mình. Nhưng các ngài vẫn không thể hiểu hết lời Con mình nói: “Cha mẹ không biết con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”

Mời BạnThành viên trong gia đình Công giáo, dù sống chung một mái nhà, lắm lúc vẫn “đồng sàng dị mộng,” không hiểu nhau, lạc mất nhau, vì bao yếu tố chi phối: công ăn việc làm, kiếm tiền, lối sống cá  nhân ích kỷ, những bận tâm riêng tư… Nguyên lý sâu xa nhất để gắn kết gia đình trên nền tảng vững chắc: xây dựng trên đức tin, cùng duy trì mối tương quan gắn bó thân thiết với Chúa.

Sống Lời ChúaNoi gương Thánh gia thất, bạn giữ sự nối kết với Chúa bằng việc cầu nguyện, đọc Lời Chúa mỗi ngày, nhất là gia đình cùng nhau tham dự Thánh lễ.

Cầu nguyệnLạy Chúa, cảm tạ Chúa cho chúng con sống với nhau thành một gia đình, cộng đoàn. Xin giúp chúng con sống gắn kết với Chúa, tìm gặp Chúa mỗi ngày. Nhờ vậy, giữa khó khăn, thách đố của cuộc sống, chúng con vẫn luôn bình an, sống tình thân ái với nhau trong tình yêu Chúa. Amen.

 

30/12/24 Thứ hai
ngày vi trong tuần bát nhật gs

                                                                             Lc 2,36-40

 

nghệ thuật của hy vọng

“Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm phụng thờ Thiên Chúa.” (Lc 2,37b)

Suy niệm: Điều mà văn hào Pháp, Vauvenargues viết: “Kiên nhẫn là nghệ thuật của hy vọng” được thể hiện thật ấn tượng trong cả cuộc đời của bà Anna. Sự kiên trì của bà đạt đến trình độ “nghệ thuật” đáng khâm phục. Xuất giá, hẳn là từ khi còn xuân xanh, bà chỉ ở với chồng được 7 năm đã trở thành goá phụ (c. 36). Với 84 tuổi đời, nếm trải nhiều đau buồn, nhưng bà luôn trải rộng tấm lòng một cách mềm mại với ơn Chúa: không oán hận trách móc Thiên Chúa. Hơn nữa, thời gian có thể cướp đi nhựa sống và xuân sắc tuổi trẻ, nhưng không thể làm mất niềm tin và hy vọng vào lời hứa cứu độ của Thiên Chúa nơi bà. Từng ấy năm dài, bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa” (c. 37) Bà chỉ ước mong một điều: được nhìn ngắm Đấng Cứu Thế dù chỉ một lần trước khi nhắm mắt. Và chỉ một lần đó thôi cũng đủ để bà trở thành sứ giả loan báo về Hài Nhi cho tất cả những ai đang mong chờ Đấng Cứu Thế (c. 38).

Mời Bạn: Chúa đòi hỏi nơi chúng ta sống trung thành với giáo huấn của Ngài. Qua đó, người tín hữu phải kiên trì và hy vọng mới có thể thắng vượt nhiều thử thách. ĐHY Ph. Xav. Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa.” Liên lỉ cầu nguyện là phương thế tốt nhất giúp bạn vững niềm tín thác vào Chúa.

Sống Lời Chúa: Nguyện tắt nhiều lần: “Lạy Chúa, con tín thác nơi Ngài.”

Cầu nguyện: Xin Chúa giúp con luôn kiên vững trong niềm tin và niềm hy vọng. Trong mọi hoàn cảnh, xin cho đời con trở nên lời ca tụng Chúa không ngừng. Amen.

 

31/12/24 Thứ ba
ngày vii trong tuần bát nhật gs

Th. Xin-vét-tê I, Giáo hoàng                               Ga 1,1-18

 

thế gian đã nhờ người mà có

“Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.” (Ga 1,10)

Suy niệm: Ngày ấy một Ki-tô hữu gốc Do Thái tên là Gio-an sống ở Ê-phê-xô, một thành phố Hy Lạp, quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng cho dân bản xứ. Hằng ngày tiếp xúc với người Hy Lạp, ông nhận thức rằng với họ, tư tưởng Do Thái là điều xa lạ, khó hiểu. Và rồi, ông đã tìm ra điểm chung giữa hai dân tộc: ý niệm về lời (logos). Gio-an vui mừng nói với người Hy Lạp: Bao thế kỷ nay các bạn đã tư duy, viết lách và mơ ước về Lời-Logos, quyền năng đã tạo nên thế giới, quyền lực giữ cho thế giới ấy đi theo một trật tự, sức mạnh nhờ đó con người suy tư, lý luận và hiểu biết, cũng như nhờ đó họ có tương quan, tiếp xúc với Thiên Chúa. Đức Giê-su mà chúng tôi giới thiệu với các bạn chính là Ngôi Lời-Logos ấy đã xuống thế, mặc lấy xác phàm. Nói cách khác, Lý Trí của Thiên Chúa đã thành người ở giữa chúng ta.

Mời Bạn: Từ ngày Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa, xuống thế làm người, bạn không còn phải suy đoán, dò dẫm để hiểu biết, thờ phượng Thiên Chúa nữa. Bạn cứ nhìn ngắm mẫu gương, lời nói, giáo huấn của Ngài để biết cách tôn thờ Thiên Chúa, sống đẹp lòng Ngài trong tư thế người con hiếu thảo của Thiên Chúa. Bạn sẽ làm gì để hiểu biết, yêu mến, nên giống Ngài hơn?

Sống Lời Chúa: Trong Mùa Giáng sinh, tôi dành thời gian quỳ trước hang đá, cầu nguyện, chiêm ngắm Ngôi Hai, Ngôi Lời, Lý Trí của Thiên Chúa hạ mình làm người, vì yêu thương mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, nhờ Chúa, vạn vật được tạo thành, trong đó có con. Xin vô vàn tri ân Chúa đã cho con được vinh dự làm người, môn đệ Chúa, là con cái Thiên Chúa. Amen.

 

5 Phút cho Lời Chúa ngày 01/01 – 04/01/25

01/01/25 Thứ TƯ CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GS

ĐỨC MA-RI-A, MẸ THIÊN CHÚA
Ngày cầu cho hoà bình thế giới                                      

Lc 2,15-21

 

dấu chỉ của vua hoà bình

Những người chăn chiên liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a ông Giu-se và Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (Lc 2,16)

Suy niệm: Trong đêm mừng Chúa ra đời, muôn vàn thiên binh cùng vang tiếng hợp ca: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”; quả thật lời ngôn sứ I-sai-a đã được ứng nghiệm khi gọi Đấng Cứu Thế là “thủ lãnh hoà bình” (x. Is 9,5). Thế nhưng, dấu hiệu để nhận biết “vua hoà bình”, vị vua vĩ đại, ân nhân của nhân loại thì lại rất đơn sơ: - dấu hiệu của một gia đình mẫu mực “bà Ma-ri-a, ông Giu-se cùng với Hài Nhi”; - dấu hiệu của sự khiêm tốn, bé mọn và nghèo khó: một Hài Nhi sơ sinh, bọc trong tã, nằm trong máng cỏ của một chuồng bò.

Bạn thân mến, chúng ta mừng lễ Chúa giáng sinh trong bầu khí sôi sục của chiến tranh đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, cùng với sự lạnh lùng của cuộc chiến ngầm đang làm cho hố ngăn cách giữa những người thế lực và giàu có với những người nghèo đói ngày càng bị khoét sâu và rộng hơn. Sứ điệp hoà bình năm nay có chủ đề: “Xin tha nợ chúng con: xin ban bình an cho chúng con. Hoà bình đích thực có thể có được khi mỗi người chúng ta sống tinh thần “khiêm nhu nghèo khó” của Chúa Hài Nhi và thực thi lòng thương xót của Ngài để thật lòng tha thứ cho nhau.

Sống Lời Chúa: Bạn xin Chúa cho mình sẵn lòng tha thứ và làm một việc, dù nhỏ, để hướng đến việc hoà giải với một người đang có mối bất hoà với bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con và xin ban bình an cho thế giới, bình an cho chúng con. Amen.


02/01/25 Thứ năm đầu tháng trước lễ hiển linh

Th. Ba-xi-li-ô Cả và Ghê-gô-ri-ô Na-di-en, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh     

Ga 1,19-28

 

nhận vơ

“Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” (Ga 1,20)

Suy niệm: Căn cứ vào số liệu của Ban Nội chính Trung ương, trong năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thi hành kỷ luật 459 đảng viên với tội danh ‘nhận vơ’, hay nói cách khác, ăn hối lộ hàng tỉ đồng. “Nhận vơ” nghĩa là nhận về mình điều mình biết rõ không phải là của mình. Giả như ông Gio-an Tẩy giả nhận mình là “tiên tri” hay là “Ê-li-a” thì cũng không sai bởi dân chúng đã chẳng coi ông là ngôn sứ đó sao (x. Mt 21,26)? Thậm chí nếu ông nhận mình là Đấng Ki-tô hẳn dân chúng cũng đồng tình. Nhưng không! Ông không ‘nhận vơ’ như vậy. Ông ba lần phủ nhận: “Tôi không phải là…”, trái lại ông khiêm tốn nhận mình chỉ là “tiếng kêu trong hoang địa”, là người đi trước dọn đường cho “Đấng đến sau ông mà ông không đáng cởi quai dép cho Người”.

Bạn thân mến, chúng ta không chỉ mắc tội ‘nhận vơ’ khi cư xử bất công hay tham lam chiếm đoạt của người khác. Nhưng tội ‘nhận vơ’ nghiêm trọng hơn cả là việc chúng ta coi những gì mình đang có là do công trạng của mình chứ không phải hồng ân của Chúa ban, và rồi sử dụng chúng theo ý riêng mình theo kiểu người con phung phá chứ không phải để phục vụ Nước Trời như lòng Chúa mong muốn. Thánh Gio-an Tẩy giả làm gương và nhắc nhở chúng ta đừng ‘nhận vơ’ như vậy.

Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa việc bạn sắp làm và xin Ngài giúp bạn làm theo đúng thánh ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Hài Nhi, xin giúp con nhận biết con chỉ là tôi tớ bất xứng và giúp con biết từ bỏ ý riêng mình để chỉ làm mọi việc theo thánh ý Chúa mà thôi. Amen.


03/01/25 Thứ sáu đầu tháng trước lễ hiển linh

Thánh Danh Chúa Giê-su

Ga 1,29-34

 

dấu hiệu nhận biết đấng thiên sai

“Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi…” (Ga 1,33)

Suy niệm: Sứ mạng của Gio-an Tẩy giả là loan báo Đấng Mê-si-a. Tuy nhiên, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi Gio-an nói rằng: “Tôi đã không biết Người.” Quả thật, Thiên Chúa là Đấng cao cả siêu việt, trí tuệ con người làm sao đạt thấu Người được. Với tinh thần khiêm tốn, Gio-an “biết” được là nhờ dựa vào những dấu chỉ Thiên Chúa đã tỏ lộ cho ông. Ông được Chúa sai ông đi làm phép rửa và ban cho ông  một dấu hiệu làm ước hẹn: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Gio-an theo dấu hiệu mà Lời Chúa đã thổ lộ cho ông: và ông đã thấy và đã được hội ngộ với Đấng mà Thiên Chúa đã hẹn ông.

Mời Bạn: “Thánh Thần” chính là dấu hiệu để Gio-an nhận ra “Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Thiên Chúa cũng hẹn gặp chúng ta qua những dấu hiệu của Thánh Thần: đó là tiếng mách bảo âm thầm của lương tâm, đó là những người nghèo mà chúng ta được sai đến để phục vụ. Những ai khiêm tốn tìm kiếm Chúa qua những dấu hiệu như thế, Ngài sẽ cho gặp mặt.

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái phục vụ người nghèo ở gần bạn nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, nhiều lần Chúa tỏ lộ với con những điểm hẹn để gặp được Chúa: như việc nhịn nhục, tha thứ, làm hòa với một ai đó. Vì chưa khiêm tốn như Gio-an là thi hành lời Chúa mách bảo, nên con đã lỡ hẹn với Chúa. Xin cho con sự khiêm hạ, để khi con đón nhận anh em chính là lúc con được hội ngộ với Chúa. Amen.


04/01/25 Thứ bảy đầu tháng trước lễ hiển linh

Ga 1,35-42

 

đổi tên đổi đời

Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha (tức là Phê-rô).” (Ga 1,42)

Suy niệm: Nghe lời giới thiệu của ông thầy mình là Gio-an Tẩy giả, An-rê đã đi theo Đức Giê-su, và được Ngài thu hút, ông đã “đến và ở lại với Ngài ngày hôm ấy”, để rồi ông trở thành môn đệ Ngài. Chưa dừng lại ở đó, An-rê, một khi xác tín Người mà ông đã gặp chính là Đấng Mê-si-a, ông lại dẫn em mình là Si-môn đến với Ngài. Lần này đến lượt người em gặp Đức Ki-tô và cũng được biến đổi cuộc đời. Chúa đã đổi tên ông: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha (tức là Phê-rô).” Đổi tên thì cũng đổi đời đổi vận. Si-môn trở thành Phê-rô nghĩa là tảng đá, mà “trên tảng đá này Chúa sẽ xây dựng Hội Thánh của Ngài” (x. Mt 16,18). Chưa hết, các ông vốn là những ngư phủ, nay đi theo Người các ông lại được biến đổi để trở nên “ngư phủ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19).

Bạn thân mến, khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, bạn mang danh hiệu mới là Ki-tô hữu, đồng thời bạn trở nên người mới: là người thuộc về Đức Ki-tô để được biến đổi nên “đồng hình đồng dạng” với Ngài (x Rm 8,29). Từ nay, không còn là bạn sống nữa, mà là Đức Ki-tô sống trong bạn, và bạn được mời gọi loan báo và làm chứng cho Ngài là Đấng yêu mến bạn và hiến mạng sống mình vì bạn (x. Gl 2,20).

Sống Lời Chúa: Mỗi một lời nói, việc làm của bạn đều có thể trở thành một hành vi loan báo Đức Ki-tô khi bạn thực hiện nó với tinh thần Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con được đổi tên là Ki-tô hữu, được mang danh Chúa. Xin biến đổi cuộc đời con trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Amen.

 

5 Phút cho Lời Chúa ngày 22/12 – 28/12/24

22/12/24                                 Chúa Nhật tuần 4 mv – c

                                                                             Lc 1,26-38

 

lời xin vâng mẫu mực nhất

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)

Suy niệm: Trước khi chiêm ngắm sự vâng phục Chúa Giê-su thực hiện nơi hang đá Bê-lem vì vâng theo ý Chúa Cha, Chúa nhật hôm nay Giáo Hội cho ta chiêm ngắm lời ‘xin vâng’ mẫu mực của Mẹ Ma-ri-a, người nữ có một không hai trong lịch sử cứu độ. Ơn cứu độ khởi đi từ sự vâng lời của một con người là Đức Ma-ri-a và của một vị Chúa-Người là Đức Giê-su. Cả hai đều vâng ý Chúa Cha trên trời. Vâng phục là để Chúa hoàn toàn hành động trên đời ta, “xin thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Vâng phục không phải là thái độ thụ động, nhưng là hành vi chủ động đóng góp vào chương trình của Chúa.

Mời Bạn: Có khi bạn nổi loạn vì phải đối diện với ý Chúa, vì ý Ngài lúc này làm bạn không hài lòng. Thế là bạn chẳng còn muốn nghe và làm theo. Từ đó bạn sa sút dần tư cách làm con Chúa, bạn chạy theo ảo ảnh có thể thỏa mãn trong chốc lát. Điều này thật nguy hiểm. Bạn hãy trấn tĩnh lại đi.

Sống Lời Chúa: Tìm đúng vị trí của bạn trong dòng chảy cuộc đời: ta chỉ là đầy tớ của Chúa thôi. Đầy tớ vâng lời ông chủ có chi là quá đáng. Đó là bổn phận, là sứ mạng.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin dạy con biết khiêm nhường vâng theo ý Chúa trong khi phục vụ Chúa và anh chị em con.

 

23/12/24                                              Thứ hai tuần 4 mv

Th. Gio-an Kê-ty, linh mục                               Lc 1,57-66

 

Gio-an: Thiên Chúa thi ân

Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. (Lc 1,64)

Suy niệm: Từ ngày được thấy thị kiến trong cung thánh, ông Da-ca-ri-a phải trải qua thời gian câm lặng, đúng như lời sứ thần báo trước, cho đến khi đặt tên cho con. Cũng như ngày Đức Mẹ được truyền tin, giây phút đặt tên cho con trẻ, cả thiên đàng như nín lặng, chờ đợi sự vâng phục của ông. May mắn thay, ông đã cộng tác với ơn Chúa, vượt lên trên lẽ thông thường để đặt tên cho con! “Gio-an” nghĩa là “Thiên Chúa thi ân. “Thiên Chúa thi ân” với những ai kính sợ Chúa và trọn niềm trung nghĩa với Ngài. “Thiên Chúa thi ân” với những ai khiêm cung đón nhận chương trình cứu độ của Chúa và thi hành ý muốn của Ngài. Ai nấy đều bỡ ngỡ bởi cái tên khác lạ của em bé mà cả cha và mẹ của em đều đồng lòng đặt tên. Hẳn nhiên, mấy ai biết được câu chuyện đằng sau việc đặt tên này. Mọi người lại thêm một phen kinh sợ, khi thấy người cha “miệng lưỡi lại mở ra, nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.

Mời Bạn: Có những lúc bạn không hiểu nổi ý của cha mẹ hay những người có trách nhiệm, hay đôi khi bạn chẳng hiểu thấu vài sự kiện xảy đến trong cuộc sống bạn. Có phải chỉ sau một thời gian đủ để bình tâm, chiêm nghiệm, suy xét, bạn mới thấy bàn tay quan phòng của Chúa trong từng biến cố đó, nhận ra rằng Thiên Chúa thi ân theo cách mà bạn chẳng hay?

Sống Lời Chúa: Tôi tập sống “chậm,” lắng đọng tâm hồn, suy đi nghĩ lại, để đón nhận và làm theo ý Chúa muốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì muôn ân phúc Chúa tuôn đổ trên con. Xin cho con vui mừng, mở rộng lòng đón chờ Chúa Giáng Sinh.

 

24/12/24                                               Thứ ba tuần 4 mv

Vọng Lễ Chúa Giáng Sinh                               Lc 1,67-79

 

bất ngờ vượt mọi bất ngờ

Thiên Thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em. Anh em cứ dấu này mà nhận biết Người: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,10-12)

Suy niệm: Cố thi sĩ Bàng Bá Lân trước khi trở thành Ki-tô hữu, đã diễn tả tâm tình của mình trong đêm Giáng Sinh qua mấy vần thơ:

“Tôi không phải là người công giáo,

Thiếu niềm tin, không quỳ lạy cầu kinh.

Nhưng đêm nay lòng cảm thấy lung linh,

Và xao xuyến như tín đồ xao xuyến”.

Lung linh, xao xuyến không phải vì những cảnh xa hoa tráng lệ của ngày lễ No-en, mà là vì một điều siêu bất ngờ và vượt quá mọi bất ngờ. Thiên Chúa cao sang mà làm người phàm hèn mọn! Đấng Cứu Độ đến thiết lập một triều đại công lý và hòa bình, thế nhưng, dấu chỉ để nhận ra Ngài thì thật mong manh: “một hài nhi bọc tã, nằm trong máng cỏ,” Ngôi Lời Thiên Chúa nằm trong máng dành cho súc vật!

Mời Bạn: Hãy tự hỏi ‘vì ai’ mà Chúa chịu nông nỗi này: Vì ai Thiên Chúa chấp nhận bị thương tổn, bị quấy rầy, hạ mình sát đất đen? Vì ai nếu không phải vì bạn, vì chúng ta?

Sống Lời Chúa: Trong ngày mừng Chúa giáng sinh, bạn quyết sống vui vẻ với mọi người, tặng nụ cười cho tất cả những người bạn tiếp xúc để làm món quà mọn bạn dâng lên Chúa Hài Nhi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã hạ mình làm người ở với chúng con, để cho chúng con sống hạnh phúc nơi Chúa. Xin biến lòng chúng con thành chiếc nôi đón nhận Chúa, biến miệng lưỡi, bàn tay thành máng cỏ đón nhận Mình Thánh Chúa. Amen.

 

25/12/24       Thứ Tư. đại lễ mừng Chúa giáng sinh

                                                                              Ga 1,1-18

 

lạ lùng thay Thiên Chúa chúng ta!

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. (Ga 1,14)

Suy niệm: Đức Giê-su đến loan báo Tin mừng Nước Trời, nhưng lắm người cảm thấy ‘chói tai’ trước Lời giảng ấy (x. Ga 6,60). Cũng vậy, khi nhìn vào hang đá giáng sinh hèn mọn, bao người đã lắc đầu, làm sao tin được một bé thơ bé bỏng trước mắt là Con Thiên Chúa làm người. Thế nhưng, Ngôi Hai Thiên Chúa đã hiện thực một điều chưa ai dám nghĩ đến: mặc lấy xác phàm, trở nên một con người. Làm người là một sự thật độc đáo vượt trên mọi ngưỡng kỳ vọng của con người. Làm người đơn giản để nên giống con người, chia sẻ phận người, sống, chết cho và với con người. Lạ lùng thay vì Ngài không chỉ là Thiên-Chúa-ở-với-Thiên-Chúa trên trời cao, mà còn là Thiên-Chúa-ở-cùng-con-người nơi đất thấp! Mặt khác, sự tự hạ của Ngài để ở với con người làm cho con người trở nên có giá trị biết bao trong mắt của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Bạn sẽ không bao giờ hiểu thấu được Thiên Chúa, vì Ngài là một mầu nhiệm. Thế nhưng, qua  người anh em chung quanh, bạn sẽ dần khám phá ra dung mạo của Ngài nơi họ, rất gần gũi, thân thương. Bạn được mời gọi trở nên “bạn hữu” của Ngài, cụ thể khi tử tế, chia sẻ với anh chị em mình.

Sống Lời Chúa: Trong ngày vui này, bạn hãy thể hiện một cử chỉ bác ái với người thân hay bạn bè của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Hài Đồng, con đội ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, và cứu chuộc con còn lạ lùng hơn nữa. Xin giúp con luôn sống tâm tình tri ân tốt đẹp ấy mỗi ngày. Amen.

 

26/12/24 Thứ năm
ngày II trong tuần bát nhật gs

Th. Tê-pha-nô, tử đạo tiên khởi                    Mt 10,17-22

 

để làm chứng cho tin mừng

“Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” (Mt 10,17-18)

Suy niệm: Chúa Giê-su không hứa cho các môn đệ một con đường dễ dàng mà ngược lại, Ngài cho họ biết sẽ có những khổ đau và thử thách. Những thử thách mà họ phải đương đầu, dù có khó khăn, nhưng lại là dịp thuận tiện để làm chứng cho niềm tin. Chúa Giê-su khích lệ họ coi những hoàn cảnh khắc nghiệt như cơ hội để chia sẻ đức tin và tình yêu của Người cho những người chưa biết đến Tin Mừng. Chúa hứa ban Thánh Thần để nâng đỡ, hướng dẫn chúng ta. Chính Ngài sẽ dạy chúng ta biết phải nói gì, làm gì, nhờ đó, trong những lúc gian nan và yếu đuối, chúng ta không đơn độc, mà luôn có Chúa đồng hành.

Mời Bạn: Khi chúng ta chịu đựng những khổ đau và thử thách vì danh Chúa, chúng ta được mời gọi đặt niềm tin vào Chúa, vì chỉ qua đau khổ, đức tin mới được tôi luyện “lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Bạn có cảm nhận được niềm vui khi phải đối diện với những khó khăn không? Vì đó là cơ hội để Bạn làm chứng cho niềm tin của mình.

Sống Lời Chúa: Các thánh tử đạo chính là những người đã được tôi luyện trong lò lửa đức tin. Chính các ngài là minh chứng cho sự hoạt động hữu hiệu của Chúa Thánh Thần trong hoàn cảnh khắc nghiệt.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con có được lòng can đảm để đối diện với những thử thách vì danh Chúa. Xin Thánh Thần hướng dẫn và soi sáng để chúng con luôn trung thành làm chứng cho Tin Mừng. Amen.

 

27/12/24 Thứ sáu
ngày III trong tuần bát nhật gs

Th. Gio-an, tông đồ, tác giả sách Tin Mừng   Ga 20,2-8

 

người môn đệ được Chúa yêu

Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. (Ga 20,2)

Suy niệm: Trong Tin Mừng Gio-an có nói đến một môn đệ không tên, được mệnh danh là “người môn đệ Đức Giê-su thương mến”. Đó không phải vì người đó được Chúa yêu cách đặc biệt, bởi vì Chúa yêu thương hết mọi người; nhưng đúng hơn, vì người đó cảm nghiệm cách đặc biệt tình yêu Chúa dành cho mình. Không nghi ngờ gì, tông đồ Gio-an chính là người môn đệ đó, người đã tự nhận danh hiệu ấy vì cảm nghiệm được cách đặc biệt tình yêu Chúa dành cho mình. Tuy nhiên, trong cả sách Tin Mừng thứ tư, người môn đệ ấy vẫn ẩn danh đi, để mỗi người chúng ta đều có thể điền tên mình vào vị trí đó, vị trí của người môn đệ Chúa yêu.

Bạn thân mến, bạn có dám nhận mình là người được Chúa yêu không? Quả thật, bạn hãy nhớ lại Chúa vẫn luôn yêu mỗi người chúng ta. Vấn đề là chúng ta đã cảm nghiệm được tình yêu đó như thế nào. Bạn và tôi, chúng ta được mời gọi hãy khám phá lại tình yêu của Thiên Chúa qua những gì được ban cho chúng ta, qua những con người được gởi đến cho chúng ta và qua những biến cố xảy ra cho chúng ta. Và ta hãy nhận ra mình là người môn đệ được Chúa yêu, và tận hưởng hạnh phúc của người có người yêu là Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Là môn đệ được Chúa yêu, bạn hãy giúp cho một người đang đang sa sút tinh thần trong cộng đoàn cảm nhận mình được yêu thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng Giáng Sinh, chúng con xin tôn vinh Chúa là Tình Yêu. Xin Chúa cho chúng con nhận ra mình được Chúa yêu. Nhờ đó, chúng con biết hết lòng kính mến phụng thờ tin yêu Chúa và yêu mến tất cả mọi người. Amen.

 

28/12/24 thứ bảy
ngày iv trong tuân bát nhật gs

Các Thánh Anh Hài tử đạo                              Mt 2,13-18

 

SỰ SỐNG MUÔN ĐỜI TỪ SƠ SINH

“Này ông, dậy đem Hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài nhi đấy.” (Mt 2,13)

Suy niệm: Trong tuần Bát nhật Giáng sinh, ta mừng vui với sự kiện Con Thiên Chúa nhập thể làm người sinh ra trong đời. Thế nhưng, chỉ ba ngày sau, ta lại kính nhớ một sự kiện đau buồn: trẻ thơ vùng phụ cận Bê-lem bị Hê-rô-đê Cả sát hại cách tàn bạo. Giáo Hội tôn vinh các trẻ thơ bị sát hại ấy là tử đạo, dù các ngài chưa biết Chúa Ki-tô, nhưng đã chết cho Chúa của mình. Giáo Hội trân trọng, ca ngợi hành vi tuyên xưng anh hùng của các ngài. Theo cái nhìn thông thường của người đời, các ngài là những kẻ yểu mệnh. Thế nhưng, trước mặt Chúa, các ngài kết thúc cuộc đời trần thế ngay từ những năm tháng sơ sinh để bước vào vinh quang Thiên quốc. Các ngài đã hoàn thành cuộc đời mình cách tốt đẹp, và vì thế, xứng đáng hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa của mình.

Mời Bạn: Bạo vương cỡ Hê-rô-đê ngày xưa không thiếu trong xã hội ngày nay: bạo vương triệt hạ sự sống. Xót xa thay, những bạo vương ấy lại là chính cha là mẹ của các thai nhi, họ giết chết sự sống của con cái vì sự tiện lợi, sự an toàn của mình! Giáo hội luôn bênh vực, đề cao quyền sống của các thai nhi cũng như của bất cứ con người nào. Mời bạn luôn là chiến sĩ của sự sống con người.

Sống Lời Chúa: Qua cái chết từ thuở sơ sinh của các thánh Anh Hài, tôi tập có một cái nhìn đức tin về mọi việc xảy ra trong đời. Mọi việc được đón nhận trong đức tin, có thể đem lại sự trưởng thành và an bình cho tâm hồn tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đón nhận máu các thánh Anh Hài đổ ra là máu tử đạo. Xin thương bao trẻ thơ đang đau khổ trên khắp thế giới. Amen.