- Details
-
Category: 5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh
06/04/25 Chúa nhật tuần 5 mc – c
Ga 8,1-11
thay ném đá bằng lòng thương xót
“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá trước đi.” (Ga 8,7)
Suy niệm: Những kinh sư và người Pha-ri-sêu đang hung hăng, tay lăm lăm hòn đá chực ném chết người phụ nữ bị họ bắt quả tang ngoại tình, bỗng khựng lại, bị hố vì câu nói của Đức Giê-su: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá trước đi.” Họ bỏ hòn đá xuống và âm thầm rút lui vì họ nhận ra mình cũng chẳng sạch tội hơn ai. Chúa Giê-su không bảo người phụ nữ là vô tội, nhưng Ngài mở ra một con đường mới, con đường của lòng bao dung, thương xót; thay vì ném đá, Ngài tha thứ và mời gọi hoán cải: “Tôi cũng không lên án chị! Thôi chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa.” Chỉ có lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa mới có thể giúp người tội lỗi hoán cải và làm lại cuộc đời.
Mời Bạn: Chúng ta dễ theo tính tự nhiên thích ném những ‘hòn đá’ kết án cay nghiệt vào người khác. Điều đó không làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, mà trái lại càng làm cho lòng người thêm chai cứng và tội lỗi càng lan tràn cách tinh vi và hiểm độc hơn. Chúa Giê-su không dạy ta làm ngơ trước điều sai trái, nhưng dạy ta đổi cách nhìn: từ kết án sang thương xót và bao dung, từ tiêu diệt sang chữa lành và hoán cải. Đàng sau những lầm lỗi là những vết thương chưa lành, là những nỗi đau chưa được thấu hiểu. Hãy đặt viên đá xuống và đưa tay ra nâng đỡ. Điều đó sẽ giúp hướng thiện tâm hồn bạn cũng như tha nhân.
Sống Lời Chúa: Tập nhìn ra phương diện tích cực của tha nhân để mở ra cánh cửa dẫn đến sự hoán cải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con buông bỏ thái độ xét đoán nghiệt ngã anh em, thay vào đó là lòng bao dung thương xót của Chúa. Amen.
07/04/25 Thứ Hai tuần 5 mC
Th. Gio-an Bao-ti-xi-ta La-san, linh mục Ga 8,12-20
liên kết với ánh sáng
“Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8,12)
Suy niệm: Ánh sáng và bóng tối không thể cùng tồn tại. Nơi đâu có ánh sáng, nơi ấy bóng tối bị đẩy lui. Phúc Âm Gio-an ngay từ những câu đầu tiên đã giới thiệu Đức Giê-su là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là sự sống và là ánh sáng cho nhân loại (x. Ga 1,4). Đức Giê-su cũng tự nhận mình là ánh sáng chiếu soi thế gian tối tăm. Người chính là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,69), trước thánh nhan Người, ma quỷ khiếp sợ tháo lui (x. Lc 4,34). Theo Chúa là đi trong ánh sáng, và ánh sáng của Chúa là ánh sáng đem lại sự sống. Ai theo Chúa thì cũng nói không với tội lỗi. Người ấy sẽ nhận được sức mạnh để chiến thắng tội lỗi và được sống đời đời.
Mời Bạn: Nhờ bí tích Rửa tội, bạn trở thành con cái ánh sáng, là “ánh sáng cho trần gian”, bạn được mời gọi toả chiếu ánh sáng Chúa Ki-tô bằng đời sống chứng nhân của bạn, như “ngọn đèn đặt trên đế và soi chiếu cho mọi người trong nhà” Càng sống gắn bó mật thiết với Đức Giê-su là nguồn mạch của sự thánh thiện, bạn càng chu toàn sứ mạng chứng tá đó “để thiên hạ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,14-16).
Sống Lời Chúa: Giữ mối tương quan với Đức Giê-su ngày càng thân thiết hơn bằng đời sống cầu nguyện và thường xuyên lãnh nhận bí tích Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là nguồn Ánh Sáng thật. Xin cho chúng con biết tiếp nhận Chúa để từ đó chúng con toả chiếu ánh sáng của Chúa trên cuộc đời chúng con như mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời.
08/04/25 Thứ Ba tuần 5 mc
Ga 8,21-30
chiêm ngắm thập giá
“Khi các ông giương cao Con Người lên, bây giờ các ông sẽ biết rằng tôi hằng hữu.” (Ga 8,28)
Suy niệm: Chúa Giê-su đã tự mạc khải Ngài là Đấng Hằng Hữu, nhưng Ngài chỉ được người ta nhận biết như thế trong cuộc tử nạn: “khi các ông giương cao Con Người lên.” Con rắn bằng đồng được Mô-sê giương cao lên trong sa mạc là dấu hiệu chữa lành cho những người bị rắn cắn (x. Ds 21,4-9). Chúa Giê-su nhận hình ảnh đó ứng nghiệm vào mình để nói lên rằng Ngài nhất thiết phải chịu tử nạn mới thi triển được hết mức quyền năng cứu độ của Thiên Chúa và mới có thể triệt tận căn nọc độc của tội lỗi. Nếu như chỉ trên cây thập giá Đức Giê-su mới tỏ mình ra là Con Thiên Chúa, thì cũng chỉ khi nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, con người mới được ơn cứu độ.
Mời Bạn: Bạn có ngước mắt nhìn lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên cây thập giá thì cái nhìn của Chúa mới có thể thổi luồng sinh khí mới vào tâm hồn bạn. Bạn hãy để Ngài lôi kéo bạn lên thập giá để từ trên đó Ngài sẽ nâng bạn lên cùng Thiên Chúa.
Chia sẻ: – Bạn đã đón nhận thập giá Đức Ki-tô trong đời bạn thế nào? – Thập giá Chúa nâng bạn lên khỏi con người cũ tội lỗi thế nào?
Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn tìm một khoảng khắc thật riêng tư, thật sâu lắng để chiêm ngắm Chúa chịu đóng đinh và ôn lại những tâm tình Chúa soi sáng cho bạn trong 5 phút suy niệm này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su chịu khổ nạn, con muốn chiêm ngắm chịu treo trên thập giá, xin lôi kéo con lên thập giá với Chúa, để khi Chúa từ trong kẻ chết trỗi dậy, Chúa cũng nâng con lên, cho con thông phần sự sống mới trong cuộc phục sinh với Chúa.
09/04/25 Thứ Tư tuần 5 mc
Ga 8,31-42
sự thật sẽ giải phóng
“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” (Ga 8,31-32)
Suy niệm: Làm sao khỏi bệnh nếu trước hết không nhận rằng mình có bệnh? Làm sao nhận ra sự thật nếu mình đang ở trong sai lầm mà khư khư tin rằng sự sai lầm của mình chính là sự thật? Đó là tình cảnh trớ trêu của những người Do-thái thính giả của Đức Giê-su. Họ ỷ lại về tư cách dòng dõi Áp-ra-ham của mình, họ tự hào mình chưa bao giờ làm nô lệ cho ai. Mấy tiếng “nô lệ”, “tự do” chỉ gợi cho họ nghĩ đến những mặt nào đó khác chứ không gợi được mặt tâm linh, mà chính khía cạnh tâm linh này mới là tiêu điểm Đức Giê-su muốn đề cập!
Mời Bạn: Nội tâm hóa sứ điệp thật rõ ràng của bài Tin Mừng hôm nay: Lời Chúa là sự thật và sự thật sẽ giải phóng chúng ta! Tự do về chính trị, xã hội, kinh tế, v.v… quả rất cần, nhưng sẽ trở thành vô nghĩa nếu ta tiếp tục ở trong tình trạng nô lệ cho tội lỗi. Không phải chỉ cặp “nô lệ/tự do”, mà mọi tính từ khác trong từ điển được chúng ta dùng mô tả tình trạng của mình chỉ có ý nghĩa đích thực khi chúng được đặt nền trên Lời Chúa là sự thật. Giàu/nghèo, mạnh/yếu, khôn/dại, tốt/xấu, thành công/thất bại… chiếu theo Lời Chúa, có thể rất khác xa hay thậm chí ngược hẳn với ý niệm thường tình của chúng ta!
Sống Lời Chúa: Trong cái nhìn của Chúa, bạn còn đang nô lệ nặng nề nhất về điều gì? Hôm nay bạn quyết tâm ở thực hành Lời Chúa, để được giải phóng.
Cầu nguyện: Hát “Lắng nghe Lời Chúa” hoặc đọc: “Lạy Chúa, lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài là chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước.” Amen.
10/04/25 Thứ Năm tuần 5 mc
Ga 8,51-59
lời chúa là sức sống
Đức Giê-su nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8,51)
Suy niệm: Đã đến lúc Đức Giê-su nói rõ sự thật về Người, dù sự thật này có dẫn đến thập giá. Thật vậy, người Do-thái thấy những lời Đức Giê-su nói chứa đầy nghịch lý: – chưa được năm mươi tuổi mà lại “có trước Áp-ra-ham”; – ai tuân giữ Lời Chúa thì được sống thế mà “Áp-ra-ham đã chết, và các ngôn sứ cũng vậy”; – và còn cả gan xưng mình là “Đấng Hằng Hữu” nữa chứ! Đúng là ‘cái miệng hại cái thân!’: tuyên bố mình có Lời ban sự sống mà chính mình lại bị đóng đinh thập giá! Thế nhưng nghịch lý của thập giá chỉ được giải mã khi được đi đến tận cùng: khi chính Đấng chịu đóng đinh đã từ cõi chết sống lại.
Mời Bạn: “Cánh cửa để đi vào hạnh phúc không chỉ là những suy nghĩ tích cực, mà phải là năng lực chấp nhận thực tế” (J.Cazapinxki). Chúa mời gọi chúng ta giũ bỏ các định kiến để mở lòng đón nhận thực tế của Ngài, một thực tế bất ngờ thậm chí còn phi lý nữa. Ta cần trở nên khác – suy nghĩ khác, hành động khác. Chỉ khi chiêm ngắm Đức Giê-su chịu đóng đinh, ta mới cảm nghiệm được Lời Chúa là sức sống cho mình.
Mời bạn chia sẻ một lần cảm nghiệm Lời Chúa đem lại sức sống cho bạn.
Sống Lời Chúa: Trong những ngày chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, ta dành thêm thời giờ cho việc hồi tâm, tĩnh tâm; bớt những cuộc vui chơi giải trí sa đà, để hiệp thông với Chúa Giê-su trong cuộc khổ nạn và để cảm nghiệm hơn tình Chúa yêu ta.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con biết đón nhận thập giá trong đời con để nhờ đó con cũng nhận được sức sống của Ngài.” Hoặc hát: “Lời Ngài là sức sống của con…”
11/04/25 Thứ Sáu tuần 5 mc
Th. Ta-nít-la-ô, giám mục, tử đạo Ga 10,31-42
tin hay không tin?
“Nếu tôi làm các việc (của Cha tôi), thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc tôi làm.” (Ga 10,37-38)
Suy niệm: Cuộc đấu khẩu giữa Chúa Giê-su và biệt phái, kinh sư mà Tin Mừng thuật lại cho chúng ta mấy ngày nay đã lên đến cao độ. Chúa Giê-su sắp bị khai tử chung quy cũng chỉ vì Ngài xưng mình là Con Thiên Chúa. Không vì thế mà chùn bước, Chúa Giê-su trưng dẫn những dấu lạ Ngài làm như bằng chứng để thuyết phục họ. Nhưng kết cục thật đáng buồn, họ vẫn không tin. Nghịch lý thay! Kẻ thông thái am tường Kinh Thánh thì không tin, còn kẻ bình dân ít học lại tin vì “những lời Gio-an nói về Ngài đều đúng” (c. 41). Đức tin là ơn Chúa ban không, Ngài có ban thì con người mới được. Về phía con người, Chúa chỉ đòi họ tấm lòng thành, điều mà các kinh sư và biệt phái không có.
Mời Bạn: Ý thức đức tin mà bạn đang có hôm nay là do Chúa thương ban, và hết sức gìn giữ đức tin đến cùng, noi gương thánh Phao-lô: “Tôi đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7).
Chia sẻ: Cùng những người trong gia đình hay cộng đoàn của bạn rà soát lại niềm tin của mình. Điểm mặt những cạm bẫy đang hòng lôi kéo bạn ra khỏi niềm tin, để đề phòng kẻo vấp ngã.
Sống Lời Chúa: Thư gửi tín hữu Do thái đoạn 11 nói đến những mẫu gương đức tin: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng những điều ta không thấy...” Mời bạn đọc tiếp để xin Chúa ban cho đức tin của bạn thêm xác tín và vững mạnh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho con ơn đức tin. Xin cho con thành tâm tin tưởng, quyết bảo vệ đức tin đến cùng, biết thể hiện đức tin bằng hành động cụ thể, và luôn kiên vững trong niềm tin vào Chúa. Amen.
12/04/25 Thứ Bảy tuần 5 mc
Ga 11,45-57
chết thay cho toàn dân
Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha… nói rằng: “Các ông… chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” (Ga 11,49-50)
Suy niệm: Một số giải pháp của con người thời đại hôm nay không khác gì lối giải quyết của Cai-pha xưa, thoạt nghe rất hợp lý nhưng thực ra chúng che đậy một động cơ vừa phi nhân vừa ích kỷ. Với lập luận ‘thà giết chết một người để mọi người được cứu sống,’ Cai-pha nhân danh số đông để huỷ diệt một con người, nhưng thực ra ông ấy đang cố cứu lấy thế lực của mình. Hôm nay, người ta có thể nhân danh sự an ninh của mình để tiêu diệt một dân tộc; nhân danh sức khỏe cộng đồng để dùng một con người làm vật thí nghiệm; và để nâng cao mức sống, người ta dám khử trừ các thai nhi… Sự rách nát của lương tâm đang được che phủ bằng những lý lẽ thực dụng đầy hấp dẫn. Chúa Giê-su đã bị giết vì lối lập luận phi nhân của Cai-pha; ngày nay, trong những con người yếu kém, bé nhỏ, Người vẫn đang tiếp tục bị coi là ‘dê tế thần’ như thế.
Mời Bạn: Não trạng thực dụng có khi đang len lỏi một cách tinh vi vào cuộc sống của chúng ta. Tôi làm việc bác ái, đấu tranh cho công bằng khi điều đó có lợi hay ít là không có hại cho tôi. Ngược lại, biết đâu tôi cũng sẵn sàng chà đạp lên quyền lợi của người khác để bảo vệ quyền lợi của mình! Nhìn lại cách bạn giải quyết các vấn đề. Giải pháp của bạn có làm hại người khác không?
Sống Lời Chúa: Bạn xét mình và lãnh nhận bí tích Giao Hoà.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù con không đáng, nhưng xin Chúa cứ đến chọn hồn con làm nhà của Chúa ngự. Ở đó, xin Chúa điều khiển mọi lựa chọn của con và con sẽ đi trong đường lối Chúa.
- Details
-
Category: 5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh
23/03/25 CHÚA NHẬT TUẦN 3 MC – C
Lc 13,1-9
THỜI GIAN HOÁN CẢI
“Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó…”(Lc 13,9)
Suy niệm: Trên núi Khô-rếp, Thiên Chúa mời gọi Mô-sê tiến đến gần Người qua bụi gai bốc cháy. Nhưng để đến gần, ông phải “cởi dép ra” và “lấy khăn che mặt,” nghĩa là khi bước vào tương quan với Chúa, ông chấp nhận lột trần đôi chân, bỏ đi sự bao bọc, che dấu con người thật của mình. Thánh Phao-lô nhắc nhớ tín hữu Cô-rin-tô về của ăn, thức uống thiêng liêng phát xuất từ Đức Ki-tô, cảnh tỉnh họ về các chước cám dỗ luôn được lặp đi lặp lại trong thân phận con người, mà sống đẹp lòng Chúa hơn. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su khẳng định: không phải những người bị chết bất ngờ bởi tai nạn hay bị người khác sát hại là bởi họ ‘đáng’ phải bị như vậy, do họ tội lỗi hơn. Trong tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi sám hối. Mỗi người đều được trao cơ hội để “bắt đầu lại và lại bắt đầu.” Đức Giê-su vẫn đến để thăm nom vườn cây đức tin Ngài đã trồng trong tâm hồn mỗi người, tìm kiếm hoa thơm trái ngọt từ khu vườn này.
Mời bạn: “Nhờ niềm hy vọng được cứu độ, khi nhìn thời gian trôi qua, chúng ta tin chắc rằng lịch sử nhân loại và lịch sử của mỗi người không đi vào ngõ cụt hoặc vực thẳm tăm tối, nhưng hướng tới cuộc gặp gỡ với Đức Chúa hiển vinh” (Sắc chỉ Năm Thánh, số 19). Chúng ta sẽ phải làm gì nếu hôm nay Chúa Giê-su đến tìm hoa trái trong cuộc đời mình?
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm từ bỏ một tật xấu, và có cái nhìn tích cực về người khác để thấy được điều tốt nơi họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã luôn kiên nhẫn với con. Xin cho con đáp lại lòng thương xót của Chúa với tất cả tình yêu và lòng sám hối. Amen.
24/03/25 Thứ hai tuần 3 mc
Lc 4,24-30
điều kỳ diệu nơi cái quen thuộc
“Thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en thời ngôn sứ Ê-li-sa, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Sy-ri thôi.” (Lc 4,27)
Suy niệm: Sau khi tắm bảy lần ở sông Gio-đan, tướng Na-a-man được khỏi bệnh phong hủi, một trong các chứng nan y thời ấy. Thế nhưng, trước đó vị tướng này đã chê dòng sông Gio-đan nước không sạch, sông không lớn bằng các con sông ở Sy-ri, quê ông. Cái gì đã khiến dòng sông tầm thường kia đã trở thành dòng sông đem lại sự sống nếu không phải là lời của vị ngôn sứ, đại diện cho Chúa. Trong thời xuất hành chỉ nhờ vâng lệnh Chúa, cây gậy bình thường của ông Mô-sê gõ vào tảng đá lại có phép làm cho mạch nước vọt ra, giúp dân Ít-ra-en khỏi chết khát trong sa mạc. Cây gậy thô thiển kia, dòng sông Gio-đan tầm thường nọ lại chứa đựng sự sống, bởi vì có sự can thiệp của quyền năng Thiên Chúa.
Mời Bạn: Ngày nay cũng có bao điều nấp dưới dáng vẻ bình thường, không có gì hấp dẫn, nhưng lại chứa đựng cả một kho tàng quý giá, đó là Lời Chúa, bí tích, và nhất là Thánh Thể. Phải có cặp mắt đức tin, bạn mới thấy và nhận được sự sống đời đời từ những dòng chữ bình thường của Lời Chúa và từ những dấu chỉ bên ngoài quen thuộc của các bí tích.
Chia sẻ: Tôi cần có thái độ nào để nhận ra quyền năng Chúa và sự hiện diện của Ngài đằng sau các dấu chỉ tầm thường của các bí tích?
Sống Lời Chúa: Chuyên cần đọc và sống Lời Chúa, và siêng năng lãnh nhận bí tích bởi vì biết rằng đó thật sự là nguồn mạch đem lại sự sống đời đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở cho con mắt đức tin để con nhận ra Chúa nơi các dấu chỉ của bí tích, và nhận ra Chúa hiện diện nơi anh em con. Amen.
25/03/25 Thứ ba tuần 3 mc
Lễ Truyền Tin Lc 1,26-38
thiên thời, địa lợi, nhân hoà
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Ngài thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,28)
Suy niệm: Quan niệm đông phương nhìn vũ trụ nhân sinh theo nguyên lý tam tài: phải có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mới bảo đảm được sự thành đạt trong cuộc sống. Công trình cứu chuộc của Thiên Chúa cũng thế, Ngài chỉ sai Con Một Ngài đến khi cả ba yếu tố đó đều hội đủ: – “thiên thời”: “khi thời gian tới hồi viên mãn” (Ga 4,4); – “địa lợi”: trong dòng tộc Đa-vít, tại miền đất mà Chúa đã ban và trong lịch sử của dân riêng Ngài; và – “nhân hoà”: chỉ khi có lời thưa của Đức Ma-ri-a : “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Ngài thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” “Thiên thời, địa lợi” là do sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Còn yếu tố “nhân hoà” Chúa dành cho con người định đoạt.
Mời Bạn: Đặt biến cố truyền tin vào trong từng giây phút sống của mình, chắc chắn không phải là một sứ thần Chúa sẽ đến hỏi ý chúng ta. Thay vào đó, có thể là một người thân, một người bạn hữu, là một trong những người mà ta thường gặp hằng ngày, có khi là một người cơ nhỡ, khổ đau mà tình cờ chúng ta tiếp xúc. Phải có yếu tố “nhân hoà” của bạn thì Chúa mới có thể qua bạn mà đến với người khác đấy. Liệu bạn có thể thưa vâng như Mẹ, để ơn huệ và tình yêu Chúa lan truyền cho đời sống không?
Chia sẻ : Những yếu tố “thiên thời, địa lợi” cho việc loan báo Tin Mừng ngày hôm nay là phần Chúa; yếu tố “nhân hoà”, phần của bạn, bạn đã có chưa?
Sống Lời Chúa: Noi gương Mẹ, bạn dành ít là 5 phút mỗi ngày để cầu nguyện riêng với Chúa, và tập thưa vâng với Ngài.
Cầu nguyện: Hát bài “Xin Vâng” hoặc đọc kinh Truyền Tin vào giờ trưa.
26/03/25 Thứ tư tuần 3 mc
Mt 5,17-19
đạo yêu thương
“Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn.” (Mt 5,17)
Suy niệm: Trong thời Cựu Ước, dân Do Thái xem Lề Luật Mô-sê như kim chỉ nam hướng dẫn đời sống đạo đức. Tuy nhiên, nhiều người giữ luật một cách hình thức mà quên đi tinh thần cốt lõi là yêu thương và phục vụ. Chúa Giê-su đến không phải để phá bỏ luật, nhưng để hoàn thiện bằng cách đặt tình yêu làm nền tảng và đỉnh cao của lề luật: tình yêu làm cho luật sống động và có ý nghĩa. Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta sống đạo không chỉ bằng việc thực hành các nghi thức, các việc đạo đức cách máy móc, mà còn bằng một trái tim yêu mến chân thành. Người nhấn mạnh rằng: “Ai tuân hành và dạy làm như thế, sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (c. 19). Chúng ta trung thành với giáo huấn của Người, không chỉ bằng cách giữ luật lệ, nhưng còn với tinh thần công chính, yêu thương và phục vụ tha nhân.
Mời Bạn: Chúa nhắc nhở bạn luôn biết sống cho tha nhân ngang qua việc tuân giữ những gì Người đã thiết định. Các giá trị Tin Mừng chỉ phát huy hiệu quả khi được thể hiện trong tinh thần bác ái của những người có tên là Ki-tô hữu. Bạn làm gì để thể hiện mình thuộc về giao ước mới?
Sống Lời Chúa: “Đạo của những người yêu nhau” chính là danh hiệu mà người Việt nam xưa đặt cho các cộng đoàn tín hữu đầu tiên trên quê hương mình. Hãy tâm niệm điều đó, để thể hiện đúng bản chất của đạo Công giáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống theo Lời Chúa bằng tình yêu và lòng chân thành. Xin cho chúng con trở thành chứng nhân của Tin Mừng qua lối sống đậm chất yêu thương mỗi ngày. Amen.
27/03/25 Thứ năm tuần 3 mc
Lc 11,14-23
về phe ai?
“Ai không đi với tôi là chống lại tôi.” (Lc 11,23)
Suy niệm: Dân Do Thái được Thiên Chúa ưu ái chọn là dân riêng, ban cho lề luật để họ sống giao ước với Ngài. Thế nhưng, họ nhiều lần vi phạm giao ước ấy. Bước vào thời Tân Ước, Thiên Chúa lại ban cho họ chính Con Một là Chúa Giê-su, Đấng đã làm bao phép lạ kỳ diệu, mặc khải bao điều bí nhiệm của Thiên Chúa. Thế nhưng, họ vẫn không tin, từ chối vị Thiên Chúa–làm người. Nhìn vào Dân Chúa ngày xưa, ta thấy mình cũng có nhiều nét giống họ. Chúng ta đang đi theo Chúa, mang danh hiệu là Ki-tô hữu. Nhưng lắm khi chúng ta đối nghịch với Chúa qua cung cách nghĩ suy, nói năng, hành động. Có thể hằng ngày ta vẫn tham dự Thánh lễ, đọc kinh, giữ luật, nhưng đời sống ta lại chưa làm dậy chút nào chất men Tin Mừng, chẳng thể hiện chút gì tình bác ái với tha nhân: vẫn cãi vã, tham sân si, ăn thua đủ, gian dối, thậm chí gạt Chúa qua một bên khi đụng chạm đến quyền lợi mình. Chúng ta theo Chúa, nhưng có lẽ chỉ theo xa xa, chưa quyết liệt, chẳng triệt để nhiệt tình theo Ngài.
Mời Bạn xem thử đời sống của mình cho thấy bạn đang về phe nào? Chúa hay là ma quỷ, bản thân mình hay tìm cách đẹp lòng Chúa như người con thảo?
Sống Lời Chúa: Dám sống hết mình với Tin Mừng Nước Trời, cho dù chịu nhiều thiệt thòi, mất mát.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, là môn đệ Chúa, nhưng chúng con chưa sống theo Lời Chúa dạy, chọn mình hơn là chọn Chúa trong chọn lựa hằng ngày. Xin cho chúng con, trong mùa Chay thánh này cũng như suốt cuộc đời, dám quyết liệt, triệt để tiến lại gần Chúa, mạnh mẽ sống niềm tin của mình trong đời sống hằng ngày. Amen.
28/03/25 thứ sáu tuần 3 mc
Mc 12,28b-34
MẾN CHÚA VỚI CẢ CON NGƯỜI
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” (Mc 12,30)
Suy niệm: “Tình yêu Thiên Chúa không dành cho những ai xứng đáng được thương yêu, nhưng tình yêu ấy tạo ra những người xứng đáng để được yêu thương” (M. Luther). Chúa đòi hỏi ta yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực mình, một đòi hỏi không dễ dàng chút nào, bởi vì đòi ta đến bốn chữ “hết,” nghĩa là không được nửa vời, qua loa. Để vâng lời Ngài, ta phải vận dụng trí hiểu để biết Ngài là ai, nhất là, là ai đối với mình, đã làm gì cho mình từ thuở xa lắc xa lơ, để rồi đi vào mối tương quan với Đấng là số một trong đời ta. Từ cảm nhận hiểu biết ấy, trái tim ta lay động, gắn bó thân thiết với Ngài trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Khi ấy, ta mới nhận ra yêu mến là điều răn đứng đầu, và mọi sự ta làm mới được thúc đẩy bởi lòng yêu mến.
Mời Bạn: Đứng trước đại dương bao la, bạn thấy bờ, không nhìn ra bến, nhưng bạn biết phải có một bờ bến bên kia đại dương. Cũng vậy, hôm nay bạn nhận ra từ đầu Chúa đã yêu thương bạn như thế nào, bạn cũng tin chắc tình yêu ấy sẽ đưa bạn đến bến bờ nào. Trên trần thế này, bạn luôn sống đức trông cậy, hy vọng vào một Thiên Chúa yêu thương và rốt cuộc, đưa dẫn bạn đến hạnh phúc muôn đời với Ngài.
Sống Lời Chúa: Tôi đáp lại mệnh lệnh yêu thương của Chúa bằng cách dâng ngày mới cho Ngài khi thức dậy, xin Ngài giúp mình luôn tìm cách đem lại nụ cười cho Ngài ngày hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã bày tỏ tình yêu Chúa dành cho con. Xin cho con yêu mến Chúa với trọn con tim, cả con người mình. Amen.
29/03/25 Thứ bảy tuần 3 mc
Lc 18,9-14
như thế là cầu nguyện
Chúa Giê-su kể dụ ngôn sau đây: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế…Người này thì được nên công chính, còn người kia thì không.” (Lc 18,9-14)
Suy niệm: Lên đền thờ để cầu nguyện, đó quả là một việc tốt, không có gì phải phàn nàn. Thế nhưng vấn đề là ở cách cầu nguyện của họ. Người thứ nhất, thuộc nhóm Pha-ri-sêu, các việc ông làm thật là tuyệt. Ông còn làm quá cả những điều luật buộc. Nội dung lời cầu có vẻ giống như một bản báo cáo thành tích; nhưng thiết tưởng, như thế chẳng có gì là sai. Ông chỉ có thiếu một tấm lòng. Thiếu tấm lòng với Thiên Chúa: xem ra Ngài mắc nợ ông vì những điều ông “làm cho” Chúa. Và cũng thiếu cả tấm lòng với đồng loại: ông tự xếp hạng mình trổi vượt chứ “không như tên thu thuế kia”. Còn người thứ hai, một người làm nghề thu thuế, ông không có gì để báo cáo ngoại trừ tội lỗi, nghĩa là ông là người mắc nợ: mắc nợ tha nhân – dĩ nhiên, vì ông làm nghề thu thuế cơ mà – và mắc nợ cả Thiên Chúa: thì chính ông cầu nguyện đó: “Xin thương xót con vì con là kẻ có tội”. Chúa Giê-su không hề định nghĩa cầu nguyện là gì, nhưng qua cách đánh giá của Chúa chúng ta hiểu rằng “như thế mới là cầu nguyện”.
Mời Bạn: Bạn có cảm thấy mình có nhu cầu phải cầu nguyện, nghĩa là cảm thấy mình cần xin Chúa thương xót mình, cần nối lại mối dây thân tình với Chúa?
Chia sẻ: Xin bạn chia sẻ một kinh nghiệm cho thấy việc cầu nguyện giúp bạn gặp gỡ Chúa và tha nhân.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy dành ít phút, trước Thánh Thể càng tốt, để cầu nguyện với những tâm tình của người thu thuế kia.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi.”
30/03/25 chúa nhật tuần 4 mc – c
Lc 15,1-3.11-32
cảm nghiệm tình cha bao la
Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương, ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. (Lc 15,22)
Suy niệm: Mãi đến khi tuột dốc xuống dưới đáy cuộc đời trác táng, thấy mình bị đánh giá không bằng một con heo, thì người con bỏ nhà đi hoang mới nghĩ đến Cha để trở về, chỉ xin làm đầy tớ cho Cha, mong giải quyết cái bụng cho khỏi đói. Nhưng anh không ngờ TÌNH CHA lại quá bao la! Cha không giận dữ vì sự hoang đàng, bất hiếu và ích kỷ của anh, trái lại Ông đã đứng sẵn chờ đợi anh tự bao giờ. Anh không kịp nói hết lời xin lỗi thì Cha đã âu yếm ôm chầm lấy anh, hôn lấy hôn để, và ân cần làm tất cả những gì có thể để phục hồi chức vị quý tử cho anh. Anh vui sướng và hạnh phúc đến ngỡ ngàng. Chính lúc cảm nghiệm được tình Cha bao dung vượt quá tính toán hẹp hòi ích kỷ của anh, anh mới thực sự trở về với Cha.
Bạn ơi, ngay cả trong cơn khốn cùng và bất hạnh khi đời mình đi vào ngõ cụt của tội lỗi, thì cánh cửa nhà Cha vẫn mở rộng miễn là bạn tin vào tình Cha bao dung và trở về với Ngài. Phải chăng ta đã tính toán hẹp hòi ích kỷ khi lìa bỏ Cha đi hoang trong tội lỗi rồi lại vẫn tiếp tục cứng lòng không chịu hoán cải trở về? Lời Chúa nhắc nhở ta đừng để đến lúc cùng đường nhưng cứ đánh liều mau mắn trở về làm hoà trong bí tích hoà giải để cảm nghiệm được tình Chúa bao dung và được ơn hoán cải thực sự.
Chia sẻ: Có khi nào bạn cảm nghiệm được tình Chúa bao dung khi đến với bí tích hoà giải chưa?
Sống Lời Chúa: Ý thức sống hoán cải để luôn cảm nghiệm tình thương Chúa.
Cầu nguyện: Chúa ơi, thành công và thất bại của con chỉ có ý nghĩa khi con biết cần đến tình Chúa yêu thương.
31/03/25 thứ hai tuần 4 tn
Ga 4,43-54
SỰ SỐNG CỦA ĐẤNG PHỤC SINH
Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về. (Ga 4,50)
Suy niệm: Câu chuyện viên sĩ quan trong Tin Mừng hôm nay thật gần gũi với ta trong cuộc sống. Ai từng làm cha làm mẹ lại chẳng có lần lo lắng tìm thầy chạy thuốc khi con cái đau ốm, nhất là khi đau bệnh nặng. Do đó, ta hình dung niềm vui lớn lao của ông cũng như của cả gia đình khi con mình được Đức Giê-su chữa lành từ xa một cách kỳ diệu. Thế nhưng, cậu con trai được chữa lành ấy lớn lên, lập gia đình, có sự nghiệp, con cái, và rồi một ngày kia sức tàn cũng sẽ qua đời. Khi phục hồi sự sống thể lý cho cậu con trai viên sĩ quan, Đức Giê-su cho thấy nơi Ngài có tràn đầy sự sống, sự sống hôm nay và đặc biệt sự sống muôn đời. Đó là điều bảo đảm cho sự phục sinh của mỗi người chúng ta. Thế nên, “ông và cả nhà ông đều tin Ngài”.
Mời Bạn: Bạn chăm lo cho cuộc sống hôm nay: công ăn việc làm, nhà cửa, tiện nghi, ngoại hình, sức khỏe… Nhưng đừng quên rồi mọi sự cuộc đời này sẽ qua đi, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước tiên trong mọi sinh hoạt đời thường, đó là giá trị trường tồn của đời bạn. Muốn vậy, hãy sống mối tương quan gắn bó với Chúa, quảng đại bao dung với người chung quanh, cũng như tìm được sự an bình trong tâm hồn.
Sống Lời Chúa: Khởi đầu ngày sống, tôi dâng ngày mới cho Chúa, xin Ngài thánh hóa, cũng như xin Ngài giúp cho mình luôn hướng về cùng đích tối hậu của đời mình trong suốt ngày mới này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khi chữa lành bệnh tật thể xác, Chúa kêu gọi con tin vào Chúa để được sự sống đời đời. Xin cho con sống trong niềm cậy trông được sống đời đời với Chúa.