- Details
-
Category: 5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh
01/03/24 thứ bảy ĐẦU THÁNG tuần 7 tn
Mc 10,13-16
con đường đi tuổi thơ
“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là thuộc về những ai giống như chúng.” (Mc 10,14)
Suy niệm: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mượn lăng kính của một người ngấp nghé tuổi ngũ tuần “xin một vé đi tuổi thơ” để nhìn lại những nét hồn nhiên xinh đẹp của tuổi hoa niên đã qua của mình. Chúa Giê-su cho biết tuổi thơ đích thực không phải ở phía sau mà còn đang ở phía trước; đó là tình trạng mỗi người phải đạt tới nếu muốn được đón nhận vào Nước Trời, bởi vì Ngài nói: “Nước Thiên Chúa là thuộc về những ai giống như trẻ thơ.” Chính vì thế Ngài đã “bực mình” khi các môn đệ ngăn cản trẻ em đến với Chúa. Chúa Giê-su không có ý nói đến thứ ‘trẻ thơ’, ỷ lại, ngây ngô, không hiểu biết. Ngài vạch ra cho chúng ta ‘con đường đi trẻ thơ’ bằng mẫu gương là chính con đường Ngài đã đi qua. Dù là Con Thiên Chúa, đầy thượng trí và quyền năng, Ngài đã buông bỏ tất cả, trở nên giống hẳn người phàm để hiến thân chịu chết trên thập giá. Tất cả những điều đó, Ngài đã thực hiện với tư cách Người Con, như một trẻ thơ hoàn toàn vâng phục, phó thác trong tay Thiên Chúa, Cha của Ngài (x. Pl 2,6-8).
Bạn thân mến, con đường đi trẻ thơ của chúng ta vẫn chưa đóng lại. Khi chúng ta bình tâm suy xét dưới ánh sáng của Lời Chúa, và với tất cả ý thức và tự do của mình, chúng ta chọn lựa đặt phó thác vận mạng đời ta trong tay Chúa để hoàn toàn thuận theo ý Ngài, lúc đó chúng ta đang trên đường đi đến tuổi thơ với Đức Ki-tô rồi đó.
Sống Lời Chúa: Mỗi tối kiểm điểm đời sống để định hướng xem mình có trệch khỏi con đường đến tuổi thơ không.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha chúng con, xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.
02/03/25 chúa nhật tuần 8 tn – c
Lc 6,39-45
rác người ta, xà mắt mình
“Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” (Lc 6,42)
Suy niệm: Hãy thử tưởng tượng một người mang đôi kính vấy bẩn rồi phàn nàn rằng mọi thứ xung quanh đều mờ đục. Thực ra, vấn đề không nằm ở xa bên ngoài mà là ở chính đôi kính anh ta đang đeo. Dùng một hình ảnh rất dí dỏm nhưng thật ý nhị: một người có cái xà to đùng trong mắt mà lại đòi lấy cái rác nhỏ xíu trong mắt người khác, Đức Giê-su dạy các môn đệ thay vì xét đoán tha nhân, trước tiên phải nhìn lại chính mình và sửa đổi bản thân trước đã. Thật vậy, khi tâm hồn bị lấp đầy bởi tính ích kỷ và kiêu ngạo, khi cái nhìn bị che khuất bởi thành kiến, thì mọi sự, từ nhận thức đến hành động của ta, đều trở nên méo mó sai lệch. Và nếu lấy cái sai lệch đó làm thước đo cho sự ngay chính thì hậu quả sẽ nguy hại khôn lường, vì “mù mà lại dắt mù” thì cả hai sẽ “sa xuống hố”.
Mời Bạn: Chúa không bảo ta đừng giúp anh em sửa lỗi, nhưng Ngài dạy rằng trước khi làm điều đó, ta cần khiêm tốn xét mình, thanh luyện bản thân để có cái nhìn trong sáng, bao dung thì lời nói của ta mới có sức thuyết phục và mang lại điều tích cực cho tha nhân.
Sống Lời Chúa: Thay vì lấy mình làm tiêu chuẩn xét đoán người khác, mỗi ngày bạn dành thời gian để xét mình dưới ánh sáng của Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhiều khi con dễ dàng phán xét anh em mà quên xét lại chính mình. Xin cho con biết khiêm tốn để nhận ra và sửa chữa những nết xấu của bản thân; xin cho con tấm lòng bao dung nhân hậu như Chúa để đón nhận tha nhân với tất cả những khuyết điểm lầm lỗi của họ và giúp nhau chữa lành những tật bệnh tâm hồn. Amen.
03/03/25 Thứ hai tuần 8 tn
Mc 10,17-27
tuân giữ giới răn và hơn nữa
“Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10,21)
Suy niệm: Người thanh niên này chẳng những giàu có, lại đạo đức, “tuân giữ các giới răn từ thưở nhỏ”; anh lại có thiện chí đến xin Đức Giê-su chỉ vẽ phải “làm thế nào để có sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Điều đó khiến Chúa “đem lòng yêu mến” anh. Nhưng Chúa lại bảo anh vẫn còn thiếu một điều. Chỉ còn một bước nữa là tới “kho tàng trên trời” ấy thế mà anh lại vuột mất kho báu vô giá ấy chỉ vì anh không thể đáp ứng được đòi hỏi thiết yếu của Chúa: “bán tất cả những gì anh có mà cho người nghèo”. Hoá ra, chỉ tuân giữ các giới răn mà thôi thì chưa đủ, còn phải biết chia sẻ “những gì mình có” cho những người túng nghèo đang cần đến.
Mời Bạn: Anh em dân tộc đánh bẫy khỉ phá hại nương rẫy bằng cách lấy trái bầu khô có khoét lỗ vừa bằng nắm tay, bên trong bỏ một ít hạt bắp hạt đậu. Con khỉ nào nắm đầy những đậu bắp không chịu buông bỏ sẽ bị kẹt tay trong trái bầu và đành bị bắt. Người ‘giàu’ không thể vào Nước Trời không phải vì nhiều của cải mà là vì không biết chia sẻ cho anh em túng nghèo; họ sẽ bị kẹt không thể lách qua “cánh cửa hẹp” dẫn vào Nước Trời.
Sống Lời Chúa: Mời bạn xét mình: Bạn có đang bo bo không chia sẻ một ít của cải cho người đang cần chút của ăn để sống qua ngày? Bạn có biết nói đôi lời an ủi cho người đang sầu muộn? Bạn có sẵn sàng làm điều gì đó để giúp người anh em được sống tốt hơn lên không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con biết cho đi mà không mong đợi đền đáp, để con được vào Nước Chúa ngay ở cõi đời này. Amen.
04/03/25 Thứ Ba tuần 8 TN
Th. Ca-si-mi Mc 10,28-31
phần thưởng theo chúa
“Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Mc 10,29-30)
Suy niệm: Phê-rô băn khoăn vì đã “bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa trấn an ông rằng sự từ bỏ đó không có nghĩa là mất tất cả. Ngài cho biết những ai từ bỏ của cải, gia đình “vì Đức Ki-tô và vì Tin Mừng” sẽ được Chúa ban lại gấp trăm ngay ở đời này. Nhưng điều gì cũng có cái giá của nó. Họ sẽ nhận được “sự ngược đãi”. Trong thực tế, họ thậm chí còn bị giết chết. Nhưng Chúa còn quảng đại gấp trăm ngàn lần. Ngài sẽ thưởng ban “sự sống vĩnh cửu đời sau” cho những ai từ bỏ mọi sự theo Ngài.
Mời Bạn: Có những lúc chúng ta bị giằng co khi chọn tin và đi theo Chúa thì phải từ bỏ lợi lộc, sự nghiệp ở đời này, thậm chí phải từ bỏ những gì thân yêu nhất, có khi cả mạng sống nữa. Tuy nhiên, Chúa chẳng để ta thiệt thòi trên đường theo Chúa. Ngài hứa ban cho ta gấp trăm ở đời này và gấp bội phần ở đời sống vĩnh cửu mai sau. Thánh Phao-lô đã truyền đạt cho chúng ta niềm xác tín đó: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8-9).
Sống Lời Chúa: Làm những hy sinh nhỏ thường ngày để sẵn sàng hy sinh từ bỏ lớn hơn “vì Chúa và vì Tin Mừng”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con vẫn còn hẹp hòi khi phải từ bỏ để theo Chúa. Xin cho con quảng đại dâng hiến cho Chúa tất cả cuộc sống con. Amen.
05/03/25 Thứ tư lễ tro
Mt 6,1-6.16-18
sống dưới ánh mắt của chúa
“Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá…Và khi cầu nguyện đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy… Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay.” (Mt 6,1-6.16-18)
Suy niệm: Chúa Giê-su đưa ra nguyên tắc căn bản về đời sống thiêng liêng: Mọi việc dù là đạo đức nhất đi nữa cũng chỉ có giá trị khi người ta làm vì Thiên Chúa: 1/ Bố thí không phải để quảng cáo chính mình. Một nghĩa cử chia sẻ chỉ trọn vẹn ý nghĩa khi được làm với một tình yêu cho không. 2/ Cầu nguyện, càng không phải việc làm cốt để cho người khác nhìn thấy, dù là cầu nguyện chung với người khác, nhưng là chuyện gặp gỡ riêng tư với Thiên Chúa là Cha, Đấng thấu suốt mọi tâm can con người. 3/ Cũng thế, ăn chay đích thực là thống hối, lột trần mình trước mặt Chúa, thấy mình là hư không trước mặt Người.
Mời Bạn: Mở đầu mùa Chay, tìm lại ý nghĩa đích thực của việc sống đạo: Cầu nguyện mà không gặp Chúa, ăn chay mà không sửa mình, bố thí mà không có lòng bác ái thì chỉ là thỏa mãn với mặt nạ thánh thiện mà thôi. Bạn đã có dự kiến gì để sống thật thân thiết với Chúa 40 ngày mùa chay này chưa?
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn dành ít là 5 phút cầu nguyện riêng một mình bạn với Chúa, và làm một việc bác ái với một người mà bạn không ưa thích.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tận dụng thời gian thuận tiện là mùa chay này để đổi mới đời sống đạo của chúng con bằng cách luôn sống dưới ánh mắt âu yếm của Chúa. Amen.
06/03/25 Thứ năm đầu tháng sau lễ tro
Lc 9,22-25
theo chúa: từ bỏ và hy sinh
Đức Giê-su nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23)
Suy niệm: “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô”, câu thơ của Tào Tùng thời Đường (Trung Quốc) diễn tả tâm trạng ngậm ngùi của vị tướng chiến thắng khải hoàn trong vinh quang nhưng với cái giá phải trả là hằng vạn binh sĩ của ông đã phải phơi xương tại trận tiền. Quả thật, Chúa không hứa hẹn cho những kẻ theo Ngài một cuộc sống dễ dàng, được giàu sang phú quý nơi trần thế, mà trái lại phải chấp nhận hy sinh, gian khổ, và kể cả cái chết. Mặt khác, Ngài không phải là vị tướng ‘sát quân, thí tốt’ khi kêu gọi “ai muốn theo tôi, phải bỏ mình vác thập giá mình mà theo”. Nhưng, trước khi yêu cầu điều đó, Ngài báo trước chính Ngài “sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị loại bỏ, bị giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Chính Ngài đã đi trước chúng ta trên con đường khổ giá đó, và mời gọi chúng ta vác thập giá theo Ngài, cùng chết với Ngài và sẽ được cùng Ngài sống lại.
Bạn thân mến, đi theo Đức Ki-tô là đi vào con đường từ bỏ và hy sinh. Đó là “từ bỏ chính mình”, nghĩa là từ bỏ lòng tự mãn, ý riêng, từ bỏ những đam mê bất chính đối nghịch với Tin Mừng. Đồng thời, đó cũng là “vác thập giá mình hằng ngày”, là hy sinh, đón nhận những lao nhọc vất vả, bệnh tật… trong cuộc sống, với những thách đố của đức tin. Bạn có sẵn sàng từ bỏ và hy sinh để bước theo Ngài không?
Sống Lời Chúa: Thực hành hy sinh qua thái độ vui tươi nhẫn nhịn trước sự khó chịu, xúc phạm người khác gây ra.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết từ bỏ tính ích kỷ, để chúng ccon quảng đại đón nhận tha nhân dù họ vẫn còn những khuyết điểm khó thương.
07/03/25 Thứ sáu đầu tháng sau lễ tro
Th. Pe-pê-tu-a và Phê-li-xi-ta, tử đạo Mt 9,14-15
chay miệng, chay lòng
“Khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.” (Mt 9,15)
Suy niệm: Đối với người Do Thái, ăn chay là giảm bớt thức ăn, hoặc hơn thế, là nhịn ăn vào một số ngày qui định, có thể gọi đây là ‘chay miệng’. Môn đệ Gio-an Tẩy giả và những người Pha-ri-sêu quan tâm đến việc giữ ‘chay miệng’, và dựa vào đó để chất vấn tại sao các môn đệ Đức Giê-su không giữ chay giống như họ. Đáp lại, Chúa ví Ngài là chàng rể trong tiệc cưới và mọi người vì chàng mà vui mừng, không ai lại ăn chay lúc đó. Ngài nhắc nhở ‘chay miệng’ cần phải có ‘chay lòng’ nữa, nghĩa là thái độ khiêm tốn phó thác nơi Chúa và khao khát kết hợp với Đấng Ki-tô trong công trình cứu độ của Ngài. Nếu không có việc ‘chay lòng’ này, thì ‘chay miệng’ sẽ chẳng có ý nghĩa, chẳng có giá trị gì.
Mời Bạn: Việc ăn chay đối với người môn đệ Đức Ki-tô là đồng cảm với Ngài trong “ngày chàng rể bị đem đi”. Chính vì thế, việc ‘chay lòng’ là việc cần làm trong mọi thời điểm của cuộc sống Ki-tô hữu, cách riêng trong mùa Chay để ăn năn sám hối, nối lại tình thân với Chúa và tham gia vào cuộc khổ nạn và phục sinh với Ngài. “Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức…”, và làm việc bác ái giúp kẻ khốn cùng… đó là những việc tích cực mà ngôn sứ I-sai-a kêu gọi thực hiện cùng với việc ăn chay (Is 58,6-7).
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn ý thức làm những việc lành tích cực để thực hiện việc ‘chay lòng’ trong mùa Chay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa cho chúng con cơ hội trở về với Chúa qua việc giữ ‘chay miệng’ cũng như giữ ‘chay lòng’. Xin cho chúng con biết dừng lại sau những ngày bận tâm bận trí với cuộc sống để nhìn ra mùa Chay quả là mùa hồng phúc.
08/03/25 Thứ bảy đầu tháng sau lễ tro
Th. Gio-an Thiên Chúa Lc 5,27-32
trước tiên hãy sám hối
“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Lc 5,32)
Suy niệm: Có một người dự tòng thắc mắc: mình vốn sống lương thiện, nay tin Chúa, muốn theo đạo, có làm gì sai mà phải “sám hối”, phải “rửa tội”? Thắc mắc đó đi vào đúng trọng tâm của Ki-tô giáo. Thánh Gio-an Tẩy giả đúc kết lời rao giảng bằng lời kêu gọi: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,2). Và Chúa Giê-su khi khởi đầu rao giảng cũng lặp lại chính những lời này: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Vì thế mục tiêu của Chúa trong chương trình cứu độ là tìm kiếm những người tội lỗi, hay nói đúng hơn, là những người nhận biết mình tội lỗi và kêu gọi họ sám hối để được cứu độ. Và không chỉ rao giảng bằng lời, Chúa còn nêu gương bằng cách chính Ngài gánh lấy tội lỗi muôn người làm tội của mình để mà đền thay.
Mời Bạn: Việc đầu tiên người tông đồ phải làm để loan báo Tin Mừng là chính mình phải sám hối vì nhận thức được rằng mình là người có tội với Chúa và với tha nhân: có tội vì đã không tôn thờ Chúa như Chúa đáng được tôn thờ, đã không yêu thương tha nhân như tha nhân đáng được yêu thương; hơn nữa, phải cảm nhận được trong tội lỗi của tha nhân cũng có phần trách nhiệm của tôi: nếu tôi thánh thiện hơn thì những tội lỗi như thế có thể đã không xảy ra.
Chia sẻ : Cảm thức về tội lỗi như thế có phải là mặc cảm tội lỗi và làm suy giảm phẩm giá con người không?
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày và siêng năng lãnh nhận bí tích hoà giải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội.
- Details
-
Category: 5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh
16/02/25 Chúa nhật tuần 6 tn – c
Lc 6,17.20-26
nghèo là mối phúc
Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,20)
Suy niệm: Người đời tìm mọi cách để dành cho bằng được giàu sang, quyền thế, cho dù phải gây thù chuốc hận, cho dù phải gây ra những cuộc chiến tương tàn khốc hại… Đang khi đó, Chúa Giê-su lại coi nghèo là một mối phúc. Chắc chắn, Ngài chống lại thứ nghèo làm tổn thương nhân phẩm. Ngài muốn con người được sự giàu có vĩnh cửu: được cả Nước Trời làm gia nghiệp, chứ không phải thứ giàu có chỉ đem lại niềm hạnh phúc chóng vánh, tạm thời ở đời này. Để đạt được thứ giàu sang bền vững ấy phải biết làm cho mình nghèo đi những thứ của cải tạm bợ và giả trá. Nghèo có phúc là: – nắm giữ chức quyền nhưng không tham quyền cố vị trái lại phục vụ trong khiêm tốn; – làm ra của cải vật chất nhưng không bị lệ thuộc vào chúng, trái lại biết “hằng ngày dùng đủ” và cảm thông chia sẻ với nhau trong tình anh em. Nghèo như thế, chiến tranh, hận thù mới biến mất, và thế giới này chỉ còn có tình mến chan hoà. Nghèo như thế mới là mối phúc.
Mời Bạn: “Trong thế giới chúng ta, tiền, lợi nhuận, sự khao khát của cải vật chất phá hỏng mọi tương quan, đức nghèo chọn lựa cách tự nguyện trong đoàn kết và chia sẻ dạy ta lòng biết ơn và biết sống cách vô vị lợi, cậy trông và phó thác” (Sr Christianne, fmm). Lời chia sẻ đó có làm cho chúng ta suy nghĩ để sống nghèo như mối phúc của Chúa Giê-su không? Bạn hãy chia sẻ mục đích sống nghèo mà bạn sẽ chọn lựa.
Sống Lời Chúa: Trong tương quan với người khác, ta nghĩ đến cảm thông, chia sẻ thay vì tư lợi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin ký thác đường đời con cho Chúa. Amen.
17/02/25 Thứ hai tuần 6 tn
Bảy Thánh lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ Mc 8,11-13
niềm tin đích thực
“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” (Mc 8,12)
Suy niệm: Trong năm rao giảng, Chúa Giê-su làm không biết bao nhiêu phép lạ, mọi người đều xem thấy. Có những người “đã thấy và đã tin vào Ngài”. Thế nhưng, phải chăng phép lạ là bằng chứng không thể chối cãi về Thiên Chúa? Phải chăng hễ ai cứ thấy phép lạ thì chắc chắn phải tin? Thực tế không phải thế! Những người Pha-ri-sêu thấy phép lạ đã chẳng vu khống Đức Giê-su “dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun” để trừ quỷ đó sao (Mc 3,22)? Họ đòi Chúa phải làm “dấu lạ từ trời” theo ý họ, không phải để tin mà “để thử thách Người”. Chúa Giê-su đã không chiều theo đòi hỏi vô lối đó, Ngài không cho họ “một dấu lạ nào cả” ngoại trừ “dấu lạ Giô-na”, đó chính là dấu lạ của cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài.
Mời Bạn: Khi làm một phép lạ cho ai Chúa Giê-su đòi hỏi người ấy phải có lòng tin, dù lòng tin còn yếu kém (x. Mc 9,24); hay ít ra, phép lạ có thể khơi dậy niềm tin nơi người ấy. Niềm tin đích thực chính là sự phó thác hoàn toàn vào quyền năng vô cùng và tình yêu vô biên của Chúa. Nhờ đó, bạn có thể nhận ra Ngài vẫn làm phép lạ nơi bữa cơm gia đình của bạn, nơi những gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày của bạn. Và nhất là tại bàn tiệc thánh, nơi Đức Ki-tô vẫn làm hiện “dấu lạ Giô-na” qua hy tế Thánh Thể.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành ít phút tâm sự Chúa Giê-su hiện diện nơi Thánh Thể và xin ơn nhận ra dấu lạ của Ngài trong đời thường của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở lòng con để con nhận ra sự hiện diện của Chúa trong những điều bình dị của cuộc sống. Xin giúp con sống đức tin mạnh mẽ và làm chứng cho tình yêu Chúa.
18/02/25 Thứ ba tuần 6 tn
Mc 8,14-21
Chúa luôn ở bên tôi
“Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao?” (Mc 8,17)
Suy niệm: Chưa bao giờ Đức Giê-su đặt ra cho các môn đệ nhiều câu hỏi dồn dập như vậy. Rõ ràng Chúa có ý dùng hình ảnh ví von khi dặn dò các môn đệ “phải đề phòng ‘men’ Pha-ri-sêu và ‘men’ Hê-rô-đê”; thế mà các ông lại có cái nhìn hết sức thiển cận khi họ lo lắng vì quên dự trữ bánh trên thuyền khi đi biển. Đức Giê-su rất đỗi ngạc nhiên tưởng chừng như thất vọng với các môn đệ. Chỉ thiếu có vài chiếc bánh mà các ông đã cuống cuồng lên, trong khi đã bao lần họ từng chứng kiến Ngài làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Mới đó mà các ông quên rồi sao? Hơn nữa, vị Thầy đầy quyền năng đang ở bên họ mà họ lo lắng chuyện vặt vãnh như thế! Các ông còn chưa hiểu sao? Và nhất là, Chúa mời gọi các môn đệ đề phòng lối sống đạo đức giả của phái Pha-ri-sêu hay não trạng hưởng thụ vật chất của phe Hê-rô-đê thì họ chỉ bận tâm đến những nhu cầu thế tục. Chúa than thở: “Lòng anh em ngu muội thế sao?”
Bạn thân mến, Chúa vẫn hỏi chúng ta những câu hỏi đó khi chúng ta quá xao xuyên trước những lo âu của cơm áo gạo tiền, khi chúng ta muốn thoả mãn những nhu cầu hưởng thụ vật chất mà quên rằng “quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20), nơi Đức Ki-tô đang ngự trị bên hữu Thiên Chúa (x. Cl 3,1). Bạn sẽ trả lời sao với Chúa đây?
Sống Lời Chúa: Ôn lại những ơn lành Chúa đã ban để sống tâm tình tạ ơn và phó thác trong mọi giây phút cuộc đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một đức tin vững chắc, một đức cậy vững vàng, một lòng mến sắt son để con luôn trung thành với Chúa, vượt thắng mọi thử thách trong cuộc đời. Amen.
19/02/25 Thứ tư tuần 6 tn
Mc 8,22-26
để ngài chạm đến lần nữa
Chúa Giê-su lại đặt tay trên mắt người mù, anh trông rõ và khỏi hẳn. (Mc 8,25)
Suy niệm: Trong toàn bộ Tin Mừng, chúng ta thường thấy Chúa Giê-su chỉ cần quát một tiếng: “Im đi!” thì tức khắc sóng gió liền câm lặng (Mc 4,39); hoặc Ngài chỉ nói nhẹ nhàng: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh” là người mù ở Giê-ri-khô liền nhìn thấy được như lòng mong ước (Mc 10,52). Thế nhưng lần này, Ngài phải khá là vất vả: nhổ nước miếng vào mắt người mù ở Bết-xai-đa và đặt tay trên anh, thế mà anh chỉ có thể thấy lờ mờ. Phải đợi tới lần thứ hai Chúa đặt tay trên mắt anh, anh ta mới nhìn thấy tỏ tường. Quyền năng Chúa thì vô biên nhưng tội lỗi có khi đã “di căn” trầm trọng trong tâm hồn con người. Chúa vẫn nhẫn nại không mệt mỏi để chạm đến chúng ta, đặt tay trên chúng ta lần nữa, và lần khác nữa. Phần chúng ta muốn được Chúa chạm đến và chữa tận căn tật bệnh tâm hồn, không phải chỉ đến lãnh nhận ơn tha tội một lần là đủ mà phải kiên trì và nỗ lực để sám hối và thăng tiến mỗi ngày.
Mời Bạn: Bạn có chấp nhận thứ hoán cải nửa vời, để chỉ nhìn thấy tha nhân “lờ mờ như cây cối biết đi” thay vì nhìn họ rõ nét như những người anh chị em rất thân thương hay không? Hay bạn nản lòng buông xuôi trước những nết xấu thâm căn cố đế của mình? Xin bạn đừng ngại đến với Chúa trong bí tích hoà giải để Ngài chạm đến bạn lần nữa, và chữa lành bạn.
Chia sẻ: Chúa nhẫn nại và bao dung với bạn. Còn bạn đối với tha nhân thì sao?
Sống Lời Chúa: Sám hối về những tội mình cứ tái phạm nhiều lần và thành tâm đến lãnh nhận bí tích hoà giải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa. Xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. (Tv 50)
20/02/25 Thứ năm tuần 6 tn
Th. Phan-xi-cô Mác-tô và Gia-xin-ta Mác-tô Mc 8,27-33
xác thực trong lời loan báo
“Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đo.” Chúa Giê-su lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,28-29)
Suy niệm: Không phải hễ loan báo bất cứ thông tin nào về Chúa Giê-su cũng là thi hành sứ mạng truyền giáo. Đã từng có những lời loan báo sai lầm, khiến người nghe không thể gặp Chúa Giê-su đích thực. Thời các Tông Đồ, người ta bảo Chúa là Gio-an Tẩy Giả, là ngôn sứ Ê-li-a, hay là một ngôn sứ. Những lời này rốt cuộc đưa người nghe đến gặp một ai khác chứ không phải Chúa Giê-su. Thời nay cũng không thiếu những sai lầm như thế. ĐTC Gio-an Phao-lô II lưu ý trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu rằng “điều nghịch lý là phần lớn người Á châu có khuynh hướng nhìn Đức Giê-su, sinh ra trong phần đất Á Châu, như là một nhân vật Âu châu hơn là Á châu” (số 20). Theo ngài, sở dĩ Chúa Giê-su bị trình bày như xa lạ với Á châu là do một chuỗi dài lịch sử, các tín hữu đã không chú ý đến hoàn cảnh người nghe và văn hóa châu Á của họ. Việc thiếu học biết giáo lý cũng khiến người ta hiểu sai và loan báo sai về Chúa Giê-su.
Mời Bạn: Rất đông các tín hữu cho rằng chỉ cần học giáo lý để lãnh nhận các bí tích (Thêm Sức, Hôn Nhân…) là đủ. Tệ hơn nữa nhiều vị phụ huynh coi trọng việc cho con cái đi học thêm về văn hoá mà bỏ bê việc học giáo lý. Bạn làm gì để khắc phục tình trạng này?
Sống Lời Chúa: Ghi danh học lớp giáo lý hoặc bắt đầu tìm đọc một sách trình bày giáo lý của Hội Thánh Công giáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con chuyên cần học hỏi giáo lý, nhờ đó, con trình bày Chúa cách chính xác cho anh em con hiểu và sẵn sàng tin theo Chúa.
21/02/25 Thứ sáu tuần 6 tn
Th. Phê-rô Đa-mi-a-nô, giám mục, tiến sĩ HT Mc 8,34-9,1
điều kiện làm môn đệ
Khi ấy, Chúa Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại, Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mc 8,34)
Suy niệm: Đang khi vị tướng La Mã lừng danh Fabiô Maximô thảo luận với bộ tham mưu về chiến thuật đánh chiếm một vị trí quan trọng, thì một cố vấn đề nghị phương cách chiến thắng với số thương vong ít nhất có thể. Maximô nhìn thẳng vào vị cố vấn ấy và hỏi: “Thế ông có sẵn lòng làm một trong số ít người đó không?” Chúa Giê-su không phải là một vị tướng ngồi từ xa đùa giỡn với sinh mạng con người như những con tốt thí. Nếu Ngài đòi hỏi người ta phải đương đầu với điều gì, chính Ngài cũng sẵn sàng đi bước trước đối đầu với nó. Nếu Chúa Giê-su kêu gọi mỗi người chúng ta vác thập giá, bởi vì chính Ngài đã từng vác một cây như vậy.
Mời Bạn: Chúa Giê-su không mời gọi bạn theo Ngài bằng cách hứa hẹn một con đường dễ dãi, nhưng bằng cách thách đố bạn, khơi dậy chí khí đang ngủ trong tâm hồn bạn, cũng như đề nghị với bạn một con đường ngày càng gian khổ hơn, nhưng vươn cao hơn. Ngài không hứa hẹn sẽ làm cho đời bạn được dễ dàng hơn, nhưng sẽ giúp bạn trở thành vĩ đại hơn. Muốn trở thành môn đệ thật sự của Chúa Giê-su, bạn phải luôn luôn trả lời “không” với chính bản thân và đáp “vâng” với Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi xác tín: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ở với con lúc con gặp thử thách gian truân, để con có đủ sức mạnh và can đảm mà trung thành theo chân Chúa đến cuối hành trình trần gian này. Amen.
22/02/25 Thứ bảy tuần 6 tn
Lập Tông toà thánh Phê-rô Mt 16,13-19
“Abba!” [cha ơi!]
Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)
Suy niệm: Nhân vật Ben Hur trong bộ phim cùng tên đã thốt lên: “Tại sao Con Thiên Chúa không muốn làm vua Do Thái hở mẹ? Những điều kỳ diệu Ngài làm khiến con kinh ngạc. Chỉ cần một hơi thở của Ngài đủ hủy diệt sức mạnh Rô-ma. Thế mà Ngài lại từ chối sự trợ giúp của các binh đoàn, khiến bao gian lao trở thành vô ích? Chúng ta lại phải rên siết dưới sự bảo hộ của Rô-ma và để vũ khí mà ta khổ công rèn đúc phải rỉ sét ư?” Anh cũng như nhiều đồng hương đã thất vọng về Đức Giê-su, vì chờ đợi Ngài như Đấng Cứu Thế vinh quang bằng cách trừng phạt quân đội Rô-ma, mang lại phồn vinh cho trần thế qua sức mạnh chinh phục. Ngài quả thật là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đức Ki-tô Cứu Thế như Phê-rô tuyên xưng. Thế nhưng, Ngài còn là Người Con hiếu thảo với Cha, cả đời Ngài chỉ canh cánh một điều là làm đẹp ý Cha trong mọi sự. Thế mà ý Cha là sai Con mình đến, không phải để luận phạt, nhưng để cứu thế gian và để thế gian nhờ đó được sống dồi dào.
Mời Bạn: Bạn không tin Thiên Chúa cách chung chung như những tín đồ tốt lành của các tôn giáo khác. Bạn tin và đến với Thiên Chúa qua người Anh Cả là Đức Giê-su, Đấng là Thiên-Chúa-thần-linh, nhưng đồng thời cũng là con-người-xương-thịt như bạn. Nhờ sống trong tương quan thân thiết với người Anh Cả là Thiên Chúa và là con người, bạn gặp được Thiên Chúa và dám mở miệng gọi Thiên Chúa: “Abba!” “Cha ơi”.
Sống Lời Chúa: Xem lại cách tôi sống với Đức Giê-su như thế nào: gắn bó thân thiết như nên “một” với Ngài hay hờ hững qua loa? Và tìm mọi cách để Ngài thực sự sống trong tôi mỗi ngày.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.