6. Văn Hóa & Gia Đình

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - ĐƯA ÔNG TÁO VỀ TRỜI- 23 TẾT

  •  
    Hung Dao
     
    Jan 15 at 5:29 PM
     
     
     
     
    Subject: VAN HOA :Đưa ‘Ông Táo lên trời’ vì sao phải thả cá chép?
     

    Đưa ‘Ông Táo lên trời’ vì sao phải thả cá chép?

     
    Đưa 'Ông Táo lên trời' vì sao phải thả cá chép?
     

    Ngày 23 tháng Chạp ở một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc… là ngày lễ cúng Táo Quân hay Ông Công Ông Táo lên trời.

    Sự tích Ông Công Ông Táo ở các nơi có thể khác nhau đôi chút, cách cúng cũng khác nhau. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ bàn đến việc thả cá chép để làm vật cưỡi cho Táo Quân lên thiên đình. Tại sao lại là cá chép và nên thả cá chép như thế nào? Độc giả có thể xem đây là một gợi ý từ góc nhìn văn hóa.

    Tại sao lại chọn cá chép?

    Trong các loài vật trên cạn và dưới nước thì duy nhất cá chép có thể hóa rồng và bay lên trời được. Các con vật cưỡi khác như trâu, ngựa, voi… không thể bay lên trời. Có những linh vật của các vị Thần, Phật, Bồ Tát cũng có thể thăng thiên như trâu xanh của Đức Lão Tử, voi trắng của Phổ Hiển Bồ Tát, sư tử xanh của Văn Thù Bồ Tát… nhưng đó là cá biệt vì những con vật đó có uyên nguyên tức là có lai lịch sâu xa.

    Vậy chẳng phải các vị Táo Quân cưỡi chim có thể bay lên trời nhanh hơn ư? Còn tùy vào cách hiểu thế nào là “Trời”. Trời ở đây không phải là khoảng cách tương đối với mặt đất, mà là một không gian khác mà nói chung chỉ có các linh vật như rồng mới có thể bay đến được. Thế nên phải là cá chép.

    Cá chép hóa rồng như thế nào? Nó liên quan đến sự tích vua Đại Vũ trị thủy. Khi ấy, ngài có xẻ núi Long Môn để dòng Hoàng Hà hùng vĩ chảy xuyên qua đá tạo thành một ngọn thác sầm sập từ trên cao đổ xuống. Khi đối diện với ngọn thác cao vút hiểm trở này, chỉ có con cá chép phi thường mới có thể vượt qua được. Và khi qua được thì với phẩm chất ấy, nó có thể hóa rồng và bay lên trời.

    Cho nên, các vị Táo Quân nhất định phải chọn cá chép, không phải là loài vật nào khác.

    Cá Chép vượt Long Môn.

    Cách thả cá chép

    Bên cạnh ý nghĩa hiến vật cưỡi cho các Táo Quân, việc thả cá chép ngày 23 tháng Chạp có ý nghĩa phóng sinh, đó là lòng từ bi với chúng sinh của người Việt. Vì muôn vật có đức hiếu sinh, ông Trời cũng có đức hiếu sinh cho nên thả cá để phóng sinh thì chính là trên thuận ý Trời, dưới hợp lòng người. Thế thì, việc thả cá đã là mang ý nghĩa tâm linh quan trọng trong tâm thức bao đời người Việt chúng ta.

    Đã là một nghi lễ tâm linh thì rõ ràng cách thả cá như thế nào cũng rất quan trọng. Cá cần phải được thả sớm khi còn khỏe. Thái độ khi thả cá cũng cần xét đến, ấy là sự cung kính với Trời Đất, với Thần. Người ta bảo: “Người đang làm, Thần đang nhìn” hay “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Khi đã làm thì hãy đặt tâm làm cho trọn vẹn, đấy mới là điều các Thần chứng giám.

    Vậy thì không thể vứt tòm cá xuống nước cho xong việc, còn thì sống chết mặc bay. Thả cá vậy thì có thể đã tiễn cá về địa phủ, lên trời làm sao được? Cũng không được để cá trong túi ni lông rồi vứt cả túi xuống, cá cũng dễ chết, mà lại phá hoại môi trường. Thả cá đúng cách ấy là phải chọn chỗ nước lặng, nước trong, để cá trong hai lòng bàn tay mà nhẹ nhàng thả xuống nước.

    Vì thả cá chép mang nhiều ý nghĩa như vậy, nên thả cá sống thì hay hơn là đốt cá giấy. Việc đốt cá giấy suy diễn từ tục đốt vàng mã, vốn là một thay thế cho vật sống trong nghi thức tuẫn táng xa xưa, không phải hình thức nguyên thủy của nghi lễ thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp.

    Vì chỉ có ba vị Táo Quân (hai ông một bà) nên chỉ cần thả 3 con cá chép khỏe mạnh là đủ. Nếu thả ít hơn thì có lẽ các vị phải cưỡi chung chăng? Cũng không hợp lý.

    Đáng lên án nhất là việc đầu này thả cá, đầu kia bắt lại đem bán cho người khác thả và cứ thế. Ấy là làm nên tội, tội với Thần và tội với sinh linh. Cản trở, đánh lừa các Thần là một tội rất lớn sẽ phải chịu hậu quả không nhỏ, mà cá chép bắt lên bắt xuống thì sống sao được? Còn gì ý nghĩa phóng sinh nữa? Bản thân việc biến thủ tục thả cá chép từ một nghi lễ linh thiêng thành một hành vi trục lợi chính là phá hoại văn hóa, truyền thống và lòng tin của con người với nhau, với xã hội.

    Việc thả cá Chép mang ý nghĩa tâm linh trong tâm thức bao đời người Việt chúng ta.

    Nên thả cá chép ở một nơi phù hợp nhất: sông

    Có bạn đọc sẽ quan tâm rằng nên thả cá đi đâu? Theo thiển ý của chúng tôi thì phải thả ra sông. Ao hồ là miễn cưỡng. Lấy sự tích cá chép hóa rồng mà nói, chỉ có trên dòng chảy cuồn cuộn của dòng sông, nơi có những ghềnh thác hiểm trở thì cá chép mới có cơ hội để hóa rồng. Thả cá chép trong ao tù nước đọng thì cá chỉ quanh quẩn trong đó, hóa rồng sao được và bay đi đâu?

    Hơn nữa, dòng sông không chỉ là dòng sông, nó còn là dòng chảy của thời gian. Người ta theo dòng sông mà ngược về quá khứ, xuôi đến tương lại, ấy là trong chuyện xưa tích cũ. Dòng sông còn là con đường dẫn đến một thế giới khác cõi trần. Trong văn hóa Tây phương, con người khi chết phải đi qua một dòng sông Styx (hay Argon) để xuống đến âm phủ – đấy là chuyện được ghi lại trong Thần thoại Hy Lạp.

    Trong tuyệt tác Thần Khúc của đại thi hào Italia thời Trung Cổ là Dante Alighieri, Dante và nhà thơ Virgil phải dừng chân tại bờ sông Acheron, là các con sông mà các linh hồn phải vượt qua trước khi tiến vào địa ngục.

    Ở văn hóa Á Đông thì có dòng Vong Xuyên Hà, người ta vượt dòng sông này thì đến thế giới địa phủ. Trong truyện Tây Du Ký, vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân phải trở về dương gian qua đường sông Vị Thủy sau khi đi chơi âm giới ba ngày. Thầy trò Đường Tăng cũng phải vượt qua một con sông rồi mới đến đất Phật. Tại bến Lăng Vân có Tiếp Dẫn Phật Tổ đón đưa lên thuyền để vượt sông.

    Nói chung, dòng chảy của sông chính là con đường để đến một thế giới khác, có thể là thiên đàng hay Địa Phủ hay cõi Cực Lạc… Do vậy, cá chép cần thả ra sông mới có thể đưa Ông Táo lên trời chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế.

    Nơi phù hợp nhất để thả cá chép là dòng sông.

    Nét văn hóa đẹp cần trân trọng và lưu giữ

    Tục lệ thả cá chép ngày 23 tháng Chạp trong lễ cúng Táo Quân là một truyền thống đẹp mang ý nghĩa nhân văn của người Việt. Nhưng có lẽ việc tìm hiểu ý nghĩa của tục lệ này là cần thiết để chúng ta thêm trân trọng những di sản tinh thần của cha ông và lưu lại nét đẹp ấy cho các thế hệ tương lai. Văn hóa dân gian vốn có ít ghi chép, phần lớn căn cứ vào truyền miệng nên chúng tôi không dám khẳng định cách hiểu này là tuyệt đối chính xác. Do vậy, bài viết này chỉ là một sự quan sát cá nhân có tính gợi mở, với kỳ vọng khiến độc giả thêm yêu quý truyền thống văn hóa của dân tộc Việt.

    Ta hãy tạm biệt cá chép – loài cá thần, bằng bài thơ của “cá chép vượt đăng” của cụ nghè Nguyễn Khuyến:

    “Cá thần vùng vẫy vượt qua đăng,
    Được nước, nào ai dám rỉ răng?
    Cưỡi gió giương vây lên cửa Vũ,
    Xông mây rẽ sóng động vừng trăng,

    Giếc, rô ngứa vẩy khôn tìm lối,
    Trê, chuối theo đuôi dễ mấy thằng!
    Gặp hội hoá rồng nơi chót vót
    Đã lên, bay bổng tít bao chừng?”

    Bình Nguyên

     

    Nhân .Đ
     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - TẾT VIỆT NAM

Tết

Tết đến rồi Tết lại qua

Như nụ hoa nở rồi hoa lại tàn

Chỉ tình yêu Chúa chứa chan

Mùa xuân vĩnh cửu vượt ngàn thời gian.

 

             Năm hết Tết lại đến rồi, xung quanh nhà tôi đa số là lương dân nên tục lệ cúng kiếng vào cuối năm thật nhiều, nào là cúng đưa “ Ông Táo về trời” ngày hai ba, rồi hai lăm, hai tám cúng thần tài thần bếp…,ba mươi Tết thì bày mâm cỗ cúng rước ông bà đã chết về ăn…, rồi đốt vàng mã gửi về âm phủ…Vài gia đình công giáo chúng tôi nơi đây luôn cố gắng sống hòa đồng để làm chứng nhân cho Chúa giữa đời,nhưng không đồng lõa làm theo họ.

             Hôm nọ tôi đi lễ đã nghe Cha giảng: “ Một gia đình công giáo mới mua nhà dọn đến ở và xin Cha tới làm phép bàn thờ Chúa trong ngôi nhà của mình. Cha đã đem nước Thánh đến vảy khắp căn nhà và cầu nguyện, làm nghi thức công giáo đàng hoàng, ấy vậy mà ngay lúc đó người nhà họ mua về một ông địa thần tài, rồi lớn tiếng:

  • Cha ơi! Làm phép giúp ông địa này cho ổng ngồi dưới bàn thờ để đem tài lộc tới nhà con với.

Cha giật nảy mình…, lấy Kinh Thánh mở ra đoạn nói về Tiên Tri Hô-Sê khi lên núi cầu nguyện lâu giờ, đám dân ở dưới mất lòng tin đã hùa nhau lấy vàng bạc đúc nên tượng con bò vàng để thờ lạy nó. Vị Tiên Tri của Chúa sau đó xuống núi đã nhìn thấy và giận dữ quở trách họ thậm tệ, rồi bắt dẹp bỏ ngay đi tất cả các tượng thần ngoại lai…

         Cha nói: “ Không thể chấp nhận cho ngôi nhà người công giáo của chúng ta được phép thờ thêm tượng thần nào khác ngoài Thiên Chúa, không được mê tín dị đoan linh tinh vớ vẩn sẽ thành ra lạc giáo, không còn là người công giáo đúng nghĩa nữa”.

       Ngày Tết cổ truyền của người công giáo chúng ta rất đặc biệt và tròn đầy ý nghĩa, thường những ngày cuối năm, cả gia đình nhắc bảo nhau đi đến nhà thờ lãnh Bí Tích hòa giải, để có được tâm hồn trong sạch mừng đón Chúa xuân về. Thánh Lễ cuối năm và giữa đêm giao thừa trong tâm tình tạ ơn Chúa đã ban một năm qua an bình, cả nhà thường họp mặt bên nhau trong bữa cơm chiều cuối năm thật ấm áp đoàn kết thân tình.

      Mùng một Tết cả nhà đến Thánh Đường dự lễ đầu năm tạ ơn và dâng Chúa năm mới, hái lộc “ Lời Chúa” để biết vâng nghe, thực hiện điều Ngài dạy đặc biệt với ta trong năm mới 2020 này. Sau Thánh lễ cả cộng đoàn chúc tuổi Cha xứ, và mọi người vui vẻ chào nhau năm mới bình an. Trong gia đình luôn có truyền thống tốt đẹp: con cháu đến mừng tuổi ông bà cha mẹ, rồi tới cô dì chú bác anh em…

      Mùng hai Tết. Thánh Lễ đặc biệt cầu nguyện cho tổ tiên và thân hữu đã qua đời, hôm nay con cháu báo hiếu ông bà cha mẹ bằng việc đến dự lễ sốt  sắng tại nhà thờ hoặc ngoài nghĩa trang để dâng hương hoa…cầu nguyện cho tổ tiên, cho tất cả các linh hồn được Chúa đưa về trời hưởng tôn nhan Ngài. “ Người chết đâu còn biết ăn uống gì mà ta phải bày mâm cỗ cúng, món ăn vật chất mua bằng tiền ấy đem chia sẻ cho người nghèo khổ là thiết thực nhất”, khi bạn lương dân hỏi tôi đã trả lời như thế.

       Mùng ba Tết. Thánh lễ cầu nguyện cho công việc làm ăn Chúa ban tốt đẹp, cả nhà cùng nhau đi dự lễ trong tâm tình mến yêu, cậy trông tín thác xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc, cả nhà bình an. Đó là nguyện ước mà tất cả chúng ta ai cũng mong muốn và đặc biệt cầu nguyện trong những ngày đầu năm mới.

       Mùng bốn mùng năm mùng sáu Tết, các hội đoàn trong giáo xứ thường tổ chức đi hành hương kính Đức Mẹ, dịp đầu năm xin Mẹ ban ơn lành hồn xác, đồng thời đến thăm viếng những nhà hưu của các Cha già yếu, các Nhà Dòng, các mái ấm tình thương…

Tết đến rồi Tết lại qua

Như nụ hoa nở rồi hoa lại tàn

Chỉ tình yêu Chúa chứa chan

Mùa xuân vĩnh cửu vượt ngàn thời gian.

BCT

Canh Tý 2020

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts

 
 

VAN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - THƯ GIÁNG SINH

  •  
    Tracy NGuyen <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.>
    To:Nguyen Dinh
     
    Dec 30 at 9:35 PM
     



    Lá thư gửi lạc: Ấm áp tình người lễ Giáng Sinh

     

     

    Chiều hôm ấy, hơn một tuần trước lễ Giáng Sinh, bà Ann bước ra sân sau ngôi nhà của hai ông bà để thăm vườn tược mùa đông thì phát hiện một vị khách không mời mà đến. Một quả bong bóng màu đỏ tươi bay là là trong vườn nhà. Bà đi theo cho đến lúc bong bóng bị vướng vào cành cây thông và không bay được nữa.

    Bà Ann đọc thấy hàng chữ trên quả bong bóng: “Merry Christmas!” (Giáng Sinh an lành). Bà cũng trông thấy một phong bì nhỏ buộc vào sợi dây cột quả bóng. Gỡ được sợi dây, cầm trên tay chiếc phong bì, bà đọc được dòng chữ “Gửi đến bố ở trên Thiên Đường”. Bên trong là lá thư, với nét chữ nguệch ngoạc của một đứa trẻ con.

    Bố ơi,

    Con viết thư này để nói với bố là con nhớ bố lắm. Bố vẫn khỏe chứ ạ? Bố nhớ uống thuốc bổ nhé. Mẹ nói với con là ở trên ấy bố vui lắm, có chuyện gì vui bố kể con nghe nhé! Mấy hôm nay trời lạnh quá, có tuyết rơi nữa. Trên bố có lạnh không? Tuần sau là lễ Giáng Sinh rồi, và tháng sau là sinh nhật của bố đấy, bố có nhớ không?

    Con ước gì có bố ở đây. Nếu bố xin về thăm nhà được một ngày, mẹ và con sẽ vui lắm. Con ghi ra đây những món quà mà con thích: giày Nike, khối rubik, bộ đồ chơi lego, bút màu và truyện tranh khủng long. Nếu bố không có đủ tiền thì mua cho con một hay hai thứ cũng được ạ.

    Bố cho con gửi lời thăm bà nội nhé. Nhận được thư này, bố nhớ viết trả lời con, và đặt ở dưới gối của con nghe bố!

    Con yêu bố, yêu mẹ.

    Con trai của bố,

    Ben

    Chúc bố Giáng Sinh vui vẻ trên Thiên Đường.

    Bà Ann lặng người đi. Bà cầm mãi lá thư trên tay, ngẩn ngơ, không biết phải làm gì. Một lúc sau bà cầm quả bong bóng và lá thư trở vào nhà, tìm Dick, ông chồng bà, đưa cho ông xem lá thư gửi lạc địa chỉ. Ông Dick giải quyết nhanh hơn bà tưởng. Ông bảo bà Ann viết thư về địa chỉ người gửi ở Tacoma ghi trên phong bì, báo tin đã nhận được thư này và muốn tiếp xúc với người nhà của cậu bé tên Ben.

    Sau đó hai ông bà bàn bạc với nhau sẽ làm gì nếu liên lạc được với mẹ của cậu bé. 

    Bà Ann mang quả bóng đỏ có hàng chữ “Merry Christmas!” màu vàng vào trước cửa nhà.

    “Ðây là lời chúc Giáng Sinh đến sớm nhất, và cũng sẽ mang đến cho chúng ta những điều may mắn”, ông Dick nói với vợ. Ông nhớ tới cuốn phim The Red Balloon với câu chuyện chiếc bong bóng đỏ kỳ diệu mà ông đã xem và say mê khi còn bé.

    Buổi sáng cùng ngày, ngồi bên cạnh Ben, Kate chăm chú nhìn con trai đang nắn nót viết từng chữ lá thư gửi cho bố.

    “Con muốn viết sao thì viết”, cô nói. “Viết dài dài một chút, bố rất thích đọc thư con”.

    Viết xong, Ben đưa cho mẹ đọc lại. Kate đọc xong, khen con viết thư hay, rồi quay mặt đi không cho Ben nhìn thấy những giọt nước mắt. Cô đưa cho Ben cây bút để viết tên người nhận và địa chỉ người gửi lên phong bì, rồi cho lá thư vào và dán con tem có hình ông già Noel lên bì thư. Xong, cô cuộn tròn phong thư, buộc chặt vào sợi dây của quả bong bóng bay màu đỏ tươi. Ben cầm chặt sợi dây, theo mẹ bước ra khoảng sân trống sau nhà. Cả hai cùng cúi đầu lâm râm cầu nguyện cho lá thư đi nhanh để bố Ben sớm nhận được. Sau đó, hai mẹ con cùng nhau đếm ngược từ 10 đến 1.

    “… 3, 2, 1. Thả sợi dây ra đi, Ben!”.

    Ben buông tay. Quả bong bóng khẽ rùng mình, nghiêng đầu qua trái, qua phải như chào từ biệt mẹ con Ben rồi nhấc mình bay vụt lên như chú chim sổ lồng. Vướng vào một tàn cây cao, quả bóng nhẹ nhàng lách ra, bay tiếp, bay mãi lên không trung. Hai mẹ con ngước mắt dõi theo quả bong bóng đỏ bềnh bồng nơi xa tít, đến lúc chỉ còn một chấm nhỏ li ti trên nền trời xanh mây trắng bao la. Ben đứng nhìn theo, nhìn theo mãi cho đến khi quả bóng bay hoàn toàn mất dấu…

    Chiều nào đi học về Ben cũng hỏi mẹ có tin gì của bố không. Hai ngày sau khi lá thư được gửi đi, Kate nhận được một phong thư với nét chữ lạ, ghi tên người nhận là “Mẹ của cháu Ben”. Cô mở ra đọc. Bức thư ký tên Ann, bảo rằng lá thư của Ben gửi cho bố thay vì bay vào cổng Thiên Ðường thì lại bay lạc vào “Vườn Địa Đàng” của vợ chồng bà ở thành phố Bellevue. Người gửi cho số điện thoại và ngỏ ý muốn được nói chuyện với mẹ của Ben.

    Kate lặng người đi một lúc. Như vậy là ngoài hai mẹ con cô, bây giờ có thêm ít nhất hai người nữa biết được câu chuyện Ben viết thư Giáng Sinh gửi cho bố trên Thiên Ðường.

    Từ Tacoma đến Bellevue, khoảng cách giữa hai thành phố ở Washington, là cuộc hành trình dài gần 40 dặm của quả bong bóng bay, từ lúc được Ben phóng đi cho đến lúc cạn nhiên liệu.

    Nghĩ ngợi một lúc, Kate gọi đến số điện thoại trong lá thư. Bà Ann kể với cô câu chuyện nhận được lá thư như thế nào, và đề nghị với cô về “sáng kiến” của ông chồng mình: ông Dick sẽ thay bố của Ben viết thư trả lời cậu, và hai vợ chồng bà Ann sẽ tìm mua những thứ Ben hỏi xin bố để làm quà Giáng sinh cho cậu.

    “Xin phép cô cho chúng tôi được làm việc này”, bà Ann khẩn khoản, “để mang đến chút niềm vui cho cháu Ben. Cháu sẽ thất vọng nếu thư đi mà chẳng có tin về”.

    Kate còn đang ngần ngừ thì Ann nói tiếp.

    “Nếu cô cho phép, chúng tôi xem cháu Ben như là con trai mình. Chúng tôi cũng từng có đứa con trai, cháu mất vì bệnh, lúc trạc tuổi Ben…”, giọng bà Ann như nghẹn lại. “Cô không phải ngại, những món quà ấy không tốn kém nhiều. Tôi hiểu rằng, nếu chúng tôi không làm việc ấy thì cô cũng sẽ làm thôi. Tuy nhiên, xin cho vợ chồng tôi cái vui ấy, và như thế, tất cả chúng ta đều có được niềm vui trong mùa Giáng Sinh này”.

    Bà Ann đưa mắt nhìn Dick và trao điện thoại cho ông.

    “Quả bong bóng đã bay vào vườn nhà chúng tôi và đậu xuống trái tim tôi”, ông Dick nói.

    Nước mắt Kate muốn ứa ra.

    Câu chuyện tiếp theo, ai cũng đoán được. Hai bà mẹ tìm đến nhau, cùng ngồi gói những phần quà cho Ben, trong lúc ông Dick ngồi hý hoáy viết “lá thư từ Thiên Ðường”.

    Sáng sớm Chủ Nhật, trong lúc Kate đang bày biện hang đá nhỏ và đặt cây thông bên cạnh bàn thờ thì Ben từ phòng ngủ trên lầu chạy xuống, hí hửng khoe với mẹ rằng cậu tìm thấy lá thư của bố ở dưới gối khi vừa ngủ dậy. Hai mẹ con vui mừng ôm chầm lấy nhau và cùng chụm đầu đọc thư của bố gửi cho Ben.

    Thiên Ðường, ngày 24/12/2017

    Ben yêu quý của bố,

    Bố nhận được thư con một ngày trước ngày lễ Giáng Sinh. Hai mẹ con đừng lo cho bố. Ở đây trời ấm áp, mọi chuyện đều ổn cả.

    Cám ơn Ben nhắc bố nhớ ngày sinh nhật của bố. Bố rất vui biết con học giỏi, được phần thưởng. Con cố gắng chăm học và vâng lời mẹ cho mẹ vui, và bố cũng vui nữa Ben nhé.

    Lễ Giáng Sinh năm nay bố vắng nhà, nhưng không hề gì, Thiên Ðường không xa lắm đâu Ben. Bất cứ lúc nào con nghĩ tới bố là bố ở ngay bên cạnh con. Bất cứ lúc nào con chuyện trò với bố hay cầu nguyện, bố đều nghe được cả.

    Còn bây giờ, con hãy nhắm mắt lại, hãy tưởng tượng bố con mình đang ngồi bên nhau cạnh lò sưởi trong ngôi nhà ấm cúng của gia đình mình. Hai bố con cùng hát bài “Người Tuyết ơi, đừng khóc nhé!” mà bố dạy con hát mùa Giáng Sinh năm trước, con còn nhớ chứ? Thật vui phải không Ben?

    Bố đã nhờ ông già Noel mang xuống cho con những món quà con thích. Bố, mẹ và con, chúng ta nhớ nhau trong lời nguyện cầu, Ben nhé!

    Hôn con và mẹ.

    Giáng Sinh an lành nhé, hai mẹ con!

    Bố.

    Ðối với Kate, mọi chuyện xảy đến như là một phép màu. Cô nhớ ông Dick mỉm cười, nói với hai bà mẹ: “Mai đây, đến một lúc nào đó, cháu Ben hiểu ra rằng câu chuyện hôm nay là không có thật, cũng như ông già Noel là không có thật, nhưng rồi cháu sẽ thông cảm với những người lớn về những lời nói dối ngọt ngào”.

    Khi ấy, chỉ còn lại một điều có thật: bố của Ben hiện đang ở trên Thiên Ðường. Ben và mẹ cậu, và những người thân của gia đình cậu vẫn cứ tin như vậy. Sau ngày bố cậu, một cảnh sát viên, hy sinh trong lúc thi hành công vụ, các cô chú là bạn của bố đều nói với Ben rằng: “Trên Thiên Ðường đang cần một người hùng, và bố cháu được chọn”.

    Ðúng như lời ông Dick nói, cả hai gia đình đều có chung niềm vui trong Giáng Sinh này. Người vui nhất là Ben, chưa bao giờ Ben nhận được nhiều quà một lúc đến như thế. Bố không những cho Ben nhiều quà mà còn cho cậu bé giấc ngủ thật êm đềm trong đêm Giáng Sinh. Ben mơ thấy bố ngồi sát bên cậu y như Giáng Sinh năm vừa rồi. Bố cùng hát với Ben, cùng đọc truyện tranh với Ben, cùng chơi đùa với Ben những món đồ chơi bố gửi về cho cậu từ Thiên Ðường.

    Trong mơ, Ben nghe rõ cả tiếng cười của bố, tiếng cười của hai bố con. “Ôi, bố chẳng lúc nào xa con!”. “Thiên Ðường không xa lắm đâu Ben”, bố đã chẳng nói vậy sao? Bố vẫn ở bên Ben trong lời nguyện cầu mỗi đêm của cậu trên giường ngủ.

    “Nhớ nhau trong lời nguyện cầu”, Ben nhớ lời bố dặn.

    Lê Hữu

    Mời quý ACE xem phim ngắn nổi tiếng của Pháp thập niên 60 được người viết nhắc đến ở trên:

    The Red Balloon (Short - 34 Min.)

     

       

    The Red Balloon (Short - 34 Min.)

    Family / Short (1956) 34 minutes ~ Color Original Title: Le ballon rouge ** Winner of the Best Original Screen...

     

     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - CÀN 7 YẾU TỐ NÀY

  •  
    Hung Dao
     
    Jan 3 at 1:10 PM
     
     
     
     
     
    Subject: DOI SONG :Các gia đình có 7 yếu tố này sẽ nuôi dạy ra những thiên tài trong 10 năm tới
     

    Các gia đình có 7 yếu tố này sẽ nuôi dạy ra những thiên tài trong 10 năm tới

    Có những hình mẫu gia đình chuẩn mực có thể tác động một cách tích cực lên tương lai của mỗi đứa trẻ được nuôi dưỡng trong đó.

    1- Gia đình là trường học đầu tiên

    Một giáo viên tốt có thể ảnh hưởng đến trẻ trong vài ba năm. Nhưng cha mẹ tốt sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của mỗi con người. Mỗi giáo viên hàng năm đều đón nhận hàng chục, hàng trăm đứa trẻ khác nhau. Nhưng với mỗi đứa trẻ, cha mẹ là duy nhất. Bởi vậy, người ta vẫn thường nói, đối với mỗi bậc phụ huynh, giáo dục con cái là nhiệm vụ quan trọng nhất trong đời.

    image.png

     

    Ai cũng có thể nhận thấy rằng, môi trường sống chính là yếu tố hàng đầu hình thành nên tính cách của mỗi con người. Một gia đình coi trọng văn hóa, giáo dục ắt hẳn sẽ nuôi dạy được một đứa trẻ hiểu biết, ham học hỏi.

    Gia đình là ngôi trường đầu tiên, và cha mẹ cũng chính là những giáo viên đầu tiên trong cuộc đời mỗi người. Bởi vậy, đừng đổ hết tất cả áp lực rèn giũa con trẻ lên nhà trường. Coi trọng việc giáo dục văn hóa trong gia đình chính là trách nhiệm hàng đầu của mỗi bậc phụ huynh.

    image.png

     

    2. Một gia đình lạc quan

    Theo các chuyên gia, tính cách của mỗi đứa trẻ đều góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai và sự nghiệp của chúng. Một đứa trẻ càng có nhiều đức tính tốt càng có cuộc sống tốt hơn bạn bè đồng trang lứa. Và rèn luyện các đức tính tốt đẹp cho con trẻ chính là bổn phận của bậc làm cha mẹ.

    Sự lạc quan tích cực của cha mẹ sẽ tác động đến trẻ một cách tinh tế mà sâu sắc, giúp cho trẻ luôn vui tươi, chủ động đối mặt với các khó khăn thường ngày. Một gia đình lạc quan cũng tạo nên một bầu không khí hạnh phúc, hài hòa, vui vẻ, giúp trẻ thêm yêu gia đình và trân trọng cuộc sống nhiều hơn.

    image.png

     

    3. Một gia đình hiếu học

    Bản chất của giáo dục là rèn luyện thói quen. “Dạy con từ thuở còn thơ” - các thói quen đều cần được hình thành và phát triển từ thời thơ ấu. Tuy nhiên, mọi lời nói sáo rỗng đều là vô nghĩa nếu không đi đôi với thực hành. Trăm nghe không bằng một thấy. Cha mẹ nên là những tấm gương mẫu mực để rèn luyện những thói quen tốt, giúp trẻ noi theo ngay từ khi còn nhỏ.

    Đằng sau mỗi thủ khoa thường là những bậc phụ huynh ham học hỏi và nghiêm khắc với bản thân. Chỉ cần cha mẹ hiếu học và biết làm gương, trẻ sẽ sẵn sàng học hỏi từ cha mẹ.

    image.png

     

    4. Một gia đình giàu tình cảm

    Những cảm xúc tốt đẹp từ cha mẹ luôn ảnh hưởng tích cực tới các con. Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình cảm, yêu thương nhau thường có xu hướng sống lạc quan hơn, vui vẻ hơn so với những đứa trẻ phải đối mặt với những cơn giận giữ hay những trận cãi vã liên miên của cha mẹ mỗi ngày.Hình mẫu của người cha và tình cảm của người mẹ là hai yếu tố quan trọng tác động trực tiếp lên tương lai của mỗi đứa trẻ. Đó chính là “phong thủy” tốt nhất cho mỗi gia đình.

    image.png

     

    5. Một gia đình tôn trọng trẻ

    Mỗi đứa trẻ đều là một món quà trời ban cho các bậc làm cha, làm mẹ. Hãy tôn trọng chúng. Cha mẹ cần học cách chấp nhận mọi thứ của con, tin tưởng con và để cho con làm những gì chúng muốn. Mỗi việc đứa trẻ làm hôm nay đều góp phần tạo nên một phiên bản hoàn thiện hơn của chính nó ngày mai.

    Tôn trọng trẻ là nền tảng của mọi nền giáo dục. Trong việc nuôi dạy trẻ, sự hiểu biết và hỗ trợ của cha mẹ luôn tác động tích cực hơn sự chối từ hay sự hoài nghi. Hãy gieo một hạt giống trong trái tim của con bạn, chăm sóc nó mỗi ngày bằng một chút cảm hứng và thật nhiều tình thương. Hạt giống đó sẽ sớm nở thành những bông hoa tuyệt đẹp trong tương lai.

    image.png

     

    6. Một gia đình sạch sẽ, ngăn nắp

    Một số giáo viên đã nói rằng thành tích học tập của mỗi học sinh đều có thể nhìn thấy được từ bàn học của chúng. Các sinh viên mẫu mực luôn sắp đặt đồ dùng học tập gọn gàng, ngăn nắp, bởi đó đã là nề nếp đã được hình thành sẵn từ gia đình của trẻ.

    Trẻ em lớn lên trong một môi trường sống có trật tự không chỉ phát triển được nhiều thói quen sống mà còn có thể dễ dàng đối mặt với các khó khăn, thử thách trong tương lai.

    image.png

     

    7. Một gia đình nề nếp, quy củ

    Yêu thương con cái không có nghĩa là nên nuông chiều trẻ, buông thả để chúng thích làm gì thì làm, đòi gì được nấy. Tình thương và sự nghiêm khắc không phải là hai yếu tố đối lập. Ngược lại, chúng bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Đó chính là hai nền tảng cơ bản của giáo dục.

    Nhiệm vụ của cha mẹ chính là lập nên những quy tắc và giúp con cái họ tuân thủ những quy tắc ấy ngay từ thời thơ ấu. Thay vì những cậu ấm cô chiêu được nuông chiều bừa bãi, hãy để con bạn trở thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, khiêm tốn, có giáo dục, biết tôn trọng những người xung quanh.

    image.png

     

     

     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

  •  
    Jerome Nguyen Van Noi
     
    Dec 28 at 1:36 AM
     
     

    SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

    LỄ ĐỨC MA-RI-A MẸ THIÊN CHÚA NĂM (01/01/2020)

    NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH

    (Ds 6,22-27; Gl 4, 4-7; Lc 2, 16-21)

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

    Hội Thánh mừng Lễ Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa Trời vào ngày đầu năm dương lịch, cũng là ngày Thế Giới Hòa Bình. Công Đồng Vatican II đã dành chương VIII của Hiến Chế tín lý về Giáo Hội là “Ánh Sáng Muốn Dân” (Lumen Gentium) để xác định và triển khai chân lý “Đức Ma-ri-a trong Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô và Giáo Hội.”  Công Đồng công bố:

    “… Khi sứ thần truyền tin, Ðức Nữ Trinh Ma-ri-a đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian. Ngài được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Ðấng Cứu Thế. Ðược cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp Con Ngài và hiệp nhất mật thiết và bền chặt với Con, Ðức Ma-ri-a đã lãnh nhận sứ mệnh và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí này, Ngài đã trổi vượt mọi tạo vật trên trời dưới đất. Nhưng đồng thời, vì thuộc dòng dõi A-đam, Ngài cũng liên kết với tất cả mọi người cần được cứu rỗi; hơn nữa, "Ngài thật là Mẹ các chi thể (của Chúa Ki-tô)... vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Ðầu ấy". Vì thế, Ngài cũng được chào kính như chi thể của Giáo Hội tối cao và độc nhất vô nhị, cũng như mẫu mực và gương sáng phi thường của Giáo Hội trên phương diện đức tin và đức ái. Và Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Ngài tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu” (LG 53).

    Hiệp thông cùng Hội Thánh khắp nơi nơi, chúng ta mừng Lễ Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa và cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, thịnh vượng, yêu thương và hòa giải.

     
    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Ds 6,22-27): "Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel và Ta sẽ chúc lành cho chúng" Chúa phán cùng Mô-sê rằng: "Hãy nói với A-a-ron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Is-ra-el; hãy nói với chúng thế này: 'Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con'. Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng".

     

    2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Gl 4,4-7): "Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ" Anh em thân mến, khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử. Sở dĩ vì anh em được làm con, Thiên Chúa đã sai Thần Trí của Con Ngài vào tâm hồn chúng ta, kêu lên rằng: "Abba!", nghĩa là "Lạy Cha!" Thế nên, bạn không còn phải là tôi tớ, nhưng là con; mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa.

     

    2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 2,16-21): "Họ đã gặp thấy Ma-ri-a, Giu-se và hài nhi... và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giê-su"

    Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bê-lem, và gặp thấy Ma-ri-a, Giu-se và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.

    Còn Ma-ri-a thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

    Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giê-su, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Chúa là ai?)

    Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa là:

    - Đấng đã truyền cho Ông Mô-sê để Ông này nói lại với ông A-ha-ron và con cái ông này, những lời/công thức chúc lành đẹp lòng Thiên Chúa và vui lòng con cái Ít-ra-em.

    - Đấng đã dùng lời nói và ngòi bút của Thánh Phao-lô mà giảng dậy cho các Ki-tô hữu và nhân loại biết tại sao Thiên Chua (Cha) sai Con Một Người xuống thế gian: để giúp loài người được trở thành con cái Thiên Chúa.

    - Là Hài Nhi Giê-su (và Cha Mẹ Ngài là Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a) mà các người chăn chiên được phúc gặp tại Bê-lem. Hài Nhi Giê-su ấy đã được cắt bì theo Luật Mô-sê để trở thành con dân của Ít-ra-en.

     

    3.2 Sứ điệp hay Giáo Huấn của Lời Chúa (Chúa dậy gì hay Chúa muốn chúng ta làm gì?)

    Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa là cách hành động của Đức Ma-ri-a và các người chăn chiên:

    * Ma-ri-a thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng.

    * Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

     

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa là Chúa Cha quyền năng và yêu thương trong kế hoạch quan phòng khôn ngoan của Người và trong cách giáo dục dân Ít-ra-en cách tinh tế và sâu sắc.

    Sống với Thiên Chúa là Chúa Giê-su Hài Nhi sinh ra ở Bê-lem mang theo một sứ mạng cao cả là giúp loài người trở thành con Thiên Chúa. Hài Nhi ấy là con của Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a và đã gia nhập dân riêng Chúa qua việc cắt bì theo Luật Mô-sê.

     

    4.2 Thực thi Ý Chúa hay Giáo Huấn của Chúa là hành động như Đức Ma-ri-a và các người chăn chiên:

    * Ma-ri-a thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng.

    * Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

    tức biết suy niệm về những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện 

    và biết kể về Hài Nhi Giê-su sinh ra ở Bê-lem cho những người chung quanh.

     

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh (em)! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)!» Trong ngày đầu năm mới 2020, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người, mọi quốc gia, dân tộc chân thành mong ước cho nhau được Thiên Chúa chúc lành và ban phước và được hòa bình, thịnh vượng trong cuộc sống!

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.2 «Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử» Trong ngày đầu năm mới 2020, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và Giáo Dân để mọi thành phần Dân Chúa cảm nghiệm cách sâu sắc ơn làm nghĩa tử của Thiên Chúa và chia sẻ ơn ấy cho người khác.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.3 «Bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.»

    Trong ngày đầu năm mới 2020, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi giáo dân thuộc cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết suy gẫm về những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho cá nhân và gia đình mình.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.4 «Các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.»

    Trong ngày đầu năm mới 2020, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho có nhiều người được nghe kể về Chúa Giê-su Hài Nhi sinh ra ở Bê-lem, để họ được ơn bình an của Trời!

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    Sàigòn ngày 28/12/2019

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.                             

     

     ------------------------------------