6. Văn Hóa & Gia Đình

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH -PHÚC-HỌA LÀ DO MÌNH

  •  
    Hung Dao - Nov 11 at 7:18 PM
     
     
    Subject: Re: VAN HOA :Cổ nhân dạy: Phúc từ mình phát, họa từ mình sinh
     

    Cổ nhân dạy: Phúc từ mình phát, họa từ mình sinh

     

    Xưa nay, rất nhiều người cho rằng khi đạt được thứ gì thì đó là phúc và khi mất đi thì là họa. Nhưng có rất nhiều sự tình trong cuộc đời, được chưa hẳn đã là phúc, mất chưa hẳn đã là họa.

    Trong cuộc sống thường ngày có rất nhiều người lấy góc độ được mất của bản thân để đo lường sự việc là tốt hay xấu, là phúc hay họa. Lại có những người mỗi ngày đều vì được mất một chút lợi nhỏ mà vui hay buồn. Nhưng bởi vì mọi người đều chỉ là nhìn thấy biểu hiện bên ngoài của sự tình mà không nhìn thấy hết được quan hệ họa phúc chuyển đổi đằng sau đó. Kỳ thực, có rất nhiều sự tình xảy ra, người ta không thể lập tức phán đoán được đó là họa hay là phúc. Vả chăng người ta không có sự suy sụp sẽ không có được trí tuệ, không có sự trả giá thì sẽ không có được thu hoạch. 

    Trong chương 58 cuốn Lão Tử có viết: “Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa, họa và phúc là nương tựa vào nhau mà tồn tại và có thể chuyển hóa được cho nhau” (Họa hề phúc chi sở ỷ, phúc hề họa chi sở phục). Họa là điều kiện tiên quyết để tạo thành phúc, còn phúc lại hàm chứa cả nhân tố của họa. Hay nói cách khác, việc tốt và việc xấu là có thể chuyển hóa được cho nhau. Ở vào điều kiện nhất định, phúc sẽ biến thành họa và họa cũng có thể trở thành phúc. Loại biến hóa này sâu không lường trước được, ai cũng khó có thể đoán biết.

    Một ví dụ minh họa rõ nét nhất về việc phúc họa chuyển hóa cho nhau chính là câu chuyện “Tái ông thất mã, yên tri phi phúc”. Câu chuyện được ghi trong sách Hoài Nam Tử Nhân gian huấn.


    Tranh vẽ dựa trên câu chuyện “Tái ông mất ngựa” kể về việc trong họa có phúc, trong phúc lại tiềm ẩn họa. Tưởng là mất ngựa là họa, hóa ra nó lại đi gọi thêm đàn về, tưởng là có thêm ngựa thì tốt nhưng con trai Tái ông vì cưỡi ngựa mới mà ngã gãy chân, lại tưởng rằng anh ngã gẫy chân là họa, nhưng hóa ra lại tránh được việc đi lính bị quân nhà Hồ tàn sát 

    Bởi vậy có thể thấy, đời người có rất nhiều chuyện mà ở trong sâu thẳm dường như đều đã tự có an bài. Một việc là phúc hay là họa thường không giống như biểu hiện bề ngoài và cũng không thể dễ dàng phán định được.

    Trong thơ cổ viết: “Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ / Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”, ý tứ là: giữa cảnh núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tưởng như không còn đường đi nữa, thì bỗng nhiên ở ngay trước mắt, phát hiện thấy trong bóng râm rặng liễu xanh mát và khóm hoa tươi đẹp rực rỡ sắc màu, còn có một thôn làng. Cho nên, trong cuộc sống, khi làm một sự tình nào đó thành công không cần phải dạt dào đắc ý, khi gặp phải khó khăn, suy sụp cũng không cần phải chán nản thất vọng.

    Chúng ta đều biết rằng, trên thế giới này không có gì gọi là tuyệt đối, phúc và họa đều có tác động tương hỗ lẫn nhau. Nó không phải là hai mặt của một đồng tiền (nhị nguyên) mà là hai nửa của một hòn bi (hình khối) lăn tròn. Vì phúc tận là họa, họa tận là phúc.

    Một số người vì mong muốn có được cuộc sống thuận buồm xuôi gió, nên mỗi ngày đều cầu Thần bái Phật, hy vọng được ban phước và gặp may mắn. Trên thực tế, phúc và họa đều tự bản thân chúng ta mà ra. Người nào muốn có vận mệnh tốt, càng nên tìm hiểu rõ 3 câu nói này để cuộc sống ngày càng may mắn thuận lợi hơn.

    “Phúc từ mình phát, họa từ mình sinh”

    Nguồn gốc của mọi phúc và họa trong đời đều từ chính bản thân ta từng làm. Ngày nay trong xã hội có rất nhiều người khi mắc lỗi không biết tự nhìn lại bản thân, xem lại chính mình mà luôn nghĩ cách đổ lỗi cho người khác. Khi một người không ý thức được lỗi lầm của chính mình, sẽ không bao giờ có thể thành công. Họ sẽ gặp phải càng nhiều tai họa, phúc khí tự nhiên cũng dần rời xa, chỉ còn lại một mớ chuyện rắc rối làm bạn đau khổ mệt mỏi mỗi ngày.

    Vì vậy, khi gặp phải chuyện không được như ý, khi ai đó làm bạn bực mình hãy xem lại những thiếu sót của bản thân và tự mình sửa lỗi. Đừng nên tìm cách đổ lỗi cho người khác, cần giữ thái độ lạc quan vui vẻ đối diện với cuộc sống. Tục ngữ có câu: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Nếu muốn vận may luôn mỉm cười với mình, hãy học cách hành thiện tích công đức, hãy ghi nhớ rằng phúc họa trong đời đều tự bản thân ta mà ra.

    “Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”

    Trong cuộc sống thường ngày ta có thể dễ dàng cảm nhận được, rằng vận may không phải lúc nào cũng gõ cửa, nhưng thảm họa thì luôn xuất hiện. Cuộc đời của mỗi người cũng giống như một bàn cờ, chỉ đi sai một nước thì sẽ kéo theo mọi bước sai phía sau. Một số người khi đại nạn tới gõ cửa thì hoảng loạn lo lắng tới không thể bình tĩnh suy nghĩ biện pháp giải quyết, từ đó dẫn đến một loạt rắc rối. Vì vậy, giữ tâm thái bình tĩnh, thản nhiên đối diện với mọi chuyện xảy ra quanh mình là điều rất quan trọng. Bất kể điều gì xảy đến hãy học cách đối đãi với nó một cách thận trọng. 

    Phúc khí không thể tách rời với những nỗ lực cá nhân. Lại có những người luôn tự hào về một số thành tích của bản thân, mong muốn được càng nhiều hơn trong khi thực lực không theo kịp sự mong đợi, từ đó mà thất bại. “Là phúc thì không phải là họa, còn là họa thì tránh không được”. Cho dù là phúc khí hay tai họa đến với mình, đều nên học cách để mọi thứ tùy kỳ tự nhiên, bình thản đón nhận.

    “Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của họa”

    Họa và phúc là nương tựa vào nhau mà tồn tại và có thể chuyển hóa được cho nhau. Theo quy luật tự nhiên, thì phúc họa có tính ngẫu nhiên và quân bình, nửa này nửa kia vận động (quay) như quả đất quay. Ta chỉ biết sáng tối nhưng không biết đầu ngược xuôi vì ta đã dính chặt vào sức hút của quả đất. Trong phúc có tiềm ẩn họa, trong họa lại có cái nhân của sự tốt lành. Đây chính là quy luật Nhân quả trong Đạo Phật đề cập. Dân gian ta có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” là vậy.

    Đây là quan điểm, quy luật tối cao của sự bình đẳng của thị-phi, thiện-ác, tốt-xấu, sống-chết… mà con người phải luôn nhớ, không thể giành lấy phần hơn về mình. Bởi vì khi ta thấy rằng nó tốt thì nó đã xấu rồi (Thiên hạ giai tri mỹ vi mỹ tư ố hĩ). Đây là cách nhìn biện chứng. Trang tử đã dành hẳn một chương Tề vật luận để diễn giải cái nguyên lý không thay đổi này của vạn vật, nguyên tắc tùy thuộc, lợi dụng tự nhiên, phát triển bền vững… để cân bằng phúc họa.

    Phúc và họa tác động qua lại tương hỗ lẫn nhau. Vì phúc đến mà làm ta dương dương tự đắc thậm chí trở nên tự mãn, từ đó phúc dễ chuyển thành họa. Xưa có câu: “Kẻ tài trí giả như ngu dốt, kẻ dũng mãnh giả như khiếp sợ” (Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp). Lão Tử cũng giảng: “Tiếng lớn ầm ầm như không có tiếng, hình lớn hiện ra như không có hình” (Đại âm vô thanh, đại tượng vô hình), đều là có ý nói rằng người có tài trí cao nhưng luôn khiêm tốn, không để lộ tài năng, vẻ ngoài biểu hiện ra giống như một người ngu dốt, nhưng thực ra lại là người có trí tuệ phi phàm. Đó là thể hiện ra công phu và bản lĩnh của bậc quân tử tài trí.


    Tranh vẽ Lão Tử

    Có nhiều người vì để cố gắng mưu cầu đắc phúc khí may mắn mà việc gì cũng muốn thử nếm trải. Tuy nhiên, cưỡng cầu quá mức chỉ tự chuốc họa cho bản thân. Hãy học cách để mọi thứ tùy kỳ tự nhiên. 

    Đời người tựa như nước chảy mây trôi, những thứ đã qua đi giống như nước đổ khó hốt, cái chúng ta có chỉ là hiện tại. Thế nên, đừng ôm giữ quá khứ, đừng theo đuổi tương lai, hết thảy hãy cứ để tự nhiên, sống vì giây phút hiện tại. 

    So đo tính toán quá nhiều sẽ tạo thành một loại ràng buộc, mê lạc quá lâu sẽ trở thành một kiểu gánh nặng. Đường đời “mưa gió gập ghềnh”, không trải qua gió mưa, sao có thể nhìn thấy cầu vồng. Thành công cũng tốt, thất bại rồi cũng trôi qua, tất cả sự tình đều tự nhiên đến. Đời người trăm phương nghìn dạng, thuận kỳ tự nhiên là tâm cảnh thích đáng nhất. 

    Kiên Định

     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH -

  •  
    Hung Dao - Nov 11 at 7:28 PM
     
     
     
     
    Subject: Re : VAN HOA :Thượng đế cho Thiên sứ xuống nhân gian 6 năm chỉ để tìm ra 3 đáp án này
     

    Thượng đế cho Thiên sứ xuống nhân gian 6 năm chỉ để tìm ra 3 đáp án này

     
     
     

    Trong đêm đông giá rét, một người thợ đóng giày lững thững lê từng bước chân mệt mỏi về nhà. Đã mấy ngày nay, cửa hàng của ông vắng tanh không một người khách ghé qua. Trên đường về ông nghĩ: “Chắc bánh bao ở nhà giờ cũng chẳng còn được mấy cái”.

     

    Đêm đông, trời mỗi lúc một lạnh hơn, cái rét như cắt da cắt thịt. Bất giác nhịn không được nỗi buồn chán, ông cất tiếng thở dài mấy cái rồi khoác thêm lên mình chiếc áo khoác vừa mỏng vừa cũ.

     

    Ông vừa đi vừa nghĩ: “Mấy ngày nay không có thu nhập, chắc bà vợ của mình ở nhà lại nhăn mặt cau mày mất thôi”. Đường phố càng về đêm càng vắng lạnh, ông lủi thủi từng bước chân về nhà. Dưới bóng đèn mờ bên đường phố, bóng ông chiếu xuống nền đường kéo dài một quãng tựa như tâm trạng buồn lê thê nặng trĩu của mình. Đột nhiên ông nhìn thấy phía xa xa nơi góc đường bóng một vật gì đó đang lay động…


    Bác thợ đóng giày thở dài một tiếng rồi đứng dậy đi về, cả ngày hôm nay chẳng kiếm được mấy đồng. 

    Lòng hiếu kỳ nổi lên, ông nhanh chân tiến lại gần, ai da, đó là một người thanh niên đang nằm dưới đất. Trong đêm giá buốt, gió thổi ầm ầm thế này mà cậu ta không một mảnh vải che thân…

     

    Người thợ đánh giày tiến lại ngồi trước mặt cậu ta. Thấy có người đến gần, cậu ta từ từ ngẩng đầu lên nhìn một cách yếu ớt, nhưng khuôn mặt vẫn không một chút biểu cảm.

     

    “Không thể thế này được, cứ như vậy thì cậu ta chết mất”, nghĩ vậy nên người thợ đóng giày lập tức cởi hết quần áo khoác ngoài của mình cho cậu ta, ngay cả giày cũng cởi ra xỏ luôn cho cậu ta. Tuy nhiên, cậu ta vẫn lặng thinh không nói một lời.

     

    “Nào đi thôi, về nhà tôi”, nói xong người thợ đánh giày cũng thật không tin được những gì miệng mình vừa cất lên.

     

    Cửa vừa mở, gió lại rít lên từng hồi lùa vào trong căn nhà cũ nát. Vợ người đánh giày bước ra đón chồng đi làm về, khuôn mặt bà lập tức biến sắc khi nhìn thấy quần áo của chồng đang trên thân người lạ.

     

    “Lấy cho cậu ta chút đồ ăn đi”, người đóng giày nói với vợ.

     

    Bà vợ giương mắt nhìn chồng như không thể tin vào những gì mình vừa nghe: “Ông điên à? Chúng ta chỉ còn có mỗi một cái bánh bao cho tối nay thôi”.


    Căn nhà cũ nát tan hoang, cộng với cơn gió lạnh lẽo dường như đang muốn lấy đi mạng người từng giây từng phút. 

    Nén tiếng mình xuống, người đóng giày nói: “Lấy cho cậu ta đi, chúng ta một bữa không ăn cũng chẳng sao, nhưng cậu ta xem ra đã đói rất lâu rồi. Nếu như không được ăn chút gì đó e rằng cậu ta chết mất”.

     

    “Thôi được, ông đã nói vậy thì…”, bà vợ vừa lẩm bẩm vừa đi vào trong nhà mở chiếc tủ bếp ra lấy chiếc bánh bao cuối cùng trong nhà ra đưa cho người lạ. Còn cậu ta, thấy vẻ mặt phúc hậu, ấm áp của bà vợ người đóng giày liền nở nụ cười. Đây cũng là lần đầu cậu ta biểu lộ cảm xúc vui vẻ.

     

    Thế rồi vợ chồng người đóng giày thu nhận cậu ta ở lại nhà mình, đồng thời còn dạy cậu ta cách đóng giày, cậu ta học một cách nhanh chóng, cứ như thể cậu ta sinh ra là để đóng giày vậy. Giày cậu ta đóng không những đẹp lại còn bền chắc, ai đến đóng cũng ưng ý, những đôi giày khách đem đến sửa luôn được cậu ta sáng tạo đẹp mắt, tinh tế. Một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng mấy chốc tiếng tăm của cửa hàng đã lan truyền khắp cả một vùng.

     

    Cũng nhờ đó mà cuộc sống của đôi vợ chồng người đóng giày ngày càng trở lên dễ chịu hơn, hai vợ chồng rất cảm kích sự giúp đỡ của cậu ta. Nhiều lần hai vợ chồng người đóng giày muốn làm một cái gì đó cho cậu ta, nhưng dù hỏi cách nào đi chăng nữa cậu ta cũng chỉ im lặng không nói, cứ ngồi bên cửa sổ làm việc một cách lặng lẽ.

     

    Một hôm, có một chiếc xe ngựa sang trọng dừng xe trước cửa tiệm, bước xuống xe là một người phú ông giàu có nhất cái thị trấn nhỏ này. Người này bước vào trong tiệm, trên tay cầm một miếng da thú đưa cho ông chủ tiệm đóng giày rồi nói: “Đây là một miếng da bê thượng hạng, ông hãy làm cho tôi một đôi giày ống dài, ông phải đảm bảo cho tôi là có thể đi được trong vòng một năm không hỏng”. Kỳ lạ, vừa nhìn thấy vị phú ông giàu có này thì khuôn mặt cậu ta đột nhiên nở một nụ cười tươi rói, đây là lần thứ hai cậu ta cười biểu lộ cảm xúc.


    Người đàn ông giàu có bước xuống từ một cỗ xe ngựa sang trọng. 

    Sau khi vị phú ông giàu có rời đi, đến chiều ông chủ tiệm giày đưa mảnh da cho cậu ta, đây là việc ông hoàn toàn có thể tin tưởng được ở cậu ta. Tuy nhiên một lúc sau quay lại xem, “Trời ơi… cậu làm cái gì thế này? Cậu nói xem, cậu làm thế này tôi lấy gì đền cho người ta?” – ông chủ tiệm giày sửng sốt hỏi cậu ta. Hóa ra cậu ta lại đem miếng da cắt thành một đôi giày ống ngắn chứ không phải ống dài như yêu cầu của vị phú ông.

     

    Đang trong lúc ông chủ tiệm giày bối rối chưa biết phải làm thế nào thì đột nhiên có người hầu của vị phú ông giàu có khi sáng hớt hải chạy đến: “Không cần làm nữa, không cần làm nữa! Sáng nay trên đường về, vì xe ngựa xảy ra sự cố không thể khống chế, chiếc xe bị lật, ông chủ tôi ngã ra ngoài chết ngay tại chỗ. Vậy nên người nhà ông chủ tôi yêu cầu đổi thành làm giày ống ngắn để mai táng theo cho ông”.

     

    Sáu năm trôi qua kể từ ngày đưa cậu ta về nhà, lại một hôm có một người phụ nữ đem hai đứa nhỏ sinh đôi đến tiệm giày, một trong hai đứa nhỏ bị tật ở chân. Cậu ta đang ngồi làm việc bên cửa sổ, thấy vậy liền đứng dậy nở nụ cười lần thứ ba.

     

    “Tôi muốn làm cho hai đứa trẻ đôi giày”, người phụ nữ đó nói.

     

    Thấy có khách đến đóng giày, lại là hai đứa trẻ đáng yêu nên ông chủ hỏi han: “Đây là con chị sao? Hai đứa thật dễ thương”.

     

    Người phụ nữ đáp: “Không, tôi chỉ là người chăm sóc chúng, người mẹ đáng thương của chúng bị mất khi sinh chúng cách đây sáu năm rồi. Cha chúng cũng mất từ khi chúng vẫn còn trong bụng mẹ để lại hai đứa con cô độc một mình. Còn tôi khi đó cũng vừa mới sinh con xong, có đủ sữa cho chúng bú nên mọi người động viên tôi nhận nuôi, hàng xóm quanh vùng cũng nhiệt tình giúp đỡ nên cuối cùng cũng nuôi chúng lớn được ngần này”.

     

    Vừa kể, người phụ nữ này cũng vừa xúc động mà khóc, ông chủ tiệm giày cũng không cầm nổi nước mắt mà rơi lệ. Khi tiễn người phụ nữ ra về, đột nhiên cậu ta đứng dậy nói với ông chủ tiệm giày: “Tôi phải đi rồi, trở về nơi tôi đã đến”.


    Đôi giày cuối cùng mà cậu ấy đóng đã giúp cậu nếm trải được cuộc sống nơi trần thế. 

    Như không thể tin vào tai mình, đây là lần đầu tiên sau 6 năm chung sống cậu ta mới mở miệng nói chuyện: “Cái gì? Từ trước tới nay cậu chưa từng nói cho tôi biết cậu tên gì, nhà ở đâu? Bây giờ cậu muốn rời đi, mà là đi đâu cơ chứ?”.

     

    Cậu ta đáp: “Tôi là thiên sứ, tôi đến từ thiên đường, vốn dĩ bổn phận của tôi là tiếp đón những linh hồn, đưa họ đến nơi họ cần đi. Sáu năm trước tôi đã đón linh hồn một người phụ nữ, chính là mẹ của hai đứa trẻ khi nãy. Mẹ chúng mất khi sinh chúng, tôi đã ép linh hồn mẹ chúng vào chân một trong hai đứa trẻ đó, cho nên một chiếc chân của nó mới bị tật”.

     

    Nhìn khuôn mặt đầy nghi ngờ của ông chủ tiệm giày đang nhìn mình, cậu ta nói tiếp: “Người phụ nữ đó cầu xin tôi đừng mang cô ấy đi vì con cô ấy còn quá nhỏ, cha chúng cũng đã mất rồi, giờ nếu lại mất đi người mẹ chăm sóc, chúng sẽ không thể nào sống nổi. Tôi vì một phút yếu lòng nên đã nhận lời. Nhưng sau khi Thượng đế biết được đã đem linh hồn cô ấy đi và trừng phạt tôi xuống nhân gian”.

     

    Thượng đế nói:

     

    “Ngươi cơ bản là không hiểu loài người. Ngươi không biết trong tâm họ có gì, thiên thượng sẽ an bài cho họ những gì, những người xung quanh họ ảnh hướng tới họ thế nào?”.

     

    “Đi, ngươi hãy xuống trần gian tìm hiểu những đáp án của những vấn đề này”, Thượng đế yêu cầu thiên sứ.

     

    “Vậy là tôi đã đến đây, chính là vào cái đêm đông giá buốt sáu năm về trước, khi ông phát hiện tôi trên đường. Tôi muốn thể nghiệm cuộc sống của con người thế gian, hi vọng có thể tìm ra được đáp án mà Thượng đế đã đưa ra. Khi tôi nhìn người phụ nữ đó, tôi biết Thượng đế đã tha thứ cho tôi rồi. Thượng đế đã an bài cho tôi tìm ra đáp án của cả ba vấn đề đó”.

     

    Khi tôi nhìn thấy khuôn mặt phúc hậu của vợ ông năm xưa, lúc bà đem chiếc bánh bao cuối cùng trong nhà ra đặt lên tay tôi, từ ánh mắt của bà tôi đã có đáp án đầu tiên. Trong lòng con người họ có cái Tình, vì có cái tình này mà con người cam tâm cộng khổ cống hiến cho nhau.

     

    Khi tôi gặp vị phú ông giàu có kia, tôi đã giải đáp được vấn đề thứ hai. Con người hoàn toàn không biết tương lai của mình sẽ phải gặp những gì. Khi ông ta cao hứng chuẩn bị cho mình một đôi giày có thể đi được một năm, ông ta hoàn toàn không biết được rằng mình sắp phải đối diện với cái chết ngay sau đó. Tôi biết, bởi tôi nhìn thấy một người bạn của mình đang đứng sau ông ấy, vì không biết nên ông ta hoàn toàn không sợ hãi.


    Trao cho một người lạ chiếc bánh bao cuối cùng của cả nhà, ánh mắt thánh thiện đó giúp thiên sứ nếm trải được cái tình của con người là ra sao.
     

    Và khi tôi gặp người phụ nữ khi nãy, tôi đã tìm cho mình đáp án thứ ba. Trong lòng tôi tán dương Thượng đế, vì Thượng đế đã giải đáp cho tôi đáp án của cả ba vấn đề này một cách rõ ràng.

     

    Con người hoàn toàn có thể dựa vào sự giúp đỡ của người xa lạ để mà sinh tồn và phát triển. Khi mẹ của chúng cầu xin tôi là vì lo lắng không có ai chăm sóc cho chúng, chúng sẽ chẳng thể sinh tồn nổi. Tuy nhiên cô ấy không biết rằng có một người phụ nữ hoàn toàn xa lạ sẽ thay cô làm nghĩa vụ của một người mẹ chăm sóc hai đứa trẻ, cô không biết được rằng có một nhóm người sẽ chung tay giúp sức nuôi dưỡng những đứa con của cô khôn lớn trưởng thành.

     

    Vì những tình cảm này mà thế giới con người đầy ắp lòng yêu thương ấm áp”.

     

    ***

     

    Con người ta sống tại thế gian là vì tình mà đến, vì yêu mà sống, giữa người với người có tình cảm yêu thương đủ đầy mới khiến cho cuộc sống này trở lên tươi đẹp. Khó khăn trở ngại, đau buồn, thất vọng cũng là điều ít nhiều khó tránh khỏi. Tuy nhiên chính là vì có những trở ngại này mới giúp con người hiểu và trân quý những gì mình đã có, trân quý mối lương duyên này.

     

    Trong tâm hồn mỗi người đều có mảnh vườn thiện lương mà ở đó đang nuôi dưỡng những thiện lành, những mầm giống hạnh phúc. Và cũng chỉ có bạn mới là người có thể tự tay chăm sóc chúng, ngoài bạn ra thì không ai có thể thay bạn chăm sóc vun trồng được.

     

    Con người chúng ta đôi khi chỉ có thể nhìn thấy được những việc trên bề mặt, chứ không thể nhìn thấy được chân tướng huyền cơ phía sau nó. Có câu: Vạn sự trên đời đến và đi ấy đều do duyên do nợ, thế nên người với người sống với nhau quan trọng vẫn là tấm chân tình. Toan tính thiệt hơn, bon chen tranh giành phấn đấu đôi khi cái được lại chẳng bằng cái mất. Tuỳ kỳ tự nhiên, sống lương thiện, ở chân thành ấy mới là chân lý.

    Minh Vũ biên dịch

     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - NHỚ ÔNG BÀ-TỔ TIÊN

  •  
    Chi Tran - Oct 31 at 2:22 AM
     
     
     

    THÁNG CÁC LINH HỒN: ' TƯƠNG TÁC' VỚI ÔNG BÀ TỔ TIÊN

     

    Người Việt Nam chúng ta có truyền thống nhớ về tổ tiên rất tốt đẹp. Riêng với người Công giáo, truyền thống này lại được thể hiện cách đặc biệt trong Tháng Mười Một, tháng Giáo Hội hướng về việc cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời.

     

     

    Nhưng nhiều người hiện nay, nhất là người trẻ, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý, có thể đặt câu hỏi: tại sao tôi phải làm vậy? Liệu có ích gì khi phải thực hành một truyền thống nào đó? Vì thế, thiết tưởng việc suy tư về ý nghĩa và giá trị của hành vi kính nhớ tổ tiên là điều cần thiết. Ở đây, tôi chỉ giới hạn phần suy tư này vào một khía cạnh, với câu hỏi sau: liệu chúng ta có thể tương tác với tổ tiên đã qua đời của mình hay không?


    Tại sao lại đặt ra câu hỏi đó? Vì tôi thiết nghĩ, nếu chúng ta có thể nhìn ra được khả thể rằng ông bà tổ tiên vẫn có vai trò và sự hiện diện theo nghĩa nào đó trong đời sống của mình, và chúng ta vẫn có thể có sự ‘tương tác’ với sự hiện diện đó trong những khía cạnh nhất định, thì việc kính nhớ ông bà tổ tiên sẽ mang tính chất sống động và cụ thể, thay vì chỉ là một hành vi vô thức theo tập tục hoặc truyền thống văn hoá đạo đức mơ hồ nào đó.

     

    Để hình dung ra những mức độ và khía cạnh hiện diện của ông bà tổ tiên, điều kiện trước hết là chúng ta phải mở rộng tầm nhìn về cuộc đời mình, để thấy được tính toàn thể vốn có của nó. Lối sống thời hiện đại dường như đang thu hẹp tầm nhìn và ý thức của chúng ta về chính mình. Não trạng chung của xã hội hiện nay khiến chúng ta ‘đóng khung’ đời người trên căn bản của ‘thành công – thất bại’; và điều này lại lấy ‘tiền bạc – danh tiếng’ làm tiêu chuẩn. Mô thức này khiến cho toàn bộ cuộc sống bị cuốn vào vòng xoáy khắc nghiệt theo các yếu tố: hiệu quả, nhanh chóng, đào thải. Từ đó, đời sống con người chỉ còn được nhìn đến ở vài khía cạnh: hưởng thụ - quyền lực – sức khoẻ - và tuổi thọ. Nếu cuộc đời được hạch toán theo kiểu một ‘bản thu-chi’, nó quả là tẻ nhạt, nghèo nàn! Trong khi đó, cuộc sống tự nó lớn lao hơn nhiều so với cái khung nhỏ hẹp đó. Vì thế, nhiều người mơ hồ nhận ra rằng cuộc sống của mình đang trở nên xa lạ, vì nó đang thiếu hoặc mất dần những gì khác nên có trong cuộc đời.

     

    Khi tự thu bé tầm nhìn về cuộc đời, chúng ta đang quên lãng hoặc đánh mất bao nhiêu khía cạnh quan trọng khác, như khía cạnh mở ra trong tương quan với người khác, khía cạnh liên hệ gần gũi với quá khứ, với văn hoá và lịch sử. Cũng vậy, chúng ta cũng đánh mất khả năng ngạc nhiên và nhạy bén trước những gì thuộc ý thức về sự siêu việt, hay niềm hy vọng về đời sống siêu nhiên, vv. Tuy nhiên, con người đâu phải chỉ là vật chất, mà còn là tinh thần nữa! Vì thế, chúng ta cần định hình tầm nhìn về đời sống con người trong tính toàn thể lớn lao của nó, với bao khía cạnh phong phú khác ngoài tiền bạc – danh vọng – quyền lực; và trong tầm nhìn đó, ta thấy rõ sự hiện diện rất cụ thể của ông bà tổ tiên trong đời sống của mình.

     

    Trước hết, con người có lịch sử của mình. Lịch sử đó không phải chỉ là những gì đã qua, mà còn là những gì đang hiện diện nơi chính chúng ta. Ngay đến cơ thể vật lý của mỗi người cũng bao hàm sự hiện diện đó. Thật vậy, như dân gian vẫn nói, chúng ta không từ ‘lỗ nẻ’ mà có, nhưng được trao ban và tiếp nối cuộc sống thể lý từ tổ tiên mình. Vì thế, một cách rất cụ thể, có thể nói tổ tiên đang hiện diện ngay cả nơi thân thể của ta. Hơn nữa, tính cách và lối sống của ta cũng một phần được hình thành từ cội nguồn tiên tổ, với những đặc nét về văn hoá, phong tục, tôn giáo, vv., mà họ đã truyền lại cho ta.

     

    Xét một cách sâu xa hơn, ông bà tổ tiên cũng hiện diện nơi những yếu tố định hình nên ý thức nhân bản lẫn ý thức tôn giáo của mỗi cá nhân. Thật vậy, nơi tầng ý thức của ta, thậm chí cả tầng vô thức, luôn có tiếng gọi nhắc nhở về thân phận ắt tử của đời người, và sự nhắc nhở đó gắn chặt với mối liên hệ với tổ tiên của mình. Chúng ta ‘biết’ mình sẽ không tồn tại mãi trên cuộc đời này, vì ta ý thức được rằng mọi người đi trước, nhất là các bậc tổ tiên, đều đã trải qua sự thật đó. Sự nhắc nhở này mang tầm mức quan trọng thiết yếu với con người, vì, nói theo kiểu triết gia Heidegger, chúng ta chỉ thực sự sống tư cách con người khi đảm nhận ý thức về sự ắt tử của mình. Đối diện với tính ắt tử giúp ta hiểu rõ sự ngắn ngủi của kiếp người, khiến ta biết trân trọng cuộc đời và sống chân thật với chính mình hơn. Quan trọng hơn, nó khiến ta truy vấn về ý nghĩa và cùng đích cuộc sống này, và hướng hy vọng về một đời sống mai sau, nơi ta có khả năng hiệp thông trở lại với tổ tiên mình. Vì thế, có thể nói ông bà tổ tiên hiện diện nơi ý thức hiện sinh của ta về cuộc sống.

     

    Sự hiện diện của ông bà tổ tiên cũng không chỉ giới hạn trong đời sống cá nhân, mà còn trong đời sống cộng đồng xã hội nữa. Chết không có nghĩa là bị cắt đứt hoàn toàn ra khỏi đời sống xã hội. Thực tế, người chết đã trở thành một phần của lịch sử, của văn hoá và của bao khía cạnh khác trong một dân tộc; và do đó, họ cũng là một phần của hiện tại, và cần được nhìn đến như là một thành viên của xã hội đang sống.

     

    Tóm lại, chúng ta có thể tương tác thật sự với tổ tiên của mình một cách rất sống động và cụ thể, đơn giản vì họ thực sự hiện diện cách năng động trong nhiều khía cạnh của đời sống chúng ta. Điều kiện cần là chúng ta phải tái ý thức về sự hiện diện đó, để thấy được sự thật rằng mình có sự liên hệ và gắn kết gần gũi với họ.

     

    Trong truyền thống văn hoá Việt Nam, và trong các tôn giáo nói chung, chúng ta có nhiều cách thức thực hiện việc tương tác với ông bà tổ tiên của mình. Ví dụ, chúng ta có các tập tục quen thuộc như làm giỗ, niệm hương, viếng mộ, cúng bái, dâng lễ cầu siêu, lễ Vu Lan, vv.

     

    Với Ki-tô hữu, ngoài những khía cạnh văn hoá và truyền thống, việc kính nhớ tổ tiên còn được chú trọng ở những hình thức thiêng liêng, như dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện, vv. Hơn nữa, sự tương tác này được diễn đạt một cách sinh động qua tín điều về sự hiệp thông giữa ba thành phần của Giáo hội hoàn vũ: Giáo Hội lữ hành của những người trên trần gian, Giáo Hội khải hoàn của các thánh trên thiên quốc, và cộng đoàn của những người đang chịu thanh luyện. Vì thế, như Công Đồng Vatican II dạy: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh.” Ở chiều ngược lại, “Khi được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa […] các thánh lại không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha.” Có thể nói, mức tương tác đó đạt đỉnh cao ở trong phụng vụ, nhất là Thánh Lễ. Phụng vụ Thánh lễ là một thực tại thánh thiêng, là biến cố mở ra một không gian gặp gỡ đặc biệt giữa con người và Thiên Chúa, trong đó diễn ra sự hiệp thông của cộng đoàn hoàn vũ từ cả ‘ba thế giới’ nói trên. Vì thế, Thánh Lễ là không gian nơi ta có thể thực sự gặp gỡ và hiệp thông với ông bà tổ tiên của mình cách sống động, hay, nói như Đức Thánh Cha Benedictô XVI, là nơi thế giới của sự hữu hạn được tham dự vào thế giới của vĩnh cửu.

     

    Sự tương tác nói trên có thể được diễn tả cách đặc biệt và đậm nét trong Tháng Mười Một, vốn là thời gian được Giáo hội dành riêng để kính nhớ các linh hồn ông bà tổ tiên. Trong tháng này, ngoài những hình thức tương tác kể trên, chúng ta cũng được mời gọi canh tân đời sống đạo đức và thực hiện các việc bác ái phúc đức, để lời nguyện của chúng ta dành cho ông bà tổ tiên được đẹp lòng Thiên Chúa. Thiết tưởng, đó là một cách thức báo hiếu rất cụ thể, và cũng là hình thức để làm cho cuộc sống của mình thêm phong phú và trọn vẹn.

     

    Khắc Bá, SJ

    (vaticannews  27.10.2019

     
     
     

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - CẦN TRÁNH GHEN TƯƠNG

 

  •  
    Chi Tran  - 06-11-2019

     
     
     

    CÁCH CHỮA GHEN TƯƠNG TRONG GIA ĐÌNH

     

    Bài viết dưới đây được khai triển trong ánh sáng của:

     Niềm Vui Của Tình Yêu số 95-96

     

     

    Không biết từ khi nào người Việt Nam lại quan niệm: “vợ đẹp là vợ người ta”? Không! Vợ đẹp là vợ của chồng cô ấy chứ. Thực ra, quan niệm ấy muốn đề cập đến một mối nguy trong đời sống gia đình, đó là sự ghen tương.

    Biết bao nhiêu chuyện lục đục, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt và đổ vỡ đã xảy ra trong gia đình vì chuyện ghen tương này. Nhất là khi gia đình không còn tình yêu, hai người không còn mặn nồng, “người thứ ba” thường là ngòi nổ để hai người cãi vả, chia ly.

     

    Ý thức sâu sắc thực trạng rất thực đó, Giáo Hội cùng với gia đình Công giáo thảo luận nhiều lên quan đến chủ đề này. Nhất là trong tông huấn Niềm Vui Của Tình Yêu, Giáo Hội đưa ra cách chữa lành căn bệnh này. Bài viết dưới đây xin được khai triển những bài thuốc mà Giáo hội muốn những đôi vợ chồng cùng nhìn nhận vấn đề và cùng nhau nói không với ghen tương, đố kỵ.

     

    Ai cũng biết ghen là một trạng thái cảm xúc tâm lý của con người. Nó phản ánh những suy nghĩ mang tính tiêu cực được biểu hiện bằng cảm giác bất an, sợ hãi, bực tức, ích kỷ, cảm thấy mình thua kém và lo lắng về một sự mất mát. Chẳng hạn, người vợ ghen vì nghi ngờ chồng mình đang tằng tịu với một cô nàng nào đó, người chồng quy gán cho vợ mình đang cắm sừng mình. Từ đó, người ghen thường bị cảm xúc giận dữ, oán giận, bất lực và tiêu cực hơn là cảm giác coi khinh và ghê tởm với đối tượng đang hướng đến (người yêu hoặc vợ/chồng) cùng những đối tượng liên quan (tình địch, người tình cũ, bạn tình…). Tiếc là quá nhiều vợ chồng rơi vào thảm trạng ấy. Họ đồng sàn dị mộng. Gia đình hạnh phúc là điều xa vời đối với những ai có thói ghen tương. (Mở ngoặc nơi đây: ghen tuông ở mức độ nào đó cũng cho thấy tình yêu người ghen dành cho chồng hoặc vợ.) Gia đình công giáo cũng không tránh khỏi những ghen tuông nguy hiểm này.

     

    Trước hết, Giáo Hội vẫn luôn mời gọi hai người trở lại với tình yêu phu phụ. Vì điều gì mà họ thề hứa với nhau trọn đời chung thủy? Đây phải là liều thuốc các gia đình cần dùng hằng ngày. Thực vậy, “Tình yêu đích thực thì quí trọng sự thành công của người khác, không xem điều ấy như một sự đe dọa đối với mình, giải thoát ta khỏi vị đắng cay của ghen tị. Nó nhìn nhận rằng mỗi người có những ơn ban khác nhau và có những lối đường khác nhau trong cuộc sống. Vì thế nó cố gắng khám phá con đường hạnh phúc của mình, trong khi để cho người khác tìm thấy con đường của họ.” Trong ý hướng này, dù ngoài kia có biết bao cô gái đẹp, biết bao chàng trai giỏi, nhưng ước gì vợ chồng ý thức rằng mình đã yên bề gia thất.

     

    Nói thì dễ, nhưng thực tế khó hơn nhiều. Chắc ai cũng thuộc nằm lòng: “Ngươi không được ham muốn nhà người ta; ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.” (Xh 20,17). Vì lòng ghen tức mà biết bao chuyện tranh chấp, cãi vã và xung đột đã xảy ra. Chỉ những ai yêu thương vợ, yêu thương chồng đủ lớn, họ mới thắng được lòng đố kỵ, ghen tuông. Chính trong tình yêu, người ta mới trân quý những thành công, vẻ đẹp và hạnh phúc của người khác.

     

    Một điều khó hơn, nhưng hữu hiệu không kém, mà Giáo hội đề nghị: Tôi nhìn người khác với ánh mắt của Thiên Chúa Cha. (số 96). Mỗi người sinh ra đều có quyền được tự do, mưu cầu hạnh phúc và họ được sở hữu vẻ đẹp nội tâm lẫn bên ngoài. Bên cạnh đó, ghen tuông vì so sánh cũng thường xảy ra trong các gia đình Việt. Gia đình anh A mới lập công ty. Con dì B ngoan hiền hơn, cháu anh chị C học giỏi hơn, nhà bác D mới trúng số, chồng chị E mới thăng chức, v.v. Thực sự phép so sánh đó là con dao hai lưỡi. Một mặt, nhìn vào người khác để giúp ta có thêm động lực tiến lên là điều tốt; nhưng mặt khác, so sánh như thế dễ khiến ta ghen tức với thành công của họ.

     

    Trong ánh mắt của Chúa, mỗi người đều ngang hàng, bình đẳng. Ai cũng có thách đố, niềm vui riêng. Chỉ có người “GATO-ghen ăn tức ở”, mới thấy số phận mình, và gia đình mình hẩm hiu. Trong khi đó, người khác lại may mắn biết bao. Nhưng họ đâu có ngờ “nằm trong chăn mới biết chăn có rận”. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Ước gì ta vui với người vui, khóc với người khóc. Để cùng với cái nhìn của Chúa, mỗi người biết vun vén, chăm chút cho hạnh phúc gia đình mình. Nơi đó, thực sự quan trọng cho từng thành viên để tìm về. Xin đừng để những ý tưởng ghen tuông, những lời so sánh dèm pha lấy mất bình yên của gia đình.

     

    Lạy Chúa Giêsu, “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông”. Nhưng đôi khi gia đình nhiều người đang phải đương đầu với sự ghen ghét lẫn nhau. Nhiều nguyên do khiến vợ chồng, con cái mất niềm tin ở nhau. Trong đó, ghen dẫn đến ghét là kẻ thù thường gặm nhấm hạnh phúc của nhiều gia đình. Xin Chúa đổ nhiều tình yêu xuống nơi tâm hồn của người chồng, người vợ và con cái. Để với ánh mắt yêu thương của Chúa, đó thực sự là liều thuốc phòng và chữa trị căn bệnh nguy hiểm này. Được như thế,mỗi gia đình sẽ trở nên mái nhà của hạnh phúc, tin tưởng và yêu thương. Amen 

     

    Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

     

 

VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - NGƯỜI THÔNG MINH CẦN NHỚ

  •  <
    Hung Dao
     
    Oct 24 at 1:50 PM
     
     
    Subject: : Re:Người thông minh không để tâm vào 5 việc vô bổ trong đời
     

    Người thông minh không để tâm vào 5 việc vô bổ trong đời

    Người thông minh không để tâm vào 5 việc vô bổ trong đời
     

    Thế gian đích thị là đầy phiền não. Đại bộ phận chúng ta đều thấy ngán ngẩm trước nghịch cảnh của xã hội hiện nay, ai ai cũng mong cầu có được một cuộc sống yên ổn, hạnh phúc. Nhưng làm thế nào đây?

    Vậy, hãy sống một cuộc sống thật đơn giản. Tâm an, thì tự nhiên thế giới chung quanh cũng được thanh tĩnh.

    Tiền Chung Thư tiên sinh từng nói: “Một lần tắm gội sạch sẽ, xem một đóa hoa, ăn một bữa no, chúng ta cảm thấy rất khoan khoái. Ấy không phải bởi vì tắm rửa được sạch, hoa nở được đẹp, hoặc đồ ăn hợp khẩu vị, mà chủ yếu vì trong lòng không có chướng ngại”.

    Một người có trí tuệ sẽ không chấp nhất 5 việc sau:

    Không suy nghĩ về tuổi tác

    Người ta đẹp nhất là ở độ tuổi nào: 20, 30 hay 40 tuổi? Chỉ cần bỏ ra vài phút ngắn ngủi, ta cũng có thể hình dung một người từ khi sinh ra cho đến lúc trăm tuổi, dung nhan của họ sẽ trông như thế nào?

    Hãy xem, một cô gái từ khi sinh ra còn non nớt như mầm đậu, cho tới khi trưởng thành đã là một thiếu nữ đoan trang, tiếp đến tuổi trung niên thì chỉ như một ngọn gió thoáng qua, chớp mắt đã trở nên già lão. Khi về già mỗi người đều phát hiện rằng, dù có con cháu hay không thì cũng đều cảm thấy cô đơn trước tuổi tác.

    Vậy đối với một đời người mà nói, thì tuổi đẹp nhất là khi nào? Kỳ thực tuổi đẹp nhất chính là “ngay lúc này”, chính là không cần phải lo lắng hay sợ hãi rằng mình sẽ sống được bao lâu, cũng chẳng cần tính xem mình sống được đến năm bao nhiêu tuổi.

    Đối với một người phụ nữ mà nói, điều thật sự khiến cho dung nhan của họ tàn phai chính là là do “tinh thần suy yếu”. Tinh thần mệt mỏi sẽ dễ làm cho tế bào bị lão hóa. Cho nên phụ nữ có vẻ đẹp từ nội tâm sẽ vĩnh viễn không bị già lão. Bởi vì chỉ cần luôn tự tin, nở một nụ cười trên khuôn mặt, người 30 tuổi sẽ trẻ như 15 tuổi, người khí huyết tươi nhuận thì 40 tuổi sẽ trông như 20 tuổi. Nhược bằng một người có thể duy trì tâm tính tốt, thì tuổi thọ còn được kéo dài, mãi mãi được thanh xuân, người 50 tuổi sẽ trông như chỉ mới 25 tuổi.

    Tóm lại, người có thể xem nhẹ tuổi tác thì sống giữa trời đất, không cần dùng son phấn để điểm trang mà khuôn mặt vẫn luôn tươi tắn như đóa hoa, mắt nhìn về phía trước không thấy phong sương, sống tựa như trời đất, mãi được dài lâu.

    Không nghĩ lệch lạc

    Trong cuộc đời, có nhiều người đem tiêu chuẩn của mình mà so sánh với xã hội bên ngoài, rồi tự thấy mình vẫn đang sống rất tốt. Nhưng vì sao con người lại có bệnh hoặc tai nạn xảy ra? Không ai có thể trả lời được một cách chính xác cho câu hỏi đó. Cho nên lấy tiêu chuẩn đạo đức đã trượt dốc quá xa của xã hội hiện tại mà nhận định chính mình thì dễ dẫn đến những suy nghĩ có phần lệch lạc. 

    Ở Nam Mỹ có loài chim Thúy Ba, thường làm tổ rất to. Chiều dài cơ thể chỉ khoảng 5 – 6cm nhưng tổ của chúng lại lớn gấp đôi, thậm chí gấp 10 lần cơ thể. Các nhà nghiên cứu động vật học phát hiện rằng, loài chim Thúy Ba không có láng giềng, khi một con làm tổ, bất kể là lớn hay nhỏ, chỉ cần vừa đủ chỗ ở thì chúng liền dừng lại. Nhưng về sau có con khác đến cùng làm tổ, chúng bắt đầu so sánh, chỉ cần chiếc tổ của hàng xóm lớn hơn một chút, thì chúng liền tiếp tục xây để mở rộng địa bàn, mệt mỏi cũng không ngừng nghỉ. Cuộc đấu cứ thế tiếp diễn cho đến khi một trong hai con lăn ra chết vì mệt thì con kia mới dừng lại.

    Nếu đem so sánh chuyện xây tổ của chim Thúy Ba với quan hệ giữa người với người thời bây giờ, ta thấy cũng không có nhiều khác biệt. Có câu: “Làm ta nguy khốn lại chính là ta”. Người đời lao tâm khổ tứ cũng vì tranh đấu lẫn nhau, tự mình làm cho mình mệt mỏi. Phần lớn những mâu thuẫn trong quan hệ xã hội đều xuất phát từ những nhận thức không đúng đắn, sai lệch mà ra.

    Không nghĩ về bệnh tật

    Một trạng thái lý tưởng nhất của đời người chính là: “Tâm thượng vô sự, thân thượng vô bệnh, khẩu đại hữu tiền”, nghĩa là trong tâm không lo nghĩ, trên người không có bệnh, trong túi có tiền. 

    Cho nên, người ăn năm bát cơm thì cũng không thể nói là sẽ không gặp tai họa. Không ai dám chắc rằng mình sẽ không có bệnh, càng không thể tự làm cho mình miễn nhiễm khỏi mọi loại bệnh tật xâm nhập. Một khi trong tâm lo sợ thì bệnh tật sẽ tự lấn tới, càng sợ tật bệnh thì tật bệnh càng dễ dàng tìm đến cửa nhà.

    Đã muốn sống khỏe mạnh thì đương nhiên không nên suy nghĩ nhiều. Không chỉ cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, luôn bảo trì trạng thái vận động, sinh hoạt điều độ tuân theo quy luật của tạo hóa mà còn phải đề cao đạo đức, cảnh giới tư tưởng. Một khi tâm tính nâng lên thì sức khỏe cũng theo đó mà tốt lên, sinh mệnh đạt đến cảnh giới cao, có thể chống lại mọi tật bệnh. Nhưng một khi bệnh nặng thật sự đã tìm đến cửa nhà thì cũng không cần phải tự trách mình, trách người. Hãy điều chỉnh lại tâm thái cho tốt, suy nghĩ tích cực, hành thiện tích đức, có như thế mới chống lại được tai họa.

    Bất cứ lúc nào, bạn cũng nên nhớ kỹ:

    – Thân thể khỏe mạnh là trên hết.

    – Cảnh giới cao nhất để khỏe mạnh là yêu chính bản thân mình.

    – Trách nhiệm lớn nhất đối với người thân trong gia đình chính là tự mình phải khỏe mạnh.

    Không buồn vì ngày hôm qua, không lo nghĩ chuyện ngày mai

    Điều khiến cho người ta cảm thấy thống khổ nhất là gì? Ấy chính là những khổ nạn và phiền não trong quá khứ vẫn luôn bủa vây tâm trí ta, làm cho cuộc sống hiện tại trở nên ảm đạm, không có ánh sáng… Trong khi cuộc sống đích thực của ta lại chính là ngày mai, là tương lai rộng mở đang đón chờ. Quá khứ làm ta lo lắng, phiền não mà cảm thấy bất an. Nhưng quá khứ thì vẫn là quá khứ, đừng để bóng đen dĩ vãng ám ảnh những ngày hiện tại. 

    Có một lão hòa thượng, hỏi đồ đệ:

    – Nếu chúng ta bước về phía trước, đi từng bước thì sẽ gặp phải cái chết. Thế thì ta nên phải làm thế nào?

    Tiểu đệ tử trả lời không một chút do dự:

    – Ta đi sang bên cạnh ạ!

    Thiết nghĩ, cuộc sống chính là như vậy, đừng ngần ngại vì ngày mai chưa đến, đừng lo âu trước nỗi vô thường. Chuyện ngày mai hãy cứ để ngày mai quyết định, thực sự cảm thấy không còn đường đi, tiến về phía trước không còn được nữa thì hãy đi sang bên cạnh, hãy vòng qua phía sau, hãy bình tâm tĩnh trí nghỉ chân một chút, có lẽ bạn sẽ nhận ra cửa sinh trong tuyệt lộ. 

    Không tìm cách lấy lòng người khác

    Cuộc sống khó khăn nhất là chuyện gì? Đó là biết tự hài lòng với chính mình. Bởi lẽ mỗi người sinh ra đều có số mệnh riêng, cho nên không cần phải gượng ép bản thân để lấy lòng bất cứ kẻ nào.

    Không cần lo lắng đến tuổi tác, hãy học cách tự ban thưởng niềm vui cho chính mình bất luận ta sống được bao lâu. Vốn dĩ con người không hoàn mỹ, điều đó là không thể phủ nhận. Song có lẽ mỗi chúng ta đều mong muốn một lần trong đời được làm vầng hào quang tỏa sáng khắp trời đất. Nhưng thế không có nghĩa là phải đi lấy lòng kẻ khác để tìm chút hư vinh, để có chút ngẩng cao đầu với đời. Bởi danh lợi vốn chỉ là thứ hão huyền. Nó khóa chặt trí tuệ người ta lại, làm cho ta cảm thấy phiền não mà trở nên già nua, bệnh tật. 

    Hãy luôn luôn sống tích cực, hãy bao dung với chính bản thân mình, hãy học cách nhìn vào nội tâm của mình thay vì mãi chạy theo người khác. Tìm thấy sự an ủi trong tâm mới là niềm hạnh phúc lớn nhất. 

    Trúc Dật